Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Bến Tre phát triển sản phẩm đặc thù vùng Tây Nam Bộ

Với mục tiêu đưa du lịch Bến Tre trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; ngoài những loại hình du lịch như du lịch về nguồn, du lịch vui chơi giải trí, du lịch biển, du lịch trải nghiệm hometay, … Bến Tre đang tập trung nhiều hơn trong phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn mang nét đặc thù riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Miền Tây Nam bộ để tạo thương hiệu cho Bến Tre, nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư du lịch đến với quê hương ba dải cù lao của quê hương Xứ Dừa. Vùng đất chở nặng phù sa do 4 nhánh sông (sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và sông Cổ Chiên) của dòng sông Mekong bồi đắp nên, đã để lại cho quê hương Đồng Khởi anh dũng vang lừng năm nào, nay trở thành vùng đất sum suê đầy cây trái. 
Loại hình xe ngựa là phương tiện vận chuyển đưa du khách trải nghiệm trên đường làng tại Bến Tre
Sự nổ lực 

Từ đó, tỉnh ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật xã hội để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến với Bến Tre trong đó tỉnh khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch có qui mô lớn để thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Ngoài việc thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch đến những thị trường trọng điểm trên toàn quốc và nhiều quốc gia nhằm tạo sự hiểu biết về văn hóa du lịch Bến Tre thì việc xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch của nhiều dự án lớn được tỉnh phê duyệt cũng là việc song hành. 

Ngoài những khu, điểm du lịch đã hoạt động, tỉnh đang quan tâm vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) đã đưa vào sử dụng và tiếp tục đầu tư như: Dự án CSHT Du lịch Cồn Ốc - Hưng Phong; Dự án CSHT phục vụ du lịch các xã ven Sông Tiền. Dự án CSHT phục vụ du lịch Cồn Bửng, xã Thạnh Hải…. Các dự án Đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh du lịch vừa hoạt động kinh doanh vừa tiếp tục đầu tư như: Khu du lịch Forever Green Resort; Điểm Du lịch Phú An Khang, Khách sạn Dừa 4 sao,... . Tiếp tục các dự án đang triển khai chưa hoàn thành: Điểm du lịch sinh thái Vườn chim Vàm Hồ; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Mekong Pearl; Dự án Mekông Resort của Công ty CP Đầu tư Du lịch MêKông đang tiến hành các thủ tục, hợp tác đầu tư.

Chuẩn bị triển khai đề án phát triển Thương mại - Du lịch - Dịch vụ giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Tập trung gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh nhằm phục vụ khách du lịch như làng nghề hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; làng nghề khai thác dừa; làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; làng nghề sản xuất kẹo dừa; làng nghề sản xuất hoa kiểng, cây giống; …

Điều kiện phát huy hiệu quả 

Bến Tre có 33.000ha vườn cây ăn trái, 67.000ha vườn dừa, sông rạch chằng chịt, môi trường sinh thái còn nét nguyên sơ, không khí trong lành, con người thân thiện, điều kiện đi lại thuận lợi, có cơ sở hạ tầng du lịch đảm bảo phục vụ thỏa mãn nhu cầu của khách, an ninh an toàn,… đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. 

Với lợi thế đó du lịch Bến Tre luôn phát triển với tốc độ nhanh, lượng khách du lịch tăng bình quân 13% năm so cùng kỳ, đặc biệt trong đó có trên 42% là khách quốc tế. Nguồn thu từ khách đến Bến Tre tăng bình quân 23%/năm so cùng kỳ. Với mức xuất phát điểm du lịch Bến Tre thấp, nhưng trên đà phát triển hiện nay, Bến Tre đã và đang được các nhà đầu tư đến đầu tư các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú với qui mô khá và hiện đại; mỗi năm đều có sản phẩm du lịch mới ra đời. Cơ sở lưu trú cho du khách từ nhà nghỉ đạt chuẩn, khách sạn 1 sao đến 4 sao đã đáp ứng cho trên 2.000 khách lưu lại từ khách hạng trung bình đến cao cấp. Hướng tới Bến tre cũng kêu gọi đầu tư những Resort, khách sạn tầm 5 sao để đáp ứng cho du khách ngày càng cao hơn. 

Sản phẩm du lịch không đơn điệu, trùng lắp; đó là đánh giá chung nên làm sao phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để không vướng sự trùng lắp. 
Du khách nước ngoài lựa mua hàng lưu niệm từ Dừa tại Bến Tre
Những nét riêng cơ bản

Thật ra mà nói miền Tây Nam bộ là vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành được mang danh là vùng sông nước. Tuy nhiên để đại diện cho vùng sông nước nầy thì Tổng Cục Du lịch đã chọn ra 5 tỉnh, thành tiêu biểu là: Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang. Nhưng nếu nói 5 địa phương nầy như nhau mà chưa lần trải nghiệm thì chưa thấy được sự khác biệt. Với những nét nhỏ như: kênh, rạch thì đã khác rồi; có tỉnh thì kênh tự nhiên, ngoằn ngoèo, có tỉnh thì toàn là kênh đào thẳng tăm tắp từ vài chục km trở lên mà không có kênh tự nhiên; có địa phương sử dụng phương tiện thủy là xuồng chèo, có địa phương sử dụng là vỏ lải mà không thể đổi nhau được do đặc thù, vỏ lải thì không thể quanh co uốn khúc được. Riêng xuồng chèo thì Bến Tre chỉ 1 chèo, Vĩnh Long thì 2 chèo, Tiền Giang thì không chèo mà bơi bằng dằm, … dù là tỉnh lân cận nhưng những chuyện nhỏ đó đã thể hiện nét văn hóa riêng cho từng địa phương. Ngoài ra khi trải nghiệm chúng ta sẽ thấy nét riêng của từng nơi rõ nét hơn từ trong ẩm thực đến cách sinh hoạt hàng ngày,… 

Bến Tre đang liên kết phát triển du lịch của cụm duyên Hải phía đông ĐBSCL gồm 5 tỉnh (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long và Trà Vinh) mở rộng tour, tuyến du lịch khu vực nhằm tạo phong phú sản phẩm du lịch của cụm, để thu hút du khách quan tâm đến với vùng ĐBSCL mà cho không vướng sự trùng lắp theo quan điểm của dư luận đặt ra. Tỉnh Bến Tre được mệnh danh là quê hương Xứ Dừa, bao phủ bởi màu xanh của dừa trên khắp tỉnh, bởi Bến Tre sở hữu trên 1/3 diện tích dừa của cả nước, cho nên đã tạo sự khác biệt rõ nét của du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Xứ Dừa. Đến với cụm liên kết năm tỉnh, du khách muốn tìm hiểu văn hóa KhơMe thì đến tỉnh Trà Vinh; thưởng thức bưởi da xanh nổi tiếng của Bến Tre; thưởng thức bưởi năm roi thơm ngon, nhiều nước thì ghé Vĩnh Long; tham quan chợ nổi thì về Tiền Giang; tìm hiểu đất nước việt Nam thu nhỏ thì đến HappyLand - Long An… Tất cả đã dựng lên một bức tranh phong phú và khác biệc trong khu vực.

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Du xuân Bính Thân 2016 tại xứ dừa Bến Tre

Tết năm nay du khách sẽ đến Bến Tre tìm hiểu những nét riêng của quê hương Xứ Dừa được Tổng cục Du lịch chọn một trong năm tỉnh đại diện về sông nước miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đồng thời cũng là Một điểm đến - Năm địa phương gắn liền từ thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Có người hỏi cù lao là gì? Cù lao là một cồn nổi lớn trên sông; cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa được bồi tụ từ bốn nhánh của dòng sông Cửu Long (MêKông) đổ ra biển Đông (sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên) hình thành nên tỉnh Bến Tre như một hình rẽ quạt. Trong ba cù lao nầy được phân chia địa phận hành chính gồm tám huyện và một thành phố, với diện tích 2.360km2, dân số toàn tỉnh có 1,3 triệu người.

Cầu Rạch Miễu bắt ngang sông Tiền nối liền tỉnh Tiền Giang - Bến Tre và cầu Hàm Luông bắt ngang sông Hàm Luông nối liền cù lao Minh và cù lao Bảo từ cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI đến nay, du lịch Bến Tre khởi sắc bởi không còn là tỉnh lẽ hay tỉnh Cù Lao nữa và cơ hội du lịch sinh thái sông nước miệt vườn bắt đầu phát triển; tháng 5/2015 vưa qua, cầu Cổ Chiên đã nối liền Bến Tre - Trà Vinh theo tuyến Quốc lộ 60 bắt nguồn từ Tiền Giang đi Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng rồi nối liền Bạc Liêu, Cà Mau thành một tuyến, tạo nên đường huyết mạch mang chiến lược bền vững về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của các tỉnh cuối miền đất nước Việt Nam dọc theo biển Đông. 

Với điều kiện đó, Bến Tre đã tiếp cận và thu hút khách du lịch thập phương đến tham quan, trải nghiệm nét hoang sơ thơ mộng đã làm say đắm lòng người, nhất là khách quốc tế đã thật sự quan tâm trong thời gian qua. 

Thật vậy! Du khách từ miền Trung - Tây Nguyên hay miền Bắc Việt Nam hoặc du khách nước ngoài từ các Châu lục không khỏi nhạc nhiên khi về Bến Tre, một quê hương được mệnh danh là quê hương Xứ Dừa với một màu xanh bao phủ cả vùng trời. Địa danh nầy thường gọi với những mỹ từ dễ thương và quen thuộc như: “Xứ dừa”, “Quê dừa”, “Ba đảo dừa xanh” “quê hương Đồng Khởi” ai nghe cũng đều biết đó là Bến Tre, đã thể hiện qua bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có đoạn “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió” đã ví lên nét đẹp của người phụ nữ miền Tây Nam Bộ, nói lên sự duyên dáng, thướt tha mà hiên ngang trong bom lửa vẫn sừng sững vươn mình để ngày nay Bến Tre có một môi trường sinh thái đầy thơ mộng.

Tìm hiểu quê hương Xứ Dừa trong tour du lịch “Năm địa phương - Một điểm đến” của cụm phía Đông duyên hải ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long):

Bến Tre là tỉnh đồng bằng, có ba hệ sinh thái “mặn, ngọt, lợ” bởi nằm cuối nguồn sông MêKông, tiếp giáp biển Đông. Giao thông trong lãnh địa Bến Tre rất thuận tiện về đường bộ lẫn đường thủy, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, tạo ra tiềm năng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn mang đậm tính Nam bộ, với trên 33.000ha vườn cây ăn trái xum xuê và là nơi sản xuất các loại cây giống, hoa kiểng lớn nhất nước để cung cấp ra cả nước và các nước lân cận. Đó là sản phẩm du lịch đặc thù kết hợp với cây Dừa của quê hương. Dừa là loại cây công nghiệp đặc trưng gắn liền cùng cuộc sống người dân Bến Tre từ bao đời nay, có diện tích gần 70.000ha, chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước. 
Các điểm dừng chân tại Châu Thành chuẩn bị đón khách xuân
Bên cạnh đó hệ thống di tích lịch sử văn hóa khá đa dạng và phong phú mang đậm tính nhân văn sâu sắc, nhiều danh nhân sống mãi trong lịch sử như: Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Lê Anh Xuân; Nhà giáo Võ Trường Toản, Quan đại thần Phan Thanh Giản, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (Lãnh Binh Thăng); Lê Quang Quan (Tán Kế); Học giả Trương Vĩnh Ký; Nữ văn sĩ Sương Nguyệt Anh ;…, tạo nên một quần thể tham quan, nghiên cứu gắn liền với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn, trải nghiệm du lịch làng nghề hay du lịch vui chơi giải trí; đặc biệt là loại hình du lịch homstay tại Bến Tre đã thu hút nhiều khách quốc tế, họ đã tham gia cùng cuộc sống đời thường của người dân mộc mạc để tìm hiểu nét văn hóa riêng của quê hương Xứ dừa.

Du xuân khám phá du lịch Cồn Phụng là điểm du lịch được công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu” của ĐBSCL, nằm trên một cồn nổi giữa sông Tiền. Cồn Phụng là một trong quần thể tứ linh (Long - Lân - Qui - Phụng) gắn liền với trên 30 điểm tham quan trên 8 xã ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành - Bến Tre; du khách đi bằng xuồng máy lênh đênh trên sông Tiền, tham quan quần thể tứ linh, tham quan các mô hình nuôi cá bè trên sông, sản xuất kẹo dừa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây, vỏ, gáo trái dừa... ; lên xe ngựa chạy cọc cạch theo đường làng ngắm cảnh làng quê đang vui xuân ngày tết, chèo xuồng róc rách trong rạch nhỏ mà hai bên là những hàng dừa nước và những cây thủy liễu ra hoa, kết trái thật là thơ mộng, hữu tình như đánh thức niềm vui cho năm mới. 

Tuyến Giồng Trôm, Ba Tri, du khách tìm hiểu đến nhiều loại dừa thì ghé qua Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, có trên hai mươi loại giống dừa khác nhau, đặc biệt là dừa dứa; sự sảng khoái khi ngụm vào cảm thấy thơm mùi lá dứa và mát dịu làm sao. Đến Giồng Trôm không thể bỏ qua cơ hội tham quan tìm hiểu về làng nghề “Bánh tráng Mỹ Lồng” “Bánh phồng Sơn Đốc” đây là loại bánh dân gian mà người dân nơi đây đã gìn giữ trên trăm năm tuổi. Đây cũng chính là những loại bánh truyền thống mà ông cha ta đã dùng cúng ông bà trong những ngày tết nguyên đán cổ truyền của dân Nam bộ. Gắn với làng nghề nầy có quần thể hệ thống di tích và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc như: Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, Di tích Đình Phú Lễ, Đình Bình Hòa; Khu di tích cụ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản… Khu tưởng niệm của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Trung tướng Đồng Văn Cống,… Sân chim Vàm Hồ hay du ngoạn trên bãi biển Cồn Tròn, Cồn Hố cũng là một trải nghiệm vùng ngập mặn tại Ba Tri. Đây cũng là nơi trú ngụ của trên 500.000 con cò, vạc và các loài chim thú hoang dại khác.
Du xuân bằng xe ngựa tại Bến Tre
Tuyến về vườn cây ăn trái Cái Mơn - Chợ Lách nổi tiếng với sầu riêng, măng cục, chôm chôm, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon, bưởi da xanh và các loại cây có múi khác. Ðến đây, một Vương quốc cây trái, cây giống, hoa kiểng sẽ lộ ra; vào mùa nào trái cây ấy, lúc nào cũng có các loại trái cây để ăn. Du khách vừa trải nghiệm qua các làng nghề cây giống, được thưởng thức bánh xèo hến và ăn ốc gạo, đây là loại ốc được nhân dân xã Vĩnh Bình bảo tồn và nuôi dưỡng. Đặc biệt, trên đoạn đường dài từ huyện Mỏ Cày Bắc về Chợ Lách, hai bên đường là những làng nghề cây giống, hoa kiểng, tạo thành đường cây giống, cây cảnh; riêng những tháng cận tết đến những ngày xuân thì hai bên đường sẽ là hoa và kiểng bày bán chạy dài hàng chục kilomet thật đẹp mắt với đa dạng loài hoa khoe sắc. Sự nhộn nhịp của kẻ mua, người bán và tấp nập tàu thuyền, xe vận tải đang vận chuyển hoa, kiểng đi các thị trường TP.HCM và các chợ tỉnh, thành trong mọi miền đất nước.

Tour du lịch Biển: Gần đây, từ khi khu di tích “Đầu cầu vũ khí Bắc Nam” tại xã Thạnh Phong, Thạnh Hải - huyện Thạnh Phú được khởi công xây dựng công trình “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đường di tích đường Hồ Chí Minh trên Biển” vào cuối năm 2012 đến nay, rất nhiều du khách đã về tham quan và chiêm ngưỡng quang cảnh nguyên sơ của biển, đồng thời để thưởng thức những hải sản tươi sống nơi đây. Trong những năm qua, vào dịp tết Nguyên đán, du khách nội địa thường đến rất đông ở khu vực biển nầy để trải nghiệm ngọn gió chướng của biển thổi vào những khu rừng ngập mặn trong những tháng Đông - Xuân. 

Trong tuyến du lịch Biển Thạnh Phú, ta sẽ có dịp ghé thăm khu di tích Đồng Khởi. Đây là di tích lịch sử cách mạnh cấp quốc gia, nơi mà đã nổi lên phong trào Đồng Khởi đầu tiên năm 1960 tại 3 xã (Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày Nam). Hoặc ghé chiêm ngưỡng ngôi nhà với lối kiến trúc cổ theo kiến trúc nghệ thuật của triều đình, đó là Nhà cổ Hương Liêm tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú cùng một số làng nghề truyền thống như làng nghề làm lu, làm nón lá, hay nổi tiếng bánh Dừa Giồng Luông.,…

Quý khách còn ở lại Thành phố Bến Tre trọn những ngày xuân, hãy tham quan vùng ven Thành phố hay còn gọi là Nam Thành phố. Nơi đây có nhiều sông, rạch chằng chịt và cảnh quan thiên nhiên rất hữu tình. Quý khách sẽ tham quan nhiều nghề truyền thống như: làm gạch thủ công, dệt chiếu, khai thác dừa, làm kẹo dừa, mức dừa, nuôi ong lấy mật, nghe đàn ca tài tử Nam Bộ… và sẽ thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của Bến Tre.

Khách du xuân hãy một lần vui xuân trên mãnh đất “Ba đảo Dừa xanh”, người dân Bến Tre sẽ hân hoan chào đón và mến khách. Hy vọng sẽ có nhiều ấn tượng đẹp trong lòng quý khách sau khi chia tay “ba dải Cù Lao” tại cuối nguồn sông MeKong thân thương và thơ mộng./.

Hoạt động du lịch năm 2015 - Bến Tre từng bước phát triển

Những năm qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị 09/CT-TU của Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre về phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015, đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch nhằm để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch; tạo sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù với thương hiệu “Sông nước miệt vườn Bến Tre - Đồng bằng sông Cửu Long”. Sau thời gian nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng toàn cầu đã có bước ổn định; trong năm 2015 Việt Nam có nhiều sự kiện, lễ hội, được tổ chức với quy mô lớn, đã thu hút khách du lịch từ các nước đến Việt Nam càng tăng; riêng tỉnh Bến Tre năm 2015 tình hình đầu tư du lịch và hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, thể hiện được kết quả thực hiện đề án phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015.
Bến Tre tham gia gian hàng xúc tiến du lịch tại thị trường Hà Nội năm 2015 (một trong những hoạt động của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre)
Những điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch năm 2015 như: nhân dịp tết Nguyên đán Ất Mùi năm vừa qua, người dân được nghỉ tết với thời gian dài, lượng du khách đến Bến Tre vui chơi và lưu lại lâu hơn, khách quốc tế, nhất là khách Việt Nam ở nước ngoài về quê hương tham quan du lịch nhiều hơn; bên cạnh đó năm qua cũng là năm chẵn kỷ niệm 55 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi (17/01/1960 - 17/01/2015); sự kiện Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần IV; Lễ hội Cây - Trái ngon an toàn huyện Chợ Lách lần thứ XV được nâng từ Ngày hội lên thành Lễ hội cấp tỉnh; Lễ 30/4, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ngày hội Văn hóa Bến Tre (01/7/2015), Lễ hội nghinh Ông xã Bình Thắng - Bình Đại, Lễ hội nghinh Ông xã Thạnh Hải - Thạnh Phú,… tất cả các sự kiện đó đều được tổ chức với quy mô lớn hơn. Ngành Văn hóa, Thể thao và du lịch tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí phục vụ du khách khá phong phú, công tác thông tin quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre đến với du khách trong và ngoài nước được tăng cường; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp đưa vào hoạt động đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách, lượng khách đến Bến Tre tham quan và vui chơi giải trí năm 2015 tăng 10,62% so với năm 2014.

Các ngành liên quan hưởng ứng cuộc thi “Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội”, tạo thêm ý thức cho việc phát triển du lịch công đồng tại Bến Tre. Các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng mua sắm, các doanh nghiệp lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia tích cực chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2015 với chủ đề: “ Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu tổ quốc”; hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới 2015 với chủ đề “Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội”;…. Đã tạo hiệu ứng thiết thực trong việc thu hút khách du lịch đến với vùng sông nước miệt vườn của quê hương xứ dừa Bến Tre trong mùa thấp điểm.

Chương trình kích cầu du lịch với mức giảm giá từ 5% - 50%. Các đơn vị đã xây dựng chương trình giảm giá cụ thể kèm theo và thực hiện tốt theo nội dung đăng ký. Ngoài việc áp dụng mức giảm giá như cam kết, các doanh nghiệp còn triển khai nhiều hình thức khác như khuyến mãi nhân các ngày lễ kỷ niệm, các dịch vụ bổ trợ chăm sóc khách hàng như tặng thêm món ăn, giảm giá thực đơn cho các đoàn khách từ 10 người trở lên, tặng giờ karaoke, ưu đãi dịch vụ tiệc cưới, hội nghị, hội thảo, giảm giá phòng, massage và spa,… Qua 1 năm triển khai thực hiện, các đơn vị đăng ký tham gia chương trình đã thu hút được một số lượng lớn các công ty du lịch ký hợp đồng đặt dịch vụ và nguồn khách lẻ đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng đã góp phần giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế trong thời gian qua.

Ngành du lịch Bến Tre phối hợp trường Đại học Dân lập Văn Lang tổ chức đoàn khảo sát các điểm du lịch ven sông Tiền và tổ chức Hội thảo quốc tế “Du lịch có trách nhiệm - Mối quan hệ và lợi ích” với sự tham gia của các chuyên gia du lịch đến từ các nước như: Pháp, Hà Lan, … . Phối hợp Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. UBND tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch tỉnh Bến Tre” với sự tham gia chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - UV Bộ Chính trị - Chủ tịch UBMTTQNV cùng đại diện Tỉnh ủy, UBND, Sở VHTTDL các tỉnh, thành trong khu vực và Tp.HCM tham dự.

Trong năm, Bến Tre đã tiếp tục thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch để tái thẩm định 02 khách sạn một sao (khách sạn Đại An và khách sạn Oasis-Kiwi). Đầu tư xong và đưa vào sử dụng khách sạn Dừa theo tiêu chuẩn khách sạn hạng 4 sao được Tổng cục Du lịch thẩm định và cấp chứng nhận trong năm 2015; tính đến nay, Bến Tre đã có 1 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 1 sao và gần 50 khách sạn, nhà nghỉ khác đã đủ sức phục vụ du khách từ bình dân đến cao cấp. Phối hợp Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tái thẩm định Công ty TNHH TM DV DL Cồn Phụng theo tiêu chuẩn điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015; đây là điểm du lịch trong quần thể cồn nổi tứ linh “Long - Lân - Qui - Phụng” trên sông Tiền, giữa Tiền Giang và Bến Tre, đây được đề xuất quy hoạch là khu du lịch cấp quốc gia ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gắn liền với trên 40 điểm, tham quan du lịch của Khu du lịch 8 xã ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành - Bến Tre.

Năm 2015, tổng số nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh là 55/65 điểm du lịch, đạt 85%. Số nhà vệ sinh các điểm du lịch không đạt chuẩn phục vụ khách du lịch chiếm 15%, chủ yếu tập trung tại các điểm du lịch nhà vườn chỉ phục vụ khách du lịch mang tính thời vụ như dịp Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ, những ngày hội, ….

Tổng khách du lịch năm 2014 là 904.000 lượt thì trong năm 2015 đạt 1.000.000 lượt, tăng 10,62% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Trong đó: khách quốc tế đạt 440.000 lượt, tăng 11,76% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch; khách nội địa đạt 560.000 lượt, tăng 9,74% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch.

Tổng thu từ khách du lịch năm 2014 đạt 562 tỉ đồng thì trong năm 2015 đạt: 700 tỉ đồng, tăng 24,56% so cùng kỳ; đạt 100% kế hoạch. 

Để thông tin đến du khách gần xa biết đến hình ảnh, đất và người Bến Tre, trong năm đã đăng tải 60 bài viết giới thiệu, quảng bá lên các website như: Tổng cục Du lịch, Báo Du lịch, UBND tỉnh, Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Trung tâm TTXTDL các tỉnh/thành, blog tiếng Việt Trung tâm, các diễn đàn du lịch và các báo xuân, đặc san. Bên cạnh đó đăng tải 20 bài viết quảng bá bằng tiếng Anh lên blog tiếng Anh của Trung tâm cùng 05 video clip lên mạng Internet đế quảng bá xúc tiến du lịch tỉnh như Du lịch trên Xứ dừa (tiếng Anh và tiếng Hoa); Du lịch Xanh Xứ Dừa; Về Bến Tre thăm đất Châu Thành và Văn hóa Dừa.

Trong năm qua, để du khách tìm hiểu về thông tin du lịch Bến Tre, đã phát hành 3.800 ấn phẩm tài liệu của Trung tâm và 5.500 ấn phẩm của các doanh nghiệp đến khách tham dự Hội nghị, Hội thảo và tại 7 kỳ hội chợ, triển lãm như: Ngày hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội; Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh; Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”; Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015 tại Cần Thơ và Tuần “Văn hóa - Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội”. Đồng thời giao lưu xúc tiến du lịch Kansai (Vùng Kansai, Nhật Bản) tại Tp. Hồ Chí Minh.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được quan tâm để từng bước đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn. Trong năm tổ chức 02 lớp tập huấn du lịch cộng đồng và nghiệp vụ Du lịch với tổng số học viên tham gia là 219 học viên đã góp phần nâng cao nhận thức đối với lực lượng tham gia làm du lịch tại địa phương. 

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) đã đưa vào sử dụng và tiếp tục đầu tư như: 

Dự án CSHT phục vụ du lịch các xã ven Sông Tiền (đoạn Tân Thạch - Giao Long) thực hiện đến nay 25,1 tỉ đồng. Dự án CSHT phục vụ du lịch Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, trong năm 2015 thực hiện 14 tỉ đồng.
Một gốc nhà nghỉ 3 sao tại Forever Green Resort xã Phú Túc - Châu Thành của Công ty TNHH TM Lô Hội đầu tư
Các dự án Đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh du lịch vừa hoạt động kinh doanh vừa tiếp tục đầu tư như:

Khu du lịch Forever Green Resort và Điểm dừng chân An Khánh của Công ty TNHH TM Lô Hội, đang tiếp tục đầu tư khu C. Điểm du lịch Phú An Khang. Nhà hàng nổi Bến Tre đầu tư trùng tu mới và dời địa điểm vào gần trung tâm TP.Bến Tre trên dòng sông Bến Tre thơ mộng, đã đưa vào khai thác. Khách sạn Dừa đã đưa vào kinh doanh, được Tổng cục Du lịch công nhận hạng 4 sao.

Các dự án đang triển khai chưa hoàn thành:

Điểm du lịch sinh thái Vườn chim Vàm Hồ. Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Mekong Pearl đang trong giai đoạn thi công. Dự án điểm du lịch sinh thái Phú Bình, trong năm 2015 thực hiện đầu tư dịch vụ phục vụ du lịch. Dự án Mekông Resort Công ty CP Đầu tư Du lịch MêKông.

Những phấn đấu đó đã tạo ra sản phẩm du lịch Bến Tre mỗi năm đều có sản phẩm mới ra đời, đã góp phần cho du lịch Bến Tre từng bước sánh vai cùng các tỉnh, thành bạn trong khu vực, góp phần xây dựng kinh tế xã hội tỉnh nhà đến năm 2020 về kinh tế du lịch sẽ là kinh tế quan trọng trong các thành phần kinh tế tỉnh Bến Tre. Năm 2015 cũng là năm kết thúc đề án phát triển du lịch 2011-2015, làm tiền đề cho những năm tiếp theo đối với mục tiêu mà đề án phát triển du lịch 2016-2020 phải tiếp nối. 

Nhìn chung, ngành du lịch có tiến bộ rõ nét, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí và chủ trương phát triển du lịch của tỉnh ngày càng được nâng lên; xem phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có nhiều nỗ lực, cải tiến phương pháp phục vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng hoàn chỉnh và hướng đến hiện đại, tổ chức nhiều chương trình phục vụ thu hút khách. 

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X, phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh từ nay đến năm 2020. Tiếp tục hoàn thành và đầu tư các dự án hạ tầng xã hội du lịch tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hóa du lịch hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô khá và hiện đại. Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn có qui mô lớn và có kinh nghiệm kinh doanh du lịch tham gia kinh doanh tại Bến Tre. Tổ chức đào tạo, nâng chất đội ngũ lao động ngành du lịch. Tăng cường công tác thông tin xúc tiến quảng bá du lịch. Thực hiện chương trình liên kết với các tỉnh, thành phố có chất lượng, hiệu quả. Phấn đấu năm 2016 thu từ khách du lịch đạt 860 tỉ đồng; lượng khách đạt 1.150.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 500.000 lượt và khách nội địa: 650.000 lượt. Đó là chỉ tiêu phấn đấu của các ngành, các cấp và các nhà làm du lịch tại quê hương Ba Đảo Dừa Xanh./.