Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Du lịch về làng nghề nông nghiệp nông thôn xứ dừa

Làng nghề được xem một môi trường văn hóa, kinh tế, xã hội và công nghệ thủ công truyền thống lâu đời mang đậm nét dân gian, cũng như chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Chính môi trường làng nghề đã bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật được truyền từ đời nay sang đời khác. Làng nghề phát triển không chỉ giải quyết việc làm cho nông thôn, mà còn góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống, tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn, góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hóa và làm giàu trên quê hương mình.

Bến Tre nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu long, là một tiểu vùng hội tụ, giao thoa văn hóa quan trọng của 4 dân tộc Việt - Chăm – Hoa – Khơme. Do vậy, mà làng nghề nông nghiệp, nông thôn ở đây ra đời và gắn liền với phong tục, đời sống văn hóa, cũng thể hiện đầy đủ bản sắc thiên nhiên, đa dạng các sản phẩm vật chất lẫn tinh thần, góp phần tạo nên bức chân dung bình dị, nhưng sống động. Đến xứ dừa, du khách sẽ thú vị khi khám phá một số làng nghề nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu như:

* Làng nghề cây giống và hoa kiểng

Nằm dọc theo con sông Cổ Chiên hiền hòa  được phù sa bồi đắp quanh năm, thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Chợ Lách phù sa màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển cây trồng tươi tốt quanh năm và trái ngọt bốn mùa. Chợ Lách nằm ở phần đất hẹp nhất ở phía trên cùng của vùng đất cù lao Minh, nhưng rất thuận lợi về giao thông đường thủy lẫn đường bộ, nên từ ngàn xưa đã thu hút đông đảo người dân hội tụ về nơi đây an cư lạc nghiệp, để tạo dựng nên những vườn cây xanh trái ngọt, cũng như sản xuất cây giống và hoa kiểng nổi tiếng cả khu vực ĐBSCL. Chính vì lẽ đó, mà khách thập phương ví Chợ Lách là xứ sở của “Vương quốc cây trái và hoa kiểng” của cả vùng Nam Bộ.
 
Đã từ lâu, người dân nơi đây đã biết sáng tạo ra nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo và nhân giống cây ăn quả, nghề này trở thành nghề cha truyền con nối và đòi hỏi ngoài sự tỉ mỉ, kinh nghiệm trồng cây, canh thời vụ, còn phải có kiến thức khoa học nhất định để cho ra đời những giống cây mới, cho năng suất và chất lượng cây ăn quả cao hơn.

Đi đến đâu du khách cũng đều bắt gặp được những hình ảnh thân thương, chăm chỉ, tất bật, khẩn trương của người dân Chợ Lách hiền hòa, thân thiện, kết hợp với sự khéo tay của họ đã tạo ra những tác phẩm bằng cây kiểng rất điệu nghệ, mà mọi người ví những người làm kiểng là “Nghệ nhân miệt vườn”. Người nghệ nhân khi muốn cho ra đời một tác phẩm, phải có ý tưởng, phải trải qua nhiều công đoạn, mà theo người xưa khi uốn kiểng phải chăm chút trong từng động tác một và hòa mình vào trong tác phẩm đó, thì mới khắc họa được nhiều chi tiết sống động, có hồn, với mong muốn góp thêm thật nhiều hương sắc cho cuộc sống, thì tác phẩm của mình mới gọi là hoàn thiện. 
Mảnh đất màu mở này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nơi đây phát triển nên làng nghề cây giống và hoa kiểng. Đến đây, du khách sẽ mặc sức khám phá bộ sản phẩm độc đáo là hoa kiểng hình thú, trong đó nổi lên bộ hình thú 12 con giáp. Nhiều du khách phương xa rất ấn tượng trước phong cách riêng trên loại hình kiểng thú này. Mặc dù cây cảnh sử dụng để làm vẫn là cây si, nhưng với đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã dày công sáng tạo, tạo nên giá trị mới trên từng đường nét nghệ thuật của tác phẩm. Xem bộ kiểng thú, mỗi người đều có thể hình dung ra được con vật đó. Tết năm nào thì sản phẩm con đó được tập trung làm nhiều hơn để bán. Ngoài cây si ra, người ta vẫn có thể sử dụng các loại cây khác để uốn kiểng thú như: bùm sụm, mai trắng, tắc,…. Điều quan trọng chính là nghệ thuật tạo hình, có nghĩa là người làm phải hình dung ra được hình dáng của con vật, sau đó tạo nên điểm uốn phải thật sắc, thật sống động và có hồn. Những “Nghệ nhân miệt vườn” làm nghề này cho biết đến giờ hầu như chưa có sách vở, chưa có thầy dạy, chỉ là làm rồi rút kinh nghiệm, nghề lại dạy nghề. Ngoài bộ kiểng thú 12 con giáp ra, còn có một số tác phẩm khác như: Chai sâm banh, bộ cốc ly, bình hoa… hay dùng trong trang trí trước cổng ra vào rất đẹp mắt. Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc được xem là “đỉnh điểm” của nghề cây cảnh và hoa kiểng. Nếu du khách đến xứ dừa vào mùa này, thì mới cảm nhận hết được cái “nhất” của vùng Chợ Lách. Nhất là dọc hai bên đường cây cảnh, hoa kiểng được trưng bày dày đặc và kết hợp với sự hối hả, tất bật của những ngày tết đến, tạo nên sự mê hoặc kỳ lạ, mà chỉ những ai đặt chân đến đây mới có thể cảm nhận hết được.

Hiện nay, nói đến Chợ Lách hay địa danh Cái Mơn (Vĩnh Thành), đã trở thành địa chỉ quen thuộc và trở thành nơi cung cấp cây giống do người dân tự chiết cành, lai tạo lớn nhất Việt Nam và là xứ sở vườn cây trái ngon nổi tiếng như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon… và các loại cây trái khác. Đặc biệt, là trung tâm sản xuất các loại cây cảnh, hoa kiểng, từ những loại cây ngắn ngày đến các loại cây cổ thụ lâu năm, rất được ưa chuộng tại thị trường trong nước và nhiều nước như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, …. Hiện tại, Chợ Lách có 17 làng nghề cây giống và hoa kiểng được công nhận, phần lớn đều tập trung tại xã Vĩnh Thành, một vài ấp ở xã Phú Sơn và Vĩnh Hòa. Các xã còn lại của Chợ Lách cũng có nhiều hộ sản xuất cây giống, hoa kiểng, vườn cây ăn trái thứ thiệt, chất lượng, đủ sức cho du khách đến tham quan khám phá.
* Làng nghề muối Bảo Thạnh – Ba Tri

Bến Tre có 65 km bờ biển, nằm ở 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Vì thế mà làng nghề nông nghiệp, nông thôn ở đây cũng phát triển khá phong phú. Đến Bến Tre, du khách không thể bỏ qua làng nghề truyền thống sản xuất muối ở Bảo Thạnh, Ba Tri. Người ta thường gọi những người làm nghề này với tên gọi là “diêm dân”, bởi cái nghề này luôn “bán mặt cho đất và bán lưng cho trời”, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Làm nghề muối rất vất và chỉ làm được vào mùa khô, mùa mưa thì không làm được. Theo như nhiều người từng trụ lại lâu năm với nghề làm muối, thì xã Bảo Thạnh bắt đầu làm muối từ trước những năm 30 của thế kỷ XIX, đây là nghề cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. Đối với nghề này không cần phải có vốn nhiều nhưng đòi hỏi phải có công lao động đông, cùng những công cụ thông thường như: ống lăn, bồ cào, trang….Cách làm muối nhìn đơn giản nhưng chẳng dễ chút nào, làm phải làm từng công đoạn như: Ban đầu phải đắp bờ, làm bằng phẳng nền ruộng như một cái khuôn, rồi phơi khuôn, lấy nước vào khuôn, chuyền nước qua lại các khuôn cho phù hợp, rồi rắc muối giống và sau cùng là thu hoạch.  



 * Làng nghề cá khô An Thủy – Ba Tri
Làng nghề được nằm ven biển hình thành hơn nửa thế kỷ. Do đây là nghề thủ công bằng tay, nên hoạt động chủ yếu hiện nay đều tập trung vào hộ gia đình. Nghề cá khô phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, ngày nắng gắt thì đạt năng suất cao, còn những ngày vào mùa mưa thì không thể làm được, mà nếu có làm thì phải sấy trong nhà. Địa chỉ Tiệm Tôm – xã An Thủy –Ba Tri có thể được xem là thánh địa của nghề này. Cứ mỗi chuyến đánh bắt về là người dân nơi đây bắt tay vào làm. Vì làm cá khô đòi hỏi cá phải còn tươi mới cho ra sản phẩm chất lượng và điều quan trọng là phải kịp con nắng trong ngày.

* Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng – Bình Đại
Làng cá Bình Thắng (Bình Đại) có từ trước năm 1950. Nghề đánh bắt cá xuất hiện đầu tiên ở xóm ghe Tư Thôn (nay thuộc ấp 3 của xã). Hiện nay, làng cá Bình Thắng không ngừng phát triển và tiến đến thiết lập nên thương hiệu. Nghề đánh bắt cá, chế biến thành cá khô ở đây ngày nay trở thành nghề truyền thống, tập trung ở các ấp: 2, 3, 4 và 5. Sản lượng tiêu thụ rộng trên thị trường ngoài tỉnh rất nhiều. Nghề chế biến cá khô ở Bình Thắng (Bình Đại) cũng giống như cách chế biến cá khô ở An Thủy. Bình Thắng còn là cái nôi, là trung tâm tổ chức Lễ hội Nghinh Ông lớn nhất hàng năm, không những của huyện Bình Đại mà còn là của tỉnh Bến Tre.

Đến với các làng nghề ở Bến Tre, du khách sẽ được trải mình và khám phá thêm những cái hay của chính vùng đất xứ dừa tạo nên, sẽ làm du khách không khỏi ngạc nhiên và hài lòng./.

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Hành trình khám phá làng nghề tiểu thủ công nghiệp xứ dừa

Việc phát triển làng nghề hiện nay không chỉ thể hiện ở lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác. Là nơi tập trung sản xuất các sản phẩm có bản sắc riêng. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, quê hương trên mọi miền tổ quốc và ra cả thế giới. Đặc biệt, phát triển làng nghề cũng là một trong những nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng.

Đất Bến Tre hình thành trên ba dãy đất cù lao lớn (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa), được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan sông nước hữu tình, về cây xanh trái ngọt trong cả bốn mùa, về không khí trong lành, êm ả, về những món đặc sản của sông, của biển, của miệt vườn… Đặc biệt, vùng đất này rất phù hợp với phát triển cây dừa, vì thế mà xứ sở này có rừng dừa xanh bạt ngàn bát ngát mênh mông. Với đặc điểm trên, làng nghề ở đây cũng phát triển đa dạng và phong phú như: Sản xuất chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác. Hoạt động làng nghề ở đây tuy không nhiều như những địa phương khác, song nó phù hợp với sự khéo léo của người dân sở tại. Đến đây du khách sẽ được khám phá các làng nghề như:

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long – Giồng Trôm

Từ thành phố Bến Tre du khách qua cầu Bến Tre 2, rẽ phải theo tỉnh lộ 887 đi khoảng 12 km là đến làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Ra đời trong những năm gần đây. Do biết vận dụng sáng tạo và sử dụng hợp lý giá trị mà cây dừa đem lại, nên làng nghề đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm phong phú như: sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, đan giỏ cọng dừa, sản xuất chỉ xơ dừa, … Du khách đến nơi đây sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra một sản phẩm “giỏ cọng dừa” mà người thợ chỉ cần học đan 3 ngày và thực hiện 8 công đoạn như: ra nan, cột khung, đan, bính, quấn quay, nứt, hoàn thành phần đáy giỏ và cuối cùng là vô cây trữ vào kho chứa. Nghề đan giỏ cọng dừa ở Bến Tre đã xuất hiện trên 20 năm, ban đầu chỉ làm để phục vụ trong công việc hằng ngày nhưng dần dần đã phát triển thành làng nghề với quy mô lớn có giá trị xuất khẩu cao.


Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong – Giồng Trôm

 Hưng Phong (còn gọi là Cốn Ốc),  nằm cách biệt với đất liền, trên một cồn tự  nổi. Hiện nay, phương tiện khi qua làng nghề này du khách có thể đi bằng đường thủy lẫn đường bộ. Nếu đi đường thủy thì từ bến sông Bến Tre du khách sẽ xuôi theo dòng Hàm Luông mất khoảng hơn 45 phút; đường bộ thì từ thành phố Bến Tre du khách đi qua cầu Bến Tre 2 rẽ phải theo đường tỉnh 887, tới ngã 3 Phước Long đường ra Bến Phà Hưng Phong, rẽ phải đi thẳng khoảng 6km qua phà sẽ đến xã Hưng Phong.

Nghề đan giỏ cọng dừa ở đây được hình thành dù chỉ mới hơn 16 năm, nhưng có bước phát triển khá mạnh phần lớn là sản xuất theo hộ gia đình. Nhờ mẫu mã đa dạng nên ngày càng được thị trường ưa chuộng, đặc biệt vào dịp cuối năm do nhu cầu làm giỏ quà tặng, nên sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều. Các công đoạn làm giỏ cũng như tại làng nghề Phước Long.

Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh và Khánh Thạnh Tân


Từ thành phố Bến Tre du khách đi qua cầu Hàm Luông theo QL 60 đến thị trấn Mỏ Cày Nam, đi khoảng 3 km du khách rẽ phải sẽ đến làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh,  Mỏ Cày Nam. Làng nghề chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân, Mỏ Cày Bắc cũng cách đó khoảng 10 km.

Đây là làng nghề mới phát triển sau này, nằm rải rác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những vùng có trồng nhiều dừa. Nhưng chủ yếu vẫn là ở xã An Thạnh - Mỏ Cày Nam  và xã Khánh Thạnh Tân - Mỏ Cày Bắc. Cấu tạo tự nhiên địa giới hành chính hai địa phương này nằm bên dòng sông Thơm, là điều kiện vô cùng thuận lợi để vận chuyển sản phẩm bằng đường thủy. Người dân Bến Tre vốn từ lâu đã biết vận dụng, sáng tạo từ cây dừa vốn từ lâu đã quen thuộc với người dân Bến Tre. Dừa được biến hóa ra nhiều sản phẩm rất phong phú và đa dạng. Nhưng đặc biệt, tại hai làng nghề này là sản xuất ra những sản phẩm từ xơ dừa se lại thành chỉ… Chỉ xơ dừa có nhiều loại khác nhau như chỉ nệm, chỉ xơ cứng, chỉ xơ xoắn, chỉ nệm tráng cao su, thảm dệt, chiếu thảm, thảm trãi sàn, …

Làng nghề dệt chiếu (Nhơn Thạnh – An Hiệp – Thành Thới B)

Qua cầu Rạch Miễu theo QL 60, đến vòng xoay ngã tư Tân Thành rẽ phải theo đường tỉnh 884 du khách đi khoảng hơn 9km hay từ Tp Bến Tre đi đường bộ 12km sẽ đến làng nghề dệt chiếu An Hiệp ở ấp Thuận Điền – xã An Hiệp – Châu Thành. Hay du khách có thể đến làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh nằm ở vùng ven thành phố Bến Tre. Ngay ngã tư Tân Thành du khách theo đường tránh QL 60 qua  cầu Bến Tre 2, qua xã Mỹ Thạnh An là sẽ đến địa phận xã Nhơn Thạnh. Ở huyện Mỏ Cày Nam cũng có làng nghề dệt chiếu bằng cây cói rất nổi tiếng ở xã Thành Thới B, du khách cứ theo QL 60 qua Cầu Hàm Luông đi tiếp khoảng trên 25 km theo hướng đi Trà Vinh là đến nơi.

Đối với Bến Tre, nghề dệt chiếu cũng xuất hiện khá sớm, diễn ra quanh năm tại nhiều làng trong xã và thường bắt đầu từ tháng giêng đến hết tháng chạp âm lịch. Tuy vậy, hoạt động sản xuất chiếu thường nhộn nhịp vào những tháng cuối năm, bởi thời gian này, người dân trong tỉnh và những tỉnh thành lân cận thường mua những chiếc chiếu mới, có hoa văn trang trí đẹp về sử dụng trong gia đình, chùa chiền, đền miếu,… Đối với nghề dệt chiếu, phụ nữ được xem là những người thợ chính, bởi họ có sự nhẫn nại và đôi bàn tay mềm mại, tài hoa, nên họ có thể dệt những chiếc chiếu đẹp, bền chắc trong thời gian nhanh nhất. Lát là nguyên liệu chính của nghề dệt chiếu. Do điều kiện khí hậu nên lát được trồng nhiều ở các địa phương trong tỉnh như xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre; An Hiệp, Châu Thành, riêng xã Thành Thới B, Mỏ Cày Nam thì nguyên liệu lấy từ cây cói. Những năm trước đây, người dân làng nghề dệt chiếu sử dụng nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng chiếu ngày càng nhiều nên phải mua lát từ các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp về để sản xuất. Sản phẩm của nghề dệt chiếu được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, từ Bắc vào Nam. Người thợ dệt chiếu có thể bán trực tiếp cho người dân trên địa bàn hoặc bán cho những người gánh chiếu bán dạo ở các địa bàn lân cận. Ngoài ra, sản phẩm của làng nghề dệt chiếu còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Làng nghề đúc lu Hòa Lợi – Thạnh Phú

Từ thành phố Bến Tre du khách qua cầu Hàm Luông theo QL 60 đi khoảng trên 30 km rẽ phải sẽ đến xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú. Làng nghề này ra đời như một sự cần thiết. Chính vì sống ở vùng ven sông, tiếp giáp biển nên phần đông người dân ở Hòa Lợi đã tìm cách trữ nước mưa để sử dụng. Ở đây, hầu như nhà nào bà con cũng đúc, đổ các lu, ống chứa nước mưa để dự trữ sử dụng quanh năm. Vào mùa nắng, nguồn nước dự trữ này sẽ được dùng để nấu ăn, làm nước uống cho đến mùa mưa năm sau. Đây cũng là nguyên do để hình thành và phát triển làng nghề truyền thống “Làng lu Hòa Lợi”. Nghề này là nghề cha truyền con nối. Trải qua nhiều thế hệ, những người thợ làng lu Hoà Lợi đã sáng tạo ra những công cụ phục vụ cho nghề như: cỡ lu (hình chữ C, có hai điểm cố định, khi xoay một vòng sẽ làm cho lu cân đối), cỡ miệng, bay làm láng da lu … Nhờ vậy mà sản phẩm của làng lu Hòa Lợi “trăm chiếc như một”. Sản phẩm này cũng được tiêu thụ tại địa phương, một số tỉnh bạn và xuất khẩu sang Campuchia.

Làng nghề bó chổi Mỹ An - Thạnh Phú

Từ làng nghề đúc lu nếu đi đến làng nghề bó chổi khoảng trên 15 km. Trên QL 57, nếu như làng nghề đúc lu Hòa Lợi rẽ phải, thì làng nghề Mỹ An du khách sẽ rẽ trái đi khoảng 10 km. Nghề bó chổi nằm rải rác ở các ấp và tập trung nhiều nhất ở ấp An Hòa, đây là điểm xuất phát đầu tiên của làng nghề. Lúc đầu, chỉ có một vài hộ làm với hình thức nhỏ lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn lâu dài đã được bán ra thị trường ngoài tỉnh. Nghề này có thể nói là phổ biến lâu nay ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở xứ có nhiều dừa như Bến Tre. Người ta đã biến vận dụng từ cọng của lá dừa, lá cau, hay cọng của lá dừa nước để làm nên những sản phẩm đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau. Ở đây, nhà nào cũng đầy chổi, chổi bó rồi, chổi đang bó…, tiếng quay dây cước vào trục nghe rè rè, tiếng kêu ken két đầy ấn tượng, rồi đến tiếng xe máy chở nguyên vật liệu ra vào, khiến làng chổi càng thêm nhộn nhịp. Người dân nơi đây cho biết: nghề này nhẹ nhàng, làm chơi mà ăn thiệt. Mỗi sản phẩm làm ra là một kỷ niệm thấm đẫm tình người, với biết bao niềm hy vọng tươi sáng của người dân hiền lành, chất phác ở một vùng quê sông nước xứ dừa luôn tin tưởng nghề này không bị mất đi và sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ.

Làng nghề đan đát – Phước Tuy

Nghề đan đát truyền thống Phú Lễ đã tồn tại không dưới trăm năm. Đây là làng nghề xuất hiện ở Bến Tre cũng khá lâu. Làng nghề hiện có đến cả ngàn sản phẩm với hơn mười loại, mẫu mã, kích cỡ đa dạng như bội, bung, rỗ, rế, cần xé, lờ, lọp, nơm cá, … nguyên liệu chủ yếu là tre, trúc, tầm vông. Lúc đầu nghề đan đát chỉ là nghề phục vụ trong sinh hoạt bình thường của người dân, nhưng về sau khi có nhu cầu về trang trí thì các sản phẩm làm ra rất đa dạng hơn.

Hiện nay, nghề đan đát phân bố đều trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở xã Phước Tuy. Ngoài ra còn tập trung rải rác ở cá xã khác như: Phú Lễ, An Bình Tây và An Đức thuộc huyện Ba Tri. Trong nghề đan đát, ra nan là một công đoạn quan trọng góp phần tạo sự thành công cho sản phẩm. Để có những thanh nan đều, đẹp thì sau khi phân đoạn tre, trúc theo đúng quy cách, dùng dao rọc sạch mắt, sau đó chẻ đôi, tiếp tục chẻ đôi cho vừa nan theo quy cách. Chẻ hoặc tách nan bắt đầu từ gốc đến ngọn, ra nan có thể sử dụng dao mác vót để tách nan đều, không bị lõi. Hướng điều chỉnh cán dao tách nan về phía nào, phía ấy sẽ mỏng hoặc nhỏ hơn, do đó khi tách nan phải đều tay. Sau khi ra nan, sử dụng dao mác vót láng (dân gian hay gọi là lau lại cho bóng). Công đoạn kế tiếp là tạo vành cho các loại sản phẩm có sử dụng vành như: rổ, thúng, lợp… Tạo vành xong sẽ tiến hành đan. Tùy theo từng loại sản phẩm mà sử dụng cách đan khác nhau như: đan long mốt, long hai đối với các lại rổ gánh, rổ xúc, xàng, xịa; long ba dành cho đan thúng; long bốn, năm dùng cho sản phẩm bội... Ngoài ra còn có công đoạn đát, vanh,  lận vành, nứt vành.

Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp  Phú Lễ - Ba Tri

Làng nghề Phú Lễ ở ấp Phú Thạnh, Phú Lợi, Phú Khương xã Phú Lễ - Ba Tri. Làng nghề chủ yếu về mây tre đan và sản xuất rượu nếp. Về mây tre đan thì các sản phẩm từ công đoạn chuẩn bị đến thành phẩm cũng giống như làng nghề Phước Tuy. Nhưng điểm nổi bật ở Phú Lễ và có tiếng cả trong lẫn ngoài tỉnh là sản xuất rượu Phú Lễ. Đây là một nghề của địa phương đã có từ lâu đời. Cái vị nồng nồng kết hợp với mùi thơm dễ chịu khi uống và đặc biêt nhất là cách làm rượu truyền thống. Từ qui trình chọn lọc nếp đến ủ rượu đều được chú trọng. Ngày nay, làng nghề ở xã Phú Lễ đã được gắn liền với tên rượu Phú Lễ./.

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Về xứ dừa - Đến làng nghề khám phá các đặc sản nổi tiếng

Từ xưa đến nay Bến Tre như là địa điểm quen thuộc của những ai đã từng đặt chân đến đây. Bởi cái vị mộc mạc, chân tình của người dân “xứ dừa” đã làm nên mối dây liên kết không thể tách rời giữa người bản địa và du khách. Cứ mỗi lần về xứ dừa, du khách sẽ được tận mắt cảm nhận những “cái nhất” được truyền từ đời nay sang đời khác, mà đến nay người dân Bến Tre vẫn còn lưu giữ và gần như đã trở thành món ăn tinh thần, rồi trở thành “làng nghề” tự lúc nào mà chẳng ai nhớ rõ thời điểm sự ra đời của nó.

Làng nghề truyền thống ở Bến Tre ra đời gắn liền với thời gian, tồn tại và phát triển đã tạo nên sự giao thoa mãnh liệt giữa quá khứ - hiện tại. Qua đó, thúc đẩy một diện mạo mới cho những người có tâm huyết với nghề, đặc biệt là những nghề truyền thống đã góp phần làm nên những sản phẩm nổi tiếng của địa phương. Các làng nghề được phân bố đều tại các huyện, thành phố Bến Tre dựa trên những đặc điểm vốn có của từng địa phương, được nhân rộng ra, nhưng vẫn giữ được nét nguyên thủy ban đầu vốn có của nó. 

Hiện nay, du khách đến Bến Tre có thể tham quan khám phá một số làng nghề tiêu biểu như:
Làng nghề sản xuất kẹo dừa Bến Tre

Kẹo dừa Bến Tre vừa là một đặc sản nổi tiếng của cả nước. Nó là một nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa của xứ sở dừa. Không đơn thuần mà khi nhắc đến Bến Tre du khách không thể nào quên được “kẹo dừa” vừa ngon, vừa béo, vừa thơm, mà đi đâu ai cũng nhắc đến và cũng không nơi nào làm giống được. Kẹo dừa có nguồn gốc từ Mỏ Cày, vì thế mà ca dao Bến Tre đã lưu truyền: 
“ Bến Tre nước ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan...”
Ngày xưa, người Bến Tre làm kẹo dừa để ăn trong gia đình hay để biếu bè bạn, người thân trong những dịp lễ, tết. Sau đó, nghệ thuật làm kẹo dừa đã không ngừng được cải tiến và đã trở thành một sản phẩm truyền thống đặc biệt của Bến Tre. Muốn làm kẹo ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Thóc nếp dùng để nấu mạch nha phải là nếp tốt, hạt to chín đều. Để nẩy mầm thóc phải được tưới bằng nước mưa sạch rồi đem nấu lấy mạch nha. Thợ nấu mạch nha phải là thợ lành nghề điêu luyện. Dừa khô lựa trái "rám vàng" mới vừa hái xuống. Vì trái dừa mới bắt đầu khô này có hương vị đặc trưng, nước cốt có độ ngọt thanh. Đường nấu kẹo phải chọn loại đường mới, có màu vàng tươi. Ngày nay, người Bến Tre đã cải tiến làm thêm nhiều loại kẹo dừa có kết hợp với các nguyên liệu khác làm cho kẹo dừa Bến Tre ngày càng phong phú và ngon hơn như: cho thêm hương vị sầu riêng, đậu phộng, thậm chí cả ca cao vào kẹo. Đây là hiện tượng giao lưu và tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật ẩm thực rất sáng tạo của người Bến Tre, để đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng khách hàng, để có thể mở rộng thị trường.

Sau này do nhu cầu và điều kiện phát triển kinh tế, việc sản xuất kẹo dừa đã được mở rộng ra ngoài huyện Mỏ Cày và hình thành nên làng nghề sản xuất kẹo dừa ở phường 7 – thành phố Bến Tre. Đây là điểm đến cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm.

Từ vòng xoay Tân Thành, du khách đi thẳng theo Đại lộ  Đồng Khởi để vào trung tâm thành phố Bến Tre. Đến vòng xoay chợ  Bến Tre du khách rẽ phải qua đường Cách mạng Tháng Tám, sau đó đến vòng xoay chợ ngã năm, đi theo đường Nguyễn Văn Tư đến  phường 7 tham quan làng nghề làm kẹo dừa. Ngoài ra, nếu du khách không vào trung tâm thì rẽ vào đường tránh QL 60, ngay vòng xoay cầu Hàm Luông, hướng lên cầu Bến Tre 2 - đến vòng xoay Bình Phú, du khách rẽ phải là đến trung tâm làng nghề “Kẹo dừa Bến Tre”. 
Có thể nói kẹo dừa luôn gắn bó với cuộc hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực, du lịch ở vùng đất xứ dừa. Vì thế, mà khi du khách đến Bến Tre hình như ai cũng tìm mua kẹo dừa về làm quà cho gia đình, người thân, bè bạn.

Tại các điểm du lịch sinh thái Châu Thành, thành phố Bến Tre, có tổ chức các điểm sản xuất kẹo dừa truyền thống, để du khách tận mắt chứng kiến, cũng như trực tiếp tham gia vào quy trình làm ra sản phẩm kẹo dừa. Qua đó, du khách trải nghiệm và cảm nhận những tâm tư, tình cảm của người dân vùng sông nước xứ dừa.
Làng nghề sản xuất “Bánh tráng Mỹ Lồng”- “Bánh Phồng  Sơn Đốc”
và “Bánh phồng Phú Ngãi”
Từ thành phố Bến Tre du khách theo đường tỉnh 885 khoảng 7km là tới làng nghề làm “bánh tráng Mỹ Lồng”. Làng nghề này, nằm ở xã Mỹ Thạnh –Giồng Trôm, sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Có thể nói, đây là sản phẩm có tiếng cả trong lẫn ngoài tỉnh. “Bánh tráng Mỹ Lồng” có nhiều hương vị khác nhau, để du khách có thể lựa chọn như: Bánh tráng béo nước cốt dừa (loại ngọt, mặn); bánh tráng béo dừa có thêm sữa; trứng gà hay bánh tráng sữa không dừa. Tuy nhiên, loại bánh tráng ngon nhất, được ưa chuộng nhất vẫn là bánh có dừa (loại này vừa béo, vừa xốp). Khi đặt bánh lên lò lửa than nướng, bánh vừa vàng tới đã tỏa mùi hương thơm béo béo, rất hấp dẫn.
Trải qua bao thăng trầm, tâm huyết nghề truyền thống, kết hợp với sự khéo léo từ những bàn tay của người thợ ngày nay ở làng nghề đã sáng tạo thêm  loại bánh tráng nem (hay còn gọi bánh tráng cuốn), vừa mỏng, vừa dai, vừa tay cuốn. Loại bánh tráng nem này, hiện có mặt ở rất nhiều nhà hàng sang trọng chốn thị thành.
Từ điểm làng nghề “Bánh tráng Mỹ Lồng”, du khách tiếp tục đi theo tuyến đường này khoảng 15km. Đến ngã ba Sơn Đốc, có bày bán thật nhiều dừa xiêm và bánh phồng nếp, rẽ phải gần 1km du khách đến làng nghề “Bánh phồng Sơn Ðốc”. Làng nghề này, nằm tại chợ Sơn Đốc, thuộc xã Hưng Nhượng – huyện Giồng Trôm, chợ tuy nhỏ nhưng khang trang nằm lọt thỏm giữa rừng dừa xanh mát và những ngôi nhà tường mới xây lợp mái ngói, đã chứng tỏ sự hưng thịnh của làng nghề “Bánh phồng Sơn Ðốc”.

Là vùng làm bánh có tiếng từ lâu và nhờ có tiếng tăm như thế, nên bánh phồng được lấy tên bởi chính địa danh nơi làm bánh. Theo người làm bánh, thì bánh phồng làm công phu hơn bánh tráng. Nguyên liệu làm từ nếp nhưng phải nấu thành xôi, cho vào cối "quết" nhuyễn cùng với các phụ liệu khác; rồi mới bắt bột vo tròn lại, cán mỏng đem phơi. Cũng như bánh tráng, phơi bánh phồng là một kỳ công, nắng vừa phải, nếu nắng quá bánh sẽ chai, gặp mưa xuống bánh bị hư. Vào làng nghề quết bánh phồng mỗi sáng, du khách nhìn thấy và sẽ nghe tiếng chày thậm thịch, rộn rã khác thường. Bình thường mỗi lò quết khoảng 30 – 40 lít nếp mỗi ngày. Cao điểm nhất là vào dịp Tết, có khi đến 200 lít.
Ở xã Phú Ngãi - Ba Tri cũng có một làng nghề làm bánh phồng rất có tiếng. Nếu du khách muốn tham quan, cũng tuyến đường tỉnh 885 này đến thẳng thị trấn Ba Tri. Sau đó tiếp tục đi khoảng 7 km nữa là đến làng nghề “Bánh phồng Phú Ngãi”. Mặc dù cũng làm bánh phồng như làng nghề ở Sơn Đốc, nhưng với bí quyết riêng nên bánh ở đây cũng ngon không kém gì nơi khác.

Theo truyền thống của người dân xứ dừa, khi thưởng thức được chiếc bánh tráng, bánh phồng, đều phải dùng lửa than để nướng. Người ta dùng vỏ dừa khô hoặc gáo dừa đốt thành than đỏ rực, rồi để bánh lên cập nướng. Bánh nướng phải trở qua, trở lại, liên tục thì bánh mới nở bung ra, vàng đều, ăn mới giòn và ngon. Mỗi khi tết đến, tiết trời se se lạnh, nhất là vào buổi sáng và tối, hình như gia đình nào ở làng quê xứ dừa cũng chuẩn bị cho nhà mình vài chục bánh tráng, vài chục bánh phồng. Rồi mọi người đều thích quây quần bên bếp lửa đỏ để nướng bánh, để thưởng thức, để được sưởi ấm. Rộn rã, lộn xộn nhất là sự chen chút dành chổ ngồi quanh bếp lửa vẫn là các cháu nhỏ tuổi bí bô, tuổi cấp sách đến trường, để được ông, Bà hay cha, mẹ, anh, chị cho những miếng bánh vừa mới nướng xong. Nhìn những gương mặt ngồi quanh bếp lửa, xem nướng bánh, hình như ai cũng có đôi gò má ửng hồng hây hây rất đáng yêu.

 Ngày nay, do sự hối hả, tất bật của cuộc sống, do nhu cầu thưởng thức bánh ngày càng nhiều, nên người dân xứ dừa đã làm lò nướng được một lúc với số lượng rất nhiều bánh. Du khách có thể bắt gặp và dễ dàng mua các loại bánh tráng, bánh phồng nướng sẵn rất xốp, giòn, rất thơm ngon tại các điểm nằm dọc trên đường đến làng nghề nầy. Nếu du khách mua bánh mang về thì có thể nướng được trên bếp gas hay lò nướng bằng điện hoặc có thể cắt nhỏ ra dùng dầu, mỡ chiên như bánh phồng tôm.

Có thể nói, nghề quết bánh phồng rất kỳ công, vất vả hơn so với nghề làm bánh tráng, ngay cả từ khâu nguyên liệu đến các công đoạn để làm ra sản phẩm.

Để trải nghiệm quy trình làm nên sản phẩm bánh tráng, bánh phồng, tại các điểm du lịch sinh thái Châu Thành có tổ chức các điểm làm bánh tráng, bánh phồng truyền thống, để du khách có thể tham quan và trực tiếp tham gia làm bánh.  
Làng nghề sản xuất rượu nếp Phú Lễ
Ở Đồng bằng Sông Cửu long giới “ẩm giả” sành điệu xưa nay vẫn xếp rượu Phú Lễ (Bến Tre) vào hàng “danh tửu” cùng với rượu Gò Đen (Long An), Xuân Thạnh (Trà Vinh). Làng nghề nấu rượu đế này đã tồn tại rất lâu đời tại xã Phú Lễ - Ba Tri. Rượu Phú Lễ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến bởi sản phẩm rất thơm ngon, tinh khiết, chất lượng ổn định, không gây độc hại và hợp khẩu vị của người tiêu dùng.

“Rượu Phú Lễ” không biết có tự bao đời, chỉ biết tư liệu sách sử ghi lại vào năm 1851 Đình Phú Lễ tại làng Phú Lễ - Ba Tri được vua Tự Đức sắc phong, trong nghi thức đón nhận sắc phong “Rượu Lễ” đóng vai trò quan trọng. Nguyên liệu dùng để nấu rượu này là loại nếp mùa dài ngày ngon nhất, được đích thân trưởng lão trong làng chọn  36 vị thuốc theo liều lượng thích hợp, các vị thuốc đó là: trần bì, quế khâu, đinh hương, tất phát, đại hồi, sa nhân, tiểu hồi, lương cương, càng cương, bạch khấu, ngọc khấu, mai hoàng, hậu phát, thảo quả, quế chi, trạch lan, xích thước, hồng hoa, linh cừ, mật nang, tạo giác, cam thảo, son tàu, cam thảo nam, thiên niên kiện, cát cánh, bồ kết, hương truật, nhãn lòng, trầu lương, rau răm, lá nhãn, ngũ vị, tai vị, tiêu sọ, mồng tưới. Các vị thuốc này được xay nhuyễn, trộn bột gạo lứt, nhồi chung với cám, vo thành viên rồi phơi khô tạo thành một loại men đặc biệt gọi là hồ men.
Cũng từ tư liệu sách sử ghi lại và lưu truyền qua lời kể của các hộ dân có truyền thống nấu rượu lâu đời nơi đây, thì qui trình làm rượu Phú Lễ rất công phu. Nếp nấu chín rồi rắc trộn với men này, cho vào tĩnh ủ kín. Sau 07 ngày - 07 đêm mới đưa vào diệm kháp. Lửa đun phải dùng chính vỏ trấu của nếp mùa, ngọn lửa phải đằm không lớn, không nhỏ thì rượu mới không bị đắng không bị “thét”. Rượu ra lò chưa dùng ngay mà phải hạ thổ (chôn xuống đất) 100 ngày, để hấp thụ âm dương của trời đất cho rượu thật “nhuần”. Đến ngày khai rượu, Trưởng Lão chay tịnh sạch sẽ, lấy rượu hạ thổ đặt vào nơi trang trọng nhất. Nhờ vậy mà rượu Phú Lễ có được hương vị thật thanh tao, diễm tuyệt. Rượu Lễ này được chuyển về kinh dâng Vua, được ngài khen tặng và đặt tên rượu theo tên làng là “Rượu Phú Lễ”.
Trải qua bao thăng trầm, vượt qua bao thử thách, bền bỉ tạo dựng, rượu Phú Lễ vẫn được người dân Phú Lễ làm công phu như thế, để giữ bằng được chất lượng của loại rượu danh tiếng này. Vì thế, mà hương vị rượu Phú Lễ ngày càng thanh tao diễm tuyệt hơn. Điểm đặc biệt nhất trong quy trình kháp rượu Phú Lễ người dân sử dụng cùng lúc hai loại men để lên cơm da. Loại thứ nhất (men Phú Lễ) làm từ gạo lức và một số vị thuốc bắc để lên cơm da. Loại thứ hai (hồ men Phú Lễ) cũng từ gạo lức và có đến 36 vị thuốc dùng để tạo hương vị đặc trưng riêng cho rượu. Như vậy, nghề nấu rượu đế ở xã Phú Lễ đã có từ lâu đời và đã trở thành một làng nghề truyền thống của địa phương.

Đến Bến Tre, khám phá và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống làm nên những đặc sản nổi tiếng của Bến Tre; đón nhận những tình cảm mến khách và nét đôn hậu, mộc mạc của đất và người dân vùng sông nước xứ dừa. Du khách sẽ rất thú vị không thể nào quên và rồi du khách sẽ trở lại tiếp tục khám phá các làng nghề khác nơi đây./.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Đến xứ dừa - Du lịch bằng xe buýt

Trong đời sống xã hội, mỗi người đều có hoàn cảnh kinh tế khác nhau, cũng như nhu cầu hay mục đích đi du lịch cũng khác nhau. Do đó, khi đi du lịch thì phải tính toán sao cho phù hợp nhất. Vì thế, mọi người có thể lựa chọn cho mình phương tiện đi du lịch an toàn, thích hợp và có ý nghĩa nhất. Và đặc biệt là những chuyến du lịch về miền Tây, trong đó không thể bỏ qua chuyến hành trình khám phá du lịch sông nước – sinh thái - miệt vườn của xứ dừa Bến Tre.
 
Từ Tp Hồ Chí Minh du khách đón xe buýt đến Long An; từ Long An đi xe buýt về bến xe Tiền Giang. Từ đây, đón xe buýt MTS 01 về Bến Tre. Đến bến xe Bến Tre du khách có thể đi bằng xe buýt đến các điểm du lịch tại các huyện, mỗi chuyến cách nhau 15 – 20 phút và ngược lại.

* Lộ trình xe buýt MST 01: Phà Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày Nam) – bến xe Tiền Giang, tuyến này du khách có thể ghé tham quan các điểm:

     + Từ Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu, qua QL 60, đến vòng xoay Tân Thành, rẽ sang tuyến tránh QL 60, đến vòng xoay Bình Phú du khách sẽ được ngắm chiếc cầu Bến Tre 2 thân thương được bắt qua sông Bến Tre.
     + Đến vòng xoay chợ Ngã Năm (đường Hoàng Lam) tham quan Chùa Viên Giác; qua đường Cách mạng Tháng Tám ngắm nhìn Bảo Tàng Bến Tre; ra Đại lộ Đồng Khởi – ra tuyến tránh đến QL 60, đến cầu Hàm Luông chiếc cầu dài 1.315m nối cù lao Bảo với cù lao Minh, trên xe du khách thỏa sức ngắm cảnh rừng dừa xanh mênh mông, bát ngát, ngút tầm mắt nhìn nằm 2 bên bờ sông Hàm Luông.
     + Qua địa phận Mỏ Cày Bắc, rồi đến Mỏ Cày Nam, khám phá cơ sở sản xuất kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa tại thị trấn Mỏ Cày Nam. Rẽ sang QL 60, thăm làng nghề sản xuất chỉ sơ dừa tại các xã An Thạnh, Khánh Thạnh Tân hoặc dệt chiếu cói ở xã Thành Thới B, rồi xe đến bến phà Cổ Chiên qua tỉnh Trà Vinh.
Nếu du khách chọn điểm du lịch sinh thái – sông nước - miệt vườn du khách dừng chân tại huyện Châu Thành. Tuyến xe này, qua cầu Rạch  Miễu, dưới chân cầu hai bên có các phương tiện như: tàu, thuyền, xe ngựa, xe gắn máy… để du khách lựa chọn đến các điểm du lịch mà du khách yêu thích như: Cồn Phụng, Cồn Qui, du lịch sinh thái – miệt vườn Tân Phú; Vườn Hàm Luông, Đồng Quê, Quới An, Hảo Ái, Phong Phú, Thảo Nhi, Diễm Phượng,  Hồng Vân, Quê Dừa, Năm Thành, du lịch Vườn dâu, An Khánh 2… hay cơ sở thêu Khánh Quyên, Đình Tân Thạch, Chùa Hội Tôn cổ tự.

* Lộ trình xe buýt MST 02: Thành phố Bến Tre – Tiệm Tôm (xã An Thủy – Ba Tri), trên tuyến này du khách có thể dừng chân tại các điểm:
     + Xe hành trình qua Đại lộ Đồng Khởi (tuyến đường trung tâm nối dài từ xã Sơn Đông – phường Phú Tân – phường Phú Khương – phường 4 - phường 3). Đây là con đường chính dẫn vào Tp Bến Tre được đầu tư, mở rộng, trang trí, phối cảnh… rất đẹp. Trên đường vào trung tâm thành phố Bến Tre nhìn thấy công viên tượng đài Đồng Khởi. Đến đường Nguyễn Đình Chiểu, ngắm nhìn kiến trúc của đình An Hội, chùa Viên Minh; đường Cách mạng Tháng Tám tham quan Bảo tàng Bến Tre.
     + Sau đó theo tỉnh lộ 885 về Giồng Trôm - Ba Tri, ngang qua xã Phú Hưng (cách Tp Bến Tre 3 km), du khách có thể ghé tham quan đình Phú Tự và ngắm nhìn cây Bạch Mai cổ thụ trên 300 tuổi.
     + Tiếp tục hành trình ngắm cảnh trên đường đến huyện Giồng Trôm, ghé thăm di tích Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và khám phá làng nghề “bánh tráng Mỹ Lồng” ở xã Mỹ Thạnh.
     + Ghé thăm khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định xã Lương Hòa – huyện Giồng Trôm.
     + Xe ngang qua chợ chanh Lương Quới, đây là chợ đầu mối mua bán chanh độc nhất vô nhị ở vùng ĐBSCL.
     + Đến xã Bình Hòa tham quan Di tích Kiến trúc nghệ thuật Đình Bình Hòa.
     + Đến xã Hưng Nhượng tham quan làng nghề “bánh phồng Sơn Đốc”.
     + Xe đến thị trấn Ba Tri, du khách có thể lựa chọn cho mình một phương tiện để tham gia các điểm du lịch tại Ba Tri như: Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, di tích Mộ và đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản, mộ Phan Thanh Giản; Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ và làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ tại xã Phú Lễ; khám phá sân chim Vàm Hồ ở xã Tân Mỹ; thăm đền thờ Phan Ngọc Tòng ở xã An Hiệp; miếu thờ Tán Kế (Lê Quan Quang) ở xã Mỹ Thạnh; thăm Di tích lịch sử Nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba cây da đôi và công trình thủy lợi cống đập Ba Lai tại xã Tân Xuân.
     + Cũng tuyến xe này, du khách có thể đi thẳng đến Tiệm Tôm (xã An Thủy) tham quan Cảng cá Ba Tri, bãi biển phù sa và thưởng thức các món hải sản biển.

* Lộ trình xe buýt MST 03: Thành phố Bến Tre – Phà Tân Phú (Châu Thành), du khách có thể dừng chân tại các điểm đến như:

     + Để tiếp tục khám phá các điểm du lịch tại huyện Châu Thành, tại vòng xoay Tân Thành, du khách đón xe buýt MST 03 (theo tỉnh lộ 884), du khách có thể ghé thăm làng nghề dệt chiếu truyền thống và dệt thảm sơ dừa hay sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại xã An Hiệp. Đến xã Thành Triệu chọn phương tiện khác để đến Khu du lịch Forever Green Resort (còn gọi tắt Resort bên bờ sông Tiền), có diện tích rộng 21 ha, tọa lạc tại ấp Phú Khương, xã Phú Túc. Đây là khu du lịch sinh thái có sức đầu tư lớn và bài bản nhất tại Bến Tre từ trước đến nay. Nằm sát sông Tiền, không gian tại đây êm ả, hiền hòa.
     + Trở ra tỉnh lộ 884, tiếp tục đến chợ Tiên Thủy hay vào xã Tân Phú, du khách có thể chọn các điểm du lịch sinh thái nơi đây như: Tân Phú, vườn Hàm Luông…
     + Xuất phát điểm từ thành phố Bến Tre, qua Đại lộ Đồng Khởi, ngang qua công viên tượng đài Đồng Khởi; qua đường Hai Bà Trưng vào hồ Trúc Giang; qua đường Nguyễn Đình Chiểu có Trung tâm Thương mại Bến Tre, đình An Hội, chùa Viên Minh; qua Bảo tàng Bến Tre trên đường Cách mạng  Tháng Tám.
     + Hành trình trên đường Đoàn Hoàng Minh ra QL 60, theo đường tỉnh 884 qua các xã Sơn Đông – Sơn Hòa – An Hiệp – Thành Triệu – vào chợ Tiên Thủy và điểm cuối cách cổng bến phà Tân Phú 20m. Tại đây, du khách qua phà và chọn phương tiện đến các điểm du lịch sinh thái – vườn cây trái và trung tâm huyện Chợ Lách rất gần.

* Lộ trình xe buýt MST 04: thành phố Bến Tre – Phà Cầu Ván (huyện Thạnh Phú), du khách có thể dừng chân khám phá các điểm:

     + Từ bến xe khách tỉnh, đến vòng xoay Tân Thành, theo đường tránh QL 60 ngắm cảnh con đường sang trọng và rất đẹp dẫn đến cầu Hàm Luông. Từ đỉnh cầu du khách ngắm nhìn ngút tầm mắt hai bên hai bờ sông Hàm Luông với rừng dừa bạt ngàn, xanh ngát.
     + Qua đường tỉnh 882, theo QL 60 đến thị trấn Mỏ Cày Nam, du khách chọn cho mình phương tiện tham quan nơi ra đời (cơ sở sản xuất) đặc sản kẹo dừa Bến Tre; khám phá cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; tham quan làng nghề chỉ sơ dừa ở xã An Thạnh…. Điều du khách không thể bỏ qua đó là tham quan Khu di tích Đồng Khởi và địa danh Đình rắn tại xã Định Thủy.
     + Trở ra QL 57 đón xe buýt, du khách ghé xã Minh Đức tham quan Di tích lịch sử Chùa Tuyên Linh.
     + Cũng tuyến xe buýt MST 04, du khách đến xã Đại Điền thăm bia lưu liệm nơi làm lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307 “đánh đâu được đấy - oai hùng biết mấy” của bộ đội ta trong thời kỳ chống thực dân Pháp và ngôi nhà cổ đẹp, bề thế của gia tộc họ Huỳnh, vẫn còn mang trong nó nét đặc sắc của nhà cổ đồng bằng và cái lộng lẫy của gia chủ một thời sung túc, đó là ngôi nhà cổ Hương Liêm, vừa được Bộ VHTTDL công nhận là di tích cấp Quốc gia. Thưởng thức đặc sản truyền thống bánh dừa Giồng Luông nổi tiếng và bì bún cũng rất độc đáo.
     + Trở ra QL 57 ghé tham quan làng nghề đúc lu tại xã Hòa Lợi.
     + Sau đó tiếp tục hành trình đến thị trấn Thạnh Phú. Ở đây du khách lựa chọn phương tiện để tham quan làng nghề “bó chổi cọng dừa” tại xã Mỹ An; nghề chằm nón bài thơ Huế ở xã Mỹ Hưng.
     + Theo xe buýt này du khách đến xã Giao Thạnh – qua phà Cầu Ván, chọn phương tiện để đến điểm Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí  Bắc – Nam (hay còn gọi Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển), di tích này ghi lại 02 lần bộ đội miền Nam vượt biển từ xã Thạnh Phong ra miền Bắc xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam; khám phá quần thể vùng bưng trũng rừng ngập mặn; biển phù sa hay đền thờ cá Ông tại Cồn Bửng xã Thạnh Hải.

* Lộ trình xe buýt MTS 05: huyện Châu Thành – huyện Bình Đại, du khách có thể chọn các điểm dừng chân như:

     + Từ Tiền Giang đón xe buýt MTS 01 về Bến Tre, qua trạm thu phí cầu Rạch Miễu, đến ngã tư đèn đỏ đèn xanh huyện Châu Thành (điểm cây xăng Quang Dư – ấp Phú Nhơn – thị trấn Châu Thành), du khách đón xe buýt MTS 05 theo đường tỉnh 883 để đến huyện Bình Đại.
     + Trên tuyến đường về đất biển Bình Đại, du khách có thể ghé các điểm du lịch sinh thái – miệt vườn – sông nước ở xã Tân Thạch – Quới Sơn …huyện Châu Thành.
     + Đến địa phận huyện Bình Đại, trên đường ngắm cảnh những vườn dừa xen đồng lúa, vườn nhãn ... nằm ven hai bên đường. Hay đến xã Châu Hưng du khách ghé thăm di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Tân Hưng và đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát.
     + Xe qua xã Phú Long, Bình Thới du khách ngắm nhìn mô hình nuôi tôm sú công nghiệp.
     + Đến thị trấn Bình Đại du khách lựa chọn phương tiện đến tham quan công trình thủy lợi cống đập Ba Lai lớn nhất ĐBSCL.
     + Tại thị trấn Bình Đại, du khách theo xe buýt (đưa rước học sinh) khám phá biển phù sa tại xã Thừa Đức, nơi đây vào các dịp lễ hàng ngàn du khách từ các nơi đổ về để vui chơi, tắm biển, thưởng thức các món ăn đặc sản biển như: Cá, mực, tôm, cua, nghêu, sò... và độc đáo là món bánh xèo xứ biển. Hay khám phá rừng sinh thái ngập mặn xã Thới Thuận.
Nếu du khách đến Bình Đại vào dịp vào các ngày 16/6 âm lịch hàng năm, tại các đình, đền hay miếu của các xã thuộc huyện Bình Đại đều mở lễ hội Nghinh Ông, nhưng tổ chức lớn nhất hàng năm vẫn là tại lăng Ông xã Bình Thắng.

* Lộ trình xe buýt MST 07: Thành phố Bến Tre – Tân Hào, du khách chọn các điểm đến sau:
     + Từ bến xe Bến Tre hành trình qua Đại lộ Đồng Khởi nối dài, rồi đến chợ Bến Tre, đối viện đình An Hội trên đường Nguyễn Đình Chiểu, qua đường Phan Ngọc Tòng - 3/2, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (mặt bên chùa Viên Minh), đường Cách mạng Tháng Tám (Bảo Tàng Bến Tre), đường Đoàn Hoàng Minh (vòng xoay chợ Ngã Năm), đến đường Nguyễn Văn Tư, qua cầu Bến Tre 2, sang tỉnh lộ 887 ngang qua các điểm du lịch sinh thái Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh (Tp Bến Tre).
     + Xe đến địa  phận huyện Giồng Trôm (đường tỉnh 887), đến xã Phước Long – đường ra bến phà Hưng Phong, du khách chọn phương tiện đến khám phá du lịch sinh thái Cồn Ốc (Hưng Phong).
     + Trên đường tỉnh 887, tuyến xe này vào huyện lộ 11 đến xã Tân Hào, tham quan đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống. Cũng hành trình theo tuyến xe này, đến xã Thạnh Phú Đông ghé thăm đền thờ nhà thơ Phan Văn Trị hay chọn phương tiện khác đến Di tích lịch sử cấp Quốc gia “Nhà của Nguyễn Văn Trác, nơi ở, làm việc của đồng chí Lê Duẩn” tại xã Hưng Lễ.

* Lộ trình xe buýt MST 08: Bến Tre – Vĩnh Long, du khách thỏa thích lựa chọn các điểm dừng chân:
     + Từ bến xe khách Bến Tre, xe đưa du khách hành trình trên QL 60 (Đại lộ Đồng Khởi nối dài đến Phường Phú Tân) - qua tuyến tránh QL 60, qua cầu Hàm Luông, đến ngã tư đèn đèn đỏ, đèn xanh, rẽ phải sang tỉnh lộ 882 đi tiếp 4km, du khách ghé thăm khu căn cứ có mật danh là T4, Y4 (hay còn gọi là căn cứ khu ủy Sài Gòn – Gia định) thuộc xã Tân Phú Tây thuộc huyện Mỏ Cày Bắc.
     + Đến Ngã ba Cây Trâm (xã Phước Mỹ Trung), ra QL 57 du khách đi huyện Chợ lách. Xe ngang qua xã  Hưng Khánh Trung B chiêm ngưỡng vườn cây cảnh, kiểng hình Năm Công hay tham quan khám phá trung tâm sản xuất cây giống và hoa kiểng, thưởng thức các loại trái ngon nổi tiếng tại Cái Mơn (xã Vĩnh Thành). Đến đây du khách còn được tham quan Nhà bia Trương Vĩnh Ký, Nhà thờ Cái Mơn là một trong 10 trung tâm lớn và lâu đời của đạo Thiên Chúa ở nước ta.
     + Xe tiếp tục ngang qua các xã Long Thới – Hòa Nghĩa, du khách sẽ ngắm nhìn vườn cây ăn trái (sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt…) nằm ven hai bên đường, điều thích thú nhất là các cơ sở sản xuất và trưng bày cây giống, hoa kiểng…, rất đẹp mắt.
     + Đến thị trấn Chợ Lách, du khách có thể lựa chọn phương tiện để đến các điểm du lịch sinh thái hay vườn cây ăn trái, hoặc du khách tiếp tục lên xe qua xã Sơn Định hoặc đến xã Vĩnh Bình ghé điểm du lịch Ba Ngói ở cồn Phú Đa thưởng thức đặc sản ốc gạo và bánh xèo hến rất độc đáo.
     + Tiếp tục chuyến hành trình đến xã Phú Phụng dừng chân tại điểm du lịch sinh thái Năm Vũ thưởng thức các món ăn dân dã, cũng như trái cây miệt vườn thứ thiệt. Nếu du khách muốn chu du sang tỉnh khác, tiếp tục theo xe buýt đến phà Đình Khao qua Vĩnh Long.
Đến Bến Tre - du lịch bằng các tuyến xe buýt an toàn, lịch sự, hiếu khách. Tin tưởng rằng, du khách sẽ có chuyến hành trình khám phá thú vị, đầy ý nghĩa trên đất xứ dừa quê tôi./.