Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Cơ hội và thách thức khi ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động Du lịch

Việt Nam là một trong số các quốc gia có lượng người dùng internet tăng nhanh trên thế giới. Vào năm 2017, dân số Việt Nam khoảng 93,6 triệu người, đứng thứ 14 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Lúc bấy giờ có khoảng 53% (50,05 triệu người) dân số đang dùng Internet, tăng 6% so với năm 2016; đồng thời có khoảng 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số. Đối với du lịch, những năm gần đây công nghệ thông tin đã được đưa vào ứng dụng và đã làm thay đổi qui trình cung ứng dịch vụ du lịch tạo nên làn sóng trong cách điều hành, quản lý theo một tư duy mới.

Cách mạng Công nghệ 4.0 (Industry 4.0) được nhen nhóm từ đầu thế kỷ XXI nhưng cho đến nay mới thực sự bùng nổ. Nghiên về lĩnh vực kỹ thuật số: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật internet (internet of things), lưu trữ và xử lý số liệu (Big Data); lĩnh vực vật lý: in 3D, vật liệu mới, robot cao cấp, xe tự lái, …cuối cùng là lĩnh vực công nghệ sinh học và năng lượng mới. Từ đó các công nghệ số, internet với mục đích biến thế giới thực thành một thế giới số, sự tự động hóa thông minh của máy móc tạo nên dữ liệu lưu trữ cực kỳ lớn. 

Đối với các quốc gia có tiềm năng kinh tế lớn, họ đã vạch ra hẳn chiến lược cụ thể: Nước Mỹ có “chiếc lược quốc gia về sản xuất tiên tiến”, Pháp có “Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp”, Hàn Quốc có “Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai”, Trung Quốc có “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” và hiện nay Nhân Bản, một trong quốc gia ứng dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới có “Xã hội thông minh 5.0”,… Như  vậy, ta thấy được tầm quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 đối với các nước đang được chú trọng và là xu thế tất yếu, đề cao tính ứng dụng vào mục đích cụ thể để phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt có chương trình chiến lược dành riêng dựa trên những tiến bộ khoa học và công nghệ. 

Đối với ngành du lịch thì đây là một bước tiến mới trong việc điều hành, tìm kiếm thông tin. Thông qua mạng internet sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể lựa chọn, so sánh giá hay kết nối điểm đến,…Đặc biệt với cách mạng 4.0 được phủ sóng toàn cầu nên việc tương tác sẽ nhanh chóng hơn. Trong đó việc tạo ra các ứng dụng, truy cập tìm kiếm chỉ bằng thao tác vô cùng đơn giản. Chẳng hạn, du khách muốn biết thông tin về địa chỉ, khách sạn, vé máy bay, bản đồ hướng dẫn đường đi,… chỉ cần gõ thông tin nhận dạng bằng chữ viết hoặc nhận dạng qua giọng nói sẽ hiện lên nội dung cần tìm, thông qua các ứng dụng như: TripIt (ứng dụng đã từng được trao giải “Ứng dụng du lịch tốt nhất trên điện thoại” trong khuôn khổ giải thưởng Webby 2011) – chuyên lập kế hoạch cho chuyến đi cung cấp cho du khách những thông tin cơ bản về nơi sắp đến. Bên cạnh đó là những thông tin về các chuyến bay, khách sạn… giúp chúng ta lên kế hoạch tổ chức và sắp xếp cho chuyến đi một cách tốt nhất, quan trọng có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian để tận hưởng kỳ nghỉ hoàn hảo; TripCase - ứng dụng giúp cập nhật thông tin lịch trình các chuyến bay, có thể biết được chuyến bay nào bị hoãn để lên kế hoạch cho sự thay thế nhanh chóng. Bên cạnh đó, ứng dụng còn dễ dàng thêm ghi chú cho hành trình với lời nhắc nhở hoặc ý tưởng chi tiết cho chuyến đi…và còn rất nhiều ứng dụng tương tác khác như: facebook, Instagram,… 

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, đây còn là cơ hội quảng bá với mức chi phí bỏ ra rất thấp nhưng mang lại hiệu quả cao bởi sự tương tác phản hồi không giới hạn không gian, thời gian, không còn ràng buộc tại một quốc gia nào đó mà còn ra nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã không ngừng nâng cao và khẳng định thương hiệu của mình và liên tiếp xây dựng những tour, điểm đến phù hợp với nhiều khách hàng, đồng thời có nhiều ưu đãi với khách hàng thân thiết. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch đã biết tận dụng lợi thế từ du lịch trực tuyến để quảng bá các tour, điểm đến, đồng thời có những hình thức thanh toán đảm bảo, nhanh và tiện lợi cho khách hàng. Cụ thể hiện nay có các công ty lữ hành online thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com. Trong nước có các công ty kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, mytour.vn, gotadi.com, vntrip.vn…  Trong suốt quá trình này, tất cả các khâu cách mạng công nghiệp 4.0 đều tham gia tác động vào, trở thành cơ hội cho những ai biết nắm bắt và sở hữu.

Bên cạnh thuận lợi, ngành du lịch sẽ còn phải giải quyết nhiều bài toán đầy thử thách bởi bản chất thực sự của ngành du lịch mang tính dịch vụ rất cao, vừa vô hình lại vừa hữu hình. Qua đó buộc phải có sự tương tác giữa con người với con người. Du lịch thông minh theo một góc độ riêng thì nó vẫn bộc lộ tính chủ quan không thể cứ phụ thuộc vào máy móc là có thể hoàn thiện. Cụ thể nếu doanh nghiệp muốn điều tra, khảo sát nhu cầu của khách phải tìm hiểu kỹ về nhu cầu của người tiêu dùng, xem xu hướng hiện tại và trong tương lai,… Như vậy, các công nghệ lúc này sẽ đóng vai trò phương tiện. Ngoài ra, nếu kinh doanh du lịch trực tuyến là thế mạnh của nhiều doanh nghiệp thì cũng là điểm yếu của không ít doanh nghiệp khi chưa chú trọng đến phát triển lĩnh vực này do còn tồn tại những điểm yếu như: chất lượng các tour không đảm bảo, giá tour còn cao, không ổn định... Tuy nhiên nói như vậy không phải phủ định hoàn toàn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà cái chúng ta cần chính là phải nắm bắt được kỹ thuật công nghệ và ứng dụng quảng bá thật hợp lý. Muốn nắm bắt được công nghệ đầu tiên phải bỏ chi phí khá cao để đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin; Đội ngũ nhân lực cụ thể là IT phải được tiếp cận, đào tạo tập huấn bài bản chuyên sâu từng lĩnh vực để ứng dụng cụ thể… và cái quan trọng đó chính là quá trình cập nhật thông tin, tương tác thật hoàn hảo, nhanh chóng, chính xác, chủ động tăng cường tính dự báo.

Như vậy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động du lịch đã tạo nên nhiều cơ hội cũng như thách thức nhất là đối với ngành du lịch Bến Tre. Thời gian qua tỉnh Bến Tre đang hoàn chỉnh giao diện trang thông tin điện tử chuyên về du lịch nhằm thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch đến với du khách. Đồng thời xúc tiến đầu tư các dự án mang tầm chiến lược, liên kết các tuyến điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu du lịch Bến Tre gắn liền với an toàn – thân thiện – chất lượng. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú được cấp sao lẫn các hộ kinh doanh loại hình homestay sẽ được hướng dẫn tham gia vào chương trình đặt phòng trực tuyến qua mạng… Tuy nhiên, một mặt chúng ta có đủ cơ hội để tiếp cận công nghệ nhưng lại hạn chế về ứng dụng thì lại hoàn toàn không làm chủ được công nghệ và chắc chắn việc điều hành công việc như bán tour, quảng cáo trực tuyến… lại chỉ gói gọn ở một phạm vi nhỏ hẹp. Chính vì vậy, để hòa mình vào xu thế toàn cầu, ngành du lịch phải chủ động hội nhập, đầu tư công nghệ, nhất là con người trong du lịch. Để từ đó phát huy tầm quan trọng của du lịch đối với kinh tế./.

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Thông điệp Ngày Du lịch thế giới 2018

Năm nay, Ngày Du lịch Thế giới nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư vào công nghệ số đột phá để tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, với những tiến bộ về kỹ thuật số đã làm chuyển đổi cách suy nghĩ và hành vi của chúng ta, và khuyến khích sự sáng tạo. Chúng ta không chỉ cần những công cụ mới mà còn cần năng lực và hướng tư duy mới. Vì vậy thông qua gia đình Liên hợp quốc, chúng ta đang tạo ra những mối quan hệ đối tác, những dự án và sáng kiến có tính đổi mới.

Quy mô rộng lớn và tác động của ngành du lịch toàn cầu tới các ngành khác và các Mục tiêu phát triển bền vững đã đưa trách nhiệm xã hội của du lịch lên hàng đầu, đi đôi với việc sáng tạo ở tất cả các cấp.

Khai thác sự sáng tạo và tiến bộ về kỹ thuật số mang đến cho du lịch cơ hội nâng cao tính bao trùm, trao quyền cho cộng đồng địa phương và quản lý tài nguyên hiệu quả, cùng với các mục tiêu khác trong bối cảnh thúc đẩy phát triển bền vững. Chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, và chúng ta đang đảm bảo ngành du lịch có đóng góp cho cam kết toàn cầu này.

Ông Zurab Pololikashvili
Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO)
Nguồn: UNWTO

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Chia sẻ kinh nghiệm, định hướng xây dựng sản phẩm và thương hiệu du lịch Bến Tre

Buổi gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm giữa hai tỉnh Quảng Bình và Bến Tre diễn ra vào ngày 21 tháng 8 năm 2018 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị TTC Palace. Đây là buổi trao đổi nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ công chức, viên chức thuộc lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các tổ chức, cá nhân, người dân của quê hương xứ dừa muốn khởi nghiệp làm du lịch tiếp cận những kinh nghiệm và cách làm du lịch. Đồng thời, trên cơ sở khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên bản địa trong việc xây dựng các tour, tuyến điểm và sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu du lịch Bến Tre. 
Đoàn Quảng Bình du ngoạn bằng tàu trên sông Bến Tre
Qua lời mời của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, sáng ngày 21 tháng 8 năm 2018 đoàn tỉnh Quảng Bình do Ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình làm trưởng đoàn cùng Ông Nguyễn Châu Á - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) và các phòng ban thuộc Sở Du lịch Quảng Bình đến Bến Tre. Đoàn được Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre phối hợp với công ty Du Thuyền Xoài đưa đi khảo sát tuyến điểm tham quan tiêu biểu của Bến Tre: du thuyền trên sông, tham quan vườn ươm các giống cây dừa, cơ sở chế biến dừa (lột dừa, cạy dừa, gọt dừa), ngắm cảnh trên đường quê sử dụng phương tiện di chuyển bằng xe điện thân thiện môi trường, tham quan lò gạch, đi đò chèo, tham quan cơ sở sản xuất rượu nếp truyền thống tại xã Phú Hưng - thành phố Bến Tre, xã Hữu Định - Châu Thành và huyện Giồng Trôm;... Những tài nguyên được trực tiếp tiếp cận chính là tuyến điểm tham quan đang được khai thác hiệu quả; tuy nhiên vẫn là vấn đề để được sự góp ý bổ sung trong buổi gặp gỡ.  
Lắng nghe những chia sẻ từ phía doanh nghiệp du lịch (Từ trái qua phải: Ông Hồ An Phong - GĐ Sở DL Quảng Bình, Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư thường trực Tỉnh Ủy Bến Tre, Ông Nguyễn Châu Á - TGĐ Công ty TNHH MTV Chua Me Đất, Ông Trương Quốc Phong - GĐ Sở VHTTDL Bến Tre)
Buổi chiều cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị TTC Palace, diễn ra buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng xây dựng sản phẩm và thương hiệu du lịch Bến Tre. Đến tham dự có Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các sở, ngành liên quan; Uỷ ban nhân dân, phòng VHTT và Hội Nông dân các huyện, thành phố; các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Bến Tre đến dự. Trong buổi gặp gỡ, hai tỉnh Bến Tre và Quảng Bình đã có những trao đổi rất thân tình xoay quanh những điều kiện cũng như tầm quan trọng của du lịch đối với kinh tế địa phương. Hai bên đã trao đổi về cơ chế chính sách cũng như quá trình xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình để Bến Tre học tập. Ông Hồ An Phong và Ông Nguyễn Châu Á  đã chia sẻ nhiệt tình những thuận lợi, khó khăn bước đầu khi làm du lịch và giữ bền vững thương hiệu trong bản đồ du lịch thế giới. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để các doanh nghiệp du lịch Bến Tre định hướng xây dựng sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp cũng như cộng đồng trách nhiệm để xây dựng sản phẩm du lịch mang thương hiệu chung của tỉnh./.

Phối hợp tổ chức hoạt động thiện nguyện và giới thiệu văn hóa du lịch địa phương

Thực hiện chương xúc tiến du lịch và giới thiệu văn hóa du lịch địa phương, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre phối hợp với Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre tổ chức cho Quỹ Hiểu về trái tim cùng với Đại sứ trái tim Hoa khôi Trương Diệu Ngọc và 6 Hoa Khôi tham gia Miss World 2016 đến từ Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Srilanka, Nhật Bản tham gia trải nghiệm một số hoạt động du lịch Bến Tre và phát 100 phần quà cho trẻ em nghèo tại huyện Châu Thành - Bến Tre.
Quỹ Hiểu về trái tim có buổi trải nghiệm du lịch sông nước xứ dừa, tham gia các hoạt động ngoài trời tại Điểm Du lịch Cồn Phụng, trải nghiệm làm kẹo dừa, tham gia gói những viên kẹo dừa mới ra lò và thưởng thức những viên kẹo nóng, thơm ngon. Đoàn được đi thuyền lênh đênh trên sông Tiền, ngắm cảnh đẹp của vùng sông nước xứ dừa với những hoạt động trên sông của quần thể tứ linh “Long - Lân - Qui - Phụng”. Đoàn đến cồn Qui, tham quan vườn trái cây trên cồn và dừng chân tại điểm du lịch Cồn Qui - Tư Bi tham gia cùng chủ nhà nấu những món ăn dân dã miền sông nước và dùng cơm thân mật, vui vẻ với gia đình. Cuộc trải nghiệm lần này, các hoa khôi rất phấn khích và có nhiều kỷ niệm trong chuyến hành trình tại Xứ Dừa của Quê hương Đồng Khởi - Bến Tre, hoa khôi Ấn Độ chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân tại đất nước tôi đến trải nghiệm trong thời gian tới” 
Miss Thailand 2016 - Jinnita Budde và Đại sứ trái tim Hoa khôi Trương Diệu Ngọc cùng nhau gói kẹo dừa
Kết thúc một chuyến đi đầy ý nghĩa của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre phối hợp với Quỹ Hiểu về trái tim, chuyến hành trình đã đem lại một hình ảnh đẹp từ những hoa hậu thế giới góp phần cho việc thu hút khách du lịch đến Quê hương sông nước Xứ Dừa trong thời gian tới./.

Kết nối nông dân làm du lịch

Vừa qua, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh do ông Bùi Tá Hoàng Vũ làm Trưởng đoàn đã đến Bến Tre khảo sát một số mô hình nông dân làm du lịch có hiệu quả tại địa phương và trao đổi kinh nghiệm cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre. Loại hình du lịch nông dân là loại hình du lịch đang triển khai phát triển tại TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long. 
Lãnh đạo hai địa phương chụp ảnh lưu niệm (Từ trái sang: Ông Trương Quốc Phong - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở VHTTDL Bến Tre, Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Thành ủy viên - Chủ tịch HND thành phố HCM, Ông Đoàn Văn Đãnh - Tỉnh ủy viên - Chủ tịch HND tỉnh Bến Tre, Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Thành ủy viên - GĐ Sở Du lịch TP.HCM
Tham gia cùng đoàn TP.HCM có Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội nông dân (HND) Thành phố; Chủ tịch HND huyện Củ Chi cùng các hội viên và một số hộ Nông dân làm du lịch; bên cạnh đó có đại diện công ty du lịch Vietravel và Saigontourist cùng đi. Phía Bến Tre có Ông Trương Quốc Phong Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Ông Đoàn Văn Đãnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Ông Ngô Văn Mười - Chủ tịch  HND huyện Chợ Lách - cùng đại diện các đơn vị liên quan đón tiếp và làm việc với đoàn.
Đoàn tham quan di chuyển bằng xe Lambro  trên đường làng Bến Tre
(môt loại xe vận chuyển khách ở thập niên 70 của thế kỷ XX)
Sau buổi khảo sát tại các điểm như du lịch homestay Mango; homestay Mười Nở; homestay Duyên Quê và điểm du lịch Hai Hồ trên địa bàn ba xã Nam thành phố Bến Tre. Hai bên đã trao đổi kinh nghiệm học tập lẫn nhau giữa hai địa phương trong việc phát triển du lịch nông dân, du lịch cộng đồng và tìm hiểu kinh nghiệm về cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân làm du lịch giữa hai địa phương. Tại buổi làm việc, Sở Du lịch TP.HCM thông tin chia sẻ hiện nay TP.HCM đang triển khai phát triển loại hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao để phục vụ khách du lịch trải nghiệm, do người nông dân tổ chức đầu tư; đây là loại hình phù hợp với tài nguyên thiên nhiên của vùng sông nước Xứ Dừa mà Nông dân Bến Tre cần khai thác để phát triển du lịch. Cuộc trao đổi kinh nghiệm lần nầy cũng là hoạt động trong chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đã ký kết giữa TP.Hồ Chí Minh và Bến Tre trong những năm qua./.

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Thông báo thể lệ cuộc thi sáng tác biểu tượng và tiêu đề Du lịch tỉnh Hà Giang

Cuộc thi sáng tác Biểu tượng (Logo) và tiêu đề (slogan) Du lịch tỉnh Hà Giang được phát động từ ngày 01/4/2018 đến hết ngày 30/9/2018 để phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch tỉnh Hà Giang một các cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thể lệ cuộc thi tải tại đây

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Thông báo Cuộc thi thiết kết mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Điện Biên năm 2018

Phát huy khả năng và tinh thần sáng tạo nghệ thuật của các tổ chức cá nhân tham gia sáng tác, thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch; phát hiện, tôn vinh các sản phẩm quà tặng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp phục vụ hoạt động du lịch; Kích cầu chi tiêu của du khách khi đến tỉnh Điện Biên; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Điện Biên năm 2018.

Kế hoạch tổ chức cuộc thi.

Thể lệ cuộc thi.

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên
Địa chỉ: Phố 9, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Email: trungtamttxtdldienbien@gmail.com;
Điện thoại: 02153 825 026.

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Tiến hành chấm vòng sơ khảo Cuộc thi sáng tác biểu trưng và khẩu hiệu du lịch Bến Tre

Thực hiện Kế hoạch số 843/KH-SVHTTDL ngày 11 tháng 4 năm 2018 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Bến Tre.
Ban Giám khảo tiến hành chấm vòng sơ khảo (từ trái sang: ÔngTrương Quốc Phong, GĐ Sở VHTTDL; ông Bùi Văn Chương , Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Trần Công Ngữ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; ông Trương Văn Thảng (họa sĩ Trường Chăm, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT tỉnh; ông Trần Duy Phương, Chủ tịch HHDL tỉnh)
Sau thời gian phát động cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của 33 tác giả khắp mọi miền đất nước, tổng số tác phẩm dự thi là 76 tác phẩm bao gồm logo và slogan.  Ngày 02/8/2018 thành phần Ban Giám khảo theo Quyết định số 282/QĐ-SVHTTDL đã tiến hành chấm vòng sơ khảo.
Kết quả vòng sơ khảo có 7 tác phẩm được chọn; Ban Giám khảo tiếp tục chọn ra 4 trong 7 tác phẩm trên để công bố rộng rãi vào ngày 09/8/2018. Dự kiến cuối tháng 8 sẽ tiến hành chấm vòng chung khảo sau khi tập hợp các ý kiến đóng góp từ các tổ chức và quần chúng nhân dân./.

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Phía sau tọa đàm "Bến Tre mở rộng liên kết phát triển du lịch"

"Bến Tre mở rộng liên kết phát triển du lịch" là chủ đề buổi tọa đàm trong chuỗi sự kiện giải quần vợt ngành Du lịch Việt Nam lần thứ XXIII - Bến Tre 2018 - Cúp liên Thái Bình Dương lần thức VI, diễn ra ngày 20/7/2018 tại khu du lịch Cồn Phụng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch(VHTTDL) tổ chức. Đến tham dự và chủ trì buổi tọa đàm có ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDL), ông Lê Thanh Phong - Phó chủ tịch HHDL Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); ông Trương Quốc Phong - Tỉnh ủy viên - Giám đốc sở VHTTDL Bến Tre, ông Trần Duy Phương - Nguyên PGĐ Sở - Chủ tịch HHDL tỉnh Bến Tre.
Đoàn chủ trì buổi Tọa đàm (bên phải qua: Trương Quốc Phong, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Thanh Phong, Trần Duy Phương)
Hội nghị tiếp đón trên 90 đại biểu khách mời đến từ HHDL Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh; Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến của các tỉnh và thành phố: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre; đặc biệt có sự tham gia của các công ty Lữ hành du lịch lớn như: Vietravel, Saigontourist, Trippy, Du lịch Bến Thành, Dấu ấn Việt, Du lịch Thành Công; cùng các báo đài, Thông tấn xã trong và ngoài tỉnh đến dự góp ý kiến và đưa tin.

Các đại biểu đã tham gia phát biểu góp ý thiết thực và sâu sắc sau một buổi đi khảo sát tour sinh thái sông nước huyện Châu Thành - Bến Tre nhằm từng bước khắc phục và nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù cho quê hương sông nước Xứ Dừa. Đây là một tour du lịch sông nước có xuất phát điểm đầu tiên của Bến Tre khi bắt đầu làm du lịch vào khoảng năm 2000 và cũng là một trong nhiều tour tham quan, trải nghiệm tại Bến Tre được phát triển sau nầy đến ngày hôm nay.
Đại biểu tích cực tham gia phát biểu góp ý cho sự phát triển du lịch tỉnh Bến Tre tại buổi Tọa đàm
“Tôi khá ngạc nhiên sau vài năm quay lại Cồn Phụng thấy ngành du lịch Bến Tre năng động hơn so với khu vực khác của đồng bằng sông Cửu Long. Ấn tượng nhất là sản phẩm du lịch cộng đồng homestay.Tuy nhiên, trong buổi khảo sát tôi mong sẽ lạc bước vào rừng dừa bạt ngàn, bát ngát thì thực tế chưa được thấy trong tour nầy, chỉ mới là cảm giác được lênh đênh trên sông nước. Du lịch Bến Tre cần phải làm tinh tế hơn. (Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc Bán sản phẩm mua dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel, chia sẻ);

Anh Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Du lịch VietMark ước ao: Bến Tre cần làm sao để hình ảnh đầu tiên ấn tượng với du khách là áo bà ba, nón lá, màu sắc chủ đạo của màu xanh lá dừa. Hay khách vừa xuống bến tàu thì phải bước vào hàng dừa rợp mát, trái dừa xuất hiện mọi nơi, tôi chưa cảm nhận được xứ dừa. Anh trăn trở “Tôi ao ước khám phá bảo tàng dừa, nghe nói ở điểm du lịch Cồn Phụng có nhà bảo tàng dừa nên khi tàu vào đến nơi tôi liền vào xem ngay; nhưng thất vọng, bên trong lại toàn bán túi xách đồ da”.

Bà Phan Yến Ly, Trưởng phòng phát triển sản phẩm khối inbound Công ty lữ hành Saigontourist cho biết: vài chục năm nay, Saigontourist chưa nhận được bất cứ sự than phiền nào của du khách từ món ăn đến dịch vụ khi đến du lich Bến Tre. Nhưng sự quay lại vẫn còn ít, họ rất chấp nhận chi tiêu vì ở đây chi phí quá rẻ. Ở góc độ DN rất mừng vì có giá tốt để quảng cáo cho du khách nhưng tỉnh không thu được nhiều tiền. Rõ ràng Bến Tre có doanh thu là từ khách quốc tế đến nhiều. Thực tế trên Cồn Phụng, chưa có sản phẩm cao cấp, cái thiếu của Bến Tre chưa có sản phẩm cao cấp để thu được tiền của du khách. 

Ông Phan Văn Thông - Giám đốc Khu du lịch Cồn Phụng tha thiết đề nghị “Chúng ta đã xây dựng nên sản phẩm thì cố gắng quan tâm để cho nó sống. Ngành du lịch kêu gọi bà con xây dựng con đường dừa thiệt đẹp mà một năm đưa vài đoàn xuống thì làm sao bà con sống được. Chúng tôi hứa sẽ có những sản phẩm độc đáo lạ để bán cho du khách”. Tuy nhiên, ông Thông chia sẻ nếu du khách muốn khám phá trải nghiệm sản phẩm độc đáo cần vài ngày đi vào sâu các huyện. Hiện nay Bến Tre có lễ hội dừa rất lớn, có những con đường dừa, những vườn dừa rất đẹp. Thậm chí là chợ nổi dừa tấp nập tàu, thuyền buôn bán sản phẩm từ dừa chứ không phải Bến Tre chỉ có Cồn Phụng. Người dân Bến Tre đã quan tâm làm du lịch, nếu du khách muốn khám phá vườn cây trái nổi tiếng thì đến xã Tân Phú - Châu Thành hay vùng Chợ Lách là những vườn cây trái trĩu quả, những làng cây giống, hoa kiểng nổi tiếng...

Những đóng góp sâu sắc của các doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng như trong tỉnh đã đưa ra những giải pháp thiết thực để góp phần cho du lịch Bến Tre phát triển. Bến Tre thừa nhận tỉnh chưa có các sản phẩm du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách. Phần lớn các DN cơ sở kinh doanh du lịch có quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh với hình thức hộ gia đình; chưa có DN lớn làm hạt nhân để giữ vai trò dẫn dắt. Trong thời gian tới, để khai thác thế mạnh của Bến Tre thì việc liên kết với các tỉnh là quan trọng và cần thiết, trong đó có TP.HCM (Ông Trương Quốc Phong - GĐ Sở VHTTDL Bến Tre nhận định); Bên cạnh đó, ông Phong cho biết để tránh trùng lắp so với các tỉnh bạn, tỉnh có đặc điểm là nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. trong đó, sẽ tập trung phát triển thành tour tham quan sinh thái miệt vườn gắn với các di tích quốc gia đặc biệt như di tích Đồng Khởi, di tích mộ và khu tưởng niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu… kết hợp với du lịch sinh thái nhằm từng bước xây dựng thương hiệu "Du lịch sinh thái sông nước xứ dừa" cho Bến Tre. Năm 2017 Bến Tre đón 1,2 triệu lượt khách chiếm 40% là khách nước ngoài đứng đầu trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khách đi theo tour ngắn ngày thời gian lưu trú ít ỏi rơi vào thị trường khách Trung Quốc, Đài Loan. Nhưng du lịch homestay thì khách lưu trú dài ngày đa dạng, chủ yếu là thị trường khách Đức, Mỹ, Canada, Pháp,… tỉnh yên tâm ở nhóm khách này khi chiếm 35-40% tổng lượng khách quốc tế.

Du lịch Bến Tre cần xây dựng nét đặc thù:
Các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch sẽ, phải tăng cường quản lý, điều chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, có cơ chế đồng bộ từ tỉnh đến địa phương. Các doanh nghiệp du lịch và cơ sở dịch vụ cần quan tâm hàng đầu đến việc từ hình thức đến nội dung; nhất là trang phục đồng bộ, áo dài hay áo bà ba, nón lá đối với nữ; quần tây áo sơ mi hoặc bộ bà ba quấn khăn rằn đối với nam cho phù hợp với từng dịch vụ như: Đờn ca tài tử, người chèo xuồng, người điều khiển xe ngựa hay các hướng dẫn viên, phục vụ viên,.... Lấy màu xanh lá dừa làm chủ đạo, tạo ấn tương cho du khách khi đến Bến Tre; nhìn màu sắc trang phục là nhận diện của Bến Tre.

Bến Tre cần phải xây dựng Bảo tàng dừa rõ nét tại Trung tâm tỉnh hoặc những địa phương nào đó trong tỉnh có du lịch phù hợp nhất đối với cây dừa nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làm ra từ cây dừa, giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ cây dừa Bến Tre, giới thiệu qui trình trồng dừa, các loại giống dừa, qui trình khai thác dừa, gía trị của cây công nghiệp nầy ra sao,... Bên cạnh đó xây dựng các quầy trưng bày sản phẩm làm đẹp từ nguyên liệu dừa như tinh dầu dừa, thạch dừa, mặt nạ dừa, kem dưỡng da từ dừa, son dừa, xà phòng dừa, nước dừa tươi đóng chai, ....

Những nhà hàng, điểm dừng chân phục vụ ẩm thực cho du khách tăng cường giới thiệu các món ăn, thức uống từ dừa cho du khách đến với quê hương xứ dừa như: Cơm trong trái dừa ăn cùng tép ran dừa. gỏi củ hủ dừa là hai món ăn nằm trong top 100 món ngon Việt Nam được Trung tâm sách Kỷ Lục Việt Nam xác lập cũng như các kỷ lục do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận. Ngoài ra còn có trên 300 món ăn thức uống khác có dừa; nhưng phong phú nhất vẫn là tại quê hương Xứ của Dừa. Đặc biệt là cần lưu ý sử dụng những sản phẩm bằng dừa như muỗng, nĩa, đũa, tấm lót chén, vật dụng đựng thức ăn,... bằng nguyên liệu dừa. Các homestay sẽ trang trí nơi nghỉ, nơi sinh hoạt cho du khách sử dụng bằng những nguyên liệu từ địa phương để tăng thêm sự hấp dẫn tạo nét đặc thù cho sản phẩm.
Trải nghiệm xuồng chèo trong rạch nhỏ rợp bón lá dừa nước
Những cây cầu, căn nhà, sàn nước, những vật dụng trong gia đình bằng dừa và trưng bày những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay mỹ phẩm từ dừa tại những điểm dừng chân cho du khách tham quan nhằm giới thiệu nét văn hóa của người dân quê hương sông nước xứ dừa xưa và nay. Những địa phương xây dựng xã nông thôn mới, có những con đường hai bên là những hàng dừa đẹp được du khách nước ngoài ưa thích đi bộ hay chạy xe đạp trên đường làng rợp bóng mát của những tào lá dừa đầy thơ mộng; bên cạnh đó đi đôi là cần chỉnh trang những vườn dừa đẹp để khách trực tiếp vào trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm hay tham gia leo dừa, bẻ dừa, sinh hoạt dưới bóng dừa tại một rừng dừa được mệnh danh lớn nhất thế giới. Đó cũng là sản phẩm du lịch đặc thù của Bến Tre vì đi đâu trong tỉnh cũng có bóng dáng cây dừa đã lôi cuốn du khách từ trải nghiệm nầy sang trải nghiệm khác. 

Phải nghĩ đến việc xây dựng tháp cao cách điệu hình dáng cây dừa để du khách tham gia leo lên ngắm nhìn quang cảnh xung quanh của rừng dừa bạt ngàn, với một màu xanh phủ kín trên ba dải cù lao (cù lao Minh, Bảo và An hóa) được bốn dòng hạ lưu (sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên) của sông MêKông bồi đắp nên tỉnh Bến Tre. Đó là sự trải nghiệm và chiêm ngưỡng tuyệt vời của chuyến hành trình về xứ dừa; du khách sẽ có những tấm hình lưu niệm độc đáo khi du khách thập phương đặt chân đến Bến Tre. 

Tỉnh cũng đã xây dựng con đường dừa và không gian dừa trong hai lần Lễ hội dừa 2012 - 2015 cũng đã thu hút sự chú ý của du khách đến Bến Tre; một sự nuối tiếc là Lễ hội qua đi thì không còn lưu lại làm sản phẩm du lịch đặc thù mà trở thành nơi mua bán kinh doanh. Việc xây dựng không gian dừa hay những con đường dừa dành riêng cho du lịch cũng là vấn đề cần đặt ra trong giai đoạn phát triển du lịch hiện nay theo Chương trình hành động số 22 của Tỉnh Ủy Bến Tre về thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính Trị về việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020.

Ngoài những việc xây dựng thương hiệu du lịch cho tỉnh nhà ra thì việc tổ chức cho các doanh nghiệp có những chuyến famtrip để khảo sát học tập hoặc những gameshow giới thiệu sản phẩm du lịch, tiềm năng du lịch của tỉnh tại miền Trung, miền Bắc nhằm kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với cả nước là điều hết sức thiết thực trong việc thu hút sự chú ý của các hãng Lữ hành lớn của Việt Nam và thế giới.

Để kết nối phát triển ngày càng tốt hơn giữa Bến Tre với các địa phương trong vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành đã có ký kết hợp tác phát triển ngành VHTTDL như TP.HCM, Hà Nội, một số tỉnh miền Trung,... trong phát triển du lịch thì ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như xây dựng sản phẩm du lịch cần có sự chung tay chung sức của toàn thể hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, bởi Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có sự xã hội hoá cao; đồng thời sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh thành bạn để cùng giới thiệu, chia sẻ sản phẩm là điều tiên quyết cần đặt ra./.

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Thông báo Cuộc thi Ảnh đẹp Du lịch Thừa Thiên Huế năm 2018

Cuộc thi "Ảnh đẹp Du lịch Thừa Thiên Huế năm 2018" nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, du lịch đặc trưng của tỉnh Thừa Thiên Huế đến với du khách trong nước và quốc tế.

Khuyến khích, tôn vinh tác giả sáng tác các tác phẩm mới, lạ, độc đáo về phong cảnh, văn hóa truyền thống, con người Thừa Thiên Huế, tạo sự hấp dẫn, mong muốn được trải nghiệm, khám phá đối với du khách trong nước và quốc tế.

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại đây.

Du lịch Bến Tre đạt được một số kết quả quan trọng

Ngày kỷ niệm lần thứ 58 thành lập ngành Du lịch 09/7/1960 - 09/7/2018 năm nay diễn ra trong niềm phấn khởi xen lẫn tự hào và khí thế tưng bừng của toàn ngành Du lịch du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Bến Tre nói riêng khi mà toàn ngành đã được Đảng và Chính phủ quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng, cùng với những thành tựu, kết quả đáng ghi nhận.

Chặng đường 58 năm ngành Du lịch Việt Nam ghi dấu ấn quan trọng như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/01/2017 về việc phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội chính thức thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; năm 2016 du lịch Việt Nam đón vị khách du lịch quốc tế thứ 10 triệu.... Theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch Việt Nam đã có cải thiện nhất định về thứ bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về du lịch và lữ hành, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP.
Du khách tham quan quy trình sản xuất kèo dừa thủ công truyền thống
Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTR/TU để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Theo Ông Trần Duy Phương - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bến Tre cho rằng: Mục tiêu phát triển du lịch là đa dạng hóa các loại hình du lịch dựa vào tiềm năng lợi thế về tự nhiên, văn hóa và con người. Phấn đấu đến năm 2020 đón và phục vụ 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 47%. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng bình quân ít nhất 25% /năm, đưa ngành du lịch của tỉnh trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8% đến 10% tổng nguồn thu của tỉnh. Để đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020, là phải tiếp tục triển khai đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, tỉnh phát triển đa dạng loại hình du lịch sông nước xứ dừa; nâng cao chất lượng phục vụ tất cả các dịch vụ, phục vụ cho ngành du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tạo tiền đề cho ngành du lịch phát triển như: Thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre lần I nhiệm kỳ 2018-2023 bầu Ban Chấp hành mới với 19 thành viên, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Điều lệ Hiệp hội du lịch tỉnh Bến Tre. Ngành cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch nhằm triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 4573/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổ chức phối hợp nhiều hoạt động tại các địa phương huyện, thành phố như; tuần lễ văn hóa du lịch huyện Châu Thành, Thạnh Phú, Chợ Lách, giải quần vợt ngành du lịch, các lớp tập huấn về đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại một số địa phương có điều kiện phát triển du lịch và lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh...
Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội Nghị
Ngành du lịch tỉnh nhà đạt được một số kết quả khả quan như trên là do sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các ngành các cấp, sự đồng hành và hỗ trợ trong công tác xúc tiến, quảng bá của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng cơ sở kinh doanh, tổ chức nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới đưa vào khai thác nên lượng khách du lịch tăng cao so với cùng kỳ. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Bến Tre đã đón 472.264 lượt khách du lịch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có gần 200.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt gần 342 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017.

Với những kết quả đạt được ngành du lịch tỉnh nhà không ngừng cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có và khai thác các sản phẩm mới như: Du lịch sinh thái sông nước xứ dừa, làng nghề, làng quê, văn hóa, tâm linh, ẩm thực, biển…Ngoài ra lãnh đạo ngành luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về vị trí, vai trò rất quan trọng của ngành Du lịch và định hướng phát triển du lịch của tỉnh để mọi người cùng tham gia thực hiện. Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và người lao động tham gia kinh doanh du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư có đủ điều kiện và năng lực tham gia đầu tư các dự án để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch, nhất là tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch./.