Sau 2 năm thực hiện Kế hoạch 4573/KH-UBND, ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện Nghị quyết 08-NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính Trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020. Bên cạnh đó cũng là thời điểm sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ngành Du lịch Bến Tre đã có bước chuyển biến tích cực; từng bước có một vị trí du lịch quan trọng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và trên cả nước nói chung.
Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành và sự tham gia nhiệt tình của các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đưa du lịch Bến Tre trong năm 2019 tăng tốc để bứt phá về đích vào năm 2020 thành ngành kinh tế quan trọng và định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành kinh tế mũi nhọn theo cả nước. Nếu năm 2015, Du lịch Bến Tre thu hút được 1 triệu lượt khách và tổng thu từ khách du lịch gần 700 tỉ đồng. Giai đoạn đến năm 2018 lượng khách tăng bình quân hàng năm đạt 13%/năm; doanh thu tăng bình quân tăng đạt 23%/năm so cùng kỳ năm trước. Riêng năm tăng tốc 2019 lượng khách đến Bến Tre là 1.882.025 lượt, tăng 20% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 796.186 lượt, chiếm 42,3%. Doanh thu từ khách du lịch năm 2018 là 1.329 tỷ đồng, năm 2019 là 1.791 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ. Đó là con số ấn tượng của năm tăng tốc 2019.
Bến Tre là tỉnh có điều kiện phát triển du lịch lý tưởng cho các nhà đầu tư khi có cầu Rạch Miễu, Cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên; giúp Bến Tre nối liền mạch giao thông với các tỉnh duyên hải phía Đông ĐBSCL; việc kết nối với sân bay TP.HCM và Cần Thơ là hết sức thuận lợi. Nếu cầu Đại Ngãi qua sông Hậu và cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành xong thì cả các tỉnh duyên hải của ĐBSCL cũng sẽ qua tuyến nầy, đồng thời Bến Tre trở thành trung tâm điểm vùng duyên hải Đông và Tây của ĐBSCL; lúc bấy giờ sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư du lịch về với Bến Tre. Thật vậy! hiện nay các dự án hạ tầng giao thông du lịch đã hoàn thiện 70% trên toàn tỉnh. Dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng được đẩy mạnh; toàn tỉnh đã thu hút 27 dự án với tổng mức đầu tư 3.110 tỷ đồng. Đến năm 2019 các dự án đã triển khai thực hiện 1.497 tỷ đồng; đạt 48% so tổng mức đầu tư. Trong đó có dự án vừa kinh doanh vừa đầu tư; có dự án đang đầu tư và có dự án đang chờ chủ trương đầu tư; ngoài ra có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu để đầu tư phát triển du lịch.
Khách nước ngoài thưởng thức dừa Bến Tre trong chuyến hành trình về quê hương xứ Dừa |
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch cũng phát triển khá tốt; trong năm 2019, công ty lữ hành tăng thêm 5 đơn vị, nâng tổng số lên 31 công ty lữ hành. Cơ sở lưu trú tăng thêm 8 cơ sở, nâng tổng số lên 79 cơ sở với 1.455 phòng; trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao và 4 khách sạn 1 sao cùng nhiều khách sạn đạt chuẩn phục vụ du khách. Cơ sở ăn uống tăng thêm 21 cơ sở; nâng tổng số lên 129 cơ sở ăn uống với 34.000 chỗ ngồi. Khu, điểm du lịch tăng thêm 2 điểm, nâng tổng số lên 48 khu, điểm du lịch.
Du lịch "Sinh thái sông nước xứ dừa" là thương hiệu không trùng lấp trong vùng ĐBSCL cũng như cả nước; với những sản phẩm đặc trưng như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh có chỉ dẫn địa lý; rừng dừa trên 70.000 hét ta diện tích dừa các loại, chiếm 1/2 dừa cả nước; với sông ngòi chằn chịt trong hệ sinh thái 4 cửa hạ nguồn của dòng sông Mekong (Sông Cửu Long); với trên 33 ngàn hét ta diện tích vườn cây ăn trái đã cho trái quanh năm với mùa nào trái ấy nhằm phục vụ khách du lịch; với các làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử cách mạng phong phú; Chợ nổi Dừa độc nhất vô nhị bên các làng nghề khai thác dừa trên dòng sông Thom ... Tất cả đã vẽ lên bức tranh nhiều màu sắc của quê hương Xứ Dừa.
Du khách trải nghiệm xuồng chèo trong rạch nhỏ rợp bóng dừa nước |
Từ đó, sản phẩm du lịch Bến Tre với nhiều loại hình phong phú và hấp dẫn như: Trải nghiệm sông nước xứ dừa, tham quan di tích lịch sử - văn hóa, trải nghiệm du lịch homestay với cộng đồng, du lịch nông nghiệp kết hợp công nghệ cao, du lịch làng nghề, du lịch biển, trải nghiệm rừng ngập mặn, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,…. Hiện Bến Tre đang xây dựng Làng văn hóa Du lịch Chợ Lách gắn với các làng nghề hoa kiểng cây giống, đây cũng là sản phẩm trong chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) nhằm kích cầu sản xuất và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp gắn với việc phục vụ khách du lịch.
Nguồn nhân lực trong phát triển ngành du lịch đóng một vai trò rất lớn, với sự nổ lực của người quản lý du lịch, người làm du lịch và cộng đồng tham gia du lịch đã góp sức trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du khách. Năm 2019 Sở VHTTDL đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch, kỹ năng trong du lịch,... tổng số 8 lớp với 450 học viên là cán bộ quản lý du lịch, người lao động tại các cơ sở, hộ cá thể, chủ doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 5.500 lao động trong ngành du lịch, trong đó lực lượng qua đào tạo chiếm 62%.
Đại sứ du lịch Bến Tre - hoa hậu trái đất Nguyễn Phương Khánh ký kết hợp tác truyền thông, quảng bá du lịch Bến Tre |
Năm qua, công tác tổ chức các sự kiện về du lịch như Hội thảo, chương trình du lịch và liên hoan ẩm thực Nam bộ trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Dừa lần V năm 2019 tại Bến Tre; phối hợp với các tỉnh liên kết trong Cụm phía Đông ĐBSCL tham gia 6 cuộc hội chợ triển lãm trên toàn quốc; phát hành trên 30 ngàn ấn phẩm các loại của tỉnh và doanh nghiệp; đăng tải trên 60 bài viết về đất và người Bến Tre lên các hệ thống truyền thông đại chúng; tổ chức cuộc thi logo và logan về du lịch Bến Tre; tổ chức cuộc thi ảnh đẹp Bến Tre; tổ chức cuộc thi mẫu quà tặng Bến Tre; hỗ trợ huyện Thạnh Phú và huyện Mỏ Cày Nam tổ chức 2 cuộc hội thảo phát triển du lịch "Từ sông ra biển tại Cù Lao Minh" ,... Qua đó du khách trong và ngoài nước đã biết đến Bến Tre nhiều hơn, đặc biệc là tăng được sự nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là cộng đồng dân cư về sự phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
Du lịch Bến Tre với tinh thần bứt phá về đích trong năm 2020 theo sự chỉ đạo chung của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bến Tre nhằm phát huy những thành quả đạt được trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch thuận lợi, bình đẳng theo qui định của pháp luật. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; tăng cường mối liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là với vùng ĐBSCL để mở rộng liên kết vùng, liên kết miền trong phát triển du lịch.
Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch là vấn đề đặt ra ở năm 2020, Bến Tre thực hiện bản đồ số ứng dụng công nghệ du lịch thông minh nhằm phục vụ du khách tốt hơn trong việc giúp du khách tìm kiếm và tiếp cận với sản phẩm du lịch tại Bến Tre. Mục tiêu thu hút du khách đến với Bến Tre đạt 2.126.000 lượt, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 957.000 lượt chiếm 45%. Doanh thu từ khách du lịch đạt 2.221 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ. Đây là con số mà ngành du lịch Bến Tre phải phấn đấu trong năm 2020.
Để đạt được mục tiêu trên cần phải tuyên tuyền, nâng cao thêm nhận thức đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về Luật Du lịch 2017 và các văn bản qui phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 4573/KH-UBND, ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre về thực hiện Nghị quyết 08-NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020./.
Lê Luông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét