Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Khoảng cách các điểm tham quan tại thành phố Bến Tre

 Bến Tre được hình thành trên ba dãy cù lao (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa), thành phố Bến Tre nằm trên phần đất cù lao Bảo và bên bờ sông cùng tên “Bến Tre”. Từ xưa hệ thống giao thông thủy, bộ nơi đây đặc biệt thuận lợi. Về giao thông bộ hiện nay từ Bến Tre đi thành phố Hồ Chí Minh 86 km và chỉ mất gần 02 giờ đồng hồ. Về đường thủy từ thành phố Bến Tre tàu thuyền có thể đi thẳng một mạch đến thành phố Hồ Chí Minh, sang Mỹ Tho, Cần Thơ hoặc đến các trung tâm kinh tế khác ở các tỉnh Đồng đồng bằng sông Cửu Long, và có thể ngược dòng sông Cửu Long đến tận Phnôm Pênh, thủ đô của nước Campuchia.

Hiện nay, hàng ngày các tuyến xe buýt từ thành phố Bến Tre đến các huyện: Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Chợ Lách  và trung tâm một số xã và ngược lại, mỗi chuyến xe buýt chỉ cách nhau 20 phút.

- Tính điểm xuất phát từ công viên “Tượng đài Đồng Khởi” đến các điểm tham quan tại thành phố Bến Tre như sau:
  • Công viên “Tượng đài Đồng Khởi” (tọa lạc trong công viên Ngã Ba Tháp thường hay gọi trước đây), đoạn phường 4, nằm chính giữa hai con đường một chiều (một bên là đường Trần Quốc Tuấn, một bên là đường 30/4), hết đoạn đường công viên tượng đài Đồng Khởi, là nhập vào Đại lộ Đồng Khởi, con đường chính dẫn vào trung tâm thành phố Bến Tre. 
  • Đến công viên “Tượng đài Trần Văn Ơn” và hồ Trúc Giang, khoảng 400 m,  nằm trên đường Trần Quốc Tuấn và giữa hai con đường: một bên Hai Bà Trưng, một bên là đường Lê Quý Đôn, phường 2.
  • Đến Bảo tàng Bến Tre, số 146, đường Hùng Vương, phường 3, khoảng 900 m.
  • Công viên “Tượng đài Chiến thắng trên sông”, công viên Hùng Vương hay còn gọi là công viên “Hoàng Lam” hoặc tượng đài “Cởi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ”, khoảng 1.300m, nằm trên đường Hùng Vương, cũng là công viên Hùng Vương, con đường này nối dài từ địa phận phường 1, 2, 3, 5, 7 và tận Bến phà Hàm Luông cũ.
  • Cầu Bến Tre 2,  nằm trên đường Hùng Vương (đoạn phường 7), từ công viên Tượng đài Đồng Khởi đến đây khoảng 1.500 m.
  • Các điểm du lịch sinh thái – miệt vườn vùng ven thành phố Bến Tre (qua cầu Bến Tre 2) ở các xã: xã Mỹ Thạnh An, đi đường bộ 03 km; Phú Nhuận (04 km), Nhơn Thạnh (07 km), đi bằng đường thủy và đường bộ đều thuận lợi cả. Xe từ 30 – 50 chỗ đều đến được trung tâm xã. Nếu đến các điểm du lịch tại các xã này thì phải chọn phương tiện khác như: Đi bằng đường bộ: Xe đạp, xe lôi máy, xe gắn máy… thì lý thú nhất. Nếu chọn đường thủy thì đi: đò máy, xuồng chèo.
  • Khu du lịch sinh thái Lan Vương, xã Phú Nhuận, khoảng 04 km, nằm cặp tỉnh lộ 887, xe 50 chỗ đến được. 
  • Đình Phú Tự và cây Bạch Mai cổ thụ trên 300 tuổi ở đình làng Phú Tự, xã Phú Hưng, cách thành phố Bến Tre 03 km. Xe 30 chỗ đến  tại điểm, còn xe 50 chỗ đậu ngoài đường tỉnh 885 và đi bộ vào khoảng 200 m.
  • Đình An Hội, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, khoảng 500m (tại trung tâm thành phố Bến Tre), đối diện Trung tâm Thương mại.
  • Từ công viên “Tượng đài Đồng Khởi” đến các cơ sở tôn giáo như: Từ chùa Viên Minh, khoảng 550 m, tọa lạc tại đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2; chùa Viên Giác, khoảng 1.000m, đi theo hướng vòng xoay chợ Ngã Năm lên đường Hoàng Lam, Phường 5; Nhà thờ Bến Tre, đường Hùng Vương, phường 3, khoảng 1000m; Cao Đài Ban chỉnh Nguyễn Ngọc Tương, đường Trương Định, phường 6, khoảng 1.600 m.
  • Làng nghề sản xuất kẹo dừa” nằm trên địa bàn phường 7, trên đoạn đường  Nguyễn Văn Tư (đoạn từ vòng Bình Phú đi thẳng ra bến phà Hàm Luông cũ). Nếu đi theo đường Hùng Vương, thì nằm từ đoạn cầu Bến Tre 2 cũng lên đến gần bến phà Hàm Luông cũ. Từ công viên “Tượng đài Đồng Khởi” đến làng nghề này khoảng 1.500m. Xe 50 chỗ đến được.
  • Từ công viên “Tượng đài Đồng Khởi”, theo Đại lộ Đồng Khởi khoảng 600 m gặp vòng xoay Đông Tây; khoảng 1.200 m đến vòng xoay ngã tư Phú Khương; khoảng 02 km đến vòng xoay Tân Thành (trước kia là ngã ba Tân Thành), rẽ trái vào đường tránh Quốc lộ 60, là con đường sang trọng và đẹp. Đi vào con đường này gặp vòng xoay Hàm Luông, rẽ trái vào nội ô thành phố Bến Tre, rẽ phải vào xã Bình Phú; đi thẳng theo hướng tay phải là đường dẫn đến cầu Hàm Luông qua cù lao Minh về huyện Mỏ Cày Bắc - Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú – Chợ Lách. Đi thẳng với đường song song dẫn vào cầu Hàm Luông đến vòng xoay Bình Phú (phường 7), đi thẳng qua cầu Bến Tre 2, theo hướng phải là tỉnh lộ 887 về huyện Giồng Trôm và Ba Tri. 
 

    Cự ly các điểm đến du lịch Chợ Lách

     Chợ Lách cùng nằm trên vùng đất cù lao Minh với các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú. Trước đây đến cù lao Minh phải qua phà. Từ tháng 4/2010 cầu Hàm Luông được khánh thành nối đôi bờ thành phố Bến Tre (cù lao Bảo) với cù lao Minh.
    * Từ thành phố Bến Tre đi bằng đường bộ đến các điểm đến của Chợ Lách:
    • Vườn kiểng Năm Công, xã Hưng Khánh Trung B, 18 km, nằm sát Quốc lộ 57.
    • Làng nghề cây giống và hoa kiểng Cái Mơn”; vườn cây trái Cái Mơn; các điểm du lịch sinh thái tại Cái Mơn (xã Vĩnh Thành), 30 km. Xe 30 – 50 chỗ đến được trung tâm xã, rồi chọn phương tiện xe 02 bánh đến các làng nghề, vườn cây trái… Nếu đi bằng đường thủy từ thành phố Bến Tre đến Cái Mơn  mất 03 giờ đồng hồ.
    • Nhà thờ Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, 30 km, nằm cặp Quốc lộ 57, dưới chân cầu Cái Mơn lớn hướng từ thành phố Bến Tre qua (về phía bên trái).
    • Nhà bia học giả Trương Vĩnh Ký, xã Vĩnh Thành, 30 km, dưới chân cầu Cái Mơn lớn hướng từ Tp Bến Tre qua, rẽ sang hướng phải, xe dưới 16 chỗ vào đến nơi; xe 30 -50 chỗ đậu ngoài lộ lớn và đi bộ vào khoảng 300 m.
    • Điểm du lịch Ba Ngói (cồn Phú Đa) xã Vĩnh Bình: 46 km đường bộ, nếu đi đường sông từ thị trấn Chợ Lách theo dòng kênh Lách một khoảng rẽ sang kênh Sụp (tàu lớn đi được), chạy một lúc sẽ gặp sông Cổ Chiên và theo hướng  phải một đổi sẽ gặp cồn Phú Đa. Cũng theo hướng này, nếu đi bằng thuyền nhỏ (đi tắt) theo hướng kênh Bốn Sồ là tới cồn Phú Đa.
    • Điểm vườn hoa, kiểng Hồng Nhị, xã Vĩnh Bình: 46 km đường bộ, nằm sát Quốc lộ 57.
    • Điểm du lịch Năm Vũ, xã Phú Phụng  50 km đường bộ, đi khoảng 04 km nữa là  đến phà Đình Khao sang tỉnh Vĩnh Long.
    • Ngoài  các điểm đến trên, trên đường đi đến trung tâm Chợ Lách, xuất phát điểm từ thành phố Bến Tre tính theo km đường bộ, có thể khám phá các vườn cây ăn trái và một số cơ sở sản xuất cây giống tại các xã như: Tân Thiềng 36 km, (qua cầu Cái Mơn lớn khoảng 01 km, quẹo theo hướng trái 05 km nữa là đến), xe dưới 30 chỗ đến được nơi đây. Tại Tân Thiềng có bến phà nhỏ sang huyện Mang Thít tỉnh Vĩnh Long. Hay đến xã Long Thới 34 km; xã Hòa Nghĩa 38 km (02 xã này nằm cặp trên QL 57), xe 30 – 50 chỗ đến được. Sau đó đến thị trấn Chợ Lách khoảng  40 km; lên xã Sơn Định 42 km. Hoặc từ thành phố Bến Tre đến xãVĩnh Hòa, xã Phú Sơn  khoảng 18 km lộ trình đi như sau: qua cầu Hàm Luông, đến ngã tư đèn đỏ đèn xanh, rẽ phải qua tỉnh lộ 882, đến vòng xoay ngã ba lên trung tâm huyện Mỏ Cày Bắc tại xã Phước Mỹ Trung (Ba Vát), rẽ sang hướng phải lên xã Vĩnh Hòa và Phú Sơn, 02 xã này đi xe dưới 16 chỗ thuận tiện nhất.
    Nếu đến Chợ Lách bằng đường thủy, nhìn từ bản đồ từ Tiền Giang qua thì theo sông Tiền, lên khúc uốn sông Hàm Luông, quẹo vào vàm Kênh Lách là đến trung tâm huyện. Từ Vĩnh Long đi đường bộ hay đường thủy đến Chợ Lách là dễ dàng nhất.
    Tàu, thuyền xuôi ngược trên kênh Lách đi thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Miền Tây và ngược lại.

    Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

    Cự ly các điểm đến du lịch sinh thái - miệt vườn huyện Châu Thành - Bến Tre

    - Từ thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm thành phố Bến Tre: 86 km;

    - Từ thành phố Bến Tre – trung tâm huyện Châu Thành: 09 km đường bộ và cự ly từ thị trấn Châu Thành đi bằng đường bộ đến các điểm du lịch trong Châu Thành như sau:
    • Đến bến đò qua Khu du lịch Cồn Phụng (bến phà Rạch Miễu) 02 km đường bộ và qua ngang qua dòng sông Tiền;
    • Điểm du lịch Năm Thành (ấp 1, xã Tân Thạch) 01 km;
    • Điểm du lịch Hồng Vân (ấp 1, xã Tân Thạch) 02 km;
    • Điểm du lịch Tân Phú (ấp Tân Phú, xã Tân Thạch) 01 km;
    • Điểm du lịch Hảo Ái (ấp 2, xã Tân Thạch) 1,5 km;
    • Điểm du lịch Thảo Nhi (ấp 1, xã Tân Thạch) 01 km;
    • Điểm du lịch Quê Dừa (ấp 2, xã Tân Thạch) 1,5 km;
    • Điểm du lịch Hương Dừa (ấp 9, xã Tân Thạch) 02 km;
    • Điểm du lịch Phong Phú 2 (ấp 2, xã Tân Thạch) 02 km;
    • Điểm du lịch Bến Trúc 3 (ấp 3, xã Tân Thạch) 02 km;
    • Điểm du lịch Tân Cồn Quy (ấp 3, xã Tân Thạch) 02 km đường bộ và đi đò ngang qua sông Ba Lai;
    • Điểm du lịch Hồng Vân 2 (ấp 3, xã Tân Thạch) 01 km;
    • Điểm du lịch Quê dừa (ấp 3, xã Tân Thạch) 01 km;
    • Điểm du lịch Diễm Phượng (ấp 10, xã Tân Thạch) 02 km đường bộ và qua ngang qua dòng sông Tiền;
    • Điểm du lịch sinh thái Cồn Quy (ấp 2, xã Quới Sơn) 03 km đường bộ và ngang qua sông Ba Lai;
    • Điểm du lịch Quới An (ấp 2, xã Quới Sơn) 03 km;
    • Đến điểm du lịch An Khánh (ấp 5, xã An Khánh) 03 km;
    • Điểm du lịch Vườn Dâu  (ấp 5, xã An Khánh) 03 km;
    • Đến điểm du lịch An Khánh (ấp 6A, xã An Khánh) 02 km;
    • Điểm du lịch xanh Phú Túc (ấp Phú Thạnh, xã Phú Túc) 05 km;
    • Khu du lịch Forever Green Resort (ấp Phú Khương, xã Phú Túc) 10 km;
    • Điểm du lịch Vườn Hàm Luông (ấp Hàm Luông, xã Tân Phú) 25 km.
    - Các điểm du lịch tại huyện Châu Thành (Bến Tre) như: Năm Thành, Hồng Vân, Tân Phú, 02 điểm Quê Dừa, Hương Dừa, Phong Phú 2, Bến Trúc 3, Hồng Vân 2, đi bằng du thuyền, xuồng máy, xuồng chèo hay phương tiện xe 02 bánh là thuận tiện nhất.

    - Điểm An Khánh, Quới An, Thảo Nhi, Hảo Ái, Hương Dừa, xe 04 bánh 30 chỗ, du thuyền, xuồng chèo đều đến được.

    * Các điểm du lịch kể trên có dịch vụ xe ngựa và cho thuê xe đạp để du khách khám các vườn cây ăn trái hay ngắm cảnh đường làng…

    - Điểm du lịch xanh Phú Túc (homestay) phương tiện xe 04 bánh dưới 15 chỗ và du thuyền đến được.

    - Điểm Diễm Phượng, Tân Cồn Quy và Cồn Quy đi bằng du thuyền là thuận tiện nhất.

    - Điểm đến khu du lịch Forever Green Resort và vườn Hàm Luông (đang làm lộ) khi hệ thống giao thông hoàn chỉnh phương tiện xe 04 bánh 30 - 50 chỗ đều đến được. Hai điểm này nằm bên dòng sông Tiền, nếu đến đây đi bằng du thuyền, thì dưới chân cầu Rạch Miễu phía bờ Bến Tre có bến du thuyền đến 02 điểm này (điểm Forever Green Resort du thuyền đi khoảng 01 giờ, đến điểm vườn Hàm Luông khoảng 02 giờ đồng hồ).

    Cự ly các điểm đến du lịch "Văn hoá - Lịch sử" vùng đất thép thành đồng


    - Từ thành phố Hồ Chí Minh đến trung tâm thành phố Bến Tre: 86 km.
    - Từ thành phố Bến Tre đến trung tâm huyện Giồng Trôm: 18 km và từ  thành phố Bến Tre đến tham quan các điểm tại Giồng Trôm thuận lợi hơn:
    • Đến “Di tích lịch sử Đền thờ và mộ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng”: tại ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh, nằm trên đường tỉnh 885, cách thành phố Bến Tre 6,5 km đường bộ.
    • Di tích cuộc thảm sát ở ấp cầu Hòa ngày 10/01/1947”: tọa lạc tại ấp Cầu Hòa, xã Phong Nẫm, cách thành phố Bến Tre 09 km theo đường bộ.
    • Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định”: nằm trên tỉnh lộ 885 tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm cách thành phố Bến Tre khoảng 8,5 km đường bộ.
    • Di tích nghệ thuật Đình Bình Hòa”: nằm trên đường tỉnh 885, thuộc xã Bình Hòa, Giồng Trôm cách thành phố Bến Tre 16 km đường bộ.
    • Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống”: xã Tân Hào, Giồng Trôm, cách thành phố Bến Tre 25 km, cách thị trấn Giồng Trôm đến 07 km đường bộ. Đi theo đường tỉnh 885 hay 887 đều đến được.
    • Di tích lịch sử nhà Ông Nguyễn Văn Trác, nơi ở, làm việc của đồng chí Lê Duẩn từ 11/1955 – 3/1956”: xã Hưng Lễ, Giồng Trôm, cách thị trấn Giồng Trôm 12 km, cách thành phố Bến Tre 30 km. Đi theo đường tỉnh 885 hay 887 đều đến được.
    • Đền thờ nhà thơ Phan Văn Trị”: xã Thạnh Phú Đông, Giồng Trôm, cách thành phố Bến Tre 28 km, cách thị trấn Giồng Trôm 15 km. Đi theo đường tỉnh 885 hay 887 đều đến được.
    • Du lịch sinh thái Cồn Ốc”: xã Hưng Phong, Giồng Trôm, cách thành phố Bến Tre 15 km, cách thị trấn Giồng Trôm 25 km. Nếu xuất phát từ thành phố Bến Tre thì theo đường tỉnh 887, nếu theo đường tỉnh 885 thì qua thị trấn Giồng Trôm đi lên. Đi bằng đường thủy từ thành phố Bến Tre đến Cồn Ốc là lý tưởng nhất (khoảng 45 phút).
    • Làng nghề “Bánh tráng Mỹ Lồng”: xã Mỹ Thạnh, cách thành phố Bến Tre 6,5 km và nằm trên đường tỉnh 885.
    • Làng nghề “Bánh phồng Sơn Đốc”: xã Hưng Nhượng, cách thành phố Bến Tre 24 km, cách thị trấn Giồng Trôm 07 km. Đi theo đường tỉnh 885 hay 887 đều đến được.
    • Làng nghề “Tiểu thủ công ngh ệp Phước Long”: xã Phước Long, cách thành phố Bến Tre 13 km, cách thị trấn Giồng Trôm 23 km. Nếu xuất phát từ thành phố Bến Tre thì theo đường tỉnh 887, nếu theo đường tỉnh 885 thì qua thị trấn Giồng Trôm đi lên.
    • Làng nghề “Đan giỏ cọng dừa Hưng Phong”: xã Hưng Phong (xem giới thiệu cự ly đến tại điểm “Du lịch sinh thái Cồn Ốc”).
    * Phương tiện xe 04 bánh từ 30 đến 50 chỗ đều đến được các điểm tham quan như: Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, Khu lưu niện Nguyễn Thị Định, Đình Bình Hòa, Đền Thờ Đồng Văn Cống, Đền thờ Phan Văn Trị, làng nghề bánh tráng Mỹ lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long.

    * Điểm tham quan: “Di tích cuộc thảm sát ở Cầu Hòa” và “Di tích lịch sử ngôi nhà Ông Nguyễn Văn Trác nơi ở, làm việc của đ/c Lê Duẩn”, xe 04 bánh đến 30 chỗ đến được.

    * Riêng điểm đến tại Cồn Ốc, xã Hưng Phong, xe 04 bánh từ 30 chỗ đến 50 chỗ đến được bến phà Hưng Phong, sau đó xuống phà qua Cồn Ốc và tìm phương tiện xe 02 bánh để đến các điểm tham quan.

    Cơm dừa Bến Tre

    Bài viết được gởi đến cho Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre của bạn Tonnybao21 giới thiệu món ăn mới của xứ dừa Bến Tre “Cơm dừa Bến Tre”. Mời các bạn “thưởng thức” nha!:
     
    Xin chào các bạn,
    Mình xin giới thiệu một món ăn ngon:
    Cơm dừa Bến Tre
    Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa. Gần đây, trên bàn ăn dưới bóng dừa của xứ sở này đã có thêm một món ăn mới không kém phần quyến rũ: cơm dừa.
    Muốn ăn cơm dừa phải điện thoại đặt trước và hình như cho tới nay chỉ có Nhà hàng nổi ở thành phố Bến Tre mới phục vụ món ăn cầu kỳ này. Nấu cơm dừa tốn thời gian chừng 02 tiếng đồng hồ nên nhà hàng chỉ đặt làm từ 10 trái dừa trở lên, còn dưới con số này... hổng thèm nhận!
    Làm cơm dừa, người ta dùng gạo ngon, sau khi vo sạch bằng... nước dừa, để cho ráo rồi cho vào trái dừa đem chưng cách thủy. Trái dừa dùng nấu cơm phải là dừa xiêm, sau khi chọn được trái vừa ý, người ta không đả động gì đến phần bên trong quả dừa, chỉ gọt cho quả dừa có hình dáng bắt mắt. Kế đó, cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy "nồi cơm dừa". Kế tiếp đầu bếp sẽ trổ tài cho gạo vào trái dừa, sau đó đổ nước dừa tươi vào vừa đủ rồi đậy nắp lại.
    Nấu cơm dừa cái khó nhất là phải canh nước dừa và gạo phải đều nhau, nếu nhiều nước ít gạo và ngược lại thì cơm dừa sẽ nhão nhoẹt hoặc cứng ngắc, hỏng mất mùi vị. Cơm dừa ăn nóng mới ngon. Nếu để lâu, hạt cơm trắng ngần sẽ bị thấm thêm hơi dầu từ dừa sẽ ngả sang màu vàng nhạt. Một trái cơm dừa được tính 15.000đ.
    Cơm dừa phải ăn cùng tôm rang dừa mới đúng gu. Tôm đất, tôm bầu, tôm lóng, tôm càng xanh sau khi lặt chân, rửa sạch và ướp gia vị từ đường, muối, bột ngọt để một lúc cho ngấm. Rang dừa cũng đơn giản, sau khi bỏ tôm lên chảo rang người ta cho nước cốt dừa vào chảo để lửa riu riu. Đến khi tôm ngấm nước cốt dừa chuyển sang màu đỏ quạch là coi như đã xong món tôm rang dừa. Lúc này thịt tôm ngấm dừa sẽ có mùi vị dai, giòn.
    Tới Bến Tre mà chẳng nán lại dùng cơm dừa, tôm rang dừa thì xem như cuộc du lịch tới xứ dừa chưa trọn vẹn. Nếu đã có mặt xứ này thì hãy tranh thủ làm một "quả" cơm dừa để bổ sung thêm kho tàng ẩm thực phong phú và có thêm ấn tượng về vùng đất mang tên dáng đứng Bến Tre này.
    Tonnybao21

    Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

    Cự ly các điểm đến du lịch "Văn hoá - Lịch sử" tuyến cù lao Minh

    - Huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú nằm trên vùng đất cù lao Minh của tỉnh Bến Tre. Trước năm 2010 đến cù lao Minh phải qua phà, từ tháng 4/2010 đã khánh thành cầu Hàm Luông nối liền đôi bờ cù lao Bảo (thành phố Bến Tre) với cù lao Minh.
    * Từ thành phố Hồ Chí Minh  đến Bến Tre:  86 km đường bộ.
    * Từ thành phố Bến Tre đến các huyện của tuyến này như sau:
    • Đến trung tâm huyện Mỏ Cày Bắc: khoảng 14 km đường bộ;
    • Đến trung tâm huyện  Mỏ Cày Nam: khoảng 20 km đường bộ;
    • Đến trung tâm huyện Thạnh Phú: khoảng 49 km đường bộ.
    • Từ thành phố Bến Tre đến “Di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định” (mật danh Y4,T4), xã Tân Phú Tây, Mỏ Cày Bắc: 10 km đường bộ.
    • Từ thành phố Bến Tre đến Di tích Đình Tân Ngãi (tín ngưỡng dân gian và lịch sử cách mạng), xã Thạnh Ngãi, Mỏ Cày Bắc: 14 km đường bộ.
    * Từ thị trấn Mỏ Cày Nam đến tham quan các điểm trên địa bàn:
    • Khu di tích lịch sử Đồng Khởi Bến Tre, xã Định Thủy: 04 km đường bộ;
    • Đình Rắn, xã Định Thủy: 04 km đường bộ.
    • Di tích lịch sử Chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức: 14 km đường bộ.
    • Làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh, xã An Thạnh: 07 km đường bộ.
    • Làng nghề dệt chiếu Thành Thới B (dệt chiếu cói): 10 km đường bộ.
    • Cơ sở sản xuất đặc sản kẹo dừa truyền thống và cơ sở sản xuất, trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ làm từ dừa tại thị trấn Mỏ Cày Nam.
    * Từ thị trấn Thạnh Phú đến các điểm tham quan:
    • Di tích nhà cổ Hương Liêm (Huỳnh Phủ), xã Đại Điền: 42 km đường bộ và thăm bia lưu niệm nơi làm lễ xuất quân của “Tiểu đoàn 307” thời kháng Pháp, thưởng thức bánh dừa Giồng Luông nổi tiếng.
    • Làng nghề đúc lu Hòa Lợi, xã Hòa Lợi: 48 km đường bộ.
    • Làng nghề bó chổi Mỹ An, xã Mỹ An: 51 km đường bộ.
    • Cơ sở chằm nón lá Huế, ở xã Mỹ Hưng: 46 km đường bộ.
    • Di tích lịch sử Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam, xã Thạnh Phong: 70 km đường bộ.
    * Các điểm đến tham quan như: Di tích căn cứ Y4, Di tích Đồng Khởi, Chùa Tuyên Linh, làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh, làng nghề dệt chiếu Thành Thới B, Di tích nhà cổ Hương Liêm, xe 4 bánh đến 50 chỗ đều đến được.
    * Các điểm còn lại xe 30 chỗ ngồi cũng đều đến được./.

    Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

    Ngao du một chuyến về thành phố trẻ

    Với sự giới thiệu của bạn bè, nhóm bạn chúng tôi thiết kế một chuyến đi về miền tây, mà đối với tôi, con dân miền biển tận xứ miền trung xa xôi vào thành phố học tập và làm việc gần 10 năm mới có dịp thỏa chí  ước mơ “ngao du sông nước”. Chọn lựa điểm đến cũng là vấn đề mà cả nhóm bàn luận, cuối cùng thực hiện dân chủ “bỏ phiếu” thì điểm đến Bến Tre chiếm trên 50%, thế là cả bọn làm ngay một chuyến đi, phần lớn chúng tôi đều thích khám phá, vì thế chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi không lạ lẫm, khó khăn gì cho mấy.
    Liều mạng, chúng tôi book phòng tại khách sạn Hàm Luông. Đây là một khách sạn lớn nhất tại Bến Tre hiện nay, hình như là 3 sao, tọa lạc tại số 200C đường Hùng Vương và nằm bên bờ con sông Bến Tre. Qua tìm hiểu về tên của khách sạn này, được biết nó mang tên của một con sông lớn chảy trọn vẹn trên vùng đất Bến Tre đó là sông Hàm Luông.
    Quan sát chúng tôi thấy mặt tiền khách sạn tiếp giáp với giao lộ lớn, đối diện là công viên bên bờ sông. Chúng tôi hỏi thăm hướng dẫn ở khách sạn này và được biết đây là công viên Hùng Vương và hay còn gọi là công viên tượng đài “Chiến thắng trên sông” hoặc tượng đài “Cởi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ”, để tưởng niệm những chiến công hiển hách, thần kỳ của những anh hùng đội đặc công thủy Bến Tre năm xưa đã nhận chìm hạm đội Mỹ trên dòng sông Hàm Luông. Người dân xứ dừa còn gọi đây là “Công viên Hoàng Lam”, bởi vì trong những trận đánh vang dội trên sông ở Bến Tre, Hoàng Lam là một trong những anh hùng đặc công thủy tiêu biểu nhất. Các bạn ở đây còn hát cho chúng tôi nghe bài hát “Mùa xuân thơm ngát hoa Anh hùng”, nội dung bài hát ca ngợi về người anh hùng này. Chúng tôi thích lắm, nhưng chỉ nhớ được vài câu thôi: “… Ơi nghe Hoàng Lam còn hát đâu đây, bài ca anh hùng bay đến tận ngàn mây, vượt ngàn hiểm nguy cỡi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ đem chiến công về tô đẹp mùa xuân…”.

    Phải nhìn nhận rằng, vị trí và khung cảnh khách sạn này tuyệt vời, nằm bên bờ sông với không gian rộng rãi, thoáng mát, tạo cho chúng tôi một cảm giác thoải mái, vui vẻ, thích thú khi đến nơi đây.
    Chúng tôi cùng rủ nhau lên trên sân thượng (tầng 4) để ngắm nhìn tứ phía của thành phố Bến Tre. Nhìn từ trên cao hướng ra sông rất đẹp, xa xa chúng tôi nhìn thấy thấp thoáng, ẩn hiện những thảm ngọn dừa xanh um. Tầng này còn bố trí làm quán café sân thượng, có kết nối wifi nên vừa uống nước, vừa thưởng thức cảnh đẹp, vừa lướt web thỏa thích.
    Về đêm, nhìn cảnh một góc thành phố Bến Tre nổi bật dưới ánh đèn đường, nhìn về hướng sông thỉnh thoảng từng đợt tàu, thuyền qua lại, làm nhộn nhịp hẳn lên và tạo nên những cơn sóng tạt vào bờ. Vì là con dân của vùng biển, thường xuyên nhìn thấy những đợt sóng biển dâng lên, nên khi nhìn những đợt sóng của dòng sông Bến Tre chúng tôi thấy nó êm đềm, hiền hòa, dễ thương quá. Không khí của vùng sông nước có khác, thoải mái và dễ chịu vô cùng. Có lẽ chúng tôi sống ở thành phố văn minh, hiện đại, ồn ào nhiều năm liền, hôm nay được về nghỉ ngơi trọn vẹn tại thành phố của một tỉnh lẽ, nó yên ả, thanh bình, làm chúng tôi thanh thản, nhẹ nhõm cả người, quên cả những ngày cực nhọc vất vã đã qua và cũng là dịp cả bọn cùng vô tư “xả stress”.
    Tại Bến Tre, chúng tôi tham gia “tour bình dân” miệt vườn - sông nước ven thành phố Bến Tre của lữ hành Hàm Luông. Rất dễ dàng khi lựa chọn điểm đến với giá tour vừa phải, đội ngũ hướng dẫn viên nhiệt tình, kết hợp với sự chuyên nghiệp trong tổ chức tour làm chúng tôi rất hài lòng. Ngoài việc đi chơi thưởng ngoạn bằng du thuyền trên sông Bến Tre và xuồng chèo len lỏi vào các con rạch nhỏ của vùng ven thành phố; được thưởng thức các loại trái cây thứ thiệt sản sinh trên vùng đất xứ dừa và các món ăn dân dã tại các điểm du lịch, chúng tôi thích thú vô cùng. Điều mà chúng tôi khá bất ngờ, đó là chúng tôi thưởng thức một số món ăn bình dị, nhưng rất ngon và hấp dẫn tại nhà hàng – khách sạn Hàm Luông như: Bông bí xào tỏi, cá lóc kho tộ, đặc biệt nhất là món canh chua cá bông lau với bông so đũa cực kỳ hấp dẫn…. Tính toán kỹ, thì giá ăn, nghỉ nơi đây cũng hợp lý, vừa túi tiền với bọn tôi, không đến đổi bị “chém, chặt” như một vài nơi khác.
    Chọn điểm nghỉ tại đây quả là không uổng, bởi bách bộ chỉ vài trăm mét là đến tham quan được Bảo tàng, Trung tâm Thương mại. Thuận tiện nhất là được tản bộ trên công viên Hùng Vương, cũng là được ngắm con đường Hùng Vương có hàng cây xanh thẳng tấp tỏa bóng mát, có “Nhà hàng nổi” trên dòng sông Bến Tre. Cả bọn chúng tôi đều nhìn nhận con đường này đẹp không thua kém gì các con đường nổi tiếng ở Nha Trang hay thành phố Hồ Chí Minh. Cả nhóm thuê những chiếc xe đạp tại khách sạn Hàm Luông làm phương tiện tự khám phá thành phố Bến Tre, khá lý thú khi bắt gặp cảnh đẹp quanh hồ Trúc Giang. Bên cạnh hồ có tượng của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, là vị anh hùng tiêu biểu cho lực lượng học sinh, sinh viên của đất Sài Gòn vào những năm 1950, mà chúng tôi được học trong thời phổ thông và trên giảng đường Đại học. Phải công nhận rằng cảnh quan hồ Trúc Giang nên thơ quá, những hàng cây cổ thụ hiên ngang vươn mình ra che mát cả một góc hồ. Điều mà cả bọn quan tâm và thích nhất là có 2 ngôi trường nằm bên bờ hồ này, điều mà ở xứ sở của cả bọn chúng tôi không bao giờ có được. Thích khám phá, cả bọn lại gần và biết được đây là Trường PTTH chuyên Bến Tre. Chà! Đây là ngôi trường “đáng gờm” vì có nhiều “sĩ tử” vang danh đứng đầu cả nước trong các kỳ thi Quốc gia đây. Cả bọn chúng tôi đều có chung suy nghĩ, các bạn Bến Tre giỏi chắc cũng một phần do vị trí ngôi trường nằm ở nơi đẹp, thoáng mát, thuận lợi… đây. Kế bên Trường Chuyên Bến Tre là trường THCS Bến Tre.
    Tiếp đến cả nhóm đến công viên tượng đài Đồng Khởi, sau đó theo Đại lộ Đồng Khởi, qua ba vòng xoay chúng tôi hướng về con đường mà người dân xứ dừa gọi đó là đường tránh Quốc lộ 60. Con đường này khá đẹp và đông vui, hai bên đường ở đây hình thành nên làng hay khu “ăn, uống” gì ấy, chúng tôi thấy nhộn nhịp quá. Phải chi “bao tử” còn sức chứa hay ở lại đây thêm một tối nữa, chúng tôi sẽ thâm nhập để thưởng thức cho đã những gì mình yêu thích.
    Thu dọn hành lý, ngủ một giấc say nồng, 6 giờ sáng hôm sau trả phòng, chia tay khách sạn Hàm Luông, từ giã Bến Tre, chúng tôi trở về nơi làm việc, trên đường về cả bọn đều hy vọng sẽ trở lại nơi đây lần nữa và sẽ khám phá những điều tuyệt vời hơn./.
    Bài cảm nhận của Tâm Thanh
    Mail: tamthanhvuive@gmail.com

    Chất liệu dừa trong các món ăn

    Nghiên cứu tư liệu từ sách “Dừa trong văn hóa ẩm thực Bến Tre”, mới thấy được sự phong phú đa dạng trong các món ăn bình dị mà người dân Nam Bộ nói chung và người dân xứ dừa nói riêng, đã kết hợp với chất liệu dừa chế biến ra nhiều món ăn rất độc đáo, hấp dẫn, rất đơn giản lại dễ làm. Những món ăn này cũng thường được dùng trong những bữa cơm thanh đạm hàng ngày, nhưng không kém phần bổ dưỡng. Các món ăn này ở làng quê hay chốn thị thành đều dễ dàng chế biến được cả.

    * Thịt trâu, thịt bò, thịt nhái, thịt ếch xào lá cách với nước cốt dừa:
    Đây là món ăn dân dã, khá quen thuộc với mọi người, nhưng gần gũi nhất là người dân làm nông nghiệp ở nông thôn. Cách chế biến rất đơn giản: Thịt trâu, thịt bò sau khi cắt mỏng ướp thêm gia vị (tỏi, hành, gừng, sả, ớt bâm nhuyễn) cho thấm. Bắt chảo dầu hay mỡ lên bếp khử hành, tỏi, rồi cho thịt vào chảo đảo đều, đến khi thịt chín mềm, cho nước cốt dừa vào đảo vài dạo, tiếp đến cho lá cách sắt sợi vào trộn đều lên là có thể dùng được.
    Xào thịt bò thì phải chuẩn bị sẳn mọi thứ (nước cốt dừa, lá cách sắt sợi sẵn), bởi vì thịt bò vừa chín tới mới mềm và ngon, để lâu trên bếp lửa thịt sẽ bị dai. Xào thịt trâu thì có thể để trên bếp lửa lâu hơn thịt bò.
    Xào thịt nhái, thịt ếch qui trình chế biến cũng tương tự như xào thịt trâu, thịt bò, khi ướp gia vị không dùng gừng cũng được.
    Đối với các món này thì dùng với cơm trắng là hết sẩy. Hay dùng với bánh mì cũng rất tuyệt. Nước chấm kèm theo các món này thường là muối ớt vắt chanh hay nước nắm nguyên chất với vài lát ớt sắt mỏng.
    * Mắm kho dừa:
    Mắm kho dừa là món ăn làm rất dễ dàng, thường là các loại mắm cá linh, cá sặc,… từ chợ mua về. Thông thường để nấu nồi nắm kho dừa đúng điệu, phải dùng nước dừa để kho cho con nắm nhừ ra, rồi lược lại lấy phần nước, bỏ phần xương mắm. Sau đó cho tép, thịt heo, cá kèo, cá bống dừa hay cá lóc, cá rô, cá trê hoặc các loại cá khác vào. Để nồi nắm kho dừa phong phú, hấp dẫn ăn ít ngán, người ta cho thêm khổ qua, cà tím hay đậu bún vào ơ mắm. Đến khi các thứ trong nồi mắm gần chín, người ta cho nước cốt dừa vào, nêm nếm cho vừa ăn là hoàn tất nồi mắm kho dừa.
    Đối với món ăn này, càng phong phú nhiều loại rau thì ăn càng ngon, càng hấp dẫn. Nếu ở thành thị thì có thể mua các loại rau thơm, giá, hẹ hay bắp chuối, rau muống, chuối cây được bào, cắt sẵn…. Nếu ở vùng nông thôn, thì dễ tìm các tìm các loại rau như: Rau má, rau nhút, rau ngỗ, rau tiêu, rau càng cua, rau cải trời, rau muống, rau kèo nèo, rau tai tượng, bắp chuối, chuối cây, chuối chát, khế chua… Người dân vùng nông thôn thường ăn món này với cơm trắng. Nếu dùng với bún thì cũng ngon không kém.
    * Mắm chưng dừa:
    Chế biến món này, người ta thường dùng mắm cá lóc. Trước khi chưng cho mắm vào tô sành, nêm thêm các gia vị (tiêu, hành, tỏi, ớt, gừng, bột nêm), rồi cho nước cốt dừa vào. Sau đó để vào nồi chưng cách thủy hay cho vào nồi cơm vừa mới chắt (cơm nấu bằng lửa) để chưng, khi thấy cơm chín thì mắm cũng sẽ chín.
    Món ăn này cũng phong phú nhiều loại rau như phần ăn nắm kho dừa. Nhưng thực tế thì ăn đơn giản hơn, ngon nhất vẫn là ăn kèm với chuối chát, khế chua, rau sống hoặc ngọn rau lang, rau muống luộc... Dùng cơm trắng với món ăn nay thì không chê vào đâu được.
    * Cá biển kho dừa:
    Món ăn này có thể dùng nước dừa hay nước cốt dừa để kho đều được. Đối với cá biển kho nước dừa, thì thường kho chung với khóm. Sau khi làm sạch cá nếu cá to thì cắt khoanh vừa ăn, khóm cũng cắt vừa miếng ăn, sau đó cho một lượt vào nồi, ướp gia vị cho vừa khẩu vị, xóc đều lên cho cá ngấm gia vị, đậy nắp cho lại để lên bếp bắt đầu kho. Cá kho vừa cạn nước, cho một lượt nước dừa vào ngập mặt cá, dùng lửa riu riu nấu đến khi gần cạn nước cho hành lá vào, cho sôi vài dạo là nhắc xuống dùng được.
    Ảnh: Tạp chí Ẩm thực
    Đối với cá biển kho nước cốt dừa, thì không dùng khóm, cách ướp và nấu giống như cách nấu cá biển với nước dừa, nhưng đến khâu cá gần chín thì cho thêm nước cốt dừa vào là được.
    Các loại rau ăn kèm theo món ăn này cũng giống như các loại rau giới thiệu ở các món ăn “Nắm kho dừa hay nắm chưng dừa”, tùy theo sở thích mà chọn loại rau ăn kèm hợp khẩu vị, ít tốn kém. Món ăn này ngon nhất vẫn là ăn với cơm trắng.
    * Cá biển chiên dừa:
    Cách chế biến này cũng đơn giản. Cá sau khi làm sạch, để ráo, cho ớt, sả, hành băm nhuyễn ướp vào. Nước cốt dừa cho vào chảo thắng đến độ bồng con, xếp cá đã ướp vào chảo chiên. Tiếp tục dùng lửa riu riu chiên cho đến khi vàng lớp dưới cá và trở lại lớp trên cho vàng nữa là được.
    Món này ăn rất béo, thơm, giòn và dùng với cơm trắng, kèm theo rau sống và có thể chế biến thêm nước nắm chua ngọt để chấm rất tuyệt.
    * Tương kho dừa:
    Đây là món ăn dành cho người ăn chay hay mặn đều được. Tương ở đây là tương hột, chúng ta cứ cho hỗn hợp gồm nước cốt dừa và tương hột vào nồi đun lửa cho đến khi tương có độ sánh lại là được. Tuỳ theo khẩu vị mà nêm cho vừa ăn. Để nồi tương kho dừa thêm phong phú và ăn ít ngán, có thể thêm khổ qua, đậu hũ hay đậu bún vào cùng kho ăn rất ngon. Món này ăn với cơm trắng kèm với các loại  rau vườn hay rau thơm rất ngon.
    * Cháo dừa:
    Hiện nay, vẫn còn là món ăn ưa thích của nhiều người. Xưa kia đây là món điểm tâm của người dân xứ dừa ở nông thôn và được nhiều người ưa chuộng. Gạo nấu cháo dừa thường phải dùng gạo dẻo, có nhiều nhựa thì cháo mới ngon. Món cháo này phải dùng nguội là ngon nhất và mới cảm nhận hết được cái béo ngậy thật sự của dừa. Món này cách nấu rất đơn giản, chỉ cần nấu cho gạo nhừ ra thì cho nước cốt dừa vào đảo đều một lượt là xong ngay. Món này có thể ăn kèm với một ít muối ăn, bằng cách cho vào chén cháo tùy theo khẩu vị mặn nhạc của người dùng. Ăn cháo dừa với muối làm độ béo của dừa dịu hơn, ít gây ngán. Hay cháo dừa ăn với cá bống dừa, bống trứng, tép, thịt ba rọi kho khô. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng cháo dừa với đường cũng rất ngon.
    Cháo dừa ngày nay còn được biến tấu thêm khi nấu cùng với cá tra, cá lóc, nghêu, hến… Món này thường dùng kèm với bắp chuối làm ghém trộn với rau thơm xắt nhuyễn, chấm với nước mắm nguyên chất. Món này phải ăn nóng thì mới tuyệt.
    Ngày nay đến xứ dừa muốn dùng các món ăn bình dị kể trên, du khách có  thể đặt trước ở các quán ăn hay nhà hàng trước 1 giờ đồng hồ là sẽ có dùng ngay./.