Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Cơ sở lưu trú tại xứ dừa Bến Tre

Bất kỳ du khách nào đi du lịch cũng đều quan tâm mình sẽ nghỉ tại khách sạn hay nhà nghỉ nào? Vì vậy, ngoài việc thỏa thích khám phá, vui chơi tại các điểm du lịch, du khách không thể bỏ qua hàng loạt các cơ sở lưu trú rất có uy tính tại Bến Tre, với đầy đủ tiện nghi và trang thiết bị cần thiết, giá cả thích hợp với từng đối tượng khách, kết hợp với sự chuyên nghiệp của đội ngũ phục vụ sẽ mang đến cho du khách thoải mái khi được đến với Bến Tre.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 75 cơ sở lưu trú (khách sạn và nhà nghỉ) tại trung tâm thành phố Bến Tre và các huyện. Khi du khách đến Bến Tre tùy theo khả năng mà du khách có thể lựa chọn cho mình một nơi nghỉ hợp lý nhất.

Khách sạn Hàm Luông (***)
 Số 200C  - đường Hùng Vương – phường 5 – Tp Bến Tre
ĐT: 0753. 560 560
Khách sạn Hàm Luông là khách sạn đầu tiên của Bến Tre đạt chuẩn 3 sao. Với hơn 60 phòng, có bãi đậu xe rộng rãi, có đầy đủ các dịch vụ như: massage, dịch vụ phòng 24/24h, bar – café trên sân thượng, nhà hàng, phòng hát karaoke … trong đó khách sạn còn là đơn vị tổ chức các tour trong và ngoài nước rất có uy tín và chất lượng hiện nay.
Khách sạn Hàm Luông nằm trên tuyến đường đẹp nhất của Bến Tre. Mặt trước hướng ra sông Bến Tre, các mặt còn lại đều hướng ra trung tâm như: Chợ, trung tâm hành chính của tỉnh. Trong khuôn viên của khách sạn có hồ bơi và cảnh trí rất đẹp. Cách khách sạn khoảng 200m, vào buổi tối nếu có dịp du khách còn được thưởng thức món ăn từ các quán ăn ven đường rất ngon, đặc biệt là thưởng thức các món được chế biến từ hải sản.
Khách sạn Hùng Vương
 Số  148 – 166, đường  Hùng Vương P3, thành phố Bến Tre
ĐT: 0753. 822 408
Khách sạn Hùng Vương có trên 30 phòng, đầy đủ các trang thiết bị, tận tình phục vụ du khách với đội ngũ chuyên nghiệp thường xuyên qua các lớp tập huấn nghiệp vụ.
Khách sạn nằm trên tuyến đường Hùng Vương, hướng ra sông Bến Tre, phía sau là cơ sơ mới của Bảo Tàng cách ngôi nhà cũ khoảng 20m. Cơ sở được xây dựng gồm một tầng trệt, 2 tầng lầu, được đặt tên “Nhà trưng bày thành tựu kinh tế-văn hóa-xã hội và an ninh quốc phòng tỉnh Bến Tre”. Nằm ở vị thế gần với trung tâm chợ nên rất thuận lợi cho việc đi lại, mua sắm.

Khách sạn Đồng Khởi
Số 16 - Hai Bà Trưng, phường 02,  Tp Bến Tre
ĐT: 0753. 822 632
Khách sạn Đồng Khởi có trên 23 phòng, với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi, thoải mái. Địa thế khách sạn nằm bên hồ Trúc Giang, một trong những cảnh quan đẹp nên thơ của thành phố Bến Tre. Khách sạn Đồng Khởi còn là địa chỉ an ninh tốt, bởi nằm gần với trường trung học, cao đẳng, …. Nằm dọc quanh khách sạn là con đường với những tán lá cây to thích hợp ngồi đọc sách, thư giản hay du khách có thể thưởng thức café hay các loại nước giải khát tại các quán giải khát nằm bên hồ với giá cả vừa túi tiền của du khách.
Khách sạn sân vườn Sao Mai
Số 106C – ấp  Bình Thành – xã Bình Phú – Tp Bến Tre
ĐT: 0753. 823679
Nằm trên tuyến đường tránh QL 60, gần khu chung cư Sao Mai kết hợp với ưu thế cảnh quan sân vườn thoáng mát, nên khách sạn Sao Mai là nơi rất lý tưởng cho du khách nghỉ ngơi khi về Bến Tre. Với 36 phòng tương đương chuẩn 2 sao và không gian mát mẻ, đặc biệt có 02 sân tennis để du khách rèn luyện sức khỏe hay có nhu cầu giao hữu cùng với bạn bè.
Nếu du khách đi qua cầu Rạch Miễu theo QL 60 đến vòng xoay ngã tư Tân Thành du khách tiếp tục chạy thẳng sẽ gặp một vòng xoay nữa. Nếu đi thẳng du khách sẽ đến các huyện của Bến Tre còn rẽ trái sẽ vào đường tránh QL 60 và cứ thế du khách cứ việc đến được khách sạn Sao Mai một cách dễ dàng.

Khách sạn Bến Tre  
Số 8/2 -  Trần Quốc Tuấn - phường 4 -  Tp Bến Tre
ĐT: 0753. 825 332
Khách sạn Bến Tre nằm đối diện công viên Tượng đài Đồng Khởi. Tại vị trí này rất thuận lợi cho du khách tản bộ quanh công viên tượng đài Đồng Khởi, đến hồ Trúc Giang, công viên tượng đài Trần Văn Ơn hay đến các đại lý, siêu thị, Trung tâm thương mại …, mua sắm đặc sản xứ dừa. Du khách có thể thưởng thức hay tham gia giao lưu “hát nhau nghe” tại Trung tâm Văn hóa tỉnh hay tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí của thanh thiếu nhi tại Nhà thiếu nhi.
Tại điểm này du khách rất thuận lợi đón xe buýt để đi đến các điểm du lịch của huyện Châu Thành, Bình Đại hoặc đi huyện Giồng Trôm – Ba Tri hay sang cù lao Minh (Mỏ Cày Nam – Mỏ Cày Bắc – Thạnh Phú và Chợ Lách).

Nhà Khách Bến Tre
Số 5 – đường Cách mạng Tháng Tám -  phường 3 – Tp Bến Tre
ĐT: 0753. 822339
 Nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi trên đường  Cách mạng tháng Tám, một trong những con đường nhộn nhịp nhất của thành phố Bến Tre. Nhà khách hiện có 35 phòng với tiện nghi đầy đủ. Đây còn là điểm nơi điểm tâm sáng khá nổi tiếng, ngon nhất là hủ tíu Mỹ Lồng, hủ tíu gà và hải sản; cơm tấm sườn nướng; bò bít - tết, đặc sắc về giải khát là cà phê sữa đá….Tại đây du khách vô cùng thuận lợi tản bộ khám phá Bảo tàng  Bến Tre, dạo cảnh bờ sông Bến Tre trên con đường Hùng Vương, ngắm nhìn công viên tượng đài “Chiến thắng trên sông”; viếng thăm đình An Hội, chùa Viên Minh hay đến Trung tâm thương mại, Chợ Bến Tre mua sắm…. Ở vị trí này, du khách có thể đón xe buýt để đến các điểm du lịch của huyện Giồng Trôm, Ba Tri; hay sang Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Chợ Lách hoặc Châu Thành. Nhà hàng nơi đây cũng có những món ăn khá nổi tiếng như: Bò quanh lửa hồng; tả pí – lù; ốc hầm chuối xanh; gà ta nướng muối ớt; lẩu canh chua cơm mẻ, cá ngát nấu với bắp chuối…

Bên cạnh đó, còn có một số khách sạn khác cũng nằm trên những tuyến đường đẹp và thuận lợi ở thành phố Bến Tre như:
  • Khách sạn Hương Lan - 206C - Nguyễn Văn Tư - phường 7 - ĐT: 075.822021;
  • Khách sạn Kim Cương 1B7 - Đoàn Hoàng Minh, phường Phú Khương - ĐT: 0753.814366;
  • Khách sạn Cửu Long  - 64A -  Quốc lộ 60 - phường Phú Khương - ĐT: 0753.822548.
Ngoài các khách sạn, thành phố Bến Tre còn có hệ thống các nhà nghỉ với giá cả tương đối hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của du khách nhưng cũng đạt chất lượng:
  • Nhà khách 99 – 73  Phan Ngọc Tòng -  phường 2 – Tp Bến Tre - ĐT: 0753.811233;
  • Nhà nghỉ Hải Nguyên 348/1 ấp 1 - Sơn Đông - ĐT: 0753.837303;
  • Nhà nghỉ Thanh Bình – 98  Nguyễn Thị Định -  phường Phú Tân  - Tp  Bến Tre - ĐT: 0753.828623
Hiện tại các cơ sở lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ trên đều có sự công nhận về trang thiết bị, tiện nghị và đặc biệt là độ an toàn cao.
Nằm ven cửa ngõ của Bến Tre, huyện Châu Thành là địa phương có nhiều điểm đến du lịch sinh thái  - sông nước – miệt vườn rất hấp dẫn. Vì thế, mà nơi đây cũng có nhiều địa chỉ lưu trú mà du khách sẽ dễ dàng tìm kiếm. Qua cầu Rạch Miễu du khách men theo QL 60 sẽ bắt gặp các cơ sở lưu trú như:
  • Khách sạn Thảo Nhi  - 12/1 ấp 1 – xã Tân Thạch - ĐT: 0753.860009;
  • Khách sạn An Khánh - ấp 5 - xã An Khánh - ĐT: 093.873394;
  • Khách sạn Cồn Phụng - Ấp 10 - Tân Thạch - ĐT: 0753.822198;
  • Nhà nghỉ 49 -  khu phố 3 -  thị trấn Châu Thành - ĐT: 0753.610759;
  • Nhà nghỉ Cánh Hồng - 542/2 ấp Phú Ngãi – xã Phú An Hoà - ĐT: 0753.895532.
 Đặc biệt, tại huyện Châu Thành còn có thêm dịch vụ homestay (ngủ tại nhà dân) rất mới lạ và chỉ phát triển ở xã Phú Túc, xã An Khánh. Hiện nay, tại Châu Thành đang hoàn thiện dần Khu du lịch  nghỉ dưỡng Forever Green Resort (còn gọi tắt Resort bên bờ sông Tiền) cũng ở xã Phú Túc – giáp với xã Thành Triệu.
Tham quan du lịch vùng trái cây ngon nhất có tiếng nhất nước – huyện Chợ Lách của Bến Tre, du khách có thể nghỉ qua đêm tại:
  • Khách sạn Ngọc Bội - Khóm 2 - Thị trấn Chợ Lách - ĐT: 0753.871957;
  • Nhà nghỉ Vân Anh - 194/10A -  khu phố 1, Thị trấn Chợ Lách - ĐT: 0753.871765;
  • Nhà nghỉ Bảo Đăng - 206/29 - ấp Vĩnh Hưng 1 – xã Vĩnh Thành - ĐT: 0753.875272…
Và còn rất nhiều cơ sở lưu trú khác nằm rải đều ở các huyện của Bến Tre như: Huyện Ba Trinhà nghỉ Hoàng Vũ, nhà nghỉ Đông Phương, ….; Huyện Bình Đại có: Khách sạn 33, Khách sạn Mỹ Tiên, Hùng Vương (Mỹ Tiên 2), ….; hay tại ngay thị trấn Mỏ Cày Nam du khách có thể liên hệ khách sạn Huỳnh, Ánh Hồng, nhà nghỉ Thanh Thủy, …

Phần lớn các cơ sở lưu trú tại trung tâm thành phố Bến Tre và các huyện đều nằm ở vị trí thuận lợi trên các tuyến đường nối các điểm di tích, điểm du lịch và phương tiện vận chuyển khách du lịch đều đến được.

Hiện nay, tại thành phố Bến Tre có các dự án đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú như: Dự án khách sạn 3 sao Việt  - Úc, đang thi công tại phường 3; đang làm hồ sơ đầu tư dự án khách sạn 4 sao - phường 7, khách sạn 3 sao – quốc lộ 60 - phường 6; đang hoàn tất hồ sơ dự án khách sạn Hoàng Ngọc- phường 7 với qui mô 12 tầng; dự án khách sạn 3 sao Huỳnh Thảo - xã Bình Phú.

Hy vọng rằng trong tương lai du khách đến xứ dừa Bến Tre sẽ chọn được cơ sở lưu trú thích hợp để nghỉ dưỡng và du khách sẽ  hài lòng./.
Bảng giá một số khách sạn tham khảo cho du khách đến tỉnh Bến Tre

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Về xứ dừa - Khám phá cảnh đẹp thành phố Bến Tre

Bến Tre được hình thành trên ba dãy đất cù lao (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa), thành phố Bến Tre ngày nay (là thị xã Bến Tre trước đây) nằm trên vùng đất cù lao Bảo. Ngày 11/8/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/2009/NQ-CP về việc thành lập thành phố Bến Tre trực thuộc tỉnh Bến Tre trên cơ sở toàn bộ diện tích, tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Bến Tre, với diện tích tự nhiên 6.742,11 ha và 143.639 nhân khẩu, 16 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Địa giới hành chính thành phố Bến Tre: Phía Bắc giáp huyện Châu Thành, Đông và Nam giáp huyện Giồng Trôm, Tây giáp sông Hàm Luông.

Thành phố Bến Tre nằm bên bờ sông cùng tên và ở vị trí gần như trung tâm của tỉnh. Vì thế mà thành phố Bến Tre có đầy đủ những ưu thế để phát triển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng đất xứ dừa. Từ xưa hệ thống giao thông thủy, bộ nơi đây đặc biệt thuận lợi. Về giao thông bộ hiện nay từ Bến Tre đi thành phố Hồ Chí Minh 86 km và chỉ mất gần 2 giờ đồng hồ. Về đường thủy từ thành phố Bến Tre tàu thuyền có thể đi thẳng một mạch đến thành phố Hồ Chí Minh, sang thành phố Mỹ Tho, Cần Thơ hoặc đến các trung tâm kinh tế khác ở đồng bằng Nam Bộ, và có thể ngược dòng sông Cửu Long đến tận Phnom Pênh, thủ đô của nước Campuchia.

Phải khẳng định rằng: hai hệ thống đường thủy và đường bộ, nhất là đường thủy ở Bến Tre, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân từ những xóm làng xa xôi hẻo lánh nhất của ba cù lao có thể đi đến tỉnh lỵ một cách dễ dàng. Và kể từ khi cầu Rạch Miễu thông thương nối liền 2 tỉnh Bến Tre – Tiền Giang; cầu Hàm Luông nối liền cù lao Bảo với cù lao Minh, thì hệ thống giao bộ càng thuận lợi hơn rất nhiều. Các tuyến xe buýt khởi hành hàng ngày từ thành phố Bến Tre đến các huyện, cũng như trung tâm một số xã và ngược lại, mỗi chuyến xe buýt chỉ cách nhau 20 phút.

Đến trung tâm thành phố Bến Tre, du khách ngắm nhìn những cảnh đẹp hữu tình của một thành phố tỉnh lẻ nằm bên dòng sông thơ mộng. Điểm dừng chân đầu tiên du khách có thể tham quan đó là: Công tượng đài Đồng Khởi, tọa lạc trong công viên Ngã Ba Tháp, trên đại lộ Đồng Khởi (đoạn Phường 4 ) - con đường chính dẫn vào trung tâm thành phố Bến Tre. Tượng đài này được khánh thành vào ngày 17/01/1995, gồm nhân vật trung tâm là một phụ nữ cao 7,3m, tượng trưng cho phụ nữ Bến Tre anh hùng. Phần nền bố trí theo hình xoắn ốc, đường kính 30m, phía sau lưng là tàu lá dừa cao 15,6m. Nhóm tượng gồm 4 nhân vật: cụ già đánh mỏ, anh bộ đội giải phóng ôm súng ngựa trời trong tư thế xốc tới, chị phụ nữ bồng xác em bé, bên cạnh một em bé ôm bó chông tre. Phía sau nhóm tượng là bức phù điêu hình vòng cung cao 4m, dài 20m, miêu tả quá trình diễn biến của cuộc Ðồng khởi lịch sử ngày 17-1-1960. Công trình do nhóm tác giả Trần Thị Chúc, Lê Dân, Lương Xuân Ba và Ðoàn Thiên Lương thực hiện.

Tượng đài Ðồng khởi là một trong những tượng đài tiêu biểu, mang ý nghĩa lịch sử đấu tranh cách mạng của người dân xứ dừa. Ngay chính giữa tượng đài là hình ảnh một tàu lá dừa vươn cao, mặc dù bị bom đạn bắn rách tả tơi, nhưng vẫn vươn lên thẳng tắp. Phía trước là hình ảnh người phụ nữa tóc dài, áo bà ba giơ cao ngọn lửa, là biểu trưng của tinh hoa kháng chiến Bến Tre. Bên cạnh là tượng những thế hệ người dân tham gia chiến đấu, bất kể là già trẻ, gái trai đều ôm trong tay vũ khí và xác người đồng đội đã hy sinh tiến thắng về phía trước. Phía sau là phù điêu về đội quân tóc dài huyền thoại. Xuất hiện từ cao trào Đồng Khởi, đội quân đặc biệt này có thể xem là độc nhất vô nhị trên thế gới. Họ có mặt ở hầu hết các công tác cách mạng hậu phương. Vũ khí của họ không phải là súng đạn mà chủ yếu là sự thông minh khôn khéo, thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể.

Thưởng ngoạn cảnh đẹp, du khách ghé thăm công viên tượng đài Trần Văn Ơn nằm ở vị trí phía Tây hồ Trúc Giang. Tượng đài bằng đồng, cao 3m, đặt trong khuôn viên 2.000m2. Anh Trần văn Ơn sinh ngày 14-4-1931 tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Anh tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên trong những năm 1950 và hy sinh ngày 9-1-1950 tại Sài Gòn. Năm 2000, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ngày anh hy sinh được chọn là ngày “Học sinh sinh viên Việt Nam”. Công trình do Nhà nước và đoàn viên thanh niên đóng góp, để nhằm góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của ông cha ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc.

Cạnh công viên tượng đài Trần Văn Ơn là hồ Trúc Giang rộng chừng 2 ha, nước trong xanh biếc. Lý giải về hồ Trúc Giang, theo người xưa kể lại: vào thời Pháp thuộc nơi đây được đào lên để lấp cho cả vùng đất Phường 3. Kể từ đó mà hình thành nên cái hồ nằm giữa trung tâm tỉnh lỵ Trúc Giang trước kia, nay là thành phố Bến Tre.
Hồ Trúc Giang còn có tên gọi là hồ “Chung Thủy”. Chuyện xưa kể rằng có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết, không biết trắc trở tình duyên thế nào, mà họ đã nắm tay nhau nhảy xuống hồ tự vẫn! Cảm thương cho đôi tình nhân ấy, dân gian đặt tên cho hồ là “Chung Thủy”.

Dạo quanh hồ Trúc Giang du khách sẽ ấn tượng, thích thú cảnh đẹp nơi đây và rồi sẽ cảm nhận sự thanh bình của thành phố xứ dừa, một thành phố trẻ đầy thơ mộng. Buổi sớm tinh sương hoặc khi chiều xuống, du khách có thể thả bộ, hít thở không khí trong lành, lắng nghe tiếng chim hót líu lo, ríu rít trên những hàng cây soi bóng bên hồ. Những ngày hè, hoa phượng vĩ nở đỏ rực ven hồ trông rất trữ tình lãng mạn và nên thơ. Chung quanh hồ hiện nay vẫn còn tồn tại những hàng me tây, hàng phượng vĩ cổ thụ và một ngôi trường nổi tiếng có từ khá lâu đời, mà trước năm 1975 có tên gọi: Trường Trung học Kiến Hòa, rồi đổi thành Lạc Long Quân. Sau năm 1975 đổi thành trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, nay là Trường THPT chuyên Bến Tre.
Hồ Trúc Giang đã hai lần được cải tạo, nhưng không vì thế mà làm mất đi vẻ đẹp vốn có tự nhiên của hồ. Nó vẫn đẹp, vẫn quyến rủ như ngày nào. Người dân xứ dừa quê tôi dù đi đâu, ở đâu, xa quê hương bao lâu, vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua làm mặt nước hồ lay động nhè nhẹ, yên ả, nên thơ, xao động lòng người... Những người con về thăm lại quê hương, dạo lại quanh hồ, hình như ai cũng mơ về vĩ vãng, muốn mình nhỏ đi như thuở cặp sách, trốn học, nhảy tắm dưới hồ ...
Tham quan toà nhà Bảo tàng Bến Tre toạ lạc tại số 146 - đường Hùng Vương, phường 3. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với những cánh cửa hình vòm đặc trưng gồm một tầng trệt và một tầng lầu, diện tích 474m2. Mặt chính ngôi nhà hướng về phía sông Bến Tre, mặt sau hướng về đường Cách mạng tháng Tám, một trong những con đường nhộn nhịp nhất của thành phố Bến Tre. Bảo tàng nằm ngay trung tâm thành phố, với khuôn viên rộng hơn 13.000m2, xung quanh có những cây cổ thụ tỏa bóng mát cùng nhiều hoa kiểng nghệ thuật quý giá, đẹp mắt.
Tại ngôi nhà Bảo Tàng này từng diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của quân dân Bến Tre. Năm 1938 theo sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thái Bường, nơi đây làm cơ sở nội tuyến bí mật in ấn tài liệu. Tháng 10/1945, cũng tại đây diễn ra lễ ký quyết định thành lập công binh giới của lãnh đạo Tỉnh ủy; là cơ sở hoạt động bí mật của chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo với cương vị Đại tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa giai đoạn 1960–1962. Hiện nay, nội thất đã được sửa chữa lại để phù hợp cho việc trưng bày, triển lãm. Toàn bộ các phòng và hành lang đều được sử dụng để trưng bày hơn 3.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu gồm 3 phòng ở tầng trệt và 3 phòng ở tầng lầu, như: Giới thiệu khái quát lịch sử của Bến Tre từ những năm đầu thế kỷ XX đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (30/4/1975); 01 phòng phía sau trưng bày Di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi (ấp Bình Thành, xã Bình Phú, thành phố Bến Tre, được phát hiện và đào thám sát vào năm 2003, khai quật vào các năm 2004, 2005, 2006). Hành lang trên tầng lầu, phía trước thì được dùng để trưng bày tranh vẽ ngược kính về Bác Hồ của tác giả Đoàn Việt Tiến là người con của quê hương Bến Tre.

Ngoài những phòng trưng bày trong nhà, Bảo tàng Bến Tre còn có khu trưng bày ngoài trời rộng 288m2, trưng bày những hiện vật thuộc thể khối có kích thước lớn như xác máy bay, pháo, vỏ bom, … Bằng những hiện vật, hình ảnh, mô hình, Bảo tàng Bến Tre giúp người xem hệ thống lại lịch sử phát triển của tỉnh trong hơn 100 năm qua. Năm 2002, Bảo Tàng Bến Tre xây dựng thêm một cơ sơ mới trên địa điểm cách ngôi nhà cũ khoảng 20m về phía phải (nằm phía sau Nhà hàng - Khách sạn Hùng Vương). Ngôi nhà được xây dựng gồm một tầng trệt, 2 tầng lầu, được đặt tên “Nhà trưng bày thành tựu kinh tế-văn hóa-xã hội và an ninh quốc phòng tỉnh Bến Tre”.

Bảo tàng nằm ở vị trí thuận lợi về mọi mặt, khuôn viên và quan cảnh xung quanh rất đẹp, là điểm hẹn của nhân dân, sinh viên, học sinh, khách du lịch trong và ngoài tỉnh cùng những người muốn tìm hiểu về xứ dừa. Bảo tàng vẫn ngày ngày mở cửa đón khách tham quan để quảng bá và giáo dục truyền thống, lịch sử vùng đất Bến Tre.
Khám phá cảnh đẹp thành phố Bến Tre, du khách thả bộ ngắm cảnh trên đường Hùng Vương nằm bên bờ sông Bến Tre. Con đường này nối dài từ địa phận Phường 1, 2, 3, 5, 7 và tận Bến phà Hàm Luông. Đây là một trong những con đường đẹp, có hàng cây xanh bóng mát thẳng tắp, nhiều du khách đến Bến Tre cứ trầm trồ khen ngợi. Hai bên bờ sông được làm bờ kè, hình thành nên công viên có tên gọi như tên con đường. Dạo cảnh vào buổi sáng, buổi chiều hay về đêm trên công viên Hùng Vương, hít thở không khí trong lành, thoải mái, ấm áp, du khách sẽ cảm nhận được cái đẹp bình dị, yên ả, nên thơ, thú vị bên dòng sông xứ dừa.

Tượng đài Chiến thắng trên sông cũng được xây dựng tại công viên Hùng Vương, nối dài từ cầu Cái Cá đến cầu Kiến Vàng (thuộc địa  phận Phường 5) và đối diện với Khách sạn Hàm Luông. Tượng đài Chiến thắng trên sông xây dựng nhằm tưởng niệm những chiến công hiển hách, thần kỳ của những anh hùng đội đặc công thủy Bến Tre năm xưa, đã hy sinh anh dũng góp phần giải phóng thị xã Bến Tre, giải phóng đất nước, mà tiêu biểu trong đó là anh hùng Hoàng Lam. Vì thế, mà nơi đây còn gọi là Công viên Hoàng Lam hay tượng đài “Cởi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ”.

Cầu Bến Tre 2, cũng là cây cầu đẹp nằm trên đường Hùng Vương. Về đêm, từ đỉnh cầu nhìn sang phía 2 bờ sông hay ngắm nhìn một góc thành phố xứ dừa, sẽ cảm nhận nét đẹp lung linh huyền ảo trên dòng sông kết hợp với mỹ quan của đô thị thành phố Bến Tre thật tuyệt hảo, được tạo ra từ những ánh đèn đường phố, từ những ngôi nhà nằm hai bên bờ sông và xa xa lấp lánh ánh đèn của tàu, thuyền neo đậu, xuôi ngược trên sông…. Tất cả cùng đan xen tỏa sắc màu ánh sáng diệu kỳ dạ trên mặt sông. Thỉnh thoảng đâu đó làn gió nhè nhẹ thoảng qua, làm mặt nước sông lay động, tạo nên những đợt sóng lăng tăng, nhấp nhô, lách tách vỗ nhẹ vào đôi bờ. Ven bờ hàng bần cũng đung đưa như vẫy tay mến chào quí khách. Những hình ảnh thân thương đáng yêu ấy cùng hòa quyện vào nhau, tạo nên những hình ảnh đẹp làm xao động lòng người, nhớ mãi đến sông nước xứ dừa và rồi du khách sẽ trở lại lần nữa với bạn bè thân hữu.

Qua cầu Bến Tre 2, du khách mặc sức lựa chọn: du thuyền, xuồng chèo hay xe đạp, xe gắn máy…, để đến các điểm du lịch sinh thái - miệt vườn tại xã Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh như: Vườn cây xanh, Lan Vương, Hai Chi, Dừa xanh, Hai Hồ, Bảo Châu, Bảo Duyên…; tham quan công đoạn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng…; thưởng thức các loại trái cây thứ thiệt của vùng sông nước Bến Tre. Nổi tiếng và ngon nhất là “bưởi da xanh” trồng trên đất Mỹ Thạnh An hay các món ăn dân dã, bình dị sẽ làm du khách hài lòng.


Những năm gần đây, du khách đến thành phố Bến Tre đều chọn điểm dừng chân tại khu du lịch sinh thái Lan Vương tại xã Phú Nhuận. Đây là điểm dừng chân lý thú, với diện tích khoảng 7ha, nằm ở vị trí thuận lợi cặp tỉnh lộ 887, điểm du lịch này đang hoàn thiện dần và ngày càng thu hút rất đông du khách. Nơi đây, đang hình thành khu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ven thành phố Bến Tre. Khu này hiện có cây xanh, bóng mát, hoa kiểng, nhà dừa truyền thống phục vụ ăn uống, giải khát, sân khấu biểu diễn, nhiều loại cây trái đặc sản như bưởi da xanh, mận An Phước, xoài cát Hòa Lộc, dừa xiêm xanh … đã cho trái để du khách thưởng thức tại chổ.

Tại điểm du lịch Lan Vương có thiết kế mô hình “chèo xuồng quanh đảo dừa xanh”, để du khách trải nghiệm và cảm nhận thực sự về sông nước xứ dừa. Du khách có thể tham gia giao lưu đàn ca tài tử, ca nhạc, hát karaoke…. Những năm qua khu du lịch sinh thái Lan Vương đã thực sự trở thành điểm hẹn, điểm đến lý tưởng để tổ chức những hội trại; liên hoan văn nghệ - thể thao quần chúng; hội thi hay liên hoan ẩm thực về dừa; điểm dừng chân của du khách dã ngoại, về nguồn hay những cuộc hội nghị, hội thảo chuyên đề, những cuộc họp mặt truyền thống của các cựu sinh viên…

Về ẩm thực, điểm du lịch Lan Vương rất phong phú các món ăn, du khách thỏa sức lựa chọn, thưởng thức, hấp dẫn và thích thú nhất vẫn là: Cháo gà ta thả vườn trộn với gỏi làm bằng bắp chuối hay cây chuối non; gà ta chiên nước nắm; gà ta nướng lu; củ hủ dừa xào tép hay nấm mối; củ hủ dừa trộn gỏi với tôm và dưa đầu heo; cá lóc nướng mở hành với bánh tráng nem cuốn rau sống chấm nước nắm chua ngọt, nước nắm me hoặc tương xay; thịt bò xào tương ớt, xả cuốn với cải bẹ xanh chấm muối ớt; thịt heo rừng hấp gừng cuốn bánh tráng rau sống chấm với tương xay; nem nướng ăn với bánh hỏi; thịt bò xào với rau mầm… và còn nhiều món ăn độc đáo khác.
Về thăm xứ dừa Bến Tre, du khách hãy khám phá và ngắm nhìn cây bạch mai trên 300 tuổi ở đình làng Phú Tự, xã Phú Hưng, cách Tp Bến Tre 3 km. Đình Phú Tự đã được UBND tỉnh Bến Tre công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh về kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian. Tiền thân của đình Phú Tự là một ngôi miếu nhỏ do nhân dân dựng ngay từ buổi đầu lập làng. Về thời gian xây dựng đình, cho đến nay cũng không ai biết được chính xác, chỉ biết rằng đình được xây dựng trước khi xảy ra cơn bão năm Giáp Thìn 1904. Trong chiến tranh, đình có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương.

Đình Phú Tự xây dựng trên gò đất xưa gọi là gò Xoài. Thời Minh Mạng, khi dân chúng chọn nơi này dựng đình, đã thấy có cây bạch mai cao lớn rồi. Hàng năm, vào giữa tiết lập xuân và tiết thanh minh (từ rằm tháng giêng đến rằm tháng hai âm lịch), cây bạch mai ở đình Phú Tự lại nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngát cả một vùng. Đặc biệt, mai chỉ nở về đêm. Cây bạch mai cổ thụ này, là một trong ba cây bạch mai có tuổi thọ cao nhất nước, còn được mệnh danh là “Cổ thụ mai, thần mai, Danh mộc bạch mai”. Cây bạch mai đã sinh sôi, nảy nở, mọc thành bụi dày với khoảng 50 thân cây lớn nhỏ, cao 5 - 6m, trong đó có 16 thân cây lớn, đường kính từ 20 - 30cm. Các nhánh mai lớn đều vươn mình ra, trong tư thế nằm ngang mặt đất, dài  từ 7 -8m, tỏa thành một tán rộng, chiếm diện tích khoảng 250 m2. Bên cạnh cây bạch mai là nhà tưởng niệm 275 liệt sĩ của xã Phú Hưng, đã hy sinh trong hai thời kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Dưới tán cổ thụ Bạch Mai, có Bạch Mai bia ký do Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu và Bạch Mai thi hội lập năm 1998. Và nơi đây là tụ điểm sinh hoạt giao lưu văn hóa của giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Nhóm Bạch Mai thi hội cũng ra đời tại đây. 

Tại trung tâm thành phố Bến Tre, đối viện với Trung tâm thương mại là đình An Hội. Theo lịch sử, đình An Hội có từ năm 1845 và được tôn tạo lần thứ nhất vào năm 1985. Sau năm 1975, ngôi đình được trưng dụng để làm trụ sở làm việc và nơi hội họp của nhân dân sống trên địa bàn phường 2. Đến năm 1996, ngôi đình được trao trả lại cho Ban Khánh tiết đình và được UBND Thị xã (nay là Tp Bến Tre) giao nhiệm vụ quản lý, điều hành và bảo tồn.
Từ đó đến nay, hàng năm đình An Hội đều tổ chức Giổ hội Hùng Vương (mùng 10/3), lễ hội Kỳ yên, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và các nghi thức cúng dân gian khác của đình. Đình An Hội nằm ở vị trí thuận lợi nên đã thu hút đông đảo người dân Tp Bến Tre và cả du khách ngài tỉnh đến cúng bái, tham quan. Trước sân đình là khoảng sân rộng, đẹp là điểm mà Trung tâm Văn hóa và Thể thao Tp Bến Tre thường xuyên tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và tuyên truyền cổ động các sự kiện, kỷ niệm các ngày lễ lớn ở nước ta.
Cũng như những địa phương khác, ngoài việc thờ cúng Ông, bà theo truyền thống, người dân thành phố Bến Tre cũng tín ngưỡng các tôn giáo như: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa hảo. Tại trung tâm thành phố Bến Tre còn hiện hữu các thiết chế tôn giáo và đa dạng lối kiến trúc như: Chùa Viên Minh - tọa lạc tại (Phường 2), Chùa Viên Giác (Phường 5), Nhà thờ Bến Tre (Phường 3), Cao Đài Ban chỉnh Nguyễn Ngọc Tương (Phường 6)…
Đến thành phố Bến Tre từ vòng xoay Tân Thành (xưa kia là ngã ba Tân Thành) rẽ phải, du khách sẽ bắt gặp đường tránh Quốc lộ 60, đây là con đường khá qui mô, sang trọng và đẹp lộng lẫy. Con đường này có những lối rẽ tắt vào  nội ô thành phố; dẫn đến Cầu Hàm Luông qua cù lao Minh về huyện Mỏ Cày Bắc – Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú – Chợ Lách. Hay đi thẳng qua cầu Bến Tre 2 về huyện Giồng Trôm và Ba Tri. Cũng từ vòng xoay Tân Thành đi thẳng là Đại lộ Đồng Khởi, là con đường chính dẫn vào trung tâm thành phố Bến Tre được cải tạo mở rộng, bố trí trồng cây xanh, trang trí cây cảnh – hoa kiểng rất đẹp.

Phải công nhận rằng, tổng thể mỹ quan thành phố Bến Tre trên 35 năm phát triển đầu tư xây dựng và kiến thiết, đã có nhiều thay đổi, tiến bộ văn minh vượt bậc. Các lối kiến trúc trong xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình, phố xá, nhà cửa…, đã góp phần đưa thành phố Bến Tre hoàn thiện dần thành phố “xanh – sạch – đẹp - thân thiện với môi trường”. Đến đây du khách sẽ bắt gặp những người dân đôn hậu, chân thành, thân thiện, hiếu khách và giàu lòng nhân ái, biết trân trọng kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của đất nước, để xây dựng quê hương xứ dừa ngày giàu đẹp hơn.
Sau khi khám phá, thưởng thức cảnh đẹp của thành phố xứ dừa, du khách có thể nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú nằm ở vị trí thuận lợi, đẹp như:  Nhà hàng – Khách sạn Đồng Khởi (nằm bên bờ hồ Trúc Giang); Nhà hàng – Khách sạn Hùng Vương nằm đối diện bờ sông Bến Tre và công viên Hùng Vương -   đường Hùng Vương; Nhà hàng – Khách sạn Bến Tre nằm đối diện công viên Tượng đài Đồng Khởi; Nhà hàng – Khách sạn Hàm Luông nằm đối diện bờ sông Bến Tre và  công viên Tượng đài chiến thắng trên sông; Nhà khách Bến Tre nằm trên đường Cách mạng tháng Tám, mặt sau của Bảo Tàng Bến Tre…. Những cơ sở lưu trú này có nhiều loại phòng nghỉ và đầy đủ tiện nghi, có dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm, đặc sản xứ dừa.… Và còn nhiều cơ sở lưu trú khác cũng nằm ở trung tâm và ngoại ô thành phố Bến Tre.

Về đêm tại trung tâm thành phố Bến Tre du khách có thể tìm thưởng thức các loại chè nước cốt dừa đặc sắc, sinh tố dừa hay cà phê sân vườn…. Khám phá các món ăn dân dã, đồng quê tại các điểm ẩm thực hai bên đường tránh quốc lộ 60. Và du khách sẽ chiêm ngưỡng cảnh đẹp về đêm ở con đường này; mua qùa lưu niệm (hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa), đặc sản kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng…, tại các cơ sở và đại lý nằm trên Đại lộ Đồng Khởi.


Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Khám phá nét đẹp Cồn Phụng

Khu du lịch Cồn Phụng nằm trên cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, cách trung tâm Tp. Bến Tre 12km (đường bộ) và 25km (đường sông). Cồn Phụng có diện tích 50ha, dân cư sống chủ yếu bằng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ, nghề làm kẹo dừa và trồng cây ăn trái.
Sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây gắn liền với các nghề thủ công được sản xuất từ dừa. Hàng chục sản phẩm thủ công từ đồ mỹ nghệ, đồ gia dụng ra đời như: giỏ, đũa, thìa, lục bình, chân đèn... được làm từ thân, xơ, lá, sợi, gáo của cây dừa rất tinh tế và độc đáo. Du khách đến đây sẽ có dịp chứng kiến tận mắt quy trình làm các sản phẩm được chế tác từ dừa và có thể chọn cho mình một sản phẩm dễ thương làm quà lưu niệm, hay tặng cho bạn bè.

Người dân nơi đây với bàn tay khéo léo, tài hoa cộng với óc thẩm mỹ đã biến những thứ có giá trị thấp của cây dừa như gáo dừa, cọng lá dừa,… thành những sản phẩm đặc sắc, với hàng trăm mẫu mã phong phú, nhiều tác phẩm độc đáo có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời xuất khẩu ra nước ngoài. Từ chiếc gáo dừa đơn sơ người ta có thể cắt ghép thành những tác phẩm mỹ thuật với nhiều sắc màu đen, trắng, vàng, nâu,… rất đặc biệt.
Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm: từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, hình tranh cây dừa Bến Tre và cô gái mặc chiếc áo dài thướt tha đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát,... hầu hết được chế tác từ dừa.

Bên cạnh nghề làm thủ công mỹ nghệ. Ở Cồn Phụng còn có mô hình làm kẹo dừa. Đây là đặc sản không thể không nhắc đến khi du khách đến với Bến Tre. Đến đây du khách sẽ được thăm quan qui trình làm ra chiếc kẹo dừa như thế nào.
Quy trình làm kẹo dừa tại nơi đây:
  • Nguyên liệu chính để làm kẹo dừa phải là dừa khô, cơm dừa phải dầy, có độ béo cao và màu trắng.
  • Dùng dụng cụ lột vỏ dừa, lấy cơm dừa và cho vào máy xay.
  • Cho tất cả cơm dừa xay nhuyễn vào một cái bao và dùng máy ép lấy nước cốt dừa.
  • Phần nước cốt dừa sau khi ép ra có thể cho thêm nguyên liệu phụ vào như: sầu riêng, lá dứa, sôcôla, dâu và phải cho mạch nha vào.
  • Cho tất cà nguyên liệu trên vào một cái chảo rồi cho lên bếp, khuấy đều tay liên tục.
  • Đợi đến khi phần nước cốt cô đặc và chuyển màu, người ta sẽ cho lên khuôn (khuôn đã được bôi trơn một lớp dầu dừa để chống dính).
  • Tiếp tục dùng dao cắt ra làm nhiều thanh kẹo theo kích thước định sẵn. Lúc này người ta có thể cho thêm nguyên liệu lần cuối vào để kẹo có nhiều mùi vị khác nhau như : đậu phộng đâm nhuyễn, kết hợp màu xanh của kẹo dừa lá dứa rồi hòa vào kẹo sầu riêng.
  • Hoặc muốn tạo ra kẹo dừa sầu riêng sôcôla thì cho thanh kẹo nửa màu trắng, nửa màu đen ... nhằm đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng khách hàng.
  • Sau đó cắt ra thành từng viên nhỏ đúng kích cỡ của viên kẹo.
  • Phần cuối cùng là gói kẹo trong một lớp bánh tráng mỏng phía bên ngoài. Bánh tráng này ăn được và có tác dụng rút ẩm cho kẹo và gói thêm một lớp giấy.
  • Cho vào hộp với số lượng kẹo vừa đủ là hoàn tất công đoạn làm kẹo dừa.
Cùng với nghề làm kẹo dừa là nghề làm bánh tráng. Bánh tráng có từ lâu đời và nổi tiếng là bánh tráng Mỹ Lồng (Giồng Trôm). Tại khu du lịch Cồn Phụng, bánh tráng cũng là nghề phổ biến và thu hút khách thập phương đến đây tìm hiểu.
Nguyên liệu chính để làm bánh tráng là bột gạo pha lỏng vừa phải với nước. Cho vào đó một ít bột sắn với một tỷ lệ hợp lý để bánh có thêm độ dẻo, ít bị bể và dễ tráng mỏng (nếu pha nhiều bột sắn sẽ làm cho bánh có vị chua). Ngoài ra còn có các các phụ gia khác như mè, muối, đường, tiêu, tỏi, dừa, hành,...
Qui trình làm bánh tráng:
Dùng một cái gáo múc bột đổ lên trên một tấm vải được căng sẵn trên một cái miệng nồi to có nước đang sôi bên trong. Sau đó dùng gáo dừa trải đều một lớp bột thật mỏng theo hình tròn (thao tác này gọi là tráng bánh), động tác này đòi hỏi phải khéo léo, nhanh nhẹn (có thể rắc thêm mè lên trên). Đợi khi bánh chín, dùng một thanh tre mỏng hoặc một chiếc ống luồn dưới bánh để gỡ bánh ra, trải trên một cái vỉ được đan bằng tre rồi đem phơi nắng.
Độ dầy hay mỏng của bánh được quy định tùy vào mục đích sử dụng. Nếu để nướng thì làm dày nhất, cuốn ướt thì vừa vừa và làm nem thì phải thật mỏng.
Có thể nói, khu du lịch Cồn Phụng không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm từ dừa, mà còn hấp dẫn du khách với các hoạt động ẩm thực vùng sông nước với các món ăn dân dã đậm chất quê dừa.
Sau bữa ăn, du khách có thể ngả lưng trên những chiếc võng rợp bóng mát trong khu vườn nhãn.
Nếu du khách muốn vui chơi, có thể câu cá sấu, hay chụp hình lưu niệm đi trên chiếc cầu khỉ dễ thương… chắc chắn du khách sẽ thích thú.

Bên cạnh việc phục vụ vui chơi giải trí, khu du lịch Cồn Phụng còn có hệ thống nhà hàng – khách sạn thật thoáng mát nhưng cũng không kém phần sang trọng với địa thế dân dã, hữu tình của vùng sông nước.


Ngoài ra, khi đến với Cồn Phụng du khách có thể tìm hiểu rõ hơn về Đạo Dừa thông qua các di tích Đạo Dừa hiện được bảo tồn với các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình - nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén có một đỉnh cao lớn.
Không chỉ thế, đến đây du khách còn có thể tận mắt chứng kiến ngôi nhà gỗ đang đứng sừng sững trong tư thế rất trang nghiêm với kiến trúc cổ xưa giúp chúng ta hình dung ra những ngôi nhà cổ kính ngày xưa. 
Với những gì thiên nhiên đã ban tặng cho Cồn Phụng và do bàn tay con người tạo nên, Cồn Phụng đã là một trong những điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước cùng nhau hội tụ về đây thăm quan, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi… cùng hòa mình vào không gian sông nước miệt vườn đầy lý thú.
Cồn Phụng – Điểm đến lý tưởng

Hương vị ngạt ngào "Sầu riêng Cái Mơn"

Địa danh Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành – huyện Chợ Lách - tỉnh Bến Tre. Khi nhắc đến Cái Mơn không ai không nghỉ đến xứ sở của “vương quốc cây trái và hoa kiểng” nổi tiếng cả nước. Hầu hết đất đai của Chợ Lách đều được thiên nhiên ban tặng cho những yếu tố thuận lợi rất cơ bản, cùng với khí hậu điều hòa, được bồi tụ phù sa của hai con sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông, lại được tưới tắm bởi một hệ thống kênh rạch nhánh lớn, nhỏ chạy ngang dọc, quanh năm đầu nước ngọt. Xứ sở Cái Mơn cũng hưởng lợi từ thiên nhiên ưu đãi và đã giúp cho người dân nơi đây tạo ra một vùng cây trái đặc sản thuộc loại trù phú nhất của Nam Bộ. Đặc biệt, nổi tiếng nhất là loại sầu riêng cơm vàng, hạt lép có hương thơm ngào ngạt nổi tiếng trong và ngoài nước. Và hình như bất kỳ giống sầu riêng nào trồng trên vùng đất này cũng đều cho trái ngọt, béo đậm đà. Sầu riêng được bà con nông dân ở đây trồng thành vườn với những cây sầu riêng thẳng tắp hoặc trồng xen canh với những loại cây khác như cam, quýt, măng cụt…
Từ thành phố Bến Tre qua cầu Hàm Luông, men theo QL 57 đến Cái Mơn khoảng 21km. Đến Cái Mơn vào mùa trái cây (khoảng từ tháng 4 – tháng 8 âl), du khách không chỉ thưởng thức sầu riêng đặc sắc, mà còn ngỡ ngàng trước vườn măng cụt hay chôm chôm chín đỏ, những liếp cam, liếp quýt, liếp bưởi sai oằn những trái che khuất cả lối đi, muốn bước tới phải đưa tay đỡ từng cành trĩu trái. Mùi hương của các loài hoa gọi về những đàn ong mật, ong ruồi. Những vườn dâu xanh, bòn bon với những buồng trái xây quanh từ gốc đến ngọn, trông thật thích mắt. Trái cây Chợ Lách nói chung hay Cái Mơn nói riêng nổi tiếng xa gần, không chỉ ở số lượng mà còn ở chất lượng và chủng loại. Trong bài ca dao phổ biến ở Bến Tre ngợi ca về sản vật địa phương có câu:
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
 
Đến bây giờ vẫn chưa có tư liệu chính thức nào ghi chép lại nguồn gốc, xuất xứ của giống sầu riêng đặc biệt này. Nhưng theo truyền miệng, loại quả lạ này xuất xứ từ Campuchia, do ông Nguyễn Duy Lưu (1857- 1947) một thầy dạy Nho học ở Cái Mơn, rất yêu thích cảnh điền viên. Vào khoảng năm 1910 ông được mời sang Campuchia để dạy học cho con các Hoàng gia. Tình cờ ông thưởng thức được loại trái lạ, có mùi vị rất đặc trưng. Khi ăn thì vị ngọt thanh kết hợp với mùi thơm lừng làm những ai lần đầu tiên thưởng thức cũng phải nhớ mãi không quên. Ông Lưu đưa giống cây lạ này về trồng trên mảnh vườn nhà tại Cái Mơn (xã Vĩnh Thành – Chợ Lách) và đặt tên là “sầu riêng sữa bò”. Sầu riêng sữa bò của ông Lưu chỉ cho trái vào mùa hè, vào tháng 5, đến tháng 7 dương lịch. Trái khi chín vẫn xanh ngắt, mỏng vỏ, gai thưa, khi chín múi lớn vàng ươm, có vị ngọt dịu và béo ngậy như sữa, hương thơm thì ngào ngạt. Đặc biệt, là đúng 12 giờ trưa hay nữa đêm, khi trái tự rụng xuống thì mới chịu chín. Tiếng đồn về một giống trái ngon có vị lạ bay xa, đến mùa thu hoạch, nhiều người trong và ngoài tỉnh Bến Tre hiếu kỳ tìm đến vườn ông Lưu để thưởng thức trái lạ và xin giống về trồng.
Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều giống sầu riêng được lai tạo từ giống sầu riêng của các nước như Thái lan, Malaisia, Indonesia, Philippin…được trồng nhiều ở các tỉnh Đắc Lắc, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Vĩnh Long,…nhưng vẫn không có giống sầu riêng nào ngon hơn “sầu riêng Cái Mơn”. Khi đến Bến Tre vào mùa sầu riêng, cứ lần theo mùi thơm ngào ngạt rất đặc trưng là có thể tìm đến được vườn sầu riêng Cái Mơn. Chính nhờ hương thơm đậm đà đó mà sầu riêng còn được sử dụng làm hương liệu trong chế biến thực phẩm. 
Trái sầu riêng Cái Mơn ngày nay đã có nhiều thay đổi về chất lượng nhờ vào những tiến bộ của khoa học kỹ thuật về trồng trọt. Giống sầu riêng Cái Mơn hiện nay cho năng xuất rất cao. Cây cho trái quanh năm, trái to và sai, một cây thu hoạch mỗi vụ cũng cả tấn. Trái sầu riêng Cái Mơn nặng trung bình từ ba đến năm ký, mỗi trái có từ bốn đến năm ngăn, khi tách vỏ ra, bên trong mỗi ngăn có từ một đến bốn múi, múi vàng sậm màu mỡ gà, cơm dầy hạt lép, vị ngọt gắt béo ngậy của nó thì đến người sành ăn cũng chỉ dùng năm bảy múi là phải dừng lại.
Người làm vườn không ai là không biết câu “Nhất sớm nhì muộn” một quy luật trong cung - cầu. Trái cây đầu mùa và cuối mùa thì rất hiếm vì vậy rất quý và mắc, nhưng thường thì không ngon như trái cây thu hoạch vào giữa mùa. Cũng như các giống sầu riêng khác, sầu riêng Cái Mơn muốn cho trái ngon đều cần phải chăm sóc kỹ lưỡng, nếu thiếu nước trái vẫn to, đẹp nhưng thường hay bị sượng, ngược lại nhiều quả trông không đều nhưng lại nhiều múi, và vị vẫn ngon.
Giống sầu riêng Cái Mơn được trồng ở nhiều nơi, và có thể trồng xen canh với các loại cây khác như: cây dừa, cây bơ, chôm chôm, bòn bon, măng cụt... Nhưng vì sầu riêng Cái Mơn là giống trái ít hạt nên khi gieo trồng, sầu riêng cho trái đôi khi chất lượng lại không giống hoàn toàn cây mẹ, cho nên sầu riêng Cái Mơn hiện nay có rất nhiều chủng loại khác nhau. Để đảm bảo tính ổn định cho giống sầu riêng Cái Mơn, các nhà vườn đã áp dụng nhiều cách lai tạo như chiết, ghép cây, nhân giống bằng phương pháp vô tính…giữ được những đặc tính nguyên thủy của cây mẹ còn có khả năng tăng năng xuất và kháng sâu bệnh tốt.
Trải qua hơn 100 năm, từ một giống sầu riêng rất khiêm tốn của ông giáo Lưu nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng “sầu riêng Cái Mơn”, có uy tín trên thị trường cả nước, được đánh giá cao về chất lượng, hơn hẳn các giống sầu riêng Monthong Thái Lan, hay sầu riêng ruột đỏ của Mã Lai… về vị ngọt, hương thơm cũng như số lượng múi của trái.
Hiện nay, diện tích đất trồng sầu riêng Cái Mơn tại huyện Chợ Lách khoảng 1.350 ha, chiếm 72% diện tích đất trồng sầu riêng của toàn tỉnh Bến Tre, sản lượng trung bình đạt 11.000 tấn/năm. Cái Mơn là một trong những địa phương đi đầu trong việc tổ chức cho nông dân ra nước ngoài học tập mô hình sản xuất và nhân giống cây. Sầu riêng Cái Mơn đang từng bước tham gia vào thị trường nước ngoài, điển hình là đã giành được thị trường Trung Quốc từ giống sầu riêng Monthong của Thái Lan. Chính nhờ vào những hiệu quả kinh tế cao của cây sầu riêng mà đời sống người dân Cái Mơn – Chợ Lách hiện nay ngày càng được nâng cao.