Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Đường bay Cần Thơ - Bangkok được mở lại từ ngày 15/6/2016

Để việc triển khai đường bay Cần Thơ - Bangkok thành công góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới và nhằm phục vụ nhu cầu du lịch cầu người dân trong vùng dịp Hè 2016, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel tổ chức lại đường bay thẳng Cần Thơ - Bangkok vào ngày 15/6/2016.

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Bình chọn 50 sản phẩm du lịch đặc trưng Xứ Dừa

Nhằm tăng cường các biện pháp kích cầu ngành du lịch Bến Tre cũng như thu hút khách du lịch đến tham quan. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phát động đến các doanh nghiệp du lịch, du khách và độc giả vui lòng cho ý kiến và chọn lựa 50 sản phẩm du lịch đặc trưng của Bến Tre để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, nâng cao hình ảnh điểm đến vùng sông nước Xứ dừa nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long.

10 danh mục được ưu tiên bình chọn với 50 sản phẩm đặc trưng của ngành du lịch là: Chương trình du lịch; điểm du lịch; nhà hàng; Khách sạn; homestay nhà dân; làng nghề truyền thống; món ăn từ dừa; trái cây; đặc sản của Xứ Dừa và di tích lịch sử.

Đối tượng, cách thức, thời gian và quảng bá 50 sản phẩm du lịch:

Đối tượng bình chọn là các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các hãng lữ hành và các khách sạn, khu vui chơi giải trí, điểm tham quan…, hướng dẫn viên và du khách đến tham quan du lịch tại Bến Tre. Ngoài ra, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cũng mong muốn được thu nạp thông tin, các ý kiến bình chọn 50 sản phẩm du lịch đặc trưng của Bến Tre từ đông đảo độc giả để góp phần làm cho việc bầu chọn thành công.

Cách bình chọn cũng đơn giản và dễ thực hiện, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch email các thông tin và các tiêu chí bầu chọn đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong toàn tỉnh và các đơn vị triển khai, lấy ý kiến bình chọn của các nhân viên và các đối tượng du khách mà quý đơn vị đang phục vụ chuyển về địa chỉ email của Trung tâm TTXTDL để tổng hợp và chọn các sản phẩm được bình chọn nhiều nhất; thời gian thu thập thông tin đến cuối tháng 5/2016.

Sau khi bình chọn được 50 sản phẩm tiêu biểu du lịch Bến Tre, Trung tâm sẽ tiến hành thiết kế, in ấn các ấn phẩm để tuyên truyền quảng bá đến du khách trong và ngoài nước tại các hội chợ, sự kiện du lịch, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có các sản phẩm trong 50 sản phẩm du lịch đặc trưng này có thể đăng ký qua Trung tâm TTXTDL để nhận ấn phẩm về đơn vị để quảng bá cho đơn vị.

Các tiêu chí bầu chọn:
  • Chương trình tham quan: Tour du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, truyền thống ấn tượng, giới thiệu nét tiêu biểu của Xứ Dừa. Hình thức tổ chức tour khoa học (giờ giấc, nội dung…..). Đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách.
  • Điểm tham quan: Nét độc đáo, sức hấp dẫn, vị trí thuận lợi. Có dịch vụ hỗ trợ như nhà vệ sinh đạt chuẩn theo qui định, chỗ ngồi nghỉ ngơi, quầy lưu niệm, phục vụ người khuyết tật, nhân viên hướng dẫn, thuyết minh tốt.
  • Nhà hàng: Thiết kế mới lạ, mang nét văn hóa Việt. Món ăn lạ, đa dạng, trình bày đẹp, đậm nét văn hóa xứ dừa. Chất lượng dịch vụ tốt. Vệ sinh an toàn thực phẩm. Môi trường sạch, co bãi đậu xe. Phương thức thanh toán thuận tiện, giá hợp lý. 
  • Khách sạn: Kiến trúc nội, ngoại thất đẹp, mang đậm nét văn hóa Việt. Chất lượng dịch vụ tốt (phục vụ, con người, phong cách, giao tiếp, trang phục…). Công suất phòng bình quân hơn 50%. Vị trí gần trung tâm và các khu du lịch, mua sắm. Vệ sinh môi trường, an toàn, PCCC. Có bãi đậu xe, khu công cộng rộng, đủ tiện nghi cho khách chờ,… Hợp tác tốt với lữ hành cùng phát triển. Có phương thức thanh toán đa dạng và thuận tiện.
  • Homestay (ngủ nhà dân): Sạch sẽ, cảnh quan sinh thái, hàng rào cây xanh, trang trí nội thất mộc mạc, lạ mắt, gần gũi thiên nhiên. Có kỹ năng giao tiếp nhiều nhóm khách, chất lượng dịch vụ tốt. Có nhiều chương trình và dịch vụ hổ trợ khách ưa thích. 
  • Làng nghề truyền thống: Đáp ứng cho thu nhập hộ gia đình. Dễ tiếp cận và hấp dẫn khi du khách đến tham quan. Có thể mua làm quà du lịch. Được chính quyền địa phương công nhận là làng nghề truyền thống. Vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh tốt.
  • Món ăn từ dừa: các món ăn mà khách ưa thích, dễ chế biến và trình bày đẹp…
  • Trái cây xứ dừa: Tiêu biểu và ngon nhất cả trong và ngoài tỉnh.
  • Đặc sản: Ngon, nổi tiếng, giá cả hợp lý, có thương hiệu. Dễ mua và vận chuyễn an toàn, thuận lợi. Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
  • Di tích: Khách tham quan đông, dễ tiếp cận, có thuyết minh viên giỏi, an toàn du khách. Có hàng lưu niệm và sách giới thiệu, giá cả hợp lý. Nhà vệ sinh hợp chuẩn. 

Một số gợi ý bình chọn:
- 05 chương trình du lịch hấp dẫn nhất: 
Uống trà mật ong - nghe đờn ca tài tử tại huyện Châu Thành - Bến Tre 
  • Tour sinh thái sông nước (Long, Lân, Qui, Phụng), Tân Thạch, Quới Sơn, (du thuyền trên sông Tiền, chèo xuồng trong rạch, đi xe ngựa đường làng, ăn trái cây, uống trà mật ong, nghe nhạc tài tử, tham quan vườn cây trái, lò kẹo dừa, khu du lịch Đạo Dừa); 
  • Tour Mỏ cày Nam - Cái Mơn (đi thuyền trên sông Thơm, tham quan chợ nổi buôn bán dừa, lò kẹo dừa, cơ sở chỉ xơ dừa, làng hoa kiểng-cây trái Cái Mơn, căn cứ Y4, cơ sở bó chổi); 
  • Tour sinh thái sông nước 3 xã Mỹ Thạnh an - Nhơn Thạnh - Phú Nhuận, thành phố Bến Tre (du thuyền trên sông Bến Tre, tham quan lò gạch, các cơ sở chế biến dừa ven sông, lò kẹo dừa, vườn dừa dứa, làng nghề dệt chiếu, chèo xuồng trong rạch…; 
  • Tour về nguồn Giồng Trôm - Ba Tri, viếng khu tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, sư biểu Võ Trường Toản và tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ Phan Thanh Giản…;
  • Tour du lịch sinh thái biển Thạnh Phong - Thạnh Hải, Thạnh Phú (Tham quan di tích Đồng khởi, nhà cổ Huỳnh Phủ, làng nghề làm nón, làm lu, rừng sinh thái ngập mặn, thưởng thức hải sản tươi sống, sinh hoạt cộng đồng dân cư miền biển…)

- 05 điểm đến thu hút du khách: Du lịch Cồn Phụng và các vườn cây tráy lân cận; Khu vườn cây trái Forever Green resort; điểm du lịch Phú An Khang; vườn hoa kiểng và cây trái Cái Mơn - Chợ Lách; vườn dừa Cồn Ốc - Hưng Phong.

- 05 nhà hàng tiêu biểu: Nhà hàng Sông nước Miền tây; nhà hàng Cồn Phụng; nhà hàng Diễm Phượng; nhà hàng Nổi Bến tre; nhà hàng sân vườn Phú An Khang.

- 05 khách sạn sang trọng nhất: khách sạn Dừa, Việt Úc; Hàm Luông; Forever Green resort; Hùng Vương.

- 05 homestay nhà dân du khách ưa thích nhất: Duyên Quê; Hai Hồ; Cái Cấm, Mỏ Cày Bắc; Năm Hiền, Chợ Lách; 10 Nở, Nhơn Thạnh.

- 05 làng nghề truyền thống: Bánh tráng Mỹ Lồng; bánh phồng Sơn Đốc, Giồng Trôm; làng hoa kiểng và cây giống Cái Mơn, Chợ Lách; làng nghề đan đát và nấu rượu Phú Lễ, Ba Tri; làng nghề thủ công mỹ nghệ từ cây dừa Mỏ Cày Nam và Châu Thành.

- 05 món ăn từ dừa: Gỏi củ hủ dừa tôm-thịt; bí hầm dừa; tép rang dừa; thịt kho nước dừa và cơm dừa.

- 05 loại trái cây nổi tiếng: Bưởi da xanh; dừa xiêm xanh; chôm chôm; sầu riêng; măng cụt.

- 05 loại đặc sản của Xứ Dừa: Bánh tráng Mỹ Lồng; bánh phồng sữa; kẹo dừa; rượu Phú Lễ; hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ từ cây dừa.

- 05 di tích đông du khách nhất: Di tích Nguyễn Đình Chiểu; Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định; Bảo tàng và nơi ở và làm việc của đại tá Phạm Ngọc Thảo; Di tích Căn cứ Y4 và Di tích Đồng Khởi.
Di tích Nguyễn Đình Chiểu - Ba Tri (ảnh tư liệu)
Đây là hoạt động nhằm khuyến khích các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng các dịch vụ (ăn uống, lưu trú, vận chuyển, mua sắm, điểm tham quan ….) đáp ứng tốt nhất nhu cầu du lịch của du khách. Qua đó, tăng cường tính cạnh tranh, tạo lợi thế so sánh sản phẩm du lịch giữa Bến Tre nói riêng và với các tỉnh bạn trong khu vực nói chung.

Để Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch có cơ sở tập trung các dữ liệu để in ấn phẩm quảng bá 10 loại sản phẩm du lịch tiêu biểu của Bến Tre, mời các doanh nghiệp và cá nhân tham gia bình chọn và gửi thông tin về cho Trung tâm trước ngày 30/5/2016. Mọi chi tiết xin liên hệ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre - Lầu 2, Số 108/1, Đường 30/4, phường 4, Tp. Bến Tre - Điện thoại: (075) 8.511.480 - 3.838.813; - Fax: (075) 3.813.813 - Email: ttttxtdl.svhttdl@bentre.gov.vn hoặc ttxtdlbt@gmail.com .

Rất mong quí vị nhiệt tình bình chọn để cùng góp sức phát triển du lịch tỉnh nhà!

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Cập nhật kiến thức du lịch cho hướng dẫn viên du lịch năm 2016

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre tổ chức khai giảng lớp tập huấn  bồi dưỡng kiến thức du lịch năm 2016; theo Quyết định số: 134/QĐ-TCDL, ngày 22 tháng 3/2016 của Tổng Cục Du lịch về việc phê duyệt bộ tài liệu Bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên.
Quang cảnh lớp học
Lớp học diễn ra trong hai ngày: 12 và 13/5/2016, có 40 học viên là hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre và 3 hướng dẫn viên đến từ tỉnh Trà Vinh là tỉnh liên kết trong cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Các học viên tham dự với tinh thần tích cực nhằm nắm bắt kịp thời, cập nhật mới thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung để bổ sung cho nghiệp vụ hướng dẫn viên của mình đối với du khách. Các học viên cũng có dịp được trao đổi kinh nghiệm về hướng dẫn viên du lịch cùng chuyên gia tư vấn dự án du lịch Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch công ty TNHH Dã ngoại Lửa Việt đến từ TP.Hồ Chí Minh./.

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Các công trình trọng điểm quốc gia - tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn cho khu du lịch biển Ba Động

Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, được quy hoạch với quy mô 368 ha gồm các hạng mục như: khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí trên bãi biển, tham quan, cấm trại, dã ngoại,…Bãi biển Ba Động được xem là một trong những bãi biển đẹp còn hoang sơ và hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long. Được sự quan tâm của Chính phủ với các dự án đầu tư lớn đã và đang hoàn thành tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách tham quan.
Bãi biển Ba Động - Ảnh Thanh Mẫn
Đến khu du lịch biển Ba Động ngoài việc tham quan, vui chơi giải trí và thưởng thức hải sản đặc trưng của vùng biển Trà Vinh như: Chù ụ rang me, nước mắm rươi, cá kèo nấu ngót, cá đuối hầm tiêu xanh…du khách còn bị thu hút bởi các điểm tham quan hấp dẫn như:

Hải đăng Ba Động được xây dựng năm 1998, bên bờ biển Ba Động, thuộc ấp Nhà Mát (xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Đứng trên ngọn hải đăng, chúng ta có thể chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp tuyệt vời thiên nhiên ban tặng cho xã Trường Long Hòa và vùng biển Ba Động.
Hải đăng Ba Động (Ảnh: Internet)
Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu là một trong những bến tiếp nhận vũ khí của đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, một trong những kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh được thiết kế theo mô hình Phật giáo thời Lý – Trần, gồm 8 hạng mục chính: Cổng tam quan, chánh điện, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, bảo tháp, thất hòa thượng và thiền đường. Công trình được xây dựng đặc biệt với kết cấu lợp ngói, khung cột gỗ lim; vật liệu xây dựng chính được vận chuyển từ miền Bắc vào. Thiền viện Trúc lâm Trà Vinhnằm trong quần thể Khu du lịch sinh thái biển Ba Động, với cổng Tam quan nhìn ra biển Đông, khuôn viên được bao bọc bởi nhiều đụn cát cao phủ đầy dương tạo cảm giác thanh tĩnh, yên bình.
Thiền viện Trúc lâm Trà Vinh - Mỹ Linh
Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan các công trình trọng điểm quốc gia đã hoàn thành và tìm hiểu cơ hội đầu tư, gạt hát thành công tại tỉnh Trà Vinh như:

Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu hay còn gọi là kênh đào Trà Vinh thông ra biển Đông, là tuyến giao thông huyết mạch ổn định lâu dài của Đồng bằng sông Cửu Long, hứa hẹn phát triển các loại hình du lịch du thuyền, du lịch sông nước, du lịch biển, du lịch sinh thái khám phá vùng đất giao thoa giữa đồng bằng và biển.

Trung tâm điện lực Duyên Hải và Dự án Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh Trà Vinh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Lễ khởi công dự án cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải (Ảnh: Internet)
Khu kinh tế Định An giáp biển và sông Hậu, là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp, là một điểm đến để các nhà đầu tư, doanh nghiệp chọn lưa, tìm hiểu, hợp tác đầu tư.

Và mới đây, sau khi khởi động giai đoạn 1 (vào cuối tháng 2) với tổng công suất tích lũy khoảng 270MW. Công ty Woojin Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh (giai đoạn 2) với vốn đầu tư hơn 4.952 tỉ đồng (tương đương hơn 247,6 triệu đô la Mỹ)...tại bãi bồi ven biển xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Công trình nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên gió, tạo ra nguồn năng lượng sạch và tạo cảnh quan thu hút khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần làm cho khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan của tỉnh Trà Vinh./.
Nguồn: http://www.dulichtravinh.com.vn

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Thành phố với 800 cây được “nói”

Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh được các cơ quan báo chí vinh danh là “Thành phố cây xanh”, “Thành phố công viên” hay “Thành phố trong rừng cây cổ thụ”…của Đồng bằng sông Cửu Long. Cây xanh đã vào tâm thức của người dân Trà Vinh với những tên gọi thân quen, mộc mạc như: Đường Hàng Me, Hàng Me, Cây Dầu Lớn,…gợi nhiều kỷ niệm như muốn níu chân du khách ở lại với vùng đất Duyên hải miền Tây này.
Di tích Ao Bà Om, phường 8, thành phố Trà Vinh có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Phước Toàn
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh xin giới thiệu với bạn đọc, du khách gần xa bài viết của tác giả Đỗ Doãn Hoàng, đăng trên Báo điện tử: laodong.com.vn)

Tôi quyết định vượt hai nghìn cây số đến thành phố Trà Vinh chỉ với một lý do: Ngắm những cái cây. Với khoảng 800 cây cổ thụ khổng lồ trong các con phố nội đô, đúng là cả Việt Nam, ít có đô thị nào được mệnh danh là “miền xanh”, “thành phố công viên” một cách thương mến như Trà Vinh.

 Đại thụ trò chuyện với bầu trời

Nơi này, người ta đã nhân ái để cho những cái cây được nói, được kể lại câu chuyện từ trời xanh mây trắng suốt mấy trăm năm qua của mình. Việc miêu tả Trà Vinh xanh như thế nào ở giữa trung tâm tỉnh lỵ, với cây cổ thụ to mấy người ôm đứng ken dày như giữa rừng nguyên sinh, có lẽ nên nhường lại cho những bức ảnh góc rộng. Chỉ biết, Trà Vinh luôn tự hào vì mình là “công viên xanh của toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long”.

Giới nghiên cứu, các nhà hoạt động môi trường, giới văn nghệ sĩ cả nước để tâm tìm hiểu và vinh danh Trà Vinh là “Thành phố công viên” với hơn 800 cây sao, cây dầu, cây me... khổng lồ trong nội đô. Có những cây dầu thân to năm sáu vòng tay người trưởng thành dang ôm cùng lúc, cây được lập đền miếu thờ cúng, được đặt tên dân gian rất nổi tiếng là “cây dầu dù”. Tức là cây dầu có cái tán xòe tròn ra như cái dù (cái ô) che mưa nắng.

Miệt mài với Trà Vinh xanh, tôi cứ nghĩ: Với rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt ở mức cấm cả hái măng lẫn hái nấm của ta, giờ cũng hiếm nơi nào nhiều cây to như thành phố này. Cây to, san sát, cây nào cũng được kiểm đếm, đeo biển số. Nhất cử nhất động của cây cần báo với lãnh đạo, di dời, đốn hạ một cái cây to cần xin ý kiến đích thân Chủ tịch UBND tỉnh! Bà con người Việt, Khmer, Hoa... ở thành phố đậm sắc Khmer bậc nhất Việt Nam này sống quả là rất lãng mạn. Phố vắng, êm đềm, cổ kính với hàng chục ngôi cổ tự thâm u tràn ngập bóng cây xanh. Ngày râm mát miên man. Đường đêm xao xác, gió đùa trên mỗi tán cây. Người ta vẫn gọi các phố tỉnh lỵ của mình với những cái tên xưa cũ, thú vị: Đường Hàng Me (19 tháng 5), đường Hàng Sao (Lê Thánh Tôn), đường Cây Dầu (Nguyễn Thị Minh Khai)...

Những bộ rễ kỳ quái quanh ao Bà Om

Cây cổ thụ tràn ngập phố xá. Cây ken dày như so đũa, cây như hai hàng lính gác ven đường. Cây sừng sững mọc lên cả vỉa hè, các nhà dân, các trụ sở hành chính. Nhiều ngôi nhà có từ thời thuộc Pháp, giờ là trụ sở cơ quan cấp tỉnh, sân rộng gấp năm sáu lần nhà, sân sừng sững toàn cây to thẳng tắp như giữa một khu rừng Châu Âu. Nhiều cây nhất vẫn là ở các khu trường học, các ngôi chùa Khmer, với triết lý sống hài hòa với thiên nhiên. Trà Vinh có tới 144 ngôi chùa rợp bóng cây xanh, tối um như rừng rậm. Một chuyên gia đã tính: Nếu tính tỉ lệ 70% diện tích chùa ở Trà Vinh là rừng già, thì Trà Vinh có ít nhất 300ha rừng nơi cửa Phật!

Chùa Âng, ngôi chùa Khmer nổi tiếng và cổ kính nhất Trà Vinh có đến 36.000m2 cây xanh. Sư trụ trì chùa Âng cho biết, trong nhiều thế kỷ qua, mọi sự việc diễn ra ở chùa, kèm theo số phận của các cây đại thụ kỳ vĩ nơi này đều được các thế hệ người trụ trì ghi chép cẩn thận. Cây là một linh hồn, một nhân chứng “biết nói” cần được ứng xử tôn trọng. Có ý kiến cho rằng, các ngôi chùa cổ xưa kia đều được xây cất bằng gỗ, nên nhà chùa rất chú trọng trồng và bảo vệ rừng chùa để khai thác “có kế hoạch” cho các đại công trình của mình.

Thế giới cây xanh biết “nói” nữa ở Trà Vinh, phải kể đến khu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ao Bà Om. Một cái hồ áng chừng vuông hoặc hình chữ nhật, mỗi chiều chưa đầy 500m, nó chứa trong mình sự tích về chế độ mẫu hệ của người Khmer. Nhưng điều đáng sửng sốt hơn cả, có lẽ là chuyện về những tàng cây cổ thụ đứng chiu chít, nối tiếp nhau, rễ cây sao, cây dầu gồ ghề, uốn lượn, trồi lên mặt đất kỳ quái. Rễ cây trườn đi như những con mãng xà, như những búi dây chão vĩ đại.Có khi rễ bắc từ cây nọ sang cây kia như cái cổng chào. Có búi rễ sum suê loằn ngoằn đắp đống dị thường giữa một triền gò đất cát.

Có nhà khoa học giải thích: Cây dầu, cây sao mọc trên các đồi đất cát ven ao Bà Om, tự đặc trưng giống loài và thổ nhưỡng nơi này, nó cứ hùng vĩ qua thời gian, tự thân và rễ của chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật “có một không hai”. Còn tôi thì nghĩ khác: Người Trà Vinh “tay chơi” nhất Việt Nam. Họ chơi những bộ rễ, những tác phẩm cổ thụ giữa thiên nhiên bao dung tuyệt sắc kia. Đó là một phần di sản tinh thần của họ, họ kiêu hãnh đi quanh các tác phẩm đó, vẻ mặt viên mãn giản dị như một ông chủ vựa cây thế bon-sai đang chiêm ngưỡng những tác phẩm tiền tỷ của mình vậy.

Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, người Khmer vốn theo phụ hệ. Người nữ thấy thế hơi vô lý, họ bèn đi đòi bình quyền. Người ta mới tổ chức một cuộc thi đào ao lấy nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu. Bên nam, bên nữ, cùng vào cuộc đào hai cái ao ở hai vùng đất có diện tích bằng nhau, yêu cầu là chỉ đào vào ban đêm, mỗi bình minh ló rạng là phải ngừng mọi công việc, bên nào xong trước bên đó thắng.

Bên nam cậy mình khỏe. Họ uống rượu, hò hát, tranh thủ ngủ và tán tỉnh phụ nữ. Bên nữ, do một bà tên là Om chỉ huy. Biết sức mình không mạnh bằng nam giới, bà Om chỉ huy chị em làm việc tích cực, đồng thời dùng mỹ nhân kế cho người sang mời rượu bên nam giới. Đặc biệt, họ còn dùng những cái đèn lồng treo lưng trời, giả làm sao Mai để phe bên nam trông thấy nghĩ là trời sắp sáng mới bỏ công trường về nghỉ sớm mỗi đêm.''

Cuối cùng thì cái ao dài 500m, rộng 500m của phe nữ đã xong trước, nước dâng lên đầy ăm ắp nghìn năm qua chưa bao giờ cạn. Bây giờ, chim nước về líu lo, cá quẫy tung tăng, sen súng nở hoa tưng bừng. Bên nam đào được cái ao toen hoẻn, chưa bao giờ đùn lên được một giọt nước. Từ bấy, người Khmer chuyển phong tục sang mẫu hệ, người nữ có quyền đi cưới hỏi người nam về làm... chồng. Năm 1996, Ao Bà Om được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Vì sao Trà Vinh có “kỳ tích cây cổ thụ”?

Nhiều người không khỏi thắc mắc: Vì sao nơi này có tỉ lệ 10m2 cây xanh trên đầu người, cao nhất trong các đô thị ở Việt Nam? Đất ở đây tốt? Cây cổ thụ ở đây nhiều là do người Pháp trồng nhiều từ mấy chục năm trước? Vì sao nhà quản lý địa phương tôn vinh cây xanh đến vậy? Lật lại lịch sử và các vấn đề vật lý, thổ nhưỡng khác, thì đúng là đất đai ở Trà Vinh khá phù hợp cho sự phát triển của hai loài cây lâu năm cực kỳ ưu việt trong việc cho ra đời “thành phố công viên”... Độ ẩm ở vùng châu thổ ven sông Cổ Chiên (một nhánh của hệ thống sông Cửu Long) này cao, nhiều giồng cát pha lẫn đất thịt đặc trưng, phù hợp với cây sao đen, cây dầu rái và nhiều loại cây gỗ tốt khác.

Còn một yếu tố nữa, là sự lãng mạn, tình yêu thiên nhiên từ trong máu thịt của người Trà Vinh. Nhiều gia đình có tới vài chục cây cổ thụ trong khuôn viên, họ còn trồng thêm nữa, họ nghiễm nhiên coi cây khổng lồ trong nhà mình nhưng là tài sản của Nhà nước, họ không được phép chặt, cũng không thấy sự “thiệt thòi” vì điều đó.

Hơn 100 năm qua, Trà Vinh liên tục phát triển, đô thị rộng ra, nay đã lên thành phố rồi, nhưng nhờ ý thức bảo tồn cao, khuôn viên cây xanh cổ kính của nó vẫn chưa bao giờ bị thay đổi, xâm hại (như hầu hết các đô thị khác). Hệ thống cây của Trà Vinh ngày càng xanh um, cổ thụ, mốc thếch, kỳ ảo qua thời gian.

Ảnh: Đường Lê Thánh Tôn (Đường Hàng Sao)
Đây, đường Hàng Me, rẽ qua đường Hàng Sao, đến phố Cây Dầu! Một chiều, tôi nghe đôi tình nhân ngẫu hứng ngửa cổ đón cánh hoa dầu ở ao Bà Om, hát say sưa: “Cánh hoa dầu xoay tít bay bay/ Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày... Có những chiều chợt gió bay lên/ Hoa dầu bay cành nảy lá đâm chồi/ Hỏi người cây lớn bao lâu?/ Ru tình ta, ru đời dạt dào”.

Sao Trà Vinh lãng mạn thế!

Hoàng Linh sưu tầm. Nguồn: Trích từ bài viết Thành phố với 800 cây được “nói” của tác giả Đỗ Doãn Hoàng, Báo Lao Động.

Nguồn: http://www.dulichtravinh.com.vn

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Du lịch tâm linh đầy huyền ẩn

Đức Mẹ La Mã Bến Tre là tên gọi của giáo dân Công giáo Việt Nam, đề cập đến hiện tượng bức ảnh “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” hiện hình sau khi bị mờ hình ảnh hơn 3 tháng nằm dưới kênh rạch tại địa phương. Nhà thờ La Mã (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) - nơi lưu giữ bức ảnh - thuộc Giáo phận Vĩnh Long, là 1 trong 3 trung tâm hành hương Công giáo tại Việt Nam.

Được lời mời của doanh nghiệp du lịch lữ hành Phú An Khang; tôi cùng anh Thuấn (chủ doanh nghiệp Phú An Khang) đi đến nhà thờ La Mã trong dịp kỷ niệm Linh Ảnh Mẹ Lộ Hình để khảo sát và tìm hiểu tuyến du lịch tâm linh mà anh đã thường đưa khách từ TP.HCM xuống để hành hương.

Thật bất ngờ khi đến nơi, đầu tiên làm tôi ngạc nhiên là đoàn xe khách hàng trăm chiếc từ 4 chỗ, 7 chỗ cho đến 30 chỗ đã đậu đầy sân bãi đậu xe và cả trên một đoạn đường vào nhà thờ; vào trong sân lễ tôi đoán khoảng trên 2 nghìn người đang nghiêm trang làm lễ trước một khuôn viên nhà thờ rộng lớn; tôi tìm người dân địa phương để tìm hiểu về sự ngưỡng mộ của Giáo dân đối với Đức Mẹ La Mã Bến Tre ra sao và được nghe kể rằng:
Quang cảnh giáo dân tham gia dự lễ kỷ niệm Linh Ảnh Mẹ Lộ Hình tại nhà thờ La Mã
Vào năm 1930, chánh xứ Cái Bông đến thành lập họ đạo Sơn Đốc và tặng cho Nhà thờ này bức ảnh “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” lúc bấy giờ Nhà thờ nầy được gọi là Nhà Nguyện Bàu Dơi; năm 1947, do chiến tranh, giáo dân phải đi tản cư, năm 1949, họ đạo Bàu Dơi được thành lập; đầu năm 1950, Giám mục Ngô Đình Thục đặt tên mới là họ đạo La Mã, bức ảnh Đức Mẹ trở thành linh vật của họ đạo La Mã nhưng bị ông trùm họ Nguyễn Văn Hạt lẻn lấy và đưa cho con trai Nguyễn Văn Thành đem về cất giữ. Ngày 2 tháng 2 năm 1950, quân Pháp mở trận càn, nhiều nhà dân bị tàn phá, dân chúng đều chạy loạn; một giáo dân cố mang theo bức ảnh Đức Mẹ nhưng dọc đường bức ảnh bị rơi xuống sông.

Ba tháng sau, ngày 5 tháng 5 năm 1950, một ngư dân vớt được bức ảnh, tuy còn nguyên khung nhưng hình ảnh không còn rõ. Ông Thành xin đem bức ảnh về nhà nhưng ảnh bị ố vàng và phai mờ dù đã rửa sạch, tháng 8 cùng năm, ông Trùm Hạt sang giúp con chuyển nhà,vô tình nhìn thấy nên đã đem bức ảnh đặt trên tủ thờ giữa; năm tháng sau, vào ngày 7 tháng 10 năm 1950, một chiếc tàu Pháp chạy dọc theo con rạch trước nhà ông Hạt bắn phá tan tành, duy chỉ còn tủ thờ và tấm vách lá phía sau là còn nguyên vẹn, nơi ông đặt bức ảnh thờ. Bức ảnh vốn đã bị phai nhạt hết hình, nay lại nổi lên rõ ràng, chỉ còn mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng thì còn lu mờ. Sự kiện này được các giáo dân tôn sùng như phép lạ lần thứ nhất của bức ảnh.

Ngày 15 tháng 8 năm 1951, nhân dịp lễ Đức Mẹ Mông Triệu, linh mục Phêrô Dư đã tổ chức cung nghinh bức ảnh từ họ đạo La Mã đến họ đạo Cái Sơn. Trong thời gian tổ chức lễ, các giáo dân chứng kiến bức ảnh một lần nữa biến đổi: mũ Triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng hiện ra thật rõ ràng. Sự kiện này được các giáo dân tôn sùng như phép lạ lần thứ hai của bức ảnh.

Ngày nay, Đức Mẹ La Mã Bến Tre là trung tâm hành hương thứ ba của Giáo hội Việt Nam, sau Đức Mẹ La Vang và Đức Mẹ Trà Kiệu. Trung tâm thánh địa là Nhà thờ La Mã Bến Tre với chiều dài 35m, chiều ngang 16m và tháp chuông cao 19m. Tại đoạn sông nơi vớt được bức ảnh, có một đài kỷ niệm được dựng tại vị trí căn nhà của ông Hạt khi xưa.

Hằng năm, Giáo phận Vĩnh Long và Họ đạo La Mã đã lấy ngày 5 tháng 5 là ngày kỷ niệm tìm được ảnh Mẹ và ngày 7 tháng 10 là ngày kỷ niệm Linh Ảnh Mẹ Lộ Hình để làm hai ngày đại lễ trong năm.

Du khách đến Bến Tre, muốn tìm hiểu thêm về sự huyền ẩn đầy tâm linh của giáo dân Công giáo; quí khách chỉ mất 40 phút ngồi xe là đến nơi; hiện nay Nhà thờ La Mã thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre; cách Nhà thờ về hướng sông La Mã khoảng 1km có một nhà tưởng niệm của di ảnh Đức Mẹ đã lộ hình rõ đẹp trên bức ảnh tàn phai vì ngâm dưới bùn nước trên ba tháng, để cứu gia đình ông Biện Hạt khỏi họa sát thân vì bom đạn chiến tranh, từ đó Đức Mẹ đã ban rất nhiều ơn phúc cho những người thành tâm cầu nguyện từ bức ảnh nầy; tại đây Du khách thập phương thường đến dâng hoa, thắp hương; nhưng thường chỉ đi bằng đường bộ; các lữ hành du lịch tại Bến Tre có thể đưa khách bằng đường thủy từ Thành phố Bến Tre xuống tận nơi để tham quan tìm hiểu Nhà Thờ La Mã; và xe sẽ đón du khách để đi tiếp xuống huyện Ba Tri, nơi mà có nhiều di tích của các nhà thơ yêu nước như: Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản,… hoặc du khách sẽ tham quan các làng nghề truyền thống như làng nghề đan đát, làng nghề rượu Phú Lễ, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc,… đã có trên trăm năm; đặc biệt là du khách sẽ có dịp tham quan vườn chim Vàm Hồ cách huyện Ba Tri khoảng 10km, nơi đã bảo dưỡng hàng ngàn loài chim, thú.
Đoàn xe của du khách tính ngưỡng tâm linh hội tụ đông đúc trước nhà thờ La Mã tại Bến Tre
Du khách về Bến Tre tham quan, liên hệ các lữ hành du lịch để tìm hiểu thêm về sự huyền ẩn nầy; du khách sẽ được đưa đi tham quan vùng sông nước xứ dừa Bến Tre với nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc kết hợp nhiều làng nghề như: Bánh tráng Mỹ Lồng, Bánh phồng Sơn Đốc đã có trên trăm năm tuổi trong tuyến du lịch đầy hấp dẫn nầy./.

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Bến Tre mở lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch năm 2016

Để cập nhật và cung cấp thông tin về các chính sách phát triển, thông tin mới về tình hình phát triển của Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch địa phương nói riêng; Giúp hướng dẫn viên hiểu, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, cung cấp thông tin để du khách hiểu hơn và yêu mến đất nước, địa phương nơi du khách đặt chân đến; Giúp hướng dẫn viên bổ sung hồ sơ đủ chuẩn đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre thông báo mở lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch năm 2016 tại tỉnh Bến Tre, chi tiết như sau:
  • Chương trình: theo Quyết định số 134/QĐ-TCDL ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Tổng cục Du lịch về phê duyệt bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên.
  • Thời gian tổ chức: từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 5 năm 2016.
  • Đối tượng đăng ký: Hướng dẫn viên làm tại các công ty du lịch và hướng dẫn viên tự do.
  • Kinh phí: 400.000đ/01 học viên bao gồm: Báo cáo viên, thuê hội trường, nước uống, tài liệu, trang trí lớp học, quản lý lớp, giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng và các chi phí khác liên quan đến lớp bồi dưỡng.
  • Bằng cấp: Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng;
  • Địa điểm: Hội trường Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre (Số 108/1 Đường 30/4, Phường 4, Tp. Bến Tre, tỉnh Bến Tre).

(Khi đăng ký học viên nộp 02 ảnh 3x4cm và học phí)

Thời gian đăng ký từ nay đến trước 11 giờ ngày 09/5/2016 gửi về Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre.
Mọi chi tiết xin liên hệ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch:
Địa chỉ: Lầu 2, số 108/1 Đường 30/4, Phường 4, Tp. Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Điện thoại: (075) 8.511.480, 3838813