Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Cụm du lịch - Điểm đến hấp dẫn

Các điểm du lịch của Bến Tre được xác định trong các đánh giá nghiên cứu tài nguyên bao gồm:
  • Di tích lịch sử Đồng Khởi
  • Đền thờ Nguyễn Thị Định
  • Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu
  • Di tích lịch sử đình Phú Lễ
  • Di tích nghệ thuật đình Bình Hòa
  • Di tích nghệ thuật đình Tân Thạch
  • Di tích lịch sử chùa Tuyên Linh
  • Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí đường Hồ Chí Minh trên biển
  • Di tích khu ủy Sài Gòn – Gia Định
  • Di tích lịch sử nhà ông Nguyễn Văn Cung và cây da đôi
  • Đền thờ và mộ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng
  • Di tích lịch sử nhà ông Nguyễn Văn Trác
  • Di tích lịch sử mộ ông Võ Trường Toản
  • Nhà cổ Đại Điền
  • Nhà thờ Cái Mơn
  • Sân chim Vàm Hồ
  • Hệ thống các Cồn: Cồn Phụng, Cồn Tiên, Cồn Ốc, Cồn Quy…
  • Các làng nghề truyền thống
  • Bảo tàng Bến Tre
  • Làng hoa kiểng Chợ Lách, Cái Mơn
  • Tòa thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo và thánh Cao Đài Tiên Thiên.

Di tích lịch sử Đồng Khởi

Đền thờ Nguyễn Thị Định

Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu

Di tích lịch sử đình Phú Lễ

Đền thờ và mộ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng

Di tích lịch sử mộ ông Võ Trường Toản

Sân chim Vàm Hồ

Các làng nghề truyền thống

Bảo tàng Bến Tre

  
Căn cứ vào sự phân bố tài nguyên du lịch, nguồn lực và các điều kiện có liên quan, lãnh thổ tỉnh Bến Tre được hình thành 3 cụm du lịch chính bao gồm:
- Cụm du lịch trung tâm (thành phố Bến Tre – Châu Thành)
- Cụm du lịch Chợ Lách - Mỏ Cày
- Cụm du lịch Giồng Trôm – Ba Tri
1.Cụm du lịch trung tâm:
Các điểm du lịch và dịch vụ tổng hợp cao cấp tại thành phố Bến Tre là các điểm du lịch và dịch vụ du lịch địa phương có ý nghĩa quan trọng nhất của Bến Tre đóng góp quan trọng vào việc nâng cao hình ảnh và chất lượng đô thị của thành phố Bến Tre.
Bên cạnh đó, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cồn Phụng còn là khu du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch Bến Tre. Cồn Phụng là cửa ngõ quan trọng của du lịch Bến Tre đối với dòng khách chính tới từ Tp. Hồ Chí Minh.
Với các sản phẩm trên, du khách đến với cụm du lịch này có thể thưởng thức các loại hình du lịch như:
- Du lịch vui chơi giải trí cuối tuần.
- Du lịch văn hóa.
- Du lịch tham quan, nghiên cứu.
- Du lịch thể thao.
2. Cụm du lịch Giồng Trôm – Ba Tri:
Cụm du lịch này có vị trí quan trọng trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Bến Tre, có thể nói phần lớn các tài nguyên du lịch quan trọng nhất, đặc biệt là các tài nguyên du lịch văn hóa - lịch sử của tỉnh tập trung tại đây.
Ở cụm này có các tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, cả tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Bên cạnh các điểm như Hưng Phong, Vàm Hồ, cụm còn là nơi tập trung du lịch văn hóa - lịch sử gắn với lịch sử hình thành của tỉnh và các di tích danh nhân quốc gia.
Tài nguyên du lịch quan trọng của cụm là sân chim Vàm Hồ, mộ Nguyễn Đình Chiểu, đền thờ Nguyễn Thị Định, cồn Ốc, các làng nghề, đình, chùa…Vì vậy cụm du lịch này có nhiều sản phẩm du lịch khá phong phú gồm:
- Tham quan sân chim, danh lam thắng cảnh.
- Tham quan các làng nghề.
- Tham quan các di tích lịch sử - cách mạng, văn hóa - nghệ thuật.
- Vui chơi giải trí và thể thao hỗn hợp.
Cồn ốc
Với các sản phẩm trên, du khách đến với cụm du lịch này có thể thưởng thức các loại hình du lịch như:
- Du lịch vui chơi giải trí cuối tuần.
- Du lịch văn hóa.
- Du lịch tham quan, nghiên cứu.
- Du lịch thể thao.
 3. Cụm du lịch Mỏ Cày Nam – Mỏ Cày Bắc – Thạnh Phú và Chợ Lách:
Ở cụm du lịch này sản phẩm du lịch đặc trưng nhất là đời sống sản xuất nông nghiệp, làng nghề, làng hoa kiểng Cái Mơn, nhà thờ Cái Mơn, di tích Đồng Khởi, khu ủy Sài Gòn – Gia Định, nhà cổ Đại Điền, đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam… Trong đó di tích và lịch sử hào hùng của phong trào Đồng Khởi là điểm nhấn quan trọng, nổi trội của cụm.
Vì vậy cụm du lịch này có nhiều sản phẩm du lịch khá phong phú gồm:
- Tham quan, nghiên cứu ruộng vườn đồng bằng, làng nghề, làng hoa.
- Tham quan các di tích lịch sử - cách mạng, văn hóa - nghệ thuật.
Đây là cụm du lịch hiện có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch lâu dài của Bến Tre.
Nhà cổ Đại Điền
Làng hoa kiểng Cái Mơn
Với các sản phẩm trên, du khách đến với cụm du lịch này có thể thưởng thức các loại hình du lịch như:
- Du lịch cuối tuần
- Du lịch văn hóa
- Du lịch tham quan, nghiên cứu.

Món ăn thú vị đậm chất quê dừa

Cây dừa là hình ảnh quen thuộc, gắn liền với đời sống của người dân miền Tây Nam bộ nói chung, của người dân Bến Tre nói riêng. Cây dừa không chỉ là nguồn sống mang lại nhiều lợi ích, mà từ cây dừa người ta có thể chế biến ra những món ngon, trong đó đuông dừa là “món ngon kinh dị” được nhiều người ưa thích.
Anh về miền đất xứ dừa
Nhớ đi thưởng thức đừng chừa món đuông
Với Đuông, người ta có thể làm rất nhiều món khác nhau như: tẩm nước mắm ăn sống, Đuông tẩm bột chiên, Đuông rang, Đuông nướng, Đuông luộc nước dừa, Đuông nấu cháo, Đuông hấp xôi, Đuông gỏi cổ hủ dừa…
ĐUÔNG NƯỚNG
Khi đốn cây dừa, người ta bổ củ hủ bắt ra có đến hàng trăm con đuông. Sau đó ngâm đuông vào thau nước muối pha loãng cho sạch tạp chất.  Rửa lại rồi kẹp đuông vào gắp tre, nướng than riu riu, từ từ trở đều tới khi chín vàng. Khói bốc lên thơm ngát mùi dầu từ đuông. Đuông nướng ăn cùng các loại rau như:  cải trời, càng cua, lá lốt, lá gừng, quế, rau răm... chấm nước mắm ngon giằm me hoặc chanh, tỏi. Các thứ rau thơm, chất cay, chua, mặn hòa cùng hương vị con đuông nướng thơm béo hòa vào hương vị chua chua của me ăn thật “đã”.
Ai về vùng đất Bến Tre
Đừng quên thưởng thức món me đuông dừa
ĐUÔNG CHIÊN GIÒN
Người ta có thể đem Đuông chiên giòn ăn với bún, giá sống, dưa leo, nước mắm chua ngọt có hương vị nước dừa, là món ăn đầy hấp dẫn.
ĐUÔNG TẨM NƯỚC MẮM
Món Đuông tẩm nước mắm cũng rất ngon vì món này dùng khi con Đuông còn sống "Đuông bò trườn trong đĩa nước mắm", món này ăn sống vừa "nguyên chất" vừa béo bổ.
Nhìn đuông ai thấy ghê ghê
Ăn vào mới biết không chê chổ nào
Người ta gọi Đuông là món đặc sản "kinh dị" vì con Đuông có hình dạng như con sâu, có màu trắng sữa, mềm nhũn, thân nó có nhiều lông măng, không có chân, chỉ cử động bằng cách trườn tới, trườn lui.
Các quí ông ưa thích món Đuông thường thưởng thức với rượu chát chứ không hợp với rượu đế có nồng độ cồn cao.
Món Đuông được thưởng thức theo cách nhấm nháp rai rai là hấp dẫn nhất. Đặc biệt là món Đuông nướng.
Bến Tre có những món ngon
Hương vị độc đáo từ con đuông dừa

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Món ăn dân dã hương vị miền quê

Từ một loài cá, người ta có thể chế biến ra thành nhiều món ăn ngon. Trong đó, cá lóc là loài cá mà người dân miền Tây Nam bộ biết cách chế biến tạo nên những món vừa hấp dẫn dễ ăn lại vừa đậm chất dân dã.
Cá lóc là loại cá đồng được người Việt Nam ưa thích vì thịt nó hiền, ngọt và thơm. Món ăn làm từ cá lóc rất đa dạng: cá lóc nướng trui, cháo cá lóc nấu nước cốt dừa, cá hấp mẻ, mắm cá lóc, canh chua cá lóc…

CÁ LÓC NƯỚNG TRUICó thể nói, ở vùng quê món yêu thích, phổ biến và tốn rượu nhiều nhất có lẽ là món cá lóc nướng trui.
Cá lóc nướng trui được nướng bằng lửa ngọn hoặc lửa rơm chứ không phải đặt lên vỉ nướng bằng than, nếu nướng bằng than sẽ không có hương vị của cá nướng trui.
Người ta xiên một que tre tươi từ miệng đến đuôi cá. Cắm que tre xuống đất rồi phủ rơm khô, nếu không có rơm thì thay lá khô như lá trâm bầu cũng được.
Cá nướng xong, cạo lớp vẩy cháy cho sạch, lộ ra lớp da vàng thơm phức, thịt cá trắng nõn, ngọt lịm nhìn rất ghiền.
Ăn cá lóc nướng trui phải có bánh tráng, nước mắm me, kết hợp với các loại rau sống như: díp cá, quế, giá, hẹ, dưa leo, khế chua, chuối chát, có xoài non thì xắt nhuyễn cũng được…
Cá lóc nướng trui là món đặc sản của người Bến Tre nói riêng, của người miền Tây Nam bộ nói chung. Vì vậy ai về miền Tây nhớ tìm ăn cho được món cá lóc nướng trui để biết thế nào là món ăn miệt ruộng vườn.
CÁ LÓC NƯỚNG ĐẤT Nướng đất thì đắp đất sình quanh mình con cá rồi chất củi đốt, đốt đến khi đất khô là được. Khi ăn, gỡ đất ra, lớp thịt bên trong trắng phau…
CHÁO CÁ LÓC NẤU NƯỚC CỐT DỪA
Đây là món ăn mang nét đặc trưng của xứ dừa Bến Tre, một món ăn rất hấp dẫn với hương vị thơm bùi của gạo, ngọt ngào của cá hòa với vị béo của nước cốt dừa. Đây là món ăn đặc trưng hấp dẫn lạ thường của người dân Bến Tre. Món này ăn cùng với rau đắng đất thì rất ngon.
CANH CHUA CÁ LÓC
Canh chua là một món ăn đậm tính dân tộc của văn hoá Ẩm thực Việt Nam từ lâu nay. Canh chua cá lóc của người miền Tây Nam bộ phải vừa có cả vị chua lẫn vị ngọt. Vị chua phải là vị chủ đạo, vị ngọt vừa phải. Hai vị này hòa quyện vào nhau sẽ tạo nên một món canh có hương vị rất lạ và rất ngon cùng với vị đậm đà của cá lóc.
CÁ LÓC HẤP MẺ
Hấp mẻ cũng như nướng, không cần đánh vảy, cạo nhớt, mổ bụng, hay tẩm ướp gia vị trước.
Cá ngâm nước muối vài phút, rửa thật sạch, để lên trên khay. Phủ một chén cơm mẻ lên mình cá, hành cọng đem cắt khúc dài, hành củ cắt mỏng, lót dưới khay, để lửa sôi liu riu. Thấy da cá nhăn nhíu lại là cá đã chín.
Món này ăn với bánh tráng cuốn cùng với rau thơm, khế xanh, xà lách, chuối chát, bún và tai heo luộc. Nước chấm là nước mắm me hoặc chút cơm mẻ dầm muối ớt ăn với món này là hết ý.
 CÁ LÓC RANG MUỐICá lóc rang muối thì cho cá vào chảo có muối cục, đậy nắp kín, đun muối cho đến khi hết nổ là cá chín.
CÁ LÓC NHÚNG GIẤMTrước hết phải làm sạch con cá, rồi thái mỏng thịt cá lóc ra đến lúc ăn mới cho vào nồi có giấm đang sôi, một lát sau, gắp ra ăn liền với rau sống và nước chấm.
MẮM CÁ LÓC
Con mắm cá lóc từ trong hũ mắm lấy ra, có thể ăn ngay với ớt, chuối chát hoặc khế. Ngoài ra còn có thể làm mắm kho, mắm chưng hay mắm nướng. Thịt mắm cá lóc có thể làm thành món mắm trộn với đu đủ thái nhỏ với ớt, rau thơm và thính để thành một món ăn có hương vị vô cùng hấp dẫn.
KHÔ CÁ LÓC
Con cá lóc được xẻ ra, chỉ còn dính với nhau một chút ở đầu và đuôi, sau đó được ướp gia vị rồi phơi cho thật khô. Loại khô này rất quý và thịt cá rất ngon. Khô cá lóc rất thích hợp để mọi người mua về làm quà mỗi khi đến Bến Tre.
CHÀ BÔNG CÁ LÓC
Thịt cá lóc còn có thể làm chà bông. Cá lóc chà bông có thể để lâu khoảng nửa tháng. Món này có thể dùng ăn cháo hay ăn bánh mì...
CÁ LÓC KHO TIÊU

Món cá kho này đậm đà lại mang hương vị đồng quê. Dùng với cơm nóng và canh chua rất ngon. Đặc biệt là vào mùa mưa.

CÁ LÓC HẤP BẦUMón cá lóc hấp bầu được giới đầu bếp chuyên nghiệp nhận xét là một món ăn đặc trưng dân tộc Nam bộ hiếm hoi, có thể tạo hình đẹp mắt ngay trên thành phẩm món ăn và là món ăn đầy hấp dẫn.
Với sự đa dạng của các món ăn được chế biến từ cá lóc. Du khách đến với Bến Tre sẽ được chiêm ngưỡng những món ăn mọc mạc, dân dã mà thơm ngon, đậm đà và bổ dưỡng.
Đến với Bến tre mọi người sẽ được thưởng thức và mang về những niềm vui !

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Điểm đến du lịch hấp dẫn: "Vương quốc cây trái và hoa kiểng" Chợ Lách

Khi nghe tên “Chợ Lách” có người liên tưởng ngay tới một cái chợ nằm giữa một vùng lau lách. Về giả thuyết cũng là một cách để giải thích về cái tên của vùng đất này. Trước đây, muốn đến Chợ Lách phải qua phà. Kể từ ngày 24/4/2010 cầu Hàm Luông đã khánh thành nối đôi bờ thành phố Bến Tre với cù lao Minh, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho du khách tìm đến thưởng ngoạn vùng đất sinh thái – miệt vườn nổi tiếng  cả nước về “vườn cây trái và hoa kiểng”. Từ thành phố Bến Tre đi bằng đường bộ đến trung tâm huyện Chợ Lách khoảng 39 km.
Huyện Chợ Lách nằm trên phần đất hẹp nhất ở phía trên cùng của vùng đất cù lao Minh, có chiều dài 22,5 km và chiều ngang giới hạn bởi hai bờ của con sông Cổ Chiên và Hàm Luông, nơi hẹp nhất chỉ có 2 km. Diện tích Chợ Lách còn bị chia cắt bởi một hệ thống kênh rạch chằng chịt. Hiện trạng này ít nhiều cũng gây trở ngại cho việc đi lại bằng đường bộ, nhưng lại rất tiện lợi về đường thủy cũng như về mặt tưới tiêu.
Chợ Lách có diện tích thuộc hàng nhỏ nhất so với các huyện khác của tỉnh, mật độ dân số lại cao. Nhưng Chợ Lách có lợi thế riêng mà các huyện khác trong tỉnh không có được. Nằm giữa hai dòng sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông, đất đai Chợ Lách được sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn này, lại được tưới tắm bởi một hệ thống kênh rạch lớn, nhỏ chạy ngang dọc. Hàng năm, vào mùa nước lên, một số vùng thấp bị ngập độ vài tháng và khi nước rút để lại trên mặt đất trồng một lớp phù sa như một loại phân bón mới.
Phải nói rằng sự ưu đãi của thiên nhiên làm vùng đất này có nước ngọt quanh năm. Chỉ cần một máy bơm nhỏ đôi ba sức ngựa là người nông dân có thể đưa nước ngọt từ dưới sông vào ruộng, vườn của mình theo ý muôn không mấy khó khăn. Cho nên đất đai ở đây gần như không bị thất bát do hạn hán như ở những nơi khác. Đây là địa thế thuận lợi cho việc phát triển cây trồng tươi tốt quanh năm. Đất tốt, nước ngọt quanh năm, khí hậu điều hòa là những yếu tố thiên nhiên thuận lợi rất cơ bản giúp cho con người ở đây tạo ra một vùng cây trái đặc sản thuộc loại trù phú nhất của Nam Bộ và trở thành một vùng chuyên canh cây ăn trái và cây giống nổi tiếng cả nước. Chợ Lách còn rất thuận lợi cho giao thông đường thủy lẫn đường bộ, nên từ ngàn xưa đã thu hút người dân hội tụ về đây an cư lạc nghiệp, tạo dựng nên những vườn cây xanh trái ngọt bốn mùa như hôm nay. Đây cũng là yếu tố để lý giải vì sao huyện Chợ Lách “đất hẹp người đông”.

Với những yếu tố vô cùng thuận lợi, nhà vườn và người dân Chợ Lách đã thực sự trở thành những người nông dân của thời đại mới, luôn chịu khó học hỏi, đầu tư những giống cây tốt nhất, trồng đủ các loại trái cây đặc trưng, ngon nhất của vùng đất Nam bộ để cung cấp cho thị trường như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon, dâu, nhãn..., làm nên danh tiếng cho vùng đất này.
Đến nơi đây vào mùa trái cây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vườn chôm chôm chín đỏ, những vườn dâu xanh, măng cụt, bòn bon với những buồng trái xây quanh từ gốc đến ngọn, trông thật thích mắt. Những liếp cam, liếp quýt, vườn bưởi, vườn nhãn sai oằn trái che khuất cả lối đi. Trái cây vùng này còn có cả mận, cam, quýt, xoài, chuối, cóc, ổi, mãng cầu xiêm, mít, vú sữa, sapôchê, lêkima, táo, đu đủ…. Phải nói, thiên nhiên ban tặng vùng đất này quá tuyệt, với đa dạng trái cây mùa nào trái ấy, loại trái nào cũng nhiều, cũng ngon, cũng được mọi người ưa chuộng.
Du khách đến Chợ Lách không những được thưởng thức những loại trái cây ngon nổi tiếng, mà còn tận mắt chứng kiến nghề độc đáo nhất: nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo, nhân giống cây ăn quả cùng nghề trồng cây và hoa kiểng. Những sản phẩm này, đã cung cấp cho nhân dân trong tỉnh và toàn quốc với hàng chục triệu cây giống các loại, cũng như các loại cây kiểng, để làm giàu và làm đẹp thêm cuộc sống. Những năm gần đây, các loài cây giống, hoa kiểng đã xuất khẩu ra nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
Với tài nghệ và kinh nghiệm cha truyền con nối, thông qua những cây tắc (quất) kiểng trĩu quả, hay những con long, lân hoặc hươu, nai…, được tạo dáng bằng cành và lá cây giống với vẻ đẹp độc đáo, thanh thoát, ta càng cảm phục tài năng và bàn tay khéo léo của con người ở đây. Nghề làm vườn cây trái và sản xuất cây giống, cây hoa kiểng đã đem lại cho người dân ở đây một đời sống sung túc, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ, đường sá trong làng sạch và rộng. Nghề này tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới…So với các huyện khác trong tỉnh, thì Chợ Lách là nơi ít bị chiến tranh tàn phá nhất, do đó có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng khắc phục những hậu quả chiến tranh, sớm đi vào xây dựng và tổ chức ổn định, phát triển quê hương sau ngày giải phóng.
Vùng đất Chợ Lách, còn có nhà bia của học giả Trương Vĩnh Ký. Ông sinh tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Nơi đây là đất tổ, là trung tâm của xứ sở vương quốc hoa kiểng và cây trái nổi tiềng cả nước. Trương Vĩnh Ký đọc và nói giỏi 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông, được giới học thuật xếp vào danh sách 18 nhà bác học đương thời của thế giới. Ông đã để lại 118 tác phẩm lớn nhỏ, kể cả tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Hán, không kể những di cảo dang dở. Điều đó chứng tỏ ông có một sức làm việc không biết mệt mỏi và một tri thức uyên bác, bách khoa. Toàn bộ những công trình biên soạn của Ông là kết quả của 40 năm miệt mài lao động và Ông đã có những đóng góp nhất định cho một số ngành khoa học đương thời, nhất là với khoa ngôn ngữ học và khoa lịch sử. Riêng đối với văn học dân tộc và văn học Nam Bộ nói riêng, Ông đã góp một phần có ý nghĩa trong việc sưu tầm, biên soạn, phiên âm với một ý thức trân trọng một loạt tác phẩm như: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Đại Nam quốc sử diễn ca, Hịch Quản Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Trung nghĩa ca, Gia Định thất thủ vịnh, Chuyện đời xưa nhón lấy những chuyện hay và có ích, Chuyện khôi hài...
Về tín ngưỡng, Chợ Lách là nơi có nhiều tôn giáo: Đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo. Chiếm số lượng đông nhất là đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Hầu hết các xã trong huyện đều có nhà thờ. Họ đạo Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) là họ đạo lâu đời nhất, được thành lập từ tháng 2-1872, là một trong 10 trung tâm lớn và lâu đời của đạo Thiên Chúa ở nước ta. Nơi đây, ngoài một nhà thờ lớn còn có nhà dưỡng lão, trường học, trại mồ côi và nhà nguyện cho các nữ tu sĩ. Họ đạo Cái Nhum (xã Long Thới) cũng là một họ đạo lớn, ngoài nhà thờ, ở đây còn có một chủng viện. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở hai nơi này chiếm từ 80 - 90 % dân số.
Tại Chợ Lách hàng năm còn diễn ra “Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp” vào dịp tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âl). Ngày hội này được phát triển từ ngày hội dân gian và tổ chức tại vùng cây trái, hoa kiểng Chợ Lách như một hoạt động có ý nghĩa thiết thực để ghi nhớ công ơn những người đi trước, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng của nhà nông trong tỉnh. Song song đó, cũng nhằm để tôn vinh các nhà vườn giỏi, giới thiệu dịch vụ lao động kỹ thuật, quảng bá các thương hiệu trái cây của Chợ Lách. Trong ngày hội này, những người nông dân phấn khởi giới thiệu những sản phẩm mà họ đã chăm chút tách, ghép để có những giống cây chuẩn, những trái cây ngon. Hầu hết nhà vườn có trái ngon, trái to và sạch đều dự thi trái ngon an toàn hoặc đấu xảo, mong đoạt được danh hiệu cao nhất. Du khách đến Chợ Lách dịp này sẽ thưởng thức được đúng trái ngon mang từ nhà vườn ra mỗi ngày hoặc có thể vào vườn tự tay hái trái với sự hướng dẫn của nhà vườn. Đây cũng là dịp để giới thiệu quảng bá du lịch sinh thái vườn gắn với ẩm thực đặc sản của địa phương.  Nhiều năm qua, ngày hội này không những được dân địa phương hào hứng tham gia, mà còn tạo thành sự kiện du lịch độc đáo thu hút khách thập phương đến rất đông.
Điều mà du khách khó có thể bỏ qua đó là: Theo dòng Cổ Chiên, du khách đến tham quan cồn Phú Đa ăn đặc sản ốc gạo vùng sông nước. Theo các bậc cao niên, con ốc gạo đã có mặt từ khi cồn Phú Đa vừa ló dạng và theo năm tháng, chứng kiến con người bên này sông sang khai thác cồn, gặp nước ròng, phải lội sau những buổi chiều về. Con ốc “được làm bạn” với con người từ thuở hàn vi và thưa thớt ấy. Ốc không chỉ là bạn mỗi khi con người lỡ bước sang sông. Ốc còn góp mặt với đời bằng nhiều món ăn thú vị, độc đáo. Nếu đi đường bộ, từ thị trấn Chợ Lách đến UBND xã Vĩnh Bình 6 km  và rẽ trái đi tiếp khoảng hơn một cây số là đến Cồn Phú Đa. Nếu đi đường sông, nhìn lên bản đồ, từ Tiền Giang qua thì theo sông Tiền, lên khúc uốn sông Hàm Luông, quẹo vào vàm Kênh Lách, đến trung tâm huyện rẽ về Vĩnh Long, chạy một đoạn gặp kênh Bổn Sồ là tới nơi. Từ Vĩnh Long sang có dễ hơn, theo sông Cổ Chiên, qua phà Đình Khao chạy thẳng khoảng 10 cây số sẽ đến cồn Phú Đa. Nơi đây hiện vẫn còn nguyên vẹn nét “hoang sơ” của miệt vườn sông nước. Dân gian có câu: “Ốc gạo Phú Đa vừa ngon vừa béo - Người Phú Đa vừa khéo lại vừa khôn”.
Về Chợ Lách du khách có thể chọn tham quan tại các vườn trái cây hay xuống xuồng ra sông Cổ Chiên để xem hoặc tham gia cùng người dân nơi đây khai thác ốc gạo hoặc cào hến. Hến vốn sinh ra từ rạch, lớn lên một tí là ra sông, khi “đủ lông, đủ cánh” là “leo lên cồn”. Lúc hến sống được bên cồn là rất mập, trắng lại tròn, nên rất ngon. Qua kinh nghiệm, nhưng chưa thấy ai lý giải có sức thuyết phục là vì sao con hến ở Chợ Lách ruột trắng, ăn rất ngon và giòn. Thực tế hến ở các cồn khác của Chợ Lách cũng có nhiều, nhưng không hiểu sao không ngon bằng hến ở cồn Phú Đa. Bởi vậy, dân trong tỉnh đến cồn Phú Đa gọi hến là “con nghêu nước ngọt” không phải là quá đáng. Điều mà du khách khó quên thưởng thức ở đây là những món ăn dân dã nhưng đặc sắc như: Bánh xèo hến Phú Đa, gỏi cuốn hến hay ốc gạo, gà luộc chấm muối ớt hay ăn cơm cá kho tộ, cá chiên, canh chua, …
Ngoài việc chiêm ngưỡng các loại cây kiểng, khám phá các loại cây ăn trái,  thưởng thức các loại trái cây đặc sắc, nổi tiếng, du khách sẽ cảm thấy thiếu vắng nếu không được thưởng thức những món ăn được con người ở đây chế biến từ hương đồng cỏ nội thành những món ăn đặc sắc như: Về vùng Hưng Khánh Trung B có món súp trân châu, gỏi măng cụt, thỏ giỡn trăng, bò tắm nắng. Hay du khách tùy thích mà chọn món: Súp hến cua, hoành thánh ốc, cơm hến gói lá sen ăn với cá điêu hồng tứ bửu. Lên Sơn Định sẽ có gỏi bưởi, gà ấp trứng vàng, ngư trầm bãi cỏ, hoàng long ẩn náo trong lá. Ngoài ra, còn có tôm chiên xù, ốc hấp tôm, gỏi trái cóc, cá lội ao vườn, công múa ngày hội, … Phải công nhận rằng ở Chợ Lách không những mùa nào trái ấy, mà về “văn hóa ẩm thực” cũng mùa nào thức ăn nấy, du khách mặc tình lựa chọn ăn thoả thích. Còn thức uống thì có nước dừa sáp, dừa dứa, tắc xí muội, nước trái cây các loại.
Điều càng thú vị nhất là khoảng trước và sau tết Đoan ngọ (mùng 5/5âl), vùng đất này sản sinh sản vật thiên nhiên độc đáo trong vườn cây trái và du khách có thể thưởng thức đó là: “nấm mối” xào nước cốt dừa lá cách hay xào muối ớt; nấm mối quấn lá cách nướng; lẩu nấm mối; canh măng, canh rau vườn nấu với mấm mối…
Du khách đến với vùng cây lành trái ngọt bốn mùa này, tùy thích chọn lựa tham quan nhiều điểm du lịch sinh thái - miệt vườn nổi tiếng như: Ba Ngói ở cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình) với vườn cây trái trĩu cành nhiều chủng loại; du lịch sinh thái Năm Công (xã Hưng Khánh Trung B) chuyên sản xuất cây kiểng hình dạng thú, cây cảnh,… Và còn nhiều điểm du lịch như Lan Anh (Cái Mơn); du lịch sinh thái Hồ Vũ (xã Phú Phụng). Phải nhìn nhận rằng chổ nào nơi đây cũng trang trí phù hợp với không gian, rất đẹp mắt, thu hút khách và làm du khách không thể nào quên khi đến vui chơi thưởng thức các món ăn miệt vườn sông nước Cửu Long này.
Ngoài sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên cho xứ sở này với không khí trong lành, với cảnh quan, sông nước hữu tình và cây trái tươi tốt quanh năm, người dân vùng đất này còn có cả tấm lòng nhân hậu, hiếu khách, biết giữ chân khách. Du khách đến rồi sẽ đi, nhưng với cách sống, cách bố trí nhà cửa, cây cối trong vườn và lối sống, ứng xử có tình người nơi đây sẽ làm cho khách giữ mãi những kỷ niệm đẹp về nơi họ từng đến. Và rồi mai mốt họ sẽ giới thiệu với bạn bè và cùng quay trở lại. Hy vọng rằng, với cảnh quan sinh thái – miệt vườn và xu thế đổi mới cách làm du lịch, trong tương lai Chợ Lách sẽ hoà cùng các huyện khác của tỉnh làm nên thương hiệu du lịch vùng sông nước Bến Tre có nét đặc sắc riêng và trở thành thương hiệu “Du lịch xứ dừa” của quê hương Đồng Khởi.
Đến Chợ Lách, du khách có thể chọn lưu trú qua đêm tại khách sạn hay nhà nghỉ tại thị trấn. Hoặc du khách cùng trải nghiệm thưởng thức bản giao hưởng “tấu khúc đồng quê” của thiên nhiên. Tại Chợ Lách du khách tùy thích lựa chọn mua sản phẩm của xứ dừa hay đặc sản đặc sắc của vùng đất này làm quà cho bè bạn kỷ niệm nhân chuyến đi du lịch thú vị khó có thể quên ở vùng “vương quốc cây trái và hoa kiểng” ./.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Điểm đến du lịch "Văn Hóa - Lịch Sử": Tuyến Mỏ Cày Nam - Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú

Bến Tre được hình thành trên 3 dãy cù lao (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa). Huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Chợ Lách nằm trên cù lao Minh. Từ thành phố Bến Tre đến huyện trung tâm huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam khoảng 14km, Thạnh Phú 47 km và Chợ Lách 39 km. Hiện nay, đến vùng đất này “không còn phải lụy phà” như trước đây, bởi cầu Hàm Luông đã nối đôi bờ thành phố Bến Tre với dãy đất cù lao Minh.

Ca dao Bến Tre lưu truyền:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông mía trắng nhớ quê Mỏ Cày
Hay:
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc thơm Mỏ Cày
Mảnh đất Mỏ Cày trước đây (nay là Mỏ cày Nam và Mỏ Cày Bắc), được hình thành từ hai con sông lớn Hàm Luông và Cổ Chiên bồi đắp qua nhiều thế kỷ, nên có địa hình tương đối bằng phẳng, gồm những cánh đồng lúa, những ruộng mía và vườn cây ăn trái thỉnh thoảng xen kẽ một số cồn cát. Nơi đây, có diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh. Ngoài hai con sông lớn cặp hai bên bờ cù lao, còn có nhiều sông nhỏ, vừa và những con rạch chia cắt dọc ngang, rất thuận lợi về giao thông thủy. Xứ sở này, đã được trời đất ban tặng hai dòng sông ôm ấp, bao bọc, vun đắp phù sa cho rừng dừa nơi đây mãi mãi tốt tươi với những rặng dừa cao vút, rễ bám sâu vào đất mẹ, để dẻo dai trước bão giông, quật cường cùng con người trong đấu tranh và xây dựng.
Đứng trên đỉnh cầu Hàm Luông nhìn sang hướng Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc hay đi trên con sông Hàm Luông rộng mênh mông, du khách thỏa sức ngắm nhìn hai bên bờ sông với rừng dừa bạt ngàn xanh biếc đứng hiên ngang với những vườn cây xanh ngát. Đến đây, đâu đâu ta cũng thấy vẻ đẹp lấp lánh của những rặng dừa:
“Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá xanh xanh mãi đến giờ”
 
* Di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định:
Từ thành phố Bến Tre qua cầu Hàm Luông đến ngã tư đèn đỏ, đèn xanh, rẽ phải đi tiếp 4 km nữa là đến khu căn cứ có mật danh là T4, Y4 (hay còn gọi là căn cứ khu ủy Sài Gòn – Gia định) thuộc xã Tân Phú Tây thuộc huyện Mỏ Cày Bắc.
Tháng 6-1969, cơ quan lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chuyển về đóng tại xã Tân Phú Tây. Đây là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, có trình độ giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể hành quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng bị nhiều hạn chế.
Bên trong căn cứ, ta thiết lập hàng chục hầm kiên cố có khả năng chịu đựng được pháo 105 ly, những công sự chiến đấu và hệ thống hầm bí mật, chỗ làm việc của lãnh đạo Khu ủy, nơi giành cho các cuộc hội nghị, cơ sở hậu cần, bảo vệ v.v… Ở vòng ngoài là hành lang bảo vệ và đầu mối liên lạc, gồm các xã chung quanh như Thành An, Hòa Lộc, Thạnh Ngãi, Phước Mỹ Trung.  Thời gian đóng căn cứ ở đây không dài, nhưng cơ quan Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã được sự hỗ trợ, cưu mang đầy tình nghĩa của quân và dân huyện Mỏ Cày nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung.
Những di tích của căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định coi như bị bom đạn địch xóa sạch trong chiến tranh. Để lưu giữ lại dấu tích của một thời chiến đấu gian khổ, hào hùng, tỉnh Bến Tre đã phục chế lại hai hầm trú ẩn bằng bê tông giả thân cây dừa và dựng bia lưu niệm tại xã Tân Phú Tây. Hiện nay, khu di tích này đang được phục hồi, sau khi hoàn thiện sẽ rộng khoảng 2ha, với các hạng mục chính như: hầm ở và làm việc của ông Võ Văn Kiệt; nơi ở và làm việc của bộ phận cơ yếu, hầm cứu thương; hầm bí mật của các ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng…; nhà trưng bày các hiện vật lịch sử và các công trình liên quan khác. Dự kiến năm 2011 công trình hoàn thành. Xét về giá trị vật chất của công trình thì không lớn, nhưng sẽ có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước rất lớn đối với thanh thiếu niên. Công trình này sau khi hoàn thành sẽ trở thành một trong những điểm đến của các hoạt động dã ngoại, về nguồn của các bạn trẻ và cũng là điểm đến của du lịch.
* Khu di tích lịch sử Đồng Khởi Bến Tre:
Từ thành phố Bến Tre đi qua phà Hàm Luông theo quốc lộ 57, đến thị trấn Mỏ Cày Nam, rẽ trái khoảng 4km là đến khu di tích Đồng Khởi. Hoặc có thể từ thành phố Bến Tre, vượt sông Hàm Luông theo đường sông đến tận trung tâm của cái nôi Đồng khởi. Đến nơi đây, du khách bạn sẽ được gặp những người dân hồn hậu, những con người đã "bám chặt quê hương", đã đứng lên "dựng những pháo đài" ở xã Định Thủy, cái nôi của cuộc Đồng khởi năm xưa.
Thắng lợi cuộc Đồng khởi (17/01/160) tại vùng điểm (Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh) đã mở màn, cổ vũ cho phong trào nổi dậy trong toàn tỉnh, sau đó lan ra trong toàn miền. Để bảo tồn những di tích và hình ảnh, tư liệu về sự kiện lịch sử to lớn này, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước bất khuất của người dân, và để nâng cao lòng tự hào về những chiến tích đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Bến Tre chủ trương xây dựng tại xã Định Thủy một “Nhà truyền thống Đồng khởi”. Khu di tích này được thiết lập trên một diện tích 5.000 m2, gồm nhà bảo tàng một trệt, một lầu, có diện tích sử dụng 500 m2. Trên nóc nhà là một ngọn lửa được cách điệu bằng bê tông cốt thép cao 12 m, màu đỏ - biểu tượng của ngọn lửa Đồng khởi cháy sáng mãi trên xứ Dừa. Bên trong nhà là những gian trưng bày những hiện vật, nhân vật, hình ảnh, biểu đồ, những vũ khí tự tạo để đánh địch v.v… Chung quanh ngôi nhà là những thảm cỏ xanh, sân rộng, những bồn hoa và cây cảnh, làm tăng thêm vẻ đẹp của khu di tích.
Tại Định Thủy còn có di tích lịch sử rất độc đáo, nhưng còn ít người biết đến đó là đình Rắn với huyền thoại đầy bí ẩn.
Theo Địa chí Bến Tre, khi đình dựng xong, chức sắc của đình mới gửi sớ về triều xin phong sắc thần. Đến năm Minh Mạng thứ 5 thì đình được nhận sắc phong. Tuy đã có nơi thờ cúng nhưng vào thời đó đất đai ở đây còn hoang hóa mênh mông, đình nằm trên một khoảnh đất cao vì thế rắn độc tụ hội rất nhiều, nhiều hang ăn sâu vào giữa đình. Khi thờ cúng, các chức việc trong đình phải lấy ván bao quanh miệng hang để tránh sự cố xảy ra, từ đấy có tên Đình Rắn. Còn theo người xưa kể lại, ngày xưa nơi đây là rừng rậm, rắn, cọp, cá sấu nhiều vô kể. Ông bà mình từ Đàng ngoài trước khi vào đây phải vượt qua sông cù lao Bảo. Gặp lúc sóng to gió lớn, thuyền bè chao đảo, lúc đó có một con rắn lớn nâng bè qua sông. Cám cảnh rắn thần cứu mạng nên khi đình lập xong người dân liền “thỉnh” ông rắn về thờ. Và kể từ đây những lưu dân khai phá vùng đất này cày cấy năm nào cũng trúng mùa.
Nhiều người còn kể rằng, cũng nhờ có ông rắn mà bọn tề, ngụy, việt gian tối đến không bao giờ dám bén mảng tới nơi này. Nên kể từ sau Cách mạng tháng Tám, Đình rắn là một trong những cơ sở cách mạng bí mật để hội họp, mít tinh. Lúc bấy giờ nữ tướng Nguyễn Thị Định là một trong những người thường xuyên lui tới đây để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Miền Nam. Đến năm 1970, cuộc chiến càng lúc lan rộng, bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt, đình gần như bị sập hoàn toàn nên cơ sở cách mạng ở đây được chuyển đi nơi khác.
Sau ngày miền Nam được giải phóng, các cụ bắt tay tôn tạo lại ngôi đình bằng cây lá đơn sơ để thờ cúng. Đến năm 1993, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin Trần Hoàn ký quyết định công nhận ngôi đình là di tích lịch sử Đồng Khởi. Năm 2003, Tỉnh ủy Bến Tre trực tiếp chỉ đạo đầu tư, phục dựng lại ngôi đình trông thật khang trang. Đây còn là một trong những địa chỉ dừng chân lý tưởng cho những ai có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi.
Đến Định Thủy còn có một điểm tham quan, du lịch sinh thái hấp dẫn đó là Vàm Nước Trong, cửa ngõ đường thủy của huyện Mỏ Cày Nam nối với sông Hàm Luông. Với những vườn dừa rợp bóng, những bãi bờ hoang sơ tĩnh lặng, nơi đây đã từng ghi dấu những chiến công vang dội của những người anh hùng Việt Nam. Đến đây, du khách có dịp lai rai đặc sản mắm tép kẹp với thịt ba rọi luộc hoặc ăn với cá lóc nướng trui hay tôm, tép nướng; cá ngát nấu chua với bần dốt; bánh bột gạo rau mơ hấp; bánh xèo, bánh khọt pha với nước cốt dừa, thơm béo vô cùng.
Điều du khách không thể bỏ qua là sự chân tình, mến khách, yêu thích văn nghệ của người dân Định Thủy, du khách cùng thưởng thức đờn ca tài tử và có thể giao lưu loại hình này bên dòng Hàm Luông thơ mộng rợp bóng dừa xanh.
Đến đây, khám phá sản vật thiên nhiên du khách sẽ được thưởng thức món đuông dừa (chiên mỡ), hay trước hoặc sau mùng 5 tháng 5âl (tết Đoan ngọ) khoảng một tháng, du khách sẽ vô cùng thú vị khi thưởng thức món ăn độc đáo được chế biến từ “nấm mối” xào nước cốt dừa lá cách hay xào muối ớt; nấm mối quấn lá cách nướng, lẩu nấm mối hay canh mướp, canh rau vườn nấu với mấm mối, bánh xèo mấm mối…
* Di tích lịch sử Chùa Tuyên Linh:
Chùa Tuyên Linh tọa lạc tại xã Minh Đức, từ thị trấn Mỏ Cày Nam đến Chùa Tuyên Linh  khoảng 14 km, Chùa được xây dựng từ năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14 và do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì. Đến năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê xã Phú Lễ - Ba Tri về trụ trì tại chùa này. So với Chùa Hội Tôn cổ tự ở xã Quới Sơn - Châu Thành, chùa Tuyên Linh không cổ bằng, nhưng nơi đây đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng chú ý. Năm 1930, nhân dịp chùa được trùng tu, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đổi tên Tiên Linh tự thành Tuyên Linh tự. Từ đấy chùa được gọi bằng tên mới “Tuyên Linh”.
Theo tài liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Đồng Tháp, vào khoảng cuối năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh một thời gian. Cụ Phó bảng được sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, trong thời gian lưu trú tại chùa, đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Tuy thời gian ở đây không lâu, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc có quan hệ với Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát. Nhiều người trong số này về sau trở thành lớp Đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre (1930).

Chùa Tuyên Linh (trước và sua khi trùng tu)
Khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã động viên các nhà sư và tín đồ Phật giáo trong tỉnh tham gia vào các hoạt động cách mạng và kháng chiến. Năm 1947, do tuổi già sức yếu, trên giường bệnh, ông bình tĩnh đọc lời di ngôn cho môn đồ chép lại, sắp xếp công việc đạo, căn dặn học trò thân tín vận động tín đồ tích cực tham gia kháng chiến, tin tưởng vào chính phủ Cụ Hồ, cùng đồng bào cả nước đấu tranh giành độc lập. Ngày 19-6-1947, biết mình không qua khỏi, ông bảo học trò tắm rửa sạch sẽ, thay đạo phục cho ông, rồi day mặt về hướng Bắc, nói những lời chúc tụng cuối cùng về nhà nước độc lập, về sức khỏe của Hồ Chủ Tịch, sau đó niệm Phật rồi tắt thở. Năm 1956, để tỏ lòng tôn kính một vị chân tu yêu nước, giáo hội Phật giáo đã cùng các tín đồ tổ chức lễ Trà tỳ (tức lễ thiêu hài cốt đưa tro vào bảo pháp) tại chùa Tuyên Linh. Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Tuyên Linh là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong những năm trước Đồng khởi, trong thế kìm kẹp khắc nghiệt của Mỹ, Diệm, vùng Tân Hương - Minh Đức, nơi có ngôi chùa Tuyên Linh, vẫn là nơi có phong trào mạnh. Các cơ quan Huyện ủy Mỏ Cày và Tỉnh ủy Bến Tre đã từng trú đóng tại đây trong sự đùm bọc của nhân dân và tín đồ đạo Phật giáo giữa những ngày khó khăn nhất của cách mạng.
Đến Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc du khách còn được hướng dẫn tham quan cơ sở sản xuất chỉ sơ dừa, se chỉ sơ dừa, dệt thảm sơ dừa… và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làm từ chất liệu dừa, sản xuất kẹo dừa…
*  Điểm đến huyện Thạnh Phú:
Trên bản đồ tỉnh Bến Tre, huyện Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, chân đạp sóng biển Đông (với bờ biển dài 25 km, tính từ Vàm Rỏng đến Khâu Băng), phía tây giáp huyện Mỏ Cày Nam, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung con sông Hàm Luông. Là một trong 3 huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre, Thạnh Phú được biết đến với những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ những giồng cát và những dải rừng ngập mặn ven biển. Huyện Thạnh Phú chưa phát triển mạnh về du lịch như: Châu Thành, Chợ Lách, nhưng Thạnh Phú cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế khởi sắc phát triển du lịch. Hiện nay, Thạnh Phú đang dần dần thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.
Sau khi qua địa phận huyện Mỏ Cày Nam, đến địa bàn Thạnh Phú du khách ghé Đại Điền thăm bia lưu liệm nơi làm lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307  “đánh đâu được đấy - oai hùng biết mấy” của bộ đội ta trong thời kỳ chống thực dân Pháp.
Cũng tại xứ này, ai đến thăm cũng không khỏi bỡ ngỡ khi đứng trước ngôi nhà cổ đẹp, bề thế của gia tộc họ Huỳnh. Dẫu trải qua hàng trăm năm với bao cuộc bể dâu, ngôi nhà vẫn còn mang trong nó nét đặc sắc của nhà cổ đồng bằng và cái lộng lẫy của gia chủ một thời sung túc, đó là ngôi nhà cổ Hương Liêm. Nhà được cất theo hình chữ nhật, với 48 cây cột bằng gỗ lim và căm xe quý hiếm, chu vi khoảng 100 m. Tất cả cột, kèo, xiên được đục, kết gắn nhau liền lạc. Hoành phi sơn son thếp vàng với bốn chữ “Hiếu Để Trung Tín”. Thành vọng chạm, lọng, với những họa tiết phong cảnh, vật “tứ linh” thật sống động; mái nhà lợp ngói âm dương, trên mỗi miếng ngói có in hình sinh hoạt dân gian như mục đồng cỡi trâu, con gà, con cua, bó lúa rất gần gũi với đời sống sinh hoạt của nông dân.
Cấu trúc xây dựng nền nhà cũng thật đặc biệt. Nền cao 1 mét, viềng bọc nền là những thớt đá xanh dài khoảng 2-3 mét, được đục và gắn kết với nhau liền mặt bao quanh hết nền nhà. Về công thợ như: thợ chạm, lọng thành vọng, cột nhà, cửa nhà, vách nhà được tính tiền công qua số dăm mộc do thợ thao tác trong ngày. Đong ra cứ bao nhiêu chén dăm thì được trả bấy nhiêu tiền. Số thợ chuyên chạm, lọng ăn tiền rất cao. Về thời gian hoàn thành ngôi nhà, ông Huỳnh Ngọc Chất (cháu năm đời của cụ Hương Liêm, nay đã mất) từng cho biết ngôi nhà xây dựng vào những năm cuối của thế kỷ XIX. Ngày ấy, khi những người thợ đầu tiên đến động thổ, gác đòn dong dựng nhà, chủ gia mời họ ăn cam. Họ ăn những trái cam rồi nhã hột gần đó, hột lên cây và đến khi cây cho trái cam đầu tiên thì ngôi nhà mới hoàn thành. Như vậy, thời gian cất nhà khoảng 7 năm và để xong xuôi hết phần vách, thành vọng ở gian nhà giữa phải trên 10 năm. Với nhà xưa, người ta thường ví von: “Cất nhà ba tháng. Làm cửa ba năm”. Thợ làm nhà này là những người thợ tài hoa từ Bắc di cư vào Nam.
Đến đây, du khách không thể bỏ qua đặc sản truyền thống bánh dừa Giồng Luông nổi tiếng ở Thạnh Phú, một khi du khách đã thưởng thức rồi thì không thể nào quên bởi sự khéo tay của phụ nữ Đại Điền hay bì bún Giồng Luông cũng rất độc đáo.
Rời Đại Điền, đến Hòa Lợi du khách tham quan làng nghề truyền thống sản xuất lu chứa nước bằng chất liệu xi-măng, nghề ở đây “Cha truyền con nối” và sản phẩm này cũng được tiêu thụ tại địa phương, một số tỉnh và xuất khẩu sang Campuchia.
Trở ra Quốc lộ 57, trên đường đến trung tâm huyện Thạnh Phú, du khách ghé Mỹ Hưng tham quan nghề chằm nón. Nghề này do anh Trần Công Thành ở ấp Thạnh Hưng gầy dựng, bởi Bà ngoại của anh là người Huế, sống bằng nghề chằm nón lá bài thơ, do vậy mà anh gầy dựng nghề chằm nón là lẽ đương nhiên. Vì “không muốn nghề chằm nón bị mai một” là ước nguyện của người thân cũng như của anh, năm 1985 anh Thành đem nghề này truyền lại cho 30 hộ trong xóm. Anh Thành nhận xét bà con ở đây chằm nón rất khéo, có người chằm đẹp hơn thợ chằm nón lá ở Huế. Nón được chằm bằng lá cật phải mua tận Bến Cầu (Tây Ninh), còn vành nón được làm bằng tre của Thạnh Phú. Cứ thế, lá của Tây Ninh, vành của Bến Tre, người chằm nón ở Thạnh Hưng chăm chút, thổi hồn vào từng đường kim mũi chỉ khiến nón lá Mỹ Hưng càng nhìn càng dễ thương. Tham quan nơi đây, du khách sẽ cảm nhận và tận mắt chứng kiến sự khéo tay không chỉ có nữ mà còn có cả nam giới ở đây. Nghề này ít nhiều cũng đã góp phần cho địa phương giảm được tỉ lệ hộ nghèo cũng như giúp được người dân nơi đây có thêm thu nhập trong khoảng thời gian nhàn rỗi. Trên thực tế nón lá cũng là một sản phẩm phục vụ cho khách du lịch. Duy trì được nghề chằm nón cũng là góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của dân tộc ta.
Không những tham quan nghề đúc lu, chằm nón, mà du khách còn được hướng dẫn đến xem nghề bó chổi bằng cọng dừa nổi tiếng ở Mỹ An, một nghề “làm chơi mà ăn thiệt”. Tại đây, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy sự khéo tay của “siêu sao bó chổi” là em Nguyễn Văn Tốt khoảng 16 – 17  tuổi. Từ 5 giờ 30 phút sáng đến 6 giờ chiều, em Tốt bó được 105 cây chổi, thu nhập 100.000đ/ngày. Ở đây, nhà nào cũng đầy chổi, chổi bó rồi, chổi đang bó…, tiếng quay dây cước vào trục nghe rè rè, tiếng kêu ken két đầy ấn tượng, rồi đến tiếng xe máy chở nguyên vật liệu ra vào, khiến làng chổi càng thêm nhộn nhịp. Người dân nơi đây cho biết: nghề này nhẹ nhàng, làm chơi mà ăn thiệt. Mỗi sản phẩm làm ra là một kỷ niệm thấm đẫm tình người, với biết bao niềm hy vọng tươi sáng của người dân hiền lành, chất phác ở một vùng quê sông nước xứ dừa luôn tin tưởng nghề này không bị mất đi và sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ.
Rời thị trấn Thạnh Phú vài km, du khách sẽ được thư thái hơn và thỏa sức ngắm nhìn những cách đồng lúa xanh mơn mởn xen với mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa hiện nay.
Ngoài ra, du khách có thể phiêu lưu mạo hiểm tìm hiểu thêm việc làm đáy  hàng khơi của người dân Thạnh Phú tại Vàm Băng Cung –  Giao Thạnh
Cũng theo Quốc lộ 57, du khách về xã biển Thạnh Hải khám phá sự hoang sơ của bãi biển nơi đây.
Đến xã biển Thạnh Hải, tại cồn Bửng những năm qua, người dân đã lập đền thờ 02 con cá Ông, mỗi con dài từ 22 đến 24m nặng hàng chục tấn. Tại đây còn lưu lại bộ xương sống của cá Ông. Cũng giống như một số địa phương có biển khác, sự thờ cúng cá Ông tạo ra một lễ hội trong đời sống văn hóa các xã vùng biển. Đây là một tín ngưỡng dân gian hình thành trong quá trình tiến biến văn hóa Việt Chăm diễn ra từ đèo Ngang trở vào. Lễ hội Nghinh Ông là dịp để người dân làm nghề biển thư giãn, lấy lại thăng bằng tâm linh sau những ngày lao động vất vả, đồng thời để tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật “thiêng" ở biển, mà trong tâm thức nhiều ngư dân vẫn chứa đựng một niềm tin về sự giúp đỡ của cá Ông khi gặp tai nạn. Hàng năm, cứ vào ngày lễ hội Nghinh Ông có hàng ngàn lượt du khách đến với cồn Bửng để tham quan. Đây cũng là điều kiện để du khách và học sinh, sinh viên tìm hiểu về động vật có vú sống dưới biển.
Tìm hiểu và khám phá xong tại cồn Bửng, du khách đến xã Thạnh Phong, tại đây lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã ghi lại hai lần bộ đội Miền Nam vượt biển từ xã Thạnh Phong ra miền Bắc xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đầu cầu tiếp nhận vũ khí tại xã Thạnh Phong gồm có Vàm Khâu Băng, cồn Bửng (hiện nay thuộc xã Thạnh Hải), cồn Lợi, cồn Lớn, địa điểm di tích này du khách trong và ngoài tỉnh có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy rất thuận tiện.
Tại vùng đất này, du khách còn khám phá “rừng ngặp mặn Thạnh Phú”, nằm trong quần thể vùng bưng trũng. Đây là phần đất nằm xa sông rạch hoặc xen kẽ giữa các giồng cát ven biển, thường bị ngập nước do lũ hoặc thủy triều chiếm một diện tích khá rộng từ vùng mặn, lợ lên vùng ngọt. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rừng ngập mặn Thạnh Phú cũng như Bình Đại là căn cứ địa hình của tỉnh, của lực lượng vũ trang tỉnh, miền, là đầu cầu tiếp nhận vũ khí chi viện từ Trung ương cho chiến trường Nam Bộ. Riêng rừng Thạnh Phú giữ vị trí đầu cầu tiếp nhận vũ khí của đường Hồ Chí Minh trên biển trong nhiều năm liền.
Điều vô cùng lý thú, nhất là cho những du khách thích phiêu lưu mạo hiểm, nếu du khách nghỉ đêm ở Thạnh Phong vào mùa ba khía hội, thì có thể đi theo những ngư dân lành nghề bắt ba khía trong rừng ngập mặn. Vào những đêm tối, trời yên biển lặng, ba khía ra khỏi hang, chúng bám dày đặc vào thân cây mắm, cây cóc hay bò trên những bãi bùn ven bờ rạch, du khách tha hồ bắt chúng vào giỏ. Hoặc theo người dân, ngồi trên những chiếc ghe nhỏ để len lỏi theo những con rạch nhỏ sâu trong rừng mắm, cóc, đước…và thưởng thức bản hòa tấu của một số loài chim, qua đó mà trải nghiệm thú vị trong một chuyến du lịch về vùng đất biển Thạnh Phú.
Là một trong ba huyện duyên hải của Bến Tre, Thạnh Phú đã tận dụng hết những tiềm năng vốn có để nuôi trồng và khai thác thủy sản như: Tôm, cua, sò, nghêu… Và Thạnh Phú ngày nay đã cũng được nhiều du khách biết đến qua những món hải sản như cua biển (cua gạch điều), tôm, sò huyết, nghêu, ba khía…
Thạnh Phú chưa có điều kiện để du khách lưu trú tại đây. Sau khi du khảo điểm đến cuối của chuyến đi, du khách có thể chọn lưu trú qua đêm tại thị trấn Mỏ Cày Nam hay về thành phố Bến Tre. Trên đường về du khách có thể mua đặc sản làm qùa lưu niệm tại các cơ sở cặp hai bên Quốc lộ 57 (dưới dốc cầu Mỏ Cày Nam) hay đoạn dưới dốc cầu hàm Luông phía bờ Mỏ Cày Bắc hoặc du khách mua sắm tại các đại lý ở thành phố Bến Tre./.