Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Bánh tét tình quê

Ngày 17/02/2014 (nhằm ngày 27 Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015) tại huyện Châu Thành (Bến Tre) đã diễn ra chương trình “Bánh tét tình quê” do Nhà Hàng Làng Bè của công ty TNHH dịch vụ Du lịch Văn hóa ẩm thực Ba Cây Dừa phối hợp cùng Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre đã tổ chức gói bánh tét tặng người nghèo ở hai xã An Khánh và Tân Thạch nhằm giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời tham gia cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; trong đó tái hiện phong tục tập quán lâu đời của dân tộc Việt Nam 

Khi những nụ mai vàng bắt đầu hé nở, cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân mới đến trên vùng đất Nam Bộ. Lúc này, ở mỗi gia đình, nhà nhà đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết để đón chào một mùa xuân mới. Ngoài những món ăn quen thuộc như: dưa chua, củ kiệu, thịt heo kho trứng, tôm khô, bánh mứt, cùng mâm ngũ quả ngày Tết, một trong những món đặc trưng không thể thiếu trong dịp tết của người dân Nam Bộ là món bánh Tét với đủ hương vị mặn, ngọt. Đó là bối cảnh truyền thống từ lâu đời nay của người dân miền Tây Nam Bộ.

Trong xã hội hiện nay một số lễ nghi và thói quen tập quán cổ truyền đã dần đi vào quên lãng, nhất là giới trẻ càng lúc càng xa rời những tập quán tốt đẹp của cha ông ngày xưa. Nấu bánh Tét ngày Tết cũng rơi vào trường hợp như vậy, ngày bị mai một dần do công việc chiếm quá nhiều thời gian, nên đến ngày Tết thay vì quây quần bên nhau nấu một nồi bánh Tét để cúng Ông Bà và để dành dùng cho dịp đón tiếp khách trong những ngày xuân, thì phần lớn dân đô thị chọn cách đặt mua những đòn bánh Tét đã nấu sẵn bằng công nghệ mới mang về cúng và sử dụng; ngay cả ở vùng thôn quê cũng không ngoại lệ.

Để đi vào ký ức từng người, nhất là giới trẻ hiện nay cần gìn giữ phong tục tập quán của cha ông, chương trùnh nấu bánh Tét nhằm chia sẻ những khó khăn của nhân dân nghèo vùng nông thôn để cùng vui xuân Ất Mùi 2015 tại Châu Thành - Bến Tre, những nghệ sĩ từ TP. Hồ Chí Minh đã tham gia một chương trình hết sức thiết thực đã tạo được sinh khí sôi động của những ngày chuẩn bị đón xuân. Các nghệ sĩ đã đem đến người dân nghèo vùng nông thôn một chương trình văn nghệ đặc sắc, một món ăn tinh thần mà họ chia sẻ trong những ngày xuân sau một năm lao động vất vả. Đặc biệt là họ đã tham gia gói từng đoàn bánh và đến tận tay từng đối tượng thật sự có hoàn cảnh nghèo khó. 

Sáng sớm họ đã tham gia đi rọc lá chuối mang về phơi nắng cho lá hơi héo và dai; rồi tham gia lau lá, ướp thịt để làm nhân bánh, sau đó xào sơ lên cho chín và treo phơi nắng; họ vo nếp và đậu xanh để chuẩn bị gói bánh; người lớn tuổi chỉ dẫn cho lớp trẻ cách gói từng cái bánh Tét; rồi từng nồi bánh tét bắt đầu nổi lửa nấu bánh. Muốn bánh ngon lửa phải được giữ riu riu không được lớn quá, đây là một kỳ công nữa đó là thời gian ngồi chờ nồi bánh rất thú vị. Trong lúc ngồi chờ nồi bánh thì các nghệ sĩ và nhân dân địa phương bắt đầu đờn hát cho nhau nghe.

Tiếng ca, tiếng đàn theo kiểu đờn ca tài tử Nam bộ đã vang lên trong đêm 28 Tết và cũng đã giữ chân những người dân và nghệ sĩ lại với nhau bên nồi bánh Tét. Sáng ngày 17/2/2015 (29/12 ÂL) từng đòn bánh Tét sẽ được đưa lên đoàn xe ngựa cùng các nghệ sĩ đi trao tặng cho bà con nghèo, hoàn cảnh khó khăn để cùng đón Xuân, một mùa Xuân ấm áp nghĩa tình.
Nghệ sĩ tham gia rọc lá chuối
Nghệ sĩ tham gia gói bánh tét
Cảnh hoàng hôn của không gian Nhà hàng Làng Bè nơi tái hiện "Bánh tét tình quê"
Đờn ca tài tử bên nồi bánh tét
Bánh tét và nghệ sĩ lên xe ngực sẵn sàng để khởi hành đi tặng quà
Đoàn nghệ sĩ đã đến xã An Khánh - Châu Thành - Bến Tre
Bánh tét đến tận người nghèo xã Tân Thạch
Nghệ sĩ tặng quà và hát chúc mừng xuân
Chương trình đã gói 600 đòn bánh tét tặng cho người nghèo, mỗi đoàn tương đương hơn một ký, với sự khéo léo của những người lành nghề tại địa phương với sự góp phần của bàn tay nghệ sĩ đã giúp cho đoàn bánh tét vừa đẹp vừa ý nghĩa. Một hoạt động thể hiện nét truyền thống văn hóa, đạo lý lá lành đùm lá rách, một nắm khi đói bằng một gói khi no, cùng yêu thương, đùm bọc, sẻ chia niềm vui, nổi buồn là một hoạt động cộng đồng hết sức thiết thực trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt.

Trong hoạt động đã có sự tham gia của các đơn vị bảo trợ thông tin như Công ty truyền thông Đa phương tiện Media DMT, Hãng phim Xuân Phước, kênh truyền hình HTV7, VTV1, Đài Truyền hình Bến Tre và Báo Đồng Khởi Bến Tre. Các mẹ, các chị lành nghề về gói bánh tét tại địa phương hướng dẫn các anh em nghệ sỹ, ca sỹ, Hoa hậu, Á hậu, người mẫu… từ TP.HCM và thanh, thiếu niên tại địa phương tham gia hoạt động tái hiện phong tục văn hóa đón tết của dân tộc Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng nhằm truyền tin trong những ngày Tết Nguyên đán 2015 làm tiền đề cho những năm tiếp theo trong hoạt động xúc tiến Du lịch. 
Đài truyền hình VTV1 chuẩn bị phát sóng trực tiếp chương trình Bánh tét tình quê
Các hội nhiếp ảnh của Điện ảnh Việt nam và các tỉnh đến chụp hình, quay tư liệu truyền thông, quảng bá cho hình ảnh Đất và Người Châu Thành nói riêng và Bến Tre nói chung. Đây là hoạt động lưu lại những hình ảnh văn hóa đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch cho địa phương vùng sinh thái sông nước miệt vườn của quê hương Đồng Khởi./. 

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Làng nghề bó chổi Mỹ An góp phần phát triển du lịch huyện Thạnh Phú

Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo kinh tế - xã hội xã Mỹ An (Thạnh Phú) ngày càng chuyển biến rõ nét, khai thác phát triển kinh tế du lịch huyện nhà là những gì mà làng nghề bó chổi Mỹ An mang lại.

Niềm vui nơi làng nghề bó chổi

Từ thành phố Bến Tre xuôi theo quốc lộ 60, qua cầu Hàm Luông, đi thẳng hơn 60 km du khách sẽ đến với xã Mỹ An - huyện Thạnh Phú, một xã cù lao với địa hình sông nước, kênh rạch chằng chịt được tách ra từ 02 xã Mỹ Hưng và An Thạnh trước đây. Nơi đây, có một làng nghề bó chổi vẫn được người dân giữ gìn và phát triển cho đến hôm nay. 
Những sản phẩm thủ công truyền thống nơi làng nghề bó chổi Mỹ An
Đến đây, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy những người nghệ nhân, các thợ thủ công lành nghề, nhanh thoăn thoắt làm nên những cây chổi được bó thật đều, thật chặt và đẹp mắt. Nghề bó chổi nằm rải rác ở các ấp trong xã nhưng tập trung nhiều nhất là ở ấp An Hòa - điểm xuất phát đều tiên ở làng nghề. Lúc đầu chỉ có một vài hộ làm với hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ở địa phương. Đến năm 2006, nghề bó chổi ở ấp An Hòa bắt đầu phát triển mạnh và trở thành nơi cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước và đặc biệt trong thời gian gần đây còn xuất sang thị trường Campuchia, Lào. 

Năm 2011, làng nghề bó chổi ấp An Hòa - Mỹ An được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp thứ 18 của tỉnh Bến Tre, mở ra một hướng mới cho việc phát triển sản phẩm làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2012, làng nghề bó chổi Mỹ An được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đây là những điều kiện thuận lợi để làng nghề bó chổi Mỹ An phát triển, đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn nữa. 

Hiện tại, làng nghề bó chổi Mỹ An có hơn 200 hộ tham gia nghề bó chổi và có hơn 30 cơ sở sản xuất với quy mô lớn. Hàng năm, làng nghề bó chổi Mỹ An xuất hơn 1 triệu sản phẩm các loại ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Để có đủ nguyên liệu cọng lá dừa nhằm phục vụ cho sản xuất, ngoài nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, các cơ sở sản xuất ở đây còn thu mua thêm nguyên liệu từ các nơi khác như: Mỏ Cày, Ba Tri, Châu Thành, Tiền Giang,… Làng nghề bó chổi Mỹ An vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương cho gần 500 lao động tại chỗ, doanh thu đạt được từ 22 - 25 tỉ đồng, Năm 2013, làng nghề đã xuất bán trên 8,5 triệu sản phẩm các loại, giải quyết việc làm cho hơn 618 lao động trong đó lao động thường xuyên là 493 và lao động thời vụ là 125 người. Mỗi lao động bó chổi bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng. 

Về làng nghề bó chổi Mỹ An, đi từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng có hình ảnh của người bó chổi, có nhiều hộ gia đình từ người lớn đến trẻ em đều biết bó chổi, ở một số cơ sở sản xuất thì đông đúc hơn, không khí làm việc luôn nhộn nhịp và rộn rã tiếng nói cười. Đây là cơ hội để địa phương đầu tư phát triển bền vững nghề truyền thống này. 

Nhiều điều kiện phát triển du lịch

Mỹ An với lợi thế sông nước hữu tình, con người hiền hòa mến khách. Huyện Thạnh Phú đang đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút thu khách về với huyện biển Thạnh Phú. Nhiều di tích văn hóa - lịch sử quan trọng như: Di tích nơi xuất binh của tiểu đoàn 516, ở Đại Điền, nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, di tích đường Hồ Chí Minh trên biển đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre công nhận là khu du lịch địa phương, trong đó điểm nhấn là du lịch cồn Bửng (Thạnh Phong) đang ngày càng thu hút thu khách. Ngoài ra, Thạnh Phú còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống như: Làng nghề đúc lu Hòa Lợi, chằm nón ở Mỹ Hưng, bánh dừa Giồng Luông, một đặc sản mang hương vị quê hương xứ dừa, … góp phần cho sự phát triển du lịch. Thạnh phú đang đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng nhiều chương trình tham quan hấp dẫn để thu hút du khách trong đó chú trọng khai thác các loại hình du lịch như: Du lịch biển, du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch làng nghề.

Trong điều kiện phát triển du lịch của Bến Tre hiện nay, loại hình du lịch làng nghề đang dần khẳng đỉnh sự phát triển mới như một xu hướng tất yếu. Vì vậy, làng nghề bó chổi Mỹ An nếu khai thác tốt những điều kiện này sẽ vừa phát triển mạnh làng nghề của mình thông qua việc xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường, đồng thời sẽ thu hút được khách du lịch tham quan tạo thêm một nguồn thu nhập ổn định từ du lịch, khách đến tham quan làng nghề vừa được trải nghiệm sản phẩm nơi làng nghề, xem nghệ nhân biểu diễn, vừa mua sản phẩm làng nghề tại chỗ, sản phẩm nơi làng nghề sẽ được xúc tiến, quảng bá thông qua các chương trình du lịch./. 

Hương vị quê nhà - Đậm đà các món ngon từ cá chẽm

Khi mùa nước nổi về, không chỉ có sản vật trời phú là cá linh mà còn có cả bông điên điển, bông so đũa,... mang hương vị “hương đồng cỏ nội”, chế biến nên những món ăn đặc sản vùng sông nước miền Tây hết sức độc đáo. Trong đó, một loài cá mang tên “cá chẽm” một sản vật cũng nổi tiếng không kém khi đến với miền sông nước Cửu Long. Bến Tre, quê hương tôi cũng có sản vật này, là một món quà ẩm thực hấp dẫn cho du khách gần xa, được chế biến thành nhiều món ăn ngon trong thực đơn ở các nhà hàng từ bình dân đến sang trọng. 

Món quà của biển

Quê tôi vùng đất biển, lâu lắm rồi mới có dịp trở lại. Theo các lão cao niên ở quê, cá chẽm có quanh năm, nhưng mùa đánh bắt cá chẽm chính từ tháng 9 đến tháng chạp (âm lịch), khi mùa gió chướng bắt đầu thổi mang theo những làn gió mát rượi từ biển vào làm cho lòng người như nôn nao chuẩn bị đón một mùa xuân ấm áp đã về. Xứ biển quê tôi, mỗi khi vào mùa đánh bắt cá chẽm, bà con ngư dân ai cũng hối hả chuẩn bị các ngư cụ cần thiết để chuẩn bị vào vụ cá như: lưới, cần câu để câu cá chẽm.

Mặt trời càng lúc càng lên cao, từng chiếc ghe chở những đoàn người lần lượt ra biển để vào vụ đánh bắt cá chẽm, nắng chói chang không thương tiếc làn da, nhưng chẳng ai lấy làm mệt nhọc. Nghề lưới cá chẽm cũng rất vất vả lắm, đòi hỏi ngư dân phải có kinh nghiệm, biết giăng lưới như thế nào cho đúng, giăng lưới vào thời điểm nào và giăng ở đâu để bắt được cá chẽm nhiều nhất. Loại cá này có thể đánh bắt ban ngày nhưng đa số ngư dân biển thích giăng lưới vào chiều tối và gỡ lưới lúc hừng sáng để kịp đưa hàng ra chợ bán cho các thương lái vì cá sẽ tươi hơn, cá không bị ương, bán cho thương lái được giá cao.

Người quê tôi hầu như không khi nào lo thiếu vắng cá tươi trong bữa cơm hằng ngày với các loại cá vùng biển như: cá mú, cá rô phi, cá đối, cá chẽm,, cá nâu... và nhiều loại cá khác. Về quê, thích nhất là được đi câu cá chẽm, chiều về được vài ký cá chẽm ngon biếu mẹ chế biến thành những món ngon độc đáo vùng biển như: Cá chẽm sốt cà, cá chẽm nấu canh chua bông so đãu đũa, cá chẽm chưng tương hay món cá chẽm nướng cuốn bánh tráng,... Nhưng độc chiêu nhất vẫn là món cá chẽm nấu canh chua. Nguyên liệu chính là: Cá chẽm, hành lá, ngò gai, giá đỗ, ớt, bạc hà, cà chua, me sống, thế là được một nòi canh chua trọn vẹn. 
Cá chẽm - Một loại cá được chế biến thành nhiều món ngon
Mẹ nói, muốn có một nòi canh chua ngon “đúng điệu” thì phải làm đúng theo mỗi công đoạn. Nước me kèm theo hai trái ớt giã nát, đợi sôi vài dạo, thả từng lát cá vào. Cá vừa chín tới, cho vào tiếp khóm, bạc hà đã cắt miếng vừa ăn. Tiếp theo là cà chua, nêm nếm vừa miệng và nhanh tay tắt bếp vì cà mau chín. Rải hành, rau ngò và thêm vài lát ớt vào nồi, mùi thơm dậy lên nức mũi...

Gắp một miếng cá chẽm thơm ngon chấm vào chén nước mắm cay, tôi cảm nhận được hương vị thơm ngon của cá, vị chua của me, vị nồng cay của ớt, tất cả hòa quyện vào nhau làm nên một món chanh chua độc đáo, cảm nhận trọn vẹn món quà về từ cửa biển... 
Món cá chẽm hấp luôn hấp dẫn du khách
Chế biến nhiều món ngon từ cá chẽm

Cá chẽm là loại cá có giá trị kinh tế cao, thịt rất thơm ngon, nên mỗi khi có dịp về quê vùng cửa biển, tôi lại được thưởng thức các món ngon được chế biến từ cá chẽm do chính tay mẹ nấu, được cảm nhận hương vị đậm đà của một loại cá như một sản vật trời phú từ biển cả. Cảm giác như được tìm về với những kỉ niệm thời tuổi thơ gắn liền với miền đất biển quê nhà. Giờ sống ở thành phố với biết bao tất bật của cuộc sống nhưng tôi vẫn thèm cái cảm giác được mẹ nấu cho một tô canh chua cá chẽm “đúng điệu” vùng sông nước miền Tây.

Không chỉ có ở quê mới được thưởng thức món ngon này, mà hiện nay tại các nhà hàng cũng chế biến cá chẽm thành nhiều món ngon độc đáo để phục vụ thực khách như: lẩu cá chẽm canh chua bông so đũa, cá chẽm chiên giòn, cá chẽm chưng tương,…Ngon nhất phải kể đến món cá hấp, có thể là hấp hành, hấp tuơng, cho đến hấp cải bẹ xanh, món nào cũng ngon tuyệt. Món cá hấp ngon và có hương vị đặc biệt lôi cuốn thực khách bởi có sự phối hợp tinh tế giữa gia vị và nhiều nguyên liệu tỉ mỉ, tạo nên một thứ hương vị quyến rũ, độc đáo riêng.

Trước hết, phải chọn cho được những con cá tươi, làm sạch, để ráo và ướp gia vị cho thấm đều. Sau đó, cho hành lá rải đều trên mặt, đem đi hấp cách thủy, tất cả hương vị quyện vào nhau thật độc đáo, món nào cũng hấp dẫn. Hấp xong, mở nắp nồi, điểm thêm vài cọng ngò rí và vài lát ớt xắt, chỉ cần nhìn sắc màu hài hòa và nghe hương vị đậm đà bốc lên cũng cảm thấy ngất ngây, ăn cá chẽm ngon nhất là lúc nóng. Chúng ta có thể chan nước này với bún hoặc cơm vừa lạ miệng vừa khoái khẩu hoặc ăn với bánh tráng cuốn, chắc chắn sẽ hài lòng thực khách với món cá chẽm hấp, đúng thật là món ăn có sức hút kì lạ./.