Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Du ngoạn vùng ven thành phố Bến Tre

Vùng ven hay phía Nam, bờ Nam, vùng Nam thành phố Bến Tre mà người dân nơi đây thường hay gọi, gồm các xã: Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh. Nơi đây có nhiều sông, rạch chằng chịt và cảnh quan thiên nhiên rất hữu tình. Đây là đặc thù của nhiều điểm đến trên vùng đất ba dãi cù lao xứ dừa. Có lẽ vậy, mà những năm gần đây phía bờ Nam thành phố Bến Tre đã hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái miệt vườn và trở nên tour du lịch “sông nước, miệt vườn Nam thành phố”, thu hút ngày càng đông du khách trong, ngoài nước đến đây khám phá, trải nghiệm.
Công viên phía Nam thành phố Bến Tre
Có lẽ trong nhịp sống ồn ào, tất bật, hối hả, vội vàng của thời văn minh - hiện đại ngày nay, hình như ai cũng muốn mình có được những ngày nghỉ ngơi yên ả, để thư giãn hay những chuyến đi tham quan, tìm hiểu, bổ sung thêm kiến thức cho mình về đặc thù của từng vùng, miền trên đất nước ta....Và điều có thể khắng định đó là được tận hưởng không khí trong lành, thoáng mát ở những địa phương còn giữ được môi trường sinh thái, tự nhiên. Có lẽ vậy, mà sông nước, miệt vườn của xứ dừa Bến Tre những năm gần đây đã trở thành những điểm đến hấp dẫn, thu hút khá đông du khách.

Nhận xét của giới lữ hành chuyên nghiệp tỉnh nhà Bến Tre và Tp. Hồ Chí Minh, thì tour sông nước - miệt vườn vùng Nam thành phố Bến Tre rất lý tưởng. Tour này dân dã, bình dân, dễ chịu và giới hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp gọi đây là tour "liên hiệp quốc", tour này đông nhất là du khách đến từ các nước, trong đó có cả khách Việt Nam, nhất là du khách của các thành phố lớn của nước ta.
Bến tàu du lịch Hùng Vương
Hành trình của tour này chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ,  bắt đầu lúc 10 giờ sáng mỗi ngày. Điểm khởi hành từ bến tàu du lịch Hùng Vương nằm bên bờ sông Bến Tre (đối viện Khách sạn – nhà hàng Hùng Vương). Du thuyền rời bến di chuyển theo hướng cầu Bến Tre 1, cây cầu vừa bắt qua sông Bến Tre với kiến trúc xây dựng hiện đại rất đẹp. Từ đây, du khách sẽ bắt đầu cảm nhận sự thoải mái, phấn khởi, hấp dẫn và mãn nhãn với cảnh đẹp tự nhiên ven hai bên bờ sông Bến Tre

Ngắm nhìn về phía trái theo hướng du thuyền đi, lần lượt du khách bắt gặp ngôi nhà "Bảo tàng Bến Tre" được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp; rồi du thuyền lướt qua Khách sạn Việt - Úc, một khách sạn ba sao được xây dựng mang dáng vấp Châu Âu rất sang trọng và lý tưởng nhất là được nằm bên bờ sông Bến Tre. Du thuyền qua chợ Bến Tre (thuộc Phường 3); Trung tâm Thương Mại Bến Tre (thuộc Phường 2) và những dãy phố xá, cũng như những hoạt động nhộn nhịp của người dân xứ dừa ven sông; rồi du thuyền qua Chợ đầu mối nông thủy sản Bến Tre (thuộc Phường 8), chợ xã Phú Hưng và một số cơ sở sản xuất, cũng như không gian cảnh quan ven sông Bến Tre.
Bảo tàng tỉnh Bến Tre
Khách sạn Việt - Úc
Chợ Bến Tre
Trung tâm Thương mại Bến Tre
Chợ đầu mối Nông Thủy sản Bến Tre
Một số cơ sở sản xuất ven sông
Phía bên phải là công viên bờ Nam thành phố Bến Tre (thuộc xã Mỹ Thạnh An), chạy dài song song cùng với công viên Hùng Vương, du khách sẽ bắt gặp những sinh hoạt thường nhật của người dân vùng sông nước như: đăng lưới bắt tôm, cá dưới những rặng bần hay ở những thảm lụt bình nằm nép mình bên bờ sông .... Trên sông tàu thuyền lớn, nhỏ qua lại dập dìu, làm nên thanh âm sôi động, những đợt sóng bồng bềnh …, tất cả hòa quyện, góp phần tạo nên sự nhộn nhịp trên sông Bến Tre.
Du khách tham quan lò gạch nằm ven sông Bến Tre
Điểm dừng chân đầu tiên của du khách ghé vào tham quan lò gạch nằm ven sông Bến Tre, thuộc địa phận xã Phú Hưng, để du khách khám phá, tìm hiểu từ nguyên vật liệu đến từng công đoạn làm ra những viên gạch ống, gạch thẻ dùng trong xây dựng.... Trở lại du thuyền và xa dần địa phận thành phố Bến Tre, nhìn hai bên bờ sông Bến Tre bạt ngạt rừng cây dừa nước và những hàng bần xanh ngắt.

Du thuyền đến và qua vàm kênh chẹt sậy, nhìn về bên trái là điểm du lịch sinh thái "Du thuyền Xoài" thuộc địa phận thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm vừa mới được hình thành trên đất Bến Tre. Điểm du lịch này là nơi dừng chân của những tour du lịch theo tuyến từ Tp. Hồ Chí Minh đến xứ dừa Bến Tre và sau đó đi qua các tỉnh Miền Tây với những chiếc du thuyền khá ngộ nghĩnh, xinh xắn, được thiết kế theo lối kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại. Trên du thuyền được trang bị đầy đủ tiện nghi như mỗi phòng khách sạn trên bờ, để du khách nghỉ qua đêm hành trình đến tận các tỉnh ĐBSCL.
Điểm du lịch sinh thái "Du thuyền Xoài"
Cảnh quan xung quanh điểm du lịch “Du thuyền Xoài” là những hàng dừa nghiêng mình soi bóng bên dòng sông và những thảm cỏ xanh, mịn, xen lẫn những bồn hoa trang trí rất bắt mắt. Dưới  rặng dừa là những thum nhà lá để du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn, giao lưu đàn ca tài tử và thưởng thức các món ẩm thực. Tổng thể về không gian hòa vào môi trường thiên nhiên ven sông, đã tạo cho điểm "Du thuyền Xoài" một phong cảnh hài hòa, hấp dẫn, lý tưởng của một điểm đến, một điểm dừng chân tuyệt vời của vùng sông nước xứ dừa. Tại điểm "Du thuyền Xoài" cũng có cơ sở lưu trú và những "homestay" (nghỉ đêm tại nhà dân) ở xã Mỹ Thạnh, để phục vụ du khách có nhu cầu nghỉ qua đêm tại đây.

Du thuyền đi tiếp một đổi, rồi rẽ vào một nhánh sông nhỏ (có tên gọi là sông Cái Sơn lớn), từ đầu vàm sông đến sâu vào bên trong, không gian cũng như cảnh vật hai bên bờ con sông này rất đẹp, toàn là cây dừa nước mọc dày đặc, thỉnh thoảng đôi, ba cây bần chen lẫn vào giữa đám dừa nước, như làm dáng, khoe sắc, điểm tô thêm một màu xanh cây lá khác. Ngắm nhìn trên bờ ngút ngàn những hàng dừa, bờ dừa, vườn dừa xanh và những vườn cây trái. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo thành một không gian xanh yên ả, để du khách khám phá, trải nghiệm, thư giãn, hít thở khí trời trong lành, mát dịu, dễ chịu của môi trường sinh thái tự nhiên, cũng như thỏa sức tận hưởng những gì mà thiên nhiên đã ban tặng “môi trường xanh” cho xứ sở này.
Điều lý thú là du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh người dân vùng sông nước xứ dừa bắt tép, tôm, cá..., mà hình thức dân gian thường gọi là: đóng đáy, làm rập, đặt dớn, 12 cửa ngục, đăng lưới, ghe chày, câu cá, lặn bắt cá, tôm …. Nếu du khách đi vào đợt những con nước rong (lối rằm hoặc nước 30), khi thủy triều xuống, sẽ nhìn thấy người dân len lỏi trong những hàng dừa nước ven sông, rạch, bắt cá bống dừa trú ẩn trong những bụp dừa nước.
Đánh bắt cá
\Tiếp tục chuyến hành trình, du thuyền đưa du khách ghé vào tham quan cơ sở làm dừa, xem lột dừa, đập dừa lấy nước, cạy cơm dừa...; thưởng thức mứt dừa, kẹo chuối, kẹo dừa, rượu dừa..., rồi du thuyền đến chợ Nhơn Thạnh, du khách lên bờ tản bộ trên con đường làng toàn là dừa và cây ăn trái; đi trên chiếc cầu dừa, tham quan làng nghề dệt chiếu.... Kỳ thú nhất là du khách sẽ tham gia hành trình với những chiếc xe đạp, hay đi trên những chiếc xe lôi máy ngắm cảnh đường làng dừa, vườn cây ăn trái, mô hình trồng lúa hay những khu vườn, ruộng lên liếp trồng rau màu và sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây.
Lột dừa
Đập dừa lấy nước
Bào cơm dừa
Du khách đạp xe trên đường làng
Sẽ không gì thú vị bằng, du khách được đi xuồng chèo trên con rạch nhỏ, vừa thư giãn, vừa trải lòng mình ngắm dòng chảy của thủy triều, khoát tay xuống dòng nước mát đầy phù sa, lòng sẽ cảm thấy mát rượi, dễ chịu vô cùng. Hay những cái vẫy tay chào du khách, những nụ cười thân thiện, niềm nở, mến khách, đôn hậu, hiền hòa, chất phác của người dân nơi đây, sẽ làm du khách hài lòng khó quên.

Ngoài tham quan, khám phá, tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng, tại các điểm đến vùng Nam thành phố Bến Tre, du khách có thể tham gia làm kẹo dừa, kẹo chuối; chiêm ngưỡng, chọn lựa những món quà lưu niệm, là những món hàng thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu dừa. Những món quà này chắc chắn vô cùng có ý nghĩa khi làm quà cho người thân, bè bạn. Ấn tượng nhất là du khách sẽ được thưởng thức sản vật là dừa xiêm, dừa dứa thứ thiệt, nguyên chất, được hái tại vườn và những trái cây của miệt vườn Bến Tre như: bưởi da xanh, nhãn, mận An Phước, chôm chôm nhãn, chuối cao, dừa xiêm dứa...; uống trà mật ong; nghe hát và giao lưu đờn ca tài tử.
Du khách tham quan làm kẹo dừa, kẹo chuối
Về ẩm thực du khách có thể tùy chọn từ món ăn dân dã miệt vườn đến cao cấp, sang trọng…. Hiện nay, tại các điểm du lịch sinh thái tại Tp. Bến Tre có các món ăn rất thu hút du khách như: cá tai tượng chiên xù với bánh tráng cuốn rau sống; chả giò; cháo gà ta thả vườn với gỏi bắp chuối, cây chuối; tôm luộc nước dừa; cơm trắng ăn với canh chua cá ngát, cá bông lau; tép rang dừa, cá rô, cá lóc, cá kèo khô tộ; gỏi củ hủ dừa hay các món gỏi khác.... Ngoài ra, còn nhiều món ăn hấp dẫn khác theo nhu cầu của du khách ....

Đến thành phố Bến Tre, ngoài việc khám phá, trải nghiệm tour sông nước - miệt vườn tại các xã phía Nam thành phố Bến Tre, du khách còn được chiêm ngưỡng hệ thống các công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử như: “Tượng đài Đồng Khởi”; “Tượng đài Trần Văn Ơn”; Bảo tàng Bến Tre; “Tượng đài Chiến thắng trên sông” và còn gọi là tượng đài “Cởi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ” (hay công viên Hùng Vương, công viên “Hoàng Lam”); kiến trúc Đình An Hội, Đình Phú Tự và cây Bạch Mai cổ thụ; kiến trúc của các tôn giáo như: Chùa Viên Minh, chùa Viên Giác, Cao Đài Ban chỉnh Nguyễn Ngọc Tương, Nhà thờ Bến Tre; hay ngắm cảnh hồ Trúc Giang, đường Hùng Vương với hàng cây xanh thẳng tấp luôn tỏa bóng mát, nằm bên bờ sông Bến Tre…

Những cảnh đẹp thiên nhiên của vùng sông nước – miệt vườn của xứ sở rừng dừa xanh bạt ngàn, du khách sẽ thoải mái tận hưởng, thư giãn trong môi trường không khí mát mẻ trong lành, thoáng mát và sẽ luôn âm vang, đọng mãi  trong lòng du khách với xứ dừa Bến Tre qua những câu hát: “Mỗi lúc đi xa dừa ơi! ta nhớ lắm nghen. Vườn trái, trái  xum xuê, biển khơi tôm cá đầy ghe.... Nhớ con sông dài Hàm Luông Bến Tre quen ghé. Lại nhớ tóc ai dài còn mang dáng đứng Bến Tre”./.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Tập huấn kiến thức du lịch tại huyện Thạnh Phú và Chợ Lách

Nằm trong kế hoạch phân kỳ thực hiện "Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2015” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 03/02/2012 và dự án "Nâng cao chất lượng điểm du lịch Bến Tre” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 11/7/2011. Đồng thời, từng bước bổ sung kiến thức về du lịch, đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh nhà theo đề án, dự án về du lịch đã đề ra. Từ ngày 14/8 - 23/8/2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ huyện Thạnh Phú và Chợ Lách tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức du lịch cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo quản lý VHXH của các xã, thị trấn của hai huyện. Tham dự lớp tập huấn còn có đại diện các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các điểm du lịch sinh thái… tại các xã, thị trấn của hai huyện Thạnh Phú và Chợ Lách.

Thầy Nguyễn Văn Trọng đang giảng bài về
chuyên đề "Kỹ năng giao tiếp" tại huyện Thạnh Phú
Tại huyện Thạnh Phú lớp tập huấn khai giảng vào sáng 14/8/2012, tổng kết vào chiều ngày 16/9/2012 và có trên 30 học viên tham dự, trong đó có 02 học viên của Khu du lịch biển Ba Động, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh gửi dự tập huấn. Lớp tại Chợ Lách tổ chức từ ngày 21/8/2012 đến 23/9/2012 và có trên 50 học viên tham dự.

Do mỗi huyện có hệ sinh thái riêng, Thạnh Phú là huyện biển, là vùng nước mặn; Chợ Lách là vùng nước ngọt quanh năm. Cả hai huyện đều là vùng sông nước, có nhiều kênh rạch chằng chịt, nên Ban tổ chức lớp đã xây dựng các chuyên đề tập huấn xác với đặc thù của hai huyện. Ngoài các văn bản quản lý Nhà nước về du lịch, những qui định về vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ, đường thủy ..., nội dung tập huấn còn cụ thể về kế hoạch phát triển tuyến, điểm du lịch của hai huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt trong "Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2015”. Bên cạnh đó, lớp tập huấn còn trang bị kiến thức về giao tiếp trong du lịch, hướng dẫn, thuyết minh điểm đến và khu di tích.

Theo chương trình mỗi lớp tập huấn được Ban tổ chức hướng dẫn đi thực tế tại các điểm đến tại địa phương mình. Đối với huyện Thạnh Phú chưa phát triển nhiều về du lịch, nhưng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai. Hiện tại huyện Thạnh Phú có 02 Di tích cấp quốc gia đó là: Di tích đường mòn Hồ Chí Minh trên biển; Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ. Và các điểm khác có thể đưa du khách đến tham quan như: Lăng thờ cá Ông tại xã Thạnh Hải; làng nghề đúc lu Hòa Lợi; làng nghề bó chổi Mỹ An; nghề chằm nón lá Mỹ Hưng và đặc sản bánh dừa Giồng Luông.... Đặc biệt, tại huyện Thạnh Phú đang có dự án "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre" ở Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, đã được Đảng và Nhà nước phê duyệt. Sau khi quần thể dự án này hoàn thành, kết hợp với hệ sinh thái rừng ngập mặn và biển phù sa Thạnh Hải, nơi đây sẽ thu hút rất đông du khách đến đây thám quan, khám phá. Vì thực tế hiện có của Thạnh Phú, các báo cáo viên đã tập trung định hướng, hướng dẫn các địa phương xây dựng điểm đến, phát triển dịch vụ phục vụ khách đến tham quan.
Tổng kết Lớp tập huấn kiến thức du lịch năm 2012 tại huyện Thạnh Phú

Đối với huyện Chợ Lách, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, quanh năm nước và nơi đây đã có vườn cây trái ngọt sum suê và sản xuất cây giống, hoa kiểng nổi tiếng cả nước. Vì vậy, Chợ Lách có nhiều tiềm năng phát triển phong phú các sản phẩm du lịch. Các hãng lữ hành của tỉnh nhà và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tổ chức các đoàn khảo sát xây dựng điểm đến, thiết kế tour, tuyến trên vùng này. Hiện tại Chợ Lách cũng đã và đang phát triển các điểm du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn ở khu bảo tồn sản vật ốc gạo cồn Phú Đa, Phú Bình của xã Vĩnh Bình; các điểm du lịch sinh thái, miệt vườn, làng nghề cây giống, hoa kiểng ở xã Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung, Vĩnh Bình, Phú Phụng .... Có thể nói hệ thống di sản văn hóa phi vật thể miệt vườn của Chợ Lách hiện có, đã góp phần rất lớn và làm phong phú, đa dạng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của miệt vườn, sông nước xứ dừa Bến Tre.
Học viên trên du thuyền đi thực tế tại lớp tập huấn kiến thức du lịch - huyện Chợ Lách
Học viên tham quan vườn nuôi ong mật - Chợ Lách
Tổng kết lớp tập huấn kiến thức du lịch tại huyện Chợ Lách
Tại huyện Chợ Lách Ban tổ chức lớp đã đưa học viên đi tour thực tế bằng du thuyền du ngoạn qua kênh Sụp, kênh Bốn Sồ, ra sông Cổ Chiên, đến cồn Phú Đa, Phú Bình..., rồi tản bộ trong vườn cây ăn trái, tham quan vườn nuôi ong mật, thưởng thức trà mật ong tại vườn; giao lưu đàn ca tài tử và thú vị là được thưởng thức các món ẩm thực dân dã miệt vườn, là sản phẩm thiên nhiên thứ thiệt tại vùng sông nước Chợ Lách. Chuyến đi thực tế trên du thuyền, các học viên được thực tập hướng dẫn, giới thiệu về đất và con người của quê hương. Tất cả học viên đã phấn khởi, hào hứng giao lưu ca hát, hát karaoke, kể chuyện tiếu lâm, tham gia các trò chơi rất sôi động... và mạnh dạn nói lên những cảm nhận, cũng như những đề xuất, kiến nghị với các cấp về quản lý và phát triển du lịch ở vùng đất giàu tiềm năng về văn hóa - du lịch của Chợ Lách hiện tại và tương lai. Lớp tập huấn đã tổng kết và trao giấy chứng nhận tại điểm du lịch vườn sinh thái Ba Ngói - cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình.
Với những kiến thức các báo cáo viên có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch đã truyền đạt và những tài liệu Ban tổ chức cung cấp cho lớp tập huấn, hy vọng học viên của hai lớp sẽ góp sức, cùng các cấp, các ngành, cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động du lịch ở các địa phương trong tỉnh cùng thực hiện tốt Chỉ thị 09-CT/TU của Tỉnh ủy “Về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 – 2015". Đồng thời, chung sức, chung tay xây dựng, phát triển và làm nên thương hiệu "Du lịch xứ dừa" trên quê hương Bến Tre - quê hương Đồng Khởi mang một sắc thái độc đáo, riêng biệt, ngày càng uy tín, chất lượng, bền vững.

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Bến Tre tổ chức tập huấn kiến thức du lịch năm 2012

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 18/01/2012 của Tỉnh ủy “Về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 – 2015”;  Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của UBND tỉnh “Về phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2015” và Quyết định số: 1518/QĐ-UBND ngày 11/7/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Dự án nâng cao chất lượng điểm du lịch Bến Tre”.

Thời gian qua Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã phối hợp Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, Thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức du lịch năm 2012 tại các huyện, thành phố cho nhiều đối tượng, kết quả đến nay: Tại huyện Ba Tri khai giảng lớp tập huấn về kiến thức du lịch vào ngày 30/5/2012 có 70 học viên gồm cán bộ quản lý nhà nước cấp Trưởng, Phó các phòng của huyện và Bí thư, chủ tịch các xã trên địa bàn huyện. Ngày 18/7/2012 khai giảng lớp tập huấn nguồn nhân lực du lịch tại Khu du lịch sinh thái Lan Vương, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre có 60 học viên; ngày 07/8/2012 khai giảng tại Trung tâm Văn hóa huyện Châu Thành có 51 học viên; ngày 14/8/2012 khai giảng tại Trung tâm Văn hóa huyện Thạnh Phú có 30 học viên. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn nguồn nhân lực du lịch tại những huyện còn lại như: Ngày 21/8/2012 khai giảng tại huyện Chợ Lách; ngày 29/8/2012 khai giảng tại huyện Giồng Trôm; ngày 05/9/2012 khai giảng tại huyện Ba Tri; ngày 12/9/2012 khai giảng tại huyện Bình Đại; và những ngày cuối tháng 09/2012 sẽ khai giảng tại huyện Mỏ Cày Nam và huyện Mỏ Cày Bắc.

Mục đích của lớp tập huấn nhằm từng bước nâng cao kiến thức du lịch cho lực lượng quản lý nhà nước về du lịch cấp huyện, thành phố; cán bộ văn hóa các xã, phường; các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch; các lực lượng lao động tham gia ở doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các loại hình du lịch như cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh lữ hành, kinh doanh vận chuyển khách du lịch đường bộ, đường thủy; kinh doanh khu du lịch, điểm du lịch; kinh doanh ăn uống, kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch; các cá nhân có dự kiến đầu tư kinh doanh sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch… Nội dung tập huấn gồm: Các văn bản qui phạm pháp luật về du lịch; Tổng quan du lịch Việt Nam và du lịch Bến Tre; kỹ năng trong nghiệp vụ du lịch “Kỹ năng thuyết minh điểm và khu du lịch”, “Kỹ năng giao tiếp”… cuối khóa tập huấn học viên được cấp chứng chỉ đã học xong chương trình “Lớp tập huấn nguồn nhân lực du lịch” do Trường Trung học VHNT tỉnh cấp.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch sẽ tiếp tục mở những lớp phục vụ bàn cho những đối tượng kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Châu Thành và Thành phố Bến Tre (Điểm du lịch Lan Vương và Cồn Phụng) vào tháng 10/2012; những kiến thức được truyền đạt sẽ góp phần cho công tác quản lý nhà nước ở từng địa phương nhận thức các khái niệm trong lĩnh vực du lịch và lực lượng kinh doanh du lịch sẽ nắm bắt được thông tin, kiến thức để từng bước nâng cao chất lượng và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay do Du lịch là ngành công nghiệp không khói, sẽ là mũi nhọn trong việc góp phần xây dựng kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay./.
Tổng kết Lớp tập huấn nguồn nhân lực du lịch ở Tp. Bến Tre

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Học viên Lớp tập huấn nguồn nhân lực du lịch năm 2012 đi thực tế tại các điểm du lịch sinh thái – sông nước Châu Thành – Bến Tre

Nằm trong chương trình “Dự án nâng cao chất lượng điểm du lịch Bến Tre” được UBND tỉnh phê duyệt,  ngày 07/8/2012 – 09/8/2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Châu Thành tổ chức lớp tập huấn nguồn nhân lực du lịch năm 2012 tại huyện Châu Thành.

Tham dự lớp tập huấn có trên 50 học viên là cán bộ VHXH của các xã, thị trấn và các Doanh nghiệp Du lịch, cơ sở hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Châu Thành. Lớp tập huấn được các báo cáo viên là những người đã trực tiếp điều hành và hoạt động trên lĩnh vực hoạt động du lịch của tỉnh trong nhiều năm qua tham gia giảng dạy.

Ngoài các nội dung văn bản quản lý Nhà nước về du lịch; những thông tin về “Tổng quan du lịch Việt Nam”, “Du lịch Bến Tre”; Kỹ năng thuyết minh điểm đến và khu du lịch; Kỹ năng giao tiếp du lịch.... Trong chương trình học Ban Tổ chức lớp còn thiết kế tour đưa học viên đi thực tế bằng du thuyền trên sông Tiền đến Cồn Phụng, Cồn Quy...; hướng dẫn học viên đến các điểm du lịch sinh thái của Châu Thành nằm ven sông Tiền. Sau đó dừng chân tại điểm du lịch Quê Dừa tham quan các công đoạn làm kẹo dừa truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, thưởng thức trà mật ong, trái cây miệt vườn của quê hương và giao lưu đàn ca tài tử. Học viên còn được hòa mình trải nghiệm trên những chiếc xe ngựa ngắm cảnh đường làng quê Châu Thành, rồi trở lại du thuyền sang điểm du lịch sinh thái Cồn Quy hòa vào với các đoàn du khách ngoài tỉnh, tham quan vườn cây trái, tìm hiểu việc nuôi ong lấy mật tại vườn, chứng kiến những giờ phút du khách hóa thân làm nông dân tát mương bắt cá.... Và sau đó tại điểm du lịch Cồn Quy Ban Tổ chức lớp tổng kết, trao giấy chứng nhận, kết thúc lớp tập huấn.
Những kiến thức được truyền đạt trong lớp tập huấn, sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa phương, đồng thời giúp cho các cơ sở kinh doanh, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Châu Thành thực hiện tốt các qui định của Nhà nước về hoạt động du lịch, nhất là góp phần trong toàn tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 18/01/2012 của Tỉnh ủy “Về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 – 2015" và Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của UBND tỉnh “Về phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2015”.

Bến Tre tổ chức tập huấn nguồn nhân lực du lịch năm 2012

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 18/01/2012 của Tỉnh ủy “Về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 – 2015”;  Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của UBND tỉnh “Về phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2015”. Và nằm trong chương trình “Dự án nâng cao chất lượng điểm du lịch Bến Tre” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số: 1518/QĐ-UBND ngày 11/7/2011. Sáng ngày 18/7/2012 tại Khu du lịch sinh thái Lan Vương, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khai giảng lớp tập huấn nguồn nhân lực du lịch năm 2012.
Lớp tập huấn được tổ chức trong 03 ngày, tham dự lớp tập huấn có trên 60 đại biểu. Mục đích của lớp tập huấn nhằm từng bước nâng cao kiến thức du lịch cho lực lượng quản lý nhà nước về du lịch ở thành phố Bến Tre; các xã, phường; các chủ doanh nghiệp; các cơ sở kinh doanh du lịch; các lực lượng lao động tham gia ở doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các loại hình du lịch như cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh lữ hành, kinh doanh vận chuyển khách du lịch đường bộ, đường thủy; kinh doanh khu du lịch, điểm du lịch; kinh doanh ăn uống, kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch; kinh doanh bán hàng lưu niệm, các cá nhân có dự kiến đầu tư kinh doanh các loại hình du lịch.
Nội dung tập huấn gồm: Các văn bản quản lý Nhà nước về du lịch; Tổng quan du lịch Việt Nam và du lịch Bến Tre; kỹ năng “Kỹ năng thuyết minh điểm và khu du lịch”, “Kỹ năng giao tiếp”…

Sau lớp tập huấn tại thành phố Bến Tre, theo kế hoạch hoạt động của ngành, từ nay đến cuối năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tổ chức lớp tập huấn nguồn nhân lực du lịch tại các huyện: Châu Thành, Chợ Lách, Ba Tri và các huyện khác. Hy vọng những kiến thức được truyền đạt trong tập huấn, sẽ góp phần cho lực lượng làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch và các cơ sở kinh doanh, hoạt động tại các địa phương nâng cao hơn nữa về công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực du lịch, đồng thời cùng góp phần xây dựng và phát triển du lịch Bến Tre ngày đạt chất lượng và bền vững.

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Về xứ dừa - Khám phá đất biển Bình Đại

Bình Đại là một trong ba huyện biển của Bến Tre, nằm trên cù lao An Hoá và ở vị trí bốn bên là sông, biển bao bọc. Bình Đại có nhiều lợi thế về giao thông thủy cả giao thông bộ. Từ thành phố Bến Tre đi bằng ô tô đến trung tâm huyện Bình Đại khoảng 51 km.

Ảnh sưu tầm
Vì là huyện vùng biển, nên người dân Bình Đại rất sành điệu với nghề đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản. Gắn liền với nghề này ở Bình Đại có nghề đóng ghe nổi tiếng của cánh thợ vùng Thới Thuận. Hay một nghề không thể không kể đến và có truyền thống lâu đời, có những nét độc đáo riêng như: nghề đánh cá mòi, câu kiều, lưới sỉ, lưới cào. Một nghề có tính chất riêng biệt của vùng biển Bình Đại nữa là nghề đáy sông cầu, nghề này ở Bình Đại có rất sớm và phát triển mạnh, rồi lan sang cửa biển ở Ba Tri và Trà Vinh. Đáy sông cầu được cắm thành hàng ngang giữa dòng nước chảy xiết nhưng không có những hàng rào chắn ngược dòng như đáy rạo.

Người dân Bình Đại, ngoài nghề truyền thống làm vườn, làm ruộng, làm muối, nghề đánh cá biển, chế biến những sản phẩm của biển còn có nghề trồng giồng. Bí đỏ Giồng Giếng (Thạnh Phước), mãng cầu Thới Thuận là những đặc sản có tiếng trong vùng…. Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là đặc sản “dưa hấu Cửa Đại”, từng được bằng khen trong hội chợ đấu xảo canh nông Nam Kỳ do Pháp tổ chức vào đầu những năm ba mươi của thế kỷ này và được ca ngợi:
Ảnh: Sưu tầm

“Tư bề Thừa Đức nội thôn
Đất trồng dưa hấu ngọt ngon quá chừng”.


Ảnh: sưu tầm
Về du lịch, Bình Đại chưa có nhiều điểm đến, nhưng trên đường đến biển Thừa Đức, du khách ghé thăm di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Tân Hưng và đền thờ Huỳnh Tấn Phát, tọa lạc tại xã Châu Hưng. Đình được xây dựng trên mảnh đất rộng 2.100m2 gồm 03 ngôi nhà ba gian, hai chái liền nhau theo kiểu “sắp đọi”, mái lợp ngói âm dương. Ngôi đình chính gồm: gian đầu là nhà võ ca, gian giữa là nơi chức sắc trong làng hội họp, gian thứ 3 thờ thần. Tất cả vì kèo, xuyên, trính, bao lam, thành vọng, hoành phi, câu đối, long trụ, khánh thờ đều được làm bằng các loại gỗ quý và được chạm khắc hoa văn phong phú như chim, hoa lan, hoa cúc, trúc, lưỡng long tranh châu, kỳ lân,… đều được sơn son thếp vàng.

Năm 1905, nhân dân làng Tân Hưng thống nhất đóng góp sức người, sức của xây dựng ngôi đình làng này và phong ông Huỳnh Văn Thiệu làm Thành Hoàng bổn cảnh của làng, đưa vào thờ trong đình. Vì vào khoảng đầu thế kỷ 19, vùng Bình Đại đã có cư dân đông đúc, làng mạc đã rải rác nhiều nơi, nhưng một số nơi vẫn là vùng đất hoang vu đầy thú dữ, ông Huỳnh Văn Thiệu đã đứng ra tập hợp cư dân ngoài thân tộc để khai phá đất đai và chống thú dữ, ông được người dân mến mộ, theo ông rất nhiều. Ông từ chối ra làm việc làng, mà tập hợp nhân dân, xây dựng lực lượng theo phong trào khởi nghĩa của Trương Định nổi lên chống Pháp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Tân Hưng là nơi tập trung những người yêu nước để học tập, bàn bạc kế hoạch thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chi bộ cơ sở. Trong suốt thời kỳ đấu tranh chính trị (1954 – 1959), đình là nơi tập hợp nhân dân để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng bộ Châu Hưng, nhằm gây dựng cơ sở và tổ chức lực lượng, phát động đấu tranh chính trị “chống chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, chống bắt lính, kêu gọi chồng, con, em về với nhân dân”, tổ chức mít tinh lên án bọn việt gian bán nước hại dân và trừng trị thích đáng bọn này.

Ảnh: sưu tầm
Cạnh Đình Tân Hưng là đền thờ của cụ Huỳnh Tấn Phát, là cháu cố của Ông Huỳnh Văn Thiệu. Người ta biết đến kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát như một trí thức yêu nước lớn, một nhà hoạt động chính trị suốt đời theo đuổi lý tưởng cách mạng, gắn liền hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1933, ông ra Hà Nội thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, để có tiền ăn học ông tham gia giảng dạy ở Trường Thăng Long - Hà Nội, viết báo La Lutte (Tranh Đấu), báo Le Travail (Lao Động) ở Bắc Kỳ. Ông cũng là điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” vào tháng 8/1945.

Nhiều sáng tác và thiết kế dự án của ông như: Đồ án thiết kế Nhà văn hoá dự kiến xây dựng ở Khám Lớn - Sài Gòn đoạt giải nhì (không có giải nhất). Những năm kháng chiến chống Mỹ, với cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, ông đã thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều phòng họp, hội trường, nơi ăn chốn ở phục vụ cho các đại biểu về dự các hội nghị tại vùng căn cứ cách mạng. Đặc biệt, là hội trường cho Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Hội trường đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam lần thứ nhất ở R (Lò Gò) đều bằng tre gỗ nứa lá, nhưng đã khéo xử lý rừng cây tán lá rậm rạp để có hội trường rộng rãi khang trang đẹp đẽ.

Sau ngày Miền Nam được giải phóng, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ông đã trực tiếp góp ý đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội và các công trình như: Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cung Thiếu nhi Trung ương, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh…. Ông còn tham gia các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn,… và là đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Thành Thế trong sơ phác tìm ý cho Nhà hát Hoà Bình - Quận 10 - Tp Hồ Chí Minh.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu vào Đại biểu Quốc hội các khoá 1, 2, 3, 6, 7, 8. Nhà nước đã thưởng ông nhiều Huân, huy chương. Năm 1996, cố kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vinh dự được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt I). Sau khi ông mất, cuối tháng 10/1995 được sự giúp đỡ của người thân, đã phát hiện hơn 60 bản vẽ trên giấy pơluya đã ố vàng của ông vẽ thiết kế lúc ông đang giữ chức vụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam thiết kế về Thủ phủ Lộc Ninh (1972) - căn cứ Cách mạng của Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Tập bản vẽ này gồm thiết kế quy hoạch hàng chục công trình công cộng như: Nhà hành chính, Đài Liệt sĩ, Đền thờ Bác, khu giao tế, cung thiếu nhi, Nhà văn hoá - thông tin, Nhà hát ngoài trời, hội trường, khách sạn, cửa hàng bách hoá, chợ, trường học, bệnh viện, khu thể dục thể thao,…. Những phác thảo này là bút tích duy nhất về sáng tác kiến trúc của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát còn lưu lại, qua đó minh chứng thêm ông là người uyên bác, có đầu óc thiết kế về quy hoạch đô thị và công trình. Bố cục phân khu chức năng chặt chẽ, tổ chức không gian rất sinh động. Đồng thời, cũng cho thấy bút pháp thể hiện già dặn, là cây bút vẽ phối cảnh cừ khôi, độc đáo. Tập bản vẽ này còn cho thấy những ý tưởng lớn lao của ông về xây dựng một Thủ phủ của chính quyền cách mạng Miền Nam trong một giai đoạn lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc.

Ảnh sưu tầm
Vùng đất huyện Bình Đại còn có công trình cống đập Ba Lai tại xã Thạnh Trị và một phần của xã Bình Thới. Cống đập Ba Lai là một hạng mục trong hệ thống thuỷ lợi, có các công trình lớn đồng bộ, khép kín các công trình đê - cống ven sông Cửa Đại, sông Hàm Luông. Công trình với mục đích tưới tiêu, giữ ngọt, ngăn mặn cho khoảng 90.000ha đất nông nghiệp, hệ thống này sẽ phân rõ vùng mặn, vùng ngọt và sẽ thuận lợi bố trí sản xuất ở vùng mặn (nuôi thuỷ sản), vùng ngọt sẽ đưa sản xuất lúa từ 2 vụ lên 3 vụ, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế vườn. Công trình là tiền đề thuận lợi cho sự phát triển kinh tế vườn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung thâm canh vườn dừa, triển khai dự án trồng xen ca cao, dự án phát triển bưởi da xanh, măng cụt, xây dựng lúa cao sản xuất khẩu, thúc đẩy chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững (bên ngoài dự án Ba Lai).... Cũng tại địa điểm này có thể tham quan trại nuôi cá sấu, heo rừng và mô hình nuôi cá lóc bông ven sông Ba Lai.

Ảnh sưu tầm
Lễ hội nghinh Ông là lễ hội phổ biến của các làng ven biển của Việt Nam, trong đó có Bình Đại - Bến Tre. Hàng năm, vào các ngày 16/6 âm lịch tại các đình, đền hay miếu của các xã thuộc huyện Bình Đại đều mở lễ hội này. Trong ngày hội tất cả tàu thuyền đánh cá đều về tập trung neo đậu để tế lễ, vui chơi và ăn uống. Lễ hội Nghinh Ông lớn nhất hàng năm tổ chức ở lăng Ông xã Bình Thắng huyện Bình Đại. Lễ gồm ba phần: túc yết, nghinh ông, tế tiền hiền và hậu hiền, lễ chánh tế và xây chầu đại bội. Vào lễ, các thuyền đánh cá đều chăng đèn, kết hoa rực rỡ. Ở đầu mũi thuyền, chủ nhân bày mâm cúng gồm trái cây, xôi thịt, thường là cặp vịt luộc, chiếc đầu heo cùng với hương hoa Lễ hội nghinh ông ở xã Bình Thắng tuy ra đời muộn màng hơn so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng lễ hội không chỉ thể hiện đầy đủ tính vốn có của lễ hội dân gian, mà còn phản ánh sinh động cả nội dung và hình thức của nghề hạ bạc trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam.


Ảnh sưu tầm
Nhưng có lẽ đến Bình Đại, khám phá bãi biển phù sa Thừa Đức là thích thú nhất. Bởi bãi biển nơi đây còn hoang sơ, với bãi cát mịn trải dài ra biển, cặp theo bãi biển là những hàng dương xanh, tạo ra phong cảnh khá đẹp, cùng với không khí thoải mái, thoáng mát. Dọc theo bãi biển là các dãy nhà lá được cất nối dài, người ta mắc những chiếc võng để du khách nằm nghỉ ngơi đong đưa, thư giãn, hít thở gió biển, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào hòa vào cùng tiếng vi vu của những rặng phi lao, tạo nên một thanh âm đặc sắc, bay bổng, nhẹ nhàng, thoải mái vô cùng. Tại bãi biển phù sa Thừa Đức, sau khi tắm biển phù sa, du khách có thể thỏa thích chọn lựa thưởng thức các món đặc sản biển như: Cá, mực, tôm, cua, nghêu, sò... và độc đáo nhất là món bánh xèo xứ biển. Chiếc bánh xèo ở đây được chiên lớn, giòn, mùi thơm béo ngậy. Ngồi bên mâm bánh xèo phong phú các loại rau ăn kèm, với nước chấm tỏi ớt chua, ngọt có pha những sợi rối trắng, đỏ được chế biến từ củ cải trắng, đỏ hấp dẫn vô cùng. Hay mùi thơm tỏa ra từ những chiếc bánh xèo đang chiên, chưa ăn mà cảm thấy ngon hết sẩy. Những năm gần đây, bánh xèo tại bãi biển Thừa Đức gần như đã trở thành “thương hiệu” và hầu như ai đến nơi đây ít, nhiều cũng một lần thưởng thức món bánh xèo xứ biển.

Thưởng thức xong món bánh xèo hay các món đặc sản biển, du khách có thể tiếp tục ngã lưng trên những cánh võng được mắc trong các dãy nhà nối dài. Hay du khách tự mắc võng dưới hàng dương xanh mát, để tận hưởng không khí trong lành của biển phù sa trên đất xứ dừa. Tuy là bãi biển phù sa, nhưng nơi dây vào các dịp lễ hàng ngàn du khách từ các nơi đổ về để vui chơi, tắm biển đông nghẹt. Bãi biển đã được xây dựng bờ kè bê tông, tương lai nơi đây sẽ tạo ra không gian sinh thái xứ biển lý tưởng, thích hợp nghỉ ngơi, an dưỡng, nhất là cho người cao tuổi.

Đường đến Bình Đại hai bên đường du khách ngắm nhìn cảnh thiên nhiên, sẽ mãn nhãn với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn hay chín vàng, xen lẫn với những hàng dừa xanh thẳng lối và những liếp, những mô dừa xanh đang vươn mình bên đồng ruộng lúa. Du khách sẽ bắt gặp mô hình nuôi tôm công nghiệp tại các xã ven hai bên đường…. Ngoài các sản phẩm về biển thông thường như: cá, tôm, cua, mực, nghêu…; vùng này còn có rừng ngập mặn, có nhiều cây chà là mọc, nên cũng có lắm đuông chà là. Đây là sản vật thiên nhiên rất độc đáo, người dân nơi đây đã khai thác, chế biến làm nhiều món nhâm nhi trong các quán. Hay ở đây, còn có đặc sản con rươi dùng để làm nước nắm rất đặc biệt.

Bình Đại chưa có nhiều điểm đến du lịch, nhưng trung tâm thị trấn Bình Đại lại có nhiều cơ sở lưu trú đầy đủ tiện nghi hơn so với các huyện khác của tỉnh Bến Tre. Có thể nói cơ sở lưu trú ở đây không thua gì các khách sạn tại thành phố Bến Tre. Vì thế, du khách có thể chọn nghỉ qua đêm tại vùng đất biển yên ả này, thưởng thức đặc sản biển thỏa thích, cũng như mua sắm quà lưu niệm nhân chuyến hành trình khám phá đất biển trên ba dãy cù lao xứ dừa Bến Tre.