Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Sức sống mới của các điểm du lịch sinh thái Bến Tre

Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích khoảng 2.360km2 và hơn 1,3 triệu dân sống dựa trên nền kinh tế nông nghiệp, được biết đến như là quê hương xứ dừa, vương quốc hoa kiểng, trái cây. Bến Tre không những có điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái mà còn thuận tiện cho du khách lưu lại và trãi nghiệm với xứ sở sông nước miệt vườn cùng người dân mộc mạc, phóng khoáng, hiền hòa và hiếu khách. 

Được hình thành từ sự bồi đắp của 4 nhánh sông: Sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên của hệ thống sông Mêkông với kênh rạch chằng chịt đổ ra biển Đông (65km bờ biển) hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên mặn, lợ và ngọt, tạo nên những cảnh quan đa dạng, độc đáo và hấp dẫn. Tiềm năng du lịch mang đậm tính văn hóa miệt vườn Nam Bộ với rừng dừa (63 nghìn ha, cho hơn 5 triệu trái dừa/năm) bao phủ; vườn cây ăn trái xum xuê (hơn 33 nghìn ha), nhiều vườn hoa kiểng rực rỡ sắc màu, các loại cây giống nổi tiếng. 

Những cù lao cấu thành tỉnh Bến Tre với nhiều màu mỡ, cây trái xanh tươi quanh năm, khí hậu trong lành như cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy, sân chim Vàm Hồ; hệ rừng ngập mặn có đước, mắm, chà là, bần ở các huyện ven biển như: Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại... cũng là nét đẹp rất đặc trưng. Kết hợp trãi nghiệm chèo xuồng hay du ngoạn bằng xe ngựa, đạp xe ngắm cảnh làng quê xứ dừa và tiếp xúc với người dân địa phương thân thiện, hiếu khách; giao lưu đờn ca tài tử; homestay (cùng ăn, ở và sinh hoạt trong nhà dân). 

Đặc biệt, với hơn 20 làng sản xuất cây giống, hoa kiểng tại Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc; trên 30 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đặc trưng như: Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làng chế biến kẹo dừa, thạch dừa, thực phẩm, mỹ phẩm chế biến từ dừa, sản phẩm lưu niệm làm từ dừa, làng nghề đan đát, làm lu, làm nón, làm chổi và trang trại nuôi ong lấy mật,... Tất cả đều là những điểm đến phong phú, hấp dẫn cho du khách tham quan và mua sắm. 
Du khách tham quan khu mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa
Ngoài khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên sông nước hoang sơ kết hợp ẩm thực xứ dừa độc đáo như cơm nấu trong trái dừa, tép rang nước cốt dừa, bí hầm dừa… từng làm mê hồn du khách, tạo nên ưu thế và sức hút du khách cho du lịch xứ dừa. Có thể khẳng định, Bến Tre là một trong số ít các tỉnh miền Tây Nam Bộ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nhân văn đặc biệt tốt so với các tỉnh khác.

Hoạt động du lịch sinh thái Bến Tre ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nuớc. Các khu, điểm du lịch, làng nghề, nhà hàng - khách sạn đã và đang tăng về số và chất lượng. Theo số liệu, năm 2010 Bến Tre có 45 điểm du lịch thì năm 2015 đã phát triển lên 65 điểm đón tiếp và đảm bảo phục vụ tốt cho du khách. Cụ thể như:

Châu Thành có 34 điểm du lịch (Forever Green resort 3 sao; 5 homestay tại Phú Túc, An Khánh, Tân Thạch và Quới Sơn; các nhà hàng sinh thái Cồn Phụng, Sông nước Miền tây, Diễm Phượng, Làng bè 3 cây dừa, nhà hàng thủy sản An Khánh, Tân Cồn Qui, nhà hàng Việt - Nhật…; và các làng nghề truyền thống và điểm du lịch sinh thái). Huyện Chợ Lách có 12 điểm du lịch sinh thái vườn cây trái, hoa kiểng, cây giống, khu bảo tồn ốc gạo, 06 điểm phục vụ homestay như Năm Hiền, Việt Hải, Jadin Du Mekong Hòa Nghĩa, Mai Thanh Vân, Đại Lộc, Tám Lộc và các làng nghề. Tuyến du lịch sinh thái mới và phát triển khá tốt ở Thành phố Bến Tre (11 điểm đến) do các nhà làm du lịch sáng tạo, làm mới một số sản phẩm như: Tham quan lò gạch, cơ sở chế biến trái dừa, làng nghề dệt chiếu, vườn bưởi da xanh, dừa dứa… Ngoài ra, còn có làng du lịch sinh thái Hưng Phong, cồn Long Thành - Sơn Phú ở Giồng Trôm, vườn chim Vàm Hồ - Ba Tri hay khu du lịch sinh thái biển Thạnh Phong, Thạnh Hải - Thạnh Phú… 
Du khách cùng tham gia sinh hoạt với người dân tại các điểm du lịch
Dù ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, thiên tai trên thế giới, du khách tới Bến Tre trải nghiệm du lịch sông nước miệt vuờn và các làng nghề truyền thống kết hợp tìm hiểu đời sống sinh hoạt của nông dân qua các chương trình du lịch một ngày hoặc tour homestay ngủ nhà dân 2 ngày/1đêm đều tăng đều hàng năm. Nếu năm 2010 ngành du lịch đón 540.209 khách thì năm 2014 đã tăng gần gấp đôi và đạt được 904.000 lượt (393.700 khách quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt 993 tỉ đồng. Điều này minh chứng du lịch Bến Tre đã và đang phát triển đúng hướng và bền vững. Năm 2015, ngành du lịch Xứ Dừa khả năng Bến Tre thu hút 1 triệu lượt du khách. 

Tới đây, Bến Tre rất chú ý phát triển và bảo vệ môi trường du lịch bền vững, củng cố các điểm du lịch trải nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn (tác mương, bắt cá, làm nông dân xứ dừa, nghệ nhân ghép cây giống và hoa kiểng, sơ chế trái dừa, trồng rau, làm ruộng… ). Phối hợp, triển khai không gian du lịch cụm duyên hải phía đông ĐBSCL: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An lấy hệ thống sông rạch tạo thành sản phẩm cho du lịch sông nước miệt vườn, tham quan làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa dân tộc kết hợp văn hóa Khmer và các khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn, dựa trên tài nguyên, điều kiện tiếp cận và tính độc đáo, riêng biệt của từng tỉnh. 

Nhìn chung, du lịch sinh thái của tỉnh có sự tăng trưởng khá tốt và toàn diện từ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, các điểm du lịch sinh thái đến số lượng du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Với điều kiện tự nhiên và xã hội phong phú, giao thông thủy, bộ thuận lợi, những giá trị văn hóa nổi bật, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự nổ lực của toàn ngành cùng sự đồng thuận của nhân dân tỉnh nhà, Bến Tre chắc chắn sẽ còn phát triển du lịch sinh thái nhanh và bền vững hơn, đưa du lịch xứ dừa trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, tiến bước vững chắc cùng các tỉnh trong khu vực và cả nước./.

Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre tham gia kích cầu du lịch nội địa năm 2015

Chương trình kích cầu nội địa du lịch là trách nhiệm chung của các nhà tham gia làm du lịch, là việc đồng hành xúc tiến du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các Nhà hàng, Khách sạn, các Cửa hàng mua sắm, các Lữ hành du lịch cùng Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh giới thiệu, quảng bá để thu hút khách du lịch gần xa đền với quê hương Xứ dừa miền sông nước.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 137/SVHTTDL-NVDL ngày 02/02/2015 gởi các doanh nghiệp du lịch đăng ký tham gia kích cầu theo tinh thần Công văn số 95/TCDL-LH ngày 22/01/2015 của Tổng cục Du lịch về việc triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2015; kết quả có 8 đơn vị trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch, các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia chương trình nầy với mức giảm giá từ 5 đến 50% cho khách du lịch đến với dịch vụ tại đơn vị.
Khách sạn Việt - Úc (3 sao) đơn vị tham gia chương trình kích cầu 2015 nằm cạnh sông Bến Tre, cách chợ Bến Tre 200m
Các đơn vị tham gia, ngoài chương trình giảm giá cụ thể theo cam kết, còn triển khai thực hiện nhiều hình thức khác như khuyến mãi, mở thêm các dịch vụ bổ trợ chăm sóc khách hàng nhằm thu hút du khách như: tặng thêm món ăn, giảm giá thực đơn cho các đoàn khách từ 10 khách trở lên, tặng giờ karaoke, ưu đãi dịch vụ tiệt cưới, hội nghị, hội thảo, giảm giá phòng nghỉ, massage, spa,…

Từ khi doanh nghiệp đăng ký tham gia kích cầu và chương trình khuyến mãi, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng từ sau tết nguyên đán 2015 đến nay lượng khách của các đơn vị đó tăng đáng kể vượt trội so với cùng kỳ, nhất là giữ được lượng khách ổn định mùa thấp điểm. Đây là hiệu ứng giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế trong thời gian qua.

Bến Tre, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ nên số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình chỉ khiêm tốn ở con số 8 đơn vị, đó là: Công ty TNHH Du lịch Hàm Luông, khách sạn Hàm Luông (3 sao); Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre (Trung tâm Hội nghị, tiệc cưới Đồng Khởi - Đồng khởi Palace, Nhà hàng Đồng Khởi II, Khách sạn Bến Tre); Công ty TNHH TM Lô Hội (Khách sạn Forever Green Resort 3 sao); Khách sạn Việt Úc (3 sao); Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Bảo Duyên; Công ty TNHH Tổ chức sự kiện - Du lịch Nam Mêkông; DNTN Thảo Nhi và Công ty TNHH Tham quan Du lịch Bến Tre. Đó là những doanh nghiệp sẽ tiếp tục tham gia theo chương trình từng đợt trong năm 2015 và trong đó có doanh nghiệp tiếp tục tham gia trong những tháng còn lại của cuối năm 2015.

Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2015 như đã cam kết và đồng thời phối hợp cùng Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre thiết kế những chương trình tour mới, hấp dẫn để thu hút du khách; xây dựng sản phẩm theo phong cách đặc thù của từng đơn vị để tạo ấn tượng cho du khách định hướng quay trở lại; phát triển liên kết, ký hợp đồng với các công ty lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài nước; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu tổ quốc”. Sự phối hợp nhịp nhàng nầy sẽ giúp du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Bến Tre - đại diện cho du lịch sông nước miền Tây Nam bộ một viện mạo mới trong tương lai./.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Huyện Thạnh Phú quan tâm đến việc đầu tư phát triển du lịch

Thời gian qua, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre thực hiện đề án phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tính đến nay, du lịch huyện Thạnh Phú đã khởi sắc dần. Huyện vẫn chủ trương tiếp tục đầu tư và khai thác tiềm năng vốn có của địa phương.

Với sự quan tâm của các cấp các ngành và các đoàn thể của huyện và chính quyền địa phương các xã trong huyện; nhất là tập trung phát triển du lịch cho khu du lịch biển Thạnh Phong và Thạnh Hải. Sau khi khởi công công trình tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” ngày 17/01/2013, được quần chúng nhân dân trong huyện và du khách gần xa đã đến tham quan ngày càng đông.

Gần 3 năm tính từ ngày khởi công xây dựng công trình, lượng khách về tham qua biển Thạnh Phong, Thạnh Hải để chiêm ngưỡng nét nguyên sơ và thưởng thức thủy hải sản tươi sống vẫn không giảm số lượng mà chiều hướng tăng trong thời gian gần đây. Trong thời gian đó, huyện Thạnh Phú đã phối hợp cùng các ngành tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch như: Xây dựng cầu Cầu Ván thay cho phà Cầu Ván trước đây; đầu tư đoạn đường xấu từ Cầu Ván đến ngã ba Thạnh Hải và đã đưa vào sử dụng nhằm phục vụ tốt cho khách du lịch và cũng là điều kiện lưu thông hàng hóa để phát triển kinh tế vùng biển Thạnh Phú.
Lễ khởi công trùng tu di tích kiến trúc nhà cổ Huỳnh Phủ
Sản phẩm du lịch trên tuyến Bến Tre - Thạnh Phú có di tích kiến trúc nhà cổ Huỳnh Phủ là di tích cấp quốc gia ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú; di tích cũng được đầu tư tu bổ và tôn tạo gần 40 tỉ đồng (lễ khởi công ngày 09/01/2013) nay đã đưa vào phục vụ tham quan cho du khách. Kết hợp nhiều làng nghề truyền thống của huyện như làng nghề làm lu, nghề bánh dừa, nghề làm nón lá; những rẫy dưa, rẫy sắn; những vuông tôm của những nông, ngư nghiệp đã tạo nên bức tranh đầy màu sắc cho một tour du lịch sinh thái vùng biển Thạnh Phú.

Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Thạnh Phong được Trung tâm Chuyển giao Công nghệ - Dịch vụ và Phát triển cộng đồng Nông Ngư nghiệp - Việt Nam phối hợp thực hiện sau gần 2 năm tại xã Thạnh Phong và kết chuyển vào ngày 28/5/2015để đi vào hoạt động. Công trình tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” cũng đang được nhà thầu tiếp tục xây dựng; đây là công trình tạo điểm nhấn, liên quần thể với miếu Bà Chúa Sứ và lăng Ông Nam Hải tại xã Thạnh Hải.

Để tiếp tục phát triển du lịch biển, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số: 1924/QĐ-UBND, ngày 26 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận “ Khu du lịch địa phương: Khu di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” bao gồm hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải với 720ha. Những điều kiện và tiềm năng vốn có của một trong ba huyện vùng biển Bến Tre; huyện Thạnh Phú không ngừng đầu tư phát triển du lịch, hằng năm đều phối hợp với Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL) xây dựng tuyến điểm và mở lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về du lịch cho lực lượng phục vụ cũng như các chủ cơ sở đầu tư trong lĩnh vực du lịch của địa phương nhằm phát triển đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng nhu cầu đi du lịch của du khách ngày càng cao.
Lăng Ông Nam Hải trong quần thể khu di tích Đường HCM trên biển tại Bến Tre
Thể hiện sự quan tâm không ngừng của các cấp, các ngành, của những nhà làm du lịch từ tỉnh đến huyện về phát triển du lịch bền vững tại địa phương; ngày 20/8/2015, tại lăng Ông Nam Hải xã Thạnh Hải, Trung tâm TTXTDL phối hợp với phòng Văn hóa, Thông tin huyện đã tổ chức lớp tập huấn kiến thức du lịch trên địa bàn hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải với những chuyên đề thiết thực về kỷ năng giao tiếp và kỷ năng phục vụ bàn cho các đối tượng tham gia làm du lịch với gần 50 học viên tham gia./.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Bến Tre tiếp tục phát huy thế mạnh loại hình du lịch Homestay

Loại hình du lịch Homestay đã phát triển mạnh ở Bến Tre trong những năm gần đây. Du lịch Homestay mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế với sinh hoạt đời thường của người dân, khám phá cuộc sống làng quê sông nước và văn hóa bản địa, từ đó được du khách lựa chọn trong hành trình tour du lịch tại Bến Tre, đại diện sông nước miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trải nghiệm homestay Bến Tre 
Du khách quốc tế thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị miệt vườn tại một điểm homestay địa bàn TP. Bến Tre (Ảnh: BenTreTourist)
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến Homestay chị Mai (xã Tân Thành Bình - huyện Mỏ Cày Bắc) là hàng rào hoa kiểng đẹp mắt, ngôi nhà nhỏ nép mình dưới những hàng dừa xanh; xung quanh ngôi nhà là vườn cây xanh tươi với các loại trái cây: bưởi da xanh, xoài, mít, sa pô,… Đặc biệt, gia chủ còn dựng nhiều gian chòi thoáng mát bằng lá sát mé sông Hàm Luông để du khách ngồi nghỉ ngơi, thư thái dùng trái cây và có thể câu cá giải trí. Không gian yên tĩnh, sự mát mẻ của miệt vườn sông nước xứ dừa mang lại cảm giác vô cùng dễ chịu cho du khách.

Để vào gian nhà chính, du khách phải băng qua hành lang dài. Chái bếp ở bên hông nhà theo đúng kiểu nhà Nam Bộ xưa. Chị Mai cho biết: “Du khách có thể cùng tôi chế biến những món ăn đồng quê hay làm các món bánh dân gian của miền Tây tại gian bếp này với các món đặc trưng: Cá lóc khô tộ, tép rang dừa, gỏi cuốn bánh tráng, cá tai tượng chiên xù,…Tôi cũng thường hướng dẫn du khách làm món bánh xèo, gói bánh tét, nấu bánh canh, …”. Đến đây, du khách sẽ được chủ nhà hướng dẫn sắm vai “Nông dân Nam Bộ” với công việc nhà nông: trồng rau màu, chèo xuồng giăng lưới, tát mương bắt cá... Khi mệt, du khách ngả lưng trên những chiếc võng mắc dưới tán dừa, đón làn gió mát rười rượi từ sông thổi vào…Tối đến, du khách có nhiều trải nghiệm thú vị khi tham gia sinh hoạt, chia sẻ những câu chuyện đời sống thường nhật cùng các thành viên trong gia đình của chị Mai. Vào dịp Tết, du khách còn có thể hòa mình vào các phong tục tập quán địa phương: chúc tết, nhận lì xì, gói bánh tét, sên mứt dừa…

Cô Giulia, du khách đến từ Đức khi ở Homestay Hoàng Lan (Châu Thành, Bến Tre): “Chúng tôi được chỉ dẫn làm chả giò, nấu vài món ăn địa phương để có bữa tối ngon và ấm cúng. Ngày hôm sau, cả đoàn có hành trình trải nghiệm khá thú vị khi đi tham quan chợ địa phương, đạp xe dạo trên đường làng tìm hiểu về cuộc sống thường nhật của những người nông dân, tham quan các làng nghề truyền thống, các vườn cây, trái ngon: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, cacao,…”. 

Tại khu vực ven thành phố Bến tre, du lịch Homestay Hai Hồ ( thuộc xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre), ông Gomes đến từ Anh chia sẻ: “Thật tuyệt vời khi đến đây. Tôi có thể đi xe đạp ngắm cảnh nông thôn với những hàng dừa xanh mát, ngắm đom đóm vào ban đêm, chèo xuồng trong rạch dừa nước”. Du khách Jacobs (Mỹ) lại chia sẻ nhiều cảm xúc thú vị không thể quên tại Homestay Dừa Xanh (khu vực Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre): “Thật sự tuyệt vời, tôi được đi chợ làng quê, ngắm nhìn các cánh đồng lúa, nhìn những hàng dừa xanh trĩu quả hay len lỏi vào những con rạch dừa nước ngoằn ngèo, học làm các món ăn miền quê, được gia chủ cho biết nhiều thông tin về địa phương, thưởng thức những điệu hát tài tử cải lương làm say đắm lòng người. Tuyệt vời nhất là chạy xuồng máy dọc trên sông vào buổi chiều, ngắm những đứa trẻ nô đùa dưới nước, cuộc sống của những người dân dọc bờ sông, ngắm cảnh hoàng hôn trên sông”.

Homestay Năm Hiền (Thị trấn Chợ Lách), Homestay Mai Thanh Vân (Long Thới), Jardindu Mekong Homestay, Đại Lộc (Sơn Định), Năm Vũ, Tám Lộc (Vĩnh Bình). Homestay Mai Thanh Vân (Long Thới, Chợ Lách),…cũng là điểm đến được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng với sự trải nghiệm vườn trái cây, quy trình ươn ghép cây giống hoa kiểng, thu hoạch trái cây. Điểm chung và cũng là nét đặc sắc của Homestay Bến Tre là chủ nhà rất hiếu khách, tiếp đãi nồng hậu làm cho du khách có cảm giác mình thực sự là một thành viên của gia đình. Có lẽ đó chính là điều thu hút du khách.
Du khách nghỉ đêm tại Homestay Hoàng Lan - Châu Thành - Bến Tre (Ảnh: BenTreTourist)
Phát huy thế mạnh

Trên địa bàn Bến Tre có gần 20 điểm Homestay, chủ yếu tập trung ở huyện Châu Thành, TP.Bến Tre, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, con số này đã tăng dần và mức độ phục vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhiều Homestay được đầu tư khang trang, đầy đủ tiện nghi như: Homestay Năm Hiền, Homestay Mai Thanh Vân, Jardindu Mekong Homestay, Tám Lộc, Năm Vũ, Đại Lộc,…Đó là những ngôi nhà được xây dựng thoáng mát, tiện nghi gắn liền với cảnh làng quê miệt vườn rất đẹp, không khí trong lành, cách xa thành phố, sân vườn rộng lớn, nội thất sang trọng. 

Tuy có bước phát triển nhanh, thu hút nhiều du khách quốc tế. Song, Homestay ở Bến Tre vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh vốn có. Hầu hết các điểm homestay nằm rải rác ở nhiều nơi, nhiều huyện, khoảng cách xa, đầu tư nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tự có của hộ gia đình, giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Vốn đầu tư của các chủ vườn cũng hạn chế nên các dịch vụ không đồng đều. Ông Trần Duy Phương- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cho biết: “Để các Homestay thu hút nhiều du khách quốc tế, nâng cao chất lượng và mở rộng đầu tư, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn với doanh nghiệp lữ hành và hộ gia đình, cần có chính sách vay vốn ưu đãi giúp người làm du lịch an tâm đầu tư, chẳng hạn cho phép kéo dài thời gian hoàn vốn, lãi suất vay ưu đãi, các thủ tục linh động hơn. Ngoài ra, các địa phương có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này cần quan tâm đến vấn đề môi trường du lịch, khai thác phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương”.

 Bến Tre có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch homestay nhưng chưa được khai thác hết. Đã đến lúc Bến Tre cần có những chính sách quan tâm hơn nữa về phát triển loại hình du lịch này để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương; phát triển hơn nữa loại hình du lịch này gắn liền với du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn tại quê hương xứ Dừa./.