Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Vui lễ Quốc khánh 2/9 tại Bến Tre

Năm nay lễ 2/9 rơi vào những ngày cuối tuần được nghỉ dài ngày, du khách có thể gửi thời gian nghỉ của mình vào việc đi về quê thăm gia đình hoặc đi tham quan du lịch để thư giãn và nạp năng lượng cho mình. Nhân dịp này, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Bến Tre có nhiều chương trình khuyến mãi và kèm các hoạt động vui nhộn tạo sân chơi lành mạnh cho du khách khi về Bến Tre.
Điểm qua một số hoạt động và các chương trình hấp dẫn như sau: 

1. Chương trình ẩm thực ngoài trời “Hội bánh dân gian”, từ ngày 02 đến ngày 04/9/2016, giới thiệu gần 100 loại bánh dân gian của miền Tây tại Điểm du lịch Cồn Phụng - Điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long. Tại điểm du lịch này còn có các dịch vụ như: đi bóng nước, câu cá sấu giải trí, tham gia một số trò chơi dân gian trúng thưởng, tham quan chương trình tour sông nước miệt vườn, …. 
Bánh dân gian (ảnh Internet)
2. “Ngày hội ẩm thực 2/9” tại Sân vườn - Nhà hàng Đồng Khởi 2, với các món ăn có hương vị hấp dẫn: Gà rán Đồng Khởi, lẩu tự chọn dành cho 03 người, các món hải sản tươi ngon, các món nướng thơm ngon để chào mừng lễ Quốc khánh vào một ngày duy nhất là 02/9/2016, giá coupon: 100.000đ/vé, ngoài ra du khách còn có thể giao lưu đàn ca tài tử Nam bộ tại nơi đây.

3. Để tham gia trải nghiệm thu hoạch dưa lưới du khách đến Khu du lịch sinh thái vườn trái cây Phú An Khang cùng tham quan vườn dưa lưới, tự tay hái trái và thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt từ ngày 02 đến ngày 04/9/2016. Đến với Phú An Khang du khách còn được phục vụ với nhiều dịch vụ khác: tát mương bắt cá, chèo xuồng, hái trái cây trong vườn,… 
Thu hoạch dưa lưới (ảnh tư liệu)
Riêng Du lịch Bảo Duyên chào đón lễ 2/9 với chương trình khuyến mãi giảm 10% cho tất cả giá tour tham quan du lịch tại Bến Tre khi du khách đăng ký trước. Ngoài những chương trình hấp dẫn trên, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch Bến Tre có thêm nhiều dịch vụ ưu đãi dành cho du khách khi đăng ký nhân dịp lễ này, giúp du khách có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bổ ích bên gia đình và người thân.

Trong dịp này, du khách có thể thưởng thức chương trình văn nghệ chào mừng Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8), Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2016) và Ngày Âm nhạc Việt Nam (03/9/2010-03/9/2016) tại Bến Tre ở Công viên - Tượng đài Đồng Khởi, thành phố Bến Tre vào lúc 19 giờ ngày 02/9/2016.

Đồng thời từ nay đến cuối năm 2016, tỉnh Bến Tre có phát động tổ chức cuộc thi “Người đẹp xứ Dừa 2016”, đây là hoạt động sinh hoạt văn hoá mang tính chất lệ kỳ 2 năm/1 lần của tỉnh Bến Tre, và là sân chơi bổ ích lành mạnh cho mọi người, đặc biệt là nữ thanh niên, nhằm định hướng giáo dục vẻ đẹp hài hòa về hình thể và trí tuệ, chú trọng tài năng toàn diện, thái độ ứng xử chuẩn mực và duyên dáng của các thí sinh, qua đó tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Với chi tiết thời gian diễn ra các vòng thi như sau:
  • Vòng sơ tuyển: từ ngày 11/11/2016 đến ngày 13/11/2016, địa điểm: Trung tâm hội nghị tiệc cưới TTC Palace (Đồng Khởi Palace cũ). 
  • Vòng bán kết: 19 giờ ngày 19/11/2016, địa điểm: dự kiến Nhà hàng Đồng Khởi Palace.
  • Vòng chung kết - Vòng nhà chung: từ ngày 24/11/2016 đến ngày 02/12/2016, địa điểm: Bến Tre Riverside Resort.
  • Đêm chung kết xếp hạng: dự kiến 03/12/2016, địa điểm:  sân vận động tỉnh Bến Tre./.

Bến Tre sẽ tham gia Hội chợ quốc tế "ITE" lần thứ XII tại Tp. Hồ Chí Minh

Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE - HCM 2016) được tổ chức từ ngày 08/9/2016 đến 10/9/2016 tại Trung tâm Triển lãm Hội nghị Sài Gòn – 779 Nguyễn Văn Linh - Khu đô thị Phú Mỹ Hưng - Quận 7, đây là sự kiện thường niên và là điểm nhấn quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Informa Exhibitions, Công ty Vinexad phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hồ Chí Minh và là sự kiện du lịch duy nhất được bảo trợ bởi Bộ Du lịch Campuchia, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, Bộ Du lịch và Thể Thao vương quốc Thái Lan, Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar.
Cụm liên kết phía đông tham gia sự kiện  (Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hiệp Hội DL,ĐBSCL đứng thứ hai từ phải sang)
Cụm liên kết phía Đông đồng bằng sông Cửu Long tham gia sự kiện gồm 5 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang và Long An, nhân dịp này Ban tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế lần thứ XII sẽ phối hợp với các cơ quan xúc tiến du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại một số địa phương tổ chức cho các người mua cùng đoàn báo chí quốc tế tham gia các chương trình khảo sát và làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ… tại một số tỉnh, thành có tiềm năng du lịch phong phú phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng thị trường, Bến Tre là điểm đến được Ban tổ chức quan tâm chọn cho đợt khảo sát kỳ nầy . Đoàn Famtrip khoảng 25 người mua quốc tế (từ các thị trường Châu Mỹ, Châu Âu, Úc, đông bắc Á) và các cơ quan báo chí đến khảo sát các sản phẩm du lịch với đặc thù tiềm năng du lịch sông nước, du lịch sinh thái, nhiều vườn trái cây của tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những điểm đến thu hút nhiều thị trường khách quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Đến nay đã qua 11 năm tổ chức ITE - HCMC 2016 đã trở thành sự kiện du lịch quốc gia và mang tầm khu vực, góp phần quan trọng vào việc quảng bá, xúc tiến và thu hút khách du lịch đến Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…. Đây được xem là một sự kiện du lịch hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp trong nước, là cơ hội kinh doanh cho cả thị trường du lịch trong và ngoài nước tại Việt Nam và khu vực sông MêKông. Vì vậy ITE - HCMC 2016 là một cơ hội rất tốt cho tất cả các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương, doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ có liên quan đến lĩnh vực du lịch tìm kiếm đối tác quốc tế, giới thiệu những sản phẫm du lịch và mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh đến các thị trường du lịch khách quốc tế trọng điểm và tiềm năng…

Mang tính chuyên nghiệp: ITE - HCMC 2016 ngày càng được nâng lên cả về tầm vóc và quy mô, phát huy lợi thế thương hiệu trong quảng bá, xúc tiến du lịch cấp quốc gia, quốc tế được thể hiện rỏ nét qua từng sự kiện; năm 2005 có khoảng 60 đơn vị đến từ 10 quốc gia và 16 tỉnh, thành trong cả nước, bước đột phá gây ấn tượng tốt vào năm 2007 với chủ đề “Ba quốc gia - Một điểm đến” (Campuchia - Lào - Việt Nam); năm 2012, Ban Tổ chức đã mở rộng mối quan hệ hợp tác xây dựng và gắn kết được một thành viên là Myanmar với chủ đề “Bốn quốc gia - Một điểm đến” và năm 2013 đã được nâng lên “Năm quốc gia - Một điểm đến” với sự tham gia của Thái Lan “đất nước chùa vàng”, “được mệnh danh là thiên đường du lịch”. ITE - HCMC 2016 mở ra cơ hội cho 5 quốc gia thuộc hạ nguồn sông MêKông Campuchia -Lào - Myanmar -Thái Lan và Việt Nam, nhằm khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch hấp dẫn của mỗi quốc gia thuộc vùng sông Mêkông tạo nên sự gắn kết mật thiết giữa các trung tâm du lịch lớn như: Phnôm Pênh, Băngkok, Viêng Chăn, Yangon và thành phố Hồ Chí Minh, đây là nguồn động lực phát triển du lịch ở cấp độ mỗi quốc gia.

Theo Ban Tổ chức dự kiến: ITE - HCM 2016 sẽ mở rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng, thu hút khoảng 270 đơn vị tham gia triển lãm, trong đó bao gồm một số Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không, công ty lữ hành và đại diện các đơn vị kinh doanh du lịch từ nhiều quốc gia trên thế giới cùng các doanh nghiệp đến từ 27 tỉnh, thành trong cả nước. Thu hút khoảng 250 người mua quốc tế, gồm các hãng lữ hành outbound nước ngoài, đến từ 30 thị trường quốc tế trọng điểm, 100 người mua nội vùng (các hãng lữ hành outbound của 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam), sẽ thu hút trên 30.000 lượt khách tham quan, tăng trưởng quy mô từ 20 - 30% so với năm 2015.

Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE - HCMC 2016), sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Chương trình “Người mua” và báo chí, lễ khai mạc - gala Dinner (Đêm Việt Nam); Lễ trao giải thưởng du lịch quốc tế MêKông; Diễn đàn Du lịch Trách nhiệm ACMECS; Hội thảo giới thiệu thị trường khách du lịch Úc và New Zealand; Hội thảo giới thiệu du lịch MICE TPHCM; Hội thảo giới thiệu thị trường khách du lịch Mỹ và Canada... Đặc biệt Ban tổ chức lần đầu tiên mời các blogger quốc tế về du lịch đến từ các nước như: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Pháp và Anh. Các blogger chia sẻ kinh nghiệm quảng bá, xúc tiến du lịch trên các mạng xã hội phổ biến… Ngoài ra Ban tổ chức ITE - HCM 2016 sẽ mở rộng các Giải thưởng như; Hãng hàng không xuất sắc của năm, nhà điều hành tour Du lịch Outbound xuất sắc của năm, nhà điều hành tour Du lịch Inbound xuất sắc của năm, khách sạn 5 sao xuất sắc của năm, khu nghỉ dưỡng xuất sắc của năm và 3 giải thưởng mới là; trang mạng thương mại điện tử du lịch của năm, chương trình quảng bá điểm đến du lịch trên truyền hình của năm, lễ hội của năm. Ngoài ra còn có nhiều chương trình bốc thăm trúng thưởng với nhiều giải thưởng như; các tour du lịch xuyên Việt giảm giá, chương trình bốc thăm trúng vé giá rẻ, chương trình khuyến mãi của các hãng hàng không và chương trình giao lưu văn nghệ...

Với tính chất và quy mô của sự kiện mang tầm Quốc tế, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre cùng các Trung tâm Xúc tiến cụm liên kết xác định đây là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng cần xúc tiến, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Bến Tre, một điểm đến “An toàn, thân thiện và chất lượng”… Đến nay công tác chuẩn bị tham gia sự kiện cùng với cụm liên kết phía Đông đồng bằng sông Cửu Long tỉnh Bến Tre đã hoàn tất.

Tham gia sự kiện này là cơ hội thuận lợi để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, du lịch chất lượng, đặc trưng, mang tính cạnh tranh và còn là cơ hội quảng bá các sản phẩm nổi bật của cụm liên kết nói chung và Bến Tre nói riêng để phát triển trở thành thương hiệu “Năm địa phương Một điểm đến” của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra việc tham gia sự kiện còn là dịp cho các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh trao đổi, hợp tác, đưa hình ảnh du lịch Bến Tre tiếp cận với các công ty lữ hành, các cơ quan truyền thông, báo chí trong nước và Quốc tế, nhằm thu hút du khách đến Bến Tre ngày càng nhiều hơn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh đạt được những mục tiêu đã đề ra cũng như góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà./.

Xoay quanh việc liên kết để phát triển du lịch

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; có sự phối hợp trách nhiệm giữa các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương. Phát triển du lịch cần có sự liên kết miền, liên kết vùng, khu vực; đặc biệt là liên kết giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch với nhau để tạo sức mạnh nhằm đủ sức cạnh tranh về việc thu hút khách du lịch về với từng địa phương của vùng trong một quốc gia. Đó là móc xích đặt ra đối với từng địa phương, đặc biệt là những nhà quản lý du lịch, những nhà làm du lịch và tất cả những người dân tham gia du lịch cộng đồng.

Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL theo hướng xây dựng sản phẩm du lịch ở cấp quốc gia nhằm tham quan trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa vùng ĐBSCL tại những địa bàn chính như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Long An nhằm khai thác phù hợp với thị trường khách quốc tế như: Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật, Hàn Quốc và thị trường khách nội địa từ TP.Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Đó là những nội dung chủ yếu của Đề án "Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long" (ĐBSCL) được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt theo Quyết định số: 194/QĐ-BVHTTDL, ngày 23 tháng 01 năm 2015.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết về liên kết phát triển du lịch cụm phía Tây ĐBSCL tại An Giang
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam kết hợp với Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL thành lập hai cụm liên kết phát triển du lịch của vùng ĐBSCL; Bến Tre được nằm trong cụm phía Đông Duyên Hải ĐBSCL với 4 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh vào cuối năm 2013 và là Cụm trưởng năm 2014, Vĩnh Long Cụm trưởng năm 2015 và Tiền Giang Cụm trưởng năm 2016; sang năm 2017 sẽ đến Trà Vinh là Cụm trưởng. Dù không có nhạc trưởng điều hành hoạt động nhưng Cụm cũng đã có kế hoạch điều phối để phân công từng tỉnh thay làm Cụm trưởng đã đi vào hoạt động liên kết hợp tác xúc tiến ngày có chiều sâu. Đến năm 2015 Cụm phía Đông đã kết nạp thêm tỉnh Long An vào Cụm và lúc nầy cụm với thương hiệu "Năm địa phương Một điểm đến. Giữa năm 2016 Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL đã có quyết định kết nạp tỉnh Đồng Tháp vào Cụm; vậy tổng cộng phía Đông gồm 6 tỉnh.

Cụm phía Đông đã ra đời bản đồ du lịch chung vào năm 2015 và đầu năm 2016 Cụm đã có tập gấp thông tin tour, tuyến, điểm du lịch của năm địa phương (lúc bấy giờ chưa có Đồng Tháp) nhằm quảng bá một tour du lịch dài ngày với nhiều sản phẩm phong phú, không trùng lấp của vùng sông nước ĐBSCL mà Long An là Làng nổi Tân Lập, Vĩnh Long là sông nước miệt vườn, Bến Tre và sông nước Xứ Dừa, Tiền Giang là Cây trái Vĩnh Kim - Cái Bè và Trà Vinh là văn hóa Khmer; đó là những thương hiệu đặc trưng trong tour liên kết dài ngày khi du khách đến trải nghiệm và tham quan vùng sông nước ĐBSCL.

Cụm phía Tây được Hiệp hội du lịch ĐBSCL chọn là cụm du lịch trọng điểm, được quyết định liên kết từ năm 2008 gồm 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau, sau đó có thêm Bạc Liêu và đã trở thành thương hiệu "Bốn địa phương +". Năm 2015 Hậu Giang đã liên kết và đến 12/8/2016 thì địa phương cuối cùng của ĐBSCL đã được quyết định kết nạp theo tinh thần tự nguyện của tỉnh Sóc Trăng. Vậy 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã liên kết hợp tác phát triển du lịch thành hai Cụm đại diện vùng sông nước Đồng bằng của miền Tây Nam bộ.

Vấn đề liên kết thành Cụm cơ bản đã xong, mỗi Cụm xây dựng cho mình một sản phẩm đặc thù riêng có của từng Cụm, từng địa phương. Tuy nhiên sự liên kết hợp tác phát triển góp phần cho du lịch ĐBSCL phát triển, thu hút khách du lịch ở thị trường quốc tế, thị trường TP.Hồ Chí Minh, thị trường Thủ đô Hà Nội và thị trường miền Trung về với Vùng, với Cụm và với từng địa phương là vấn đề nan giải cần đặt ra để có giải pháp thu hút du khách và giữ chân du khách dài ngày tại ĐBSCL. Hiện nay việc liên kết vẫn còn bất cập vấn đề không đồng nhất giữa các Trung tâm Xúc tiến với nhau, có tỉnh là Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch; rồi Trung tâm Phát triển Du lịch, Trung tâm Quảng bá Du lịch, tất cả trực thuộc Sở VHTTDL. Bên cạnh đó Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch hay Trung tâm Thương mại- Đầu tư- Du lịch,... thì trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Thứ hai là bất cập về sự khác nhau của kinh phí xúc tiến của từng địa phương nên việc phối hợp chưa nhịp nhàng và đồng bộ trong từng Cụm.

Hai Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch có nhiều kết quả khả quan như về khách đến vùng ĐBSCL tăng, lượng khách lưu trú lại nhiều hơn so với lúc chưa liên kết và tổng thu từ khách du lịch theo báo cáo từng địa phương đều tăng. Hai Cụm đã tạo được sức mạnh, đồng lòng và quyết tâm trong phát triển du lịch. Các tỉnh cũng đã tổ chức các sự kiện tại địa phương theo chương trình hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2016 tốt; công tác xúc tiến, quảng bá được quan tâm hơn, phong phú và đa dạng hơn,...Ông Trần Việt Phường - GĐ sở VHTTDL thành phố Cần Thơ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phát biểu đánh giá công tác liên kết phát triển du lịch tại hội nghị tổng kết cụm phía Tây vào ngày 12/8/2016 tại An Giang.
Ông Đoàn Việt Phường - chủ tịch HHDL-ĐBSCL trao quyết đị kết nạp đơn vị cuối cùng của ĐBSCL vào Cụm phía Tây
Vào ngày 9/8/2016 vừa qua, Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch do Chính phủ tổ chức tại Quảng Nam; Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phát triển du lịch cộng đồng, cần giáo dục người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng trong phát triển du lịch, cần tăng cường cởi mở nhiệt tình với khách du lịch, giữ môi trường xanh sạch đẹp để tạo ấn tượng trong lòng du khách và thu hút du khách nhiều hơn. 

Ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính Phủ nhấn mạnh về phát triển du lịch Việt Nam cần quan tâm hai việc: một là sạch sẽ, hai là thái độ. Sạch sẽ về vệ sinh, về môi trường, về việc không ăn xin,... còn thái độ là việc nhìn và cư xử đối với du khách bằng sự thiện cảm từ trong các cơ quan quản lý nhà nước, từ các cơ quan Công an, từ cơ quan Hải quan, từ những người làm du lịch và từ cộng đồng dân cư. Ông cũng nhắc lại sáu điều làm khách du lịch sợ đến Việt Nam mà ai cũng nhìn nhận là: Giá cả chặt chém; Giao thông không an toàn; Ăn cắp, ăn xin; Không an toàn thực phẩm; Vệ sinh môi trường kém; Ứng xử chưa văn minh, lịch sự.

Chính vì thế mà việc liên kết phát triển du lịch cần xem lại từng cấp, từng bộ phận phải đặt ra cho mình một giải pháp hữu hiệu, chứ không phải chỉ nói chung chung rồi sơ kết, tổng kết mà hiệu quả chẳng bao nhiêu. Góc độ các phòng Quản lý du lịch cần phải tham mưu cho Sở VHTTDL từng địa phương kế hoạch điều phối và có kiểm tra, giám sát chặt chẽ những đầu việc cụ thể của năm, của nhiệm kỳ; bên cạnh đó cần phối hợp điều phối giữa Sở VHTTDL với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch (đối với tỉnh không có Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch trực thuộc Sở) thì việc thực hiện liên kết mới hiệu quả.

Việc liên kết của các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thực hiện cần phải cùng nhau khảo sát, xây dựng tour, tuyến, điểm tạo sản phẩm đặc thù cho cụm mà còn phải liên kết giữa Cụm với Cụm để làm sao du khách về vùng ĐBSCL không những lưu lại năm ba ngày của phía Đông mà phải thêm đôi ngày nữa ở phía Tây hay ngược lại. Vậy vai trò đồng hành của các Trung tâm cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các công ty lữ hành du lịch phải nhịp nhàng và năng động. Các doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành du lịch của các địa phương phải phối hợp liên kết với nhau như thế nào để mở rộng tour, tuyến từ Cụm Tây sang Đông và từ Đông sang Tây. Đó là điều quyết định việc liên kết phát triển du lịch của Vùng.

Riêng các đơn vị kinh doanh du lịch hay những người làm du lịch tại từng địa phương cần liên kết hợp tác với nhau như thế nào, điều kiện hợp tác ra sao, có liên kết chưa, đầu mối từ đâu,... đó là bài toán vỡ lòng để đi đến liên kết hợp tác xa hơn. Muốn giải bài toán nầy từng địa phương phải có Hiệp hội Du lịch và hoạt động tích cực, tập hợp đầu mối để cùng nhau trao đổi phương thức triển khai Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; học hỏi kinh nghiệm, giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Xoay quanh việc liên kết phát triển du lịch là tìm giải pháp để giải quyết được một số bất cập cơ bản trên thì việc khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương sẽ dễ dàng hơn, cũng như tham gia góp ý cho quy hoạch tổng thề về phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Tổng Cục Du lịch đã xây dựng và thực hiện./.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Bến Tre đề cử 05 món ăn, đặc sản tham gia Hành trình tìm kiếm, quảng bá TOP Ẩm thực và Đặc sản Việt Nam lần thứ tư - 2016

Du lịch miền Tây, về với quê hương xứ dừa Bến Tre ngoài việc thưởng ngoạn thắng cảnh đẹp, du khách được dịp tìm hiểu thêm về những món ăn ngon và đặc sản của người dân nơi đây. Vì Bến Tre là xứ sở của dừa, những rừng dừa bạt ngàn và đời sống con người cũng gắn bó rất nhiều với cây dừa. Vì thế, không lạ gì ẩm thực Bến Tre có nhiều món ăn ngon có liên quan đến dừa như nước dừa, cơm dừa, củ hũ dừa, nước cốt dừa. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre đề cử đặc sản Bến Tre tham gia chương trình Hành trình tìm kiếm, quảng bá TOP Ẩm thực và Đặc sản Việt Nam lần thứ tư - 2016 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức.

TOP món ăn đặc trưng:
1. Gỏi củ hủ dừa
Gỏi củ hũ dừa - món ăn tinh hoa của Bến Tre 
Khắp các đường quê, ngõ xóm ở Bến Tre đều thấy bóng dáng của dừa; đi đâu bạn cũng bắt gặp những cây dừa cao vút, tỏa bóng râm mát và cho trái sai trĩu trịt. Có lẽ vì vậy mà các món ăn ở đây đều cho thêm dừa để tăng hương vị. Tuy nhiên, món gỏi củ hũ dừa không phải lúc nào cũng có thể được thưởng thức. Đây là món đặc sản mà người dân thường dùng để đãi khách quý.

…Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn, mát, giòn, thơm và lại thanh đạm, ít béo. Ngoài ra, nguyên liệu để làm món gỏi còn có tôm bóc nõn, thịt ba rọi, tai lợn xắt mỏng, rau răm, hành tây và lạc rang giòn.

Củ hũ dừa được bào thành những lát mỏng trộn cùng các nguyên liệu trên, thêm gia vị, ít đường, ít muối, nước giấm hoặc chanh tạo thành món gỏi hấp dẫn, đậm đà hương vị.

Bạn có thể cảm nhận món gỏi như một bức tranh với sắc trắng tinh của củ hũ dừa, màu đỏ bắt mắt của tôm, màu nâu nhạt của thịt, màu xanh mướt mát của rau răm. Ăn kèm món này là chén nước mắm chua ngọt và những chiếc bánh phồng tôm giòn tan.
Gỏi cổ hũ dừa, món ăn tinh hoa của người dân tỉnh Bến Tre. Ảnh:  mientay
2. Cơm dừa
Qua bàn tay tinh tế của người dân nơi đây đã nâng cấp món cơm dân dã hằng ngày trở thành một đặc sản lạ lẫm với người ăn, đặc biệt là khách phương xa với món cơm dừa.

Để nấu món cơm này, những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy lại. Gạo ngon vo sạch để ráo nước. Cho gạo vào trong trái dừa rồi đổ lượng nước dừa vào vừa đủ, đậy nắp lại cho kín rồi đem đi hấp. Cơm dừa nấu với nước dừa được hấp cách thủy trong nồi nên hương thơm của gạo lẫn vị ngọt của nước dừa kết đọng lại trong mỗi hạt cơm. Khi cơm chín hơi ngả màu vàng nhạt do hơi dầu từ cơm quả dừa (nếu là dừa già) cơm có màu trắng tinh với quả dừa mới nạo.

Cơm dừa có vị béo nên ăn nóng mới ngon, đặc biệt món này ăn cùng tép bạc đất rang dừa mới đúng điệu. Cái thú khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trong trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên từ cơm nóng làm cho các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.
Cơm dừa cùng téo rang  dừa
3. Tép rang dừa
Những người sống và lớn lên ở Bến Tre, ai cũng biết qua món tép rang dừa, một món ăn ngon miệng, thường có trong bữa ăn của người dân xứ dừa, xem như đó là hương vị của quê hương.

Tép rang dừa muốn có màu đỏ đẹp phải chọn tép bạc đất (dân miền Tây còn gọi là tép bầu) hoặc tôm lóng (tôm càng xanh còn nhỏ) còn tươi (thịt trong vắt). Tép được làm sạch, ướp muối, đường vừa với số lượng tép, để chừng nửa giờ cho thấm. Dừa lựa trái khô, già cho nhiều độ béo; dùng bàn nạo cơm của dừa để vắt lấy nước cốt và lược sạch (sữa dừa). Nước cốt dừa cho vào tép đã ướp và bắt ầu nấu, khi nước còn ít thì cho lửa riu riu tới khô cạn, sau đó cho ít dầu ăn hoặc mỡ động vật vào để tép có sắc bóng tạo sự hấp dẫn (nếu tép chỉ rang mỡ hay dầu mà không có nước cốt dừa thì không thể có được hương vị đậm đà này).

Tép rang dừa ăn với cơm dừa hoặc cháo trắng thì du khách không thể quên được hương vị Xứ Dừa. Còn dân nhà nông ở Bến Tre ăn sáng trước khi ra đồng bằng một tô cơm nếp với những con tép rang dừa vàng ươm là đủ năng lượng cho một buổi lao động vất vả; Những bữa cơm thường nhật thì dùng tép rang dừa ăn với canh chuối xiêm hầm nước cốt dừa thêm vào ít bí đỏ cũng là món ăn độc đáo của người dân Bến Tre.
TOP sản phẩm đặc trưng
1. Bưởi da xanh Bến Tre
Bưởi da xanh được trồng nhiều ở các xã ngoại ô thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách. Bến Tre là tỉnh có diện tích bưởi da xanh lớn nhất cả nước - hơn 4.750 ha và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống cây quốc gia.

Hiện nay, đặc sản bưởi da xanh được ưa chuộng bởi chất lượng ngon (ngọt thanh, không hạt), phù hợp với thổ nhưỡng của Bến Tre. Nó là một trong năm loại cây ăn trái chủ lực đang được phát triển vùng chuyên canh. Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và xây dựng thương hiệu sản phẩm "Bưởi da xanh Bến tre".

Về Bến Tre, du khách có thể mua đặc sản bưởi da xanh ở các cửa hàng trái cây, chợ, siêu thị hoặc hợp tác xã Nông nghiệp Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An - nơi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu từ năm 2005.
2. Kẹo dừa
Bến Tre là vùng đất được mệnh danh là “xứ sở dừa Việt Nam”, nơi có diện tích dừa trên 1/3 diện tích dừa cả nước, hương vị thơm ngon trội hơn dừa ở những nơi khác. Đây là lợi thế cạnh tranh để phát triển sản phẩm kẹo dừa Bến Tre đến với mọi miền đất nước. Đặc sản kẹo dừa là món quà không thể thiếu của du khách mỗi dịp về xứ dừa Bến Tre. Kẹo dừa đơn giản là sự kết hợp giữa nước cốt dừa và mạch nha, mang đến hương vị béo ngậy.

Ngày nay, người dân Bến Tre đã cải tiến làm thêm nhiều loại kẹo dừa có kết hợp các nguyên liệu khác như hương vị sầu riêng, đậu phộng và cả ca cao. Sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống làm nên sức sống của một hương vị độc đáo và chỉ có ở Bến Tre. Một số thương hiệu kẹo dừa nổi tiếng như: Kẹo dừa Bến Tre, Thanh Long, Tuyết Phụng, Yến Hương, Vĩnh Tiến, Thiên Long, …/.