Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Thủ công mỹ nghệ dừa Bến Tre

Người dân xứ dừa với bàn tay khéo léo, tài hoa cộng với óc thẩm mỹ đã tạo dựng nên một ngành nghề mới, biến những thứ có giá trị thấp của cây dừa như gáo dừa, cọng lá dừa, chà dừa… thành những sản phẩm đặc sắc, với hàng trăm mẫu mã phong phú,từ đồ dùng trong nhà bếp, bàn ăn, phòng ngủ, phòng khách, lược cho phái đẹp, gậy cho người già cho đến những đồ vật biểu tượng mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ và đậm chất triết lý Phương Đông.  Nhiều tác phẩm độc đáo có mặt trên thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, các làng nghề thủ công mỹ nghệ (tập trung nhiều ở Cồn Phụng huyện Châu Thành, Hưng Phong huyện Giồng Trôm) cũng trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Sản phẩm mỹ nghệ dừa Bến Tre
Từ chiếc gáo dừa đơn sơ người ta có thể cắt ghép thành những tác phẩm mỹ thuật với nhiều sắc màu đen, trắng, vàng, nâu,… rất đặc biệt. Tranh ghép gáo dừa trở thành quà tặng mang nhiều ý nghĩa cho các đoàn khách quý. Từ nguyên liệu gáo dừa, người ta còn sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như túi xách, ví, kẹp tóc, mặt dây chuyền, nhẫn, mặt nạ, đèn ngủ, thiệp chúc mừng, búp bê, con ba ba, con cua, tôm, cá, vỏ đồng hồ,…
Cọng dừa ngày xưa chỉ dùng bó chổi, nay qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công được đan thành những chiếc lẵng hoa, giỏ đựng quà, đựng rượu xinh xinh. Cọng chà dừa có thể biến thành những chiếc lồng đèn với kiểu dáng đa dạng. Chiếc mo nang từ bao đời chỉ dùng làm dụng cụ hốt tro, hốt rác nay trở thành chiếc thuyền chở những bông hoa xinh xắn. Quả dừa “điếc” (dừa lép) cũng được các nghệ nhân tạo thành hình người, hình thú rất ngộ nghĩnh. Nhen dừa (lớp lưới bao bọc giữa các bẹ dừa) làm mũ, túi xách, may dép… Xơ dừa dệt thảm, cuộn làm tổ chim được khách nước ngoài ưa chuộng. Gỗ dừa làm bình trà, bình rượu, lọ hoa, hộp nữ trang…

Dệt thảm sơ dừa

Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Ðốc

Bánh tráng Mỹ Lồng
Nép mình dưới những vườn dừa xanh tươi mát rượi nằm phía bên kia chân cầu Chẹt Sậy là những xóm nhỏ bao đời qua chuyên làm nghề bánh tráng, loại bánh tráng nổi tiếng mà người ta quen gọi là bánh tráng Mỹ Lồng (nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, Bến Tre).
Bánh Mỹ Lồng nổi danh nhất là loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, vừa đặt lên lò than đã tỏa hương thơm lừng. Thứ bánh tráng dừa đó, dân Mỹ Lồng chia làm ba loại, bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh ngang chỉ có dừa không sữa; bánh sữa không dừa...
Công việc của nghề làm bánh tráng bắt đầu từ lúc ba giờ chiều. Ngâm bột, nạo dừa. Khuya đến xay bột, ép nước cốt, gần sáng tráng bánh đi phơi. Nói thì đơn giản, nhưng để có một cái bánh tráng vừa tròn, vừa mỏng đều phải nhờ bàn tay khéo léo và biết bao giọt mồ hôi. Bánh Mỹ Lồng còn có thêm loại bánh nem (bánh tráng cuốn) vừa mỏng, vừa dai, vừa tay cuốn. Loại bánh nem này hiện có mặt ở rất nhiều các nhà hàng sang trọng chốn thị thành...
Bánh phồng Sơn Đốc
Từ Mỹ Thạnh đi tiếp về hướng Ba Tri mười cây số, gặp ngã ba có bày bán thiệt nhiều dừa, rẽ tay phải chưa đầy cây số là về đến Sơn Đốc. Ngôi chợ xã tuy nhỏ nhưng khang trang nằm lọt thỏm giữa rừng dừa xanh mát và những ngôi nhà mới tường xây mái ngói chứng tỏ sự hưng thịnh của Sơn Đốc...
Nguyên liệu chính được làm từ nếp, nhưng phải đồ thành xôi, cho vào cối "quết" nhuyễn cùng với các phụ liệu khác, rồi mới cán mỏng đem phơi. Cũng như bánh tráng, phơi bánh phồng là một kỳ công. Phải vừa nắng, nắng quá bánh sẽ chai, gặp mưa xuống là kể như bỏ.
Cán bánh phồng
Một chục lít nếp (1 lít bằng khoảng 600 gam) cán chừng hơn ba trăm bánh, công việc bắt đầu khoảng 3 giờ sáng và kết thúc khi nắng vừa lên. Khó nhất là khâu quết bánh, năm người đàn ông làm cật lực để quết mỗi mẻ năm lít nếp. Vào làng nghề quết bánh phồng mỗi sáng, tiếng chày thậm thịch rộn rã khác thường. Bình thường mùa mua mỗi lò quết khoảng ba bốn chục lít nếp mỗi ngày. Cao điểm nhất là vào dịp Tết, có khi đến hai trăm lít.
Phơi bánh phồng

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Làng hoa kiểng Chợ Lách

Ngoài những loại cây trái ngon nổi tiếng, Bến Tre còn được biết đến qua nghề sản xuất cây giống, trồng hoa kiểng, tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới (Chợ Lách).
Tại đây cung cấp phần lớn các loài cây giống, hoa kiểng cho toàn quốc và xuất khẩu.

Về làng hoa kiểng, cây giống Chợ Lách, bạn như bị “mê hoặc” bởi không gian của một vùng quê trù phú, hoa trái bạt ngàn. Trải qua gần trăm năm gầy dựng với bao thăng trầm, có lúc tưởng như tàn lụi, giờ đây, mỗi năm làng nghề này mang về lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Nơi đây còn là địa chỉ du lịch lý tưởng mang đậm nét miệt vườn Nam bộ…
Mai vàng Cái Mơn tham gia chợ hoa xuân
Lịch sử địa phương và các lão nông tri điền khẳng định: Công đầu đặt nền móng cho nghề sản xuất cây giống huyện Chợ Lách là 2 ông Phan Văn Minh và Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) ở xã Vĩnh Thành. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chính 2 nhân vật này đã mang một số giống cây mới từ những chuyến công du các nước Đông Nam Á về trồng.
Cúc mâm xôi

Đưa hoa kiểng đi tiêu thụ
Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, các nghệ nhân Chợ Lách đã nghĩ ra việc làm các loại kiểng thú, kiểng hình. Đây là loại kiểng mà ai nhìn vào đó cũng có thể hình dung ra hình thế của các con thú, đồ vật. Trước đây, kiểng thú ở Chợ Lách được làm chủ yếu bằng cây bùm sụm, do loại cây này có thân dẻo dễ uốn. Nhưng cây bùm sụm có thân nhỏ, chậm phát triển và mau chết. Sau đó một số nghệ nhân ở Chợ Lách đã sử dụng cây mai trắng lá nhuyễn (mai chiếu thủy) để làm kiểng thú. Song, cây mai trắng cũng "khó nuôi" giống như cây bùm sụm nên các nghệ nhân chuyển sang sử dụng cây si để uốn kiểng thú.
Kiểng thú Chợ Lách
Lúc đầu các loại kiểng thú được làm chủ yếu là những con vật quen thuộc như: hươu, nai và các con vật trong 12 con giáp. Hiện nay, Chợ Lách đã có sự đột phá mới cả về quy mô lẫn chất lượng và đa dạng về mẫu mã. Do si dễ uốn có sức sống mãnh liệt nên các nghệ nhân có thể làm được hình dáng những con thú rất lớn theo yêu cầu của khách hàng như: hươu, nai, khủng long, cá hóa long: cao 3-4m, rồng dài 30-40m. Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn uốn thành các loại kiểng hình như: nhà lục giác, nhà bát giác; hồ lô, bình bông, ấm trà, hình tháp Eiffel... Điều đặc biệt là các loại kiểng thú, kiểng hình làm từ cây si để được lâu năm và càng lâu năm càng đẹp.

Ẩm thực Bến Tre

Bến Tre có một vị trí địa lý đặc biệt là rất nhiều sông rạch với nhiều nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên phong phú, với nhiều sản vật tự nhiên vốn chỉ có trong rừng dừa. Và người Bến Tre đã biết khai thác các nguồn sản vật đặc trưng đó để sáng tạo các món ăn, kiểu ăn độc đáo của riêng mình.
Dưới những mương rạch của vườn dừa còn có nhiều loài tôm cá đặc biệt như cá bống dừa, cua, tôm càng xanh, tép và nhiều loại thủy sản khác. Trong hệ sinh thái rừng dừa còn có loài ong ruồi chuyên lấy mật từ hoa dừa, các loài rắn, chuột dừa, rắn mối… cũng góp phần làm cho nguồn thực phẩm của người Bến Tre thêm phong phú. Dưới đất trồng dừa còn có nấm mối, các loài rau tự nhiên mọc xen lẫn. Những hệ động thực vật đa dạng trong rừng dừa cũng là thành phần của một số món ăn, đồ uống đặc sắc của người Bến Tre bao đời nay.
Nấm mối xào

Đặc biệt, trong rất nhiều món ăn của người xứ dừa luôn có mặt các dạng nguyên liệu từ cây dừa. Ngày thường cũng như ngày giỗ chạp, lễ, tết, những món “đặc sản” dùng để đãi bạn bè, người thân hay thực khách bốn phương đều không thể thiếu nguyên liệu dừa. Có thể nói qua bao đời vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa biến tấu, sáng tạo đến độ nhuần nhuyễn, tài tình.
Trước tiên xin nói đến việc uống dừa. Có lẽ nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên những giống dừa trồng ở Bến Tre như dừa dâu, dừa chùm (trái nhỏ chỉ độ hơn nắm tay đàn ông nhưng rất sai, 30 - 40 trái 1 buồng, nước rất ngọt), dừa dứa (thơm mùi dứa), dừa xiêm xanh, dừa Tam quan … mỗi loại dừa đều có kiểu ngon riêng, người Bến Tre có câu “uống nước dừa xiêm khỏi tiêm thuốc bổ” để ca ngợi quả dừa.
Dừa dâu
Nước cốt dừa rất đa dụng trong việc chế biến món ăn. Vị béo đậm đà của nước cốt dừa là một hương vị đặc trưng, một trong những nguyên liệu cơ bản. Đây là thành phần không thể thiếu trong rất nhiều món ăn của người Bến Tre. Dừa rám, dừa khô người ta nạo nhuyễn vắt lấy nước cốt, có thể nạo dừa bằng bàn nạo tay hoặc bằng máy, sau đó nhào với nước ấm rồi vắt, ép lấy nước cốt trắng tinh như sữa nên còn được gọi là sữa dừa (tùy theo nhu cầu sử dụng mà lấy nước cốt đặc hay lỏng). Các loại kẹo, bánh, chè, kem cũng như rất nhiều món mặn dùng trong ngày thường hay giỗ chạp, lễ, tết đều không thể thiếu nước cốt dừa.
Tép rang dừa

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Du lịch sông nước Bến Tre

Bến Tre là một tỉnh có nhiều sông rạch nhất đồng bằng sông Cửu Long. Sông Cửa Ðại, Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai... nên đất dừa dường như là xứ sở của sông.

Ở các dòng sông, lại có những cù lao những cồn. Cồn Ốc giữa lòng Hàm Luông, cồn Tân Vinh trên sông Cửa Ðại là những cồn rợp mát mầu xanh của dừa, của lúa nhưng cũng rộm một mầu khi mùa cam tới, đỏ au khắp cù lao khi mùa chôm chôm về.
Với người dân Bến Tre, những con sông, những kênh rạch như mạch máu của quê hương. Con người gắn bó với dòng sông, con rạch từ thuở chào đời tới khi nhắm mắt xuôi tay. Ra khỏi nhà là kênh, là rạch. Thăm hỏi nhau, đi đi lại lại tất tất bằng ghe, bằng xuồng ít thấy xe cộ. Trong tiếng hát ru của người mẹ Bến Tre có âm vang sóng vỗ của những dòng sông, những con rạch, những cây cầu khỉ gập ghềnh.
Ai đã một lần đi trên sông dưới đêm trăng ngời ngời ánh vàng như ướt đẫm những tàu dừa nghiêng ngả bên sông, khó quên lời hát:
Những vườn dừa cành cao, cành thấp
Gió quặt quà cành lá xác xơ
Thương anh em vẫn đợi chờ...
Sông nước Bến Tre còn là nguồn tiềm năng của du lịch đường thủy. Mùa khô, ngày đẹp trời, du khách có thể dạo chơi trên sông nước.
Ðến Bến Tre, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản miệt vườn. Bến Tre không chỉ có dừa mà còn biết bao là tôm, cua, cá mực... mà người dân nơi đây sẽ sẵn sàng thết đãi. Rồi khách lại có thể ghé lên những cồn Ốc, cồn Chim, cồn Tân Vinh để ngắm nghía gần xa và lại để thưởng thức tiếp lần nữa những thứ đặc sản của các cồn bãi trên sông mà trên đất liền không có.
Bởi thế cho nên sông rạch Bến Tre không chỉ là danh lam thắng cảnh mà còn là nét văn hóa ẩm thực kỳ diệu, mời chào du khách muốn về vùng sông nước.

Sân chim Vàm Hồ

Vị trí: Sân chim Vàm Hồ thuộc địa phận hai xã Mỹ Hoà và Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cách TP. Bến Tre khoảng 52km, cách Tp. Hồ Chí Minh 120km đường bộ, 100km đường thủy.

Đặc điểm: Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng, là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò, vạc và nhiều loại chim khác.

Quần thể chim ở sân chim Vàm Hồ gồm: 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ. Khách đến tham quan mỗi năm trên 2.000 lượt người, đông nhất là vào thời gian chim về cư trú sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch.

Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng. Ở tầng cao có dừa nước (trước đây rất nhiều, nên nơi này còn gọi là Cù lao Lá), chà là, đước, mắm, là nơi lý tưởng cho chim ở. Ở tầng thấp có cây ô rô, cóc kèn, lau sậy... là thảm thực vật cho cò, vạc làm tổ sinh sản. So với các sân chim ở đồng bằng sông Cửu Long, sân chim Vàm Hồ còn rất trẻ. Chim mới về Vàm Hồ từ tháng 5/1986. Đây chính là đàn chim trước ở Cù lao Đất, xã An Hiệp, huyện Ba Tri di cư tới đây. 
Sân chim Vàm Hồ
Hàng ngày, cứ tầm 4, 5 giờ chiều, nhìn về hướng tây, từ phía chân trời xa xa, những chấm nhỏ li ti di động ngày càng rõ dần, giây lát sau là đàn cò hàng ngàn con đang vỗ cánh bay qua sông Ba Lai, lượn lờ dưới ánh hoàng hôn rồi nhẹ nhàng đáp lên thảm rừng chà là xanh biếc. Chim về, cả cánh rừng xao động bởi tiếng chim con đói mồi hòa lẫn với từng tiếng kêu oang oác rất to của những chú cò bực bội.

Trời sẩm tối, nhà cò đã về đủ, sân chim lại rộn lên tiếng kêu của loài vạc đi ăn. Cò và vạc tuy ở cùng một cánh rừng nhưng lại thay nhau giữ "nhà". Cò về thì vạc đi, vạc về cò lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình "lặn lội bờ sông". Các nhân viên phục vụ ở nhà hàng khu du lịch Vàm Hồ cho biết những đêm trăng sáng đôi cánh vạc xòe rộng in trên nền trời lung linh ánh trăng vừa gợi hình vừa trầm mặc như những vần thơ cổ.

Ở Vàm Hồ, ngoài vũ điệu ngoạn mục của hàng ngàn cánh cò, cánh vạc, ngôn ngữ cũng có âm điệu đặc trưng của các loài chim hoang dã khác kết hợp với cây lá xào xạc như tiếng con chim cuốc gọi đàn giữa đêm hè tĩnh mịch, tiếng bìm bịp kêu như một điệp khúc gọi con nước lớn, tiếng chim vịt kêu chiều chiều và nhiều loài chim nhỏ sống trong các lùm cây gần vực nước như cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp, thằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt…

Những khi trời mưa gió lớn, sấm sét chim bay lên trời che kín một vùng trời rộng lớn, ước tính có trên 500.000 con, nhiều nhất là họ cò: cò trắng, mỏ đen, mỏ vàng; cò ngang, cò ruồi, vạc, quắm trắng, diệc xám..., đặc biệt có năm còn có loài diệc mốc.

Vào mùa sinh sản, trên các ngọn đước, tổ chim treo oằn, các cành cây.

Tới thăm sân chim Vàm Hồ, du khách được đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, tham quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa dưới tán lá rừng, hít thở không khí trong lành của dòng sông Ba Lai 

Chùa Tuyên Linh

Vị trí: Chùa Tuyên Linh ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

Đặc điểm: Chùa Tuyên Linh được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 20/7/1994. Ngày 19/5 hàng năm, ở chùa đều diễn ra ngày hội với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và mít-tinh kỷ niệm sinh nhật  Bác Hồ.

Chùa Tuyên Linh được xây năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Lúc đầu, chùa có tên là Tiên Linh do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì và được làm bằng tre, lá để thờ bà Sầm.

Năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri về trụ trì tại chùa này. Là một cao tăng rất tinh thông Phật học, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh. Nhờ hiểu rộng, đi nhiều nơi, có vốn nho học lại biết cả chữ quốc ngữ nên ông được các tín đồ, cư sĩ Phật giáo tín nhiệm và có hơn 90% người dân địa phương theo đạo. Hòa thượng Lê Khánh Hòa còn là người sáng lập ra Nam kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam kỳ lúc bấy giờ. Đồng thời nhà sư còn là chủ bút tạp chí Từ bi âm, Giám đốc Phật học tùng thư.

Chùa Tuyên Linh là nơi mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Thời gian cụ Phó bảng ở đây lâu nhất là từ năm 1927 đến 1929. Trong thời gian lưu trú tại chùa, cụ Phó bảng đã mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng và cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa bàn việc dân, việc nước. Ở đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng gặp gỡ các ông: Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát, và trong số họ sau này có người trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre. Năm 1929, cụ Phó bảng lâm bệnh và bị bọn mật thám Pháp theo dõi nên Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã tìm cách đưa cụ về Đồng Tháp. Theo lời kể của những người lớn tuổi ở xã Minh Đức thì tên gọi Tiên Linh tự được nhà sư Lê Khánh Hòa đổi lại Tuyên Linh tự năm 1930 theo sự góp ý của cụ Phó bảng. Cụ giải thích rằng: Tuyên là tuyên truyền. Về phần mình, Hòa thượng Lê Khánh Hòa ngoài tụng kinh niệm phật ông luôn động viên các tín đồ Phật giáo tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến. Do tuổi già, bệnh nặng, Hòa thượng Lê Khánh Hòa  mất ngày 19/6/1947. Trước lúc viên tịch, sư cụ tắm rửa sạch sẽ, thay đạo phục rồi quay mặt về hướng bắc nói những lời cầu mong nước nhà độc lập, chúc sức khỏe Hồ Chủ tịch, sau đó niệm phật rồi tắt thở.

Trong 2 cuộc kháng chiến, chùa Tuyên Linh là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nên đã hai lần bị giặc dùng máy bay ném bom, phá hủy và đốt chùa. Chùa được trùng tu nhiều lần và được xây mới vào năm 1999 trên nền cũ rất khang trang. Tuy nhiên, những hiện vật gắn với quá khứ của chùa không còn nhiều. Đồng chí Việt Hùng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Minh Đức, thành viên ban bảo vệ di tích chùa Tuyên Linh cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch xin xây nhà bảo tàng ở tại chùa. Trước tiên sẽ tìm vận động, sưu tầm những hiện vật gắn với chùa trước đây và tôn tạo lại những bút tích của sư cụ Lê Khánh Hòa và cụ Nguyễn Sinh Sắc để trưng bày ở bảo tàng. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng hệ thống giao thông để tạo sự đi lại dễ dàng cho người dân đến tham quan chùa”.

Cồn Phụng (Cồn Đạo Dừa)

Vị trí: Khu du lịch Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, ngay cửa ngõ tỉnh Bến Tre, cách trung tâm TP. Bến Tre 12km (đường bộ) và 25km (đường sông).

Đặc điểm: Cồn Phụng có diện tích 50ha, dân cư sống chủ yếu bằng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa và trồng cây ăn trái.

Đến Cồn Phụng du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa... lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe nhạc đờn ca tài tử.

Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) - nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn. Nguyễn Thành Nam tự xưng là "Sứ giả của hòa bình", chủ trương mang lại hoà bình từ mọi tôn giáo, sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác). 

Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm: từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng, thìa... hầu hết được chế tác từ dừa.