Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Kết quả 01 năm thực hiện và phương hướng hoạt động năm 2015 của chương trình liên kết phát triển du lịch cụm phía Đông duyên hải vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Du lịch ĐBSCL còn non trẻ, đang phát triển, để du lịch ĐBSCL trở thành một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước thì đòi hỏi các tỉnh phải có sự liên kết, hợp tác về du lịch. Nét đặc thù chung của vùng là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, nhưng mỗi địa phương vẫn có nét đặc trưng riêng của mình. Do đó, cần liên kết để khai thác, phát huy những điểm mạnh về tài nguyên du lịch là cần thiết.

Ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre báo cáo trong Hội nghị về kết quả 01 năm triển khai thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bến Tre (2013-2014) tại khách sạn Thiên Long- thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long vào đầu tháng 12/2014 vừa qua. 
Quang cảnh Hội nghị
Đến dự Hội nghị sơ kết có đại diện Cục công tác phía Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 4 tỉnh liên kết, tỉnh Long An và thành phố Cần Thơ; lãnh đạo 04 Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch và phòng nghiệp vụ du lịch cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của 04 tỉnh liên kết. 

Qua báo cáo, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, đó là tiền đề cho những năm tiếp theo đến 2020 như kế hoạch của Ban điều phối chương trình phát triển du lịch của khu vực đã đề ra. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch, các phòng chức năng thường xuyên phối hợp trao đổi về quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của các tỉnh trong cụm. Các tỉnh đã hỗ trợ kinh nghiệm lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, hỗ trợ cung cấp thông tin dự án phát triển du lịch, dự án kêu gọi đầu tư du lịch, .... 
Ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Các Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch trao đổi, học tập kinh nghiệm xúc tiến, phối hợp cùng tham gia xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư du lịch, giới thiệu chương trình tour tuyến du lịch liên kết với chủ đế “Bốn địa phương một điểm đến” tại các cuộc hội chợ, hội thảo, các sự kiện du lịch quốc gia, …; biên soạn tài liệu, ấn phẩm quảng bá du lịch và in bản đồ du lịch của 4 địa phương. Liên kết mở lớp đào tạo kiến thức du lịch cho các đối tượng tham gia làm du lịch cả về cán bộ quản lý du lịch từ xã đến tỉnh, chủ các doanh nghiệp và lực lượng lao động phục vụ khách du lịch. Liên kết tuyên truyền, quảng bá và tổ chức khảo sát cho các lữ hành của từng đại phương tạo tour, nối tuyến trong cụm liên kết, đồng thời liên tuyến trong khu vực ĐBSCL. 

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch Bến tre ký kết liên kết với các doanh nghiệp các tỉnh như: Tỉnh Trà Vinh có Công ty cổ phần Du lịch Trà Vinh, Công ty Du lịch Tân Hoàn Cầu; tỉnh Tiền Giang có Công ty Du lịch Cái Bè, Du lịch Tiền Giang, Du lịch Chương Dương, Du lịch lữ hành Tiền Giang, Du lịch Mekong Tiền Giang, Du lịch Việt Nhật; tỉnh Vĩnh Long có điểm du lịch An Bình và các điểm du lịch trên cù lao An Bình. Doanh nghiệp các tỉnh cũng đã có chương trình hỗ trợ nhau để cùng nhau phát triển như có chương trình ưu đãi, giảm giá khuyến mãi cho những tour liên kết khi kết nối,… .

Năm qua 04 tỉnh đã cùng nhau phối hợp tham gia xúc tiến chung các hội chợ du lịch lớn như: Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội (VITM 2014), Hội chợ Thương mại- Du lịch trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử quốc gia Bạc Liêu lần thứ I năm 2014, Hội chợ Du lịch quốc tế Hồ Chí Minh (ITE HCMC), Hội chợ trong khuôn khổ MDEC Sóc Trăng. Đó là những hội chợ chuyên ngành du lịch. Các Trung tâm xúc tiến du lịch đã phối hợp với báo, đài, tạp chí của Tổng cục Du lịch và nhiểu diễn đàn trên toàn quốc để giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh về du lịch của cụm liên kết. 

Xây dựng tour du lịch liên tỉnh của các công ty như: Công ty du lịch Bảo Duyên, công ty TNHH Du lịch Cồn Phụng, công ty TNHH Du lịch Hàm Luông đã thực hiện nhiều tour trong chương trình liên kết phát triển du lịch, đã giới thiệu sản phẩm du lịch của 04 tỉnh, tạo sản phẩm phong phú, đa dạng và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Qua chương trình liên kết phát triển du lịch, các doanh nghiệp du lịch có tổng thu từ khách du lịch tăng 12% năm.

Đánh giá chung sau một năm hoạt động của cụm liên kết phía Đông ĐBSCL thì cụm nầy vẫn còn hạn chế. Trong hoạt động cụm của năm 2014- 2015 cần chú ý xây dựng chương trình cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ, phát huy vai trò của cụm trưởng hơn nữa; đặc biệt là tổ chức sự kiện chung cho 4 tỉnh (tỉnh nào đăng cai thì các tỉnh còn lại hỗ trợ.)
Trao cờ luân lưu
Sau khi trao cờ luân lưu giữa Bến Tre và Vĩnh Long; Vĩnh Long chính thức giữ vai trò cụm trưởng giai đoạn 2014-2015. Ông Phan Văn Giàu - Phó GĐ sở VHTTDL Vĩnh Long đề ra phương hướng năm 2015 tập trung liên kết về trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư du lịch, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch và đặc biệt là tạo ra sự kiện du lịch chung.

Các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch liên kết bằng những chương trình cụ thể nhằm hợp tác trên lĩnh vực được Ban điều phối phân công như tổ chức tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm và ký kết các thỏa thuận liên kết, xây dựng chương trình kế hoạch phát triển du lịch bốn địa phương, xây dựng sản phẩm mới trong cụm gắn chặt với chủ đề “Bốn địa phương một điểm đến”; gắn kết xúc tiến du lịch chung tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước,…

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các điểm du lịch có kế hoạch liên kết song phương và đa phương nhằm phát huy hiệu quả cao nhất để phá đi sự trùng lắp sản phẩm khi cùng chung vùng sông nước miệt vườn ĐBSCL.

Qua một năm liên kết đã tạo được nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp của 04 tỉnh về quan điểm tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển du lịch, tạo được kênh hữu ích trong việc trao đổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quản lý cũng như trong xúc tiến du lịch, góp phần tích cực cho việc định hướng phát triển du lịch, quy hoạch, xây dựng sản phẩm của từng địa phương; từng bước sẽ trở thành sản phẩm chung của cụm phía đông duyên hải ĐBSCL./.

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Đưa vào khai thác du lịch cù lao Long Thành và cồn Ốc

Cù lao Long Thành và cồn Ốc là hai cù lao nằm trên nhánh sông Hàm Luông thuộc dòng dông Cửu Long chảy ra biển Đông;  cù lao Long Thành của xã Sơn Phú còn cồn Ốc là xã Hưng Phong của huyện Giồng Trôm, hai cù lao được nối nhau bằng một cây cầu vừa được đầu tư xây dựng; con đường huyết mạnh của hai cù lao đã trở thành tour du lịch liên hoàn, phong phú và đa dạnh sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Dự án phát triển du lịch trên cồn đã được huyện Giồng Trôm và các cơ quan ban ngành tỉnh triển khai cách đây trên 10 năm nhưng không hiệu quả; đó là điều trăn trở của những nhà quản lý du lịch cũng như những nhà làm du lịch trong thời gian qua; việc không hiệu quả cốt lõi cũng vì cơ sở hạ tầng lúc bấy giờ không tốt, khó khăn nhiều mặt như đường giao thông, điện, nước, viễn thông,…tất cả đều không đạt yêu cầu phục vụ khách du lịch.

Vừa qua, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre phối hợp cùng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Giồng trôm mời mười đơn vị lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh cùng đi khảo sát tuyến điểm du lịch nầy; bà Nguyễn Thị Xàng, phó bí thư đảng ủy xã Sơn Phú cùng các cán bộ của xã tiếp làm việc và hướng dẫn đoàn khảo sát bắt đầu từ xã Sơn Phú qua cồn Long Thành và đi dọc về xã Hưng Phong; 
Du khách tham quan cảnh thu hoạch dừa di chuyển bằng thủy triều trên cồn Hưng Phong
Thật bất ngờ, không thể không ngạc nhiên khi đi trên một con đường nông thôn được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, với mặt đường 3m chạy dài khoảng 10km, hai bên đường bà con cùng trồng hoa sặc sở từ đầu thôn đến cuối làng ôi thật tuyệt làm sao; bên trong những vườn dừa, vườn cây ăn trái, nhất là bưởi da xanh với một màu xanh đậm, trái to, cho chúng ta thấy rằng với mảnh đất phù sa mà thiên nhiên ban tặng đã đem lại cuộc sống sung túc cho bà con nơi đây, ôi diễm phúc ngần nào!.

Ông Nguyễn Minh Trung, trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Giồng Trôm cho biết dự án phát triển hạ tầng du lịch của cồn Ốc (Hưng Phong) với tổng vốn đầu tư là 60 tỉ đồng, hiện đã triển khai đầu tư cho Hưng Phong 20 tỉ đồng trong việc đầu tư hạ tầng cơ sở, đường dẫn vào phà và Bến phà được đầu tư xây dựng với qui mô khá; đường giao thông bê tông hóa hiện đã hoàn thiện gần 90%, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng liền giữa hai cồn trước tết nguyên đán 2015. Theo chúng tôi được biết đầu năm khi UBND huyện Giồng Trôm triển khai kế hoạch phát triển du lịch thì ủy ban hai xã Hưng Phong và Sơn Phú cũng đã có kế hoạch triển khai trở lại sau hơn mười năm nằm im tại chỗ. Ông Trung phó chủ tịch xã Hưng Phong cho biết xã Hưng Phong đã có 9 hộ dân đăng ký tham gia làm du lịch trên mãnh đất của mình; với tâm huyết đó của chính quyền và bà con thì lữ hành cũng đã đưa đón khách trong những tháng vừa qua.
Matin Yang (Vua đầu bếp thế giới) và Á hậu Hoàng My thưởng thức dừa tươi tại vườn chú 8 Thưởng (xã Hưng Phong)
Chúng tôi đến nhà anh tư Tràng, chú sáu Đạt và bà Nguyễn Thị Ngọc Chấm là ngững người cũng tâm huyết làm du lịch tại cù lao Long Thành và ấp 1 của Hưng Phong; qua chia sẻ từ những hộ gia đình, các lữ hành du lịch và Trung tâm TTXTDL đã tạo được niềm tin vững vàng cho những người làm du lịch tương lai một sự khởi đầu của việc định hình trong dịch vụ phục vụ du khách. 

Hiện nay, tuyến du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn trên cù lao Long Thành và cồn Ốc, các lữ hành có thể đưa khách đến từ hai hướng: Hướng một là khởi hành từ khu nghĩ dưỡng Mỹ An đi bằng tàu đến bến phà cù lao Long Thành, du khách sẽ di chuyển trên đường làng bằng xe đạp, tham quan những vườn cây ăn trái, vườn bưởi da xanh, vườn dừa đa chủng loại với hơn hai mươi giống dừa, dừng chân uống nước dừa xiêm, đặc biệt là dừa dứa vùng cù lao vừa ngọt, mát và thơm mùi lá dứa, tham quan những ao cá da trơn mà người dân nơi đây đầu tư với qui mô khá lớn, du khách sẽ tiếp tục tham quan những hộ gia đình làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, đan vỏ cọng dừa, khắc dừa điết thành những chú khỉ xinh xinh,… chèo xuồng trong rạch nhỏ ra tàu lớn và về bến phà Hưng Phong để về Bến tre hoạc đi tiếp đến Ba Tri bằng xe ô tô; du khách có thể nghỉ lại trên cồn tại nhà chú Tám Hy hay nhà chị ba Bé để cùng thưởng thức một đêm yên bình trong rừng dừa của quê hương xứ dừa để ngày sau tiếp tục cuộc hành trình. tour nầy du khách cũng có thể tiếp tục qua sông Hàm Luông để về Định Thủy (Mỏ Cày) tham quan Đình Rắn, khu di tích Đồng Khởi rồi đi Thạnh Phú hay về Chợ Lách vùng hoa kiểng, cây giống lớn nhất nước.
Người dân cho cá da trơn ăn trên những ao cá trên cồn Hưng Phong
Hướng thứ hai, lữ hành có thể đưa khách bằng xe ôtô đến phà Hưng Phong, qua phà tham quan vòng ngược lại của hướng một về đến bến phà Sơn Phú tại cù lao Long Thành và xuống tàu trở về thành phố Bến tre. Hy vọng rằng trong những ngày xuân 2015 sắp tới du khách sẽ có một điểm vui xuân miệt vườn đầy hấp dẩn của xứ Cồn vùng sông nước Bến Tre./.

4 món ngon từ dừa ở Bến Tre mê hoặc du khách

Bạn sẽ bất ngờ khi biết ở Bến Tre có đến hàng trăm món ăn được chế biến từ dừa, món nào cũng ngon, lạ, hấp dẫn. 

Bánh canh nấu hến nước dừa
Bánh canh hến nấu nước dừa ở vùng chợ Lách (Bến Tre) nổi tiếng ngon vì sợi bánh canh dẻo, dai, trắng đục do không sử dụng hóa chất làm trắng. Bột làm bánh canh chủ yếu là bột gạo và bột năng, lấy một lượng bột vừa đủ, nhồi với nước nóng cho thật dẻo mịn, sau đó cán mỏng thành sợi. Hến mua về ngâm với nước gạo cho hết sạch cát, chà rửa thật kỹ mới luộc. Vớt ruột hến ra để riêng, nước luộc lắng cho trong. 
Sợi bánh canh quyện với nước dừa sền sệt, húp nghe sụt soạt mượt cái miệng, vị dai của bánh, ngọt của hến thịt thấm vào miệng làm người ăn thích thú
Dừa chọn trái cùi (lõi) già và dầy, chặt để riêng nước, cùi xay nhỏ lọc bỏ bớt nước đầu, chỉ lấy nước dão, cho vào nồi cùng với nước hến luộc, nước dừa và một ít thịt hến nấu sôi. Phần thịt hến còn lại, phi thơm hành tỏi rồi xào săn, nêm chút gia vị cho vừa miệng ăn. Khi nồi nước hến và nước dừa đã sôi, thả bánh canh vào, nấu sôi, vớt bọt. Bánh canh chín sẽ tự nổi lên, trước khi tắt bếp múc một ít nước cốt dừa, hành lá, tiêu, nêm chút gia vị cho vừa ăn. Khi nêm gia vị không cần thêm bột ngọt, vì thịt hến, nước dừa đã ngọt rồi. 

Múc bánh canh vào bát, sợi bánh trắng đục quyện với nước dừa ăn vào miệng mượt bóng nhai vị dai của bánh, ngọt của thịt hến thấm vào nơi đầu lưỡi.

Cơm dừa
Cơm dừa của người dân Bến Tre không khác nhiều với cơm lam của đồng bào Tây Bắc. Gạo dùng để nấu cơm phải chọn loại gạo dẻo, thơm, ngon được vo kỹ dưới vòi nước rồi để ráo. Dừa phải chọn loại trái ngọt nước, thường là dừa xiêm. Dừa xiêm để nguyên trái, dùng dao sắc gọt một đường tròn phía trên để lấy hết nước ra ngoài (giữ lại phần này để làm nắp đậy). Khi trái dừa đã được lấy hết nước, phần lõi giữ nguyên, cho một lượng gạo vừa đủ sao cho khi chín, cơm nở vừa đầy, tiếp theo rót nước dừa sâm sấp mặt gạo. Cho dừa vào trong nồi hấp khoảng một giờ.
Cơm dừa chín còn nóng mở ra thơm phức chỉ mới nghe mùi đã muốn ăn
Cơm dừa muốn ngon thì lượng nước và gạo phải vừa khéo, nếu ít quá cơm sẽ cứng, nhiều thì cơm nhão rất khó ăn. Vì thế nấu cơm dừa nếu là người làm quen tay thì chỉ cần thấy mùi thơm từ nồi hấp bay ra là biết cơm chín hay chưa mà không cần mở nắp. Cơm dừa nấu chín vẫn phải để trong nồi hấp nhằm giữ nóng, và hạt cơm không bị đổi màu vì thường cơm hay bị sậm màu khi mang ra ngoài không khí. Ăn cơm dừa phải ăn lúc còn nóng, kèm một đĩa tôm rang.

Bánh tráng dừa
Từ bột gạo và nước cốt dừa, người dân Mỹ Lồng (Bến Tre) đã tạo nên những chiếc bánh tráng với nhiều hương vị khác nhau. Gạo dùng để làm bánh tráng là loại gạo sỏi từ một giống lúa đặc biệt ở Trà Vinh. Theo kinh nghiệm của bà con Bến Tre, gạo sỏi chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết khô hạn nên khi xay làm bánh mới không bị gãy hay bị co khi đem phơi nắng. Gạo làm bánh được vo kĩ và xay nhuyễn. Dừa thì chọn những trái già, cùi dày, chặt để nước riêng rồi lấy cùi xay nhỏ và vắt lấy nước cốt. Nếu làm bánh tráng mè thì nguyên liệu chỉ có bột gạo, nước cốt dừa, đường, mè. Còn bánh tráng sữa thì có thêm sữa, lòng đỏ trứng gà; bánh tráng mặn thì thêm lạp xưởng tôm khô; bánh tráng gừng thì thêm nước cốt gừng.
Quạt than củi thật hồng mới nướng bánh tráng khô, vì bánh có sữa dừa nên rất dễ cháy sém khi nướng phải lật trở đều tay
Bột bánh tráng pha đúng, đủ thì khi tráng bánh mới không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật trở khi phơi khô. Người tráng bánh phải là người quen tay thì thành phẩm mới tròn và độ dày mỏng mới đều nhau. Bánh tráng xong được đặt trên những tấm đan làm từ lá dừa. Phơi bánh ngoài trời phải chú ý nếu nắng nhiều bánh sẽ bị giòn, dễ vỡ, ít nắng thì bánh bị chai sần đi. Bánh phơi đạt tiêu chuẩn là khi cầm lên tay thấy mịn, không có lỗ khí lồi lõm… Nướng bánh tráng cũng đòi hỏi người có kinh nghiệm. Khi than củi quạt thật hồng thì mới đặt bánh tráng lên nướng và phải lật trở đều nhanh tay vì bánh chóng chín và nhanh vàng. Chỉ cần chậm tay một chút là có thể bị cháy xém. 

Ốc hấp nước dừa
Ốc gạo ở Cồn Phú Đa (Chợ Lách - Bến Tre) nổi tiếng thơm ngon vì đây là vùng cát, ốc to, vỏ màu xanh, ruột trắng, thịt dầy. Ốc gạo không có nhớt, nên khi vừa đánh bắt lên có thể chế biến món ăn mà không cần phải ngâm cho mất nhớt như các loài ốc khác.
Đĩa ốc gạo hấp nóng hổi, ai đã từng thưởng thức ốc gạo sẽ nhớ vị béo thơm, ngọt giòn mà không loại ốc nào có được
Ốc gạo sinh sản nhiều vào khoảng tháng 7 hàng năm và sống ở vùng đáy sông, ăn phù sa, động vật phiêu sinh. Khi đó con ốc to cỡ hạt mít, ruột trắng tinh. Ốc gạo tuy nhỏ nhưng ai từng thưởng thức đều nhớ vì vị béo, thơm, ngọt và giòn đến lạ kỳ. Đặc biệt ốc vào mùa sinh sản thường có một lớp mỡ trắng dưới yếm, khều lên ăn sẽ thấy những con ốc con trắng tinh bên trong, nhai giòn rụm.

Ốc gạo có thể chế biền thành nhiều món như ốc gạo xào dừa, ốc gạo xào sả ớt, nấu lẩu mắm, hay thậm chí là đổ bánh xèo, trộn gỏi… ốc hấp nước dừa vẫn được yêu thích nhất bởi vị ngọt thanh của ốc còn được giữ nguyên.
Bài và ảnh: Đoàn Xuân
Nguồn: ngoisao.net
(Bài viết có điều chỉnh phù hợp trong việc quảng bá)