Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Cây cầu tre xưa và nay

"Dí dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi,..."

Đó là câu ca dao mà những bà mẹ đã ầu ơ, dí dầu ngọt ngào và êm dịu với một làn điệu dân ca, trầm bỏng, đi vào lòng người nhằm để ru cho con ngủ một giấc ngủ say. Từ đó mà mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Tây Nam bộ không thể không in vào tâm thức của từng người câu ca dao ấy; cây cầu tre lắc léo của vùng sông nước mà khi xưa ngày ngày ta phải đi qua thì không thể không in vào lòng của mỗi con người nơi đây.

Bến Tre được chọn là một trong năm tỉnh đại diện sông nước miệt vườn của đồng bằng sông Cửu Long. Cây cầu tre thân thương đã gắn bó với người dân miền quê sông nước; năm xưa cây cầu được bắt bằng cây tre (gọi là cầu tre) đã được bắt qua mương, qua rạch, qua kênh, thậm chí người dân kết những cây tre lại làm bè để qua sông. 
: Cây cầu tre quê Dừa tại Nhà hàng Làng Bè của Công ty Du lịch Ba Cây Dừa huyện Châu Thành
Ngày nay, xã hội từng bước phát triển hiện đại hơn, chương trình xây dựng nông thôn mới ngày được chỉnh trang về cầu đường bê tông hóa, nhựa hóa hết. Chương trình xóa cầu khỉ ở nông thôn đã biến mất đi những cây cầu tre thân thương ngày nào mà những người đã trải qua thời kỳ ấy nay vẫn còn in sâu vào tiềm thức.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, là ngành công nghiệp không khói, đã góp phần cho kinh tế xã hội phát triển. Bến Tre với lợi thế là vùng sông nước và đặc trưng của Bến Tre ngày nay là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn của Xứ Dừa mà không nơi nào có được. Với lợi thế đó, Bến Tre khai thác tiềm năng vốn có của nét nguyên sơ, thiên nhiên đã ban tặng một tài nguyên nhân văn độc đáo đã và đang là cơ hội cho những nhà đầu tư kinh doanh du lịch tại Bến Tre. Để thu hút du khách và tạo sự hấp dẫn, những nơi dừng chân, tham quan của du khách tại một số điểm, khu du lịch đã tái hiện Cây Cầu Tre để phục vụ du khách nhằm giữ lại nét văn hóa mộc mạc của địa phương; gợi lại cho giới trẻ ngày nay hiểu được và gìn giữ những nét văn hóa của cha, ông đi trước.

Nhắc đến cây cầu tre làm từ cây tre, ta nhớ lại Bến Tre là quê hương của Dừa, ai ai cũng đều biết Xứ Dừa là Bến Tre, Ba đảo Dừa xanh là Bến Tre,... Cũng có nhiều người đặt câu hỏi tại sao không gọi là Bến Dừa mà gọi là Bến Tre. Theo truyền miệng từ thời xa xưa khi chưa có cây dừa trên vùng đất ba dải cù lao đầy phù sa nầy, thì nơi đây người dân trồng tre thật nhiều để lấy măng, lấy gỗ tre làm cột nhà, làm vách nhà bằng tre, làm những vật dụng khác trong cuộc sống như thúng tre đựng lúa; rỗ, nôm, lộp đều bằng tre để bắt cá; làm đũa tre, làm cầu tre, làm bè tre,... Họ đem đến một nơi thuận tiện đường thủy để bán, trao đổi hàng hóa lẫn nhau, từ đó gọi đó là bến tre, tức là bến tập kết tre (bến chợ Bến Tre ngày nay). 
Nét duyên dáng của cây cầu tre
Những năm chiến tranh khóc liệt, tre cũng góp phần trong chiến đấu, các chiến sĩ đã dùng tre vót chông nhọn để ngăn chặn kẻ thù, lấy ống tre làm vũ khí thô sơ chống giặc. Năm 1960, cuộc đồng khởi của nhân dân Bến Tre nổi dậy cũng dùng ống tre  làm mỏ tre để gõ, vừa tập hợp nhân dân, vừa thúc dục khí thế hào hùng, vừa áp đảo tinh thần giặc,…. Hiện nay Bến Tre vẫn còn một số vùng vẫn còn duy trì trồng tre tại một số xã của huyện Ba Tri, huyện Thạnh Phú,… và vẫn còn địa danh Giồng Tre tại xã An Ngãi Trung của huyện Ba Tri. Tre ngày nay cũng vẫn sử dụng để làm những hàng tiêu dùng hằng ngày của nông dân, làm những hàng trang mỹ nghệ từ tre đã hiện hữu tại một số làng nghề đan đát  trong tỉnh và những làng nghề ấy cũng là sản phẩm du lịch để du khách tham quan.

Cây Cầu Tre ngày nay đã làm cho không biết bao nhiêu du khách từ các nước bạn bè trên các Châu lục biết đến và tìm hiểu, thưởng ngoạn. Cầu tre ngày nay cũng là loại hình vui chơi như là trò chơi dân gian đã thu hút du khách du lịch đến Bến tre tăng dần, năm sau cao hơn năm trước; bình quân mỗi năm lượt khách đều tăng từ 13 - 14% so với cùng kỳ. Đó! Cây Cầu Tre cũng đã góp phần không nhỏ trong phát triển sản phẩm du lịch của Quê hương Xứ Dừa.

Quí khách muốn bắt gặp cây cầu tre hãy đến quê hương Bến Tre, đến khu du lịch Cồn Phụng là một trong tứ linh “Long Lân Qui Phụng”, đây là khu du lịch quốc gia và Cồn Phụng cũng là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long. Quí khách có thể bắt gặp cây cầu tre ở những điểm dừng chân khác tại Bến Tre như Nhà hàng Làng Bè của du lịch Ba Cây Dừa, hoặc đến vương quốc cây giống hoa kiểng Chợ Lách, quí khách cũng bắt gặp cây cầy tre.

Cây cầu tre ngày nay không thể thiếu đối với người dân Bến Tre dù nó đã bị xóa đi bởi chương trình xóa cầu khỉ nông thôn; cây cầu tre không thể mất đi vì là nét văn hóa truyền thống của người dân Bến Tre qua những năm xa xưa ấy; cây cầu tre không thể mất đi vì nó để lại cho du khách trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống của người dân miền sông nước Xứ Dừa; cây cầu tre đã để lại kỷ niệm đẹp đối với du khách trải nghiệm khi đến Bến Tre. 
Du khách ngoại quốc trải nghiệm đi cầu tre tại khu du lịch Cồn Phụng - Bến Tre
Bởi! du khách sẽ cảm giác được sự hấp dẫn, sự sung sướng khi đi qua được từ bờ nầy sang bờ kia trên mặt nước, sự hồi hộp khi qua cầu sợ té. Có những khi du khách không quen với cây cầu tre đã trượt chân té xuống nước, tưởng đâu là sự sợ hãi, nhưng khi thấy họ không muốn trèo lên ngay vì phải chờ những người đi trong đoàn chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm; ôi! Thật thú vị đối với du khách phương xa và cũng là một ký ức đáng nhớ, không thể nào quên của du khách khi rời khỏi mảnh đất ba dải cù lao thân thương nầy./.

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Các sự kiện Năm Du lịch Quốc gia năm 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long tỉnh Bến Tre hưởng ứng

Bến Tre: Kiểm tra việc thực hiện Luật Du lịch trong hoạt động kinh doanh du lịch

Vừa qua, Ban Văn hóa Xã hội - Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre (Ban VHXH) phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Du lịch trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh từ ngày 20/1 đến 22/1/2016. Ban VHXH có Ông Lê Văn Em - Trưởng Ban làm Trưởng đoàn cùng với ông Bùi Văn Chương - Phó Ban và các thành viên; Sở VHTTDL có ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở, ông Đỗ Minh Triết - Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch và ông Lê Văn Luông - GĐ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tham gia cùng đoàn.

Cuộc khảo sát nhằm giám sát việc thực hiện Luật Du lịch ở ba lĩnh vực đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch gồm: lĩnh vực lưu trú đối với Công ty TNHH Khách sạn Việt Úc; lĩnh vực lữ hành đối với Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre và lĩnh vực kinh doanh điểm, khu du lịch đối với CTy TNHH Du lịch - Dịch vụ - Thương mại Cồn Phụng để nắm bắt tình hình hoạt động và nắm bắt tâm tư nguyện vọng chung của doanh nghiệp trong thời gian qua từ khi có Luật Du lịch ra đời đến nay; từ đó sẽ kịp thời tìm ra giải pháp về phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn tập trung đưa kinh tế du lịch trở thành kinh tế quan trọng đến năm 2020 và những năm nối tiếp.
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn Ban VHXH - HĐND tỉnh tại Công ty TNHH Khách sạn Việt - Úc
Các doanh nghiệp đã báo cáo tình hình tổ chức hoạt động của đơn vị ba năm 2013, 2014, 2015. Kết quả thực hiện có nhiều thuận lợi khi áp dụng Luật trong kinh doanh du lịch, đồng thời cũng nêu lên một số khó khăn cần có sự can thiệp của các cấp, các ngành. Đoàn giám sát cũng lắng nghe một số ý kiến đề xuất của doanh nghiệp để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp từng thời điểm phát triển cũng như theo tình hình thực tế từng địa phương. 

Tất cả các doanh nghiệp đều nhận thấy chung rằng từ khi có Luật Du lịch đã tạo một hành lang pháp lý vững chắc; hình thành nên sự chuẩn mực cho từng loại hình dịch vụ; có qui định chi tiết về điều kiện kinh doanh, thể hiện rõ nét về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi vận hành ngày càng chuyên nghiệp và nề nếp hơn; tạo được động lực cho các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư mới và đầu tư thêm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; đồng thời cũng đảm bảo được quyền lợi của khách đi du lịch, giúp du khách đến Việt Nam ngày càng nhiều, trong đó có Bến Tre nói riêng.

Doanh nghiệp cũng đưa ra những khó khăn chung hiện nay, nhất là đầu tư hạ tầng du lịch chưa tập trung ưu tiên theo định hướng phát triển để kinh tế du lịch trở thành kinh tế quan trọng góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà; thiếu sự hỗ trợ về vốn để giúp doanh nghiệp hoạt động phát triển; đặc biệc là chưa tạo điều kiện khai thác hết tiềm năng du lịch hiện có của địa phương. Giá cả ngày càng cạnh tranh gây gắt làm cho chất lượng phục vụ giảm dần. Bến tàu du lịch chung để hoạt động thành khu vực tập trung chưa được đầu tư, dẫn đến các lữ hành đường dài không kết nối được lữ hành tại địa phương, còn hoạt động theo kiểu tự phát, độc lập, thiếu chuyên nghiệp, không mang tính bền vững. Qui định thu phí và lệ phí cho vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy tại các bến du lịch của doanh nghiệp (Đơn vị Cảng vụ) còn bất cập. Thu thuế dịch vụ hỗ trợ trong các khách sạn vẫn như dịch vụ kinh doanh riêng lẽ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Thanh tra, kiểm tra đối với các lữ hành, các hướng dẫn viên còn nhiều bất cập trong việc kiểm tra danh sách đoàn khách lẽ, khách cơ quan hoặc hợp đồng lao động…

Đoàn giám sát đã giải trình và ghi nhận những khó khăn, những kiến nghị của các doanh nghiệp để có hướng phối hợp các ngành liên quan khắc phục những hạn chế, tháo gở những vướng mắc; đồng thời sẽ góp ý, kiến nghị Trung ương bổ sung phù hợp trong những kỳ chỉnh sửa Luật Du lịch sắp tới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch hoạt động ngày càng tốt hơn./.

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Du lịch Bến Tre phấn đấu thành ngành kinh tế quan trọng

Ba dãy cù lao xanh giữa bốn bề sông nước của dòng Tiền giang, Ba Lai, Hàm Luông và sông Cổ Chiên hiền hòa, ngày đêm bồi đắp nên Xứ Dừa xinh đẹp với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đã và đang thu hút du khách gần xa.

Nhìn trên bản đồ Việt Nam, Bến Tre có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm rất gần và giữa 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (cách 80km) và Cần Thơ (120km); trên trục đường du lịch qua các tỉnh duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Nơi có điều kiện rất lớn từ nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng là cảnh quan sông nước, vườn cây, du lịch sinh thái miệt vườn, những giá trị văn hóa nhân văn và từ các làng nghề truyền thống của người nông dân phóng khoáng, hiền lành, hiếu khách. 

Tài nguyên du lịch Xứ Dừa là những vùng quê bình yên thích hợp cho du lịch sinh thái miệt vườn mà người dân Bến Tre, thời gian qua, tập trung khai thác du lịch sông nước ở khu vực 8 xã ven Sông Tiền, huyện Châu Thành; khu vực 3 xã phía nam của thành phố Bến Tre; khu vực hoa kiểng và cây trái Cái Mơn - Chợ Lách. Ngoài ra, chương trình du lịch đường bộ cũng rất hấp dẫn, du khách có thể du ngoạn, thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên, xóm làng, vườn dừa, rẫy hoa màu trên những cung đường du lịch đến các điểm di tích nổi tiếng khu đền thờ và mộ Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, di tích Đồng khởi hay di tích đường Hồ Chí Minh trên biển của tỉnh Bến Tre.

Qua cảm nhận của nhiều du khách đến tham quan, thì hiện nay, cụm cù lao Long, Lân, Qui, Phụng và các xã ven sông Tiền có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách đó là khu du lịch Cồn Phụng, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm và gia dụng từ cây dừa, các nhà hàng vườn cây, sông nước; các hoạt động của nông dân cùng du khách tát mương, chèo xuồng; đạp xe trên đường làng, thưởng thức đờn ca tài tử trong vườn cây trái hay trên du thuyền ngắm cảnh sông nước miệt vườn…đã làm mê hồn du khách đến du lịch, tham quan, trải nghiệm. Du lịch trên xe ngựa qua các làng quê, du khách còn ghé nhiều hộ dân làm kẹo dừa truyền thống và thưởng thức trái cây đặc sản theo mùa như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng… Ngoài ra, du khách cũng còn nhiều lựa chọn ở các tours sông nước 3 xã phía nam thành phố Bến Tre để được biết thêm về vườn dừa dứa, các cơ sở chế biến dừa, làng dệt chiếu Nhơn Thạnh hay lò gạch Phú Hưng. Một chương trình tham quan rất được ưa chuộng, một sản phẩm du lịch mới khác lạ mà chỉ có ở Bến Tre, đó là du thuyền tham quan chợ nổi mua bán các sản phẩm từ dừa ở 2 bên bờ sông Thơm (Mỏ Cày Nam); trãi nghiệm tại các hộ tư nhân sản xuất chỉ xơ dừa và tiếp tục di chuyển bằng xe theo quốc lộ 57 tham quan vương quốc cây trái, hoa kiểng nổi tiếng của Bến Tre nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung.
Du khách nước ngoài thưởng ngoạn bằng xe đạp trên đường làng
Song song với phát triển du lịch sông nước miệt vườn, Bến Tre – Xứ Dừa - còn phát triển mạnh du lịch về nguồn, du lịch tìm hiểu, học tập về di tích lịch sử văn hóa, di tích danh nhân với khoảng 16 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh…, nghệ thuật hát sắc bùa, đờn ca tài tử Nam bộ cùng nhiều làng nghề truyền thống như: Bánh tráng Mỹ Lồng - Bánh phồng Sơn Đốc, nghề làm hủ tiếu Mỹ Thạnh, kẹo dừa, đan đát Phú Lễ, Phước Tuy, làm nón, bó chổi, chỉ xơ dừa…có thể nói, đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú và quý báu chứa đựng nhiều giá trị nhân văn của tỉnh nhà để quảng bá đến du khách. Thời gian qua, Bến Tre có gần 20 đơn vị lữ hành quốc tế và nội địa đã khám phá và khai thác các loại hình này, và ngày càng thu hút du khách đến tham quan. Năm 2015, tổng khách du lịch đạt 1.000.000 lượt, tăng 10,62%. Trong đó: khách quốc tế đạt 440.000 lượt, tăng 11,76%; khách nội địa 560.000 lượt, tăng 9,74%. Thu từ khách du lịch 2015 đạt 700 tỉ đồng, tăng 24,56%. Nhìn chung, Du lịch có những bước phát triển, từng bước hình thành được chuổi giá trị của ngành, tăng dần lượng khách trong nước và quốc tế. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước hoàn thiện và đồng bộ, thu hút đầu tư và thúc đẩy cộng đồng dân cư tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.

Để du lịch Bến Tre tiếp tục phát triển và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, ngoài việc triển khai Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” của Bộ VHTT&DL; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Đề án phát triển Thương mại - Dịch vụ và du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025 về lĩnh vực du lịch; thực hiện Đề án phát triển du lịch xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải huyện Thạnh Phú. Tiếp tục thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bạc Liêu…; vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch triển khai các hoạt động liên kết đã ký với các tỉnh, thành trong khu vực; tiếp tục thực hiện Chương trình kích cầu du lịch và Chương trình xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chỉ tiêu năm 2016, doanh thu du lịch 860 tỉ đồng. Lượng du khách tăng 15% đạt 1.150.000 lượt khách (quốc tế: 500.000 lượt; nội địa: 650.000 lượt).

Muốn thực hiện đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cho ngành du lịch Bến Tre thời gian tới cần dựa trên thế mạnh hiện có để tạo thêm sản phẩm đặc thù, ấn tượng cho du khách như tham quan, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn với những giá trị của cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa, lưu trú tại nhà dân (Homestay), tìm hiểu văn hóa sông nước, tìm hiểu chuyên đề nông nghiệp dừa, cây trái và hoa kiểng. Khai thác có hiệu quả du lịch gắn tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh nhân, lễ hội dân gian, nghệ thuật đờn ca tài tử. Củng cố và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống được công nhận, nổi tiếng, đặc sản xứ dừa, thuận tiện giao thông và gần khu, điểm du lịch để phục vụ du lịch.
Đờn ca tài tử Nam bộ (Di sản phi vật thể thế giới)
Tác động, hổ trợ nhà đầu tư hoàn thành các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, sớm đưa vào hoạt động. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án du lịch có qui mô khá và hiện đại. Tổ chức hội thảo về chuổi giá trị Ngành du lịch, để thúc đẩy dịch vụ du lịch từng bước vươn lên trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ, nguồn lao động; mở rộng khu, điểm du lịch nhằm nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ngoài ra, cần củng cố mối liên kết cụm du lịch phía đông đồng bằng sông Cửu Long “5 địa phương 1 điểm đến” (Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và long An); xây dựng chiến lược liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch với các thị trường trọng điểm qua những hoạt động, sự kiện về du lịch cấp vùng và quốc gia, qua đó tranh thủ giới thiệu hình ảnh du lịch Bến Tre với bạn bè trong và ngoài nước, nhằm đưa du lịch xứ dừa phát triển một cách bền vững./.

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Chương trình Đờn ca tài tử hàng đêm được tổ chức tại Nhà Dừa - Bảo tàng tỉnh Bến Tre trong khuôn khổ Hội chợ Công nghiệp - Thương mại và Khuyến mại năm 2016 tỉnh Bến Tre

Chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần X, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XII; Kỷ niệm 56 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi (17/01/1960 - 17/06/2016) và tiến tới kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2016), tỉnh Bến Tre tổ chức Hội chợ Công nghiệp - Thương mại và Khuyến mại năm 2016 từ ngày 15/01/2016 đến ngày 21/01/2016 tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh và Bảo tàng tỉnh Bến Tre.

Hội chợ nầy được tổ chức với quy mô lớn, nhiều doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong nước tham gia. Đồng thời là dịp giới thiệu các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà vườn trong tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng. Triển lãm các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của tỉnh, các tỉnh trong khu vực, các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp, thủy sản, điện, điện tử, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc, giày dép, các loại hình dịch vụ … Điểm nhấn của hội chợ là chương trình khuyến mại hấp dẫn với nhiều ưu đãi phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. 

Có khu vui chơi giải trí, khu ẩm thực, chương trình bốc thăm trúng thưởng và chương trình văn nghệ hàng đêm. Đặc biệt là chương trình đờn ca tài tử hàng đêm trong khuôn khổ Hội chợ Công nghiệp - Thương mại và Khuyến mại, từ ngày 15/01 đến ngày 21/01/2016.

Hân hoan chào đón du khách đến với du lịch Xứ Dừa thưởng thức chương trình đờn cả tài tử là di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Brochure giới thiệu Hội chợ Công nghiệp - Thương mại
và Khuyến mại năm 2016 tỉnh Bến Tre

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Thành tựu đạt được trong liên kết xúc tiến du lịch của cụm duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Ngày 08/01/2016, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh và Long An tổ chức cuộc họp trao đổi, rút kinh nghiệm và đánh giá công tác liên kết xúc tiến du lịch của cụm năm 2015 tại Nhà Xưa - Thành phố Vĩnh Long.

Cụm trưởng Vĩnh Long đã tổng kết công tác phối hợp thực hiện nhiều sự kiện tham gia xúc tiến chung như: Ngày hội du lịch lần thứ XV - 2015 tại TP.HCM; Du lịch Quốc tế tại Hà Nội - VITM lần III - 2015; Du lịch quốc tế TP.HCM - ITE lần XI -2015; Lễ hội Dừa Bến tre lần thứ IV 2015; Tuần lễ du lịch xanh tại Cần Thơ do BCĐ Tây Nam bộ tổ chức; Tuần Văn hóa Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội. Tổng cộng sáu sự kiện lớn mà cụm đã phối hợp xúc tiến với thương hiệu "Năm địa phương, Một điểm đến". Bình quân cứ hai tháng một sự kiện, đó là sự nổ lực rất lớn của các TT.TTXTDL trong cụm nhằm xuất hiện, tiếp cận những đối tác của nhiều thị trường trong và ngoài nước để quảng bá du lịch sông nước miền Tây Nam bộ.
Các tỉnh trong Cụm liên kết duyên hải phía Đông ĐBSCL họp trao đổi, rút kinh nghiệm và đánh giá công tác liên kết xúc tiến du lịch của cụm năm 2015
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, tuy điều kiện về con người, về kinh phí,... có khác biệt nhau nhưng sự phối hợp nhịp nhàng, trong năm qua cũng đã tổ chức khảo sát tuyến điểm của năm địa phương để xuất bản được bản đồ liên kết chung năm tỉnh. Cuộc họp cũng đã định hướng cho những hoạt động trong Năm du lịch quốc gia Phú Quốc - Kiên Giang 2016. Đồng thời cũng sẽ tiếp tục phối hợp xuất bản một số ấn phẩm chung của cụm như sách hướng dẩn du lịch, đĩa DVD cho năm tỉnh và tổ chức đoàn famtrip cho các lữ hành Hà Nội, tp.HCM, Cần Thơ và của các tỉnh trong cụm khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch trên năm địa phương thành một tour du lịch phong phú và liên hoàn trong năm 2016./.