Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Du lịch xuân 2015 tại Bến Tre

Tết năm nay du khách sẽ đến Bến Tre tìm hiểu những nét riêng mà Tổng cục Du lịch đã chọn một trong năm tỉnh đại diện về sông nước miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bến Tre là tỉnh cù lao, được bồi tụ từ bốn nhánh của dòng sông Cửu Long (Mekong) đổ ra biển Đông, tạo thành ba dải cù lao (Minh, Bảo và An hóa) tạo thành hình rẽ quạt, chia thành tám huyện và một thành phố, đây là một trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL; khi cầu Rạch Miễu và cầu Hàm Luông hoàn thành đi vào sử dụng từ cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI đến nay, Bến Tre không còn là tỉnh lẽ hay tỉnh cù lao nữa và cơ hội du lịch sinh thái sông nước miệt vườn bắt đầu khởi sắc từ đó; với nét hoang sơ thơ mộng đã làm say đắm du khách gần xa khi đến Bến Tre, nhất là khách quốc tế đã thật sự quan tâm trong thời gian qua. 

Thật vậy! Du khách từ miền Trung - Tây nguyên hay miền Bắc hoặc du khách nước ngoài không khỏi nhạc nhiên khi về Bến Tre, một quê hương được mệnh danh là quê hương xứ dừa, với một màu xanh bao phủ cả vùng trời Bến Tre, là tỉnh đại diện cho vùng sông nước ĐBSCL thuộc miền Tây Nam Bộ với những mỹ từ như: “Xứ dừa”, “Quê dừa”, “Ba đảo dừa xanh” ai nghe cũng đều nhớ đến Bến Tre.

Xin khái nét về quê hương Xứ Dừa để quí khách chọn tour du lịch trong những ngày xuân 2015:

Bến Tre là tỉnh đồng bằng nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông với 65 km đường bờ biển. Các địa danh hành chính trên ba cù lao gồm: cù lao An Hoá (gồm Châu Thành, Bình Đại); cù lao Bảo (gồm Thành phố Bến Tre và 2 huyện Giồng Trôm, Ba Tri); cù lao Minh (Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú). Giao thông trong lãnh địa Bến Tre rất thuận tiện về đường bộ lẫn đường thủy, có hệ thống sông nước, kênh rạch chằng chịt, giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, tạo ra tiềm năng du lịch sinh thái phong phú mang đậm tính Nam bộ, với 33.000ha vườn cây ăn trái xum xuê và là nơi sản xuất các loại cây giống lớn nhất nước để cung cấp ra cả nước và các nước lân cận. Dừa là loại cây đặc trưng gắn liền cùng cuộc sống người dân nơi đây, những rừng dừa bao phủ ba dải cù lao với 63.000ha đã chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước. Bên cạnh đó hệ thống di tích lịch sử văn hóa khá đa dạng và phong phú mang đậm tính nhân văn sâu sắc, nhiều danh nhân sống mãi trong lịch sử như: Cụ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, Lãnh Binh Thăng, Lãnh Quang Quan (Tán Kế), Trương Vĩnh Ký, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định…, tạo nên một quần thể tham quan gắn liền với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trãi nghiệm, du lịch về nguồn, du lịch làng nghề hay du lịch vui chơi giải trí.

Đến Bến tre trong những ngày xuân, du khách sẽ trãi nhiệm và khám phá du lịch Cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, đây là điểm du lịch được công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu” của ĐBSCL, nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền. Cồn Phụng là một trong quần thể tứ linh (Long - Lân - Qui - Phụng) gắn liền với trên 30 điểm tham quan trên 8 xã ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành - Bến Tre; đến đây các lữ hành như: Miền Tây, Nam Bộ, Cồn Phụng, CTy CPDL Bến Tre, Bảo Duyên,… sẽ đưa du khách đi bằng xuồng máy lênh đênh trên sông Tiền, tham quan quần thể tứ linh, tham quan các mô hình sản xuất kẹo dừa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây, vỏ, gáo trái dừa... ; lên xe ngựa chạy cọc cạch theo đường làng ngắm cảnh làng quê đang vui xuân ngày tết, thăm vườn cây ăn trái, dừng chân uống trà pha với mật ong, thưởng thức trái cây miền nhiệt đới, tận mắt ngắm nhìn những cô gái, chàng trai Bến Tre phục vụ đờn ca tài tử, chèo xuồng róc rách trong rạch nhỏ mà hai bên là những hàng dừa nước và những cây thủy liễu ra hoa, kết trái thật là thơ mộng, hữu tình . 
Chèo xuồng trong rạch dừa nước
Khu Forever Green Resort tại ấp Phú Khương, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, cũng là điểm du lịch cao cấp, ấn tượng của Bến tre nằm trong 8 xã phát triển du lịch của huyện Châu Thành; đây cũng là khu resort mang tầm cỡ của vùng, với diện tích 22ha, có 60 phòng nghỉ độc lập 4 sao, quỳnh hoa viên với vườn phong cảnh, vườn lan, vườn rau xanh, ao cá, nhà hát caraoke, nhà hàng, phòng họp, thể thao trên nước,… tất cả được thiết kế theo phong cách Nhật Bản; Quý khách sẽ tận hưởng một mùa xuân đầy ấn tượng tại khu Resort hấp dẫn nầy. 

Du lịch Hàm Luông tại ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, nằm trong một quần thể cây trái, du khách sẽ trải nghiệm qua những vườn cây trái trĩu quả, thưởng thức trái cây tươi tại vườn; khu du lịch nằm cạnh bờ sông Hàm Luông thật mát mẻ, hữu tình và thơ mộng; có hồ bơi, nghà nghỉ, nhà hàng phục vụ đầy đủ cho du khách nghỉ dưỡng trong những ngày xuân, đây là nơi phù hợp cho những du khách có những ngày nghỉ, vui xuân đầy thú vị ở nơi không có sự ồn ào.

Về tuyến Giồng Trôm, Ba Tri, du khách tìm hiểu đến những loại dừa thì ghé qua Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, có nhiều vườn dừa và vườn cây ăn quả. Một vùng sông nước êm đềm với khí hậu mát dịu và nhiều làng nghề truyền thống địa phương; đến đây du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng trên hai mươi loại giống dừa khác nhau, đặc biệt là dừa dứa, quí khách sẽ sảng khoái khi ngụm vào cảm thấy thơm mùi lá dứa và mát diệu làm sao. Đến Giồng Trôm không thể bỏ qua cơ hội tham quan tìm hiểu về làng nghề “Bánh tráng Mỹ Lồng” “Bánh phồng Sơn Đốc” đây là loại bánh dân gian mà người dân nơi đây đã gìn giữ trên trăm năm tuổi. đây cũng chính là những loại bánh mà ông cha ta đã dùng cúng ông bà trong những ngày tết đến hàng năm.

Trên tuyến đi Ba Tri, du khách sẽ tham quan khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, các di tích có kiến trúc cổ như Đình Phú Lễ; khu tưởng niệm của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, khu di tích cụ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản… và không thể quên điểm du lịch sinh thái Hải Vân, tại đây quí vị sẽ được tận mắt nhìn những đàn chim thay nhau đi tìm thức ăn, nhiều nhất là Cò và Vạc; sáng thì Cò đi, khi hoàng hôn xuống thì Cò lại về thay cho Vạc đi ăn đêm; đó là Sân chim Vàm Hồ nằm tại xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, là nơi trú ngụ của trên 500.000 con Cò, Vạc và các loài chim thú hoang dại. 

Tuyến về vườn cây ăn trái Cái Mơn - Chợ Lách nổi tiếng với sầu riêng, măng cục, chôm chôm, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon, bưởi da xanh và các loại cây có múi khác. Ðến đây vào mùa nào trái cây ấy, lúc nào cũng có các loại trái cây để ăn. Du khách vừa trải nghiệm qua các làng nghề cây giống, được thưởng thức bánh xèo hến và ăn ốc gạo, đây là loại ốc được nhân dân xã Vĩnh Bình bảo tồn và nuôi dưỡng. Trong tour nầy du khách sẽ ghé tham quan Các di tích lịch sử cách mạng như: Căn cứ Y4 - Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Nhà bia Trương Vĩnh Ký; bên cạnh đó quý khách sẽ tham quan nhà thờ lớn nhất Bến Tre là nhà thờ Cái Mơn tại xã Vĩnh Thành.
Hình ảnh chuẩn bị kiểng trái cho Tết Nguyên đán
Tour du lịch Biển: Gần đây, từ khi khu di tích “Đầu cầu vũ khí Bắc Nam” tại xã Thạnh Phong, Thạnh Hải - huyện Thạnh Phú được khởi công xây dựng công trình “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đường di tích đường Hồ Chí Minh trên Biển” vào cuối năm 2012 đến nay, rất nhiều du khách đã về tham quan và chiêm ngưỡng quang cảnh nguyên sơ của biển để thưởng thức những hải sản tươi sống nơi đây. Tuyến nầy du khách dừng chân ghé lại Nhà truyền thống Đồng khởi - Định Thủy- huyện Mỏ Cày Nam để tìm hiểu truyền thống cách mạng mà quân và dân Bến Tre đã một thời oanh liệt chiến đấu với quân thù vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. 

Quí khách còn ở lại Thành phố Bến Tre trọn những ngày xuân, hãy tham quan vùng ven Thành phố hay còn gọi là Nam Thành phố mà người dân nơi đây thường hay gọi, gồm các xã: Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh. Nơi đây có nhiều sông, rạch chằng chịt và cảnh quan thiên nhiên rất hữu tình. Quý khách sẽ tham quan nhiều nghề truyền thống nơi đây như: làm gạch thủ công, dệt chiếu, khai thác dừa, làm kẹo dừa, mức dừa,… và sẽ thưởng thức nhiều món ăn đặc sản nơi đây; gắn liền với cảnh sông Bến Tre, quí khách sẽ nhắm nhìn Nhà Bảo tàng tỉnh, Khách sạn Hàm Luông, KS Việt Út, KS Hùng Vương, Chợ Bến Tre, nhất là nhắm nhìn cây cầu Bến Tre thật là đẹp được xây dựng theo một kiến trúc tân tân làm sao ấy.

Quí khách hãy một lần vui xuân trên mãnh đất “quê hương xứ dừa”, người dân Bến Tre sẽ hân hoan chào đón quí khách và chắc chắn rằng sẽ để lại trong lòng quí khách nhiều ấn tượng đẹp khi đến “ba dải cù lao” thân thương nầy./.

10 món ngon Trà Vinh hút hồn du khách

Cháo ám, bún suông, bánh canh Bến Có hay chù ụ rang me... là những món ăn làm say lòng du khách khi đến với "xứ dừa" Trà Vinh.Ẩm thực Trà Vinh mang hương vị đặc trưng của 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa.

Cháo ám: Cá lớn, mập, cắt ra từng khứa, đem luộc. Thịt được thái từng miếng cỡ bằng ngón tay rồi đem xào với mỡ hành. Sau đó, nước luộc cá được dùng để nấu cháo sao cho thật nhừ trong nồi đất lớn. Cháo phải thêm một củ hành nướng, tôm khô và khô mực nướng để nước ngọt và thơm. Cháo chín có thể cho cá vào. Trứng cá để riêng, được làm nhuyễn rồi mới đổ vào nồi. Bát cháo ám ăn đúng điệu không thể thiếu được các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn phủ lên trên. Giá một tô cháo ám từ 20.000 đến 25.000 đồng.

Bún suông: Món ăn này làm từ bún, chả tôm tươi. Nước lèo dùng để nấu bún suông được hầm từ xương heo, thêm mắm muối phù hợp để tạo vị ngon đậm đà. Một số người còn cho thêm tôm khô hay mực khô để tăng thêm hương vị cho nồi nước lèo. Ăn kèm với món bún này là bắp cải trắng bào xợi, hành, ngò, nước chấm tương xay, chanh, ớt,… Mỗi tô bún suông có giá từ 15.000 đến 25.000 đồng.
Bánh canh Bến Có: Giống như những món bánh canh khác, thành phần sợi bánh và nước súp quyết định mùi vị, độ ngon của món ăn. Sợi bánh được làm từ bột gạo để làm bánh trong, dai và hạn chế bị nở khi ngâm trong nước. Nước súp cũng không quá cầu kỳ khi được nấu từ xương heo. Người dùng có thể kết hợp bánh canh với giò heo, thịt nạc, thịt bắp, móng hay lòng... Ăn kèm là chén nước mắm chanh ớt. Chính vị đậm đà của nước chấm nguyên chất như cộng hưởng với các nguyên liệu làm cho món ăn dân dã này trở nên thơm ngon, đậm đà hơn.

Bún nước lèo: Món ăn gồm cá lóc, thịt heo quay, tôm và đặc biệt là mắm bò hóc cho vị mặn nồng và hương thơm nức mũi. Bún được làm từ lúa mùa nên rất dai và ngọt. Để tô bún đạt yêu cầu thì phải có rau ghép gồm giá sống, hẹ, bắp chuối. Một tô có mức giá phải chăng từ 20.000 đến 25.000 đồng.

Chù ụ rang me: Chù ụ được bắt về làm sạch, bỏ lên chảo dầu, hành, tỏi đập dập, cho nước cốt me vào và nêm nếm sao cho có vị chua ngọt vừa ăn. Thịt chù ụ rất chắc, vỏ giòn ngon chứa nhiều canxi, nếu du khách "mê" mùi vị của biển thì đây là món ăn lý tưởng và thú vị. Ngoài ra, chù ụ còn được chế biến bằng nhiều cách khác như hấp, luộc,…Một đĩa chù ụ rang me dành cho 2 người ăn khoảng 6, 7 con với giá từ 60.000 đến 70.000 đồng.
Tôm khô Vinh Kim: Món này được làm từ con tôm bạc đất vùng ven biển, nên chất lượng vượt trội hơn tôm khô vùng khác, nổi bật nhất là có màu đỏ hồng, thịt chắc có vị ngọt đậm. Tôm khô được chọn, luộc vừa lửa, phơi đúng cách và vừa nắng. Để có được một kg tôm khô thành phẩm cần đến 10 kg tôm tươi; giá hiện tại trên thị trường giao động 600.000 đến 1,2 triệu đồng một kg tùy loại.

Dừa sáp Cầu Kè: Đây là loại dừa đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa trong veo như sương sa. Mỗi buồng dừa sáp thường chỉ cho vài trái sáp, những trái còn lại là dừa thường. Dừa sáp được dùng để chế biến: nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, cơm dừa, thạch, mứt, kem, rượu vang, cơm dừa sấy khô,…. Mỗi trái dừa sáp có giá từ 130.000 đến 240.000 đồng tùy chất lượng và cỡ lớn, nhỏ.
Rượu Xuân Thạnh: Cùng với bí quyết gia truyền hàng trăm, rượu được sản xuất cầu kỳ từ gạo nếp và lên men bởi 36 vị thuốc Bắc. Nếp được nấu chín, để nguội và trộn với men, ủ kín trong 3 ngày. Tiếp theo cho nước với hàm lượng vừa đủ vào hũ cơm rượu đã ủ men và để tiếp 3 ngày nữa, sau đó đem chưng cất. Rượu Xuân Thạnh khoảng 60 độ, hương vị nồng nàn, hấp dẫn, không gây khó chịu cho người vui quá chén. Giá mỗi chai rượu 500 ml từ 38.000 đến 47.000 đồng.

Bánh tét Trà Cuôn: Món ăn này được làm từ gạo nếp, thịt, mỡ bao quanh bằng lá chuối. Gạo nếp phải vo sạch và để ráo, sau đó trộn đều với nước ép rau ngót để tạo màu và tạo mùi. Bánh được buộc vừa đủ chặt, đun lửa phải đều trong nhiều giờ liền…Giá của mỗi đòn bánh Tét Trà Cuôn từ 40.000 đến 50.000 đồng loại 900gr.
Nước mắm rươi: Loại mắm này chỉ cần rươi, muối và nước sạch với tỉ lệ 5:1:4, sau đó đem ủ từ 10 đến 15 ngày. Nước mắm rươi thường dùng để chấm các loại như rau, tôm, thịt luộc, cháo trắng…Mắm có màu vàng xanh, không thơm mạnh bằng mắm của Phú Yên hay Phú Quốc nhưng lại vượt trội về độ ngọt dịu. Giá cho một lít dao động từ 20.000 đến 32.000 đồng tùy vào độ đạm.
(Tác giả: Mến Nguyễn - Nguồn: vnexpress.net)
từ http://www.dulichtravinh.com.vn

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Du xuân sông nước miệt vườn

Hằng năm, cứ khoảng độ chừng ngày 23 tháng chạp âm lịch, hầu hết mọi người đều chuẩn bị mâm cúng để đưa ông Táo về trời rồi đến phong tục tảo mộ hướng về gốc rễ thì lại làm cho mỗi chúng ta ai cũng cảm thấy nao nao trong lòng. Vào thời khắc này, nhà nhà lại có dịp sum vầy cháu con, tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà, qua đó báo hiệu một năm cũ sắp hết và chuẩn bị khởi đầu cho một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Mùa xuân trên quê hương Bến Tre như được trẻ lại bởi sự giao hòa giữa đất trời và con người hiền hòa đã góp phần làm tăng thêm sức sống mãnh liệt, đầy kiêu hãnh bao đời nay của người dân xứ dừa nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Tết Nguyên đán còn gọi là Tết cổ truyền hay chỉ đơn giản với một từ "Tết" nhưng lại hàm chứa vô vàng ý nghĩa sâu sắc, Tết không còn là của riêng một ai nữa mà là tết của mọi người, tạo sự đoàn viên gắn kết con người với con người càng gần nhau hơn. Từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng đều thấy không khí rộn ràng, vui tươi. Khác hẳn không khí rét lạnh của Bắc bộ vào những ngày xuân thì không khí tại Nam bộ có phần dễ chịu hơn bởi cái se lạnh từ những cơn gió nhẹ kết hợp với cái nắng dịu dàng làm cho cảnh vật càng thêm sống động, đầy màu sắc. Du khách đến Bến Tre vào những ngày giáp tết mới có thể cảm nhận được hết phần nào không khí tết Nam bộ đặc biệt là ở các vùng nông thôn sông nước miệt vườn. Có những cái nhất mà ngay trong cả nước lẫn bạn bè ngoài nước mỗi khi nhắc đến Bến Tre, ngoài tên gọi thân thương “xứ dừa” thì Bến Tre còn được biết đến với những vườn cây xum xuê, trĩu quả quanh năm, mỗi mùa mỗi vẻ tất cả tạo nét riêng hấp dẫn cho những ai đã từng thưởng thức vị ngọt miệt vườn đến mê lòng người. Xen lẫn vào đó, Làng nghề hoa kiểng Cái Mơn - Chợ Lách lại càng thêm rộn ràng, dọc theo tuyến đường quốc lộ 57 hiện lên nối tiếp như đường hoa bất tận, len lõi vào đó là hình ảnh những con người cần cù lao góp phần tô điểm thêm bức tranh sinh động cho nông thôn mới đón chào một năm mới. 

Cứ hẹn lại lên, nhánh sông quê hương xứ dừa như bắt đầu vào vụ mùa, từng đoàn tàu, xuồng, ghe tấp nập qua lại chở đầy hoa kiểng đủ loại đã trở nên khá là quen thuộc, từng chuyến hàng chở hoa tết mang ra nhiều tỉnh thành trong cả nước khác tiêu thụ lại là niềm vui khác. Chợ hoa xuân hằng năm mang thông điệp đầy ý nghĩa và không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về. Chợ hoa xuân hay còn gọi là chợ hoa được tuyển chọn những loài hoa đẹp nhất để trưng bày và mua bán, đặc biệt những năm gần đây nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên lai ghép ra được rất nhiều loại cây, hoa với các tên mang ý nghĩa hạnh phúc, may mắn như: cúc đồng tiền, cát tường hay cây phát lộc, phát tài,… tất cả đều qui tụ về chợ hoa. 
Chợ hoa thành phố Bến Tre
Không khí những ngày tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vắng nén hương tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà của con cháu, thiếu vắng bữa cơm sum vầy bên gia đình. Món ăn Nam bộ vào dịp này cũng rất đa dạng và phong phú, ẩm thực Bến Tre hiện nay vẫn còn giữ được tập quán mặc dù ngày nay đời sống ngày càng cao nhưng các món ăn để phục vụ trong ngày tết vẫn không lỗi thời bởi chính món ăn đó mang trong mình một ý nghĩa rất sâu sắc. Ngày thường các món ăn này vẫn thường thấy trong bữa cơm gia đình, tuy nhiên vào dịp tết lại mang trong mình cả cái hồn văn hóa mang đậm chất Nam bộ mộc mạc, nghĩa tình. Về cơ bản không thể thiếu trong những ngày tết là bánh tét, bánh tráng, nồi thịt kho tàu với trứng. Theo quan điểm của người dân Nam bộ thì bánh tét được làm từ hạt nếp chính là tinh hoa của đất trời, tượng trưng cho sự no đủ, ngược lại với bánh tét thì bánh tráng được làm từ gạo là sự gắn kết những câu chuyện đầu năm, làm ấm lòng khách phương xa. Nồi thịt kho tàu hầu như đi đến bất kỳ nhà nào trong dịp tết đều có, đã trở thành món ăn thân quen nhưng lại chứa đựng vô vàng ý nhĩa về tình thân trong gia đình, không khí hòa thuận, sum vầy báo hiệu một năm thuận lợi, an lành. Ngoài ra còn có món canh khổ qua dồn thịt tuy ăn vào có vị đắng nhưng khổ sẽ qua đi để rồi hướng đến một cái mới tốt đẹp hơn.

Tết đến ai cũng nghỉ đến ngay là phải đi chơi đâu đó vì đây là một trong những mùa đẹp nhất trong năm nhưng trên hết là sau những bộn bề công việc ngày thường chúng ta cần có sự cân bằng trong cuộc sống. Theo xu hướng mới những năm gần đây lượng khách du xuân vào ngày tết ngày càng tăng và xứ dừa Bến Tre sẽ là điểm đến khá là hấp dẫn cho nhiều du khách bởi sự đa dạng về loại hình dịch vụ cũng như tạo được nét mới đột phá nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên tập quán sinh hoạt của vùng sông nước miệt vườn. Từ cửa ngõ vào thành phố Bến Tre, nhìn từ độ cao cầu Rạch Miễu sẽ thấy rất rõ cồn Phụng nổi trên sông tạo nên quần thể xanh bạt ngàn cây trái, du khách có thể tham quan cận cảnh sông nước bằng tàu, thử sức với chiếc xuồng trong rạch dừa nước hay tham gia hội xuân với các trò chơi dân gian. 

Không đâu xa tại thành phố Bến Tre du khách vẫn có thể chèo xuồng, tát mương bắt cá, leo trèo hái trái cây quanh vườn, nhìn thấy cảnh tái hiện một chợ quê nông thôn vào ngày tết hay vào vụ mùa thu hoạch mô hình trồng dưa lưới sạch, an toàn với gần 500 cây,… tất cả tạo nên mùa xuân cho một Bến Tre vui tươi nhưng cũng đầy mới mẻ./.

Du lịch Bến Tre phát triển sau khi cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng

Du lịch phát triển sau khi tỉnh Bến Tre lưu thông thuận lợi từ đường thủy lẫn đường bộ không còn phải cách sông, lụy phà đã giúp du khách về với Bến Tre một mạch không phải tốn kém thời gian như những năm 2009 trở về trước. Từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre nếu du khách đi đường cao tốc chỉ mất 1,5 giờ là đến TP Bến Tre. 

Cầu Rạch Miễu đưa vào hoạt động từ năm 2009, cơ hội cho các nhà đầu tư trong phát triển kinh tế xã hội đa lĩnh vực, lôi kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp không khói cũng phát triển mạnh. Năm 2010 Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch được thành lập, đã giới thiệu Đất, Người Bến Tre và những nét đẹp nguyên sơ của quê hương đến du khách trong và ngoài nước, nên hàng năm đều có những sản phẩm mới ra đời; tuy bước đầu chưa có nhà đầu tư qui mô lớn để có những khu du lịch mang tầm cở hiện đại, nhưng những điểm du lịch, những cơ sở lưu trú mang tầm khá từ một đến ba sao, những dự án hạ tầng du lịch, những doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch,... đã đánh dấu được bước phát triển du lịch bền vững.

Thật vậy! Trước khi xây cầu Rạch Miễu, du lịch Bến Tre phát xuất trên nền tảng tự có của thiên nhiên ban tặng, từ đó các lữ hành đường dài như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mở điểm dừng chân, nhận khách và đưa qua sông Tiền về Bến Tre từ bến tàu Mỹ Tho - Tiền Giang để khai thác sản phẩm du lịch sông nước miệt vườn của vùng sinh thái Xứ Dừa còn nét nguyên sơ mang đậm tính đồng bằng miền Tây Nam bộ. 
Khách nước ngoài đi du lịch sinh thái tại Bến Tre ngày càng tăng
Đến thời điểm hiện nay, bến tàu du lịch nầy vẫn còn nhiều lữ hành nhận khách theo lối mòn cũ và đưa về Bến tre bằng tàu để tham quan, chiêm ngưỡng nét đẹp đầy thơ mộng của các xã ven sông Tiền, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến tre để thưởng thức trái cây, uống trà mật ong, nghe đàn ca tài tử và đi xe ngựa cọc cạch trên đường làng, chèo xuồng trong rạch nhỏ ngắm nhìn cảnh lao động thường nhật của người dân nơi đây; sau đó tiếp tục hành trình các tuyến du lịch về nguồn hay du lịch làng nghề tại các huyện trong tỉnh.

Với nét đặc trưng của Bến Tre là quê hương được bao phủ bởi một màu xanh rộng khắp của dừa; là tỉnh thuộc vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng được Tổng cục du lịch Việt Nam chọn một trong năm tỉnh đại diện cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL để lập đề án phát triển du lịch sông nước miệt vườn gồm Bến tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Đồng Tháp. Đây là điều kiện giúp cho du lịch Bến Tre phát triển; tuy nhiên ta không thể tự hào điều đó mà phủ nhận một công trình thế kỷ của cầu Rạch Miễu bắt qua sông Tiền để tỉnh Bến tre nối liền mạch, hòa nhịp cùng các tỉnh bạn trong vùng; phá vở đi sự lẻ loi của một tỉnh cù lao “Ba đảo dừa xanh”.

Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, tỉnh Ủy Bến Tre có chỉ thị số 09/CT-TU và đề án phát triển du lịch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt về việc phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 đã đánh thức tiềm năng, thế mạnh của du lịch sông nước miệt vườn tại quê hương Xứ Dừa. Các ban, ngành tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi, có nhiều đề án, kế hoạch phát triển du lịch từng địa phương nhằm góp phần thu hút được nhiều nhà đầu tư du lịch về Bến Tre, cũng như thu hút được nhiều du khách đến Bến Tre, đặc biệt là lượng khách quốc tế ngày càng chiếm tỉ trọng đến 40% tổng lượng khách.

Dự án khu nghỉ dưỡng Forever Green Resort (xã Phú Túc - Châu Thành giai đoạn từ năm 2009 - 2018 với qui mô 21 ha, vốn đầu tư 50 triệu USD). Đây cũng là khởi đầu của việc đánh thức tiềm năng du lịch với qui mô lớn mang tầm cở khu vực khi có Cầu Rạch Miễu. Khu Resort đã tạo được điểm nhấn cho sản phẩm du lịch tại Bến tre.

Những con số thống kê đã thể hiện được sự phát triển vượt bật và bền vững qua các năm:

+ Từ những năm 2007-2008, lượng khách về Bến tre khoảng 377.000 lượt/năm thì năm 2012 đã tăng lên đến 693.000 lượt/năm; tăng trưởng bình quân là 12,46%/năm. Doanh thu từ du lịch năm 2007-2008 từ 129,5 tỉ/năm thì đến năm 2012 đạt 368 tỉ, tốc độ tăng trưởng bình quân là 22,66%/năm.

+ Năm 2013 lượng khách về Bến tre 800.400 lượt, tăng 15% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 341.800 lượt, tăng 14% so cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch là 459 tỉ đồng, tăng 25% so cùng kỳ. Tổng thu xã hội từ hoạt động du lịch: 827,50 tỉ tăng 25 % so cùng kỳ.

+ Năm 2014 lượng khách về Bến tre 904.000 lượt, tăng 13% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 393.700 lượt, tăng 15% so cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch là 562 tỉ đồng, tăng 22% so cùng kỳ. Tổng thu xã hội từ hoạt động du lịch: 993 tỉ đồng, tăng 20% so cùng kỳ.

Lượt khách lưu trú lại từ năm 2009 trở về trước còn rất thấp, du khách được các lữ hành đưa từ bến Mỹ Tho qua Bến tre xong là đưa trở lại Tiền Giang; khi giao thông thuận lợi thì lượng khách lưu trú lại chiếm tỉ trọng khá dần, tính thời điểm hiện tại lượt khách nghỉ lại chiếm 33% tổng lượt khách đến Bến Tre.

Các dự án đầu tư xây dựng có qui mô khá đã và đang đưa vào khai thác phục vụ du khách ngày càng gia tăng như: Trung tâm hội nghị tiệc cưới (Đồng Khởi Palace): Tổng vốn đầu tư 61 tỉ đồng, hoàn thành đưa vào hoạt động tháng 7/2014; Điểm dừng chân du lịch An Khánh (Nhà hàng thủy sản Mêkông): Đã hoàn thành giai đoạn I, đưa vào hoạt động. Kinh phí đầu tư 37 tỉ đồng; Khách sạn Dừa 4 sao; thực hiện năm 2014: 35 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý II năm 2015: Trạm dừng chân Phú An Khang; Điểm du lịch sinh thái Vườn chim Vàm Hồ; Điểm du lịch Phú Bình - Chợ Lách; Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển;... cũng đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó có mộ số dự án, đề án được phê duyệt chủ trương như: Dự án Điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Mekong Pearl; Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển”; Đề án phát triển du lịch xã Thạnh Phong, xã Thạnh Hả; Quy hoạch Khu du lịch Lạc Địa - Phú Lễ;....

Đó là những thành quả của sự góp sức từ chính quyền tỉnh đến địa phương, từ những chính sách ưu đải đối với các nhà đầu tư, từ những nhà đầu tư du lịch, từ những người tham gia làm du lịch, ... đặc biệt là từ sự giao thông liền mạch của cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông. Hy vọng năm 2015, cầu Cổ Chiên hoàn thành đưa vào sử dụng thì du lịch Bến Tre sẽ khởi sắc hơn khi các tour, tuyến liên kết với các tỉnh, thành trong vùng đến tận mũi Cà Mau và kết nối ra cả nước./.

Du lịch làng hoa Chợ Lách

Mỗi độ chuẩn bị đón xuân về, xóm làng Chợ Lách rực rỡ muôn màu cả một góc trời với ngàn hoa khoe sắc. Nghề trồng hoa kiểng nơi đây có từ rất lâu đời, với những nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước. Nhân dịp xuân về du khách có thể tham quan và tận mắt ngắm nhìn các loài hoa đua nhau nở rộ. Thỏa mãn thú vui chụp ảnh và ghi lại những khoảnh khắc thú vị của mùa đẹp nhất trong năm.

Người nghệ nhân nơi đây đã trải qua nhiều đời bám lấy nghề truyền thống này. Nên đã chắc lọc được nhiều kinh nghiệm sưu tầm, nhân giống nhiều loài hoa đặc sắc, đặc biệt là vào lúc chuẩn bị các loại hoa kiểng để phục vụ xuân. Du khách đến với làng hoa Chợ Lách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những loài hoa quen thuộc như: mai vàng, cúc mâm xôi, vạn thọ, cát tường, mai vạn phúc, bông giấy, trạng nguyên, phát tài, hải đường, kim tiền... nhưng với phong cách hoàn toàn khác với ngày thường từ màu sắc cho đến cánh hoa cũng như cách tạo hình vô cùng phong phú và đa dạng. 
Hoa khoe sắc trong nắng
Ngoài ra, các loài kiểng thú, kiểng hình, bon sai tạo thế hoành tráng góp phần làm sang trong ngôi nhà nhân dịp tết đến. Những vườn mai vào dịp này đã trổ rộ những búp non thay cho những chiếc lá xanh ngày nào. Cánh mai vàng tỏa hương thơm ngan ngát làm vàng rực cả một góc trời, khiến khung cảnh nơi này không đâu có được. Chợ Lách còn là nơi cung ứng trái cây cho khắp các miền trên đất nước. Vào dịp tết đến du khách có thể đến tận vườn tìm mua các loại trái cây tươi ngon về chưng mâm ngũ quả.

Nếu ví Bến Tre như một tấm lụa màu xanh rợp bóng dừa trải dài trên dòng sông Hàm Luông hiền hòa ấm ấp. Thì làng hoa chợ Lách như những hoa văn họa tiết muôn sắc màu thêu dệt cho tấm lụa kia đẹp long lanh với những thảm hoa trải dài vô tận. Du khách đến đây không chỉ chiêm ngưỡng được vẽ đẹp rực rỡ của hoa mà còn tận hưởng được bầu không khí náo nhiệt. Vực dậy cả một góc trời nơi chốn làng quê yên bình trong những ngày cận tết Nguyên Đán. Những chiếc xe tải, những chiếc ghe, tàu lớn đậu đầy khắp các bến chờ vận chuyển hoa đi phân phối khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, nhất là thị trường TP.Hồ Chí Minh. 
Người thợ cần mẫn chăm sóc hoa
Không khí thật náo nhiệt tất bật cả một góc trời, du khách bước chân đến nơi này sẽ cảm nhận được từng bước chân của mình tới đâu dường như cảnh vật thay đổi trong phút chốc tại nơi đó, như các loài hoa đang đua nở một cách mãnh liệt. Từ cảnh vật cho đến con người luôn vận động theo nhịp sống hối hả. Dù vậy nhưng du khách sẽ dễ dàng bắt chuyện với các nông dân nơi đây, họ rất thật thà hiếu khách. Một câu chuyện về mùa vụ sẽ làm ấm lòng người trong những ngày se lạnh. Nếu khách có nhu cầu mua hoa về trang trí ngày tết họ sẵn sàng bán bất cứ sản phẩm nào mà du khách vừa lòng. Ngoài ra, chúng ta có thể đi du thuyền len lỏi giữa kênh rạch nơi đây ngắm cảnh sông nước hiền hòa cùng những vườn hoa khoe sắc, những vườn cây bạc ngàn, nổi danh với tiến gọi thân quen là cây trái Cái Mơn - Chợ Lách. Nếu có dịp các bạn hãy đến với Chợ Lách để cảm nhận điều thú vị trong xuân Ất Mùi nhé!.

Xúc tiến điểm đến du lịch Xứ Dừa 2014

Bến Tre có vị trí địa lý thuận lợi với rừng dừa bạt ngàn, 4 nhánh sông Cửu long bao bọc và 65 km bờ; nằm giữa 2 trung tâm và sân bay quốc tế - Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều di tích lịch sử cách mạng có giá trị văn hoá - nhân văn đặc sắc; văn hoá sông nước miệt vườn và làng nghề truyền thống đa dạng.

Nhìn lại năm 2014, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre chú trọng hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch Bến Tre đến thị trường Miền Bắc và Miền Trung. Việc tham gia hội chợ du lịch VITM Hanoi, phối hợp cùng 3 Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long, Trà Vinh và Tiền Giang mang chủ đề liên kết du lịch cụm duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long: “Bốn địa phương, một điểm đến” cùng các đơn vị kinh doanh du lịch (Khu du lịch sinh thái Phú An Khang; Khu du lịch Đại Lộc, Chợ Lách; Công ty cổ phần Du lịch Bến Tre; Công ty TNHH du lịch Hàm Luông; Khách sạn Việt Úc; Khách sạn Hùng Vương; Khách sạn Sao Mai; Khách sạn Hoa Dừa; …) với quy mô 3 gian hàng được trang trí các hình ảnh đặc sắc về du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử cách mạng và các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo của Xứ Dừa qua các sách ảnh, tập gấp, bản đồ du lịch, đĩa DVD và liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội - 2014… Trung tâm đã xúc tiến và quảng bá du lịch tầm khu vực nhằm thu hút du khách nhiều hơn. Qua hội chợ, gian hàng liên kết cụm đã thu hút gần 10.000 lượt khách tham quan, trong đó có nhiều tổ chức chuyên kinh doanh lữ hành ở Miền Bắc và Miền Trung.
Nhà hàng Thủy sản MeKong - huyện Châu Thành - tỉnh Bến Tre
Đối với thị trường khách du lịch phía nam, Trung tâm tham gia xúc tiến theo mô hình liên kết cụm và các đơn vị kinh doanh du lịch cử nhân viên trực tiếp tiếp xúc với các khách hàng tiềm năng trong các hội chợ lớn như: Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE – 2014; Ngày hội Du lịch TPHCM; Festival đờn ca tài tử Bạc Liêu 2014; diễn đàn hợp tác kinh tế MDEC Sóc Trăng; ẩm thực Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng; Tuần lễ văn hóa ẩm thực món ngon hương vị An Giang 2014; liên hoan “Ẩm thực Đất Phương Nam” lần IV năm 2014; hỗ trợ huyện Chợ Lách tổ chức Ngày hội cây - trái ngon, an toàn năm 2014; triển khai các công việc chuẩn bị phục vụ tại Lễ hội Dừa 2015 đạt nhiều kết quả khả quan. Qua các lần tham gia xúc tiến, các doanh nghiệp, các trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh đã tìm hiểu tiềm năng, giới thiệu sản phẩm du lịch, hợp tác nối tuyến điểm, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. 

Song song với việc tham gia các hội chợ chuyên ngành du lịch, Trung tâm còn tổ chức các cuộc tọa đàm phát triển du lịch với chủ đề “Du lịch Bến Tre điểm mới và hấp dẫn”; tổng kết hoạt động liên kết năm 2014 và chương trình hoạt động 2015 giữa Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch tại Bến Tre, các công ty lữ hành tỉnh bạn và các cơ quan báo chí, truyền thông của các tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát điểm đến du lịch ven sông Tiền huyện Châu Thành; Cồn Ốc- Hưng Phong, Giồng Trôm; vườn chim Vàm Hồ, Ba Tri; biển Cồn Bửng-Thạnh Phong, Thạnh Hải; tuyến du lịch Mỏ Cày Bắc với làng nghề dừa và cơ sở thủ công phục vụ du lịch trong tỉnh và các tuyến ngoài tỉnh như Long An, Trà Vinh và Vĩnh Long. Hướng dẫn 17 đoàn khách tham quan, trao đổi kinh nghiệm khai thác du lịch và quay phim các hoạt động du lịch Bến Tre. Qua các tuyến khảo sát, các công ty lữ hành đã trao đổi, tìm hiểu tiềm năng và khả năng nối kết các điểm du lịch, tạo thêm sản phẩm khác lạ, độc đáo nhằm thu hút các thị trường du lịch trong và ngoài nước. 

Công tác thông tin, quảng bá du lịch luôn được chú trọng. Trung tâm đăng tải 112 bài viết lên các trang blog của Trung tâm, Báo Đồng Khởi, Tạp chí Du lịch, website sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, đưa thông tin lên tạp chí ngành. In 4.000 bản đồ, 4.550 brochure, 1.000 quyển sách “Địa chỉ Du lịch Bến Tre”, 5.000 ấn phẩm thông tin cần biết, 700 quyển “Danh mục dự án đầu tư”; 1.400 đĩa DVD “du lịch Xứ dừa”; xây dựng 6 album về hình ảnh hoạt động du lịch Bến Tre đăng trên blog tiếng Việt và tiếnh Anh. Phát hành hơn 7.000 bộ ấn phẩm giới thiệu về du lịch Bến Tre và 4.550 ấn phẩm quảng bá doanh nghiệp du lịch tại các hội chợ du lịch các tỉnh, thành phố trong nước. 

Thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, Trung tâm góp phần quảng bá sâu rộng những tiềm năng, thế mạnh, nét đặc sắc về du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, các làng nghề thủ công truyền thống, các di tích văn hóa nghệ thuật, lịch sử cách mạng và các sản phẩm du lịch độc đáo từ dừa…của Bến Tre ra ngoài tỉnh. Đây là cơ hội tốt để thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế đến Xứ Dừa và tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước tìm cơ hội đầu tư, liên doanh thúc đẩy du lịch Bến Tre phát triển bền vững. Cụ thể như: Tổng lượng khách năm 2014 đạt 904.000 lượt, tăng 13% so cùng kỳ (Trong đó: khách quốc tế 393.700 lượt, tăng 15%). Tổng thu từ khách du lịch đạt 562 tỉ đồng, tăng 22% so cùng kỳ. Năm 2015, chỉ tiêu tăng 11% với một triệu lượt khách (440.000 khách quốc tế); tổng thu du lịch 700 tỉ đồng, tăng 25%; Trung tâm cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ thị 09/TU của Tỉnh ủy và Đề án Phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015. 
Trung tâm Hội nghị tiệc cươi (Dong Khoi Palace) vừa được khai trương trong năm 2014
Đối với công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, ngành du lịch tiếp tục phối hợp với các báo, đài trung ương và địa phương, tăng cường thông tin truyền thông, giới thiệu hình ảnh du lịch Bến Tre sâu rộng hơn; Xuất bản các tập gấp quảng bá du lịch tỉnh nhà, cập nhập và tái bản bản đồ, địa chỉ du lịch Bến Tre. 

Đẩy mạnh liên kết du lịch 4 tỉnh cụm duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng thương hiệu du lịch, biên soạn ấn phẩm du lịch chung, bản đồ du lịch của cụm; tăng cường xúc tiến quảng bá “Một sản phẩm bốn địa phương” nói chung và nét đẹp “Đất và Người Bến Tre” nói riêng qua việc phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam gửi ấn phẩm quảng bá du lịch tại các hội chợ du lịch quốc tế có thị trường du khách tiềm năng. Tham gia các hội chợ chuyên ngành du lịch tại TPHCM, Hà nội và các tỉnh trung tâm du lịch; tổ chức các sự kiện ẩm thực, tours du lịch “Lung linh sông nước”, tuyến tham quan sông nước sinh thái miệt vườn, làng nghề truyền thống, văn hóa nghệ thuật và lịch sử cách mạng để quảng bá du lịch tại Lễ hội Dừa vào tháng 4-2015. Phối hợp 4 tỉnh tổ chức chương trình roadshow giới thiệu tiềm năng, hình ảnh điểm đến sản phẩm du lịch Bến Tre tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, ngành du lịch phải tăng cường công tác quản lý việc thực hiện nếp sống văn minh, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý Nhà nước về du lịch để có đội ngũ phục vụ có chất lượng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu du khách. 

Với những nổ lực của tập thể Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre trong năm qua, cùng sự phối hợp liên kết các tổ chức và cá nhân trong, ngoài tỉnh và với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2015, chúng ta tin rằng du lịch Xứ Dừa, vùng đất hấp dẫn, đang hình thành một diện mạo mới, hứa hẹn thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo góp phần nâng tầm du lịch Bến Tre. Một tiềm năng đang được khai thác hiệu quả và bền vững, giúp ngành “công nghiệp không khói” cụm 4 tỉnh duyên hải phía đông ĐBSCL nói chung và du lịch Bến Tre nói riêng càng được khắc đậm nét hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới./.

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định được công nhận di tích lịch sử

Ngày 06/01/2015, là ngày tỉnh Bình Phước tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Phước Long; là tỉnh được giải phóng đầu tiên của Nam bộ 6/01/1975 - 6/01/2015 (thị xã Phước Long hiện nay). Ông Trần Ngọc Tam, UV BTV Tỉnh ủy- Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã đến dự. Nhân dịp nầy cũng được Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước hướng dẫn đến viếng thăm vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định tọa lạc tại phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước cách tỉnh lộ ĐT741 2,5km.

Đây là di tích “Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định” được công nhận theo Quyết định số 3143/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích cấp tỉnh. Di tích mang dấu tích lưu niệm bà Nguyễn Thị Định có giá trị về lịch sử, di tích ghi dấu trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Bà Nguyễn Thị Định tại Phước Long.

Nữ Tướng Nguyễn Thị Định là một nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được nhân dân thường gọi với một tên thân thương là Cô Ba Định, là người con của quê hương Đồng Khởi Bến Tre. Trong tham gia kháng chiến Cô Ba có bí danh là Bích Vân, Ba Tấn, Ba Nhất và Ba Hận. Cô Bích Vân đã tham gia cách mạng năm Người 16 tuổi (1936), được sự dìu dắt của người anh ruột là Nguyễn Văn Chẩn đã tham gia phong trào Đông Dương Đại Hội như đi liên lạc, rải truyền đơn, vận động bà con chống sự áp bức ở địa phương,... Năm 1938, Cô Bích Vân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, chồng Cô bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh ở đó. Trong thời điểm nầy cũng là lúc Cô sinh người con đầu tiên mà phải đành gửi con lại quê nhà cho người thân để tham gia phong trào Đông Dương. 

Nữa năm sau Cô Ba Hận cũng bị giặc Pháp bắt giữ và biệt giam tại núi Bà Rá; tỉnh Sông Bé (nay nơi đây là thị xã Phước Long thuộc tỉnh Bình Phước). Ba năm tù cũng là ba năm họat động kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản Việt Nam, của người con quê hương Bến Tre trong nhà tù giặc Pháp tại Bà Rá - Phước Long. 

Trong những tháng ngày ở nhà tù Bà Rá, giặc pháp bắt Bà Ba Định tham gia lao động ở trại canh nông nằm trên một dãy đồi cạnh núi Bà Rá; sau những giờ lao động trở về dãy đồi bên để ăn và nghỉ trưa; những lúc nghỉ ngơi của tù nhân thì Bà vẫn lạc quan tranh thủ trồng cây và chăm sóc cây như: Khế, vú sửa, ổi, mận,…. Qua thời gian dài do không được bảo quản chăm sóc nên một số cây của Bà trồng đã bị chết và một số bị bứng đi nơi khác để trồng; hiện chỉ còn lại hai cây khế và hai cây vú sữa. Cũng nơi đây là nơi được công nhận là di lích lịch sử “Vườn cây lưu niệm Bà Nguyễn Thị Định”.
Ông Trần Ngọc Tam, UVBTV - PCT Ủy ban nhân dân tỉnh chụp ảnh lưu niệm bên cây khế trên 70 năm tuổi do Cô Ba Định trồng tại Phước Long
Trong khu di tích nầy, hai cây khế nằm ở phía tây, còn hai cây vú sữa nằm ở phía đông trên khu đất có diện tích 9.000 m2 được rào bọc xung quanh bằng dây thép gai. Tỉnh Bình Phước đang có hướng quy hoạch mở rộng khu vực lên 5,37 ha để trùng tu, tôn tạo ngang tầm với khu di tích. Tính đến nay hai cây khế và hai cây vú sữa đã hơn 70 năm tuổi; thân cây to có đường kính gần 01m, chu vi thân khoảng 3m, tán lá xum xuê rộng khoảng 20m, hàng năm vẫn đơm hoa kết trái. Hai Cây khế được chống đỡ bằng thép có kết cấu đế bê tông chống ngã; hai cây vú sữa được xây bờ kè, đổ đất chống xói mòn để bảo quản nơi đất đồi đầy suối thác. 
Ông Trần Ngọc Tam, UVBTV - PCT Ủy ban nhân dân tỉnh (bìa phải) cùng đoàn thăm giếng bên cây vú sữa trên 70 năm tuổi do Cô Ba Định trồng tại Phước Long
Để xứng tầm với giá trị di tích, ông Trần Ngọc Tam có ý kiến trao đổi cùng đoàn hướng dẫn của tỉnh Bình Phước rằng trong thời gian tới khi Tỉnh Bình Phước triển khai phương án trùng tu mở rộng khu di tích; tỉnh Bến Tre sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp hỗ trợ nhằm hoàn thiện khu di tích lưu niệm bà Nguyễn Thị Định, một nữ tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một người con của quê hương Đồng Khởi Bến Tre; đồng thời tạo sự gắn kết tình nghĩa giữa hai tỉnh Bình Phước - Bến Tre./.