Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến

Phố Hiến  xưa từng được sánh ngang với kinh thành Thăng Long "thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến", là nơi giao thương của hơn 10 nước trên thế giới: Anh, Pháp, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Trung Hoa... với cảnh buôn bán trên bến dười thuyền. Cùng với hoạt động thương mại, người nước ngoài đã mang đến Phố Hiến những phong tục tập quán, kiến trúc mang bản sắc văn hóa riêng của từng quốc gia, từng dân tộc. Điều này khiến Phố Hiến vừa là điểm hội tụ vừa là điểm giao thoa giữa các nền văn hóa, hình thành nên nét văn hóa đặc sắc riêng của đất và người Phố Hiến. Phố Hiến ngày nay là nơi bảo lưu gần như nguyên vẹn những di tích lịch sử có kiến trúc độc đáo, những tín ngưỡng, phong tục, tập tục của thương cảng sầm uất một thời.
Đền Trần - Tp Hưng Yên
Diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 Âm lịch hàng năm, lễ hội văn hóa vùng Phố Hiến là một lễ hội lớn của tỉnh Hưng Yên được tổ chức trong không gian văn hóa cổ xưa tại các di tích lịch sử đền Mẫu, đền Trần, đình - chùa Hiến, đền Thiên Hậu, chùa Chuông, Văn Miếu..., với sự tham gia của 12 xã, phường thuộc thành phố Hưng Yên.
Trong lễ hội, các nghi lễ được tổ chức long trọng như lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ rước kiệu... nhằm khôi phục, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng ở các đình, đền, chùa... Đặc sắc nhất là phần rước kiệu, đoàn rước với sự tham gia của hàng nghìn người, kéo dài 2km, rước qua các tuyến phố chính và các đình, đền, chùa trong thành phố. Các nghi lễ thể hiện niềm tin, lòng kính trọng, tôn thờ tới những vị tiên, Phật, những vị thánh, những anh hùng dân tộc đã có công khai phá tạo nên cuộc sống yên vui cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Hội thi đi Cầu Kiều trên hồ Bán Nguyệt
Các trò chơi dân gian cũng được tổ chức rất náo nhiệt, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia: Đua thuyền trên hồ Bán Nguyệt, đi cầu kiều, trò chơi kéo co, chọi gà... Những trò chơi này được người dân Phố Hiến bảo lưu, gìn giữ truyền qua các thế hệ, đã phần nào khắc họa sinh động cảnh Phố Hiến tấp nập, hưng thịnh một thời. Ngoài ra trong lễ hội còn tổ chức các hoạt động: hát ca trù, trống quân; hội thi thả diều sáo, trưng bày, giới thiệu đặc sản vùng Phố Hiến; trưng bày, giới thiệu cổ vật… Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách được tìm hiểu sâu thêm về truyền thống dân tộc, khơi dậy lòng tự hào tự tôn dân tộc; được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực, nghệ thuật truyền thống và các trò chơi dân gian độc đáo của vùng đất “Tiểu Tràng An” xưa. Đây cũng là dịp để Hưng Yên quảng bá tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử, lễ hội… nhằm không ngừng góp phần bảo tồn và phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Du khách đến với lễ hội văn hóa vùng Phố Hiến để được hướng lòng mình đến những điều cao cả nhất, những giá trị cốt lõi nhất của cuộc sống, để tưởng nhớ tới công lao của những bậc tiền nhân; để truyền cho con cháu chúng ta những đạo lý, những khát vọng cao đẹp của cuộc sống. Không những thế, du khách còn được thưởng ngoạn và tìm hiểu về những di tích lịch sử có giá trị, đó là Văn Miếu Xích Đằng - nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của người Hưng Yên xưa và nay; là Chùa Chuông - được mệnh danh "Phố Hiến đệ nhất danh thắng", ngôi chùa cổ kính với những nét kiến trúc đặc sắc, những pho tượng cổ giá trị; là đền Mẫu - ngôi đền linh thiêng, nằm ven Hồ bán Nguyệt, nơi có cây cổ thụ Đa - Sanh - Si đã hơn 700 năm tuổi, quất quýt nhau tạo thành thế kiềng ba chân vững chắc; là đền Thiên Hậu, Đông Đô Quảng Hội, Võ Miếu mang đậm màu sắc kiến trúc và điêu khắc Trung Hoa...

Phố Hiến mùa lễ hội cũng là mùa hoa nhãn, du khách sẽ được tận hưởng hương thơm tinh khiết mà quyến rũ của hoa nhãn, thưởng thức ly trà mật ong mát bổ và những món quà quê hấp dẫn: Bún thang, chè sen long nhãn, bánh răng bừa...

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Các kỷ lục được xác lập góp phần cho du lịch Xứ Dừa phát triển

Các kỷ lục về những sản phẩm trong các đợt sự kiện do Trung tâm sách Kỷ Lục Việt Nam xác lập cũng như các kỷ lục do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận; đã góp phần rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh và sản phẩm của quê hương sông nước Xứ Dừa để thu hút khách du lịch về với Bến Tre thời gian qua ngày càng tăng.
Cơm trong trái dừa là gạo dẻo cùng với nước dừa hấp đến khi thành cơm và ăn với tép ran nước cốt dừa là đúng sách. ảnh MT 
Ngày 22 tháng 12 năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thuộc Hội Kỷ Lục Gia Việt Nam đã có Quyết định sồ 007/KLVN - TOP/2016 về việc xác lập TOP 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam trong hành trình tìm kiếm quảng bá ẩm thực, đặc sản Việt Nam (2011-2016). Hội Đồng Xác lập Kỷ lục Việt Nam đã công nhận hai món ăn "Cơm trái dừa" và "Gỏi củ hũ dừa" của tỉnh Bến Tre vào TOP 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam lần nầy theo bộ tiêu chí công bố giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam.
Gỏi Củ hũ dừa. Củ hủ dừa là phần đọt non của cây dừa làm gỏi với tôm, thịt, là món đặc trưng Xứ Dừa. ảnh MT
Đặc sản của tỉnh được công bố, giới thiệu trên cổng thông tin điện tử Kỷ lục Việt Nam, TOP Việt Nam, trên các kênh truyền thông thuộc hệ thống Kỷ lục Việt Nam,... nhằm quảng bá rộng khắp đến du khách trong và ngoài nước biết đến. Đây là Kỷ lục thứ 22 và 23 mà tỉnh Bến Tre được công nhận xác lập như:

Trong chuỗi sự kiện Lễ Hội Dừa tỉnh Bến tre lần I (2009), Lễ Hội Dừa tỉnh Bến tre lần II (2010), Festival Dừa tỉnh Bến Tre lần III năm 2012 được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập như:
  • Lễ Hội Dừa đầu tiên của Việt Nam;
  • Cây cầu dây văng đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và thi công;
  • Viên kẹo dừa lớn nhất Việt Nam;
  • Bình trà bằng gáo dừa lớn nhất Việt Nam;
  • Tấm thảm bằng xơ dừa lớn nhất Việt Nam;
  • Chiếc muỗng và nĩa bằng gỗ dừa lớn nhất Việt Nam;
  • Con đồi mồi bằng gáo dừa lớn nhất việt Nam;
  • Chiết bàn làm bằng gỗ dừa lớn nhất Việt Nam;
  • Đôi trâu bằng chỉ xơ dừa lớn nhất Việt Nam;
  • Bộ khai lễ bằng gỗ dừa lớn nhất Việt Nam;
  • Ngày hội ẩm thực có số lượng món ăn, thức uống được chế biến từ dừa nhiều nhất;
  • Lễ hội hoa đăng được làm từ nguyên liệu dừa nhiều nhất Việt Nam;
  • Chiếc bánh phồng sữa dừa lớn nhất Việt Nam;
  • Đôi hổ làm bằng chỉ xơ dừa lớn nhất Việt Nam;
  • Con đường dừa được sắp đặt trang trí nghệ thuật với chất liệu bằng dừa nhiều nhất;
  • Mô hình quả dừa bằng chỉ xơ dừa lớn nhất;
  • Bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam;
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố:
  • Bánh phồng sữa dừa trong TOP 10 đặc sản bánh quà tặng nổi tiến Việt Nam;
  • Kẹo dừa trong TOP 10 sản phẩm kẹo mứt nổi tiếng Việt Nam;
  • Rượu Phú Lễ trong TOP 10 đạc sản rượu nổi tiếng của Việt Nam;
  • Măng cục, dừa, bưởi da xanh trong TOP 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam;

Ngoài ra, Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận "Bánh phồng sữa dừa” trong TOP 8 đặc sản quà tặng.

Đó là những sản phẩm được xác lập kỷ lục trong 7 năm qua tại tỉnh Bến Tre, đã góp phần phong phú trong sản phẩm làm quà cũng như trong ẩm thực, giúp du khách đến Bến Tre có nhiều ký ức không quên sau chuyến hành trình trải nghiệm "Sông nước miệt vườn Xứ Dừa" tại quê hương Đồng Khởi./.

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Bến Tre tham gia triển khai Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch năm 2017

Chiều ngày 24 tháng 02 năm 2017, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh (Cụm trưởng năm 2017 của Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch năm 2017 của Cụm, với sự tham gia của đại diện Trung tâm Xúc tiến 06 tỉnh như: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang; Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An và Bến Tre. Ông Trần Minh Thanh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Trà Vinh (Cụm trưởng năm 2017) đã chủ trì hội nghị.
Quang cảnh của hội nghị
Trong hội nghị, các tỉnh đã trao đổi sôi nổi về các hoạt động sẽ triển khai phối hợp thực hiện trong năm nay, bao gồm các công tác phối hợp như: In ấn phẩm chung; sản xuất phim quảng bá chung của Cụm; Liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Cùng tham gia các sự kiện chung (Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội - VITM Hanoi; Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh - ITE HCMC …); ngoài ra còn một số hoạt động khác …

Đồng thời, các tỉnh sẽ triển khai, vận động các doanh nghiệp lữ hành để cùng mở tour, tuyến liên kết các tỉnh trong Cụm nhằm phục vụ cho du khách có nhu cầu tham quan đến các tỉnh thành một tour liên tục, không bị gián đoạn, tạo ra nhiều sản phẩm tour, tuyến phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Năm 2017 hứa hẹn sẽ có những điểm mới trong việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch của Cụm, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị vừa ban hành./.