Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Du lịch Ba Tri không ngừng phát triển

Ba Tri cách trung tâm thành phố Bến Tre 36km (khoảng 45 phút đi xe ô tô hoặc xe máy), nằm trên vùng đất Cù Lao Bảo của tỉnh Bến Tre, giữa 2 con sông Hàm Luông và Ba Lai, với đường bờ biển dài 12km, được thiên nhiên ưu đãi đất đai trù phú, nhiều sản vật cùng với nhiều di tích văn hóa - lịch sử, lễ hội và làng nghề truyền thống. Đặc biệt, ở đây còn lưu giữ loại hình nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Hiện nay, huyện có 01 di tích văn hóa - lịch sử quốc gia đặc biệt (Di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu), 04 di tích cấp quốc gia, 08 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như: Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ, di tích lịch sử văn hóa nhà ông Nguyễn Văn Cung và Ngã ba cây Da Đôi,… Đây là những di tích có tiềm năng để phát triển du lịch về nguồn, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử gắn liền với từng di tích cùng với những câu chuyện lôi cuốn về những vị anh hùng và truyền thống cách mạng của người dân Ba Tri nói riêng và cả nước nói chung.

Huyện Ba tri là địa phương có nhiều lễ hội như: Ngày hội Truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre 01/7, Lễ Kỳ Yên ở đình Phú Lễ được tổ chức vào 18-19 tháng 3 âm lịch hàng năm cầu mưa thuận gió hòa mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước, Ba Tri còn hấp dẫn du khách bởi lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào tháng 6 âm lịch hằng năm tại xã An Thủy, huyện Ba Tri mang nét truyền thống văn hóa của cư dân vùng biển, đánh bắt cá có một mùa bội thu.
Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (ảnh sưu tầm)
Ba Tri còn được tỉnh công nhận 5 làng nghề thủ công truyền thống gồm: làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề chế biến rượu Phú Lễ, làng nghề đan đát Phước Tuy, làng nghề sản xuất muối Bảo Thạnh, làng nghề chế biến cá khô An Thủy, đang được du khách đến khám phá, thưởng thức và trải nghiệm. Phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống đang là hướng đi đầy triển vọng của du lịch Bến Tre, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như lưu giữ nét truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay. Đặc biệt, phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi bền vững của Bến Tre trong tương lai.

Về du lịch sinh thái, huyện Ba Tri hiện có Sân chim Vàm Hồ (thuộc xã Tân Mỹ), tại đây mang đậm nét hoang sơ của hệ sinh thái rừng ngập mặn, là nơi sinh sống của trên 100 loài chim, các loài bò sát và thủy sản. Điểm du lịch này thu hút nhiều du khách đến tham quan, khám phá, nghĩ dưỡng, vui chơi. Đến đây, du khách có thể hít thở không khí trong lành, tham quan đường rừng, tìm hiểu tập quán và sinh sống của các loài chim, thưởng thức các món ăn đặc sản như: cá lóc nướng trui, cháo gà xé phay, cá kho tộ,… tại Khu du lịch Hải Vân thuộc Sân Chim Vàm Hồ.

Với việc thiên nhiên ưu đãi cho Ba Tri có đường bờ biển dài 12km (có 2 bãi biển Cồn Hố - xã An Thủy và Cồn Ngoài - xã Bảo Thuận), để khách du lịch đến tham quan 02 bãi biển này huyện đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như: Xây dựng bờ kè dọc theo bãi biển Cồn Ngoài đã hoàn thành hơn 200m, dự kiến kéo dài 01km với kinh phí khoảng 41 tỷ đồng, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc ứng phó với biến đổi khí hậu hoàn thành tuyến đường khoảng 3,5km từ ngã ba Cầu Ngang đến Cồn Ngoài. Việc đầu tư này, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm bãi biển Cồn Ngoài nhiều hơn.
Bãi biển Ba Tri (ảnh XTDL)
Với những sản phẩm du lịch đa dạng hiện có của Ba Tri, các doanh nghiệp lữ hành khai thác các chương trình tham quan hiện có tại huyện Ba Tri, như: Tham quan các di tích văn hóa - lịch sử; tham quan bãi biển Cồn Ngoài và thưởng thức hải sản biển tươi sống; khám phá vườn chim Vàm Hồ; tìm hiểu công trình kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ, kết hợp trải nghiệm làng nghề truyền thống, tạo nên sự đa dạng sản phẩm du lịch về với vùng đất Ba Tri.
Sân chim Vàm Hồ (ảnh sưu tầm)
Trong thời gian tới, huyện cần có giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, như:

1. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để "Mỗi người dân địa phương là một hướng dẫn viên du lịch" nhằm giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân để góp phần kinh tế huyện ngày càng phát triển.

2. Thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch như: Khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi, mua sắm… phù hợp theo hướng bền vững và có hiệu quả để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

3. Đẩy mạnh phát triển du lịch biển cần khai thác phù hợp tài nguyên sẵn có, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Liên kết hợp tác du lịch với các địa phương khác, xây dựng tour, tuyến kết hợp như: Thành phố Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri, Ba Tri - Bình Đại, tour về nguồn, tour kết hợp du lịch tâm linh, sinh thái, làng nghề… đa dạng loại hình du lịch, phù hợp với thị hiếu của du khách.

4. Tăng cường công tác thông tin xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch, hình ảnh Đất và người Ba Tri đến công chúng bằng nhiều hình thức như: làm ấn phẩm, video, clip du lịch để tham gia Hộii chợ, tuyên truyền trên các mạng thông tin truyền thông

Với tiềm năng sẵn có cùng với sự đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân, cùng những sản phẩm du lịch đặc thù và đa dạng du lịch Ba Tri sẽ tạo nên nét riêng biệt nhằm thu hút khách đến ngày đông./.
Bảo Trâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét