Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Khách sạn Hùng Vương

Khách sạn Hùng Vương: 148-166 đường Hùng Vương, phường 3, thành phố Bến Tre. Khách sạn nằm bên bờ sông Bến Tre hiền hòa và thơ mộng. Hệ thống phòng nghỉ gồm 40 phòng. Giá một phòng từ 300.000 đồng đến 530.000 đồng. Khách sạn có nhà hàng phục vụ các món ăn Âu, Á, đặc sản và nhận phục vụ tiệc đến 500 người. Hội trường có sức chứa từ 50 đến 4000 chỗ ngồi với đầy đủ phương tiện phục vụ hội nghị. Phòng Karaoke với thiết bị hiện đại ...
Với đội ngũ nhân viên nhiệt tình và chu đáo, khách sạn Hùng Vương sẽ mang lại cho quý khách những giây phút nghỉ ngơi thoải mái và an toàn.
Điện thoại: (84-75) 3822408 – 3826134

Liên kết tham gia Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Hà Nội

Căn cứ Công văn số 917/VPUBND-VHXH ngày 05 tháng 8 năm 2015 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc tham gia “TLVHDL ĐBSCL tại Hà Nội”. Ngày 6/10/2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL) các tỉnh liên kết cụm phía Đông duyên hải ĐBSCL đã họp tại Trà Vinh để triển khai kế hoạch tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch (TLVHDL) của Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam; nhằm liên kết phối hợp thực hiện các chương trình được diễn ra vào tháng 11/2015 sắp tới.
Quang cảnh buổi họp triển khai kế hoạch tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội (TTXTDL Trà Vinh)
Sự kiện nầy nhằm tuyên truyền giới thiệu “Năm du lịch quốc gia ĐBSCL 2016 tại Kiên Giang” để tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng ĐBSCL đến với nhân dân cả nước, nhân dân Thủ đô Hà Nội và bạn bè quốc tế. Khẳng định tiềm năng du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre trong vùng ĐBSCL. Đồng thời đẩy mạnh sự đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động Văn hóa - Du lịch của Bến Tre nói riêng, của ĐBSCL nói chung đến với các tỉnh, thành trên cả nước.

Sau khi trao đổi , Sở VHTTDL các tỉnh, thống nhất nội dung phối hợp thực hiện như: Triển lãm “Những sắc màu Văn hóa, Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long”; tham gia gian hàng hội chợ Sản phẩm văn hóa, du lịch và nông sản đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ; trình diễn nghệ thuật ca nhạc tài tử Nam bộ , thao tác nghề truyền thống. Đồng thời từng tỉnh sẽ tham gia tọa đàm “Giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa, sản phẩm Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long hấp dẫn và bền vững” và tham dự chương trình Roadshow giới thiệu kế hoạch tổ chức, chuỗi hoạt động chương trình, sự kiện “Năm Du lịch quốc gia ĐBSCL - Kiên Giang 2016”.

Sau khi kế hoạch phối hợp được cụm trưởng (tỉnh Vĩnh Long) hoàn thiện, từng tỉnh sẽ có kế hoạch riêng để xin chủ trương Ủy ban nhân dân tỉnh để bắt tay triển khai liên kết thực hiện nhịp nhàng từ khâu thiết kế gian hàng, chuẩn bị nghệ sĩ, nghệ nhân, ấn phẩm, hàng hóa nông sản đặc trưng từng tỉnh,... nhằm xúc tiến du lịch thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cho năm Du lịch Quốc gia 2016 tại Kiên Giang; thu hút khách nội địa miền Trung, miền Bắc về miền Tây Nam bộ./.

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Hà Nội: Bến Tre tích cực công tác chuẩn bị tham gia

Hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia “Đồng bằng sông Cửu Long - Kiên Giang 2016”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Hà Nội (VHDL ĐBSCL) với chủ đề “Ấn tượng Di sản văn hóa, du lịch Đồng bằng sông nước Nam Bộ” sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 19 - 23/11/2015.

Năm Du lịch quốc gia 2016 tại Kiên Giang có tên gọi đầy đủ là Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long, với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”. Nhiều hoạt động có tính chất quốc gia, quốc tế sẽ được tổ chức chủ yếu ở tỉnh Kiên Giang như: lễ khai mạc, bế mạc; liên hoan ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long; triển lãm ảnh nghệ thuật biển đảo Việt Nam; liên hoan dân ca 3 miền; các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; các giải thể thao quốc gia… Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động hưởng ứng tại nhiều tỉnh, thành phố của cả nước trong suốt năm 2016.
Gian hàng Thông tin Du lịch chung các tỉnh ĐBSCL tại miền Đông Nam Bộ năm  2015
Với khí thế háo hức chào đón Năm Du lịch quốc gia, Tuần lễ VHDL ĐBSCL tại Hà Nội nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bằng sông Cửu Long đến người dân Thủ đô và các tỉnh phía Bắc nhằm khẳng định tiềm năng du lịch, kêu gọi thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các hoạt động tại Tuần lễ VHDL ĐBSCL sẽ tập trung giới thiệu về văn hóa lịch sử, danh lam thằng cảnh, các di sản, di tích, những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu giá trị đặc biệt của 13 tỉnh, thành ĐBSCL qua hình ảnh, hiện vật mô hình, nghệ thuật sắp đặt, băng hình, âm thanh, tiếng động, biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống thao tác tay nghề tại không gian trưng bày tạo sự hấp dẫn sinh động cho du khách. Các hoạt động gồm: 
  • Triển lãm với chủ đề “Những sắc màu văn hóa, du lịch” ĐBSCL;
  • Trình diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc, lễ hội trò chơi dân gian, thao tác nghề truyền thống ĐBSCL;
  • Giao lưu văn hóa ẩm thực “Món ngon hương vị đặc sản vùng sông nước Nam Bộ”;
  • Tọa đàm “Giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa sản phẩm du lịch hấp dẫn và bền vững vùng Đ BSCL”, 
  • Chương trình Road show giới thiệu Di sản văn hóa, sản phẩm du lịch và chuỗi hoạt động sự kiện trong năm 2016 tại Kiên Giang;
  • Hội chợ sản phẩm văn hóa, du lịch và sản phẩm đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ.

Ảnh minh họa sông nước miệt vườn, trái cây Nam Bộ
Thông qua các hoạt động triển lãm giao lưu văn hóa, nghệ thuật nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ nâng cao nhận thức văn hóa, du lịch đồng bằng sông Cửu Long, ý thức trách nhiệm và vai trò của từng cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, góp phần đẩy mạnh sự đoàn kết giao lưu trao đổi học tập kinh nghiệm.

Để góp phần cho sự thành công Tuần lễ VHDLĐBSCL, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến tre chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xây dựng kế hoạch tham gia các hoạt động báo theo yêu cầu của Bộ VHTTDL. Sở VHTTDL đề cử ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc tham gia thành viên Ban Tổ chức Tuần Lễ VHDL ĐBSCL. Bên cạnh đó Sở đã giao Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chuẩn bị kế hoạch tham gia triển lãm hình ảnh và trình chiếu những danh lam, thắng cảnh của vùng sông nước Xứ Dừa đến du khách trong họat động triển lãm. Ngoài ra còn tham gia các hoạt động khác như chương trình Road show giới thiệu di sản văn hóa, sản phẩm du lịch và chuỗi hoạt động “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Kiên Giang”; Tham gia tham luận tọa đàm “Giữ gìn văn hóa, sản phẩm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp các tỉnh liên kết trong Cụm phía Đông duyên hải ĐBSCL để tham gia gian hàng chung với chủ đề “ Năm địa phương - Một điểm đến” (Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh), nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch và sản phẩm đặc trưng sông nước miệt vườn tại Bến Tre; đặc biệt là giới thiệu thông tin tour, tuyến, điểm du lịch mới của Cụm và đặc sản Bến Tre như: kẹo dừa, hàng trang mỹ nghệ từ dừa, sản phẩm các làng nghề truyền thống như: bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, bưởi da xanh Bến Tre,…./.

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Hội thảo liên kết phát huy các giá trị du lịch địa phương để phát triển du lịch trục thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long

Sáng ngày 26/9/2015, Hội thảo “phát triển ngành Dừa tỉnh Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Khách sạn Dừa (Coconut hotel) và 13 giờ 30 cùng ngày, cũng tại nơi đây đã diễn ra Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch tỉnh Bến Tre năm 2015 do ông Nguyễn Thiện Nhân - UV Bộ Chính trị, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và ông Cao Văn Trọng - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo; ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng cục Du lịch; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre; lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh và lãnh đạo sở VHTTDL các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An và TP.HCM cùng các doanh nghiệp làm du lịch trong và ngoài tỉnh đến dự.
Quang cảnh buổi Hội thảo liên kết phát triển du lịch Bến Tre
Ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre báo cáo khái quát về thực trạng du lịch Bến Tre 1995-2015, định hướng các giải pháp giai đoạn 2016-2020 nhằm giới thiệu tiềm năng thế mạnh của du lịch sinh thái sông nước miết vườn Bến Tre, đồng thời gợi mở việc liên kết phát triển du lịch của các tỉnh gắn với TP.HCM tạo một sản phẩm du lịch với thương hiệu “Một điểm đến bốn địa phương + (Long An và Đồng Tháp).

Qua phát biểu của đại diện các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Công ty Vietravel và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.... những tham luận đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc làm thế nào để du lịch Bến Tre nói riêng, các tỉnh trong khu vực nói chung thu hút khách du lịch ngày càng đông. Trong đó, nhiều tỉnh, doanh nghiệp làm du lịch ghi nhận những nỗ lực của ngành du lịch thời gian qua đã đầu tư nhiều công trình, dự án lớn, thu hút khách du lịch ngày càng động. Đặc biệt, việc xác định được tiềm năng thế mạnh của ngành du lịch từng địa phương là rất quan trọng để có chiến lược đầu tư phát triển đúng định hướng. 

Theo Tiến sỹ Trần Thanh Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang ngoài khai thác thế mạnh vùng Đồng Tháp Mười, ven biển Đông, còn tập trung khai thác khá thành công vùng đất cồn Long Lân Qui Phụng trên sông Tiền. Ông nói, Tiền Giang thì có cồn Long, cồn Lân đã đầu tư khai thác hiệu quả, còn phía Bến Tre thì đầu tư khai thác hiệu quả cồn Phụng, cồn Qui. Như vậy hai tỉnh phải có sự liên kết hợp tác thì sẽ có hiệu quả hơn cho quần thể Long - Lân - Qui - Phụng để thu hút khách. 
Chủ trì Hội Nghị (từ trái sang: ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre; ông Nguyễn Thiện Nhân - UV Bộ Chính trị, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam; ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre)
Ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng cục Du lịch thì cho rằng, Bến Tre khách đến cũng khá đông nhưng hiệu quả khai thác nguồn thu từ khách thì không nhiều, chỉ khoảng 700 ngàn đồng/lượt khách là quá thấp. Cho nên phải tính đến sản phẩm du lịch, có nghĩa là làm sao để có cái gì đó giữ chân được du khách qua đêm. Bến Tre có thế mạnh là du lịch văn hóa lịch sử như sự kiện Đồng Khởi, con gái xứ dừa mặc áo bà ba, có đường Hồ Chí Minh trên biển, nhiều danh nhân văn hóa cần tranh thủ khai thác.

Thực tế nhiều tỉnh có tiềm năng thế mạnh nhưng chưa khai thác có hiệu quả. Các tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu đặc thù sản phẩm của từng địa phương. Đại diện doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vietravel cho rằng, công ty của ông chuyên kinh doanh khách lữ hành nhưng trong năm cũng chỉ đưa được khoảng 5 ngàn khách về tỉnh là con số còn khiêm tốn vì Bến Tre chưa có doanh nghiệp lớn làm đầu tàu dẫn dắt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có nhà đầu tư lớn đến khai thác những tiềm năng vốn có của quê hương Xứ Dừa, cũng còn na ná các tỉnh. Do vậy, Bến Tre nên tận dụng lợi thế vùng sông nước để đầu tư khai thác giao thông thủy du lịch, kết hợp sản phẩm đặc sản từ dừa. Tỉnh phải có qui hoạch, có lộ trình rõ ràng để các doanh nghiệp làm du lịch dễ tiếp cận hướng dẫn du khách. Cần chú trọng sản phẩm du lịch làng quê xưa, nhà lá, nhà tranh với những sinh hoạt đời thường của người dân xứ dừa. Nên chú trọng thu hút khách về tỉnh như trong các sự kiện văn hóa, thể thao. Xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Bến Tre từ hình bóng cây dừa truyền thống,…
Doanh nghiệp tham gia thảo luận trong Hội thảo liên kết phát triển du lịch Bến Tre 
Ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy cho rằng Bến Tre cũng muốn tạo sản phẩm du lịch khác biệt, dự kiến làm Làng du kích xứ dừa gắn kết với di tích Đồng Khởi; rồi nuôi ong vò vẽ đánh giặc, bắn lựu đạn bằng giàn thun, tổ chức lớp học dưới hầm…nếu làm được thì rất hay, hiệu quả. Nhưng rất tiếc là chưa có nhà đầu tư; Dự án khu du lịch Đường Hồ Chí Minh trên biển huyện Thạnh Phú, dự án khu du lịch Lạc Địa huyện Ba tri cũng đang kêu gọi đầu tư; đó là những dự án lớn ngoài những dự án đã và đang đầu tư khai thác. Tỉnh sẽ cố gắng suy nghĩ, tự tạo ra cái gì đó khác biệt. Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, hội thảo đã gợi mở cho tỉnh nhiều điều để xem lại, có chương trình, giải pháp đột phá trong phát triển du lịch thời gian tới. Hội thảo đã đem lại nhiều điều bổ ích nếu có tâm huyết, khát vọng sẽ bức phá đi lên một cách bền vững trong phát triển du lịch.

Sau cùng ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong hội nghị, ông cho rằng phát triển du lịch không một ai có thể tự làm được mà rất cần có sự phối hợp, nhất là của các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp làm du lịch. Đây là dịp làm cầu nối để các doanh nghiệp, các tỉnh có điều kiện ngồi lại cùng bàn bạc, trao đổi những gút mắt mà các tỉnh đang gặp phải và có giải pháp tháo gỡ. Các tỉnh, các doanh nghiệp cần có động thái tiếp tục bàn thảo, liên kết tốt hơn sau hội thảo lần nầy. Lưu ý, các tỉnh cũng cần tranh thủ các sự kiện lớn của khu vực, toàn quốc để đăng cai nhằm thu hút khách về tỉnh mình. Các tỉnh liên kết và có kế hoạch, dự án cụ thể để phát triển mang tính chiến lược lâu dài./.