Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Say sưa thưởng thức thanh âm cung bậc từ bộ nhạc cụ bằng chất liệu dừa

Vinh dự được về quê hương thưởng thức trọn vẹn chương trình nghệ thuật sân khấu tại Lễ khai mạc “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” với chủ đề “Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển” tổ chức tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang vào đêm 05/4/2012. Trong hệ thống các tiết mục nghệ thuật được kết nối diễn ra trong chương trình, tôi thật bất ngờ và vô cùng xúc động, thú vị khi được thưởng thức trọn vẹn tiết mục hòa tấu được phối âm, phối khí và phát triển dựa trên âm hưởng các bài bản đờn ca tài tử của vùng đất Nam bộ  mang tên "Bình minh trên đảo dừa". Tiết mục biểu diễn được dàn dựng có nhạc trưởng chỉ huy và 20 nghệ nhân thứ thiệt của xứ dừa Bến Tre tham gia hòa tấu.

Hiếu kỳ muốn biết rõ vì sao có bộ nhạc cụ dân tộc làm bằng dừa này ra đời? Ngay tối đó tôi gặp người trong Ban Tổ chức và được biết: “Họa sĩ, nhạc sĩ Lê Dân” là người Bến Tre đã đưa ra ý tưởng làm bộ nhạc cụ bằng dừa. Thì ra là họa sĩ Lê Dân, không phải ai xa lạ, là người cùng quê Giồng Trôm với tôi. Tôi biết sở trường của Lê Dân là họa sĩ nhiều hơn là nhạc sĩ.

Tuy không phải là người trực tiếp làm nghệ thuật, nhưng tôi rất mê nghệ thuật, ít nhiều cũng am hiểu về một số loại nhạc cụ dân tộc. Trên 25 loại nhạc cụ dân tộc mà tôi tận mắt chứng kiến do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang quản lý, tôi ngạc nhiên quá, các loại nhạc cụ đều được làm hoàn toàn gỗ dừa, gáo dừa của xứ Bến Tre. Ngắm nhìn, chiêm ngưỡng nó thật kỹ, đường nét rất sắc, càng nhìn càng bị thu hút, ấn tượng vô cùng, mê nhất là cấu tạo tự nhiên của chất sừng với những vân gỗ dừa có màu tựa như màu cánh gián rất đẹp. Những sản phẩm làm bằng gáo dừa già thì cũng có vài vân trắng ngà xen lẫn trong toàn khối màu hơi mun, bóng mịn, làm nên những chiếc đàn gáo rất tuyệt, nhất là chiếc đàn gáo hồ lô. Tôi đếm thử thì thấy bộ nhạc khí kéo cung vĩ gồm: Đàn cò có 03 cây, đàn gáo có 04 cây. Hay bộ nhạc khí gãy dây gồm có 04 loại như: Đàn kìm (nguyệt cầm) có 02 cây, đàn bầu (độc huyền) 03 cây, đàn sến 02 cây, đàn tranh 02 cây. Bộ nhạc khí gõ gồm: Trống 03 cái (02 trống chiến, 01 trống tiều), mõ có 02 cái. Ngoài ra, còn có thêm kèn, đàn guitar điện phím lõm (còn gọi là khuyết nguyệt cầm), đàn bass và bộ gõ bằng gáo dừa màu mun. Thuận tay tôi thử âm thanh thật của một vài loại nhạc cụ để nghe nó đã như thế nào. Vì trên sân khấu biểu diễn nó được sự hỗ trợ của âm thanh chuyên nghiệp, nghe thì rất đã, còn âm thanh thật thì phải thử mới biết nó ra sao. Quả là thanh âm không lạc, kêu rất vang với tôi như vậy là đạt yêu cầu rồi.

Hôm sau, tôi tìm gặp họa sĩ Lê Dân, anh lớn hơn tôi 02 tuổi, hơn 05 năm tôi chưa gặp lại anh, gặp lại lần này râu – tóc anh gần như đã bạc trắng hết. Nhưng trong anh vẫn luôn còn giữ nét tếu tếu, hài hài như ngày nào. Anh say sưa kể tôi mới biết bộ nhạc cụ dân tộc được anh có ý tưởng làm đã lâu, cuối năm 2009 anh mới tiết lộ với các đồng nghiệp của anh và được anh em đồng nghiệp ủng hộ, khuyến khích nên thực hiện để kịp phục vụ trong Lễ hội Dừa năm 2010. Nhưng mãi đến tháng 8/2011 được sự hỗ trợ của Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là đ/c Trần Ngọc Tam – Giám đốc Sở đã tạo mọi điều kiện để tôi thực hiện được ý tưởng của mình và sẽ được trình làng vào dịp diễn ra "Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012". Họa sĩ Lê Dân còn tâm sự: "Có lẽ hương vị dừa quê hương đã thắm vào máu thịt của tôi, nên bức tranh vẽ nào của tôi cũng đều có dừa, hay trong sáng tác âm nhạc ít, nhiều gì tôi cũng nhớ đến dừa". Vì vậy mà ý tưởng làm bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa cứ ấp ủ và luôn đeo mãi thôi thúc trong tôi. Anh nói, để làm ra bộ nhạc cụ này kỳ công lắm, tất cả đều được làm cây dừa của xứ mình và đã có trên trăm năm tuổi đấy.

Nghe Lê Dân tâm sự, tôi chợt nhớ ra anh hay chọn thơ có đề cập về dừa để phổ nhạc như bài hát “Gửi Mẹ Lương Hòa” lời thơ Chim Trắng trong thơ có câu “…, bông dừa rơi lưa thưa, ong ruồi xây tổ mật…” hay bài hát “Mùa xuân thơm ngát hoa anh hùng” anh sáng tác cùng với Hoài Hồ cũng có câu  “Ơi! Đêm nay trên đường hành quân nghe rừng dừa xanh vang lên khúc hát… hay Ơi! Đêm nay ta cùng dừa xanh ra trận ….”.  Hoặc bài hát “Tiếng hát trên dòng Hàm Luông” do anh sáng tác lời nhạc cũng có câu “…Đây hàng dừa xanh soi bóng quê hương dạt dào bao tình mến thương…” và bài hát “Người Mẹ bên bến Hàm Luông” cũng có câu hát “…Bến sông còn in dáng Mẹ như cây dừa đứng hiên ngang”.

Được biết người cùng họa sĩ Lê Dân thực hiện bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa còn có ông Võ Văn Bá (còn gọi Ba Sơn). Ông Bá cũng là người con xứ dừa Bến Tre, là người có khiếu, là nhạc công chuyên sử dụng nhạc cụ truyền thống và có vài chục năm kinh nghiệm để chế tác ra các loại nhạc cụ dân tộc. Tôi thì chưa gặp ông Bá lần nào, nhưng tìm hiểu thì được biết sản phẩm này ra đời có sự đóng góp rất lớn của ông Bá. Có thể gọi cho vui, hai cụ ông với hai mái tóc đã bạc trắng gần hết cùng hứng thú, say mê như nhau, rồi bắt tay thiết kế ra bộ nhạc cụ dân tộc bằng chất liệu dừa, để ra mắt trong "Festival Dừa Bến Tre lần III" thì quả là táo bạo. Bởi vì, đây là lần đầu tiên hai ông bạn già chế tác các loại nhạc cụ dân tộc bằng chất liệu dừa, mà cũng chưa hình dung được thanh âm của nó ra sao. Trong quá trình thực hiện có một số nhạc cụ chưa đạt tiêu chuẩn thanh âm, cung, bậc, hai ông phải nhờ vào bộ khuếch âm điện tử hỗ trợ. Hoặc có một số nhạc cụ cũng chưa đạt độ tinh xảo, tính thẩm mỹ còn thấp, hai bạn ông già phải làm đi làm lại nhiều lần mới đạt được. Mỗi loại nhạc cụ hai ông chế tác ra có kích cỡ khác nhau, để tạo nên những cung bậc thanh âm khác nhau, mà khi các nhạc cụ đó được gãy lên nó sẽ hòa quyện thanh âm,  nghe rất sướng tai. Với tôi, hai ông bạn già của xứ dừa Bến Tre cừ thật, tài thật, đáng khâm phục.

Tôi được thưởng thức trọn vẹn những tiếng đàn dừa ngân vang hòa âm điệu trong đêm khai mạc "Festival Dừa lần III" tại quê hương mình thật là vinh hạnh, sướng thật, nó sẽ đọng mãi trong tôi. Và tôi nghĩ ít, nhiều nó cũng đã góp phần làm nên thông điệp nâng cao chuỗi giá trị thực của cây dừa Bến Tre.

Như vây, bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống bằng chất liệu dừa đã chính thức ra mắt công chúng Bến Tre và cả nước, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bộ nhạc cụ dân tộc chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam” vào ngày 10/4/2012.

Bạn ơi! Hãy đến quê hương tôi thư thả ngắm nhìn những hàng dừa với dáng đứng nghiêng nghiêng, nhiều rặng dừa ven sông đong đưa theo nhịp sóng, những con đường làng rợp bóng dừa xanh…. Hay tìm hiểu thêm những chiến công hiển hách của xứ dừa năm xưa, cũng có sự góp mặt của cây dừa. Trong xây dựng phát triển quê hương dừa đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào ngân sách của tỉnh nhà…. Cây dừa, nó có nhiều lợi ích, nhiều công dụng lắm các bạn ơi! Dừa quê tôi là thế đó, nó đã làm nên “Dáng đứng Bến Tre” bất hủ. Hãy cùng sẻ chia sự thăng trầm chịu đắng cay của nó trên đất Bến Tre. Với tôi, dừa quê hương tôi nó vẫn luôn ươm mầm cho cuộc sống, đem lại sự ngọt mát ân tình cho mọi người, sự dâng trái sai, trái ngọt, góp phần cho đời thêm vui.

Đức Hà

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Âm vang hòa điệu từ bộ nhạc cụ dân tộc bằng chất liệu dừa

Thoáng nhìn qua bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống (trên 20 cây) chuẩn bị tham gia biểu diễn trong  "Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012", khó nhận ra nó làm bằng loại gỗ gì và nghĩ nó làm bằng loại gỗ thông dụng đang bán trên thị trường. Nhưng nhìn kỹ, thật ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống đó được làm toàn bằng cây dừa của xứ Bến Tre. Với trên 20 loại nhạc cụ gồm: Đàn cò, đàn gáo, đàn kìm (còn gọi là nguyệt cầm), đàn sến, đàn tranh, đàn bầu (còn gọi là độc huyền), bộ trống, mõ, kèn, đàn guitar..., rất sắc nét, độc đáo, ấn tượng. Ngắm nhìn bộ nhạc cụ dân tộc chất liệu dừa này có những vân gỗ màu đo đỏ rất bắt mắt, bóng đẹp vô cùng. Hay sắc nét bóng mịn, hơi mun, có tính sừng hóa của gáo dừa già đã làm nên chiếc đàn gáo rất tuyệt.

Vì sao có bộ nhạc cụ dân tộc làm bằng dừa? Ý tưởng đó của tác giả nào và ai là người đã sáng chế ra bộ nhạc cụ này? Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết: Họa sĩ, nhạc sĩ Lê Dân là người con của xứ dừa đã đưa ra ý tưởng làm bộ nhạc cụ bằng dừa này vào cuối năm 2009. Nhưng mãi đến năm tháng 8/2011 mới chính thức thực hiện được và bộ nhạc cụ dân tộc dừa sẽ trình làng vào dịp diễn ra "Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012".

Tiếp xúc với họa sĩ, nhạc sĩ Lê Dân mới biết bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống này được làm từ cây dừa trên vùng đất ba dãy cù lao xứ dừa, đã có trên trăm năm tuổi. Các loại nhạc cụ cũng được thiết kế theo kích cỡ lớn, nhỏ, trung và độ dày, mỏng khác nhau, để tạo nên những thanh âm theo cung bậc cao, trung, trầm. Họa sĩ Lê Dân còn nói: "Có lẽ hương vị dừa quê hương đã thắm vào máu thịt của tôi, nên bức tranh vẽ nào của tôi cũng đều có dừa, hay trong sáng tác âm nhạc ít, nhiều gì tôi cũng nhớ đến dừa". Vì vậy mà ý tưởng làm bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa cứ đeo mãi và luôn thôi thúc trong tôi. Họa sĩ Lê Dân bộc bạch: Đây là lần đầu tiên làm các loại nhạc cụ bằng chất liệu dừa, nên cũng đã gặp không ít khó khăn. Nhưng được sự ủng hộ cổ vũ, khuyến khích của đồng nghiệp, với lòng say mê tôi quyết tâm thực hiện bằng được nó, để đạt được ý tưởng và sở nguyện của mình.

Cùng đồng hành thực hiện bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa với họa sĩ Lê Dân còn có ông Võ Văn Bá, cũng là người con Bến Tre, đang sinh sống tại xã Nhơn Thạnh. Ông Bá là người rất có năng khiếu chế tác ra các loại đàn, Ông cũng từng là nhạc công chuyên sử dụng nhạc cụ dân tộc truyền thống. Như vậy, hai ông già đã gần tuổi thất thập cổ lai hy đã tâm đầu ý hợp, cùng đam mê, có hứng thú như nhau, rồi cùng hì hục bắt tay chế tác bộ nhạc cụ dân tộc bằng chất liệu dừa, để ra mắt trong "Festival Dừa Bến Tre lần III" thật có ý nghĩa vô cùng. Trong quá trình thực hiện có một số loại nhạc cụ chưa đạt tiêu chuẩn thanh âm, cung, bậc phải nhờ vào bộ khuếch âm điện tử hỗ trợ, hay có một số nhạc cụ cũng chưa đạt độ tinh xảo, tính thẩm mỹ còn thấp, hai ông già phải tìm cách khắc phục dần.

Cũng thông tin từ Ban Tổ chức trong kịch bản chương trình nghệ thuật khai mạc “Festival Dừa lần III " vào đêm 05/4/2012 tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang, bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống từ chất liệu dừa sẽ được 20 nghệ nhân thứ thiệt của xứ dừa tham gia biểu diễn tiết mục hòa tấu "Bình minh trên đảo dừa". Gặp gỡ những nghệ nhân tham gia biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc này, cảm nhận họ rất phấn khởi và họ nói: Từ xưa đến giờ chỉ nghe nói cây dừa dùng làm nhà, dùng đóng đồ đạc hay làm ra những mặt hàng thủ công mỹ nghệ để trang trí, xuất khẩu..., chứ chưa nghe, chưa thấy bộ nhạc cụ dân tộc nào cả mấy chục cây đều làm bằng dừa cả. Chỉ có chiếc đàn gáo ở Miền Nam là làm từ gáo dừa hay các nhạc sĩ Bến Tre trước đây cũng đã từng chế tác ra bộ nhạc gõ làm bằng gáo dừa cũng rất độc đáo.

Vậy mà những người con của xứ dừa Bến Tre đã táo bạo đưa ra ý tưởng, rồi chế tác ra bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống làm bằng dừa, thật là đáng khâm phục. Trong lúc tác giả đưa ra ý tưởng cũng như người cùng tham gia chế tác ra nó chưa hình dung hết được những thanh âm, cung, bậc của nó ra sao. Những nghệ nhân còn cho rằng: Họ đã sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc được làm với loại gỗ quý hiếm thông dụng. Bây giờ lại được gãy đàn từ cây dừa của xứ mình thì thật là vinh hạnh, không gì sướng bằng, cảm xúc của chúng tôi khó tả quá.

Cây dừa trên đất Bến Tre là vậy đó, nó biến tấu đầy màu sắc, khiến ai cũng có thể nghĩ đến khả năng vô tận còn tiềm ẩn của nó, mà con người chưa khám phá được hết. Trong kháng chiến những hàng dừa, rặng dừa Bến Tre đã từng chở che cho quân ta đánh giặc. Trong xây dựng phát triển quê hương dừa Bến Tre đã giúp người dân giải quyết việc làm, nâng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.... Dừa Bến Tre đã có nhiều công dụng, nhiều lợi ích cho cuộc sống, gắn bó mật thiết với người Bến Tre trong mọi hoàn cảnh là thế đó. Phải công nhận dừa Bến Tre nó rất bền bỉ, rất dẻo dai, rất sắt son - chung thủy với người Bến Tre tự biết bao đời nay. Nếu kể đến công dụng, lợi ích của dừa thì không sao tả xiết. Chỉ biết nó đã hóa thân vào tất cả các lĩnh vực. Vì vậy mà hình tượng của nó được ca ngợi trong thơ ca, nhạc, họa, rồi hôm nay dừa lại hóa thân vào từng loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Như vậy, một lần nữa nó lại góp phần làm nên hào khí của Bến Tre, làm phong phú thêm sắc màu sản phẩm văn hóa không chỉ của riêng của xứ dừa Bến Tre, mà còn góp phần to lớn vào kho tàng sản phẩm văn hóa của nước ta.

Trong đêm khai mạc "Festival Dừa lần III" tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang, mọi người sẽ được thưởng thức “Tiếng đàn dừa” của xứ mình và hy vọng với những thanh âm, hòa điệu của bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống làm từ chất liệu dừa sẽ ngân vang mãi và làm nên thông điệp nâng cao chuỗi giá trị thực của cây dừa, để mọi người trên đất nước ta và cả bạn bè trên thế giới cùng sẻ chia, cùng hiểu thật nhiều về lợi ích, về hàng trăm, hàng ngàn công dụng của cây dừa. Để rồi cùng khẳng định cây dừa là cây của cuộc sống, là cây của kinh tế, cây của môi trường, cây của những sản phẩm văn hóa độc đáo và vô giá, là cây của tương lai..., thực sự có lợi ích thiết thực đối với cuộc sống con người.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống đầu tiên của nước ta được làm hoàn toàn bằng chất liệu dừa và là dừa trên đất Bến Tre. Ban Tổ chức "Festival Dừa lần III" cũng có ý định xin xác lập kỷ lục bộ nhạc cụ dân tộc bằng chất liệu dừa vào guiness Việt Nam.

Dừa ơi! Dừa là vậy đó, mà quên sao được dừa ơi! Xin được mượn vài câu hát luôn còn đọng mãi trong tôi để được kết thúc những dòng tâm sự này: "Thương lắm dừa ơi!.... Đã tự bao đời dừa vẫn đứng hiên ngang, bám sâu sâu vào lòng đất, như lòng dân bám chặt lấy quê hương. Qua nắng mưa mà cây vẫn tươi xanh, lọc đắng cay lại cho trái ngọt lành.... Hay mỗi lúc đi xa dừa ơi ta nhớ lắm nghen....".

Đến với "Festival Dừa lần III năm 2012" hãy khám phá Tour du lịch hấp dẫn

Ngoài “Chương trình tham quan vườn dừa và các sản phẩm dừa” miễn phí nằm trong chuỗi hoạt động “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” từ 09 giờ  ngày 05/4/2012 - 10/4/2012, các hãng lữ hành tại Bến Tre cũng hòa không khí các sự kiện diễn ra, tổ chức các tour du lịch để quý khách khám phá, thưởng ngoạn trong những ngày lưu lại trên vùng đất xứ dừa. Đến Bến Tre vào những ngày này, quý khách sẽ không khó lựa chọn cho mình những chuyến đi hợp lý nhất, lại vừa phù hợp với từng đối tượng, nhu cầu của mỗi người. Chương trình tour đã được các Công ty Lữ hành trong tỉnh thiết kế dành riêng cho du khách. Mỗi tour là mỗi chủ đề mà chương trình  tour đưa vào trong dịp này đều là những trải nghiệm khác nhau về sự đa dạng và phong phú của vùng đất được mệnh danh “xứ sở dừa Việt Nam”. Từ đó, nhằm giới thiệu đến du khách về sông nước - miệt vườn Bến Tre hiền hòa, thân tình, mến khách.

Du khách có thể tham khảo một số chương trình tour của Công ty TNHH Du lịch Hàm Luông tại Trung tâm điều hành Du lịch Hàm Luông, số 200C, Hùng Vương, phường 5, thành phố Bến Tre; Điện thoại: 0753.818595 – 0913 769 170 như sau:

* Tour “Du thuyền trên sông Bến Tre – Festival dừa”:
- Buổi sáng:  Hướng dẫn đón quý khách tại Khách sạn Hàm Luông hoặc tại bến tàu trước khách sạn Hàm Luông. Sau đó quý khách sẽ được đi thuyền ngược sông Bến Tre, xem dân địa phương chài lưới, giăng câu. Dừng chân tham quan lò gạch, tìm hiểu cách nung gạch bằng phương pháp truyền thống thủ công. Đi thuyền máy len lỏi trong kênh rạch đến nhà dân, thưởng thức dừa dứa, đặc sản bưởi da xanh. Tản bộ tham quan cơ sở sơ chế trái dừa, lò kẹo dừa. Quý khách còn được trải nghiệm thú vị với xe lôi máy hoặc xe đạp theo con đường làng ngắm xem những sinh hoạt thường nhật của người dân xứ dừa.Tham quan hộ dân làm nghề dệt chiếu. Dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn tại nhà dân bên bờ sông, dùng cơm trưa với thực đơn miệt vườn hấp dẫn.

- Buổi trưa: Tiếp tục cuộc hành trình bằng xuồng chèo trên rạch với rừng dừa nước bạt ngàn. Du thuyền đón tại vàm sông và đưa quý khách về tham quan nghệ thuật sắp đặt “Con đường dừa” trên đường Hùng Vương, tham dự các sự kiện “Festival Dừa lần III”. Đặc biệt, thưởng thức văn hóa ẩm thực xứ dừa tại Khu “Liên hoan ẩm thực xứ dừa” (Quầy ẩm thực khách sạn Hàm Luông). Quý khách tự do vui chơi tại Festival dừa. Kết thúc tour.
Một góc hình ảnh nghệ thuật sắp đặt “Con đường dừa”

* Tour “Du thuyền trên sông Mekong – Festival dừa”:
- Buổi sáng: Hướng dẫn đón khách tại bến tàu trên sông Mekong dưới chân cầu Rạch Miễu. Du thuyền đưa quý khách dạo quanh cụm cù lao Long – Lân – Qui – Phụng. Từ du thuyền, quý khách ngắm công trình cầu Rạch Miễu nối liền hai tỉnh Bến Tre – Tiền Giang; được giới thiệu những địa danh Rạch Gầm – Xoài Mút lịch sử. Khám phá những làng cá bè trên sông và với rừng dừa nước xanh ngát ven sông. Xuồng chèo đưa quý khách đến nhà dân, thưởng thức trái cây, mật ong, nghe đờn ca tài từ Nam Bộ. Đi xe ngựa trên đường làng, tham quan lò kẹo dừa – một trong đặc sản có tiếng của Bến Tre. Ăn trưa tại Cồn Phụng.

- Buổi trưa: Xe sẽ đưa quý khách vào thành phố Bến Tre, trên đường tham quan vườn dừa xiêm dứa ở ấp Phước Hậu, xã Tam Phước, huyện Châu Thành. Đến thành phố Bến Tre, tham quan nghệ thuật sắp đặt “Con đường dừa” của Festival Dừa trên đường Hùng Vương. Thưởng thức ẩm thực xứ dừa tại quầy ẩm thực khách sạn Hàm Luông. Kết thúc tour.

* Tour “Vườn cây trái – Festival Dừa Bến Tre”:
- Buổi sáng: Hướng dẫn quý khách tham quan vườn dừa chuyên canh tại xã Bình Phú, thành phố Bến Tre. Qua cầu Hàm Luông, rồi đến vương quốc cây trái Cái Mơn. Đi bộ vào làng, tham quan vườn kiểng, cây cảnh, vườn chuyên canh cây ăn trái cao sản măng cụt, sầu riêng cơm vàng hạt lép. Thưởng thức trái cây tại vườn (theo mùa).

- Buổi trưa: Quý khách về thành phố Bến Tre, ăn trưa tại Khu “Liên hoan ẩm thực xứ dừa (Quầy ẩm thực khách sạn Hàm Luông). Tham quan nghệ thuật sắp đặt “Con đường dừa” trên đường Hùng Vương và vui chơi tại “Festival Dừa Bến Tre”.

Ngoài ra, du khách còn có thể tham khảo chương trình tour của Công ty Cổ phần du lịch Bến Tre tại Trung tâm điều hành du lịch số 65 Đồng Khởi, Phường 2, Tp.Bến Tre; Điện thoại: 0753.829618- 683.683; Fax : 0753.814426 như sau:

* Mekong tour:
- Du thuyền trên sông Tiền – cụm cù lao Long – Lân -  Quy – Phụng.  Tham quan chợ cá nổi Mỹ Tho. Thuyền vào rạch Xếp tham quan mô hình nhà truyền thống Nam bộ bằng dừa (nhà chữ đinh và nhà bát dần). Xem bộ sưu tập theo chủ đề cây dừa. Thưởng thức trái cây tại vườn, đàn ca tài tử Nam bộ, uống mật ong pha trà. Đi xe ngựa trên đường làng Quới Sơn. Đi đò chèo trong rạch dừa nước, thăm lò kẹo dừa và  thưởng thức các loại kẹo dừa. Tản bộ trên Cồn Phụng tham quan Khu du lịch Đạo Dừa. Kết thúc chương trình.
* Tour “Cồn Ốc ven sông làng quê yên ả”:
- Du thuyền ra sông Hàm Luông. Tham quan lò kẹo dừa thưởng thức kẹo dừa nóng miễn phí. Đến Cồn Ốc tham quan bộ sưu tập về các chủng loại dừa tại vườn chú Tám Thưởng. Thưởng thức nước dừa tươi tại vườn. Lên thuyền trở về cồn Sơn Phú thưởng thức trái cây theo mùa. Ăn trưa tại Nhà hàng Nổi Bến Tre (thưởng thức các món ăn đặc sản về dừa)
* Tour “Mỹ Thạnh An - Làng nhỏ ven sông”:
- Du thuyền trên sông Bến Tre. Tham quan cơ sở chế biến dừa. Thưởng thức mứt dừa miễn phí. Tản bộ trong vườn dừa Dứa thưởng thức nước dừa tại vườn. Tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, thưởng thức kẹo dừa nóng miễn phí. Tham quan làng dệt chiếu, thưởng thức bánh tráng dừa nướng uống nước trà. Thưởng thức trái cây theo mùa. Xuồng chèo trong rạch Vong.

Xin chào đón quý khách đến xứ dừa Bến Tre thưởng thức, khám phá những sự kiện đặc sắc, hấp dẫn trong “Festival Dừa Bến Tre” và hãy chọn các tour du lịch sông nước – miệt vườn để thư giản và để trải nghiệm; quý khách sẽ ấn tượng và hài lòng với những gì mình khám phá được trong những ngày lưu lại trên vùng đất này.

Tuổi thơ "Bé bánh dừa" xứ Giồng Luông

Bây giờ tôi đã lớn, lập nghiệp ở đất khách quê người, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ về quê nhà, nhớ nhất là những rặng dừa, vườn dừa xanh bóng mát và những con đường làng  dừa ở quê tôi xứ Bến Tre. Dừa đã gắn bó mật thiết với người dân xứ tôi từ trong kháng chiến đến xây dựng quê hương. Từ dừa người ta đã sáng tạo, chế biến ra các sản phẩm trong thực phẩm, các sản phẩm dùng trong công nghiệp, trong thủ công mỹ nghệ, trong lịch sử - văn hóa, trong các lễ hội, trong văn hóa ẩm thực, du lịch sinh thái….Và từ cây dừa mà giới văn nghệ sĩ đã dùng hình tượng của nó để sáng tác trong thơ ca, nhạc, hội họa,….

Tôi có nhiều kỷ niệm về dừa quê tôi, nhớ nhiều nhất là các món ăn có chất liệu, nguyên liệu, hương liệu, hương vị của dừa. Nhưng có lẽ cái tôi nhớ nhất, ghiền nhất và nhớ thật nhiều nhất và nó luôn đọng mãi trong tôi cho đến bây giờ, đó là chiếc “bánh dừa” ở quê Nội - xứ Giồng Luông thuộc xã  Đại Điền – huyện Thạnh Phú – tỉnh Bến Tre.

Cứ mỗi lần nghe tiếng ê a đánh vần của những đứa trẻ, làm gợi nhớ đến tuổi học trò của tôi ở một làng quê của xứ Bến Tre. Cái tuổi mà chưa biết lo, chưa biết nghĩ, cái tuổi mà chạy reo vang, mùng húm mỗi khi được mẹ cho quà, nhất là món quà mình thích nhất. Với tôi, chỉ cần mỗi khi đi chợ về Mẹ cho ăn 01 cái bánh dừa là tôi mê tít lắm rồi. Không hiểu sao tôi mê cái bánh dừa của vùng quê tôi đến thế, mỗi khi nhận được cái bánh dừa là tôi nhanh tay gỡ thật nhanh vòng lá quấn bên ngoài bánh, cắn nhanh một miếng cho đã thèm. Cái vị ngọt của bánh, dẻo dẻo của nếp, thơm ngào ngạt của nhân chuối chín bên trong, với những hạt đậu đen cưng cứng, bùi bùi, với vị nước cốt dừa béo béo, thơm thơm, tất cả hòa hợp vào nhau mà khi không dùng đến nó tôi vẫn tưởng tượng ra được cái hương vị béo, ngon, thơm của nó đọng lại mãi trong tôi. Vì thích ăn bánh dừa và hình như ngày nào tôi cũng ăn ít nhất một cái, nên cả nhà ai cũng gọi tôi là “Bé bánh dừa”, gọi tôi như vậy tôi không chịu đâu. Lúc đầu tôi khóc dữ lắm, Anh tôi cứ trêu đừng ăn bánh dừa nữa thì Anh không gọi là “Bé bánh dừa”. Nhưng dễ gì tôi chịu bỏ ăn bánh dừa, nghe gọi riết rồi cũng quen và cho đến khi tôi khăn gói rời quê nhà vào môi trường của sinh viên thì tên “Bé bánh dừa” mới ít được gọi đến.

Cái hình ảnh cái “bánh dừa” quê tôi ăn tới đâu tháo những vòng lá dài buông xuống, rồi nó xoắn lại như cái lò xo, trông ngộ nghỉnh, mà đến giờ tôi vẫn chưa thấy có cái bánh nào khác làm với loại lá như vậy. Tôi nhớ rất rõ, mình cũng háo ăn, có những lúc ăn vội để vào lớp học, mới cắn một cái, sơ ý để phần còn lại tuột xuống đất, tôi cứ đứng nhìn nó rồi tiếc mãi. Hay có hôm ăn hấp tấp vội vàng, trên mép còn dính một hạt nếp, bị chúng bạn chê cười, tôi xấu hổ biết bao, những hình ảnh ấy sẽ không bao giờ quay lại trong tôi nữa, vậy mà tôi vẫn luôn nhớ và ghiền nó vô cùng.

Cũng chỉ vì tôi thích ăn bánh dừa, mà hàng ngày Má tôi phải dành vài giờ đồng hồ sang nhà Bà Tư hàng xóm phụ làm bánh, rồi được Bà Tư cho vài cái bánh để tôi ăn. Năm học cấp II,  đi học về làm bài xong là tôi vọt sang nhà Bà Tư coi làm bánh. Xứ tôi có nhiều nhà làm bánh dừa, người ta bắt đầu làm từ chiều đến tối, rồi thức nấu bánh đến khuya hay gần sáng mới xong. Khi đem bánh dừa ra chợ bán, bánh vẫn còn hơi nóng. Riêng nhà Bà Tư là làm bánh vào ban ngày, đến khoảng 08 - 09 giờ đêm là hoàn thành việc nấu bánh, cũng nhờ vậy mà tôi mới có thể sang nhà Bà Tư phụ làm bánh được. Ban đầu tôi phụ sắp những cọng lá dừa nước non ôm vào nhà, rồi phụ trỉa lá, dần dần tôi phụ quấn nòng, cột bánh…., rồi phụ đổ nếp vào nòng, đến buộc dây, cột chùm bánh lại thành một chục (12 cái)…. Những ngày đầu mới phụ, khi bánh chín Bà Tư mang sang cho nhà tôi nửa chục (06 cái). Tôi phụ khoảng 02 – 03 tháng gì đó, có hôm Bà Tư cho bánh lại cho tôi cả tiền, tôi từ chối không nhận tiền và nói Bà cho bánh dừa con ăn là được rồi. Nhưng Bà bảo tôi lấy đi để mua tập vở học, con mà không lấy Bà giận không cho qua nhà làm nữa đâu. Sợ Bà Tư giận thiệt nên tôi đành nhận số tiền ấy. Tuy số tiền không lớn, nhưng trong lòng tôi mừng vô cùng, nhưng mừng nhất là được nhận chiếc bánh dừa mà mình thích ăn nhất. Ăn riết rồi cũng ngán, nhưng ngưng ăn chừng hai hôm là tôi lại thèm nó. Sau này Bà Tư cũng cho bánh nhà tôi cũng ít dần, bù lại số tiền bà trả công cho tôi cao hơn, tôi để dành mua bút, tập và những dụng cụ cần thiết cho việc học của tôi.

Phụ Bà Tư được hơn nữa năm, tôi gần như trở thành thợ quấn nòng làm bánh, cột bánh chuyên nghiệp, lúc đó bánh dừa nhà Bà Tư bán đắc lắm, làm số lượng ngày càng nhiều, bán sang nhiều chợ ở quê, ra đến chợ huyện, lên đến chợ tỉnh…. Đến năm học cấp III, bài vở học nhiều hơn, nhưng hàng ngày tôi vẫn sang nhà Bà Tư phụ làm bánh. Năm học cuối cấp, mỗi tuần tôi chỉ sang nhà Bà Tư phụ đôi ba lần, hôm nào không sang được trong lòng tôi thấy buồn buồn sao ấy.

Thời gian tôi phụ làm bánh ở nhà Bà Tư, thấy tôi siêng năng, ý tứ trong từng việc làm, ham học hỏi, vì vậy mà ngày tôi khăn gói lên đất sài thành làm sĩ tử, tôi nhớ rất rõ, khuya tôi đi Bà Tư mang sang nhà dúi vào tay tôi một ít tiền và cho tôi hai chùm bánh dừa để dành ăn trong những ngày tôi tạm xa nhà. Ngoài người thân động viên tôi cố gắng học hành thi cử, thì Bà Tư là người đã động viên tôi về tinh thần và hỗ trợ tôi một ít vật chất, để tôi thành đạt trong việc học hành. Thấy tôi chăm học, lại siêng năng, Bà Tư thường hay động viên tôi: "Con ráng học đi, ở xứ mình còn nhiều khó khăn lắm, cũng vì do học ít và học không đến nơi đến chốn, không làm được gì đâu, con ráng học để kiếm cho mình cái nghề khác, đừng như Bà đây làm nghề này thức khuya dậy sớm cực lắm con ạ!". Lúc đó, tôi cười rồi nói: "Bà Tư ơi! Con thấy nhà Bà làm bánh ngon quá, bán được nhiều tiền, nếu cực thế này con cũng chịu". Nói là nói vậy, chứ gia đình tôi ai cũng động viên tôi phải học, rồi kiếm cho mình cái nghề để nuôi bản thân mình và còn có thể giúp cho gia đình, cũng vì học ít mà trong tính toán làm ăn gia đình tôi đã gặp không ít khó khăn. Vả lại, tôi rất mê học, ước mơ của tôi được khoác chiếc áo blu trắng hay được làm nghề gõ đầu trẻ. Vì vậy, dù thích ăn bánh dừa, thích nghề của Bà Tư đang làm, hàng ngày sang phụ nhà Bà, nhưng tôi chưa bao giờ lơi là trong việc học.

Rồi đến lúc phải rời xa quê nhà thật sự, tôi có kết quả đậu vào một Trường Đại học, tuy không phải là vào ngành nghề mình từng mơ ước, nhưng đậu vào Đại học thời đó ở xứ tôi không dễ gì kiếm được. Với tôi, gia đình tôi như vậy thì quá vinh dự rồi.

Bắt đầu hòa nhập vào môi trường mới ở đất sài thành, môi trường của những cô, cậu sinh viên tứ xứ hội tụ về. Ngày tôi chuẩn bị chính thức rời quê lên đường đi học, tôi "Bé bánh dừa" sang nhà từ giã Bà Tư, Bà vui mừng như người thân của tôi vậy. Ngày tôi đi Bà Tư sang nhà đưa 05 chùm bánh dừa để tôi xách đi, Bà nói con ráng mang bánh theo ăn và cho các bạn cùng ăn, rồi con giới thiệu bánh dừa của Bà Tư luôn. Tôi biết vừa xách hành lý, những đồ dùng cần thiết ban đầu cho “Bé bánh dừa”nhà quê như tôi lên thành phố với cả 05 chùm bánh dừa nữa thì không dễ dàng. Vì thương tấm lòng tốt của Bà Tư, vì thích ăn bánh dừa, được người thân hỗ trợ đưa đi, nên những gì chuẩn bị tôi đều cố mang đi tất cả.

Nhờ những chiếc bánh dừa của Bà Tư mà lúc đầu tôi đỡ nhớ nhà. Tôi cứ trông đến ngày được nghỉ về quê gặp người thân, sang nhà Bà Tư phụ làm bánh và ăn bánh dừa cho đã thèm luôn. Dần dần, do việc học hành, rồi quen bạn mới ở khắp nơi, tôi ít nhớ nhà hơn. Mỗi lần về quê tôi đều sang nhà thăm Bà Tư, phụ Bà làm bánh và mua vài chùm bánh dừa đem đi cho các bạn cùng phòng thưởng thức. Lần nào mua bánh của Bà Tư cũng được Bà khuyến mãi riêng tôi nửa chục. Bánh dừa nhà Bà Tư làm ngon lắm, để gần cả 03 – 04 ngày vẫn chưa hề hấn gì và gồm có các loại bánh: Bánh nhân chuối; nhân đậu xanh; bánh chuối trộn với đậu đỏ - đậu đen và dừa bâm nhuyễn; bánh dừa chay; bánh dừa trộn đậu đỏ - đậu đen .
Nhóm bạn cùng phòng với tôi là dân đủ vùng, miền, nó cũng khoái ăn bánh dừa như tôi. Cứ thế mỗi lần về quê là tôi rinh từ 03 – 05 chùm mang lên. Hôm nào nhớ nhà, nhớ đến bánh dừa là tôi kể, tôi khoe với bọn nó là tôi làm bánh dừa cừ lắm. Tôi đã kể cho bọn bạn nghe các nguyên liệu, cũng như cách làm ra thành phẩm chiếc bánh dừa ở quê tôi, mà tôi đã học được của Bà Tư. Tôi nói muốn làm bánh ngon, hấp dẫn, nếp làm bánh phải là nếp rặt, không pha lộn gạo, bánh mới dẻo. Nếp phải được vo sạch, nước không còn đục, vớt nếp ra thúng bằng tre để ráo, sau đó rưới nước từ từ nhiều lần lên nếp để hột nếp mềm. Rồi vắt dừa lấy nước cốt nhất, hòa vào ít đường cát và tí muối, rưới trộn đều vào với nếp. Trước khi làm bánh phải chuẩn bị quấn nòng, dây buộc…. Lá dùng quấn nòng làm bánh dừa là đọt non của cây lá dừa nước, quê tôi gọi cà bắp. Sau đó dùng dao rọc cọng lá và gân lá, lấy phần phiến lá quấn nòng gói bánh. Phần cọng lá dừa nước được chặt nhọn làm gim. Phần gân lá dùng làm dây buộc từng cái bánh. Gói bánh dừa phải là lá dừa nước non kết hợp với cái béo của dừa thì bánh mới thơm, ngon hấp dẫn. Hay quê tôi còn dùng lá dừa non để gói bánh dừa, lá dừa gói rất đẹp, nhưng hơi hiếm, vì để lấy lá non phải đốn cây dừa xuống mới có được.
Dừa nước Bến Tre (lá non dùng gói bánh dừa)

Về phần thực hiện gói bánh dừa tôi kể các bạn nghe quy trình gồm: Trước hết phải quấn nòng, dùng phiến lá dừa nước non quấn thành hình khối trụ, rồi cho nếp vào nòng. Tùy theo loại bánh mà ta cho nhân vào; bánh dừa có thể gói nhân đậu xanh hoặc nhân chuối, hay có thể kết hợp với đậu đen, đậu đỏ nguyên hạt trộn vào nếp. Nếu là nhân đậu xanh thì nấu chín, tánh tơi nhuyễn ra, rồi vò viên. Nhân chuối thì tùy vào khẩu vị của mỗi người mà chọn chuối vừa chín tới hay chín mềm. Đối với bánh gói có nhân, khi gói bánh cho một phần nếp vào nòng bánh trước, rồi mới cho nhân vào nằm ở giữa, rồi tiếp tục cho phần nếp còn lại vào vừa đầy nòng; đối với bánh không nhân thì đơn giản, chỉ cần cho nếp vào vừa đầy nòng là được. Bánh có nhân hay không nhân sau khi cho nếp vào nòng thì khép kín nòng lại cố định bằng gim, sau đó cột bánh bằng dây gân lá dọc theo nòng bánh. Như vậy là hoàn thành phần gói bánh. Gói bánh xong cột bánh lại từng chùm một, mỗi chùm một chục (12 cái), rồi đem bánh bỏ tất cả bánh vào nồi hấp lớn hay ở quê tôi còn gọi là cái trả, nước hấp bánh phải bỏ tí xíu phèn chua thì màu lá của bánh mới tươi và đẹp. Bánh bỏ vào hấp phải từ 05 - 06 giờ đồng hồ, bánh mới chín.

Bánh dừa gói đều và đẹp đòi hỏi người quấn nòng phải khéo tay, có thâm niên. Tôi nói với bạn để thưởng thức được chiếc bánh dừa ngon là cả một kỳ công; gói bánh dừa quay quần bên nhau, rồi pha trò cười vui vẻ với nhau sẽ có được nhiều kỉ niệm đẹp. Rất thú vị và không gì ngon bằng được ăn bánh do chính tay mình làm.
Nguyên liệu làm bánh với nhân chuối và nhân đậu xanh

Trên đất Sài Gòn, tôi cũng thấy nhiều nơi bán bánh giờ để thương hiệu “Bánh  dừa Giồng Luông – Bến Tre” hay “Bánh  dừa Bến Tre”, tôi cũng không biết là bánh dừa đó có thật sự chính hiệu chưa, đoạn đường bán nhiều nhất là trên Đại lộ Nguyễn Văn Linh. Mỗi lần nhìn thấy người ta bày bán bánh dừa là tôi thấy nhớ quê hương da diết, nhớ về tuổi thơ của mình. Có người hỏi tôi, bánh dừa Giồng Luông có khi nào? Và ai là người đã làm ra nó? Quả thật mà nói người dân quê tôi cũng không ai nhớ rõ nguồn gốc bánh dừa có từ đâu? Chỉ biết người dân quê tôi đã tận tâm thổi hồn vào chiếc bánh dừa từ khâu chuẩn bị đến nguyên liệu làm bánh và đến khi ra thành phẩm chiếc bánh dừa. Vì thế, mà chiếc bánh dừa Giồng Luông nó ngon và nổi tiếng, được nhiều người biết đến là vậy.

Bánh dừa Giồng Luông đã trở thành đặc sản của xứ dừa Bến Tre, nó góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa và sắc màu ẩm thực Việt Nam nói chung, Bến Tre xứ dừa nói riêng. Bánh dừa không chỉ người dân Bến Tre mới gói bánh ngon, mà ai cũng có thể làm được. Nhưng để nó được ngon, được nổi tiếng thì phải thật sự là người khéo tay, ham học hỏi, tận tâm với nghề và có những bí quyết riêng. Nếu có dịp ghé thăm quê hương xứ dừa hãy đến đó thử một lần nhé! Vừa  thử tài khéo tay vừa tìm về kí ức của “Bé bánh dừa”, sẵn dịp khám phá tìm hiểu “Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ, cũng như ghé thăm bia lưu niệm của Tiểu đoàn 307 “đánh đâu được đấy - oai hùng biết mấy” của bộ đội ta trong thời kỳ chống thực dân Pháp.!.

Hoàng Đạt

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Sẵn sàng vòng bán kết hội thi "Người đẹp xứ dừa" lần X

Nằm trong chuỗi hệ thống các sự kiện trong "Festival Dừa Bến Tre lần thứ III năm 2012", vòng sơ tuyển Hội thi "Người đẹp xứ dừa" lần X tỉnh Bến Tre "Cụm 01" đã chính thức khai mạc vào lúc 19 giờ ngày 30/3/2012 tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Ba Tri. Hội thi “"Người đẹp xứ dừa" lần X được xem là hoạt động đầu tiên khai hội chào mừng "Festival Dừa Bến Tre lần thứ III năm 2012".
Vòng sơ tuyển Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X “cụm 01”tại huyện Ba Tri

Sau đó ngày 31/3/2012 vào lúc 19 giờ "Cụm 02" tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Bình Đại vòng sơ tuyển tiếp tục diễn ra. Và đêm 01/4/2012 "Cụm 03" tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Chợ Lách thi diễn đêm cuối cùng của vòng sơ tuyển Hội thi "Người đẹp xứ dừa" lần X.
Vòng sơ tuyển Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X “cụm 02”tại huyện Bình Đại

Vòng sơ tuyển Hội thi "Người đẹp xứ dừa" tại 03 cụm đã có 64 thí sinh của 09 huyện, thành phố Bến Tre tham dự chính thức. Theo tin từ Ban Tổ chức Hội thi lần này có nhiều thí sinh đăng ký dự thi hơn các lần trước. Điều đó, chứng tỏ đây là một sân chơi bổ ích, lành mạnh, là nhu cầu cần thiết và thực sự mang ý nghĩa giáo dục cho mọi người hướng đến "chân - thiện - mỹ", nhất là cho lứa tuổi thanh niên. Theo qui chế vòng sơ tuyển mỗi thí sinh sẽ trình diễn trang phục áo dài và trang phục tự chọn. Qua nhận xét đánh giá của Ban Giám khảo, vòng sơ tuyển tại 03 cụm hầu hết thí sinh đều thi diễn trang phục áo dài, tự chọn rất đẹp, hài hòa; phong cách biểu diễn có sự chuẩn bị, rất tự tin, biểu diễn duyên dáng, ấn tượng. Vì vậy, mỗi thí sinh thi diễn đều được khán giả vỗ tay ủng hộ rất nồng nhiệt.

Tại các cụm thi Ban Giám khảo cũng nhận thấy phảng phất bóng dáng của "Người đẹp xứ dừa". Điều nổi trội hơn so với các lần hội thi trước là đa số thí sinh dự thi có trình độ khá cao, các em hiện đang là sinh viên của các Trường Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp nghề tại Tp Hồ Chí Minh, các Trường khu vực tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang hay thấp nhất cũng đã tốt nghiệp THPT… và một số ít là công chức, viên chức có việc làm ổn định. Điều mà Ban Giám khảo, Ban Tổ chức khá bất ngờ là các thí sinh dự thi có chiều cao trung bình 1,65m đến 1,75 m chiếm khá đông (41/64 thí sinh dự thi), số còn lại có chiều cao từ 1,60 m đến 1,64m.
Vòng sơ tuyển Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X “cụm 03”tại huyện Chợ Lách

Kết quả vòng sơ tuyển tại 03 cụm có 37 thí sinh được Ban giám khảo tuyển chọn vào thi vòng bán kết (trong đó có 01 thí sinh đặc cách vào bán kết, do đã vào chung kết Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần IX). Lần thi này, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đều thống nhất, sau khi tổ chức sơ tuyển xong tại 03 cụm chọn lấy điểm từ cao xuống thấp, rồi mới công bố thí sinh vào vòng bán kết; không công bố tại chỗ, để tạo tâm lý dễ chịu cho các thí sinh không đủ chuẩn vào vòng kế tiếp. Cũng từ nhận xét đánh giá của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, thành phố Bến Tre là đơn vị có sự chuẩn bị khá tốt, đã có tổ chức hội thi "Dáng xuân" để tuyển chọn thí sinh làm nguồn tham gia Hội thi "Người đẹp xứ dừa" lần này, do đó 06 thí sinh của thành phố Bến Tre dự thi đều được tuyển vào vòng bán kết.

Hội thi "Người đẹp xứ dừa" lần X tỉnh Bến Tre diễn ra cũng là lúc cơn bão số 01 đã hình thành ngoài biển đông và đã đổ bộ vào đất liền ảnh hưởng đến các tỉnh từ Miền Trung đến Miền Tây, trong đó có Bến Tre. Trong lúc tỉnh nhà phải lo phòng chống bão, vừa phải chuẩn bị các sự kiện “Festival Dừa Bến Tre lần III”, nhất là tại các huyện biển Ba Tri, Bình Đại được Ban Tổ chức chọn làm “Cụm 01”, “Cụm 02” tổ chức vòng sơ tuyển “Người đẹp xứ dừa”. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, với sự phối hợp nhịp nhàng của Ban Tổ chức từ tỉnh đến huyện, đã góp phần cho vòng sơ tuyển Hội thi “Người đẹp xứ dừa” tại 03 cụm diễn ra thành công. Tại 30 cụm tổ chức đều đã thu hút sự quan tâm của công chúng và rất đông khán giả đến xem, cổ vũ cho các thí sinh.

Ngày 06/4/2012 tới đây, vào lúc 19 giờ 30 vòng bán kết I  Hội thi "Người đẹp xứ dừa" lần X sẽ diễn ra tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang, trong chương trình có đan xen với biểu diễn "Thời trang dừa". Và ngày 07/4/2012 lúc 20 giờ cũng tại sân khấu này sẽ tiếp tục diễn ra vòng bán kết II kết hợp với chương trình giao lưu nghệ thuật "Giai điệu xứ dừa" của tỉnh nhà Bến Tre và các tỉnh bạn có trồng dừa được Ban Tổ chức mời tham gia.

Sau vòng thi bán kết I, II  Hội thi "Người đẹp xứ dừa" Ban Tổ chức, Ban Giám khảo sẽ tuyển chọn 15 thí sinh của Bến Tre vào vòng chung kết với 15 thí sinh của  tỉnh bạn: Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh cùng nhau giao lưu khoe sắc, thi diễn tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang vào đêm 08/4/2012 và 09/4/2012.
Sân khấu nổi Hồ Trúc Giang – diễn ra vòng bán kết
Hội thi “Người đẹp xứ dừa” lần X

Hội thi "Người đẹp xứ dừa" lần X năm 2012 tỉnh Bến Tre diễn ra trong sự chuẩn bị rập ràng, đồng nhịp của Ban Tổ chức, các cấp, các ngành có liên quan. Hy vọng vòng bán kết I, II Hội thi “Người đẹp xứ dừa” diễn ra tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang vào đêm 06 và 07/4/2012 sẽ thật sự làm mọi người ấn tượng, hài lòng từ khâu tổ chức, cùng với phần thi diễn của các thí sinh xứ dừa Bến Tre.


DANH SÁCH CÁC THÍ SINH VÀO VÒNG BÁN KẾT I, II
HỘI THI "NGƯỜI ĐẸP XỨ DỪA " LẦN X NĂM 2012
Số TT
Họ và tên
Số báo danh
Năm sinh
Địa chỉ
Nghề nghiệp
1
Nguyễn Thị Phương Uyên
012
1987
Phường 8, Tp. Bến Tre
Giáo viên mầm non
2
Ngô Thị Thùy Dương
029
1993
Thanh Phước, Bình Đại
SV năm 1 ĐH Kỹ thuật Công nghệ - Tp. HCM
3
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
027
1993
Thới Thuận, Bình Đại
SV Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh – Tp. HCM
4
Trần Minh Thư
072
1992
Phường 5, Tp. Bến Tre
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ
5
Lê Thị Diễm Thi
090
1992
Thanh Tân, Mỏ Cày Bắc
Sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Bến Tre
6
Phạm Thị Phương Thảo
001
1992
Ấp 2A, xã Thạnh Hải, Thạnh Phú
Sinh viên Trường Đại học HuText
7
Đặng Thị Thanh Huệ
066
1992
Ấp 3, Lương Quới, Giồng Trôm
SV Trường Trung cấp Y tế Bến Tre
8
Nguyễn Ngọc Kim Châu
116
1992
Xã Phú Hưng, Tp. Bến Tre
Sinh viên Trường Cao Đẳng Bến Tre
9
Trần Thị Thùy Linh
018
1992
Xã Thành An, Mỏ Cày Bắc
Sinh viên Trường Cao đẳng Bến Tre
10
Huỳnh Nguyễn Bích Tuyên
142
1990
Thị trấn Chợ Lách
Sinh viên năm 3 Trường Trung tấp nghệ số 9 tỉnh Vĩnh Long
11
Phan Thị Hồng
136
1991
Đa Phước Hội, Mỏ Cày Nam
Sinh viên Trường Cao đẳng Bến Tre
12
Châu Ngọc Anh
144
1991
Tân Thanh, Giồng Trôm
Sinh viên Trường Cao đẳng Bến Tre
13
Đỗ Hà Thanh Thảo
063
1989
Thành phố Bến Tre
Sinh viên năm 2 Đại học Tiền Giang
14
Trịnh Thu Thảo
034
1992
Xã Tiên Long, Châu Thành
Sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2
15
Nguyễn Thị Thúy An
089
1990
Vang Quới Tây, Bình Đại
SV Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre
16
Hồ Thị Xuân Hương
071
1989
Xã An Bình Tây, Ba Tri
Sinh viên Trường Cao đẳng Bến Tre
17
Phạm Thủy Tiên
035
1988
Xã Tân Phú Tây, Mỏ Cày Bắc
Nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Lan Nguyên Tp. HCM
18
Hồ Thị Yến Như
143
1988
Xã An Thủy, Ba Tri
SV Trường Trung cấp Y tế Bến Tre
19
Huỳnh Thị Trúc Huyền
096
1991
Tp. Bến Tre
SV Trung cấp dược – Tp. HCM
20
Nguyễn Thị Thùy Ngân
043
1990
Xã Sơn Phú, Chợ Lách
Sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế Tp. HCM
21
Phạm Thị Nhựt Trinh
081
1993
Xã Mỹ Thành, Châu Thành
Sinh viên năm 1 Trường Đại học Dân lập Văn Lang
22
Nguyễn Thị Hồng Nhung
045
1992
Châu Hưng, Bình Đại
SV năm 1 Đại học Công nghiệp Tp. HCM
23
Phan Thị Mỹ Linh
088
1990
Xã Thanh Tân, Mỏ Cày Bắc
Nhân viên Cty honda ôtô Kim Thanh Tp. HCM
24
Trần Thị Diễm Hương
049
1991
Bình Thới, Bình Đại
SV năm 3 Cao đẳng Văn hóa, Du lịch Sài Gòn
25
Trần Cẩm Thu
041
1992
An Qui, Thạnh Phú
SV Trường Trung cấp Y tế
26
Hồ Ngọc Bảo Trâm
108
1992
Xã Long Hòa, Bình Đại
SV năm 2 Trường Đại học Tài nguyên – Môi trường Tp. HCM
27
Nguyễn Thị Thúy Phương
016
1993
Xã Sơn Định, Chợ Lách
Sinh viên Trường Đại học Cửu Long
28
Huỳnh Thị Kim Xuyến
039
1990
Xã Mỹ Hòa, Ba Tri
SV Đại học Cần Thơ
29
Thái Thị Thùy Trang
014
1991
Long Hòa, Bình Đại
SV năm 3 Đại học Kinh tế Tp. HCM
30
Nguyễn Thị Ngọc Hân
121
1991
Xã An Ngãi Tây, Ba Tri
Nhân viên Ngân hàng Đông Á chi nhánh Sài Gòn
31
Phan Thị Tuyết An
038
1992
Xã Hưng Phong, Giồng Trôm
SV Đại học Cần Thơ
32
Phạm Thị Hạnh
017
1993
Thị trấn Bình Đại
SV năm 1 Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Tp. HCM
33
Huỳnh Thị Huyền Trân
007
1992
Tp. Bến Tre
Diễn viên múa
34
Nguyễn Thị Phương Thúy
117
1987
Xã Hòa Nghĩa, Chợ Lách
Kế toán
35
Nguyễn Thị Thúy Ái
062
1992
Xã An Thủy, Ba Tri
SV Trường Trung cấp Y tế Bến Tre
36
Trương Thị Hồng Phiến
077
1989
Xã Minh Đức, Mỏ Cày Nam
Sinh viên Trường Đại học Ngân hàng Tp. HCM
37
Lâm Thị Thúy

1990
Giồng Trôm
* TS được đặc cách vào vòng bán kết.