Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Sản phẩm làm đẹp từ nước dừa xứ Bến Tre

Xứ Bến Tre được trồng rất nhiều dừa, có thể nói dừa ở xứ này được trồng nhiều như rừng. Từ đỉnh cầu Hàm Luông nhìn về tứ phía cù lao Bảo, cù lao Minh sẽ thấy rừng dừa xanh bát ngát, giống như thảm thực vật xanh um khổng lồ, khó nhận ra đâu là những nhà ngôi nhà của cộng đồng dân cư đang sinh sống. Cũng chính vì dừa sinh trưởng và phát triển đa chủng loại trên vùng đất này, mà đi đến đâu ai cũng gọi Bến Tre là xứ của dừa. Và chắc có lẽ vậy, mà người dân xứ dừa luôn tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, rồi đưa ra những ý tưởng sáng tạo từ nguyên liệu, chất liệu, vật liệu của dừa, để làm ra nhiều sản phẩm có giá trị có ích cho đời.

Nói về công dụng của nước dừa Bến Tre thì không sao diễn tả hết được. Chỉ riêng nước dừa thôi mà người dân xứ dừa đã dùng nó làm nguyên liệu chế biến ra đủ thứ các món ăn, thức uống rất tốt. Và cũng từ nước dừa mà khoảng cuối năm 2011, đã có sản phẩm “mặt nạ từ dừa” ra đời. Vì là phái nữ, phái hay làm đẹp và thích làm đẹp, nhất là chăm sóc sao cho đẹp da mặt của mình. Tôi cũng là người thích đẹp, nên thường mua những sản phẩm mặt nạ làm từ dưa leo, cà chua, nha đam.... để dùng. Cách nay hơn 2 tháng tiện đường ghé shop mỹ phẩm ở Phường 3 để mua mặt nạ đắp da mặt tôi thường dùng, tôi bắt gặp sản phẩm "mặt nạ từ dừa", cầm lên xem kỹ các thông tin, mới biết đây là sản phẩm được làm từ nước dừa của quê hương mình. Mà nước dừa từ trước đến giờ chưa nghe ai nói nó độc cả. Nước dừa được xem là loại nước khoáng thiên nhiên, khi uống sẽ được cung cấp vitamin B và các khoáng chất khác như kali, magiê vào cơ thể con người…. Nếu uống một trái dừa tươi sẽ tiếp thu được khoảng 250ml nước khoáng thực vật. Trong kháng chiến, do thuốc men thiếu thốn, các thầy thuốc của cách mạng đã sáng kiến dùng nước dừa nạo để thay nước biển truyền dịch cho những thương binh mất máu, mất nước kiệt sức; hay nước dừa còn thay nước cất trộn vào thuốc kháng sinh để tiêm rất tốt. Còn trong đông y thì dùng nước dừa kết hợp với một số cây thuốc nam để chữa một số bệnh rất có hiệu quả. Nghĩ đến công dụng của nó như vậy, nên tôi quyết định mua 02 cái "mặt nạ từ dừa" để dùng thử. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, khi đắp "mặt nạ từ dừa" lên da mặt, tôi theo dõi và có cảm giác nó hít chặt vào da, mát lạnh, rất thoải mái; khi đắp xong vài ba giờ sau tôi thấy da tôi không có phản ứng gì khác.

Vì chỉ mới dùng lần đầu, nên tôi chưa thể nhận xét được nó khác gì so với các sản phẩm khác tôi đã dùng. Hai ngày sau tôi tiếp tục dùng lần nữa, lần này tôi cảm nhận được "mặt nạ từ dừa" nó giữ cái mát lạnh trên da mặt lâu hơn các sản phẩm mặt nạ khác tôi đã dùng. Mỗi lần đắp mặt nạ xong gỡ ra, tôi rửa mặt lại bằng nước lạnh, khi sờ vào da mặt cảm giác da rất sạch, hơi lành lạnh, mịn màng hơn. Sử dụng được 02 lần tôi vẫn chưa dám tin là nó có hiệu quả như phần công dụng đã ghi trên bao bì: “Làm sạch da, giữ độ ẩm cho da, làm mịn và sáng da”. Có điều tôi công nhận trước tiên là thấy là da tôi không bị phản ứng, tiện lợi là không cần để vào ngăn mát tủ lạnh, nhưng khi dùng vẫn có cảm giác mát mát, lạnh lạnh rất dễ chịu.

Như vậy, cứ hai ngày tôi sử dụng "mặt nạ từ dừa" một lần, dùng hơn 4 tuần, tôi mới dám nói sản phẩm mặt bằng "mặt nạ từ dừa" của Bến Tre rất có hiệu quả, không gây hại cho da. Hiệu quả nhất tôi có thể chia sẻ là làm sạch da, giữ độ ẩm cho da cũng như làm mịn da mặt và sáng da. Bây giờ thì có thể nói tôi rất an tâm, tự tin khi dùng nó. Mỗi lần đắp "mặt nạ từ dừa" xong tôi trang điểm nhẹ thì thấy da rất ăn với mỹ phẩm, sáng hơn và rất mịn màng. Những lúc đi dự tiệc tôi đều đắp "mặt nạ từ  dừa" trước, rồi mới trang điểm, lúc đó nhóm bạn nhìn tôi bảo da mịn màng, tươi sáng hơn trước, các bạn hỏi dùng mỹ phẩm gì, tôi nói cũng là các hiệu mỹ phẩm bình thường như trước thôi. Nhưng trước khi làm đẹp, mình đắp "mặt nạ từ dừa" của Bến Tre mình làm đấy và tôi chỉ các bạn đến hiệu mỹ phẩm Mai Quyên ở phường 3 mua dùng thử.

Thấy dùng "mặt nạ từ dừa" đắp da mặt có hiệu quả, đây lại là sản phẩm mới làm từ nước dừa của quê hương mình, nên tôi không ngần ngại mua 01 hộp (trong đó có 07 cái) gởi tặng ngay cho bạn ở xa. Khi tặng, tôi chỉ nói sản phẩm này không bị phản ứng da, rất mát, bạn dùng thử đi rồi thông tin cho mình biết. Sau khi dùng được 4 cái, bạn tôi thông tin cho tôi biết sản phẩm "mặt nạ từ dừa" của bạn tặng dùng rất tốt. Tôi hỏi bạn cảm nhận thế nào sau khi dùng nó. Bạn tôi không chút do dự trả lời ngay "sạch da, mát lạnh trên da rất lâu, sau khi dùng da rất mịn và sáng hơn" và hỏi tôi muốn mua sản phẩm "mặt nạ từ dừa" mua ở đâu? Lúc đó tôi trả lời mua ở Bến Tre, bạn cần thì mình mua gởi lên cho.

Sau này tìm hiểu, được biết sản phẩm này đang được giới thiệu tại Phòng trưng bày sản phẩm từ dừa của Sở Khoa học – Công nghệ và bán ở một số shop mỹ phẩm ở trung tâm thành phố Bến Tre. Hiện nay thì sản phẩm "mặt nạ từ  dừa" đã có mặt ở các Khách sạn – Nhà hàng, các dịch vụ làm đẹp - chăm sóc da ở Bến Tre. Các điểm du lịch sinh thái ở Bến Tre cũng đã bày bán sản phẩm này và khách du lịch mua dùng rất thích. Mới đây tôi nắm được thông tin tại một số shop mỹ phẩm ở Quận 8 -  thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trưng bày bán sản phẩm "mặt nạ từ  dừa" của Bến Tre, tôi đã thông tin cho bạn tôi đến đó tìm mua.

Sản phẩm "mặt nạ từ dừa" dùng để đắp mặt, làm đẹp làn da ra đời trên đất Bến Tre và đang bắt đầu được một số phái nữ ở xứ dừa sử dụng, là do Hợp tác xã Tiểu thủ Công nghiệp Cửu Long ở Phường 8, thành phố Bến Tre dùng nguyên liệu từ nước dừa xứ Bến Tre làm ra. Được biết, đây là đơn vị đã sản xuất, kinh doanh xuất khẩu thạch dừa. Hiện nay sản phẩm chủ lực của đơn vị này là thạch dừa viên, thạch dừa giả mực, thạch dừa sợi và mới đây là “mặt nạ từ dừa”.

Qua tìm hiểu, trên thế giới cũng đã có một số nước sản xuất “mặt nạ từ dừa”, nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên một Doanh nghiệp của xứ dừa Bến Tre nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm này. Cũng thông tin từ cơ sở sản xuất ra sản phẩm này, tôi được biết để làm ra sản phẩm "mặt nạ từ  dừa" nhóm xã viên của Hợp tác xã TTCN Cửu Long đã mất gần 10 năm để nghiên cứu và cũng đã có không ít lần muốn bỏ cuộc, vì công nghệ này rất mới mẻ. Nhưng sau đó khách hàng các nước như: Đài Loan, Hàn Quốc…, biết Bến Tre là xứ sở của dừa Việt Nam, nên đã đến đây đặt hàng nhiều lần về sản phẩm "mặt nạ từ  dừa". Từ đó nhóm nghiên cứu này quyết mới tâm thực hiện ý tưởng. Sau hàng chục năm trời mày mò và thử nghiệm nhiều lần, Hợp tác xã TTCN Cửu Long đã cho ra đời chiếc mặt nạ được làm từ nguyên liệu nước dừa thứ thiệt của xứ Bến Tre. Sản phẩm “mặt nạ từ dừa” này hoàn toàn được chế biến từ 90% nước dừa tự nhiên của đất Bến Tre và 10% men Acetobacter. Khi làm ra có độ mỏng, dày, trong suốt, là sản phẩm tinh khiết không có hóa chất. Cái khó nhất để cho ra đời sản phẩm "mặt nạ từ  dừa" là làm sao độ mỏng của chiếc mặt nạ chỉ được dày khoảng 1 - 2mm, kế đến là độ trong suốt của sản phẩm…. Sở Y tế Bến Tre cũng đã kiểm nghiệm chứng nhận sản phẩm không gây hại cho da, sức khỏe của con người.

Dừa Bến Tre có nhiều công dụng vậy đó, người dân xứ dừa khẳng định nó là cây có nhiều và rất nhiều lợi ích, son sắt – thủy chung gắn bó với cuộc sống người Bến Tre trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy mà mỗi ý tưởng sáng tạo từ dừa hay khi làm nên một sản phẩm đưa ra thị trường dù lớn hay nhỏ, cũng đều góp phần nâng cao giá trị thực của cây dừa trên đất Bến Tre; góp phần làm đa dạng sản phẩm từ dừa, cũng như tôn vinh giá trị toàn diện của cây dừa. Đặc biệt, là góp phần làm phong phú về giá trị văn hóa dừa trên đất Bến Tre. Hiện nay, sản phẩm "mặt nạ từ dừa" Bến Tre cũng đã được gởi chào hàng bên Nhật Bản, nhiều khách hàng Nhật Bản cũng đã hài lòng. Theo tin từ Hợp tác xã TTCN Cửu Long, sắp tới  phía Nhật sẽ đến Việt Nam để xem xét ký kết hợp đồng với đơn vị trong thời gian tới.

Tự hào về những sản phẩm làm ra từ dừa, cũng như nhân dịp Bến Tre tổ chức “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” từ ngày 18 giờ ngày 04/4/2012 – 10/4/2012 Hợp tác xã TTCN Cửu Long sẽ tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm về dừa do đơn vị mình sản xuất, trong đó có giới thiệu và bày bán sản phẩm mới “mặt nạ từ dừa” trong khu Hội chợ - triển lãm tại Khu Sao Mai (tại phường 7 – Tp Bến Tre). Nhân dịp này, để kiểm chứng sản phẩm mới làm đẹp cho phái nữ từ nước dừa xứ Bến Tre, mọi người có thể tìm hiểu và hãy tìm mua sản phẩm “mặt nạ từ dừa” về dùng thử sẽ thấy nó rất có hiệu quả, cũng giúp mình như được thư giãn sau những giờ làm việc, lao động. Nếu không tin “phái mày râu” cũng hãy dùng thử cho mình, rồi mua tặng cho chị nhà mình làm đẹp. Tôi chắn chắn sản phẩm “mặt nạ từ dừa” của xứ Bến Tre nó sẽ làm các chị thích thú và nó sẽ thật sự có ý nghĩa vô cùng cho các anh đấy!!!

Đa dạng sắc màu "Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I"

Tình đến thời điểm này thì hầu hết hệ thống sự kiện các chương trình chính đang tất bật chuẩn bị diễn ra trong “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012”, trong đó “Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I” cũng nằm trong chuỗi những sự kiện đó. Theo tin từ Ban Tổ chức hiện tại đã có 29 đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong ngoài tỉnh đăng ký tham gia 41 gian hàng ẩm thực. Có gian hàng đăng ký thi “Gian hàng xuất sắc”.

“Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần I” sẽ khai mạc vào lúc 08 giờ ngày 05/4/2012 và kết thúc lúc 22 giờ ngày 09/4/2012. Địa điểm diễn ra liên hoan ẩm thực nối liền với khu tổ chức sự kiện “Nghệ thuật sắp đặt con dường dừa” tại công viên Hùng Vương, nằm trên đường cùng tên bên bờ sông Bến Tre, thuộc địa bàn phường 7, thành phố Bến Tre (đoạn cầu Bến Tre 2).

Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần này, ngoài sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp chủ lực của tỉnh như: Nhà hàng Hàm Luông, Đồng Khởi, Bến Tre, Đông Châu, Nhà hàng Nổi, Cồn Phụng, Nhà hàng The Champagne và Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố Bến Tre, các đơn vị, cá nhân khác trong tỉnh; các tỉnh bạn như: Vĩnh Long, Long An, Bình Dương, Làng Việt Tiền Giang, Sóc Trăng (tham gia 03 đơn vị: Ẩm thực Sài Gòn, Vườn ẩm thực 36, Công Du lịch Liên Việt), Tp. Hồ Chí Minh cũng có 03 đơn vị tham gia.

Với tên gọi “Liên hoan ẩm thực xứ dừa” nên hầu hết các đơn vị tỉnh nhà đăng ký món ăn đều có chế biến món đặc trưng có nguyên liệu dừa. Lướt qua phiếu đăng ký các món ăn của các đơn vị, có thể nhận thấy sự phong phú đa dạng của ẩm thực xứ dừa lần này. Trong đó có nhiều món ăn mang đậm chất dân dã, truyền thống như: Bánh xèo, bánh tét, bánh canh nước cốt dừa tôm - cua, lươn um nước cốt dừa, ốc tẩm dừa, cơm lá dứa nước dừa, cá nướng…. Cũng như cùng với sự góp mặt chế biến chất lượng các món ăn đặc trưng, hấp dẫn, bắt mắt, trang trí sang trọng, nhưng rất cầu kỳ và rất nghệ thuật của các nhà hàng trong tỉnh giới thiệu trong thực đơn như món: Đuông chiên bơ, đuông dừa nhúng nước nắm, gà ác tiềm ớt hiểm trong trái dừa, gà cuộn lá dứa cốt dừa, vịt tẩm dừa lá cách, xôi phòng, .… Hay các món ăn được chế biến từ các loại cá: Hắc cấy, cá bốp, cá lóc,… nhúng nước dừa, tép đất ủ dừa hay các món quay bằng nước dừa cũng được các đơn vị đưa vào thực đơn giới thiệu và phục vụ rất hấp dẫn.

Nấm mối là một trong những sản vật độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất xứ dừa, là loại nấm mọc tự nhiên, theo mùa, mà mùa này rất hiếm, cũng được các nhà hàng của tỉnh nhà đưa vào chế biến, giới thiệu trong dịp này. Hay món cơm nấu trong trái dừa với nước dừa cũng rất hấp dẫn vô cùng. Thú vị nhất là sự tham gia các món ăn rất đặc trưng của từng vùng, miền khác nhau như: Bún nước lèo, bánh pía, thức ăn nhanh… (Sóc Trăng); hủ tíu Mỹ Tho, chả làng việt (Tiền Giang); chả giò sữa dừa, khoai mì gân… (Long An); rồng vàng Phương Nam (Vĩnh Long), thức ăn nhanh của Tp. Hồ Chí Minh…. Các gian hàng ẩm thực của Hội Liện hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố Bến Tre cũng giới thiệu thực đơn các món ăn, thức uống rất đặc trưng, rất truyền thống, dân dã … cũng không kém phần hấp dẫn.

Ngoài các gian hàng giới thiệu phục vụ các món ăn, còn có các gian hàng thức uống giải khát như: nước dừa tươi, dừa xiêm dứa, nước ép trái cây, nước mía siêu sạch…. Các món tráng miệng rất ngon như: rau câu dừa, kem, bánh flan dừa, các loại chè nước cốt dừa, hay các loại bánh làm từ nguyên liệu dừa, sẽ góp phần phong phú đa dạng sắc màu của liên hoan ẩm thực xứ dừa.

Mỗi gian hàng tham gia ẩm thực xứ dừa là mỗi đề tài khác nhau, cách  chế biến món ăn, thức uống, đến nghệ thuật trang trí đều mang đậm phong cách riêng của từng đơn vị, địa phương vùng, miền. Liên hoan ẩm thực xứ dừa sẽ là nơi quy tụ nhiều món ăn ngon của từng vùng miền, nhất là những món ăn miệt vườn của vùng sông nước cây trái xứ dừa và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây sẽ là nơi hội ngộ các giá trị văn hoá ẩm thực, các thương hiệu ẩm thực, do chính các đầu bếp chuyên nghiệp tại các nhà hàng và các đầu bếp không chuyên miệt vườn thứ thiệt tham gia chế biến và trình diễn nghệ thuật thao tác các món ăn.

Hy vọng với sự tham gia tích cực, trang trí đẹp, chế biến các món ăn, thức uống đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phù hợp, cùng với phong cách phục vụ lịch sự, thâm tình mến khách thì “Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I” sẽ thu hút du khách gần xa đến thưởng thức và để lại ấn tượng đẹp với xứ dừa Bến Tre.

Dừa Bến Tre - Làm nên sản phẩm độc đáo

Dừa không chỉ có ở Bến Tre, mà còn có ở một số tỉnh khác của Miền trung và Miền tây. Nhưng có lẽ dừa thích nghi, phát triển nhiều chủng loại và tốt tươi ở xứ ba dãy cù lao Bến Tre là nhiều nhất. Và cũng chẳng ai biết rõ dừa đến ở đây tự bao giờ. Có thể khẳng định Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước. Chắc vì vậy mà người dân Việt Nam lại nói "Thấy dừa thì nhớ Bến Tre". Cây dừa đã tồn tại rất lâu trên mãnh đất ba dãy cù lao và gắn bó với biết bao thế hệ sống nơi đây và cũng có lẽ từ nhiều câu chuyện, nhiều bài thơ đã được viết gắn liền người dân Bến Tre với cây dừa, vì thế hễ thấy cây dừa lại nhớ Bến Tre.

Dừa đã thiết thực gắn bó với cuộc sống, là vật liệu cho con người làm nhà che nắng, che mưa, nhất là cho những người đến vùng đất Bến Tre cư ngụ và lập nghiệp từ buổi đầu. Dừa là cái nôi cho trẻ thơ, là cái giương cho tuổi già yên giấc. Trong thực tế không chỉ có "cầu tre lắc lẽo", mà "cây cầu dừa" cũng đã bắc nối se duyên trai gái hay thắt chắt làm nên tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Dừa đã tạo nên cho con người sống trên đất ba dãy cù lao xứ dừa có những thâm tình, đôn hậu, chịu khó học hỏi, lại vừa dịu dàng, vừa thướt tha như "tóc dài bay trong gió", vừa mạnh mẽ như "nước lũ tràn về".

Dừa Bến Tre nó không chỉ bị hấp dẫn bởi hương vị ngọt, thơm của trái dừa, mà nó còn tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây dừa để mọi người được chiêm ngưỡng. Từ xưa đến nay rất ít loại cây trồng nào có giá trị sử dụng như cây dừa, từ thân, cọng, bẹ dừa, lá… đều có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, làm ra nhiều loại sản phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

Có thể nói cái gì dính dáng đến cây dừa, ngay cả những phế phẩm tưởng chừng như bỏ đi, nhưng khi qua sự khéo léo sáng tạo của con người, đã trở thành những sản phẩm rất có ích cho cuộc sống con người. Đặc biệt, với óc sáng tạo kết hợp với đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã được ra đời. Cây dừa là một loại cây trồng để ăn trái, do vậy khi dùng gỗ dừa làm hàng thủ công mỹ nghệ phải chọn cây dừa từ 40 - 50 năm tuổi trở lên mới có độ cứng đặc trưng và làm nên những hàng thủ công mỹ nghệ rất độc đáo, bắt mắt. Đặc biệt là xớ gỗ rất độc đáo mà các loại gỗ khác không có.

Sau khi gia công ở công đoạn tạo hình, phải tiếp tục xử lý ẩm, mối, mọt. Bằng công nghệ và vệ sinh cho phép hàng loạt sản phẩm được ra đời như vật dụng gia đình, đồ chơi trẻ em, quà lưu niệm. Một đặc trưng khác từ đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa, hầu hết những phế phẩm thu được từ cây dừa đều có thể tận dụng để sản xuất ra những món hàng lưu niệm, trang trí lạ mắt và mang nét đặc trưng riêng của Bến Tre. Như cọng lá dừa, vật liệu tưởng chừng như bỏ đi ấy, hay từ xưa chỉ dùng làm nhiên liệu nấu bếp của các chị em phụ nữ nông thôn Bến Tre, qua sáng tạo người dân đã tận dụng và tạo nên những giỏ bằng cọng dừa dùng để cắm hoa, tạo nên những giỏ hoa xinh xắn làm quà tặng trong những dịp lễ tết, hay trang trí tại những nơi trang trọng trong gia đình, nhà hàng, khách sạn,…. Chà dừa nơi những trái dừa được gắn liền với thân mẹ, sau khi làm tròn vai trò kết nối để nuôi sống những trái dừa, chà dừa sẽ được những người thợ phơi khô, sơn màu hoặc đánh dầu bóng, kết thành những giỏ hoa, lồng đèn trang trí thật lạ mắt.

Trái dừa Bến Tre trái nào có hình dáng đẹp thì làm mười hai con giáp, trái dừa xấu thì làm giò lan, tổ chim, trái dừa điếc cũng làm được biểu tượng trái bóng bầu dục và hình thù ngộ nghĩnh của ba chú khỉ dang tay “che mắt, che tai, che miệng” thể hiện triết lý phương Đông “việc xấu không nhìn, lời xấu không nghe, nói có hại cho người không nói”. Còn xơ dừa khi được tách ra từ vỏ của trái dừa, sau khi được làm sạch, se sợi sẽ được kết lại làm đủ các loại thảm hình thù con thú, con cá, không chỉ sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Gáo dừa ngoài việc sử dụng làm than hoạt tính, nhiên liệu, sau khi được xử lý, đánh bóng, cắt nhỏ tùy theo yêu cầu của sản phẩm, người thợ sẽ kết thành những túi xách xinh xắn cho chị em phụ nữ, kết hợp với gỗ dừa sẽ tạo thành những chiếc xe, chiếc thuyền và những món quà kỷ niệm xinh xinh khác.

Hiện tại chỉ tính gỗ dừa, gáo dừa đã có hơn năm trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo như: Bình trà, tách uống trà, nhạo rượu, ly uống rượu, chén, tô, đũa, dĩa, muỗng, nĩa, giá xúc cơm, sạn dùng cho chảo không dính, bình hoa, hộp đựng danh thiếp, hộp dựng nữ trang, hộp thuốc lá, gạt tàn, chân nến, xe xích lô, xe ô tô, dụng cụ matxa, đồi mồi, búp bê, cúp bóng đá, hồ lô, tôm, cua, gà, cá, ếch, cò, lồng đèn, giỏ xách,…. Mỗi mặt hàng có nhiều mẫu mã khác nhau phù hợp với nhiều đối tượng, với không gian, với môi trường. Mọi người ai cũng có thể mua để trang trí và sử dụng trong nhà bếp, bàn ăn đến phòng ngủ, phòng khách sang trọng; đồ chơi của em bé, đến trâm cài, lược chải tóc cho phụ nữ, cây gậy cho người già, từ trong nhà đến những nơi sang trọng. Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ cây dừa không chỉ sử dụng trong nước, mà đã vươn xa đến tay người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Nhật,…thông qua hình thức xuất khẩu và du lịch.

Ở Bến Tre, chưa có tên riêng của Làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa, mà chỉ có tên Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp ở xã Phước Long, Làng nghề đan giỏ cọng dừa ở xã Hưng Phong (Cồn Ốc), nhưng trong những làng nghề này đều sản xuất ra những mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, ở Bến Tre cũng có nhiều hộ gia đình tự sản xuất để bán hoặc làm vệ tinh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các Công ty Xuất khẩu hàng thủ công.

Hàng thủ công mỹ nghệ ở Bến Tre còn được sản xuất ở khu du lịch Cồn Phụng (thuộc ấp Tân Vinh, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Vì vậy, khi đến tham quan Cồn Phụng, sau khi đã tìm hiểu về Đạo Dừa, du khách có thể tản bộ dọc trên tuyến đường nối dài từ đầu cồn đến cuối cồn. Trên đường đi, sẽ nhìn thấy các gian hàng lớn, nhỏ được bày trí hai bên đường với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây dừa rất độc đáo. Bên trong những ngôi nhà ấy là nơi những người dân sản xuất các sản phẩm thủ công  mỹ nghệ để bán cho khách du lịch. Những sản phẩm chính ở Cồn Phụng là sản phẩm được làm từ thân dừa, gáo dừa. Đến đây, mọi người có thể tìm hiểu các khâu sản xuất để tạo nên sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm lưu niệm từ cây dừa.

Khác với Cồn Phụng, làng nghề ở Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, ngoài sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ thân cây dừa và gáo của trái dừa, làng nghề ở Cồn Ốc còn cho ra đời những sản phẩm được làm từ cọng lá dừa, chà của buồng dừa.

Có thể nói từ cây dừa của xứ Bến Tre, từ những phần chính cho đến cả những phần phụ của cây dừa, đã góp phần cho ra đời rất nhiều những sản phẩm làm từ dừa rất độc đáo, hấp dẫn. Những người thợ thủ công ở xứ dừa Bến Tre với đôi bàn tay khéo léo, cùng với đa dạng ý tưởng sáng tạo đã tạo nên phong phú những sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ có tính nghệ thuật cao. Những sản phẩm đó đã góp phần nâng cao giá trị toàn diện của cây dừa Bến Tre; làm phong phú và tô đẹp thêm nét đặc trưng văn hóa dừa trên đất Bến Tre. Hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa đã góp phần giới thiệu hình ảnh xứ dừa Bến Tre đến với bè bạn gần xa trong ngoài nước. Những sản phẩm đó không những chỉ làm đẹp cho đời, cho quê hương xứ dừa, mà cho cả đất nước Việt Nam và có mà còn có mặt nhiều nơi trên thế giới.

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Khởi động hội thi "Người đẹp xứ dừa" lần X năm 2012

Vòng sơ tuyển Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X sẽ là hoạt động đầu tiên diễn ra trong chuỗi “Festival Dừa Bến Tre lần thứ III năm 2012”. Theo thông tin từ Ban Tổ chức tính đến thời điểm này đã có 74 thí sinh đăng ký thi vòng sơ khảo Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X năm 2012 tại tỉnh Bến Tre. Ngày mai 30/3/2012 là ngày đầu tiên “cụm 01” diễn ra vòng thi sơ tuyển “Người đẹp xứ dừa”, được tổ chức vào lúc 19 giờ  tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Ba Tri và có các huyện như: Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm tham gia. Cụm này sẽ có 31 thí sinh tham dự.
Hình ảnh mang tính minh họa Hội thi “Người đẹp xứ dừa”

Tiếp đến vào lúc 19 giờ ngày 31/3/2012 vòng thi sơ tuyển “Người đẹp xứ dừa” tại “cụm 02” cũng được diễn ra tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Bình Đại, gồm 22 thí sinh của các huyện: Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam cùng tranh nhau khoe sắc.

Kế đến vào lúc 19 giờ ngày 01/4/2012 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Chợ Lách, được xếp là “cụm 03” cũng sẽ ra vòng thi sơ tuyển “Người đẹp xứ dừa” và gồm 21 thí sinh của các huyện như: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre tham dự thi tại cụm này.
Vẽ tranh trên gáo dừa năm 2009

Cũng thông tin từ Ban Tổ chức, các sự kiện nghệ thuật khác diễn ra trong tuần lễ hoạt động văn hóa cộng đồng cũng đang được ráo riết chuẩn bị như: Các trò chơi vận động đã có 07 đơn vị Trường Cao đẳng, Trung cấp nghề và Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre đăng ký tham dự. Hay hội thi “Thời trang dừa”  đã có 21 đơn vị đăng ký tham dự. Các trò chơi sáng tạo sẽ mặt của 9 đơn vị huyện, thành phố sự tham gia. Cuộc thi vẽ tranh trên giấy và gáo dừa vẫn đang tiếp nhận danh sách từ các trường học trong tỉnh gửi đến. Và chương trình giao lưu “Giai điệu xứ dừa” đã có 4 tỉnh nhận lời tham gia. Cũng như từ vòng thi chung kết Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X sẽ có đại diện người đẹp của 5 tỉnh bạn: Bình Định, Phú Yên, Tiến Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh cùng tham gia với thí sinh của tỉnh Bến Tre.
Ảnh minh họa trò chơi sáng tạo từ dừa
Ảnh thi trang phục dừa năm 2010

Hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ, rập ràng từ khâu tổ chức đến tổ chức các hoạt động sự kiện diễn ra từ cơ sở, cũng như cùng với sự háo hức chào đón, thưởng thức lần lượt các sự kiện diễn ra từ 18 giờ ngày 04/4/2012 – 10/4/2012, sẽ góp phần thành công chung trong “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” trên vùng đất ba dãy cù lao xứ dừa Bến Tre./.

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Dừa quê tôi gắn bó với cuộc sống

Lịch sử phát triển cây dừa Bến Tre, chưa có tư liệu nào ghi rõ nó từ đâu đến cư ngụ trên vùng đất này và đến tự bao giờ. Chắc có lẽ vậy mà năm 1966 nhà thơ Lê Anh Xuân đã có những vần thơ rất tuyệt trong bài "Dừa ơi":
          ... Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”
              Nội nói: “Lúc nội còn con gái
              Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân…

Và cho bây đến giờ ở quê tôi:


          ... Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
              Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
              Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
              Như dân làng bám chặt quê hương…

Đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng cây dừa vẫn luôn son sắt thủy chung, sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng đất Bến Tre. Bởi lẽ vùng đất này đã được thiên nhiên ban tặng phù sa của sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bồi đắp, tạo nên ba dãy cù lao (cù lao Bảo, Minh và An Hóa), cùng với khí hậu mát mẻ, hệ thống sông ngòi chằng chịt, là nơi lý tưởng cho nhiều giống dừa cư ngụ, thích nghi, phát triển xanh tốt. Có thể nói trong xây dựng quê hương, cây dừa đã trở thành loại cây đặc biệt của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, là cây xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân Bến Tre. Hình ảnh cây dừa quê tôi cũng đã đi vào sáng tác nghệ thuật, minh chứng bài hát “Dáng đứng Bến Tre” đã đi vào lòng người cả nước, hay những vần thơ, bài thơ, bài hát, những câu ca dao, những tác phẩm hội họa, văn học - nghệ thuật…, cũng đã ngợi ca rất nhiều, rất hay, rất đẹp, rất xuất sắc về cây dừa quê tôi.

Nhớ về dừa là tôi nhớ ngay đến nhà Ngoại tôi ở một vùng quê thuộc cù lao Bảo, chỉ tính trong một xóm ấp thôi mà nhà nào cũng trồng toàn là những hàng dừa, bờ dừa xanh phủ đầy bóng mát. Tôi nhớ rất rõ, trước nhà Ngoại là một con sông, bên hông là những rặng dừa xanh xen lẫn những hàng cau che bóng mát rười rượi. Anh em nhà tôi thường ra bờ dừa ngồi hóng mát mỗi buổi trưa và thường hay nô đùa cùng với đám bạn cùng xóm chơi các trò con nít.

Căn nhà Ngoại tôi ở được làm bằng gỗ dừa như: Cột, xiên, kèo, đòn tay và cả vách nhà. Đến tuổi lớn, tôi hiếu kỳ hay hỏi Ngoại đủ thứ, có lần ôm cây cột nhà  bóng nhẵn trước hiên, bên dưới cây cột có kê con tán bằng đá xanh, tôi hỏi: "Ngoại ơi! cột nhà mình làm bằng gì vậy Ngoại? Ngoại nói: Nhà mình làm bằng cây dừa, chỉ có rui làm bằng tre và lá lợp nhà là lá dừa nước". Tôi tiếp tục hỏi: "Sao làm bằng dừa mà không phải là cây khác  hả Ngoại? Nhà làm hồi nào mà cây cột này có vân trơn bóng vậy Ngoại?". Ngoại xoa đầu tôi rồi nói: "Lâu lắm rồi con ạ, từ lúc Ngoại có Mẹ con". Bây giờ nghỉ ra tôi tính nhà Ngoại lúc ấy đã có từ 38 - 40 năm.

Ngoại nói Ông, bà của Ngoại kể lại: Cây dừa nó có ở đất nầy tự hồi nào không ai biết cả, chỉ biết khi đến đây sinh sống là đã thấy có nó rồi. Ngoại còn nói đa số những ngôi nhà ở đây đều làm cột bằng cây dừa, lợp lá, nhà nằm ven các triền sông hay trên những giồng đất cao ráo. Ngoại nói khi xưa những cây dừa được trồng từ 40 - 50 năm trở lên (gọi là dừa lão) cho ít trái người ta đốn xuống lấy thân làm nhà, đóng giường ngủ, ghế đẩu để ngồi, củi đựng chén, tủ đựng thức ăn, bình đựng ấm trà hay chén - đũa -Duw muỗng ăn để ăn cơm, một số dụng cụ bếp và vật dụng khác cần thiết dùng trong nhà.

Ngày nay là thời đại văn minh tiến bộ, nhà Ngoại tuy đã khác, căn nhà trên được xây bằng gạch đẹp lắm, nhưng căn nhà dưới của Ngoại vẫn còn là căn nhà gỗ dừa, lợp lá. Tôi không hỏi Ngoại vì sao vẫn còn giữ lại căn gỗ dừa lợp lá ấy làm nhà dưới, bởi ít nhiều tôi đã hiểu được những kỷ niệm sâu xa của ngôi nhà dừa mà gia đình Ngoại đã gắn bó với nó từ buổi đầu lập nghiệp.

Phải nhìn nhận rằng cuộc sống bây giờ có nhiều phương tiện vật chất văn minh hiện đại lắm, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích ở trong căn nhà làm bằng gỗ dừa lợp lá. Có lẽ vì nó rất mát mẽ, nó còn là vật liệu cách nhiệt rất tốt trong mùa nắng nóng oi bức, nhất là trong giai đoạn hiện nay có nhiều sự biến đổi khí hậu .... Điều tôi thích nhất dưới căn nhà dừa của Ngoại, được nằm đu đưa trên chiếc võng, mình nhớ lại nhiều kỷ niệm, nhiều điều thú vị của tuổi thơ, để rồi nghiệm lại bản thân mình sống sao có ích cho xã hội, cho quê hương. Có lẽ vậy mà mỗi lần về lại quê nhà, cả ban ngày hay đêm tôi đều thích sinh hoạt ở căn nhà dưới, căn nhà gỗ dừa lợp lá của Ngoại tôi năm nào.
Và trong tâm thức tôi nhà gỗ dừa, lợp lá là rất nét đặc trưng hay như là một lối kiến trúc nhà miệt vườn của xứ dừa vùng sông nước Bến Tre. Tôi vẫn còn nhớ thân dừa còn làm chiếc nối đôi bờ, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân quê tôi, làm nên sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.

Gỗ dừa từ 30 năm tuổi trở lên không những chỉ làm nhà ở rất bền, rất tốt, mà gỗ dừa còn được người dân quê tôi khéo léo sáng tạo ra hàng trăm loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng rất độc đáo bán cho du khách và xuất khẩu. Ngày nay nếu nhà làm bằng gỗ dừa thì cũng sẽ rất đẹp, rất độc đáo với ý tưởng sáng tạo từ tay nghề của những người làm kiến trúc và cũng như gỗ dừa được xử lý kỹ thuật tốt, thì mối mọt không thể đục vào thân, gỗ dừa nó sẽ bền và rất bền.

Những biến tấu đầy sắc màu của dừa trên quê hương tôi hay những khả năng vô tận của nó sẽ giúp ích cho con người trong cuộc sống. Tôi có thể khẳng định như thế, vì ngay như cọng lá dừa và mo nang..., trước đây chỉ để nhóm lửa hoặc để bó chổi quét nhà, thì ngày nay cọng dừa tươi được dùng để đan giỏ hoa, lẵng hoa, giỏ tặng phẩm; mo nang bện thành các loại lồng đèn trang trí nội thất... rất là lạ hay hay. Hay ngay cả vỏ dừa cũng được chế biến thành chỉ xơ dừa. Ngày xưa đi biển không có loại dây thừng (dây luộc) nào sánh bằng dây làm từ xơ dừa rất bền. Ngày nay xơ dừa được làm thành các sản phẩm có giá trị như: Thảm chùi chân, dây thừng, nệm xơ dừa, lưới sinh thái, giỏ sách, tấm trần, ghế ô tô. Lưới xơ dừa còn dùng cho những công trình chống sạt lở bờ kè hay phủ đất trống đồi trọc; nồi xơ dừa quấn vào cây để giữ ẩm; gối ôm xơ dừa dùng để trồng cây và rau sạch....  Hay phần bụi xơ dừa (còn gọi là mụn dừa) được tước từ chỉ xơ dừa ra thì dùng làm phân bón hữu cơ; trộn hỗn hợp mụn dừa cải tạo đất; mụn dừa nay được ép thành đất sạch dùng cho công nghệ trồng rau sạch, trồng hoa kiểng và một số loại cây ăn trái.... Còn gáo dừa (hay gọi là miễng gáo) từ xưa đến nay vẫn dùng đun nấu, than của nó rất lâu tàn và dùng cho các món nướng rất ngon. Ngày nay gáo dừa dùng làm than thêu kết, than hoạt tính rất có giá trị. Gáo dừa còn là loại gỗ đặc biệt có tính sừng hóa, nên có độ bền và tính thẩm mỹ cao độc đáo. Do gáo dừa có độ cong và bề mặt cứng, nên rất phù hợp làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị, phục vụ cho ngành trang trí nội thất đa dạng với những họa tiết hoa văn rất tự nhiên, độc đáo lạ mắt.

Đặc biệt nhất vẫn là phần cơm dừa như: Cơm dừa ép ra làm dầu dừa, rồi từ dầu dừa chế biến ra nguyên liệu làm dầu thực phẩm; xà phòng, chất tẩy rửa; nhiên liệu  sinh học; mỹ phẩm; dược phẩm; thực phẩm dinh dưỡng..., hay chế biến thức ăn chăn nuôi (gia súc, gia cầm). Cũng từ cơm dừa qua sáng tạo của con người cùng với những thiết bị chế biến ra thành thực phẩm và nguyên liệu để làm ra các món ăn như: Sữa dừa và bột sữa dừa; kem dừa; cơm dừa nạo sấy; bánh Snack dừa, kẹo dừa; phô mai dừa và yaout dừa; thạch dừa, đường dừa, rượu dừa, mứt dừa... dùng rất tốt cho sức khỏe của con người.

Sự có ích của cây dừa quê tôi còn rất nhiều, tất cả các phần của cây dừa đều có thể được sử dụng cả. Cảm ơn thiên nhiên và ai đó đã ban tặng "Cây Dừa" là món quà vĩ đại nhất cho vùng đất quê hương tôi, là một trong những loại cây tốt đẹp, là cây của cuộc sống - cây của hàng trăm - hàng ngàn công dụng.

Là người con của xứ dừa xa xứ, đang lập nghiệp trên đất khách quê người, chưa có điều kiện đóng góp nhiều quê hương nơi mình được sinh ra và lớn lên. Nhưng lúc nào tôi cũng cập nhật thông  tin về quê hương mình, nhất là về cây dừa - về giá cả của nó. Bởi vì, nó vô cùng quan trọng gần như là thu nhập chính của gia đình tôi, cũng như bao gia đình khác ở quê nhà. Tôi cũng biết sự khó khăn của nó hiện nay trên thương trường làm người dân quê tôi lao đao, lo ngại, trăn trở. Xin chia sẻ những khó khăn chung của quê hương và những ai là con của quê hướng xứ dừa Bến Tre, dù ở trong hay ngoài nước hãy cùng chung tay thông tin quảng bá về công dụng, về lợi ích của cây dừa, hay quảng bá thương hiệu các sản phẩm từ dừa vươn xa ra đến bè bạn khắp năm châu, để góp phần cùng với quê hương nâng cao giá trị toàn diện của cây dừa, để nó được phát triển một cách bền vững trên lĩnh vực kinh tế và trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch và  môi trường.

Hy vọng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta, nhất là sự quan tâm tích cực của Đảng và Nhà nước Bến Tre qua các kỳ tổ chức các sự kiện về dừa, sẽ giúp cây dừa của quê hương trở thành cây chiến lược của Quốc gia, cây của cuộc sống, cây làm giàu cho quê hương.

toinguoixuduabentre 
 Xin gửi những tâm sự này đến mọi người cùng chia sẻ!

Chuyện kể "cây dừa" trong chiến tranh

Xứ ba dãy cù lao Bến Tre được bốn con sông lớn bao quanh, những con sông đã mang nặng phù sa bồi đắp, giúp cho cây trồng trên vùng đất Bến Tre luôn tốt tươi và cho trái quanh năm. Trong đó cây dừa là cây đã thích nghi, phát triển nhiều nhất thành như là “rừng dừa” trên vùng đất này. Cây dừa đã đến đây cư ngụ từ khi nào cũng chẳng ai nhớ rõ, chỉ biết cây dừa đã gắn bó thủy chung, sinh trưởng, phát triển của nó từ thuở dân ta đi khai hoang lập ấp. Chính vì vậy mà mọi người biết Bến Tre như là "quê dừa, xứ dừa, miệt dừa". Và cây dừa đã trở thành xứ sở của dừa Việt Nam, nó tạo nên bản sắc văn hóa riêng ở xứ này, trở thành biểu tượng của Bến Tre.

Kể về cây dừa trong chiến tranh, Nội và Bác Hai tôi tôi kể lại rất nhiều. Khi lớn lên tôi được biết thời kháng chiến Nhà Nội tôi nằm trong vùng giải phóng, còn gia đình nhỏ của Cha Mẹ tôi thì tạm lánh ra đô thị và Anh em tôi được sinh ra ở nơi ấy. Tôi nhớ sau giải phóng vài năm, gia đình tôi mới về sum họp với nhà của Nội, lúc đó tôi đã hơn 10 tuổi, tôi thấy đất vườn nhà Nội vẫn còn vết tích của những thân cây dừa làm hầm tránh bom đạn hay những hố đất mà Nội tôi nói đó là hầm chông. Mỗi tối trong căn nhà lá của Nội, dưới ánh đèn dầu Nội và Bác Hai tôi thường hay kể lại chuyện ngày xưa, trong đó có những chuyện nói về cây dừa của quê hương trong chiến tranh. Bác Hai tôi là người tham gia cách mạng, phải công nhận Bác tôi có chất giọng kể chuyện nghe rất bùi tai, Bác kể rất hùng hồn, tôi ngồi nghe chăm chú, say sưa và thuộc lòng luôn.

Nội nói, cũng vì sự cư ngụ thủy chung, dẻo dai, bền bỉ của nó trên quê hương mình, với hoàn cảnh thiên nhiên đặc biệt của xứ Bến Tre là "rừng dừa" cùng hệ sông rạch chằng chịt, mà mấy chú bộ đội đã sáng tạo ra những lối đánh giặc rất có hiệu quả. Bác Hai tôi nói, nếu như trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu có câu thơ "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" thì người dân vùng giải phóng Bến Tre có câu "Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù". Các chú bộ đội giải phóng hành quân trong rừng dừa bạt ngạt ở xứ ba dãy cù lao này, đi đến đâu cũng được dừa cũng che chở, trên lưng mỗi chú bộ đội là một chót lá dừa làm ngụy trang.

Hay thân của dừa bắt cầu qua mương, rạch, giúp ích người dân vùng nông thôn Bến Tre đi lại dễ dàng; giúp bộ đội hành quân, chuyển thương, tải đạn rất thuận lợi. Cây cầu dừa còn là cạm bẫy đối với giặc, Nội kể khi nắm được thông tin địch sắp đi càn, mấy ông du kích dùng cưa cắt hở giữa cầu, rồi ngụy trang sao cho 1 - 2  tên địch đi ngang qua cầu gãy đôi, giặc rơi xuống hầm chông hoặc xuống mương, rạch. Thân dừa còn dùng làm công sự chiến đấu, làm nóc hầm tránh bom pháo và nhà nào trong vùng giải phóng cũng có.

Bác Hai tôi còn kể bất cứ cây dừa lão nào ở quê tôi vào thời đó trên ngọn dừa đều cũng có thể trở thành đài quan sát mà quân địch không thể ngờ tới. Mấy ông cách mạng Bến Tre thắng nhiều trận vang dội cũng nhờ leo tít lên ngọn dừa lão cao để quan sát nắm hướng địch càn quét. Từ đó mà bố trí trận địa chặn đánh địch, hay du kích địa phương Mỏ Cày còn sáng kiến lấy bốn thân cây dừa dựng lên thành cái khung hình tháp, cao ngang tầm với tháp canh đồn giặc. Rồi dùng lá dừa nước chằm lại thành nhiều cái bịch đựng đất, chất đầy xung quanh khung lên tới đỉnh và gọi đó là pháo đài. Trên chót pháo đài cũng có khoét một lỗ (gọi là lỗ châu mai), rồi các chú du kích thay phiên nhau trực theo dõi động tĩnh của giặc, để ngày đêm canh bắn tỉa chúng, khiến địch mất ăn, mất ngủ bỏ đồn mà chạy.

Nội nói mấy ông du kích, mấy ông làm biệt động của cách mạng tài tình lắm, mấy ổng chọn những vườn dừa rậm rạp, cao từ 10 - 15m trở lên, rồi dùng dây chuối làm nài, nếu nơi đó không có dây chuối thì mấy ổng dùng cái khăn rằn đang quấn cổ để làm nài trèo lên ngọn dừa, rồi dùng cái võng nằm màu xanh như lá cây căng qua hai tàu lá của hai cây dừa gần nhau, để vừa che nắng, vừa ngụy trang không lo máy bay địch phát hiện. Hay lúc ngủ trên ngọn dừa có người cẩn thận dùng khăn rằn làm dây an toàn, rồi quấn qua người với một bẹ dừa, cứ thế yên tâm ngồi ngủ. Có lúc mấy ông cách mạng ở hai, ba ngày trên ngọn dừa mà không cần tiếp tế lương thực, chỉ cần một con dao găm, họ dùng những trái dừa sẵn có trên ngọn mà ăn, uống, để chờ thời cơ mà đánh địch. Có những năm địch tung quân càn quét sâu vào vùng giải phóng giành dân, lấn đất, mấy ông cách mạng ta sáng kiến treo cờ Mặt trận giải phóng trên ngọn dừa, để phân giới tuyến vùng giải phóng, nhất là những vùng kế cận đồn bót địch đang đóng. Những lúc như thế địch cho máy bay trực thăng đi gỡ cờ, phá cờ của ta. Mấy ông du kích cách mạng cũng đâu vừa, nghĩ ra cách gắn lựu đạn hay mìn tự tạo dưới lá cờ, máy bay giặc đi gỡ cờ vướng mìn, rớt cả máy bay. Từ đó, chúng ngán mấy ông quân giải phóng của ta mà không dám lộng hành như trước nữa và chiến thuật "giành dân, lấn đất" của địch bị thất bại.

Tôi nhớ có lần Bác Hai kể: Vào năm 1972, cuối mùa mưa nước sông thường hay chảy xiết, du kích và nhân dân Giồng Trôm đã dùng 370 cây dừa lão kết bè, chờ nước ròng vừa chảy mạnh, cho cắt dây bè trôi nhanh theo dòng nước chảy, đâm thẳng vào trụ cầu và đánh sập toàn bộ cây cầu Bình Chánh xuống dòng sông để cắt đứt đường tiếp tế của quân địch. Và cầu Hòa Lộc của Mỏ Cày cũng bị quân giải phóng đánh sập bằng cách này. Với địa hình sông nước, rừng dừa, cũng như hiểu được quy luật tự nhiên lên xuống của thủy triều, cùng với sự thông minh, mưu trí của quân và dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều cách đánh làm giặc kinh hồn khiếp vía. Bác Hai còn kể khi địch dùng tàu bọc sắt chở quân, tàu chiến luồn sâu vào các cửa sông để càn quét, bắn phá vùng giải phóng Bến Tre, du kích của ta đã dùng thân cây dừa vạt nhọn, rồi cắm sâu xuống vùng cửa sông, chỉ có ghe xuồng nhỏ của dân ta mới có thể len lõi qua được, còn tàu của giặc thì vô phương lọt qua.

Có nhiều lần Nội tôi tham gia vào các hoạt động của mấy ông cách mạng, Nội nói vui lắm hay lắm.  Nội kể trong vùng giải phóng lúc đầu viết khẩu hiệu tuyên truyền chống giặc bằng giấy rồi dùng hồ dán lên thân cây dừa, nhưng rồi mỗi lần giặc càn quét hay nửa đêm bọn diệt gian phản động lén xé bỏ các khẩu hiệu của ta trên thân cây dừa rất dễ dàng, hay vào mùa mưa giấy bị trôi đi hết. Để khắc phục tình trạng trên, mấy ông cách mạng lại nghĩ ra bằng cách mới là bào nhẵn trên thân cây dừa một khoảng hình chữ nhật rồi dùng sơn vẽ khẩu hiệu lên, có nơi vẽ cả cờ Mặt trận xanh đỏ sao vàng, giặc đành bó tay vì không thể nào đốn bỏ hết được cả rừng dừa của ba dãy cù lao. Bác Hai tôi nói địch còn ngán sợ hơn nữa là xung quanh gốc dừa có vẽ khẩu hiệu sợ mấy ông cách mạng gài bẫy hầm chông hay gài mìn, gài lựu đạn....

Nói về tác dụng của cây dừa quê hương, cả Nội và Bác Hai đều nói: Trong những năm kháng chiến ở nông thôn làng quê Bến Tre người dân dùng cây tre, mù u và thân dừa để làm mõ.  Thân dừa già cắt thành đoạn, mỗi đoạn khoảng 6 - 8 tấc, có đoạn dài cả thước, rồi đục miệng, móc ruột làm thành mõ, mõ dừa đánh rất kêu và kêu rất vang. Mỗi lần vào đợt vây đồn hay chuẩn bị một chiến dịch người dân Bến Tre đã dùng mõ dừa, mõ tre, mõ mù u, cả chiêng, trống hay các loại khác có phát ra âm thanh, tất cả cùng gõ lên để uy hiếp tinh thần của giặc. Còn nói về cây đuốc thì được làm bằng lá dừa khô. Ở vùng quê Bến Tre thời đó dùng đuốc quơ đi trong đêm tối, ánh sáng của đuốc sẽ tránh được chướng ngại vật…, và hình như gia đình nào cũng bó sẵn vài ba cây đuốc để trong nhà, khi cần thiết có sử dụng ngay, hay còn để giúp đỡ cho những ai lỡ đường ghé xin. Có thể nói đuốc lá dừa ngày ấy của người dân Bến Tre đã thể hiện văn hóa tình làng nghĩa xóm đã có từ bao đời nay. Cũng chính những tiếng mõ, cùng với ánh sáng của những ngọn đuốc lá dừa của người dân Bến Tre đã góp phần làm nên cuộc Đồng Khởi vang dội vào ngày 17/01/1960. Và đã để lại dấu ấn không thể nào quên trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta nói chung và người dân xứ dừa Bến Tre nói riêng.

Nghe Nội với Bác Hai còn kể trong kháng chiến do thuốc men thiếu thốn, mấy ông quân y cách mạng đã dùng nước dừa nạo để thay nước biển truyền dịch cho người của ta bị thương mất máu, mất nước kiệt sức. Nội nói mấy ổng chọn nước dừa dùng làm nước truyền dịch phải được chọn lọc rất kỹ, dừa trồng xa nhà, không gần chuồng trại chăn nuôi. Đặc biệt, khi trèo lên ngọn bẻ dừa phải dùng răng cắn từng trái đem xuống hoặc thòng dây thả từ từ xuống từng quả một, không được làm rơi hoặc làm đọng sốc nước trong trái dừa, nước dừa bị sốc sẽ lên cặn, nghẹt kim không truyền dịch được. Hay mấy ổng còn dùng nước dừa trộn vào thuốc kháng sinh để tiêm rất tốt. Hoặc là lấy mật ong ruồi làm tổ trong vườn dừa để sát trùng, rửa vết thương cũng tốt.

Và còn rất nhiều, rất nhiều chuyện kể về cây dừa quê tôi đã góp trong chiến đấu giành độc cho dân tộc, cho quê hương rất hay. Tôi người con của xứ dừa Bến Tre, góp nhặt một vài chuyện kể của những người thân, những người trong cuộc trực tiếp tham gia kháng chiến nói về kỳ tích của cây dừa Bến Tre. Còn trong xây dựng quê hương, cây dừa Bến Tre cũng đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của quê hương. Cây dừa quê tôi đã thật sự gắn bó mật thiết và mang nhiều lợi ích cho cuộc sống con người. Hy vọng mọi người hãy cùng hiểu thêm về nó, cùng sẻ chia với những khó khăn, thăng trầm của nó trên đất Bến Tre. Tôi nghĩ rằng dừa quê tôi bây giờ không những chỉ là tài sản riêng của người dân xứ dừa Bến Tre, mà còn là một trong những giá trị tinh thần độc đáo của dân tộc ta.

Nguoiconxuduaxaque

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Về thăm lễ hội xứ dừa

“Lễ hội” là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng và xuất phát từ nhu cầu đời sống xã hội. Lễ hội diễn ra thường gắn liền với những phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống, môi trường văn hóa và đặc thù của địa phương đó. So với cả nước, Bến Tre không có nhiều lễ hội lớn, song Bến Tre có những Lễ hội tiêu biểu mang sắc thái riêng của vùng đất xứ dừa. Các lễ hội ở Bến Tre cứ “đến hẹn lại lên” và diễn ra rất hấp dẫn, không chỉ thu hút du khách thập phương đến đây tìm hiểu văn hóa - lịch sử, hay khám phá sinh thái - sông nước – miệt vườn, làng nghề, những công trình kiến trúc cổ…, mà Bến Tre còn hấp dẫn, thu hút mọi người hàng năm đến đây để trải nghiệm với những lễ hội diễn ra rất đặc trưng. 

Năm 2009, 2010, Bến Tre đã sáng tạo ra “Lễ hội Dừa”, lễ hội này mang đặc trưng văn hóa của người và đất xứ dừa. "Lễ hội Dừa" hai năm tổ chức một lần và thường diễn vào tháng giêng, gắn kết với “Lễ hội truyền thống cách mạng 17/01” của Bến Tre. Đến vào dịp diễn ra "Lễ hội Dừa", du khách sẽ thưởng thức các chương trình đặc sắc như: Sân khấu hóa tái hiện sự hình thành, phát triển, đấu tranh và xây dựng vùng đất cù lao xứ dừa; hội làng nghề truyền thống; các hội thi, liên hoan về Dừa; các gian hàng trưng bày các sản phẩm từ cây dừa, các giống dừa mới…; tham quan, mua sắm hội chợ thương mại xuân hay “Tuần lễ Doanh nghiệp vừa và nhỏ”…. Du khách được hòa mình vào không khí sôi nổi hào hứng của lễ hội với tất cả sự nhộn nhịp của một thành phố trẻ nằm bên sông Bến Tre.

Điểm nhấn của hai lần tổ chức "Lễ hội Dừa" là giới thiệu sản phẩm hàng hóa truyền thống của các làng nghề, cũng như tổ chức trình diễn sản xuất một số nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của tỉnh như: Thi chế biến và trưng bày các loại bánh, mứt, kẹo, các món ăn, thức uống chế biến từ dừa với sự tham gia của các nhà nông, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh; thi đấu xảo các sản phẩm từ dừa bao gồm các sản phẩm trồng trọt, làm hàng thủ công mỹ nghệ nhanh nhất, đẹp nhất (đan giỏ bằng cọng dừa, se chỉ, làm thảm sơ dừa),…. “Lễ hội Dừa”, là dịp để tôn vinh những giá trị sáng tạo, những tài năng có tâm quyết của nghệ nhân và người thợ thủ công làm ra những sản phẩm từ cây dừa. Đây cũng là cơ hội để Bến Tre giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái, di tích và văn hóa lịch sử, đặc biệt là tiềm năng kinh tế qua các sản phẩm từ dừa; đồng thời còn là cơ hội để khách tham quan thưởng thức những món ngon, vật lạ ở Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hay xác nhận kỷ lục về những sản phẩm làm ra từ dừa.
Những hình ảnh  trong lễ hội dừa năm 2009 - 2010

Kinh nghiệm qua 02 lần tổ chức “Lễ hội Dừa”, Bến Tre đã gặt hái được nhiều thành công và để lại ấn tượng cho du khách với các hoạt động truyền thống đặc sắc, đặc trưng của xứ dừa. Quan trọng hơn là để tiếp tục khẳng định cây dừa Bến Tre cần phải có vị trí trong danh mục cây công nghiệp quốc gia, Bến Tre mở rộng qui mô và nâng tầm “Lễ hội Dừa” lên thành “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” với chủ đề “Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển”, thông qua hệ thống các chương trình sự kiện, để tìm kiếm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường cho các sản phẩm dừa; tìm kiếm cơ hội đầu tư và giao lưu công nghệ chế biến sản xuất dừa .... Qua đó nâng cao chuỗi giá trị toàn diện của cây dừa, truyền  thông điệp "Dừa, cây của tương lai" trên lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch xanh và môi trường.

“Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” sẽ diễn ra từ ngày 18 giờ ngày 04/4/2012 – 10/4/2012 tại thành phố Bến Tre, có sự phối hợp tham gia của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có sản xuất các sản phẩm từ dừa và sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh dừa trong cộng đồng dừa Châu Á – Thái Bình Dương (APCC). Đặc sắc nhất là các chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện diễn ra mới lạ hơn so với hai lần "Lễ hội Dừa" trước như: Lễ khai mạc quy mô hoành tráng với chủ đề “Tự hào xứ dừa Việt Nam”;  Hội chợ triển lãm các sản phẩm dừa và hội chợ thương mại tại khu Sao Mai; Nghệ thuật sắp đặt “Con đường dừa” và Liên hoan Ẩm thực xứ dừa lần thứ I”; “Chương trình tham quan các vườn dừa và các sản phẩm dừa”; Hội thảo, hội nghị “Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa”; Lễ tôn vinh “Người trồng dừa”; Lễ hội đường phố; Hội thi sáng tạo thủ công mỹ nghệ từ dừa; tuần lễ hoạt động văn hóa cộng đồng và giao lưu “Giai điệu xứ xừa”; Lễ Bế mạc “Festival Dừa” với chủ đề “Vươn xa xứ dừa Việt Nam” và đăng quang “Người đẹp xứ dừa” lần X…
Những hình ảnh  trong lễ hội dừa năm 2009 – 2010

Ngoài “Festival dừa Bến Tre lần III năm 2012”, hàng năm tại Bến Tre còn diễn ra các lễ hội khác như:

- Vào tháng giêng, trên vùng đất cù lao Minh sẽ tham gia vào “Lễ hội truyền thống cách mạng” hay còn gọi là “Lễ hội Đồng Khởi” diễn ra vào 17/01 (dl) tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Các hoạt động “hội” gắn liền với “lễ” như: Liên hoan, hội thi, hội thao về văn nghệ, thể dục thể thao hay các trò chơi dân gian, truyền thống, hội chợ triển lãm, trưng bày hình ảnh,… Đây là dịp để quân dân Bến Tre ôn lại truyền thống vẽ vang hào hùng, đã làm nên phong trào “Đồng Khởi” vang dội khắp cả nước vào ngày 17/01/1960. Và  cũng dịp để du khách tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Bến Tre.

Cũng trên vùng đất cù lao Minh, Chợ Lách là xứ sở nổi tiếng cả nước về cây lành trái ngọt, về sản xuất cây giống, cây cảnh và hoa kiểng. Vì thế, mà nơi đây đã hình thành nên “Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệpvào dịp tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âl) hàng năm. Ngày hội này được phát triển từ ngày hội dân gian, diễn ra trong 05 ngày. Các hoạt động diễn ra trong ngày hội với ý nghĩa thiết thực ghi nhớ công ơn những người đi trước, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng của các nhà nông trong tỉnh. Ngày hội còn diễn ra với nhiều nội dung phong phú như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm, những thành tựu trong sản xuất, sinh vật lạ, chương trình hội thảo, hội thi trái ngon - an toàn, đấu xảo trái cây to-sai-lạ, hội thi bàn tay vàng ghép cây giống, hội thi hoa lan, đá chim nghệ thuật, trò chơi dân gian, hội chợ thương mại, lễ tạ ơn thần nông… Đến Chợ Lách vào dịp này du khách sẽ được chiêm ngưỡng, khám phá trọn vẹn những gì độc đáo “nhất” mà xứ sở này đã làm nên thương hiệu và trở thành địa chỉ quen thuộc cung cấp cây giống do người dân tự chiết cành, lai tạo lớn nhất Việt Nam; là xứ sở vườn cây trái ngon nổi tiếng như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon… và các loại cây trái khác; là trung tâm sản xuất các loại cây cảnh, hoa kiểng từ những loại cây ngắn ngày đến các loại cây cổ thụ lâu năm, rất được ưa chuộng tại thị trường trong nước.

Nằm trên vùng đất cù lao Bảo, Ba Tri là một trong ba huyện biển của Bến Tre. Tuy là vùng đất không có nhiều danh lam thắng cảnh, song Ba Tri là vùng đất có nhiều di tích của các danh nhân nổi riếng, di tích lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và cả môi trường sinh thái rừng và biển. Nếu đến Ba Tri từ ngày 01 - 03/7 dương lịch hằng năm, du khách sẽ tham gia vào “Lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre” được tổ chức tại khu Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức.

"Lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre" diễn ra với ý nghĩa tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của một danh nhân, một nhà giáo, một người thầy thuốc suốt đời vì nhân dân, đem tài năng và trí tuệ của mình phục vụ cho dân, cho đất nước. Tùy theo năm chẵn, lẻ mà lễ hội được tổ chức qui mô lớn, nhỏ. Nhưng các hoạt động "hội" vẫn diễn ra như: Sân khấu hóa, liên hoan đờn ca tài tử, dàn nhạc lễ; biểu diễn trống hội, võ thuật; các trò chơi dân gian: thi đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu, kéo tay…; hội thi mâm xôi ngày hội hay mâm cơm ngày giỗ,…. Đặc biệt, là cuộc thi hóa trang các nhân vật trong truyện “Lục Vân Tiên” được rất đông người tham gia. Hay triển lãm ảnh về những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre và các tác phẩm văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Đến với "Lễ hội truyền thống văn hóa Bến Tre" là dịp để du khách thư giãn, vui chơi giải trí và tìm hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp văn chương của Cụ Nguyễn Đình Chiểu; tham quan, khám phá và tham gia các hoạt động “hội” tại khu di tích; thắp hương tưởng nhớ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Cũng như các địa phương khác, Bến Tre không chỉ có lễ hội văn hóa - lịch sử, mà Bến Tre còn có những lễ hội mang đậm nét tín ngưỡng dân gian hết sức độc đáo. Nếu du khách đến vùng biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú vào dịp tháng 6 - 7 âm lịch sẽ được tham gia trọn vẹn vào “Lễ hội tế thần cá Ông” hay còn gọi là “Lễ hội Nghinh Ông” của cư dân vùng biển cúng “Ông” cầu cho mưa thuận gió hòa và cư dân đi biển gặp nhiều may mắn. Lễ hội này diễn ra hàng năm, chủ yếu tập trung ở vùng đất biển Bình Đại. Đến đây vào 16/6 âm lịch sẽ rất thú vị khi khám phá “Lễ hội Nghinh Ông” tại xã Bình Thắng diễn ra lễ hội lớn nhất, tiêu biểu nhất của lễ hội cúng “Ông” của cư dân vùng biển Bến Tre. Lễ hội Nghinh Ông thường diễn ra hai phần “Lễ” và “hội”. Nghi thức lễ mừng sắc Ông diễn ra tại Lăng thờ cá Ông trên bờ và sau đó tổ chức tàu (thuyền) thành đoàn cùng nhau ra khơi để tiến hành các nghi thức lễ cúng “Ông” trên mặt biển. Phần lễ gồm: Túc yết, Nghinh Ông, tế tiền hiền, hậu hiền, lễ Chánh tế và xây chầu đại bội, vào lễ các thuyền đánh cá đều giăng đèn, kết hoa rực rỡ. Ở đầu mũi của mỗi tàu đánh cá, chủ nhân bày mâm cúng trái cây, xôi thịt, thường là cặp vịt luộc, chiếc đầu heo hay cả một con heo quay cùng với hương hoa. Sau khi tham gia xong các nghi thức lễ, mọi người bắt đầu tham gia vào phần hội khá sôi nổi và hào hứng với các chương trình độc đáo như: múa lân, các trò chơi dân gian, xem hát bội, …

Trở lại vùng đất cù lao Bảo, về lại đất biển Ba Tri, đến xã Phú Lễ tham gia vào “Hội đình Phú Lễ” diễn ra 02 lần trong năm (lễ hội Kỳ Yên diễn ra từ 18 - 19/3 âm lịch và lễ Cầu Bông diễn ra từ ngày 09 – 10/11 âm lịch). Đây là lễ hội truyền thống hàng năm của nhân dân trong vùng, tưởng nhớ Thành Hoàng và những vị thần có công khai khẩn đất đai, lập làng và cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà no ấm. Đến với hội đình Phú Lễ là dịp để mọi người vui chơi thoải mái và hòa cùng không khí nhộn nhịp của lễ hội; tham gia cúng đình, nghe hát sắc bùa Phú Lễ, nghe hát bội, .... Đó một hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo mà đình Phú Lễ vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Mỗi lễ hội ở xứ dừa Bến Tre đều có đặc trưng riêng, mang sắc thái độc đáo riêng. Hy vọng du khách đến Bến Tre vào các dịp diễn ra lễ hội sẽ ấn tượng, hài lòng với những chương trình sự kiện diễn ra trong mỗi lễ hội và những nét đặc trưng riêng biệt của quê hương xứ dừa. Các lễ hội ở xứ dừa Bến Tre đã góp phần làm nên những phẩm sản văn hóa truyền thống có giá trị để mọi người đến tìm hiểu và cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Lần đầu tiên hội thi "Người đẹp xứ dừa" tỉnh Bến Tre được mở rộng

“Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” được diễn ra trong tháng tư, là tháng mà cả nước đang phấn khởi chuẩn bị chào mừng kỉ niệm 37 năm Ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2012). Trong các chương trình sự kiện diễn ra Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X năm 2012  cũng là một trong những điểm nhấn hấp dẫn của “Festival Dừa Bến Tre lần III” và đồng thời mang tính chất của lệ kỳ 2 năm tổ chức một lần. Đặc biệt, Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần này có sự tham gia của các tỉnh có nghề trồng dừa phát triển như: Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, mỗi tỉnh sẽ có 03 người đẹp đại diện tham dự.
Sân khấu nổi Hồ Trúc Giang – điểm diễn ra vòng bán kết, chung kết, chung kết xếp hạng và lễ đăng quang Hội thi “Người đẹp xứ dừa” tỉnh Bến Tre lần X

Theo truyền thống Hội thi “Người đẹp xứ dừa” tỉnh Bến Tre được tổ chức theo định kỳ 2 năm một lần. Đây là sân chơi bổ ích lành mạnh cho mọi người, nhất là nữ thanh niên, với thông điệp chung định hướng giáo dục chân – thiện – mỹ  trong thời đại ngày nay, với vẽ đẹp hài hòa thiên về hình thể và trí tuệ. Qua đó tôn vinh vẽ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ xứ dừa Bến Tre và phụ nữ các tỉnh bạn: Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh nói riêng.

Vòng sơ tuyển Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X được tổ chức tại trung tâm các huyện và được chia thành 03 cụm. Cụm 01 gồm các huyện: Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm và diễn ra lúc 19 giờ ngày 30/3/2012 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ba Tri. Cụm 02 gồm các đơn vị: Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam và diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 31/3/2012 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Bình Đại. Cụm 03 gồm: Chợ Lách, Mỏ Cày Băc, thành phố Bến Tre và diễn ra lúc 19 giờ ngày 01/4/2012 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Chợ Lách.

Vòng bán kết diễn ra tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang – thành phố Bến Tre vào lúc 19 giờ ngày 06 và 07/4/2012.

Từ vòng chung kết có sự tham gia của các thí sinh là đại diện người đẹp của các tỉnh bạn: Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh. Và được diễn ra tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang vào lúc 19 giờ 30 ngày 08/4/2012. Vòng chung kết xếp hạng cũng diễn ra tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang vào lúc 19 giờ 30 ngày 09/4/2012.
Phối cảnh sân khấu chung kết và trao giải Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X
(do Đơn vị Công ty TNHH Lê Quý Dương thực hiện)

Lễ đăng quang Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần thứ X được tổ chức trong chương trình Lễ bế mạc “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” diễn ra lúc 20 giờ  ngày 10/4/2012.

Do tính chất, quy mô của “Festival Dừa Bến Tre lần III”, Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X của tỉnh Bến Tre lần này mở rộng mời 05 tỉnh bạn tham gia và  Ban Tổ chức có những qui định sau:

- Đối với thí sinh tỉnh Bến Tre: Gồm nữ thanh niên có sức khỏe tốt, chưa lập gia đình, chưa sinh con, có trình độ học vấn tốt nghiệp THPT trở lên, tuổi từ 18 đến 25, cư trú  và có hộ khẩu tại tỉnh Bến Tre.

- Đối với thí sinh của 05 tỉnh bạn: Các qui định như sức khỏe, gia đình, trình độ học vấn, tuổi, thì giống qui định như thí sinh của Bến Tre. Nhưng các thí sinh  05 tỉnh tham gia phải được Trung tâm Văn hóa của tỉnh đó chọn. Các thí sinh đã đạt danh hiệu cao nhất “Người đẹp” của tỉnh đó tổ chức hay các thí sinh của 05 tỉnh các đã đạt các giải Hoa khôi, Á khôi 1 do cấp khu vực tổ chức không được tham gia cuộc thi “Người đẹp xứ dừa” tỉnh Bến Tre lần X năm 2012.

- Các thí sinh tham dự phải có chiều cao từ 1m60 trở lên. Trọng lượng và các chỉ số đo vòng 1, 2, 3 cân đối, hài hòa, không dị tật và không qua giải phẩu thẫm mỹ. Thí sinh tự lo trang phục, trang điểm, đi lại.

- Các loại trang phục biểu diễn gồm:
  • Vòng sơ tuyển: áo dài, và trang phục tự chọn. Vòng bán kết: áo dài và trang phục tự chọn.
  • Vòng chung kết: áo dài, áo tắm và trang phục tự chọn.
  • Vòng chung kết xếp hạng: áo dài, áo tắm, trang phục tự chọn.
Sau đó Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chọn 05 thí sinh cao điểm nhất tham gia thi ứng xử. Riêng thí sinh tỉnh bạn do Ban Tổ chức mời tham dự được tuyển thẳng vào vòng chung kết cuộc thi.

- Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X tỉnh Bến Tre năm 2012 có các giải thưởng sau:
  • Danh hiệu “Người đẹp xứ dừa” tiền thưởng 40.000.000đ;
  • Danh hiệu “Người đẹp thứ I”  tiền thưởng 25.000.000đ;
  • Danh hiệu “Người đẹp thứ II” tiền thưởng 20.000.000đ;
  • 12 giải khuyến khích, mỗi giải 1.500.000đ/giải;
  • Ngoài ra, Ban Tổ chức còn có giải thưởng cho 04 giải phụ gồm: Giải “Gương mặt khả ái”; giải “Người đẹp hình thể đẹp nhất”; giải “Người đẹp có mái tóc đẹp nhất”; giải “Người đẹp mặc trang phục áo dài đẹp nhất” và quà tặng cũng như giải thưởng cho các thí sinh tham gia biểu diễn vòng chung kết, nhưng không vào vòng chung kết xếp hạng.
Vòng chung kết và chung kết xếp hạng, lễ đăng quang Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV, HTV, THBT và Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh lân cận.
Xin được chào đón du khách đến xứ dừa vào dịp tổ chức “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” từ 18 giờ ngày 04/4/2012 – 10/4/2012, để du khách cùng hòa vào các hệ thống chương trình sự kiện diễn ra đặc sắc, hấp dẫn, đầy ấn tượng, nhất là sẽ được thưởng thức, chiêm ngưỡng trọn vẹn Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X được mở rộng với sự tham gia của các tỉnh bạn.

Sắc màu "Ngày hội xứ dừa Bến Tre"

“Lễ hội đường phố” với tên gọi “Ngày hội của xứ dừa Bến Tre”. Đây là một trong những hoạt động nghệ thuật đặc sắc, độc đáo, vui nhộn, hấp dẫn được diễn ra trong chuỗi sự kiện của “Festival Dừa Bến Tre lần III”. Ý nghĩa  “Lễ hội đường phố” nhằm truyền đi thông điệp “Dừa, cây của tương lai” và các hoạt động biểu diễn – diễu hành được tổ chức vào lúc 19 giờ đến 21 giờ ngày 07/4/2012  trên Đại lộ Đồng Khởi (sau lưng Công viên tượng đài Đồng Khởi đến cầu Bến Tre 1).
Điểm xuất phát diễu hành sau Tượng đài Đồng Khởi – đến  điểm vòng xoay cầu Bến Tre 1

“Lễ hội đường phố” được thể hiện 05 chương với 20 cụm diễu hành. Mỗi chương là 01 chủ đề riêng và có 04 cụm biểu diễn với các tên gọi khác nhau, được thiết kế đan xen kết nối để công chúng có thể thưởng thức một cách lý thú. Trình tự các cụm biểu diễn - diễu hành diễn ra như:

- Chương I: “Quê hương dừa Bến Tre: Cụm diễu hành 01“Cửu Long khai hội trên xứ dừa” biểu diễn múa rồng và múa lân dừa. Cụm 02 “Đơm hoa” biểu diễn múa hình thể với các động tác nghệ thuật nhẹ nhàng uyển chuyển. Cụm  03 “Kết trái” tái hiện hoạt cảnh nông dân gánh dừa, bưng thúng dừa kết hợp múa hình thể. Cụm diễu hành 04 “Vui khúc đồng dao” với hoạt cảnh thiếu nhi vui chơi kết hợp hoạt náo 12 con giáp.
Hình ảnh mang tính minh họa
- Chương II: “Đồng bằng sông Cửu Long: Cụm diễu hành 05 “Ngọt thơm hương vị xứ dừa” diễn ra hoạt cảnh phát kẹo dừa tượng trưng cho quý khách và người dân xem hội. Cụm 06 “Người đẹp xứ dừa” với những nàng tiên Dừa trên xe hoa diễu hành. Cụm 07 “Vũ điệu vườn dừa” biểu diễn đi cà kheo với những đôi chân cao vút. Cụm diễu hành 08 “Hào sảng vọng cổ Miền Tây” tái hiện biểu diễn đàn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng sông nước – miệt vườn – cây trái Đồng bằng sông Cửu Long.
Hình ảnh mang tính minh họa
- Chương III: “Việt Nam: Cụm diễu hành 09 “Được mùa” sắp đặt dàn trống hội làm nền dọc trên đoạn đường diễn ra Lễ hội đường phố, để tạo không khí, âm thanh tưng bừng. Cụm 10 “Nồng ấm rượu dừa” biểu diễn múa hình thể kết hợp mời rượu dừa quý khách. Cụm 11 “Đi qua cầu dừa” vui nhộn và hài hước tung hứng các vật dụng làm từ dừa. Cụm diễu hành 12 “Lộng lẫy xiêm y” qua phần biểu diễn thời trang của những nàng tiên dừa xứ ba dãy cù lao.
Hình ảnh mang tính minh họa
- Chương IV: “Khu vực Đông Nam Á: Cụm diễu hành 13 tên gọi “Mặt nạ dừa” tái hiện nghệ thuật vẽ mặt nạ làm từ gáo dừa, vật liệu dừa rất ấn tượng và nghệ thuật múa bụng. Cụm diễu hành 14 “Khoe tài lột dừa” biểu diễn nghệ thuật lột dừa, chặt trái dừa bằng tay. Cụm 15 “Biểu diễn xiếc dừa” với phương tiện xe đạp biểu diễn 01 bánh. Cụm diễu hành 16 “Độc đáo sản phẩm dừa” tái hiện mô hình các chiếc thuyền có trang trí trưng bày các sản phẩm độc đáo từ dừa.
Hình ảnh mang tính minh họa
- Chương V: “Vươn ra thế giới: Cụm diễu hành 17 tên gọi “Hào hùng lịch sử Bến Tre” tái hiện hoạt cảnh không khí hào hùng của lịch sử với tác động mạnh mẽ, thể hiện ý chí chiến đấu quyết liệt. Cụm 18 “Sinh thái bền vững” thể hiện múa hình thể, bưng mâm trái cây. Cụm 19 “Dừa, quà tặng của thiên nhiên” biểu diễn múa, xếp đội hình. Cụm diễu hành 20 “Hữu nghị - hợp tác – phát triển” biểu diễn nghệ thuật múa cờ của các nước có trồng dừa, kết hợp lắc vòng tạo không khí vui tươi, phấn khởi và thân thiện.
Hình ảnh mang tính minh họa

Với thời lượng 120 phút, toàn cảnh chương trình “Lễ hội đường phố” diễn ra mới lạ, đặc sắc, hấp dẫn mang tính cộng đồng cao, thu hút khá đông lực lượng diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên  và quần chúng tham gia. Với thông điệp xanh “Dừa – Cây dừa của tương lai” như một sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, làm tôn vinh lên giá trị của cây dừa đang từng bước chuyển mình hòa nhập trở thành cây công nghiệp mạnh của Quốc gia.

“Lễ hội đường phố” là loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian lần đầu tiên được tổ chức tại xứ dừa Bến Tre và được mô tả như một bức tranh sắc màu văn hóa của đất nước ta nói chung và xứ dừa Bến Tre nói riêng, cũng như qua các chương trình hoạt động sẽ tạo nên một sản phẩm văn hóa, du lịch và môi trường. Với sự phối hợp nghệ thuật trang trí, hóa trang, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ… sẽ tạo ra diễn cảnh cầu kỳ rực rỡ sắc màu. Những cuộc biểu diễn hết sức ngoạn mục sẽ in đậm dấu ấn và mang nét đặc trưng đời sống xã hội, sắc thái văn hóa, nguồn cội của từng vùng miền trên đất nước ta. “Ngày hội của xứ dừa Bến Tre” sẽ góp phần làm phong phú thêm cho “Festival dừa Bến Tre lần III năm 2012”, là sân chơi bổ ích cho cộng đồng, đồng thời là nơi tái hiện và nâng cao ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có từ lâu đời của dân tộc ta nói chung và người dân xứ dừa Bến Tre nói riêng.

Xin chào đón quý khách đến quê dừa Bến Tre khám phá, trải nghiệm các chương trình sự kiện diễn ra trong chuỗi “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” tại thành phố Bến Tre từ 18 giờ ngày 04/4/2012 – 10/4/2012./.

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Đặc sắc, ấn tượng với hoạt động văn hoá cộng đồng trong "Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012"

“Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” được tổ chức từ 18 giờ ngày 04/4/2012 – 10/4/2012 tại thành phố Bến Tre. Đây là sự kiện của quê hương Đồng Khởi hòa vào cùng khí thế hào hùng chung của cả nước kỷ niệm 37 năm ngày Miền Nam hoàn hoàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2012) và kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2012). Trong chuỗi các hoạt động của “Festival Dừa Bến Tre lần III”, tuần lễ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, góp phần quảng bá đến cho mọi người hiểu biết sâu sắc hơn về cây dừa trong đời sống văn hóa, ẩm thực và hoạt động thương mại của Bến Tre, cũng như góp phần cho sự thành công rực rỡ cho “Festival Dừa lần III”.
Sân khấu nổi Hồ Trúc Giang - nơi diễn ra các hoạt động
biểu diễn nghệ thuật và Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X.

Song hành với những chương trình, nội dung diễn ra trong “Festival Dừa Bến Tre lần III” năm 2012 là tuần lễ hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức với các chương trình đặc sắc, hấp dẫn như:

- Lễ khai mạc “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” với chủ đề “Cây dừa Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển” với khẩu ngữ “Tự hào xứ dừa Việt Nam”. Chương trình diễn ra vào lúc 19 giờ 30 ngày 05/4/2012 tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang – thành phố Bến Tre và được truyền hình trực tiếp trên VTV, HTV, THBT và Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh lân cận.
Công viên Tượng đài Đồng Khởi – điểm diễn ra các trò chơi vận động
và vẽ tranh, hội thi sáng tạo…
- Các trò chơi vận động như: Trò chơi “Đi trên gáo dừa tiếp sức”; trò chơi “3 người 4 chân thu hoạch dừa”, được tổ chức vào lúc 8 giờ ngày 06/4/2012 tại Công viên Tượng đài Đồng Khởi.

- Chương trình giao lưu nghệ thuật “Giai điệu xứ dừa” diễn ra xen kẽ với vòng bán kết I hội thi “Người đẹp xứ dừa” được tổ chức tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang vào lúc 19 giờ 30 ngày 06/4/2012. Chương trình này có sự tham gia với các tỉnh bạn: Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

- Chương trình vẽ tranh trên giấy và gáo dừa với chủ đề “Dừa quê Em”  và song hành là các trò chơi sáng tạo với hình thức thi giữa các đội: Quấn kèn lá, thi đan giỏ, thi đan thảm sơ dừa…. Hoạt động này diễn ra vào lúc 8 giờ - 10 giờ 30 ngày 07/4/2012 tại Công viên Tượng đài Đồng Khởi.
Hình ảnh minh họa thi sáng tạo từ vật liệu dừa
 - Triển lãm tranh vẽ, hình ảnh các đội đạt giải cao của các trò chơi đan giỏ, quấn kèn lá, dệt thảm xơ dừa… Triển lãm ảnh nghệ thuật và thành tựu kinh tế - văn hóa – xã hội an ninh quốc phòng tài Trung tâm Văn hóa tỉnh vào 19 giờ 30 ngày 07/4/2012.

- Chương trình “Thi biểu diễn thời trang bằng chất liệu dừa” bảng A dành của các em thiếu nhi ở các trường Mầm non trên địa bàn thành phố Bến Tre và bảng B dành cho sinh viên các Trường Cao Đẳng, Trung cấp Nghề, học sinh các Trường THPT của 9 huyện, thành phố Bến Tre. Chương trình này được tổ chức xen kẽ với vòng bán kết II hội thi “Người đẹp xứ dừa” vào lúc 19 giờ ngày 07/4/2012 tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang.
Hình ảnh minh họa thời trang bằng chất liệu dừa
- Tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang diễn ra: Vòng chung kết I hội thi “Người đẹp xứ dừa” vào đêm 08/4/2012; chung kết xếp hạng đêm 09/4/2012;  Lễ đăng quang hội thi “Người đẹp xứ dừa” và bế mạc “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” vào đêm 10/4/2012. Đặc biệt, các đêm chung kết hội thi “Người đẹp xứ dừa” tỉnh Bến Tre lần X có đại diện các người đẹp của các tỉnh có trồng nhiều dừa tham dự như: Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh (mỗi tỉnh sẽ có 03 thí sinh tham dự).
Hình ảnh minh họa Hội thi “Người đẹp xứ dừa”
Quê hương ba dãy cù lao xứ dừa Bến Tre xin chào du khách về khám phá, thưởng thức các chương nghệ thuật trình đặc sắc, hấp dẫn trong “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012”.