Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Chu du trải nghiệm Cồn Phú Đa

Hình như “bộ thất” chúng tôi ai cũng thích phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá, đặc biệt là thích khám phá những vùng sông nước và cây trái. Đã ba năm miệt mài với sách vở, không có thời gian khám phá những gì yêu thích. Chỉ một năm nữa, chúng tôi sẽ ra trường, rồi mỗi đứa mỗi nơi, biết bao giờ mới có cuộc hội ngộ đầy đủ “bộ thất” thế này để thỏa chí nghịch ngợm khám phá. Điểm chúng tôi chọn khám phá là sông nước miền Tây, thế là cả bọn chọn Bến Tre. May quá, những bạn cùng lớp học có vài bạn quê ở Chợ Lách, Bến Tre. Các bạn ấy rất nhiệt tình mời chúng tôi về khám phá ở quê bạn.

Chưa có kinh nghiệm tính toán cho chuyến đi, nên cả bọn chẳng ai chú ý từ thành phố Hồ Chí Minh mình đi đến Chợ Lách là bao nhiêu km. Chỉ biết 6 giờ sáng “bộ thất” khởi hành đi bằng những con ngựa sắt đến Chợ Lách vào khoảng 9 giờ 30. Trên đường đi, qua nhiều cây cầu, nếu tính từ bờ Tiền Giang sang Bến Tre, ấn tượng nhất là cầu Rạch Miễu và cầu Hàm Luông, đẹp quá. Điều lý thú nữa là khi đến đất Bến Tre, quan sát thấy đâu đâu cũng trồng dừa, đoạn đến đỉnh cầu Hàm Luông nhìn xuống, trời ơi bạt ngạt dừa ơi là dừa!

Đến thị trấn Chợ Lách, bạn tôi đưa cả bọn đến xã Vĩnh Bình. Từ đây, chúng tôi mới thực sự thỏa chí khám phá vùng sông nước mênh mông và đa chủng loại cây trái. Đầu tiên quan sát, tìm hiểu được biết cồn Phú Đa nằm giữa dòng sông Cổ Chiên thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, có diện tích đất canh tác 495 ha, với 630 hộ dân sinh sống. Toàn bộ cồn Phú Đa được địa phương phân chia thành 02 ấp (Phú Đa, Phú Bình). Hệ thống giao thông bộ trên cồn khá thuận lợi. Hệ thống giao thông thủy thì chằn chịt những con rạch, nên cũng rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa.

Nếu tính từ đất liền qua phà nhỏ sang cồn Phú Đa chỉ mất 5 phút, đến cồn chúng tôi được các bạn cho đi xuồng máy quanh cồn để ngắm nhìn quan cảnh sông nước mênh mông, hít thở không khí sông nước thoải mái. Chúng tôi thấy bao quanh cồn Phú Đa là những hàng bần hay những cụm lục bình xanh ngắt chen chút, núm níu sát nhau nép mình nằm sát bờ đất cồn. Vì là vùng sông nước, nên liên tiếp có những làn gió thổi vào làm những hàng bần lúc nào cũng đong đưa trong gió và những thảm lục bình cứ nhấp nhô theo những gợn sóng vỗ vào bờ, nhìn những hình ảnh ấy nó đáng yêu, khoái chí vô cùng.

Người dân nơi đây bảo, vì nằm giữa dòng Cổ Chiên, nên vào mùa nước nổi từ đất liền nhìn ra cồn Phú Đa như một ốc đảo khổng lồ bồng bềnh trên sông. Được thiên nhiên ưu đãi nước vùng này ngọt quanh năm, lại có nhiều phù sa bồi đắp, nên vườn cây ăn trái nơi đây lúc nào cũng tươi tốt, oằn sai trĩu quả cả bốn mùa. Người dân xứ cồn đa số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nhờ chăm chỉ canh tác mà xứ này hình thành nhiều vườn chuyên canh cây ăn trái như: Sầu riêng, chôm chôm, nhãn, xoài tứ quý… và nhiều loại cây ăn trái khác.

Phải công nhận rằng, tổng thể quan cảnh cồn Phú Đa rất đẹp. Chúng tôi cuốc bộ gần hết các con đường trên cồn, tính đi tính lại cả gần 3km, song chẳng thấy mệt là bao. Bởi lẽ do khí hậu nơi đây mát mẻ, còn giữ được nguyên sơ của miệt vườn và môi trường sinh thái trong lành, với màu xanh của những vườn cây ăn trái. Tiếp xúc với người dân nơi đây, được biết cồn Phú Đa có chiều dài hơn 3km, ngang 500m đất bãi bồi ven sông, nên rất thuận lợi cho các loài thủy sản nước ngọt hội tụ về đây sinh sống, trong đó phải kể đến sản vật thiên nhiên khá quý hiếm đó là con “ốc gạo”.

Cả nhóm tìm hiểu, vì sao gọi là cồn “Phú Đa”, theo lời kể qua nhiều thế hệ: Người dân xứ cồn trước đây nghèo lắm, nên người dân mới đặt tên cồn là “Phú Đa”, với mong muốn đa số người dân sẽ có cuộc sống ngày càng khá lên. Người dân nơi đây còn cho biết, ngày xưa vùng này ốc nhiều vô kể, trong cuộc sống khó khăn lúc nghèo, đói người dân thường cào ồc về làm các món ăn thay cơm, nhưng ăn riết rồi cũng ngán, nên đã đem ốc đó đến các gia đình khá giả trong vùng để đổi lấy gạo ăn. Thế là từ đó người dân quen gọi là ốc gạo Phú Đa, với mong muốn cho đa số người dân nơi đây sớm thoát khỏi cảnh cơ cực.

Bạn tôi đưa chúng tôi thăm vườn chuyên canh sầu riêng khoảng 2 ha, mà mùa này theo chúng tôi được biết không phải là mùa sầu riêng, nhưng phân nữa vườn thì là những cây sầu riêng oằn sai trái, phân nữa vườn thì mới ra hoa, cả bọn đều ngạc nhiên, hỏi ra mới biết người dân ở đây áp dụng khoa học kỹ thuật để làm cho sầu riêng ra trái ngịch mùa. Hay đến tham quan vườn chôm chôm, vườn xoài tứ quý, vườn bưởi da xanh, vườn nhãn…, thì cũng đều như thế. Ghé thăm vườn chuyên trồng nhãn, thấy trong vườn để nhiều thùng nuôi ong để lấy mật bán. Chứng kiến quy trình chủ vườn lấy mật ong, thích quá, mật ong ở đây vàng trong óng ánh và sủi bọt, chủ vườn lấy một ít pha với trà nóng, vắt vào đấy miếng tắc tươi và mời chúng tôi thưởng thức. Phải công nhận mật ong pha trà uống thiệt đã. Sau khi lấy mật, chúng tôi thấy chủ vườn thu gom các vỉ sáp ong lại,  rồi làm thành những bánh to như bánh xe hơi, hỏi ra mới biết để dùng trong xây dựng. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở đây còn sản xuất nhiều loại cây giống, trồng nhiều loại cây kiểng quý để bán.

Chu du trên cồn Phú Đa, chúng tôi thấy nơi đây còn hiện hữu: Đình Thần, Miếu bà Chúa Xứ, Nhà Thờ Phú Đa. Chưa có nhiều thời gian để tìm hiểu nhiều ở cồn Phú Đa, nhưng cả bọn đều có chung nhận xét trong tương lai cồn Phú Đa sẽ là điểm đến du lịch sinh thái – sông nước – miệt vườn rất hấp dẫn. Bởi quan cảnh nơi đây còn hoang sơ, không khí trong lành mát mẻ, người dân đôn hậu, niềm nở, ân cần mến khách. Đặc biệt, là các vườn cây ăn trái được canh tác theo thời vụ và nghịch mùa, cùng với hệ thống kênh rạch chằn chịt, cảnh sông nước hữu tình, chắc chắn sẽ thu hút du khách và sẽ thích thú khi đến khám phá nơi đây.

Chúng tôi hỏi bạn ở đây có phát triển du lịch chưa? Điểm ăn uống thế nào? Bạn tôi bảo hình như “chưa thấy”, điểm ăn có chỗ Ba Ngói và bạn kể ra hàng loạt món ăn dân dã, truyền thống của địa phương như: Bánh xèo nhân hến với củ hủ dừa; gỏi cuốn hến; gà ta thả vườn nấu cháo ăn với gỏi bắp chuối, cây chuối; gà nòi hầm xả; cá tai tượng chiên xù; canh chua cá ngát – cá bông lau nấu với bần, với ngó lục bình, bông so đũa, rau nhút, rau muống, rau cải trời…; tép rang dừa, cá rô, cá kèo, cá bống dừa, cá lòng tong kho tộ…. Đặc biệt, bạn tôi bảo đến cồn Phú Đa vào dịp mùng 5/5 âl, thì sẽ mặc sức thưởng thức đặc sản ốc gạo hay bánh xèo nhân ốc gạo hết sẩy luôn.

Như vậy, là hết một ngày chu du, thưởng ngoạn, hít thở không khí trong lành, nghịch ngợm với sông nước, thưởng thức các loại trái cây thứ thiệt tại vườn…. Từ giã cồn Phú Đa, “bộ thất” chúng tôi về lại thị trấn Chợ Lách nghỉ qua đêm. Hình như cả bọn còn luyến tiếc cái không khí yên ả, mát mẽ, trong lành, với những vườn ăn cây trái xum xuê trĩu quả và sự đôn hậu, chất phác, mến khách của người xứ cồn, cùng với những món ăn dân dã “rất tuyệt”. Hy vọng sẽ được đến nơi đây lần nữa, sẽ khá.m phá nhiều điều hay nữa và đặc biệt là được thưởng thức cho đã các loại trái cây, các món ăn dân dã, mà bạn tôi đã giới thiệu./.

Bài của Thuỳ Vinh
Mail: thuyvinhnguyen2011@yahoo.com

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Mời bạn về Bến Tre khám phá "Festival Dừa lần III/2012"

Lịch sử phát triển cây dừa Bến Tre, chưa có tư liệu nào ghi rõ nó từ đâu đến cư ngụ trên vùng đất này và đến tự bao giờ. Chỉ biết người dân Bến Tre đã gắn bó với sự sinh trưởng và phát triển của cây dừa từ rất xa xưa.

Nhà thơ Lê Anh Xuân đã có bài thơ “Dừa ơi” được viết vào tháng 01/1966:

Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước
Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”
Nội nói: “Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân…”.
Hay
“Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi xanh mãi đến giờ
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua.
...
“Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương”…

Và hình ảnh dừa Bến Tre cũng đã đi vào âm nhạc, rõ nhất qua bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, bài hát đã đi vào lòng người cả nước. Và còn nhiều bài thơ, bài hát khác hay ca dao, hội họa, tác phẩm văn học, nghệ thuật…, cũng đã ngợi ca rất nhiều, rất hay, rất đẹp về cây dừa ở Bến Tre.

Trải qua biết bao thăng trầm, nhưng cây dừa vẫn luôn chung thủy, sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng đất Bến Tre. Nhiều giống dừa đã cư ngụ, thích nghi và phát triển từ vùng ngọt đến vùng đất cát ven biển hay ngay cả ở vùng đất có độ phì nhiêu kém, nhiễm phèn…. Dừa ở Bến Tre nhiều vô số kể và được nhiều người biết đến như là: “miệt dừa”, “xứ dừa”, “rừng dừa”. Trong kháng chiến nhân dân Bến Tre có câu  “Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”. Trong xây dựng quê hương, cây dừa đã trở thành loại cây đặc biệt của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, có thể nói là cây xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân Bến Tre. 

Theo tư liệu “Bến Tre xứ sở dừa Việt Nam”, Bến Tre hiện có diện tích vườn dừa lớn nhất nước, trên 51.000 ha, với sản lượng 400 triệu trái/năm. Diện tích dừa Bến Tre ngày càng được mở rộng, cây dừa trở thành một loại cây công nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghệp chế biến và phục vụ xuất khẩu. Công nghệ chế biến các sản phẩm từ dừa ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm từ dừa đã bước ra thế giới. Đặc biệt, các sản phẩm từ dừa có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng ở xứ sở này và đã trở thành biểu tượng của Bến Tre. 

Cũng chính vì là xứ sở dừa Việt Nam, năm 2009 Bến Tre đã sáng tạo ra lễ hội mang đặc trưng của vùng đất xứ dừa, đó là “Lễ hội Dừa lần I”. Tiếp nối, năm 2010 Bến Tre tổ chức “Lễ hội Dừa lần II”. Đây là lễ hội lớn dành riêng cho cây dừa, nhằm mục đích tôn vinh những giá trị sáng tạo, những tài năng, tâm quyết của nghệ nhân và người thợ thủ công. Là cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế của Bến Tre, tiềm năng du lịch sinh thái, di tích và văn hóa lịch sử, đặc biệt là tiềm năng kinh tế qua các sản phẩm từ dừa. “Lễ hội Dừa” còn tôn vinh những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự phát triển cây dừa và ngành công nghiệp dừa, hội thảo về giá trị cây dừa. Và cũng là dịp để khách tham quan thưởng thức những món ngon, vật lạ ở Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Qua 02 lần tổ chức “Lễ hội Dừa”, Bến Tre đã gặt hái được nhiều thành công và để lại ấn tượng cho du khách với các hoạt động truyền thống đặc sắc, đặc trưng của xứ dừa. Quan trọng hơn là để tiếp tục khẳng định cây dừa Bến Tre cần phải có vị trí trong danh mục cây công nghiệp quốc gia, Bến Tre mở rộng qui mô và nâng tầm “Lễ hội Dừa” lên thành “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” với chủ đề “Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển”.

Festival Dừa Bến Tre lần III” sẽ diễn ra từ ngày 04/4/2012 – 09/4/2012 tại thành phố Bến Tre, có sự phối hợp tham gia của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có sản xuất các sản phẩm từ dừa và sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh dừa trong cộng đồng dừa Châu Á – Thái Bình Dương (APCC). Và qui tụ hơn 200 doanh nghiệp, với trên 500 gian hàng giới thiệu trưng bày, giới thiệu thành tựu, các sản phẩm dừa (trong đó có khu vực dành cho các nghệ nhân thao diễn kỹ thuật tay nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa, khu vực trưng bày các sản phẩm đạt giải tại hội thi kiểu dáng, mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa…) và hội chợ thương mại hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong khuôn khổ “Festival Dừa Bến Tre lần III” các hoạt động khác cùng diễn ra như: 

- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị cây dừa;
- Hội thi sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa;
- Tuần lễ văn hoá - nghệ thuật và các hoạt động vui chơi giải trí với các hoạt động như: Trình diễn các tác phẩm thơ, ca sáng tác về Bến Tre, gặp gỡ giao lưu giới văn nghệ sĩ tiêu biểu, tọa đàm về những nhân vật lịch sử của Bến Tre;
- Liên hoan ẩm thực Nam Bộ sẽ giới thiệu nét đặc sắc nghệ thuật ẩm thực và các món ăn, thức uống truyền thống đặc sản Nam Bộ, đặc biệt là ẩm thực từ dừa.

Đặc biệt, “Festival Dừa Bến Tre lần III” có tổ chức “Tour du lịch vườn dừa miễn phí” phục vụ khách tham quan các khu vườn dừa tiêu biểu, các điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm dừa ở huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam (và ngược lại) bằng phương tiện xe ôtô buýt miễn phí.

Nằm trong chuỗi hoạt động còn có “Lễ hội đường phố” với chủ đề “Ngày hội xứ dừa” với các hoạt động như: Biểu diễn của các đoàn Nghệ thuật dân gian; múa lân sư rồng; đội kèn, trống; biểu diễn thời trang dừa; tổ chức đoàn xe hoa, xe biểu tượng được trang trí bằng vật liệu dừa.

Sẽ đặc sắc và gây ấn tượng là “Con đường dừa” được trang trí với không gian đặc sắc và những chất liệu bằng dừa, mang đậm chất dân gian. Các giống dừa, các sản phẩm từ dừa được bố trí bằng các cụm tiểu cảnh hài hòa, có tính nghệ thuật và ấn tượng.

Hay vòng chung kết hội thi “Người đẹp xứ dừa lần thứ X” cũng được diễn trong những ngày tổ chứcFestival Dừa Bến Tre lần III”, đây là sân chơi bổ ích, lành mạnh cho mọi người và để định hướng giáo dục chân – thiện – mỹ trong trong thời đại ngày nay, nhất là đối với nữ thanh niên. Qua đó, tôn vinh nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ quê hương xứ dừa nói riêng.

Chương trình lễ khai mạc, bế mạc với kịch bản nghệ thuật “sân khấu hóa” hoành tráng sẽ được trực tiếp trên sóng phát thanh truyền hình: VTV, HTV, THBT và các tỉnh bạn lân cận.

Mời bạn hãy đến xứ dừa Bến Tre, để cùng khám phá, trải nghiệm “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” này nhé!

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Hến ơi, ta hỏi hến này!

Xin nói ngay một điều rằng, người viết bài này không có ý gợi chuyện “nghêu, sò, ốc, hến” trong chèo hay tuồng cải lương, mà chỉ nói về con hến – một con cùng họ với nghêu, sò, ốc đâu đâu cũng có, đang sống trên sông rạch, trong đó có huyện Chợ Lách (Bến Tre). Nhưng không phải vì vậy mà con hến nơi nào cũng giống nhau.

Hến sông, hến rạch, hến cồn…
Đó là chỗ trú ngụ và lớn lên của con hến ở Chợ Lách. Ai chưa rõ điều này, thiết nghĩ cũng chưa hiểu tận tường về “tính tình” của con hến của vùng sông nước này.

Từ xưa đã có người để ý và nói: Ở Chợ Lách, hễ năm nào mà hến có nhiều, mập, trắng thì thời tiết năm đó không thuận cho mùa trái cây. Khó khăn về cây trái, nhưng bù lại có hến, nên người nghèo đỡ khổ, bớt chạy lo cho bữa ăn hàng ngày. Trời hại, rồi lại trời cho.
Hến vốn sinh ra từ rạch, lớn lên một tí là ra sông, khi “đủ lông, đủ cánh” là “leo lên cồn”. Lúc hến sống được bên cồn là rất mập, trắng lại tròn, nên rất ngon.
Món bánh xèo hến - một trong những đặc sản của Chợ Lách
Màu sắc của hến cũng vì vậy có khác nhau. Lúc ở rạch vỏ màu sáng, xuống sông có sậm hơn, đến khi lên cồn lại chuyển màu xanh óng ánh như màu thép. Khi vỏ hến chuyển sang hơi vàng đôi chút là thu hoạch. Lúc này vỏ mỏng mà ruột mập và trắng. Nói chung, “thì con gái” của hến là lúc “lên cồn”. Ăn hến ngon nhất là giai đoạn này, vì chẳng những giòn mà còn ngọt và thơm đến lạ lùng. Dân sành điệu thì đến cồn để bắt hến, cùng lắm là ở sông, chứ ít ai xuống rạch để mò hến. Vì hến lúc này còn nhỏ và không ngon.

Qua kinh nghiệm, nhưng chưa thấy ai lý giải có sức thuyết phục là vì sao con hến ở Chợ Lách ngon hơn không chỉ vì mau lớn hơn, mà còn ruột trắng hơn, mập hơn và ăn giòn hơn mỗi khi hến sống chung với ốc gạo. Thực tế hến ở cồn Cái Gà, xã Long Thới, cách không bao xa, nhưng thường nhỏ và không ngon bằng hến ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình. Bởi vậy, dân trong tỉnh đến cồn Phú Đa gọi hến là “con nghêu nước ngọt” không phải là quá đáng.

Món ăn từ hến
Chỗ ở của hến Chợ Lách đã khác, còn món ăn chế biến từ hến lại càng phong phú. Phải nói trước hết là cháo hến. Cháo hến mà nấu với nước cốt dừa là hết chỗ chê. Nguyên liệu nấu cháo hến rất đơn giản, chủ yếu là gạo, dừa và hến. Gia vị gồm muối, tiêu, hành lá và hành tím phi dầu cho vàng, không cần đến bột ngọt hay đường, vì chất của hến đã rất ngọt.

Công đoạn đầu tiên là luộc hến. Luộc hến lấy ruột, đơn giản nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phải biết cách, vì nếu không tuân thủ một vài thao tác thì ruột hến không trắng, không giòn mà còn dai. Muốn làm cho trắng và giòn, thì sau khi nước sôi là đổ hến vào, khi nước sôi bùng là ruột hến nổi lên, lấy vợt vớt ra đổ vào một cái thau nước lạnh, trong đó có ít muối. Người ta gọi khâu này là rửa ruột hến. Rửa xong vớt ra rổ để cho ráo nước. Có người nói, sở dĩ ruột hến trắng và giòn là do biến đổi đột ngột giữa hai trạng thái nóng và lạnh, cùng với một ít muối. Mẹo đơn giản, nhưng không để ý cũng khó mà biết.
Sau khi xử lý xong ruột hến, thì nước luộc hến cũng được giữ lại một phần, cùng với nước dảo của dừa đưa vào nồi để nấu cháo. Thấy gạo nhừ là để ruột hến vào cùng nước cốt dừa. Sau cùng là nêm nếm cho vừa ăn là tắt lửa.
Cháo hến, gỏi hến những món ăn không kém phần hấp dẫn đối với thực khách
Cháo hến đến đây chưa phải là xong, vì ăn cháo hến phải có rau. Rau ăn với cháo hến rất bình dân, chỉ là những thứ “hương đồng nội”, như thân cây chuối non, bắp chuối, rau thơm, tất cả xắt thành từng sợi nhỏ, trộn chung với giá. Bỏ chung vào tô cháo hay ăn riêng từng miếng là tùy thích, cách nào cũng ngon.
Món ăn thứ hai là gỏi cuốn hến. Nguyên liệu để làm món gỏi cuốn hến gồm bánh tráng, bún, dưa leo, rau thơm, hẹ, nếu có vài lát thịt heo ba rọi thì càng ngon. Khi các nguyên liệu đã chuẩn bị xong là tiến hành gói. 
Gói gỏi cuốn cũng là một nghệ thuật. Gỏi cuốn ngon không chỉ vì chất lượng từ nguyên liệu, mà còn vì hình dáng của cuốn gỏi. Cuốn gỏi đẹp là phải gọn, cuốn rồi mà vẫn thấy cả hến, thịt, bún, rau, dưa và đừng quên là phải để vài cọng hẹ ló ra ngoài ở một đầu của cuốn gỏi. Đã như vậy mà ăn gỏi cuốn vẫn chưa ngon, vì nước chấm góp một phần không nhỏ cho độ ngon của gỏi cuốn. Ăn gỏi cuốn nói chung phải có một trong hai loại nước chấm. Nước chấm pha chế và tương xay. Nước chấm pha phải đủ các hương vị hòa quyện lại như cay của ớt, nồng của tỏi, chua của chanh, ngọt của đường, mặn của nước mắm ngon, lại có nước dừa càng làm cho cho nước chấm đậm đà hơn là pha với nước lã. Loại nước chấm thứ hai đơn giản hơn, được pha chế sẵn từ tương xay hòa chung với tương ớt.
Ăn gỏi cuốn hến gặp tiết trời nóng nực, mà nghiêm chỉnh, mang giày, bỏ áo trong quần, thắt cà vạt cũng không ngon. Ăn phải tự nhiên, nơi thoáng mát, dưới tàn cây, hay bên bờ ao, bờ sông càng tốt. Đặc biệt, ăn gỏi cuốn hến ở quán mà có người tiếp tân khéo đãi bôi thì lúc ấy ăn không chỉ để no, mà còn là thưởng thức đầy đủ về tình người, hoà quyện với những gì tinh túy nhất từ trời và đất.
Hến còn làm gỏi. Không phải gỏi cuốn mà dân dã gọi là gỏi rối. Gỏi rối làm từ hến, dưa leo, rau thơm, củ cải đỏ, củ cải trắng, trái su su, xoài sống,… tất cả xắt nhuyễn thành sợi, đem ra dĩa sau đó đưa lên địa phía trên có tỏi phi, đậu phọng. Cũng là một món ăn ngon, nhậu cũng được, ăn cơm cũng hấp dẫn.

Hến còn làm món cơm rang hến, hến xào giá hẹ, hến khèo sả ớt, canh chua hến, canh rau tập tàng, … Ối thôi! Quá nhiều món ăn từ hến. Du khách muốn một lần thưởng thức cho biết, xin đến UBND xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách), gặp chị Hương Hội Phụ nữ xã, chị ấy sẽ cho ta một bữa ăn vừa ý sau một tour du lịch.
 Hến sông, hến rạch, hến cồn.
 Ba hến hợp lại dập dồn ai ơi! 
Tác giả: Lê Quang Nhung
(Theo bentre.gov.vn)

Con ốc gạo ở cồn Phú Đa

Đánh bắt ốc gạo - Ảnh: Nguyễn Bảy
 Có lẽ cồn Phú Đa, một trong hàng trăm cồn ở tỉnh Bến Tre chả ai biết đến, và cũng không thèm đến, nếu như không có con ốc gạo ngon vì độ giòn và béo. Nó ngon đến nỗi có người đã nói rằng: Đến Chợ Lách vào dịp mồng 5 tháng 5 âm lịch mà không được ăn hoặc mua con ốc gạo thì coi như chưa đến huyện vốn đã nổi tiếng vùng cây ăn trái này.
 
Ốc có “tâm hồn”
Theo các bậc cao niên, con ốc gạo đã có mặt từ khi cồn Phú Đa vừa ló dạng và theo năm tháng, chứng kiến con người bên này sông sang khai thác cồn, gặp nước ròng, phải lội sau những buổi chiều về. Con ốc “được làm bạn” với con người từ thuở hàn vi và thưa thớt ấy. Ốc không chỉ là bạn mỗi khi con người lỡ bước sang sông. Ốc còn góp mặt với đời bằng nhiều món ăn ngay cả nơi phồn hoa như Sài Gòn vào những năm 50 thế kỷ XX cũng phải biết tiếng. Khách không có thời gian, muốn ăn nhanh thì có ốc luộc chấm với nước mắm sả băm, ốc luộc mỡ hành. Chế biến thêm một tí thì có món ốc xào với thịt bò, ốc trộn dừa rám nạo ra thành từng con, cuốn bánh tráng, chấm với tương xay. Lúc rảnh rỗi, khách muốn cầu kỳ để hợp khẩu vị, nhưng đồng thời thử tài khéo tay của đầu bếp thì có món ốc hấp sữa, bánh xèo nhân ốc với tàu hủ dừa. Khi ăn, không thể thiếu rau vườn như lá cách, cải trời, cải bẹ xanh, lá lụa, lá xoài non, kèo nèo, … Tất cả rau được hái đem về rửa sạch, cuốn với bánh mà chấm với nước mắm pha chế có đủ vị cay của ớt, vị chua của chanh, vị ngọt của đường, độ nồng của tỏi, cùng với các loại rau sẽ hòa quyện cả khí trời và đất vào một miếng ăn ngon. Con ốc gạo Phú Đa có “thương hiệu” từ dạo ấy. Ốc không làm hại người. Ốc sinh ra và mong cho chóng lớn chỉ để phục vụ con người. Thế nhưng…
 
Trước giải phóng (1975), ốc nhiều vô kể. Đến những năm 1977–1978 mà sản lượng vẫn còn hàng trăm tấn. Nhưng rồi mạnh ai nấy bắt, bắt bằng tay không đủ, người ta sử dụng đến cào, cào lưới chưa hả dạ, con người dùng đến cào điện, xuyệt điện. Con ốc đã đẻ không kịp để cho con người ăn, cho nên ốc không còn có thể phục vụ con người, nên đã ngậm ngùi ra đi!
 
Bao giờ ốc sẽ bay xa?
Nói vậy thôi chứ một thời gian sau, ốc lại trở về, vì ốc cũng có “quê hương”. Thật vậy, năm 2003 ốc đã trở về khiến con người nơi đây mừng ra mặt. Rồi Hợp tác xã Vĩnh Tiến ra đời để khai thác ốc hiệu quả hơn, căn cơ hơn, cho con ốc không bị tận diệt như trước nữa. Điều đáng mừng hơn, con ốc dưới đáy sông đã không ngừng sinh nở, từ 2,5 tấn vụ đầu tiên, lên 12 tấn năm sau, rồi 20 tấn và theo anh Ba Ngói, Phó Chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiến, người ngày đêm “sống chung” với ốc gạo, “dự kiến năm nay sẽ đạt con số trên 30 tấn thu hoạch”. Cùng với cách ăn chia, con ốc đã góp mặt, lấy lại lòng tin không chỉ 30 xã viên lúc ban đầu, mà sâu xa hơn, là “thương hiệu” của mình đã bị đánh mất từ lâu, nay được khôi phục lại. Ốc gạo Phú Đa không chết.
 
Hiện tại, HTX ốc gạo Vĩnh Tiến có 142 xã viên, quản lý trên 150 ha mặt nước sông. Năm ngoái (2006), sau thu hoạch, trừ đi các khoản chi phí, mỗi xã viên bỏ vào 1 triệu đồng, cuối vụ nhận về 1,99 triệu đồng. Hiệu quả là có thật, nhưng không phải là nguồn thu chính của những người dân nơi đây, vì làm sao lấn át nổi những cây đặc sản đầy ắp trong vườn như chôm chôm Thái, chôm chôm đường ngọt lịm, những cây sầu riêng đến mùa ra hoa cho quả chín thơm lừng đặc trưng của chính nó; rồi măng cụt thịt trong trắng ngần, ngọt lựng.
 
Theo anh Nguyễn Văn Hưng, chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiến, “sắp tới, dưới mương vườn của bà con ở đây sẽ nuôi con tôm càng xanh và con cá để màu sắc miệt vườn vốn êm ả, làm tăng thêm lung linh ánh nước”. Đó là gì? Ai cũng biết rõ. Vì đây đó đã có “dấu vết” của khách du lịch về.
 
Để đến được khu ốc gạo cồn Phú Đa không chỉ có một con đường duy nhất. Nếu là đường bộ, từ thị trấn Chợ Lách lên cũng được, đến UBND xã Vĩnh Bình rẽ trái, đi tiếp khoảng hơn một cây số là đến. Hoặc từ tỉnh Vĩnh Long sang bằng phà Đình Khao cũng dễ. Nếu là đường sông, nhìn lên bản đồ, từ Tiền Giang qua thì theo sông Tiền, lên khúc uốn sông Hàm Luông, quẹo vào vàm Kênh Lách, đến trung tâm huyện rẽ về Vĩnh Long, chạy một đoạn gặp kênh Bổn Sồ là tới nơi. Từ Vĩnh Long sang có dễ hơn, theo sông Cổ Chiên, qua phà Đình Khao chạy thẳng khoảng 10 cây số sẽ đến cồn Phú Đa. Nói vòng vèo như vậy để thấy rằng, nơi đây hiện vẫn còn nguyên vẹn nét “hoang sơ” của miệt vườn sông nước. Nơi đây không chỉ có cây ăn trái, với không khí trong lành, mà còn có cả tình người nữa, một thứ tình cảm đơn sơ, mộc mạc nhưng rất đỗi thủy chung, mà ở thị thành ngày nay đang rất hiếm. Phải chăng khách du lịch đang cần những thứ ấy? 
Ốc gạo Phú Đa vừa ngon vừa béo,
Người Phú Đa vừa khéo lại vừa khôn.
Con người nơi đây đã biết giữ được con ốc gạo để lấy lại “thương hiệu” của mình. Thì mai đây, sẽ biết giữ chân du khách bằng cả tấm lòng. Khách đến rồi khách sẽ đi, nhưng cái chính là họ vẫn còn giữ mãi những kỷ niệm đẹp về nơi họ từng đến. Và mai mốt sẽ quay trợ lại lần nữa. Người du lịch đến không chỉ cần có cái ăn, cái ở, hưởng thụ không khí trong lành, mà xa hơn là cách sống, cách bố trí nhà cửa, cây cối trong vườn và lối sống, ứng xử có tình người. Hy vọng rằng, với xu thế đổi mới cách làm du lịch, trong tương lai con ốc gạo sẽ hoà cùng các đặc sản khác của vùng sông nước Bến Tre làm nên nét đặc thù cho du lịch tỉnh nhà.

Tác giả: Lê Quang Nhung
(Theo bentre.gov.vn)

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Cự ly đến khám phá đất biển Bình Đại

Bình Đại là một trong ba huyện ven biển của Bến Tre, so với các huyện khác trong tỉnh Bình Đại nằm lẻ loi trên một dãy cù lao và ở vị trí bốn bên là sông, biển bao bọc. Bình Đại có nhiều lợi thế về giao thông thủy cả giao thông bộ. Về du lịch, Bình Đại chưa có nhiều điểm đến như các huyện khác của Bến Tre.
- Từ thành phố Bến Tre đến trung tâm huyện Bình Đại 51 km đường bộ.
  • Trên đường đi đến trung tâm huyện Bình Đại, dừng chân tại xã Châu Hưng, khoảng 32 km đường bộ tham quan di tích lịch sử Đình Tân Hưng và đền thờ Huỳnh Tấn Phát (xe dưới 16 chỗ vào được đến nơi). Xe 30 – 50 chỗ đậu gần UBND xã Châu Hưng (nằm trên tỉnh tỉnh lộ 883) và đi bộ theo hướng phải khoảng 02 km là đến nơi.
  • Công trình “Cống đập Ba Lai” tại xã Thạnh Trị và một phần của xã Bình Thới, là một hạng mục trong hệ thống thuỷ lợi, có các công trình lớn đồng bộ, khép kín các công trình đê - cống ven sông Cửa Đại, sông Hàm Luông. Từ thành phố Bến Tre đến công trình này tại xã Thạnh Trị khoảng 59 km đường bộ và từ trung tâm huyện Bình Đại đến đây khoảng 08 km. Nếu đi bằng đường bộ từ xã Tân Xuân, huyện Ba Tri sang thì rất thuận tiện. Xe 30 – 50 chỗ đến được nơi đây.
  • Tham quan mô hình nuôi cá xấu, cá lóc bông, heo rừng, vườn cây ăn trái trồng xen cây cảnh ven sông Ba Lai tại xã Thạnh Trị, khoảng 60 km đường bộ (nằm cách công trình cống đập Ba Lai khoảng 01 km). Xe 30 chỗ đến được tại điểm này.
  • Lễ hội nghinh Ông (16/6 âl) hàng năm tại xã Bình Thắng và cảng cá Bình Đại khoảng 51 km đường bộ;
  • Khám phá biển Thừa Đức và thưởng thức các món ăn đặc sản biển như: Cá, mực, tôm, cua, nghêu, sò... và độc đáo là món bánh xèo xứ biển (khoảng 67 km đường bộ). Xe 30 chỗ đến được bãi biển này.
Công trình cống đập Ba Lai
Mô hình nuôi cá lóc bông

Ai lên Vĩnh Bình ăn Bánh xèo Phú Đa

Bánh xèo là món ăn dân dã, nhưng đòi hỏi không ít công phu và độ khéo tay của người làm bánh. Muốn ngon, ăn bánh xèo phải cầu kỳ. Ăn không chỉ để no, mà đó còn là một nghệ thuật. Nên có nhiều người làm, mà nổi tiếng chẳng có mấy ai là vậy. Đến nhà chị Nguyễn Kim Dung, vợ của anh Ba Ngói, Phó chủ nhiệm hợp tác xã ốc gạo Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre) sẽ thấy nhiều điều thú vị về làm và ăn bánh xèo. 

Bánh xèo làm từ bột gạo. Bánh xèo ngon trước hết là nhờ bột. Bột phải đủ các hương vị lẫn màu sắc: Độ béo của dừa, độ ngọt của đường, một tí mặn của muối, mùi thơm của hành và màu vàng của nghệ. Ngày xưa, nhà muốn ăn bánh xèo thì trước đó phải ngâm gạo, mang đi xay thành bột nhuyễn, rồi mới pha chế. Ngày nay tiến bộ hơn, làm bánh xèo có bột pha sẵn bán ở tiệm. Sở dĩ  khách ăn bánh xèo “nhớ đời” một số nơi, là do các bà nội trợ ở đây biết pha chế, gia giảm trong bột những hương vị trên. Và, riêng chị Dung thì “có thêm bột đậu xanh” để làm tăng thêm độ béo và giữ được màu vàng của bánh.
 
Nhân bánh là phần không thể thiếu và góp phần làm cho cái bánh ngon. Phổ biến là con tép bạc non vừa mềm lại vừa ngọt, cộng thêm một nhúm giá là đủ. Vào đầu mùa mưa, nhất là mồng 5 tháng 5 âm lịch, những nơi có nấm mối bỏ thêm vào là rất tuyệt. Có người không có giá, mà thay bằng măng tre hoặc tàu hủ dừa, thì bảo đảm không có người chê. Riêng chị Dung, nhân bánh xèo chỉ có 2 thành phần chính là giá và ruột hến. Vậy mà khách ăn rồi vẫn khó quên.
 
Từ xưa đến giờ, không ai làm bánh xèo ăn mà không có rau. Rau ăn bánh xèo đủ các vị chua, chát, đắng, cay, nồng của “hương đồng cỏ nội”, mà người dân quê gọi là rau vườn như lá cách, lá lụa, lá kèo nèo, đọt xạn, lá non lụt bình, đọt xoài, đọt điều, cải bẹ xanh non, rau vừng, rau chiết, lá cát lồi, các loại rau thơm, … đủ thứ, mùa nào rau đó. Nhưng đặc biệt rau ở nhà chị Dung rất tươi và sạch.
 
Nước mắm ăn bánh xèo không “đủ đô” cũng làm cho bánh xèo không ngon. Cũng với vị chua của chanh, ngọt của đường, mặn của nước mắm, cay của ớt, nồng của tỏi, ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng pha chế cho vừa khẩu vị người ăn, chứ đừng nói đến “để đời”. Cái khác ở chị Dung là pha bằng nước dừa, nên nước chấm “đậm đà”, đặc biệt là mấy miếng ớt băm nhuyễn nổi lên, làm cho chén nước mắm càng tăng thêm vẻ đẹp.  
Bánh xèo ngon không chỉ có bột, rau và nước chấm, mà còn là hình thức bánh, phong cách ăn bánh và thái độ của người làm với người ăn. Cách đổ bánh xèo cho giòn cũng là một nghệ thuật. Chỉ làm cho có được độ mỏng của bánh, khách sẽ không khỏi “say đắm” đôi tay uyển chuyển của người thao tác cầm muỗng đổ bột và xoay nhẹ chảo cho bánh tròn và đều. Cho nên, ăn bánh xèo phải ăn lúc còn nóng.

Ăn bánh xèo có đặc điểm là phải bốc (bằng tay). Ăn bốc mới ngon và đặc biệt phải “rất tự nhiên”. Tính chất dân dã của bánh xèo chính là ở chỗ này, không khách sáo nhưng không kém phần nghiêm túc, trân trọng, ăn cả tấm lòng, chứ không thể “ăn vị tình”, “ăn cho được lòng” thì không ngon.. Nhìn mấy ông khách nước ngoài ăn bánh xèo không khác gì người Việt - cũng bốc hốt mà ăn ào ào. Đấy là một minh chứng không chỉ thích bánh xèo vì chất lượng, mà còn vì cách ăn. Ăn bánh xèo phải coi tất cả là người “trong nhà”, tự mình thao tác các công đoạn, ăn ngấu, ăn nghiến, ngồi bất kể chỗ nào, miễn sạch là được. Như vậy mới ngon. Ăn bánh xèo rất xa lạ với phong cách ăn phải mời, phải gắp để, phải bỏ áo trong quần, thắt cà vạt, mang giày, “kẻ hầu, người hạ”. Thời điểm ăn bánh xèo cũng góp phần cho buổi ăn ngon. Đến với điểm du lịch của Ba Ngói, khách “chưa được” ăn bánh xèo ngay, mà phải đi một vòng trong vườn để “tham quan” cây ăn trái, hít thở khí trời cho đã sau một thời gian dài ngồi trên xe ngột ngạt, rồi xuống xuồng ra sông xem hoặc tham gia thu hoạch ốc gạo cùng nhân viên của hợp tác xã. Sau đó khách thoải mái về tắm rửa, nghỉ ngơi mới lên bàn ăn. Khách không muốn ngồi trong “chòi” có bàn, có ghế đàng hoàng, thì trải chiếu ra gốc cây ngồi ăn tùy thích. Thú vị chính là chỗ đó.
 
“Chị làm như thế này có lời nhiều không?” – tôi hỏi. “Có chứ, nhưng ít thôi. Chủ yếu là “thử” khả năng mình mà” – chị cười và nói. Khách không ăn bánh xèo còn có gỏi cuốn, cá chiên, gà luộc xé phay, ốc gạo chấm nước mắm sả băm, cơm ăn với cá kho, canh chua. Cũng các món ấy nhưng vẫn có đồ ăn chay thích hợp cho người tu hành. Nhìn vào “cơ ngơi”, chỉ có hai người đang cắm cúi làm việc: chị đổ bánh, còn mẹ chồng là bà Huỳnh Thị Lựu đang ngồi rửa rau. Đã quá 11 giờ trưa, vì bận khách nên cơm chưa chín, chị giật mình quay lại nhìn mẹ mà tay vội lấy một cái bánh xèo đặt vào đĩa: “Mẹ, nghỉ tay ăn cái bánh để lót dạ”. Ai chứng kiến được cảnh này sẽ thấy rõ một thứ tình trong đó.

Ăn một thứ bánh mà hòa quyện được tất cả khí trời và đất, cùng với tình người vào một miếng ăn, thì làm sao không lay động được người cảm nhận? Thiên nhiên đã ban tặng con ốc gạo Phú Đa có một chất lượng “vừa thơm, vừa béo”. Bằng cái bánh dân dã, chỉ một thời gian ngắn, mà con người ở đây cũng không kém phần “vừa khéo lại vừa khôn”, để làm đậm đà thêm “thương hiệu” của mình với khách gần xa. Đó là “Bánh xèo Phú Đa”.

Tác giả: Lê Quang Nhung
(Theo http://www.bentre.gov.vn)

Cùng khám phá "Ốc gạo" cồn Phú Đa

Thiên nhiên ban đã tặng cho vùng đất xứ dừa Bến Tre có 04 con sông lớn bao bọc xung quanh (sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai, Sông Tiền) và rất nhiều sông, rạch lớn, nhỏ chằn chịt. Chính những dòng sông lớn hiền hòa ấy đã mang nặng phù sa bồi đắp và hình thành trên xứ sở này nhiều vùng đất cồn. Và Bến Tre là một trong những vùng đất có nhiều phù sa màu mỡ và nguồn tài nguyên sinh thái phong phú, đa dạng. Trời đất cũng ban tặng cho nơi đây khí hậu hiền hòa và trong lành. Đây cũng là điều kiện thích hợp cho các sinh vật quý hiếm đến sinh trưởng. Và “ốc gạo” là một trong những loài thủy sản đã đến cư trú và sinh sản ở vùng nước ngọt Bến Tre, đặc biệt là tại cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Có thể xem “ốc gạo” như là một trong những sản vật khá quý hiếm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung hay Bến Tre nói riêng.

Tìm hiểu và nghiên cứu từ tư liệu, ốc gạo là loài sinh vật sống trong môi trường tự nhiên, sinh trưởng ở một số vùng ĐBSCL như: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang…. Cũng là ốc gạo, nhưng mỗi nơi ốc gạo có vị khác nhau. Theo nhận xét của nhiều người thì ngon nhất (ngọt, béo, giòn) vẫn là con ốc gạo ở cồn Phú Đa thuộc xã Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre.

Cồn Phú Đa nằm bên dòng sông Cổ Chiên, quanh năm nước ngọt, dòng chảy ổn định, hạt cát mịn màng và trở thành miền đất hứa của con ốc gạo tự bao giờ chẳng ai rõ. Theo lời kể của những người trong nghề thì ốc gạo sống ở đáy sông (ở phần cát sình), cách mặt nước sâu khoảng 06m. Thông thường cứ cách bờ khoảng 20 mét là có ốc gạo, nước chảy xiết thì ốc vùi xuống cát sình, nước lũ lên thì ốc gạo bò lên thậm chí tận cả mé sông. Đặc biệt, mưa nhiều nước đục thì ốc gạo càng mập. Thời gian khai thác ốc gạo ở cồn Phú Đa đông ken nhất là từ tháng 5 - 7 âl. Ốc gạo ở đây có vỏ màu xanh biếc, ruột vàng óng ánh, phần thịt phía trên, thịt ốc gạo lại vừa ngọt, vừa béo, giòn, phần phía dưới hơi đăng đắng, nhưng khi ăn không ai lể bỏ phần này cả, vì chính cái vị đăng đắng ấy là “đặc trưng” làm cho ốc gạo Phú Đa ngon hơn.

Đến mùa bắt ốc gạo, hãy đến với vùng đất này để tận mắt dõi theo từng công đoạn, từng thao tác, mà đối với nghề này có thể nói như một “kỳ công lặn bắt ốc”.  Bắt ốc gạo cũng có cách thức riêng, nếu nghe cái tên hay kiểu, cách bắt ốc dân gian xưa kia gọi thì kỳ thú vô cùng và hình như cách bắt ốc các nơi đều cũng na ná nhau.

Cách bắt ốc gạo dân gian mà từ xưa gọi là “lặn cồng cộc”: Cứ mỗi đôi một xuồng cùng nhau chèo ra sông tìm chỗ giữa hai vồng đất bồi nổi cao, cắm sào neo xuồng lại. Mỗi người hít lấy một hơi dài, lặn sát đáy sông cỡ vài sải sâu, bám lấy vào cây sào đã cắm, một tay dùng “lợi cào” hình cánh cung xốc xuống mặt cát đáy sông. Cứ như vậy, ốc trong cát bị xốc rơi vào lưới phía sau lợi. Lặn chừng mươi hơi, khi đã hết ốc quanh sào, hai người trồi lên, chống xuồng tìm nơi khác để bắt tiếp. Bắt ốc gạo cách này rất cực nhọc, mỗi buổi lặn hàng trăm hơi, da thịt ngấm nước mềm nhão, thỉnh thoảng bị con ốc hở môi trên cắt vào tay ngọt xớt như dao lam cứa phải. Có lẽ do lặn hụp dưới nước hoài như con cồng cộc bắt cá dưới sông, nên người ta ví cách lặn này có cái tên như vậy.

Hay dân gian còn có cách “lặn điên điển”: Thường là những người đàn bà đơn chiếc, không có người lặn đôi. Họ tìm chỗ cắm sào, neo xuồng, rồi buộc dây ngang lưng, đeo vào cổ chiếc giỏ tre, quay mặt về hướng ngược nước, hai tay đập như con điên điển. Sau đó, lấy sức lặn sát đáy sông, tranh thủ dùng hai tay quơ quào hốt ốc bỏ vào giỏ, vừa hết hơi trồi lên mặt nước, trút giỏ ốc vô xuồng rồi lặn tiếp.

Hai cách lặn dân gian trên, là những cách bắt ốc có từ thời xưa. Bây giờ người ta sáng tạo bắt ốc hiện đại hơn, bài bản và với quy mô lớn như: Họ dùng ghe gắn máy mạnh, dùng cào lớn, răng đinh, rọ dài rà sát đáy sông. Sử dụng “tời” kéo cào lên, đổ ốc vào khoang, quay ghe cào luồng khác. Tuy cách đánh bắt này không làm cạn kiệt dần nguồn ốc gạo thiên nhiên, song ít nhiều cũng có ảnh hưởng, tổn thương đến ốc gạo như: Cào răng đinh vét cả ốc nái, đâm nát vỏ ốc non, bất chấp thời kỳ ốc sinh sản…, nên ngày nay vẫn còn  rất nhiều người sử dụng phương pháp đánh bắt dân gian.
Từ những con ốc gạo được khai thác, qua bàn tay khéo léo của các bà, các chị xứ cồn, đã tạo ra phong phú các món ăn từ ốc gạo, nhưng rất đỗi mộc mạc, vô cùng ngon, hấp dẫn và thú vị. Cách chế biến món ăn từ ốc gạo rất đơn giản, tuy nhiên muốn có được ốc gạo ngon, thì cũng phải kỳ công như: Khi mua về phải ngâm rửa ốc gạo cho sạch cát, việc này đòi hỏi phải có thời gian, ngâm lâu thì ốc sẽ càng sạch. Theo cách dân gian thì khi muốn rửa ốc gạo nhanh, sạch nhớt thì bằng cách giã trái ớt cho vào nước ngâm hay dùng nước vo gạo ngâm thì ốc sẽ sạch hơn. Nhưng theo kinh nghiệm của giới chế biến và sành ăn, ngon nhất, sạch nhất, trong ốc không còn cát, thì phải dùng 01 thau nước sạch, 01 cái rổ để ốc vào ngâm vào trong thau nước, để đáy rổ không chạm vào đáy thau (cách khoảng 05 cm), để ốc nhả hết cát ra, cát sẽ rớt xuống đáy thau, ốc không ngậm lại được. Thời gian ngâm để ốc nhả cát ra tốt nhất từ 03 giờ đồng hồ đến nửa ngày hay qua đêm càng tốt.

Phải công nhận rằng, ốc gạo đã sạch rồi thì vô tư chế biến các món ăn và tự tin dùng thỏa thích. Thông thường thì ốc gạo được chế biến rất đơn giản, dễ làm, ăn ngon, hấp dẫn:

* Ốc gạo luộc:
Luộc là một trong những cách đơn giản nhất và dễ chế biến nhất. Khi sử dụng món này thì chúng ta mới thấm hết đầy đủ vị ngon, ngọt, giòn, béo mà con ốc gạo mang lại. Đối với món này khi luộc để thêm tí gừng hay lá xả thì thơm, ngon, hấp dẫn vô cùng. Chấm ốc gạo luộc với nước mắm xả ớt hay muối tiêu chanh hoặc nước chấm chế biến từ cơm mẻ rất ngon và độc đáo. Để thêm phần làm cho hương vị món ăn được đậm đà hơn, có người khi chế biến món ốc gạo luộc còn rưới mỡ hành lên để làm món ốc gạo đậm đà và béo hơn.

* Cháo ốc gạo:
Sau khi lể ốc ra khỏi vỏ (lể ốc gạo còn tươi hay đã luộc rồi cũng được). Bắt sẵn nồi cháo trắng, đến khi cháo nhừ thì chỉ việc cho ốc gạo vào, thêm vài lát gừng xắt sợi nêm cho vừa khẩu vị là có thể ăn ngay. Món này chế biến không cầu kỳ nên rất được ưa chuộng và ăn kèm với rau sống, giá, hẹ, bắp chuối sắt… rất hấp dẫn.

* Ốc gạo xào nước cốt dừa:
Món này không khó làm, dễ ăn, có vị béo thơm từ nước cốt dừa kết hợp với vị béo của ốc gạo, sẽ thích thú hơn. Để món ăn này ít ngán, khi chế biến cho thêm xả, ớt vào sẽ làm cho người ăn không thấy ngán. Đối với món ốc gạo xào nước cốt dừa này cách ăn phải dân dã, phải dùng tay bóc ăn mới thú vị, bởi vì vừa chấm vừa mút phần nước cốt bám từ vỏ ốc thì mới cảm nhận đủ hết hương vị từ món ăn này mang lại. Cách ăn này có lẻ nhiều người cho là không hợp vệ sinh, nhưng lại được nhiều người thích.

* Bánh xèo ốc gạo:
Đây là món ăn mà hình như du khách nào đến cồn Phú Đa cũng không thể bỏ qua, bởi gì nhân của bánh xèo là con ốc gạo, nhân bánh này còn có thêm củ hũ dừa bổ sung vào, nên bánh xèo ở đây vừa béo, thơm từ chất liệu dừa, vừa béo từ thịt ốc gạo, vừa ngọt từ củ hủ dừa, nên ăn rất tuyệt. Bánh xèo ở đây ăn với các loại rau thơm, các loại rau vườn và chấm nước mắm tỏi, ớt, được pha chế vừa miệng. Bánh xèo thì ai cũng biết đến, dễ làm, lúc nào chế biến cũng được, nhưng bánh xèo nhân ốc gạo thì không phải lúc nào cũng có, chỉ đến mùa thu hoạch ốc gạo thì mới có món bánh xèo nhân ốc gạo. Món khoái khẩu bánh xèo ở cồn Phú Đa sẽ làm du khách luôn nhớ hoài.

* Ốc gạo cuốn bánh tráng với dừa nạo chấm tương:
Việc chuẩn bị món ăn này cũng khá đơn giản. Đầu tiên, luộc ốc cho chín, sau đó lể ruột ốc ra dĩa. Món này không thể thiếu các loại rau vườn như: rau thơm, rau răm, khế, chuối chát, đọt choại, đọt cóc… rửa sạch để ăn kèm, đặc biệt bún, bánh tráng và dừa nạo là không thể nào thiếu được. Khi ăn, dùng bánh tráng nem mềm, đặt lên đó các loại rau, bún, ốc và dừa nạo, cuộn tròn lại…, rồi chấm nước mắm chua có cà rốt và củ cải trắng sắt sợi nhuyễn, hay nước nắm pha sả, ớt vào hoặc tương hột xay nhuyễn, pha chế vừa ăn. Vị bùi, béo, ngọt của ốc, vị béo của dừa nạo, mùi thơm của các loại rau, vị chua của khế, vị chát của chuối… hòa cùng hương thơm của nước chấm sẽ làm nên một món gỏi cuốn ốc gạo độc đáo, lạ và ngon vô cùng.

* Gỏi ốc gạo trộn bắp chuối và lá gừng:
Sau khi luộc chín ốc gạo, lể ốc bỏ vỏ, hành tây, ớt, lá gừng, cắt sợi trộn với bắp chuối và ốc. Pha nước mắm với chanh, đường, tỏi, ớt. Rưới hỗn hợp lên gỏi, cho rau thơm sắt nhuyễn vào rồi trộn đều. Cho đậu phộng rang, hành phi lên mặt. Gỏi ốc gạo lá gừng ăn với bánh tráng mè, có thể chấm thêm với nước mắm chua ngọt, thì ngon tuyệt.



* Gỏi óc gạo trộn với bưởi và cơm dừa:
Luộc ốc cho chín, lể ra, trộn thêm chút tiêu, đường, hành rồi bắc chảo lên xào sơ qua. Sau đó trộn ốc vào với ruột bưởi, dừa nạo, rồi dùng nước mắm pha thêm chút đường, tỏi, ớt rưới đều lên. Sau cùng rắc thêm rau thơm, hành phi là có thể dùng được. Chính hương vị đặc trưng của ốc, vị chua của bưởi, vị béo của dừa hòa quyện vào nhau, tạo thành một món ngon khó tả. Muốn ngon hơn nữa chúng ta có thể cuốn gỏi với bánh tráng nem, chấm nước mắm cay. Nếu không dùng ốc gạo làm gỏi, thì ta cũng có thể dùng ốc đắng cũng rất ngon.

Ngày nay, ốc gạo cồn Phú Đa không còn thu mình trên vùng đất Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre nữa mà đã được nhiều người biết đến nó như một sản vật thiên nhiên khá quý hiếm. Từ con ốc gạo miệt vườn của một số vùng sông nước ĐBSCL được chế biến ra nhiều món ăn dân dã ở vùng nông thôn, nay ốc gạo đã được người ta quan tâm đưa nó đến các nhà hàng, quán ăn lớn tại các tỉnh, thành. Và từ con ốc gạo đã làm ra những món ăn sang trọng, độc đáo hơn như: món ốc gạo chấy mỡ tỏi, lẩu mắm ốc gạo, ốc gạo um nước dừa, ốc gạo rang bơ, ốc gạo tiềm thuốc bắc ...