Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Bánh tráng Mỹ Lồng , bánh phồng Sơn Đốc - hương vị ngọt ngào

Đã từ lâu, hình ảnh những chiếc bánh tráng- bánh phồng ở làng nghề nổi tiếng của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã khá quen thuộc với du khách gần xa, chiếc bánh mộc mạc ấy đã dâng tặng cho đời những hương vị ngọt ngào, thấm đậm tình người, tình đất, tình quê. Để khi lúc đi xa, mỗi khi ăn những chiếc bánh ấy, chúng ta sẽ cảm nhận được những niềm nhớ thương dạt dào của quê hương xứ sở.
Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng
Những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng với hương vị nồng nàn luôn làm say đắm lòng viễn khách
Từ thành phố Bến Tre, xuôi theo tỉnh lộ 885 qua cầu Chẹt Sậy du khách đã đến với huyện Giồng Trôm , xã Mỹ Thạnh, nơi mà có một làng nghề bánh tráng nổi tiếng bao đời nay vẫn tồn tại, giữ gìn và phát triển cho đến hôm nay để tạo ra cho đời những chiếc bánh quê mộc mạc . Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, được hong dưới cái nắng mặt trời, trước sân nhà của những hộ dân nơi làng nghề là một màu trắng của những phên bánh tráng nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác, sát mặt đường là những quầy hàng được bày bán với nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của Bến Tre để du khách lựa chọn, nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng, có cả bánh còn sống và cả bánh đã được nướng chín.

Mùi thơm của bánh tỏa ra khiến người lữ khách say nhừ như cách người ta vẫn thường ví với những người say men, nhưng đó là sự say của hương thơm ngào ngạt của loại bánh mộc mạc ở xứ dừa. Ở đây, nhà nhà, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia, mỗi người một công đoạn, thuần phục, lành nghề. Người dân ở đây rất chân chất và hiếu khách, vừa ngỏ ý vào thăm thì mọi người đã vui vẻ nhận lời, trò chuyện với cô Hồng- một thợ làm bánh có trên 25 năm tuổi nghề cô cho biết: “Làng nghề truyền thống làm bánh tráng này đã có từ lâu lắm rồi, nghe ông bà xưa kể lại chắc cũng cả trăm năm tuổi, qua bao thế hệ, gia đình tôi cũng gắn bó với nghề này, nó như một phần không thể thiếu trong gia đình tôi, lớn lên thì nối nghiệp, nghề sinh nghề là vậy, làm bánh không chỉ có thêm thu nhập mà làm bánh còn là một thú vui tao nhã, gia đình tôi quyết tâm giữ gìn không cho nghề này mai một theo thời gian”.

Muốn có chiếc bánh tráng Mỹ Lồng thật ngon thì khâu chọn và pha bột rất quan trọng, và thứ bột đó mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn phải là gạo thơm vừa, nở nang, không được quá khô. Các nguyên liệu khác như: Đường, muối, mè cũng được cân định lượng cho đúng, nhưng với người thợ lành nghề, chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay là không sai li nào, nhưng bí quyết chính thống có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở quê hương. Theo người dân ở đây thì cái khác rõ rệt nhất của bánh tráng Mỹ Lồng với bánh vùng khác là bánh được làm từ gạo dẻo và nước cốt dừa đậm đặc…

Đây là đặc sản với nhiều loại bánh tráng khác nhau như: Bánh tráng sữa trứng gà, bánh ngang chỉ có dừa không sữa, bánh tráng sữa không dừa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách nhưng ngon nhất là loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, đặt lên lò than hồng đã tỏa hương thơm lừng làm ngất ngây lòng người.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc
Bánh phồng Sơn Đốc ngày càng được biết đến và vươn xa
Cũng như Mỹ Lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc cũng lấy từ tên từ một địa danh của chợ Sơn Đốc thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, nơi mà từ lâu đã nổi danh với loại bánh phồng nếp. Lúc trước, nghề làm bánh phồng của người dân ở đây còn tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu làm bánh phồng để phục vụ cho các lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ Tết, hoặc để biếu người thân, bạn bè để làm quà, một số ít đem ra chợ Sơn Đốc bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình chứ chưa ai nghĩ đến việc loại bánh phồng nếp này lại nổi tiểng cho tới bây giờ. Khi người ta mua loại bánh phồng nếp này về ăn thử, thấy ngon với hương vị rất lạ, vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè, vị béo ngậy của nước cốt dừa, qua nhiều kênh thông tin khác nhau du khách các nơi mới biết ở Giồng Trôm có một loại đặc sản độc đáo như vậy, kể từ đó bánh phồng Sơn Đốc ngày càng được biết đến và vươn xa trong suốt chặng đường phát triển của làng nghề, bánh phồng Sơn Đốc đi khắp nơi trong nước kể cả nước ngoài, và tên tuổi trở thành thương hiệu hàng trăm năm nay. 

Có lẽ làm bánh phồng còn cực hơn bánh tráng, bánh phồng được làm bằng loại nếp sáp, là giống nếp nổi tiếng của Bến Tre, gạo nếp đồ thành xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng với các phụ liệu khác như đường cát, nước cốt dừa…Đến làng nghề buổi sáng, chúng ta dễ dàng nhận biết nhà ai sẽ làm bánh phồng bằng cách nghe tiếng chày giã bột rộn rã. Đây cũng là công đoạn mệt nhất khi làm bánh phồng. Ngày xưa, công việc giã bột thường là công việc của đàn ông, thanh niên, hiện nay, khâu quết bánh phồng đã đỡ vất vả hơn nhờ có máy, giã xong bột sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cán bánh.

Cũng như bánh tráng, phơi bánh phồng là cả một kỳ công. Nghề làm bánh tráng, bánh phồng luôn phải phụ thuộc vào thời tiết, ai cũng mong nắng tốt để công đoạn phơi bánh đỡ vất vả hơn, bánh sẽ ngon hơn. Bánh phồng Sơn Đốc khi nướng nở to gấp 3-4 lần so với trước khi đem nướng, bánh muốn ngon phải nướng trên bếp than hồng đỏ rực, bánh nướng chín thơm, xốp, ngon miệng. Hiện nay, ngoài loại bánh phồng nếp còn có bánh phồng mì, bánh phồng chuối để tạo nên sự đa dạng cho các loại bánh. Làm bánh tráng, bánh phồng thường thì theo mùa vụ, đặc biệt là những tháng giáp Tết Nguyên đán, người dân ở làng nghề phải thức thâu đêm. Từ năm 2007, bánh phồng Sơn Đốc được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa và được ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là đòn bẩy làng nghề phát triển trong tương lai. 

Thưởng thức bánh phồng, du khách mới cảm nhận cái giá trị tinh thần chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc ấy của người làm bánh. Cũng như bánh tráng, bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre mà một số tỉnh khác cũng có làm bánh phồng như: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long,... Nhưng bánh phồng Sơn Đốc ngon không chỉ có bí quyết riêng, có hương vị dừa độc đáo mà bánh ngon còn bởi cái tình, cái nghĩa con người cũng thể hiện trong từng chiếc bánh, và chỉ có hương quê mới làm chiếc bánh thêm phần trọn vẹn. 

Hàng năm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đóng góp hàng tỉ đồng trong GDP tỉnh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện nhà, đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề Bến Tre nói chung, làng nghề huyện Giồng Trôm nói riêng. Hiện nay, cả hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đã được nhiều du khách biết đến, đặc biệt là du khách quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong chương trình tour du lịch Bến Tre cũng đưa du khách đến tham quan trải nghiệm nhằm giới thiệu những nét độc đáo của làng nghề. 

Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án “Phát triển kinh doanh cho người lao động ở nông thôn" hỗ trợ công nghệ cho người dân ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc, nâng thời gian bảo quản bánh từ ba tháng lên sáu tháng, trang bị ống đo độ đậm đặc của bột trước khi tráng bánh, bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vốn vay,…để đầu tư mua trang thiết bị, máy móc như: cối xay bột, máy nạo dừa, ép dừa, cối quết bánh, máy cán bánh phồng…nhằm nâng cao nâng suất lao động, tiết kiệm thời gian, cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường./.

Bánh dừa Giồng Luông - Đặc sản mang hương vị quê nhà

Ngày nay, khi các loại bánh khác đang "lên ngôi", những loại bánh dân gian dần mai một, tuy nhiên chiếc bánh dừa vẫn đem lại cảm giác nhẹ nhàng, tao nhã từ trong hương vị đến tên gọi của nó. Bến Tre vùng đất ba dãy cù lao, với sông nước hữu tình, miệt vườn trù phú cây trái bốn mùa cho quả ngọt, một vùng đất với nhiều “hào sản” thấm đậm tình người tình đất phương Nam được mệnh danh là quê hương xứ dừa. Để rồi cũng từ đó, người khách phương xa ghé thăm không chỉ biết đến xứ dừa với loại nước dừa ngọt ngào, các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo được tạo ra từ cây dừa mà biết đến một loại bánh mang đậm nghĩa tình quê hương xứ sở “bánh dừa Giồng Luông” - món quà của những người mẹ đi chợ mua về đón tay trong kí ức tuổi thơ của bao đứa trẻ nơi đây.
Bánh dừa Giồng Luông, chiếc bánh mang hương vị quê nhà
Giồng Luông thuộc xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cách thị trấn Thạnh Phú 12 km về hướng Tây Bắc, cách thành phố Bến Tre gần 40 km về hướng Đông Nam. Đại Điền không chỉ nổi tiếng với những chiến công oanh liệt của quân và dân huyện Thạnh Phú nói chung, Đại Điền nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà nơi đây còn là nơi xuất quân của tiểu đoàn 307 anh hùng; nhà cổ Hương Liêm một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào 14/4/2011; mà Đại Điền còn nổi tiếng với chiếc bánh mang đậm hương vị quê nhà “Bánh dừa Giồng Luông”. Theo các bậc cao niên trong vùng, nghề làm bánh dừa ở Giồng Luông ra đời cách nay trên trăm năm, lúc đầu chỉ một số hộ gia đình làm bánh chủ yếu là để ăn trong những ngày lễ tết, hoặc để biếu người thân, bạn bè cho nên việc làm bánh chỉ mang tính “nữ công gia chánh” trong gia đình. Do đó, khi làm bánh, người dân chú trọng cả chất lượng cũng như hình thức của bánh, nên bánh không chỉ ngon, mà còn đẹp, bánh có thể để năm ba ngày, không bị ôi thiu, ăn vẫn còn ngon vẫn không mất đi cái hương vị độc đáo vốn có của nó. Qua thời gian, nghề dạy nghề, người dạy người, bánh dừa Giồng Luông đã được bảo tồn phát triển và được nhiều du khách biết đến, đã trở thành một trong những sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Bến Tre.

Muốn tạo nên một chiếc bánh dừa ngon thì khâu quan trọng là chọn các nguyên vật liệu cần thiết, nếp được chọn để làm bánh phải là nếp sáp, dẻo và thơm. Ngâm từ bốn đến năm tiếng, người thợ mới bắt đầu gút nếp, vo nhiều lần để loại bỏ các tạp chất, nếu không bánh sẽ mau thiu. Nếp ấy được cho vào thúng, đặt nơi thoáng gió để cho thật ráo. Bánh này thì không thể thiếu nước cốt dừa, mà dừa chọn phải là dừa khô, đủ độ béo được bào mõng ra và trộn chung vào nếp, thêm ít muối và đường rồi người thợ trộn đều tay. Bánh dừa thì đa dạng với nhiều loại bánh khác nhau như: bánh dừa đậu xanh, bánh dừa chuối, bánh dừa nước tro, bánh dừa đậu đen,.... Nếu bánh tét gói bằng lá chuối thì bánh dừa lại được gói bằng lá dừa, cái tên bánh dừa cũng từ đó mà ra. Lá dừa còn non tơ và thơm mùi lá mới quyết định cả hương vị của của bánh dừa, nếu gói bằng thứ lá khác thì chẳng bao giờ có được mùi hương thơm đặc trưng của bánh dừa. Sau đó, người thợ phải quấn từng lá nồng theo đường êlip, tạo thành chiếc nồng gói bánh. Nghe thì dễ nhưng có mấy ai làm được nồng bởi chỉ người khéo tay và có thâm niên thì xoay nồng mới khéo, đều và đẹp. Kế đến là nếp được cho từ từ vào nồng, ép chặt, tùy loại nhân mà người ta thêm chuối, đậu xanh, đậu đen vào. Nếp được cho vào vừa đầy và buộc chặt bằng dây lạt hoặc gân lá. Sau đó, bánh được cột thành chùm và đem hấp, lửa hấp bánh phải đều không được quá lớn hoặc quá nhỏ, nước hấp bánh nhớ bỏ vào một ít phèn chua để màu bánh được tươi và đẹp.

Chiếc bánh ngon và giữ được lâu cũng là một bí quyết của người thợ làm bánh; bánh muốn ngon, phải ăn khi bánh vừa nguội khi được lấy từ lò hấp ra mới cảm nhận hết hương vị vốn có của nó. Khi ấy, nếp mới đủ chắc, dẻo quẹo, hạt đậu đủ bùi, chuối đủ chín, ăn vào có mùi nước cốt dừa thơm béo đến ngất ngây. Bánh dừa được bán mọi nơi, bánh được bỏ đi nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhưng khi có dịp đến với Đại Điền, huyện Thạnh Phú, mua bánh và thưởng thức ngay tại lò thì du khách mới cảm nhận được được hết cái hương vị quê hương thật sự chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc làng quê này, vị thơm ngọt của bánh hay vị ngọt ấm tình người dân xứ sở, chắc lòng và ấm áp hương quê.
Bánh dừa được giới thiệu tại các cuộc hội chợ Xúc tiến Thương mại - Du lịch Bến Tre
Ngày nay, chiếc bánh dừa Giồng Luông cũng “vượt biên” theo bước chân người. Sinh viên đi học, người ra ngoại tỉnh làm thêm, đi thăm cô dì chú bác, ai nấy đều xếp trong hành lý của mình chục bánh dừa làm quà. Hiện nay, bánh dừa Giồng Luông trở thành sản phẩm hàng hóa đa dạng về chất lượng, theo những chuyến đò, chuyến xe miền Tây đi đến tận thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,... Bánh được sản xuất thường nhật tại nhiều hộ ở Giồng Luông, mang đậm nghĩa tình quê hương xứ sở với cái tên gọi thân thương “Bánh dừa Giồng Luông”./.

Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2014 của Ban Liên lạc Hội đồng hương huyện Ba Tri tại TP.HCM

Ngày 26/7/2014, sau khi đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ba Tri nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2014, tại Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri đã diễn ra Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2014 của Ban liên lạc Hội đồng hương huyện Ba Tri tại TP.HCM (BLLĐH).

Đến dự hội nghị có ông Trần Ngọc Tam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng BLLĐH tỉnh Bến Tre, ông Lê Tâm Dũng - Trưởng BLLĐH tỉnh Bến Tre tại TP.HCM cùng lãnh đạo huyện ủy, UBND, các ban ngành liên quan của huyện Ba Tri, Trung tâm Thông xin Xúc tiến Du lịch Bến Tre và các thành viên BLLĐH huyện Ba Tri tại TP.HCM.

Ông Đoàn Hoàng Hải - Trưởng BLLĐH huyện Ba Tri - Phó Trưởng BLLĐH tỉnh Bến Tre tại TP.HCM đã báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng qua đã vận động xây 15 cây cầu , 9 căn nhà tình nghĩa, 38 căn nhà tình thương, khám và phát thuốc cho 4.100 người, tặng 13.066 phần quà, 26 xe lăng, hỗ trợ phẩu thuật mắt 80 người và 2 ca phẩu thuật tim; ông Hải cũng đặt ra phương hướng cho những tháng còn lại của BLLĐH tại TP.HCM một số công tác, đặc biệt là quan tâm đến việc xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư du lịch cho huyện nhà, dự kiến sẽ tổ chức Hội thảo chuyên đề phát triển du lịch tại quê hương đầy tiềm năng của huyện Ba Tri. 
Quang cảnh buổi giao ban sơ kết kết quả 6 tháng đầu năm 2014 của BLLĐH tại UBND huyện Ba Tri
Ông Trần Ngọc Tam đánh giá cao và trân trọng những thành quả đạt được từ đầu năm 2014 đến nay tỉnh đã tiếp nhận trên 20 tỉ đồng từ BLLĐH tại TP.HCM, trong đó BLLĐH huyện Ba Tri chiếm 7.090.326.000đ; mong rằng với hoạt động nầy, sự hỗ trợ của những người con quê hương Bến Tre tiếp tục góp sức cho sự phát triển kinh tế văn hóa, xã hội tỉnh nhà; quan tâm hơn nữa với những huyện còn lại và tập trung hơn trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói./.

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Du lịch Cụm duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long

Cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL theo đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao cà Du lịch (VHTTDL) định hình gồm 4 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang,Vĩnh Long và Trà Vinh; có tổng diện tích khoảng 8.618 km2, được bao bọc bởi các nhánh sông (sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu) thuộc hệ thống sông Cửu Long. Các tỉnh cụm phía Đông nầy cũng là cửa ngõ khi du khách từ các nơi trên cả nước về với miền Tây Nam bộ. Đây là bốn địa phương gắn liền nhau, cùng chung đồng bằng, giống nhau về sông nước miệt vườn nhưng có nhiều sản phẩm đặc thù khác nhau mà từ đó đã đem lại cho du khách một điểm đến  đầy hấp dẩn.

Trong lịch sử hình thành và phát triển, quá trình tụ cư, di cư của nhiều dân tộc trên vùng đất duyên hải phía Đông nầy đã tạo ra nền văn hóa đa dạng với nhiều nét đặc sắc. Hiện nay, dân số của bốn địa phương khoảng 5 triệu người gồm người Việt,  người Khơme và người Hoa. Hơn 300 năm khẩn hoang, khai thác nguồn lợi tự nhiên và đấu tranh xây dựng xã hội đã tạo nên một cộng đồng dân cư có tinh thần đoàn kết, cởi mở, cần cù, sáng tạo, hiếu khách và một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, với nhiều di sản vật thể và phi vật thể còn lưu giữ lại cho đến hôm nay và cho mai sau, trong đó hòa quyện nhiều luồng văn hóa được du nhập từ Ấn Độ, Trung Hoa, phương Tây. Tuy nhiên, văn hóa bản địa, văn hóa Việt Nam vẫn nổi trội và rõ nét, tính đặc trưng sông nước miệt vườn vẫn làm nên nét riêng của cụm so với trong vùng và cả nước.

Bốn địa phương có cùng bản sắc văn hóa đồng bằng Nam bộ, cùng chia sẻ một lịch sử chung, có cùng cội nguồn, đời sống sinh hoạt cũng có nét tương đồng, có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, đặc biệt là du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch homestays, du lịch cộng đồng, có nguồn nhân lực dồi dào, giao thông chính là đường bộ và đường thủy, nằm dọc Quốc lộ 1A, Quốc lộ 60, Quốc lộ 57 và Quốc lộ 53, là điều kiện thuận tiện giao lưu, thuận lợi trong việc nối tour, tạo tuyến thành một điểm đến liên hoàn trong khu vực. Là cửa ngõ đường bộ miền Tây đón khách du lịch, từ đó đã định hướng phát triển du lịch ĐBSCL với nhiều sản phẩm đặc trưng nhằm đón khách du lịch, dự báo đến năm 2020 cụm sẽ đón 29% lượng khách nội địa và 56% lượng khách quốc tế của toàn vùng ĐBSCL.
Gian hàng chung tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội VITM lần 2 năm 2014
Sự liên kết giữa bốn địa phương một điểm đến sẽ tạo điều kiện để mỗi địa phương phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế của từng tỉnh, học tập, trao đổi kinh nghiệm để cùng phát triển, tránh trùng lấp sản phẩm, không còn sự đánh giá của du khách khi đến ĐBSCL cho rằng “tỉnh nào như tỉnh nào, cũng là du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, đi xuồng, chèo ghe, nghe đờn ca tài tử,… Đến một tỉnh sẽ hiểu nhiều tỉnh”; mà để du khách chọn điểm đến là cụm phí Đông hay cụm phía Tây của ĐBSCL, hoặc trong cụm thì các tỉnh sẽ có khác nhau những sản phẩm gì? 

Đến cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL, du khách muốn thưởng thức những món ăn đặc sản từ dừa, ăn bưởi da xanh thì đến Bến Tre; ăn bưởi năm roi thì ghé Vĩnh Long, không thể ghé Vĩnh Long mà ăn bưởi da xanh và đến Bến Tre mà ăn bưởi năm roi sẽ không ngon; muốn ăn dừa dứa, dừa xiêm thì đến Bến Tre, ăn dừa sáp thì qua Trà Vinh và tiềm hiểu đời sống sinh hoạt của dân tộc Khơme tại đây, muốn tham quan chợ nổi thì về Cái Bè (Tiền Giang),… Do vậy mà mỗi tỉnh sẽ có những sản phẩm đặc thù riêng của từng địa phương tạo thành một sản phẩm chung của cụm.
Điểm du lịch bên cầu Rạch Miễu
Bên cạnh đó còn có những dịch vụ du lịch, những làng nghề truyền thống, những di tích lịch sử văn hóa, những mô hình tham quan du lịch của từng địa phương góp phần cho sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, tạo nên một điểm đến phù hợp với nhu cầu du lịch của một chuyến hành trình cho du khách. Đặc biệt là du lịch homestay đã bắt đầu phát triển từ những năm đầu thế kỷ 21 (2004) tại Vĩnh Long và Bến Tre. Đến nay loại hình này rất hấp dẫn cho du khách, nhất là khách quốc tế khi đến cụm phía Đông ĐBSCL, họ sẽ được tìm hiểu về phong cách sống của người dân, tìm hiểu về văn hóa - lịch sử hoặc những truyền thuyết tại địa phương vùng đồng bằng Nam bộ.

Bước đầu thành lập cụm, vào tháng 9/2013, bốn Sở VHTTDL của bốn tỉnh (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) đã ký bản thỏa thuận “Chương trình liên kết phát triển du lịch” đến năm 2020 và triển khai kế hoạch “Điều phối chương trình liên kết phát triển du lịch giai đoạn 2013-2014”; đồng thời bốn Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch cũng ký kết “Kế hoạch hợp tác công tác xúc tiến du lịch giữa các Trung tâm” nhằm triển khai chi tiết các nội dung liên kết mà các Sở VHTTDL đã ký kết. 

Đầu năm 2014, TTXTDL Bến Tre (Cụm trưởng giai đoạn 2013-2014) đã triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp năm 2014 như: Tổ chức gian hàng chung “Bốn địa phương một điểm đến” tham gia Ngày hội du lịch TP.Hồ Chí Minh, Hội chợ du lịch Quốc tế Hà Nội VITM, Festival Đờn ca tài tử Bạc Liêu, Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh ITE, in bản đồ chung bốn tỉnh, ấn phẩm quảng bá du lịch chung, phối hợp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp thông tin quảng bá trên các website của từng trung tâm, từng sở đã ký liên kết, đồng thời tổ chức cho các lữ hành du lịch khảo sát các điểm du lịch hiện có và tiềm năng trên địa bàn từng tỉnh nhằm giao lưu, phối hợp tạo sản phẩm du lịch mới cho cụm. 

Với sự quyết tâm và tinh thần phối hợp liên kết phát triển du lịch của Cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL đến năm 2020, du khách sẽ biết đến và chọn điểm đến khu vực này ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, có chất lượng cao với logic của việc phát triển bền vững, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của bốn địa phương và cả nước./.

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Tuyến du lịch cụm phía Đông duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Cụm duyên hải phia Đông ĐBSCL theo đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao cà Du lịch (VHTTDL) định hình, có diện tích khoảng 8.618 km2, được bao bọc bởi các nhánh sông (sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu) thuộc hệ thống sông Cửu Long; các tỉnh cụm phía Đông nầy cũng là cửa ngỏ khi du khách từ các nơi trên cả nước về với miền Tây Nam bộ; đây là bốn địa phương gắn liền nhau chung một điểm đến.

Hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh đến cụm liên kết bốn tỉnh rất dễ dàng khi hạ tầng giao thông vùng quê sông nước đã được đầu tư khang trang và thuận lợi; du khách đi ô tô theo đường cao tốc từ TP.HCM - Trung Lương chỉ mất khoảng 1 giờ, nếu đi theo quốc lộ 1A thì mất khoảng 1 giờ 20 phút là đến tỉnh Tiền Giang (68km) là tỉnh đầu tiên của cụm; quí khách đến đây sẽ bắt gặp trên 30 lữ hành của các tỉnh đang chào đón tại bến tàu du lịch Tiền Giang để đưa khách thập phương đi tham quan các tuyến điểm du lịch tại Bến Tre, Vĩnh Long hay cả miền Tây Nam bộ; bến tàu du lịch nầy có từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến nay do hệ thống giao thông về các tỉnh trong khu vực thời điểm nầy còn phải ngăn sông, lụy phà.

Cầu Rạch Miễu xây dựng xong vào năm 2009, đi qua sông Tiền là đến huyện Châu Thành - tỉnh Bến Tre, dọc theo sông Tiền có gần 40 điểm dừng chân tham quan du lịch sông nước miệt vườn với nhiều mô hình làng nghề xen lẫn, du khách sẽ được các lữ hành đưa đi lênh đênh trên những chiếc tàu du lịch để ngắm nhìn quần thể Long, Lân, Qui, Phụng, đây là bốn cồn nằm trên sông Tiền, trong đó điểm du lịch cồn Phụng được chọn một trong những điểm tiêu biểu của đồng bằng Sông Cửu Long, du khách sẽ được chèo thuyền trong rạch nhỏ, tảng bộ trong đường làng để thương thức những trái cây ngon và uống ngụm trà mật ong, nghe đàn ca tài tử tại đây hay được đi trên những chiếc xe ngựa trên đường nông thôn hoặc tham gia tát mương bắt cá rồi thưởng thức tại chỗ cùng người dân sở tại. 
Điểm dừng chân thưởng thức trà mật ong tại Châu Thành- Bến Tre
Rời khỏi Châu Thành, đi thêm 12 km là đến TP.Bến Tre, du khách mua sản phẩm lưu niệm đặc sản có thể ghé các điểm trên đoạn đường nầy như: Kẹo Dừa Yến Hương, Thanh Long 1, Thanh Long 2, Thanh Long 3, kẹo dừa Bến Tre hoặc nhiều điểm khác trên các tuyến đường sẽ có đầy đủ những sản phẩm của quê hương như trái cây, hàng lưu niệm, kẹo dừa, bánh phồng, bánh tráng, v.v…. Thành phố Bến tre là một thành phố trẻ, khang trang, sạch đẹp; một quê hương được mệnh danh là quê hương xứ dừa (với 63 ha dừa, hơn 1/3 diện tích dừa cả nước hiện nay) cũng là nơi vương quốc cây trái, hoa kiểng, cây giống đã cung cấp trong cả nước và các nước lân cận; quê hương Bến Tre còn giữ được nét hoang sơ đặt trưng của đồng bằng Nam bộ, phù hợp cho du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, kết hợp nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử; nhiều làng nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi; đặc biệt là nhiều món ẩm thực từ dừa như: Cơm nấu trong trái dừa, tép bạt đất rang nước cốt dừa, gỏi tủ hủ dừa, bánh xèo hến với tủ hủ dừa và nhiều món bánh ăn khác với nước cốt dừa,…; sẽ tạo nhiều ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi có một chuyến thưởng ngoạn tại quê hương xứ dừa… 
Điểm dừng chân du lịch bên Cầu Rạch Miểu (Nhà hàng thủy sản Mê Kông)
Trên đường đi Trà Vinh, đến đỉnh cầu Hàm Luông, đây là cây cầu được bắt qua sông Hàm Luông, là một nhánh của dòng sông Mêkong hiền hòa, mọi người sẽ vô cùng thú vị và đầy ngạc nhiên khi mình đang ở trong giữa một rừng dừa bạt ngàn; tiếp theo Quốc lộ 60 khoảng 30 km qua phà Cổ Chiên (Cầu đang thi công) sẽ đến địa phận tỉnh Trà Vinh, một thành phố đẹp có nhiều cây cổ thụ quí giá nhất của vùng; một quê hương đa dạng nét văn hóa của nhiều dân tộc như: Kinh, Khơme, Hoa, nơi có nhiều lễ hội của các dân tộc như: Đua ghe Ngo, lễ hội Ok - Om - Bok,…; đặt biệt Trà Vinh có khu đền thờ Bác Hồ đã được xây dựng từ thập niên 60 ở thế kỷ XX và được trùng tu khang trang trở thành điểm tham quan du lịch; trong khu có tái dựng nhà sàn Bác Hồ và những sản vật bảo tồn, bảo tàng làm phong phú cho sản phẩm du lịch; kế đó là khu Ao Bà Om thơ mộng bên cạnh chùa Ân thanh tịnh, với hàng trăm cây cổ thụ được trồng xung quanh đã làm nên một quần thể tham quan tuyệt đẹp trong lòng thành phố. Đặc biệt ở Trà Vinh du khách sẽ được chiêm ngưỡng và tham gia du lịch tâm linh trên 140 ngôi chùa Khơme như: Chùa Ân, Chùa Hang,… với nét kiến trúc màu sắc độc đáo của người Khơme;
Hàng cây cổ thụ ấn tượng xung quanh ao Bà Om tại TP.Trà Vinh
Xuôi về tỉnh Vĩnh Long, du khách chỉ mất một giờ đồng hồ là đến thành phố Vĩnh Long (60 km) đây là một trong bốn tỉnh liên kết không có du lịch biển nhưng với du lịch sông nước miệt vườn đã phát triển tốt, đặc biệt là du lịch homestay đã đi vào hoạt động phục vụ khách quốc tế từ những năm 2004, sau đó mới phát triển qua Bến Tre. Đến đây du khách sẽ tiếp tục đi về các tỉnh của cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long theo quốc lộ 1A như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiêng Giang hay Đồng Tháp. Từ đây du khách có thể đi đường thủy theo dòng Mêkông đi Châu Đốc và sang Nongpenh Campuchia hặc sang sông hậu về các tỉnh cụm phía Tây ĐBSCL đến mũi Cà Mau.

Bốn địa phương của 4 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang,Vĩnh Long và Trà Vinh; có cùng bản sắc văn hóa đồng bằng Nam Bộ, cùng chia sẻ một lịch sử chung, có cùng cội nguồn, đời sống sinh hoạt cũng có nét tương đồng, giống nhau về sông nước miệt vườn có tiềm năng du lịch đa dạng, nhưng có nhiều sản phẩm đặc thù khác nhau đem lại cho du khách một điểm đến hấp dẫn; đặc biệt là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch homestays, du lịch nông thôn. Dự báo đến năm 2020 cụm sẽ đón 29% lượng khách nội địa và 56% lượng khách quốc tế của toàn vùng ĐBSCL. Đến cụm phía Đông duyên hải ĐBSCL, du khách muốn thưởng thức những món ăn đặc sản từ dừa, ăn bưởi da xanh thì đến Bến Tre; ăn bưởi năm roi thì ghé Vĩnh Long, không thể ghé Vĩnh Long mà ăn bưởi da xanh và đến Bến Tre mà ăn bưởi năm roi sẽ không ngon; muốn ăn dừa dứa, dừa xiêm thì đến Bến Tre, ăn dừa sáp thì qua Trà Vinh, muốn tham quan chợ nổi thì về Cái Bè (Tiền Giang), muốn đi du lịch biển, thưởng thức hải sản tươi sống thì xuống huyện Thạnh Phú, huyện Ba Tri - tỉnh Bến Tre hay Ba Động của tỉnh Trà Vinh… Do vậy mà mỗi tỉnh sẽ có những sản phẩm đặc thù riêng của từng địa phương trong những nét chung của đồng bằng tạo thành một sản phẩm chung của cụm, tạo nên một điểm đến hấp dẩn với nhu cầu du lịch của một chuyến hành trình trên bốn địa phương./.

"Đồng Khởi Palace" Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới - Sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào hoạt động

Bến Tre trước đây là một tỉnh lẻ phải lệ thuộc phà mới đến được; từ khi các cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông được xây dựng đến nay, việc phát triển du lịch là lợi thế cho vùng đất còn nguyên sơ mà phì nhiêu, màu mỡ trù phú do thiên nhiên ban tặng; từ đó mà du lịch phát triển mạnh, nhất là du lịch sinh thái, đồng thời mỗi năm đều có sản phẩm du lịch mới ra đời. Ngày 15/7/2014 Bến Tre vừa xây dựng và khai trương đưa vào hoạt động sản phẩm du lịch có qui mô khá và hiện đại với chất lượng thỏa mãn nhu cầu của khách và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Bến Tre hiện nay, đó là: “Đồng Khởi Palace - Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới”.

Đồng Khởi Palace là đơn vị hoạt động trực thuộc của Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre, được xây dựng tại số 16, Hai Bà Trưng, phường 2, thành phố Bến Tre; đây là một vị trí tuyệt đẹp của trung tâm thành phố Bến tre, mặt trước hướng ra hồ Trúc Giang thơ mộng, cách chợ Bến Tre khoảng 500m, thuận lợi cho du khách tham quan cảnh quan xung quanh thành phố khi đến với Đồng Khởi palace. 

Đồng Khởi Palace được thiết kế sang trọng, gồm 02 tầng lầu, nội thất trang trí hiện đại. Tầng hầm bãi đậu xe rộng rãi có khả năng chứa hơn 20 xe ôtô và hơn 500 xe môtô cùng lúc; Trung tâm với sức chức 1.800 khách, được chia ra làm nhiều sảnh đa dạng với nhiều kiểu bố trí khác nhau, có thể đón nhận từ 100 đến 1000 khách. Riêng tiệc cưới, tùy theo số lượng khách và yêu cầu của khách có thể tổ chức tại tầng trệt đến 800 khách bao gồm 02 sảnh, sảnh 500 khách và sảnh 300 khách. 
Đồng Khởi Palace - Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới
Đây là một sản phẩm du lịch, lập thành tích chào mừng 54 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam 9/7/1960 – 9/7/2014 với lời kêu gọi hướng đến “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; đồng thời cũng là thành tích đối với du lịch Bến Tre trong kỳ tổ chức Sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 09 của Tỉnh ủy và Đề án phát triển du lịch Bến Tre giai đoạn 2011-2015 vào 22/7/2014 sắp tới. 

Suy ngẫm về việc hình thành và phát triển du lịch, thì du lịch Việt Nam đã qua 54 năm hình thành và phát triển. Nhưng thực ra bắt đầu hoạt động kinh doanh chỉ từ những năm 1990, còn trước đó chỉ có vài nơi đón khách du lịch trên cả nước, một con số không đáng kể, còn đa phần du lịch chỉ làm nhiệm vụ phục vụ cho các đoàn khách của Đảng, Chính phủ trong khối XHCN đến Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn con số thống kê của năm 1990 thì có 250 ngàn khách quốc tế, năm 2013 có 7,57 triệu lượt, 6 tháng đầu năm 2014 có 4.2 triệu lượt; từ đó cho thấy rằng sự phát triển du lịch khá tốt;

Bến Tre bắt đầu kinh doanh du lịch mãi đến năm 1995, trước đó chỉ phục vụ khách TW, địa phương đến làm việc, hội nghị ở Bến Tre. Thống kê cho thấy, năm 1995 có 91 ngàn lượt khách, đến năm 2013 có 800.400 lượt khách; Ước trong năm 2014 có 900.000 lượt và năm 2015 có 1 triệu lượt khách – trong đó có 430 ngàn lượt khách quốc tế (chiếm 43%). Để đón 900.000 – 1 triệu lượt khách đến Bến Tre, đây là con số gần bằng với số dân Bến Tre, đó là một phấn đấu đáng được trân trọng.

Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre tiền thân là Công ty Du lịch Bến Tre, hiện nay có nhiều lợi thế so sánh như: Các điểm đến của công ty nằm trong vị trí đẹp của trung tâm thành phố Bến Tre; có thương hiệu mà nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến; đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và khá chuyên nghiệp, công ty thành lập từ năm 1993 nay được 31 năm, với một bề dầy đáng kể đã góp phần lớn vào cơ cấu thu hút lượng khách và doanh thu từ khách du lịch đến Bến Tre. Hy vọng Công ty CP Du lịch Bến Tre tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được và hôm nay tiếp tục đầu tư các cơ sở còn lại ngang tầm phát triển của công ty như: Nhà hàng Nổi Bến Tre, Hotel Bến Tre, khu du lịch Mêkông Resort, khai thác và phát huy tốt Đồng Khởi II. Tạo nhiều vệ tinh dịch vụ phụ trợ phục vụ du lịch.
Lễ khánh thành và khai trương Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới 
Đồng Khởi Palace là sản phẩm có qui mô tầm cở trong khu vực, để hàng năm có những sản phẩm du lịch mới ra đời trên mảnh đất thân thương của quê hương xứ dừa, việc trước tiên là các cấp, các ngành quản lý du lịch trong tỉnh cùng tất cả những người làm du lịch và toàn bộ cộng đồng dân cư hiệp sức tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhằm thu hút nhiều du khách đến Bến Tre để tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư quan tâm hơn nữa trong lĩnh vực phát triển du lịch tỉnh nhà; đặc biệt là Công ty cổ phần Du lịch Bến Tre gắn kết các Công ty lữ hành trong tỉnh liên kết với các Công ty Du lịch Tp.HCM, các đơn vị kinh doanh lữ hành, các điểm đến của Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, các tỉnh trong vùng để đón và đưa khách nối tour tạo sự lan tỏa rộng khắp trong cả nước và mở rộng đón khách quốc tế đến Bến Tre. Thể hiện vai trò công ty hàng đầu của du lịch Bến Tre trong thời gian tới./.

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Nghêu Bến Tre - Đậm đà vị ngọt miền biển

Bến Tre có bờ biển dài 65km nằm trên ba huyện giáp biển Đông và vùng lãnh hải rộng hơn 20.000km2, ngoài 4 nhánh sông chính trong hệ thống sông Mekong có chiều dài 382km như: Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai và sông Tiền, còn có hệ thống sông ngòi nội địa chằng chịt với tổng chiều dài 2.367km, hàng năm vận chuyển hàng triệu mét khối phù sa tích tụ các cửa sông.  Tất cả những điều kiện thuận lợi trên đã hình thành cho Bến Tre phát triển du lịch sinh thái với cả 3 loại hình sinh thái mặn, lợ và ngọt. Nói đến vùng sinh thái mặn, người dân Bến Tre không thể nào không kể đến con nghêu vùng ven biển Bến Tre, là một trong những tỉnh có diện tích nuôi nghêu lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên rất phù hợp cho nghêu sinh sống, đạt chuẩn sản phẩm xuất khẩu. 

Diện tích nuôi nghêu của tỉnh hiện nay là 7.164ha, diện tích có nghêu thiên nhiên sinh sản là 3.043ha. Tổng sản lượng đạt khoảng 4.489 tấn (nghêu thịt 3.848 tấn, nghêu giống 641 tấn), doanh thu khoảng 111 tỉ đồng/năm. Nghêu có xuất xứ từ Bến Tre đang có ưu thế rất mạnh về uy tín, chất lượng, hiện nay nghêu thịt được đánh giá cao về dinh dưỡng, có ruột trắng phao mà nhiều thị trường mạnh như ở Châu Âu, Đông Bắc Á, Mỹ và một số nước khác đang chú ý.

Trong ẩm thực nghêu được chế biến khá là đơn giản, không tốn nhiều thời gian nấu. Sống ở môi trường tự nhiên nên loại thủy sản này chứa nhiều vị đậm đà như vừa ngọt ngọt, vừa mặn mặn lại vừa thơm, kết hợp chất dinh dưỡng cao. Thật vậy! khi đến du lịch vùng biển đừng bỏ qua các món ăn làm từ nghêu, có rất nhiều món ăn ngon miệng và hấp dẫn như cháo nghêu, nghêu hấp sả, nghêu nấu canh với lá bù ngót, nghêu xào tủ hủ dừa (củ hủ dừa), súp nghêu với đậu hủ non, ... tuy nhiên nghêu hấp sả kết hợp với muối tiêu chanh hay nước mắm chua ngọt vẫn thông dụng nhất vừa không làm mất đi độ ngọt vốn có mà còn dễ chế biến, phần nước sau khi hấp nghêu có vị ngọt thanh nên còn được tận dụng làm món canh, chỉ cần bỏ thêm đậu hủ, một vài lá quế để làm tăng thêm mùi vị và nêm nếm cho vừa ăn là có món canh hấp dẫn, du khách lưu ý là ăn nghêu phải ăn khi nóng mới ngon, thơm và giòn. Đối với các món nghêu để nấu cháo, món canh hay đem xào thì vất vả hơn; người thợ nấu làm phải tách vỏ nghêu ra lấy phần thịt sau đó tẩm ướp gia vị mới đem ra chế biến.


Hiện nay tại các điểm du lịch sinh thái vùng ven biển như Thừa Đức (Bình Đại), An Thủy (Ba Tri) hay Thạnh Hải (Thạnh Phú) du khách sẽ dễ dàng thưởng thức các món ăn được chế biến từ nghêu, bên cạnh đó có rất nhiều thủy hải sản khác như: cua, sò, ốc cá ,… với giá rẻ mà lại tươi ngon; đồng thời kết hợp với không gian mát mẻ, hoang sơ sẽ là lựa chọn cho nhiều du khách khi đến với vùng biển Bến Tre./.

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Du lịch Châu Thành đang được đầu tư hạ tầng đường giao thông

Đường giao thông tại các điểm du lịch của xã Tân Thạch, Quới Sơn và Giao Long thuộc dự án phát triển du lịch 8 xã ven Sông Tiền,  kết quả đấu thầu gói thầu xây dựng giai đoạn 1 về công trình xây dựng hạ tầng đường giao thông theo Quyết định số: 4591/QĐUBND, ngày 27/6/2014 của Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phê duyệt.

Vào lúc 8 giờ ngày 15/7/2014, Ban Quản lý Dự án huyện Châu Thành đã tổ chức khởi công công trình thuộc gói thầu trên (của giai đoạn 1), tại Ủy ban nhân dân xã Giao Long; đến dự lễ khởi công có sự tham dự của ông Trần Văn Cồn - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Thiếu tướng Võ Hồng Quang - Nguyên Chỉ huy trưởng Lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre, Lãnh đạo sở và lãnh đạo các phòng ban phụ trách du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo huyện và các phòng ban của huyện Châu Thành; lãnh đạo các xã Tân Thạch, Quới Sơn, Giao Long và đông đảo bà con trong huyện, nhất là nhân dân của 3 xã tham gia dự án đã tham dự và ủng hộ nồng nhiệt.

Gói thầu đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại Phước An liên doanh cùng Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Phi Hải trúng thầu xây dựng với giá trị gói thầu là 28.353.740.000 đồng, sẽ thực hiện trong thời gian 730 ngày, kể từ ngày làm lễ khởi công xây dựng (15/7/2014).

Tuyến đường chính dài 7.120,5m, chiều dài phần đường là 6.963,4m (sau khi đã trừ phần cầu và cống). Điểm đầu tuyến từ tiếp giáp bến phà Rạch Miễu cũ đến đường vào cảng Giao Long; mặt đường rộng 6m láng nhựa 2 lớp, bó vĩa hè mỗi bên rộng 1m; tải trọng trục xe 10 tấn, tốc độ thiết kế 30km/h. Riêng đoạn khu dân cư thì mặt đường rộng 4m và vĩa hè 1,25m; đoạn từ km0+000 đến km0+375 không bó vĩa hè. Trong tuyến sẽ xây dựng 4 cầu là: cầu Ba Luông, cầu Chùa, cầu 17-1, cầu 22-12 và 3 cống bằng bê tông cốt thép có bố trí tường đầu cánh, khe phai.
Khởi công công trình hạ tầng giao thông du lịch 8 xã ven Sông Tiền
Đây là một công trình mà mọi người đang mong đợi, nhất là đối với những người quản lý du lịch cũng như những người tham gia du lịch; và đây cũng là dấu ấn bước đầu đã nói lên sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến huyện và xã, đồng thời cũng dự báo tình hình phát triển du lịch của huyện Châu Thành nói riêng, của tỉnh Bến Tre nói chung sẽ thuận lợi vì Châu Thành là cửa ngõ của tỉnh và cũng là trọng điểm du lịch trong toàn tỉnh./.

Làm du lịch phải đi đôi với "Trách nhiệm"

Trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước nước từng bước thúc đẩy việc phát triển du lịch Việt Nam, đã có nhiều chính sách nhằm đổi mới diện mạo của đất nước phát triển theo chiều hướng có lợi, đặc biệt là về đối ngoại tạo nên tiền đề cho ngành du lịch từng bước hoàn thiện, tác động tích cực nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Bến Tre với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng du lịch dồi dào cả về dịch vụ lẫn giá trị văn hóa - lịch sử, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh cũng từng bước đưa môi trường hoạt động du lịch lên một bước tiến mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó phát triển du lịch hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, gây nguy cơ rất lớn đến định hướng phát triển lâu dài. Hoạt động du lịch là một tổ hợp có mối quan hệ chặt chẽ, các doanh nghiệp, các cá nhân tham gia phải thấy rõ vai trò chủ động, là cầu nối, là kênh truyền tải các giá trị văn hóa đến nhận thức của cộng đồng; từ đó mà những người làm du lịch phải đi đôi với trách nhiệm, đảm bảo tính bền vững, mang lại lợi ích về mọi mặt đời sống, giảm thiếu tối đa tác động tiêu cực mang lại.

Ở Bến Tre hiện nay loại hình du lịch có trách nhiệm vẫn còn khá mới mẻ nhưng lại là mục tiêu của sự bền vững. Bản chất của loại hình này là điều chỉnh các loại hình du lịch khác, hướng đến mục tiêu chung trong sự hài hòa phát triển ngành du lịch, đem lại bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch đồng thời góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo dựng một môi trường lành mạnh. Nói cách khác, du lịch có trách nhiệm được hiểu là trách nhiệm của các tổ chức và du khách về kinh tế, xã hội và môi trường trong tất cả các lĩnh vực hoạt động du lịch, từ hoạch định chính sách đến quy hoạch, khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm, tổ chức kinh doanh và phục vụ khách du lịch. 

Xác định đây là mục tiêu mang tầm giá trị, là định hướng lâu dài nên các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch Bến Tre đã và đang lồng ghép, đưa vào loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch vui chơi giải trí và mua sắm… song song đó là các dịch vụ đò chèo, đi xe đạp đường quê hay nghỉ đêm và sinh hoạt chung với người dân địa phương, ... nhằm hướng du khách tìm về với thiên nhiên, thấy được giá trị của cuộc sống nông thôn để từ đó có biện pháp bảo tồn tài nguyên. Doanh nghiệp đã bước đầu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn, hàng loạt cửa hàng bán hàng lưu niệm tại điểm du lịch ra đời, kéo cộng đồng vào cùng tham gia và hưởng lợi. 
Du khách đi xe đạp tham quan cảnh làng quê ở Châu Thành – Bến Tre
Nhìn thấy được tầm quan trọng mà du lịch mang lại nhưng vẫn có một số ít doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch đang có chiều hướng đi chệch hướng. Áp lực về doanh thu và thu hồi vốn đầu tư khiến họ không tuân thủ trách nhiệm của mình thông qua việc cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận, hạ giá thành kéo theo dịch vụ không đảm bảo về chất lượng, đặc biệt nhất là vào thời cao điểm. Vấn đề vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt nông thôn tại nơi có tham gia loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Chợ Lách hay vùng ven thành phố Bến Tre phải từng bước cải tạo hoàn thiện để ngôi nhà chung ngành du lịch Bến Tre có tiến vang tốt đẹp đến du khách gần xa, đó là trách nhiệm của những nhà làm du lịch. 

Để du lịch Bến Tre cơ hội phát triển gắn liền với trách nhiệm cho hiện tại và mai sau đòi hỏi có sự tự giác nhận thức bởi du lịch trách nhiệm không phải là một sản phẩm cụ thể nào, mà là người làm du lịch, đi du lịch và hưởng lợi từ du lịch phải thể hiện được trách nhiệm của mình với môi trường, với cộng đồng và xã hội. Chúng ta phải không ngừng khai thác và sử dụng kịp thời những tour du lịch, sản phẩm và dịch vụ xanh, đồng thời nâng cao ý thức của người hoạt động và người sử dụng có trách nhiệm hơn./.

Du lịch Nam thành phố Bến Tre - Một điểm nhấn du lịch

Du lịch Nam thành phố Bến Tre gồm các xã: Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh và Phú Nhuận. Nơi đây với hệ thống sông rạch chằng chịt, sông nước hữu tình, con người hồn nhiên và đôn hậu. Có lẽ vậy, trong những năm gần đây khu vực Nam thành phố Bến Tre đã hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái vườn và các tour du lịch ven thành phố Bến Tre đã được các công ty lữ hành tại đây đưa vào khai thác, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến khám phá và trải nghiệm.

Du lịch sinh thái vùng ven thành phố Bến Tre chỉ mới phát triển trong những năm gần đây, và chỉ mới phát triển mạnh kể từ năm 2010 đến nay. Tuy có bước hình thành và phát triển khá muộn so với các địa phương khác như: Châu Thành, Chợ Lách, nhưng du lịch sinh thái vùng ven thành phố Bến Tre có bước phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng dịch vụ. Hiện thành phố Bến Tre có 8 cơ sở hoạt động du lịch, 45 cơ sở lưu trú, một làng nghề dệt chiếu truyền thống (Nhơn Thạnh), trong đó có một số điểm lớn như: Lan Vương, Mười Nở, Dừa Xanh,…

Thành phố Bến Tre với sự duyên dáng, e ấp của một thành phố trẻ và năng động như có sức hấp dẫn với du khách. Về thành phố Bến Tre, du khách có dịp tham quan hồ Trúc Giang với vẻ đẹp lãng mạn, khung cảnh thiên nhiên hữu tình thơ mộng, du khách có thể đi dạo quanh hồ để cảm nhận được yên bình nơi một vùng đất mới, hay tham quan bảo tàng Bến Tre toạ lạc tại số 146 đường Hùng Vương, phường 3, thành phố Bến Tre, trong một khuôn viên rộng hơn 13.000m2. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với những cánh cửa hình vòm đặc trưng gồm một tầng trệt và một tầng lầu, diện tích 474 m2. Mặt chính ngôi nhà hướng về phía sông Bến Tre, mặt sau hướng về đường Cách mạng tháng Tám, một trong những con đường nhộn nhịp nhất của thành phố Bến Tre. Đây là điểm hẹn của nhân dân trong tỉnh, sinh viên, học sinh, khách du lịch trong và ngoài tỉnh muốn tìm hiểu về vùng đất xứ dừa, lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân Bến Tre trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Về Bến Tre, du khách có thể tham gia một chương trình tour tham quan du lịch vùng ven thành phố với nhiều khám phá thú vị. Khởi hành từ bến tàu Hùng Vương, du khách sẽ xuống tàu xuôi theo dòng sông Bến Tre bắt đầu hành trình khám phá du lịch các xã ven thành phố Bến Tre. Trên tàu du lịch, du khách sẽ được ngắm nhìn chiếc cầu Bến Tre với lối kiến trúc đẹp, được bắc ngang sông Bến Tre nối liền trung tâm thành phố Bến Tre với các xã ven thành phố như: Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh, Phú Nhuận, nối liền tỉnh lộ 887 đi các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, ngắm chợ Bến Tre duyên dáng bên dòng sông Bến Tre hiền hòa, cùng khách sạn Việt Úc đạt chuẩn 3 sao càng tô điểm thêm vẻ đẹp tráng lệ của thành phố Bến Tre ở vùng sông nước xứ dừa. Dọc hai bên sông là những cơ sở lột dừa, và chế tác các sản phẩm từ dừa trái như: cơm dừa, thạch dừa,.... Xa xa, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những con thuyền chở đầy ắp dừa xuôi theo dòng sông Bến Tre như một bức hữu tình về một vùng quê sông nước yên bình và thơ mộng. 

Xuôi theo dòng sông Bến Tre, phía bên kia sông thuộc địa phận xã Mỹ Thạnh An, du khách sẽ bắt gặp những sinh hoạt thường nhật của người dân vùng sông nước như: đăng lưới, bắt tôm, đặt lộp,…. Điểm đến đầu tiên, du khách ghé vào tham quan lò gạch thuộc xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre của gia đình chú Tư Lô, để tìm hiểu các quy trình cơ bản để làm nên những viên gạch sử dụng trong ngành xây dựng, được chủ lò gạch dẫn đi tham tham quan xung quanh lò gạch, và nghe hướng dẫn viên du lịch địa phương giới thiệu những nét độc đáo về lò gạch, các công đoạn làm gạch. Điểm tham quan lò gạch này được du khách quốc tế rất thích bởi đối với họ nó rất mới lạ và hấp dẫn mà ở sở quốc của họ không bao giờ có được. Sau khi tham quan lò gạch xong, du khách trở lại tàu du lịch và tiếp tục chuyến hành trình. Thuyền lướt êm như ru rẽ vào một nhánh sông nhỏ với cảnh vật hai bên là những hàng dừa nước xanh um, đan xen với những hàng bần, một loại cây đặc thù của vùng sông nước, những hàng dừa cao vút thẳng tấp, sai quả nghiêng mình bên dòng sông, những vườn trái cây như: cam, chanh, bưởi như e ấp nép mình trong ánh nắng, tỏa hương sắc trên miền sông nước Bến Tre. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo thành một không gian xanh sông nước hữu tình, hít một làn gió mát giữa chốn sông nước du khách như quên đi tất cả ưu phiền, lo toan của đời sống thường nhật để cảm nhận sự yên bình, hòa hợp của mây, trời, sông nước, cỏ cây.
Tham quan lò gạch là một điểm đến thú vị cho du khách quốc tế
Thuyền dừng lại một cơ sở chuyên lột dừa và làm cơm dừa nằm nép mình bên sông để tìm hiểu nghề sản xuất cơm dừa thủ công, du khách sẽ chứng kiến hình ảnh những công nhân lột dừa, đập dừa, cạy cơm dừa nhanh thoăn thoắt như những người thợ lành nghề, qua tìm hiểu thì những người công nhân này đều là người dân ở địa phương, cuộc sống của họ gắn liền với nghề lột dừa này đã mười mấy năm rồi, một anh công nhân vui vẻ cho biết! Có chứng kiến du khách mới thấy “Đúng là trăm hay không bằng quen tay!”. Mỗi người ở đây trung bình lột khoảng 1.800 trái dừa/ngày. Du khách cũng có thể trải nghiệm lột thử trái dừa qua sự hướng dẫn tận tình của những người thợ chân chất, thật thà, nó sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ trong chuyến đi của đoàn. Cách cơ sở lột dừa không xa là một điểm du lịch miệt vườn khá khang trang, lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập khách ra vào, mà hầu hết du khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau với đa dạng các nền văn hóa trên thế gới, phía trước điểm du lịch này có một quầy dịch vụ, trưng bày giới thiệu đến du khách nhiều mặt hàng lưu niệm độc đáo, lạ mắt như: các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa, dầu dừa, xà bông dừa, kẹo dừa,… Với không gian thoáng mát, sông nước hữu tình, du khách đến đây sẽ được chủ điểm du lịch mời thưởng thức tách trà mật ong thơm lừng, nhưng du khách nhớ vắt thêm ít “tắc chín” vào thì hương vị sẽ ngon hơn, thưởng thức trái cây miệt vườn với nhiều loại trái cây ngon như: Bưởi, mận, mít, nhãn, khóm, xoài,... và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật dân gian khá độc đáo đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 
Đa dạng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách quốc tế
Tiếp tục chuyến hành trình du khách sẽ đến cơ sở sản xuất kẹo dừa thuộc xã Nhơn Thạnh, tham quan quy trình làm kẹo dừa thủ công truyền thống, thưởng thức kẹo dừa nóng hỏi tại lò, nhai chầm chậm viên kẹo dừa, du khách sẽ cảm nhận được hương vị ngọt ngào, thanh khiết và béo ngậy của nước cốt dừa tan nơi đầu lưỡi, và có thể mua một ít kẹo dừa ở đây về làm quà cho người thân và bạn bè trong chuyến du lịch thú vị này. Rong ruổi tiếp cuộc hành trình, thuyền đưa cả đoàn đến chợ Nhơn Thạnh, du khách sẽ thả bộ tham quan làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh khá nổi tiếng ở Bến Tre để tìm hiểu về nghề dệt chiếu truyền thống, mọi người có thể thử dệt chiếu qua sự hướng dẫn nhiệt tình của nghệ nhân, để được trải nghiệm sản phẩm nơi làng nghề truyền thống. Nó sẽ có phần hơi khó khăn cho du khách bởi chưa quen tay, nhưng tất cả sẽ làm cho du khách thật sự ấn tượng. Sau đó, cả đoàn sẽ được mời lên chiếc xe lôi máy mang dáng dấp khá lạ mắt, đưa du khách băng qua những đường làng râm mát, với những hàng dừa xanh mát, những vườn cây ăn trái, những ruộng lúa, khu vườn, những liếp rau màu như: Đậu, khoai, sắn,… lần lượt vùn vụt qua mặt, ngắm cảnh sinh hoạt đời sống thường nhật của người dân xứ dừa với cảnh làng quê bình dị. Dừng chân tại một nhà hàng sinh thái “Dừa Xanh” thưởng thức các món ăn dân dã đồng quê với các món ăn mang đậm hương vị miệt vườn như: Tép rang dừa, cá tai tượng chiên xù, gỏi bưởi, cá kèo kho tiêu, cá lóc nướng trui, canh chua cá ngát,… giữa một không gian xanh, thật sự sẽ là một dấu ấn khó phai trong lòng mỗi du khách. Nằm đong đưa trên chiếc võng dưới không gian mát rượi của những cây dừa tỏa bóng mát, thưởng thức nước dừa xiêm thơm mát, du khách như cảm thấy mát lòng, ấm áp tình quê hương xứ sở, để rồi trong lòng mình như cảm nhận được tình cảm dạt dào với quê hương xứ dừa “Thương lắm Bến Tre ơi!”.

Một trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá du lịch vùng ven thành phố Bến Tre là du khách sẽ đi xuồng chèo trên con rạch dừa nước nhỏ ngoằn ngèo, quanh co, uốn lượn với hai bên là những hàng dừa nước xanh um, vươn sức sống mãnh liệt giữa vùng sông nước, xen lẫn là những hàng bần hay còn gọi là cây “thủy liễu” nở hoa thơm ngát, vươn mình trong gió như đong đưa chào gọi du khách. Hay những cái vẫy tay chào, những nụ cười thân thiện, mến khách, đôn hậu, chất phác của người dân nơi đây sẽ làm du khách khó quên. Trở ra sông Bến Tre, lên thuyền lớn kết thúc chương trình tham quan du lịch vùng ven thành phố Bến Tre với biết bao trải nghiệm thú vị. Chia tay thành phố Bến Tre với biết bao kỉ niệm đáng nhớ về một Bến Tre thân thiện và mến khách, một thành phố trẻ, năng động và ngày càng phát triển. Hẹn một ngày không xa sẽ trở lại Bến Tre để được tiếp tục khám phá những điều độc đáo đang chờ đón.
Chèo xuồng trong rạch dừa nước - Một sản phẩm du lịch độc đáo của du lịch sông nước vùng ven thành phố Bến Tre
Bến Tre với những cảnh đẹp thiên nhiên của vùng sông nước miệt vườn, văn hóa Bến Tre độc đáo, lịch sử Bến Tre hào hùng, con người Bến Tre mến khách, ẩm thực Bến Tre đa dạng và mang hương vị độc đáo riêng, quê hương “Đồng Khởi” anh hùng được mệnh danh là “Xứ sở dừa Việt Nam” vẫn đọng mãi trong lòng du khách trong và ngoài nước với những tình cảm dạt dào, sâu lắng khó quên, những âm vang xứ dừa Bến Tre qua những câu thơ ngọt ngào và sâu lắng: 
“Xứ dừa sao gọi Bến Tre?
 Khi đi xa nhớ lòng nghe nỗi niềm
 Hàm Luông, Cửa Đại, Cổ Chiên
 Ba Lai sóng vỗ cuối miền Cửu Long”./.

Ngành Du lịch long trọng kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống

(TITC) - Sáng ngày 7/7/2014, Lễ kỷ niệm 54 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam đã trang trọng diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. 

Buổi lễ có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu, Ban quản lý Dự án ESRT do EU tài trợ; đại diện một số Ban, Bộ, Ngành; toàn thể cán bộ viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, 300 học sinh, sinh viên một số trường đại học, cao đẳng du lịch tại Hà Nội cùng đại diện các Đài truyền hình, cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại lễ kỷ niệm
Cách đây 54 năm, ngày 09/7/1960 đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam với sự thành lập Công ty Du lịch Việt Nam theo Nghị định số 26/CP của Hội đồng Chính phủ, ghi nhận sự khởi đầu của một ngành kinh tế được định hướng phát triển trên cơ sở khai thác,  phát huy các giá trị tài nguyên của đất nước. Nếu lấy năm 1990 là thời điểm khởi đầu của thời kỳ đổi mới, ngành Du lịch mới đón tiếp và phục vụ được 250 nghìn lượt khách quốc tế, thì đến năm 2013, con số này đã tăng trên 30 lần, đạt 7,57 triệu lượt khách. Trong thời gian đó, lượng khách du lịch nội địa cũng tăng trưởng mạnh mẽ, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 đến 35 triệu lượt năm 2013. Sự tăng trưởng không ngừng về lượng khách đã thúc đẩy nhanh chóng hiệu quả kinh tế đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước. Tổng thu từ khách du lịch năm 2013 đạt 200 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,78 tỷ USD), chiếm khoảng 6% GDP, đặc biệt tốc độ tăng trưởng về tổng thu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng lượng khách.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm
Sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, vận chuyển, tổ hợp dịch vụ đã khẳng định quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ của ngành Du lịch phát triển vượt bậc, thu hẹp khoảng cách với khu vực và quốc tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng, các khu, điểm du lịch hình thành trên phạm vi cả nước với nhiều điểm đến mới có quy mô và chất lượng quốc tế là nền tảng thu hút ngày càng nhiều, phục vụ ngày càng tốt hơn dòng khách trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, sau 54 năm hình thành và phát triển, đến nay Du lịch Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để có thể khẳng định rõ vị thế là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp hiệu quả cho công cuộc dựng xây đất nước, đồng thời có vai trò tích cực trong xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước với nền văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đến bạn bè quốc tế trong quá trình giao lưu hội nhập quốc tế.

Các đại biểu tham dự cũng đã chứng kiến đại diện của Dự án EU, bà Mary McKeon, Trưởng nhóm Tư vấn của Dự án trao Bộ tài liệu Hướng dẫn vận hành Trung tâm Thông tin Du lịch của các địa phương do Dự án xây dựng cho Tổng cục Du lịch và cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo nhằm phát triển năng lực xây dựng và quản lý các Trung tâm này tại các địa phương trên toàn quốc.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Thị Điệp thay mặt Tổng cục Du lịch nhận Bộ tài liệu từ Bà Mary McKeon
Nhân dịp này, Tổng cục Du lịch đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh tăng trưởng du lịch nội địa tại các vùng ven biển, hải đảo, vùng núi có tiềm năng phát triển du lịch; khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương; quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách. Chương trình sẽ được triển khai trên cả nước để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng liên tục của ngành Du lịch, đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường, xóa đói giảm nghèo.

Tại lễ kỷ niệm, 300 học sinh, sinh viên của một số trường đại học, cao đẳng du lịch với trang phục và cờ phướn mang biểu tượng và khẩu hiệu “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” và “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã đạp xe diễu hành trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội để tuyên truyền, cổ vũ người dân Việt Nam đi du lịch nội địa, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc, cùng đóng góp xây dựng đất nước.

Các học sinh, sinh viên tham gia đạp xe diễu hành

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn

Trà Vinh triển khai thực hiện “Đề án phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”

Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 phê duyệt "Đề án phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020".

Mục tiêu của "Đề án phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020" phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với xóa đói giảm nghèo. Đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm, đa dạng các sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch góp phần làm tăng thêm giá trị về văn hóa, giá trị các di tích đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích trong việc phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, tăng cường giao lưu văn hóa và mối quan hệ hữu nghị hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước. Đến năm 2020, du lịch Trà Vinh đón 1.397.000 khách, doanh thu từ du lịch đạt 372 tỉ đồng góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thị trường khách du lịch của tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 xác định chủ yếu vẫn là thị trường du lịch nội địa truyền thống đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ; khai thác thị trường phía Bắc, phát triển thêm thị trường khách du lịch Đông Nam Á (đặc biệt là Campuchia), Việt Kiều và khách du lịch Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ.

Tổ chức không gian du lịch Trà Vinh chia làm 4 cụm chính:
Cụm du lịch trung tâm thành phố Trà Vinh và phụ cận bao gồm các điểm du lịch như: Di tích danh thắng cấp quốc gia Ao Bà Om; di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Chùa Âng, Chùa Ông Mẹt, Chùa Phước Minh Cung; Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ, cù lao Long Trị. Sản phẩm du lịch chính của cụm này gồm: Tham quan các khu di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc; vui chơi giải trí; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; hội nghị, hội thảo.

Cụm du lịch Duyên Hải – Ba Động bao gồm thị trấn Duyên Hải, bãi tắm Ba Động, các khu rừng ngập mặn xã Dân Thành, Long Hữu, Trường Long Hòa, mỏ nước khoáng Long Toàn. Sản phẩm du lịch tiêu biểu: Nghỉ mát, tắm biển; tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái nập mặn; thưởng thức đặc sản.

Cụm du lịch Trà Cú – Cầu Kè – Tiểu Cần gồm các tài nguyên du lịch: Khu di tích phế tích kiến trúc Lưu Cừ II, chùa Nodol, chùa Vàm Rây, lễ hội Nguyên Tiêu, Lễ hội Vu Lan, đặc sản trái cây cù lao Tân Quy, khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), nhà cổ Cầu Kè. Sản phẩm du lịch của cụm: Tham quan nghiên cứu, vườn chim, vườn cò, lễ hội, du lịch tâm linh, biểu diễn đờn ca tài tử Nam bộ.

Cụm du lịch Cầu Ngang - Châu Thành: Đây là du lịch phụ trợ cho cụm du lịch trung tâm gồm: Thị trấn Cầu Ngang, cồn nghêu, hàng dương, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại các cù lao Long Hòa, Hòa Minh. Sản phẩm du lịch gồm: Du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, ăn uống, tham quan, trải nghiệm.
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới "Đề án phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020" tập trung lập các Đồ án quy hoạch phân khu các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu du lịch sinh thái cù lao Long Trị, thành phố Trà Vinh; khu du lịch sinh thái Hàng dương, huyện Cầu Ngang; khu du lịch sinh thái cù lao Tân Quy, huyện Cầu Kè; khu du lịch sinh thái cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành; khu du lịch sinh thái cù lao Hòa Minh, huyện Châu Thành. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống khách sạn, các công trình dịch vụ phụ trợ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch... Đề án dự kiến bố trí kinh phí 239 tỉ đồng để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử 146 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước và kêu gọi đầu tư, xã hội hóa.

Cùng với những chính sách ưu đãi đầu tư "Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, điểm đáng tin cậy cho doanh nghiệp, nhà đầu tư" là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.

Trà Vinh phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long. Người Trà Vinh hồn nhiên, thật thà và mến khách, chính sự thân thiện ấy sẽ tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến với quê hương Trà Vinh.
Nguồn: www.dulichtravinh.com.vn

Vĩnh Long thu hút khách tham quan các điểm du lịch văn hóa

Năm 2014, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đón 950.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 200.000 lượt khách quốc tế với tổng doanh thu 210 tỷ đồng. 

Để đạt được chỉ tiêu này, bên cạnh loại hình đặc trưng là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đang tập trung giới thiệu, thu hút khách du lịch đến tham quan các di tích lịch sử-văn hóa và làng nghề trên địa bàn.

Theo ông Lưu Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Xúc tiến Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, với phương châm phục vụ khách du lịch ngày càng tốt hơn khi đến tham quan các di tích lịch sử-văn hóa, ngành tập trung bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ thuyết minh viên. 

Để du khách hiểu về lịch sử địa phương, hiểu về di sản của tỉnh thì người thuyết minh đóng vai trò rất quan trọng. Đây là lực lượng trực tiếp truyền tải vẻ đẹp và giá trị văn hóa của mỗi điểm du lịch hay di tích; từ đó tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách, có tác dụng mời gọi du khách quay lại tham quan và quảng bá cho di tích.

Năm 2014 Trung tâm Thông tin - Xúc tiến Du lịch tỉnh phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, các ngành chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng, cung cấp cho thuyết minh viên một số kỹ năng du lịch, kỹ năng thuyết minh diễn cảm, khả năng soạn một bài thuyết minh có chất lượng, kỹ năng thuyết minh tại một điểm di tích có trưng bày và không có trưng bày. 

Ông Nguyễn Văn Giàu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết Vĩnh Long có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tuy nhiên ngành kinh tế này của tỉnh hiện vẫn chưa phát triển. 

Một trong những nguyên nhân là do nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. 

Vì thế phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong những biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, là nhân tố cơ bản của phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, góp phần hoàn thành mục tiêu đến 2015 là lao động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh đề u được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

Vĩnh Long hiện có trên 450 di tích, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh. 6 tháng qua, các điểm di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng đã đón tiếp gần 220.000 lượt khách tham quan.

Một số di tích thu hút đông khách tham quan như khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) với trên 36.500 lượt khách tham quan; Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (huyện Long Hồ) gần 26.000 lượt khách tham quan; Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang (huyện Tam Bình) trên 7.100 lượt khách tham quan; Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long gần 10.000 lượt khách tham quan.../.

Nguồn: TTXVN

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Hội nghị Tổng kết dự án Nâng cao chất lượng điểm du lịch tỉnh Bến Tre

Tại hội trường Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTTDL); Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết dự án Nâng cao chất lượng điểm du lịch tỉnh Bến Tre vào lúc 14 giờ ngày 10/7/2014.

Đến dự Hội nghị có đại diện của Sở VHTTDL, Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KHCN), các phòng - ban của Sở VHTTDL và Sở KHCN; các phòng VHTT các huyện –thành phố, các doanh nghiệp và các đ/c tham gia thực hiện dự án và với sự có mặt của các phóng viên Đài PTTH Bến Tre, Báo Đồng Khởi, Thông tấn xã Việt Nam tại Bến Tre để đưa tin.

Sau khi ông Trần Duy Phương - Chủ nhiệm dự án (Phó Giám đốc Sở VHTTDL) báo cáo tóm tắt tổng kết kết quả thực hiện dự án đã được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh nghiệm thu vào ngày 31/5/2014 và đánh giá dự án đạt loại khá. Các thành viên thực hiện dự án đã nhận được những lời góp ý, nhận xét chân tình từ các các đại biểu trong hội nghị, đồng thời có những ý kiến góp ý cho việc tiếp tục phát triển theo mô hình dự án đạt được nhằm nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh và có thêm nhiều ý tưởng phục vụ trong công tác thông tin - xúc tiến du lịch sắp tới.
Toàn cảnh của Hội nghị Tổng kết dự án Nâng cao chất lượng điểm du lịch tỉnh Bến Tre
Từ những hoạt động thiết thực của dự án, ngành du lịch tỉnh mong rằng các sở, ban, ngành có liên quan, nhất là sự quan tâm của Sở KHCN xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục cho chủ trương và kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực thường xuyên; sau dự án nầy sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đến những điểm du lịch còn lại trong tỉnh để nâng cao chất lượng dịch vụ và cảnh quan của các điểm nhằm thu hút và tạo lại ấn tượng tốt trong lòng du khách khi đến du lịch tại quê hương nổi tiếng với nhiều sản phẩm từ dừa./.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Bến Tre - Hướng đến phát triển du lịch bền vững nhân kỷ niệm ngày Du lịch Việt Nam (9/7/2014) và ngày Du lịch Thế giới (27/9/2014)

Hướng đến kỷ niệm 54 năm ngày du lịch Việt Nam 09/7/1960 - 09/7/2014 và hưởng ứng chủ đề ngày du lịch thế giới 27/9/2014 "Du lịch và Phát triển cộng đồng" sẽ được tổ chức tại thành phố Guadalajara, đất nước Mehico, nhằm nhấn mạnh tiềm năng của ngành du lịch trong việc đem lại cơ hội sinh kế cho các cộng đồng trên toàn thế giới và đề cao sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch bền vững. Đây là thông điệp đầy ý nghĩa không chỉ tôn vinh vai trò của du lịch ảnh hưởng đến các giá trị về văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế mang lại cho thế giới mà trong đó có Viêt Nam đang hướng đến. 

Bến Tre với lợi thế đặc thù vị trí địa lý tự nhiên, hệ thống sông ngòi chằn chịt, hằng năm mang lại nguồn lợi lớn từ phù sa bồi đắp tạo nên vùng đất tươi tốt, màu mỡ, cây trái sum xuê trĩu quả quanh năm kết hợp với tình cảm hiếu khách của người dân ba dải cù lao tạo nên thế mạnh để du lịch nông thôn phát triển. Các dịch vụ phục vụ du khách được đầu tư hòa lẫn với nét hoang sơ vốn có cũng như tập quán sinh hoạt của người dân địa phương.

Sáu  tháng đầu năm 2014 tỉnh Bến Tre đã đón gần 452.000 lượt khách, tăng 14% so cùng kỳ; đạt 53% so kế hoạch năm 2014. Trong đó khách quốc tế chiếm 200.500 khách, tăng 15% so cùng kỳ, đạt 52% so kế hoạch năm 2014; khách nội địa chiếm 251.500 khách, tăng 13% so cùng kỳ, đạt 53 % so kế hoạch năm 2014. Tổng thu từ du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt: 282 tỉ đồng, tăng 24% so cùng kỳ; đạt 51% so kế hoạch năm 2014. Nhìn từ các số thống kê nầy, chúng ta có thể thấy, du lịch Bến Tre ngày nay đang dần dần phát triển ngành công nghiệp không khói nhằm góp phần vào an sinh xã hội, cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Các công ty, cơ sở kinh doanh trên lĩnh vực lưu trú, ăn uống đã dần chuyển mình, nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin, tạo mối liên kết bền vững đưa sản phẩm du lịch trở nên đa dạng và mang nét đặc thù của tđịa phương. Tính đến thời điểm này, tỉnh Bến Tre đã ghi  nhận được nhiều đơn vị tham gia chương trình  Kích cầu du lịch trong mùa thấp điểm năm 2014 như: Công ty TNHH  Du lịch Hàm Luông, Công ty TNHH Khách sạn Việt - Úc, Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre, Công ty TNHH - TM Lô Hội (Forever Green Resort), Công ty TNHH MTV du lịch sinh thái Bảo Duyên, Khách sạn Đại An,… với nhiều chương trình khuyến mãi, hoạt động phong phú nhằm thu hút khách nhiều hơn đặc biệt là lưu giữ khách ở lại Bến Tre dài ngày.

Hiện nay việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông đã và đang được triển khai, một số dự án đưa vào sử dụng phục vụ du lịch điển hình Dự án cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch Lộ Bờ Dừa thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách; hệ thống cầu, đường về các huyện Chợ Lách, Bình Đại, Ba Tri , Thạnh Phú cũng đã hoàn thiện như: Nâng cấp tuyến QL.60, QL.57, ĐT 884, ĐT 885, ĐT 886, ĐT887, ĐH 175; Đường ô tô đến trung tâm các xã An Khánh, Phú Túc, Phú Đức, Tân Phú,... Xây dựng giao thông nông thôn, đã nhựa hóa và bê tông hóa 4.295km và 151,4km đường đá dăm; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Cầu: xây dựng các cầu Hàm Luông, cầu Ván, 13 cầu trên QL.57, 10 cầu trên ĐT.883; cầu Phong Nẫm. Đang xây dựng cầu Chợ Lách, cầu Cổ Chiên. Xây dựng mới 750 cây cầu vùng nông thôn với 23.150md; các hệ thống thông tin, truyền thông, điện, nước, y tế, giáo dục cũng được đầu tư phủ khắp địa bàn toàn tỉnh đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, thúc đẩy các loại hình du lịch phát triển, đặc biệt là tập trung kêu gọi đầu tư cho du lịch biển của ba huyện vùng biển. 

Các dự án đầu tư du lịch như dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre; Điểm dừng chân du lịch An Khánh; Trạm dừng chân Phú An Khang;  Điểm du lịch sinh thái Vườn chim Vàm Hồ; Khách sạn Dừa; Khu du lịch Biển phù sa  - Thừa Đức - Bình Đại; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Mekong Pearl; Dự án Bến tàu khách du lịch Rạch Miễu - Bến Tre, ... đang phát triển theo chiều hướng thuận lợi, có một số dự án dự kiến sẽ hoàng thành vào cuối năm 2014. 
Hoạt động của du lịch cộng đồng 
Du khách đi du lịch sinh thái
Để hưởng ứng ngày du lịch Việt Nam và ngày du lịch thế giới, mỗi công ty, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch và những người quản lý ngành du lịch cùng những người làm du lịch với tâm quyết trong nghề cần phải điểm qua và đánh giá lại hoạt động thời gian qua của từng năm để cùng đồng hành trong sự phát triển của ngành nhằm góp phần cho sự phát triển ngành công nghiệp không khói của cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng để từng năm có nhiều sản phẩm mới ra đời, dịch vụ ngày càng nâng cao và chất lượng phục vụ ngày càng đi vào chuyên nghiệp./.

Tổ chức Liên hoan “Đờn ca tài tử Nam Bộ” và hội thi hóa trang các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu năm 2014

Tối ngày 30/6/2014 tại khu di tích Văn hóa - Lịch sử Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri, Trung tâm Văn hóa tỉnh, và các phòng ban liên quan tổ chức Liên hoan “Đờn ca tài tử Nam Bộ” và hội thi hóa trang các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Đến dự liên hoan có ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, ông Trần Thanh Hồng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri - Trưởng ban tổ chức lễ hội, cùng đại diện lãnh đạo các phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố trong tỉnh, cùng đông đảo bà con nhân dân trong huyện.

Lễ hội truyền thống Văn hóa 1/7 là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, được tổ chức hàng năm tại di tích cụ Đồ Chiểu, nhằm kỉ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước, được diễn ra từ ngày 01-03/7 hằng năm. Lễ hội với mục đích tuyên truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập về thân thế, sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu; góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống của địa phương; từng bước thực hiện tốt chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa,  lễ hội, động viên nhân dân thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp. Nằm trong chuỗi các hoạt động chính của lễ hội Văn hóa 1/7 năm nay, liên hoan “Đờn ca tài tử” và hội thi hóa trang các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên của  Nguyễn Đình Chiểu cũng là một điểm nhấn chính của lễ hội, góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo đến với các tầng lớp nhân dân, phát huy bản sắc văn hóa nghệ thuật khi “Đờn ca tài tử Nam Bộ” đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đặc sắc tiết mục thi diễn hóa trang nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga trong truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu
Hội thi năm nay quy tụ 9 đội tham dự liên hoan “Đờn ca tài tử Nam Bộ” và 8 đội tham gia hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên đến từ 8 huyện và thành phố trong tỉnh. Nhìn chung, năm nay các đơn vị dự thi chuẩn bị khá chu đáo từ kịch bản, tiết mục, diễn viên. Chủ đề dự thi của các đơn vị cũng phong phú hơn, đặc sắc hơn, một số đơn vị đã lồng ghép chủ đề “biển đảo quê hương”, chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình thi diễn của mình, tạo nên một sắc màu mới cho Liên hoan “Đờn ca tài tử Nam Bộ” và hội thi hóa trang các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu năm nay, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. Trong những đêm tiếp theo, các đơn vị dự thi sẽ tiếp tục thi diễn phục vụ nhân dân, tổng kết và phát giải hội thi “Đờn ca tài tử Nam Bộ” và hóa trang các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên sẽ diễn ra tối ngày 03/7/2014./. 

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến du lịch quý II/2014

Phát huy những kết quả đã đạt được tại quý I, quý II/2014, du lịch của Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm 2014. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động về du lịch được chú trọng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL) đẩy nhanh tiến độ và tập trung cao trong lĩnh vực xúc tiến du lịch, chú trọng công tác xúc tiến liên kết giữa bốn tỉnh của cụm phía Đông duyên hải Đổng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong việc liên kết với các tỉnh trong cụm, Bến Tre được phân công cụm trưởng năm 2014, căn cứ theo kế hoạch của Ban điều phối, Trung tâm TTXTDL Bến tre đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác phối hợp vào đầu năm và tổ chức đánh giá các hoạt động và sơ kết công tác liên kết xúc tiến du lịch 06 tháng đầu năm 2014, triển khai các hoạt động liên kết tham gia xúc tiến du lịch của cụm  trong 06 tháng cuối năm 2014; tổ chức đoàn khảo sát các tuyến, điểm du lịch tại tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long cho các công ty lữ hành, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và các hộ dân đăng ký tham gia làm du lịch tại Thành phố Bến Tre, huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Giồng Trôm.
Gian hàng xúc tiến hội chợ của 4 tỉnh liên kết cụm phía Đông ĐBSCL tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu 2014
Đoàn Bến Tre khảo sát điểm du lịch homestay Út Trinh – Vĩnh Long 
Ngoài việc liên kết xúc tiến ra, Trung tâm TTXTDL đã quảng bá xúc tiến trong các kỳ hội chợ chuyên đề, vận động 02 doanh nghiệp du lịch tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm đặc thù của tỉnh và 04 gian hàng du lịch liên kết của 04 tỉnh liên kết cụm duyên hải phía ĐBSCL tại Ngày hội du lịch TP.HCM, du lịch quốc tế Hà Nội và Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu 2014; 02 doanh nghiệp tham gia Liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh,…Bên cạnh đó công tác thông tin về du lịch, luôn quan tâm và thực hiện các bài viết, tin tức và hình ảnh về những hoạt động du lịch diễn ra trong quý II/2014 được đăng tải lên blog tiếng Việt của Trung tâm TTXTDL Bến tre và gửi đến các báo, website như: Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, UBND tỉnh, Báo Đồng Khởi, Sở VHTTDL và các diễn đàn du lịch.

Việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Trung tâm TTXTDL phối hợp cùng với huyện Ba Tri tổ chức tập huấn 4 lớp du lịch cộng đồng cho các cán bộ quản lý và người tham gia làm du lịch ở các điểm di tích lịch sử, làng nghề và điểm du lịch tại xã ven biển như: An Thủy, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Phú Lễ, Tân Mỹ, Tân Thủy, Tân Xuân và Phú Ngãi; lớp kiến thức du lịch cho thuyền viên tàu du lịch, người chèo xuồng du lịch theo chương trình khung của Tổng cục Du lịch về hoạt động du lịch trên thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm TTXTDL cùng đồng hành với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hưởng ứng tích cực các chương trình phát triển ngành du lịch và tham gia chương trình kích cầu du lịch năm 2014 tạo thu hút cho du khách về Bến Tre vào mùa thấp điểm, như: Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre, Công ty TNHH Du lịch Hàm Luông, Forever Green Resort, Khách sạn Đại An, Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Bảo Duyên và Khách sạn Việt - Úc.

Theo thống kê của phòng Nghiệp vụ du lịch, du khách đến Bến Tre trong quí II/2014 đạt 208.500 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khách quốc tế đạt 92.500 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt được 132 tỉ đồng, tăng 24% so cùng kỳ năm 2013. Những quí còn lại của năm 2014, Trung tâm TTXTDL phối hợp cùng phòng Nghiệp vụ Du lịch tiếp tục tuyên truyền các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường du lịch, tiếp tục phát hành các ấn phẩm, thông tin về hoạt động du lịch trong và ngoài tỉnh cho các đơn vị kinh doanh du lịch, pháy huy thế mạnh đặc trưng của tỉnh, của vùng sông nước, quan tâm đến chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng bền vững./.