Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Du lịch Giáo dục “Chia sẻ mầm yêu thương”

Chia sẻ mầm yêu thương là chủ đề có một tác động tích cực rất lớn với xã hội hiện nay, tạo một hiệu quả sâu sắc với các em, mang tính giáo dục cao, thậm chí tác động đến người lớn cũng phải suy nghĩ; chương trình sẽ lồng ghép từ việc đi du lịch với nội dung giáo dục, tác động đến những đối tượng đang hình thành nhân cách, đó là điểm khác biệt mà chương trình sẽ mang lại cho những mầm tương lai. Chia sẻ tình yêu thương là chương trình du lịch kết hợp vui chơi, trải nghiệm trong chuyến du lịch kết hợp với giáo dục thanh thiếu niên dựa trên nền tảng của âm nhạc và điện ảnh nhằm khơi vậy niềm yêu thương, định hướng tích cực cho suy nghĩ và hành động của những người tham gia trong một chuyến hành trình.

Khu du lịch Phú An Khang sẽ phối hợp các trường, các ngành tổ chức loại hình du lịch mang tính giáo dục nầy trong thời gian sắp tới. Với các tour du lịch như thế nầy luôn có show 90 phút "chia sẻ mầm yêu thương", các em sẽ được giải trí, tham quan thắng cảnh đẹp, tắm biển, tham gia trò chơi dân gian, sinh hoạt nhóm, các em sẽ làm quen và tham gia chơi các nhạc cụ dân tộc, phóng thích động vật, cho thú ăn, trải nghiệm các công việc của những làng nghề, làm nông dân, làm họa sĩ, làm gốm, làm bánh, xay lúa, giã gạo,…. Chương trình đầy hấp dẫn, học mà chơi, chơi mà học để rèn cho các em đi đến con đường Chân - Thiện - Mỹ.

Các em tham gia show âm nhạc trong chương trình “Chia sẻ mầm yêu thương” (ảnh công ty Sen Việt)
Âm nhạc và điện ảnh là chìa khóa mở cửa tâm hồn, sẽ gia nhập thực tế trong một hành trình du lịch theo loại hình nầy, giúp các em tiếp cận được thấy, được nghe và tác động vào các giác quan khi tham gia. Giáo sư Trần Văn Khê đã nói" Việc cho trẻ chơi với cây song lang để biết phách, chơi trống hay đồ chơi theo kiểu bộ gỏ, tập thổi sáo, thổi kèn, hát những bài đồng dao- không chỉ giúp gắn kết mối quan hệ mà còn giúp trẻ làm quen với nhịp điệu, hiểu biết về văn hóa âm nhạc dân tộc"; nhà tâm lý học (Fran Rauscher & Gordon Shaw) Mỹ rút kết " Âm nhạc có khả năng tăng sự thông minh đặc biệt của trẻ đến 46% so với những trẻ không được lớn lên cùng âm nhạc".

Ngày nay trẻ bị mắc phải những hạn chế trong cuộc sống không lành mạnh như: vô cảm, tự kỉ, nghiện internet, nghiện điện thoại, lười lao động, hưởng thụ thực dụng, sống thử trước hôn nhân, mất định hướng, sống buông thả, chán nản, nhiều vấn nạn vi phạm pháp luật,… Theo thống kê của Bộ GD&ĐT từ năm 2009 đến 2014 có hơn 8000 học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật hình sự; 7735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau bị xử lý kỹ luật;… những vấn nạn mà bật làm cha mẹ ai cũng đều lo, đây là nổi lo lớn trong giai đoạn hòa nhập nhiều văn hóa từ các nước trên thế giới mà các em chưa có khả năng chọn lọc. Vậy thì vấn đề nguyên nhân từ đâu? Không đâu khác hơn do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa Nhà trường, Gia đình và Xã hội. Gia đình thì thiếu quan tâm, nuông chiều quá mức; Nhà trường thì nặng về kiến thức chữ hơn rèn luyện tâm lý đạo đức và nhân cách, thiếu sự phối hợp trao đổi thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình; Xã hội thì môi trường từ bạn bè xấu, phim ảnh và game online không lành mạnh, bạo lực, sự phân hóa nghèo giàu,… đầy những cám dỗ mà cha, mẹ giật mình cho tương lai của tuổi trẻ; các em cần có bàn tay yêu thương, từ đó mà chương trình chia sẻ mầm yêu thương sẽ chia sẻ nhiều trong mối quan hệ mật thiết ấy.

Các em tham gia phóng thích động vật (thả cá) (ảnh công ty Sen Việt)
Chia sẻ mầm yêu thương là loại hình du lịch mà nhà trường, các phụ huynh cần quan tâm đến việc giáo dục trong vui chơi giải trí sẽ tạo cho các bé có một ấn tượng tốt đẹp, in sâu vào tiềm thức, tạo ra kiến thức sâu rộng trong quá trình phát triển ở tuổi thơ, sẽ góp phần cho việc trang bị kỹ năng trong hành trình xây dựng kiến thức. Để liên hệ và tham gia chương trình chia sẻ mầm yêu thương tại điểm du lịch sinh thái Phú An Khang, xã Bình Phú, TP.Bến Tre (gần cầu Hàm Luông); các em sẽ trải nghiệm kết hợp tại Bến Tre hoặc sẽ tham gia những tour du lịch tại các điểm du lịch như: Green Eyes resort, Khu Đại Nam tại Bình Dương; Khu du lịch sinh thái dân tộc, Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu du lịch một thoáng Việt Nam tại Củ Chi; Khu Madagui tại Bảo Lộc; Nông trại khoai tây Ó Star, Vườn dâu, trang trại rau sạch và vườn hoa tại Đà Lạt; …

Đây là một loại hình du lịch mới có chiều hướng phát triển tích cực và phối hợp với nhà tổ chức để đưa khách ở đối tượng là thanh thiếu niên từ mọi nơi trên cả nước sẽ đến quê hương xứ dừa Bến Tre, một quê hương còn nét nguyên sơ của vùng sông nước sinh thái hấp dẫn, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều loại hình sinh hoạt cùng người dân,… sẽ là nơi trải nghiệm, giải trí, chơi mà học, học mà chơi nhằm xây dựng môi trường tốt, văn minh cho trẻ em; sẽ xoa dịu khoảng cách, vực dậy niềm tin, vun đắp tình thương cuộc sống; đồng thời duy trì cảm xúc và phát triển tư duy tích cực./.

Làng nghề dệt chiếu An Hiệp - Châu Thành một sản phẩm du lịch

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) An Hiệp được hình thành từ những năm 1950, trải qua mấy mươi năm phát triển với biết bao thăng trầm, nghề dệt chiếu truyền thống vẫn không bị mai một theo thời gian mà vẫn được bảo tồn và phát triển, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Sức sống ở làng nghề dệt chiếu truyền thống

Làng nghề dệt chiếu An Hiệp với đa dạng các sản phẩm chiếu khác nhau nhưng mặt hàng chủ lực là chiếu cói, sau này có thêm chiếu lục bình; không chỉ sản xuất các mặt hàng chiếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu mà còn là nơi sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp khác, đa dạng về nguyên liệu, phong phú về sản phẩm. Lực lượng lao động ở làng nghề không ngừng tăng lên, với hơn 50 hộ ban đầu nay đã có trên 200 hộ tham gia dệt chiếu và gần 400 hộ tham gia các mặt hàng khác, có trên 1.000 lao động. Mỗi năm, làng nghề An Hiệp sản xuất trên hàng chục ngàn m2 chiếu, hàng trăm tấn chỉ xơ dừa và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác.
Công đoạn đập dập lát để đem đi phơi khô
Theo chân đoàn làm phim phóng sự làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại Bến Tre, tôi có dịp về lại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Bây giờ, vùng đất An Hiệp đã hoàn toàn mới với những con đường tận trong các thôn ấp đã được trải bê tông phẳng phiu, những hàng dừa tỏa bóng mát dọc hai bên đường, những khu vườn với đủ các loại trái cây như: Bưởi da xanh, cam, quýt, cacao,…xanh mướt, điều kiện giao thông nông thôn của người dân ở đây đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, kinh tế- xã hội xã nhà ngày càng phát triển. Được biết, chính quyền địa phương và nhân dân xã An Hiệp đang chung tay phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới để góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, đưa kinh tế xã An Hiệp phát triển một cách bền vững. 

Theo con đường làng quanh co nông thôn, chúng tôi tìm gặp cô Nguyễn Thị Khánh, người đã gắn bó với nghề dệt chiếu từ rất lâu. Cô cho biết: “Năm nay tôi đã được 55 tuổi và gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống ở An Hiệp hơn 20 năm, lúc đầu gia đình chỉ có vợ chồng tôi làm chiếu, cuộc sống cũng gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra chỉ bỏ mối cho một vài cơ sở nhỏ lẻ, nhưng gia đình tôi quyết gắn bó với nghề chiếu, vì đây là nghề truyền thống, nên tôi quyết tâm giữ các nghề, cái nghiệp là vậy”; cô cho biết nguyên liệu chính để dệt chiếu là lát, ngoài ra còn sử dụng lục bình để dệt chiếu. Cô Khánh cho biết thêm: "Muốn làm nên một sản phẩm chiếu cói đẹp thì phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu như lựa lát, lục bình đem đi phơi khô rồi mới dệt; dệt xong thì chuyển sang khâu may biên, đem đi phơi nắng, tẩy trắng, chống mốc, sơn bóng rồi đóng gói, xuất hàng đi. 
Người nông dân cần mẫn gắn bó với nghề dệt chiếu
Ở làng nghề dệt chiếu, từ người già đến trẻ con ai cũng biết dệt chiếu; những em học sinh, sinh viên ở đây vào những ngày nghỉ hè, các em cũng tập tành dệt chiếu nhằm giữ gìn và bảo tồn cái nghiệp mà các thế hệ đi trước đã để lại. Em Nguyễn Khánh Thuy- học sinh lớp 10 cho biết: “ Cả nhà em ai cũng dệt chiếu, ngoài giờ học trên lớp, về nhà em phụ cha mẹ dệt chiếu để bán cho các cơ sở, phụ giúp gia đình kiếm tiền để trang trải cuộc sống và đóng học phí cho em, nhờ nghề dệt chiếu này mà cuộc sống của gia đình em đã khá hơn trước rất nhiều”. 

Nhiều điều kiện để phát triển du lịch

Hiện nay, du lịch Bến Tre đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, du khách ngày càng biết đến Bến Tre nhiều hơn. Đặc biệt, loại hình du lịch làng nghề đang được ưu tiên phát triển tại Bến Tre. Sở Công Thương tỉnh cũng đã tập trung hỗ trợ đầu tư về khuyến công, hạ tầng, xúc tiến thương mại, mở nhiều lớp tập huấn đào tạo nghề, kỹ năng quản lý, kiến thức hội nhập, kỹ thuật an toàn cho người dân ở các làng nghề. Ở Bến Tre, việc phát triển các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn từ lâu đã được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, đây cũng là một trong những mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới đặt ra. Vì vậy, việc ổn định và phát triển làng nghề dệt chiếu An Hiệp- Châu Thành không những góp phần xây dựng nông thôn mới mà còn có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với việc gắn liền với vùng du lịch sông nước 8 xã ven sông Tiền. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để An Hiệp vực dậy ngành kinh tế du lịch địa phương.
Du khách trải nghiệm dệt chiếu tại làng nghề dệt chiếu An Hiệp
Nếu làng nghề dệt chiếu An Hiệp được hỗ trợ vốn để các hộ sản xuất đều được đầu tư trang thiết bị kĩ thuật cho các công đoạn dệt chiếu, nâng cao hiệu suất sản phẩm, tiết kiệm thời gian, mẫu mã tạo ra ngày càng tinh xảo hơn được nhiều du khách yêu thích, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì kinh tế- xã hội của xã An Hiệp nói chung, kinh tế gia đình của các cơ sở dệt chiếu ở đây cũng được nâng cao vươn lên làm giàu một cách bền vững. Ngoài ra, các cấp các ngành quản lý, các Hiệp hội làng nghề, các nhà đầu tư cũng cần hỗ trợ, quan tâm hơn đến các làng nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là những nghề truyền thống để không mai một góp phần xây dựng các làng nghề là điểm đến hấp dẫn cho du khách khi về du lịch sinh thái miền sông nước Bến Tre./.

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Lớp tập huấn ngắn hạn về quản lý và kỹ năng Nhà hàng - Khách sạn Du lịch

Tiếp tục thực hiện chỉ thị 09/CT-TU, ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Tỉnh ủy về việc phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015 và Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt ngày 03/02/2012.

Lúc 7giờ 30 ngày 21/10/2014, tại trường Cao đẳng Nghề Đồng Khởi khai giảng lớp “Bồi dưỡng kiến thức quản lý và kỹ năng phục vụ Nhà hàng, khách sạn du lịch” do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre phối hợp tổ chức.
Khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng du lịch tại Trường Cao Đẳng Nghề Đồng Khởi
Tham gia lớp học có trên 30 học viên đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh tham dự; học viên sẽ tiếp cận nắm rõ về tổng quan du lịch, khách sạn; Quản trị nghiệp vụ lễ tân, bàn, buồng, bar;  marketing khách sạn, nhà hàng; vệ sinh an toàn thực phẩm,…. Sau khi được bồi dưỡng, học viên sẽ có kiến thức và kỹ năng cần thiết để hỗ trợ công việc hiện tại, nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ phục vụ khách du lịch./.

Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre làm việc với đoàn HĐNĐ tỉnh Vĩnh Long về phát triển du lịch

Ngày 14 tháng 10 năm 2014, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Long đã đến Bến Tre tham quan, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch của hai tỉnh; bà Huỳnh Kim Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long cùng 15 đồng chí gồm đại diện các ban của HĐND; đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Vĩnh Long và phóng viên Đài truyền hình Vĩnh Long đến quay hình và đưa tin.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long trao đổi kinh nghiệm cùng Bến Tre trong phát triển du lịch
Ông Lê Văn Em, Trưởng ban Văn hóa Xã hội cùng các thành viên HĐND tỉnh Bến Tre và đại diện Sở VHTTDL, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đón tiếp, hướng dẫn tham quan và làm việc trao đổi cùng đoàn Vĩnh Long. 
Ông Trần Duy Phương, PGĐ Sở VHTTDL Bến Tre báo cáo cùng đoàn Vĩnh Long về tình hình phát triển du lịch của tỉnh Bến Tre
Qua trao đổi, các đồng chí cũng đã nhận định du lịch Bến Tre đi sau so với các tỉnh lân cận, điển hình là phát triển sau tỉnh Vĩnh Long, tuy nhiên đến hôm nay thì sự khởi sắc và phát triển có chiều sâu, thể hiện dần tính bền vững của du lịch vùng sông nước; hai tỉnh đã trao đổi nhằm tìm hiểu lẫn nhau về những cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư cũng như về sự hỗ trợ doanh nghiệp;…, đồng thời học hỏi lẫn nhau về phát triển du lịch sông nước miệt vườn gắn với làng nghề, lễ hội, di tích lịch sử,…

Hai tỉnh đã đánh giá cao về việc hợp tác liên kết phát triển du lịch của cụm phía đông duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh) thời gian qua đã giới thiệu du khách gần xa biết đến sản phẩm du lịch “Bốn địa phương, một điểm đến”./.

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Bồi dưỡng kiến thức cơ bản về du lịch cho lực lượng đờn ca tài tử và lực lượng vận tải khách du lịch bằng xe ngựa trên địa bàn huyện Châu Thành

Thực hiện Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2012 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch; Quyết định số 624/QĐ-TCDL ngày 18/12/2012 của Tổng cục Du lịch về Ban hành Khung chương trình tập huấn nghiệp vụ du lịch cho lực lượng tham gia phục vụ khách du lịch.

Được sự cho phép của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Châu Thành, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành đã mở lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng cơ bản về hoạt động du lịch sinh thái sông nước cho lực lượng phục vụ khách du lịch trên phương tiện giao thông đường bộ, lực lượng đờn ca tài tử từ ngày 13/10 đến 16/10/2014 tại huyện Châu Thành.
Quang cảnh lớp học
Nhìn chung, do yêu cầu công việc đòi hỏi người làm du lịch phải có thái độ văn minh, lịch sự cũng như nâng cao tay nghề và thể hiện tính chuyên nghiệp trong vận chuyển khách du lịch cũng như phục vụ đờn ca tài tử cho khách du lịch, góp phần cho việc phát triển du lịch càng chất lượng và bền vững tại Bến Tre; 

Ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở VHTTDL phổ biến chương trình khung bắt buộc của Bộ VHTTDL; Ban tổ chức lớp cũng đã rút ngắn vừa thời gian lẫn nội dung cho phù hợp với công việc của đa số học viên để đảm bảo phục vụ du khách hằng ngày, cũng như trình độ nhận thức về tầm quan trọng của chương trình học giúp học viên hoàn thiện hơn trong công tác phục vụ du khách .

Đối với Bến Tre cũng đã xác định đúng hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển một cách đồng bộ, nhanh chóng và ổn định; trong đó các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Dù Du lịch Bến Tre phát triển sau so với các tỉnh lân cận nhưng với sự góp sức và sự quyết tâm của các cấp các ngành, cũng như của những người làm du lịch đã đưa du lịch Bến Tre khởi sắc dần, thu hút khách du lịch về Bến Tre ngày càng nhiều hơn.

Du lịch là một ngành kinh tế mang tính tổng hợp; tính đa ngành của hoạt động du lịch đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ, nhằm xây dựng điểm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch, tạo cơ hội phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm của địa phương… Bên cạnh đó góp phần nâng cao nhận thức của những người làm du lịch trong vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, thông qua du lịch để bổ sung và làm phong phú cho văn hóa của địa phương trong giai đoạn hiện nay. 

Sau khi kết thúc lớp học, hy vọng rằng các đối tượng tham gia lớp học sẽ có những kiến thức cơ bản nhất về du lịch để phục vụ du khách một cách tốt nhất nhằm tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi bước chân đến Bến Tre./.

Trải nghiệm cùng du lịch Teambuilding cho du khách quốc tế

Thời gian gần đây, loại hình du lịch kết hợp giữa tham quan, nghỉ dưỡng với các trò chơi tập thể, huấn luyện kỹ năng đội nhóm được nhiều du khách ưa thích. Các doanh nghiệp lữ hành tại Bến Tre đã nhanh chóng hình thành các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách nhất là du khách quốc tế đó là du lịch Teambuilding (xây dựng đội ngũ), mở ra một hướng mới đầy sôi động cho thị trường du lịch Bến Tre nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Tạo nhiều hứng thú cho du khách

Ngày 02/10/2014, công ty TNHH Du lịch sinh thái Cái Cấm đã tổ chức chương trình du lịch Teambuilding giúp du khách khám phá du lịch sinh thái sông nước Bến Tre, tham quan làng nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm loại hình du lịch “tát mương bắt cá” và tham gia các trò chơi vận động đầy hấp dẫn. Tham gia chương trình Teambuiding lần này có khoảng 170 du khách quốc tế đến từ Úc và một số nước khác như: Singapore, Trung Quốc,…

Đoàn du khách 170 người được chia thành các đội khác nhau, tập hợp thành đội hình, chọn được đội trưởng và thành viên mỗi đội phải theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên. Đây là bước khởi đầu giúp các thành viên trong cùng một đội tạo nên một không khí cởi mở, thân tình, mạnh dạn hơn và có thể chia sẻ với nhau. 
Du khách chuẩn bị xuất phát ở trạm thứ nhất chợ Tân Thạch, huyện Châu Thành
Hành trình của mỗi đội là phải vượt qua 5 chướng ngại vật ở 5 trạm trong xã Tân Thạch, huyện Châu Thành do ban tổ chức đặt ra, gồm: Chợ Tân Thạch, điểm vườn trái cây, chèo xuồng trong con rạch dừa nước, thi tát mương bắt cá ở điểm du lịch vườn dâu An Khánh, và cuối cùng là dệt chiếu truyền thống ở Tân Thạch. Ở mỗi trạm, các đội được tìm hiểu những kiến thức cơ bản bằng cách nghe người giữ trạm giới thiệu hoặc thông qua tự tìm hiểu, trên cơ sở kiến thức đó toàn đội sẽ được kiểm tra và chấm điểm. Chẳng hạn ở trạm chợ Tân Thạch, tại đây các thành viên sẽ đi chợ mua các vật dụng cá nhân cần thiết với số tiền đã được quy định sẵn trong thời gian trong vòng 15 phút. Sau đó, các đội sẽ di chuyển đến điểm vườn trái cây thi thưởng thức trái cây, mỗi đội sẽ chia làm 2 nhóm, một nhóm sẽ bịt khăn đen che mắt lại, bên nhóm kia sẽ đưa thức ăn cho nhóm bịt mắt để đón là món ăn gì, đội nào đón trúng nhiều thì sẽ đạt số điểm cao. Các đội sẽ tiếp tục di chuyển đến điểm chèo xuồng trong rạch dừa nước, mỗi chiếc xuồng sẽ chở 4 người, chèo một đoạn rạch khoảng 2km, đội nào chèo đến điểm tát mương bắt cá trước với thời gian nhanh nhất thì sẽ là đội chiến thắng.Vui, mệt và thú vị nhất có lẽ là trạm tát mương bắt cá. Các thành viên trong đội sẽ được hóa trang thành người nông dân trong trang phục áo bà ba đậm chất người nông dân Nam Bộ, thi nhau bắt cá. Mỗi đội khoảng 10 người, đội nào bắt được nhiều cá hơn trong thời gian 15 phút sẽ là đội chiến thắng ở vòng thi này. Ở trạm cuối cùng, các đội sẽ tiếp tục di chuyển đến điểm dệt chiếu tại Tân Thạch, thi dệt chiếu với nhau, mỗi đội sẽ cử ra 2 thành viên, một nam và một nữ thi nhau dệt chiếu truyền thống dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, đội nào dệt nên những chiếc chiếu cói với chiều dài dài hơn những chiếc chiếu của đội khác thì sẽ là đội chiến thắng ở vòng thi này. Tổng kết, qua 5 vòng thi đội nào đạt số điểm cao nhất, sẽ là đội chiến thắng. Cuối cùng các đội sẽ di chuyển về khu du lịch cồn Phụng tham quan cồn Phụng, kiến trúc ông đạo Dừa, cơ sở sản xuất kẹo dừa và mặt hàng thủ công mỹ nghệ trên cồn. Sau đó, đoàn sẽ dùng cơm tại cồn Phụng, kết thúc chương trình du lịch teambuilding đầy thú vị. 
Du khách quốc tế thi tát mương bắt cá tại một điểm du lịch tại Châu Thành
Trải nghiệm làm nên một sản phẩm chiếu từ các nguyên liệu sẵn có
Tiềm năng để phát triển loại hình du lịch Teambuilding

Du lịch Teambuilding được các công ty du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh khai thác từ khá sớm với mục địch gắn kết tinh thần và tạo ra các tour du lịch mang tính đoàn kết cao. Sự tương tác giữa cá nhân với tập thể, những chương trình game mang tính đồng đội đã tạo ra sức hút với du khách. Du lịch Teambuilding đã và đang trở thành giải pháp cho các doanh nghiệp, tổ chức muốn tạo ra sức mạnh gắn kết tập thể của mình. Là đơn vị tổ chức các hoạt động Teambuilding, anh Trì Văn Nghiệp - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cái Cấm cho biết: “Đây là lần đầu tiên công ty chúng tôi tổ chức chương trình Teambuilding cho du khách quốc tế nên khâu chuẩn bị cho các hoạt động Teambuilding cũng như các điểm tham quan kết hợp chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo, lên kịch bản chương trình các hoạt động, chúng tôi đã có những trao đổi, tìm hiểu tùy theo số lượng và nhu cầu của khách để có những kịch bản phù hợp. Lần này, chúng tôi tổ chức chương trình với khoảng 170 du khách quốc tế. Mỗi người một cá tính khác nhau, nhưng nhờ các kỹ năng cá nhân kết hợp với tinh thần đồng đội, họ đã giúp nhau vượt qua các trò chơi mang tính tập thể cao. Cái hay của teambuilding không chỉ mang lại tâm lý thoải mái, giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc hằng ngày mà thông qua mỗi hoạt động, người chơi sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, sau mỗi hoạt động đều có một thông điệp hay bài học được rút ra”.

Teambuilding là một loại hình hỗ trợ cho du lịch MICE, là một loại hình du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng và triển lãm. Bến Tre là một tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sông nước miệt vườn, nhiều làng nghề thủ công truyền thống được bảo tồn và phát triển mang đậm bản sắc văn hóa sông nước miệt vườn, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, có nhiều khách sạn từ một đến ba sao như: Khách sạn Hàm Luông, Khách sạn Việt Úc, khách sạn Sao Mai, khu Forever Green Resort, khu nghĩ dưỡng Mỹ An, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Đồng Khởi Palace, Khách sạn Dừa đạt chuẩn 4 sao đang được đầu tư xây dựng… đáp ứng được nhu cầu của hội thảo, hội nghị quốc tế, do đó tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị lữ hành tạo những sản phẩm du lịch không chỉ cho khách trong nước mà cả khách quốc tế để Bến Tre luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn./.

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Thành phố Bến Tre khai giảng lớp tập huấn "Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ du lịch" năm 2014

Sáng ngày 7/10/2014 tại khu du lịch Phú An Khang, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Bến Tre đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre tổ chức khai giảng lớp tập huấn "Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ du lịch" cho các phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, cán bộ Văn hóa- Xã hội, cán bộ đoàn thanh niên ở 03 xã: Nhơn Thạnh, Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, nhân viên các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng- khách sạn trên địa bàn thành phố Bến Tre. Đến dự khai giảng lớp tập huấn có ông: Trần Duy Phương- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre; ông Trần Khánh Dư - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre; đại diện lãnh đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre, lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ; lãnh đạo phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Bến Tre.
Quang cảnh lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ du lịch tại thành phố Bến Tre năm 2014 
Lớp tập huấn diễn ra trong thời gian 03 ngày từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10 năm 2014, thu hút khoảng 45 học viên. Theo chương trình lớp học, các học viên sẽ được các báo cáo viên cung cấp những kiến thức cơ bản về 5 chuyên đề chủ yếu: Một số vấn đề chung về lịch sử - văn hóa, tình hình kinh tế- xã hội của Việt Nam và tỉnh Bến Tre trong thời gian qua; hệ thống chính trị Việt Nam và cập nhật những văn bản vi phạm pháp luật mới điều chỉnh được ban hành trên lĩnh vực du lịch; kiến thức cơ sở ngành, tổng quan về du lịch và dịch vụ du lịch; cung cấp những thông tin chung về điểm du lịch, tâm lý du khách và kỹ năng giao tiếp trong du lịch; những kiến thức chung về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong phục vụ ăn uống cho du khách.
Đồng chí Trần Khánh Dư- Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre phát biểu khai giảng lớp tập huấn du lịch
Phát biểu khai giảng lớp học, ông Trần Khánh Dư - Phó Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre nhấn mạnh: "Thành phố Bến Tre có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái sông nước đặc biệt là 03 xã vùng ven phía Nam thành phố Bến Tre, là địa bàn trung tâm và là nơi tổ chức nhiều lễ hội lớn của tỉnh, hàng năm thu hút rất nhiều du khách về dự hội nghị, hội thảo nên thành phố Bến Tre cần đẩy mạnh phát triển du lịch và xem đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Vì vậy, nguồn nhân lực du lịch của thành phố cần được tập huấn nâng cao kiến thức về quản lý du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố trong giai đoạn sắp tới, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch thành phố nói riêng và ngành du lịch Bến Tre nói chung". 

Đồng chí phó chủ tịch hy vọng trong thời gian ngắn ngủi chỉ trong 03 ngày nhưng trên tinh thần học tập nghiêm túc, sáng tạo các học viên sẽ tiếp thu đầy đủ các kiến thức cơ bản nhất mà các báo cáo viên đã truyền đạt để ứng dụng vào quá trình công tác của mình nhằm đạt kết quả cao nhất, nâng cao kỹ năng nghề du lịch, góp phần đưa ngành du lịch Bến Tre phát triển bền vững.

Kết thúc khóa tập huấn, các học viên sẽ được ban tổ chức lớp học tổ chức bế giảng và trao giấy chứng nhận do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cấp./.

Khám phá du lịch miệt vườn Chợ Lách (Bến Tre) nơi được mệnh danh là “Vương quốc cây giống và hoa kiểng”

Huyện Chợ Lách, vùng đất đầu nguồn nước ngọt của tỉnh Bến Tre, nơi giao thoa giữa hai dòng sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông, thiên nhiên đã tạo nên tất cả những gì thuận lợi nhất để Chợ Lách trở thành một trong những vùng chuyên canh cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về Chợ Lách, du khách sẽ thỏa sức đắm mình vào không gian sông nước hữu tình, thưởng thức trái cây miệt vườn với nhiều loại cây trái ngon như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi, bòn bon,... , thưởng thức ngay tại vườn sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ cho một chuyến khám phá du lịch miệt vườn Chợ Lách.

Về với xứ sở “cây lành trái ngọt”

Bến Tre có 63.000ha dừa, chiếm trên 1/3 diện tích dừa cả nước và trên 33.000ha cây ăn trái, tập trung nhiều nhất là huyện Chợ Lách. Chợ Lách được biết đến như là “vương quốc trái cây, cây giống và hoa kiểng”, ngành du lịch của huyện đã không ngừng phát triển, hàng năm đón trên 200 ngàn lượt khách tham quan, đặc biệt trong Ngày hội Cây-trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre được tổ chức tại huyện Chợ Lách ( mùng 5/5 âm lịch) đón trên hàng chục ngàn lượt khách tham quan, thưởng thức và mua sắm. Chính vì vậy, phát triển du lịch của huyện Chợ Lách được xem là một khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Trong đó, chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng và du lịch homestay,…; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong tỉnh không ngừng đẩy mạnh phát triển điểm đến, xây dựng tour, tuyến du lịch về Chợ Lách với các sản phẩm du lịch đa dạng nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của du khách.

Đến huyện Chợ Lách, du khách sẽ đi từ hai hướng: Một là đi từ Vĩnh Long, qua phà Đình Khao đi 13km sẽ đến thị trấn Chợ Lách; hướng thứ hai là từ thành phố Bến Tre, xuôi theo quốc lộ 57 khởi hành đi Chợ Lách, du khách sẽ ghé các điểm vườn kiểng, cây giống của làng nghề “Hoa kiểng cây giống Cái Mơn” tham quan mô hình kiểng thú và kiểng lá với nhiều sản phẩm đa dạng, độc đáo thể hiện nét tài hoa của người nông dân vùng đất này. Ở đây, có rất nhiều sản phẩm kiểng hình như: bộ 12 con giáp, nhà cây xanh, lục bình, ấm trà, … .Mỗi năm, làng nghề “Hoa kiểng cây giống Cái Mơn” cung cấp cho cả nước hàng trăm loại cây giống hoa kiểng và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản...
Nghề cây giống và hoa kiểng là một sản phẩm du lịch độc đáo đối với du khách khi về du lịch miệt vườn Chợ Lách
Theo con đường hoa kiểng Nam Kinh-Vĩnh Bắc, du khách sẽ được ngắm nhìn dọc theo hai bên đường là những vườn cây giống và hoa kiểng rất đẹp, từng hàng kiểng, liếp hoa đua nhau khoe sắc đẹp lung linh dưới ánh nắng vàng buổi sáng bình minh. Dừng chân tại các điểm vườn sầu riêng, chơm chơm, măng cụt, … du khách sẽ tham quan vườn cây đua nhau cho trái với mùa nào trái ấy, du khách có thể ăn trưa ở các điểm dừng chân nơi đây với nhiều món ăn dân dã miệt vườn hấp dẫn như: cháo gà ta thả vườn, cá tai tượng chiên xù, bánh xèo hến, canh chua cá bông lao,…

Đến đây, du khách sẽ bị cuốn hút trước những vườn sầu riêng trĩu quả, chôm chôm chín đỏ, vườn dâu xanh ngắt, vườn măng cụt, bòn bon, cam, quýt, bưởi, nhãn che khuất cả lối đi. Du khách có thể vào tận vườn tự hái và thưởng thức những trái chín thơm ngon, nghe chủ vườn giới thiệu và hướng dẫn cách chăm sóc từng loại cây để có được những vụ mùa trái cây đạt năng suất, chất lượng cao cung cấp cho thị trường cả nước. 
Một vườn sầu riêng cơm vàng hạt lép ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre
Dừng chân ở xã Vĩnh Thành, du khách còn có dịp tham quan nhà thờ Cái Mơn - một trong những nhà thờ cổ xây dựng năm 1872 lớn nhất Nam Bộ, nơi sinh hoạt tôn giáo của hơn 90% cư dân Cái Mơn. Đối diện nhà thờ Cái Mơn là nhà bia tưởng niệm nhà bác học Trương Vĩnh Ký, một trong những nhà bác học nổi tiếng thế giới vào thế kỷ 19, thông thạo 26 ngoại ngữ và có 118 tác phẩm được xuất bản. 

Đến Thị trấn chợ Lách, du khách được du thuyền trên sông Cổ Chiên với khung cảnh sông nước hữu tình, hai bên là những vườn trái cây, du khách sẽ tham quan khu bảo tồn ốc gạo Phú Đa, tản bộ trên con đường quê, tham quan cơ sở nuôi ong mật, thưởng thức tách trà mật ong và mua đặc sản mật ong về làm quà.

Trải nghiệm thưởng thức đặc sản địa phương
Đặc sản bánh xèo hến luôn hấp dẫn du khách
Về Chợ Lách, ngoài việc được thưởng thức trái cây miệt vườn, tham quan các cơ sở cây giống và hoa kiểng thì du khách còn được thưởng thức các đặc sản địa phương độc đáo. Mỗi năm, xứ này đón khách đổ về vui chơi miệt vườn, thưởng thức tài nghệ của nông dân có bàn tay vàng trong các món ăn đặc sản như bánh xèo hến, ốc gạo cồn Phú Đa và nghe đờn ca tài tử Nam bộ nơi vùng sông nước miệt vườn. 

Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng hoàn thiện, khách du lịch về với huyện Chợ Lách ngày một đông hơn, mỗi khi đến mùa ốc gạo thì khách đến cồn Phú Đa đông hơn rất nhiều, họ đến đây để tham quan cồn, thưởng thức đặc sản ốc gạo Phú Đa. Ngoài ra, du khách cũng có thể thuê xe đạp khám phá du lịch vườn, đạp xe trên những con đường làng rợp bóng cây, tìm hiểu về cuộc sống của người dân xứ vườn, nét văn hóa cũng như phong tục tập quán của cư dân xứ cù lao. Đến huyện Chợ Lách, du khách cũng có thể tham gia loại hình du lịch homestay, tìm hiểu về những nét văn hóa địa phương xứ sở cây trái và hoa kiểng.

Hằng năm, huyện Chợ Lách đón trên 200.000 lượt khách đến tham quan, thưởng thức trái cây miệt vườn và mua các sản phẩm hoa kiểng các loại. Hiện tại, toàn huyện Chợ Lách có khoảng 30 cơ sở lưu trú, 17 cơ sở phục vụ ăn uống du lịch. Ngoài các điểm du lịch đã được hình thành trước đây như: Việt Hải, Năm Công, Ba Ngói, Tám Lộc, Ba Phúc, vườn xoài Thanh Sơn,…thì một số điểm mới hình thành và phát triển trong thời gian gần đây như: Đại Lộc, Bảy Thảo, Năm Vũ, Năm Hiền,... với các loại hình tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề hoa kiểng Cái Mơn, du lịch homestay, thưởng thức mật ong, du lịch trên sông, trải nghiệm khám phá cồn Phú Đa, thưởng thức các món ăn đặc sản của miền Tây,… đều thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. 

Chợ Lách với ưu thế vườn cây ăn trái, hoa kiểng phong phú, cùng cảnh quan sinh thái miệt vườn hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng vùng sông nước Cửu Long. Chợ Lách đang dần khẳng định vị trí và thương hiệu không chỉ trên bản đồ du lịch của Bến Tre mà còn của vùng Nam Bộ và cả nước. Với những điều kiện như vậy huyện Chợ Lách sẽ phát triển du lịch bền vững cho Chợ Lách nói riêng và du lịch Bến Tre nói chung sẽ là điểm đến hấp dẫn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long./.

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia thuộc nhóm nghề Du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BVHTTDL quy định các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia thuộc nhóm nghề du lịch. Để triển khai thực hiện Bộ VHTTDL đã tổ chức lớp tập huấn tại khu vực phía Nam cho các đối tượng là lãnh đạo Sở VHTTDL, Nghiệp vụ du lịch, quản lý lưu trú và các trường đào tạo nghề du lịch từ Quảng Nam trở vào đến Cà Mau.

Ngày 01- 03/10/2014 tại TP.Cần Thơ đã diễn ra lớp tập huấn với sự tham gia của 120 học viên; Bến Tre có ông Trần Duy Phương PGĐ Sở VHTTDL cùng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Trường Cao đẳng Bến Tre và Nhà hàng – khách sạn Hàm Luông tham dự.

Quang cảnh lớp tập huấn triển khai thực hiện các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia thuộc nhóm nghề du lịch
Khóa tập huấn tập trung vào các nội dung chủ yếu của 8 tiêu chuẩn nghề như: Quy trình nguyên tắc xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; Tổng quan tình hình các tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong lĩnh vực du lịch; Giới thiệu Thông tư 01/2014/TT-BVHTTDL ngày 15/01/2014 của Bộ VHTTDL về 8 tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch đối với nghề dịch vụ nhà hàng; kỹ năng chế biến món ăn; hướng dẫn du lịch; quản trị khách sạn; quản trị lữ hành; quản trị khu resort; quản trị du lịch MICE; quản trị du lịch giải trí, thể thao và việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia vào xây dựng chương trình; đánh giá kỹ năng nhân lực du lịch./.

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

“Du lịch Bến Tre điểm mới và hấp dẫn”

Đó là chủ đề của buổi tọa đàm ngày 26 tháng 9 năm 2014 do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre (TTXTDL) chủ trì tổ chức nhằm họp mặt các nhà quản lý du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch của các địa thương trên toàn tỉnh.

Hưởng ứng Ngày Du lịch Thế giới ngày 27 tháng 9 năm 2014 với chủ đề “Du lịch và sự phát triển của cộng đồng”, với chủ đề này làm nổi bật tiềm năng của ngành du lịch là mang lại những cơ hội mới cho cộng đồng để phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống tốt đẹp hơn trên khắp thế giới, nhấn mạnh vai trò then chốt của cộng đồng trong việc thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững. Du lịch là một hoạt động kinh tế cơ bản của con người được hình thành bởi tương tác xã hội và chỉ thành công nếu giúp cư dân địa phương thông qua việc đóng góp cho các giá trị xã hội như: tham gia, giáo dục và hỗ trợ chính quyền địa phương. Đồng thời, sẽ không có một ngành du lịch đích thực nếu sự phát triển đó đe dạo đến giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương hay các lợi ích kinh tế xã hội được tạo ra bởi ngành du lịch mà không đến được với cộng đồng.

Nhân kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới năm nay,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức tọa đàm với chủ đề: Du lịch Bến Tre điểm mới và hấp dẫn. TTTTXTDL đã tổ chức buổi tọa đàm với sự tham gia gần 90 đại biểu, đại diện cho Văn Phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;  lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre; Trung tâm TTXTDL các tỉnh liên kết như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh; lãnh đạo các phòng VHTT các huyện, thành phố; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; các trường Cao đẳng, trung học đào tạo nghề du lịch của tỉnh; các phóng viên báo, đài để đưa tin.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Bến Tre không ngừng phát triển, đặc biệt là sau khi có Chỉ thị 09/CT-TU và Đề án Phát triển du lịch Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015, qua sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Phát triển Du lịch, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành du lịch. Nhìn chung,  việc triển khai chỉ thị và thực hiện đề án du lịch đã tạo sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp; các đơn vị lồng ghép vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị hỗ trợ đẩy mạnh phát triển du lịch. Các huyện, thành phố có xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch phát triển du lịch, tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy cộng đồng dân cư tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Cơ sở hạ tầng xã hội ngày càng hoàn chỉnh; cơ sở kinh doanh du lịch, sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng và chất lượng có nâng lên. Các năm qua, tổng thu từ khách du lịch, lượng khách du lịch tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, kết quả phát triển du lịch qua các năm, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của chúng ta. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch qui mô nhỏ, chưa có doanh nghiệp du lịch đủ mạnh để làm chủ đạo tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch; sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng có nâng lên nhưng chưa cao; lao động ngành du lịch chưa chuyên nghiệp; dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chưa phong phú, đặc biệt là các dịch vụ du lịch cao cấp; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch có nhiều tiến bộ nhưng cần phải tăng cường hơn nửa. Những hạn chế trên, ngoài những nguyên nhân chủ quan, còn do xuất phát điểm từ nền kinh tế thấp, ngành du lịch còn non trẻ so với các địa phương trong nước.

Để ngành du lịch Bến Tre có tốc độ phát triển nhanh hơn, đủ khả năng cạnh tranh các địa phương trong vùng, những nhà làm du lịch còn phải nổ lực nhiều hơn nữa trong công tác xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư du lịch, tạo ra sản phẩm mới, tour tuyến mới; để từng bước phát triển ở từng địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung; tọa đàm đã tập trung mổ xẻ các vấn đề như:

- Về đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch: Các địa phương đề xuất các sản phẩm du lịch mới; các huyện Châu Thành, Chợ Lách, TP.Bến Tre… nên phát triển sản phẩm du lịch mới là gì? để phù hợp với tiềm năng du lịch từng địa phương.

- Về phương tiện vận chuyển nội vùng: đề xuất phương tiện thay thế xe hoa lâm trong việc vận chuyển khách du lịch; xe ngựa, đò chèo nên cải tiến như thế nào để đảm bảo an toàn, lịch sự, đồng thời tạo mỹ quan cho môi trường du lịch.

- Về dịch vụ vui chơi - giải trí và ăn uống cần phát triển loại hình vui chơi giải trí nào, ăn uống nên phát triển như thế nào để phục vụ khách lưu trú; nhất là du khách vui chơi giải trí, ăn uống về đêm ở từng địa phương.

- Về hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch, các địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, Ban Quản lý Di tích quan tâm hơn, tăng cường hơn về ấn phẩm, brochure, đĩa DVD gởi về Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch để đồng hành cùng Trung tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hình ảnh về đất và người của Bến Tre, về nét văn hóa đặc thù của tỉnh trong những lần tham gia xúc tiến tại các sự kiện trong và ngoài nước.

Các đại biểu đã phát biểu một cách thẳng thắn, cụ thể; gợi mở các giải pháp xác thực giúp cho việc định hướng phát triển bền vững, nhằm triển khai chi tiết về thực hiện tiếp tục Chỉ thị 09 của Tỉnh Ủy; tạo điều kiện ngành du lịch Bến Tre có tốc độ phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó TTXTDL của các tỉnh liên kết trong cụm phía Đông duyên hải ĐBSCL cũng đã phát biểu những vấn đề gắn kết các DN lữ hành về kết nối tour tuyến làm sao trở thành thương hiệu Bốn địa phương một điểm đến nhằm giới thiệu đến du khách gần xa nhằm phá giải những suy nghỉ sản phẩm trùng lấp trong khu vực để du lịch Bến Tre cũng như du lịch của cụm phát triển một cách thiết thực.
Đơn vị Cồn Phụng (Đại diện đơn vị tiêu biểu ĐBSCL) nhận bằng khen của Bộ VHTTDL
Những cá nhân nhận kỷ niệm chương của Bộ VHTTDL
Trong buổi tọa đàm cũng vinh danh những tập thể và cá nhân có thành tích trong thời gian qua về sự cống hiến đối với ngành du lịch tỉnh nhà; đã trao bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cho đơn vị Cồn Phụng là đơn vị tiêu biểu của Đồng bằng Sông Cửu Long và trao kỷ niệm chương cho chín cá nhân trong ngành du lịch của tỉnh. 

Ông Trần Duy Phương - PGĐ thường trực Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch đã đánh giá cao kết quả đạt được thời gian qua và sự thành công của tọa đàm góp phần cho việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015 mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt./.

Lễ hội Dừa lần IV - năm 2015

Tỉnh Bến Tre được gọi là xứ dừa bởi có khoảng 63.000ha dừa, chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước; ngành dừa luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, tỉnh có tổ chức lễ hội dừa nhằm tôn vinh giá trị cây dừa và động viên thúc đẩy cho cây dừa phát triển; tỉnh đã nâng tầm lễ hội cấp tỉnh lên Festival Dừa cấp quốc gia lần III vào năm 2012 và Lễ hội Dừa lần IV năm 2015 sẽ tổ chức với qui mô lớn vào tháng 4 năm 2015.

Thật vậy! dừa Bến Tre đã là rừng dừa và được mệnh danh là quê hương xứ dừa của ba dải cù lao đầy màu mỡ do sự bồi đắp của bốn dòng sông (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên) thuộc sông Mekong (sông Cửu Long); thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất nầy thích nghi với cây dừa phát triển xuyên suốt trong ba vùng sinh thái tại Bến tre là mặn, lợ và ngọt. Cây dừa đã đồng hành cùng người dân Bến Tre từ bao đời nay, nó đã gắn bó với người dân và chiến sĩ Bến Tre qua các cuộc kháng chiến và cả trong thời kỳ xây dựng quê hương giàu đẹp.
Khai mạc Festival Dừa lần III năm 2012
Năm 2014 dừa Bến Tre đã thu hoạch đạt trên 500 triệu trái; giá trị sản xuất các sản phẩm từ dừa chiến hơn 15% tổng giá trị công nghiệp toàn tỉnh; sản phẩm dừa đã xuất khẩu trên 68 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhằm phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả về kinh tế của ngành dừa, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa đến mọi vùng, mọi miền trên đất nước và trên cả thế giới; Bến tre đã tổ chức thành công trong những kỳ lễ hội trước và nhất là festival dừa lần III , đã nhận được chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương, sự ủng hộ các tỉnh, doanh nghiệp, nhân dân địa phương trồng dừa trên phạm vi cả nước và doanh nghiệp nước ngoài trong cộng đồng dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC).
Bế mạc Festival Dừa lần III năm 2012
Phát huy những thành quả của các kỳ lễ hội, đồng thời xác định vị thế ngành dừa và các sản phẩm từ dừa Bến Tre nói riêng, của Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới, phát triển ngành dừa trong giai đoạn hội nhập và giới thiệu quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước; được Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ hội dừa lần IV năm 2015.

Dự kiến từ ngày 07- 13 tháng 4 năm 2015, lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 7/4/2015 tại sân vận động Bến Tre cùng chuỗi hoạt động trong chương trình Lễ hội trên địa bàn tỉnh như:

- Triển lãm hội chợ;
  • Triển lãm các thiết bị công nghệ Techmart - 2015, giới thiệu các thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến phục vụ cho ngành dừa; 
  • Triển lãm các sản phẩm dừa và hội chợ thương mại, trình bày giới thiệu, mua bán các sản phẩm chất lượng được sản xuất trong nước;

- Hội thảo: cây dừa với sức khỏe con người, trao đổi thông tin những nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp sản xuất chế biến, nhà vườn,… trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài;

- Không gian dừa (Con đường dừa) với những chất liệu bằng dừa, bố trí các cụm tiểu cảnh hài hòa, ấn tượng, có tính nghệ thuật cao, mang đậm chất dân gian xứ dừa. Tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật về dừa.;
Một góc của không gian dừa trong Festival Dừa lần III năm 2012
- Liên hoan ẩm thực dừa Nam bộ, giới thiệu nét đặc sắc của nghệ thuật ẩm thực và các món ăn, thức uống truyền thống đặc sản Nam Bộ, đặc biệt là ẩm thực từ dừa,… do các công ty, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở du lịch trong và ngoài tỉnh tham gia;

- Tuần lễ văn hóa, nghệ thuật - du lịch:

  • Phát động sáng tác văn thơ Bến Tre mở rộng;
  • Hội thi thời trang dừa;
  • Hội thi “Người đẹp xứ dừa” mở rộng các tỉnh có dừa;
  • Các hoạt động giao lưu văn hóa;
  • Đêm nhạc “Giai điệu xứ dừa”;
  • Đua xuồng trên sông Bến tre;
  • Du lịch “Lung linh sông nước” và tổ chức các tour du lịch trên địa bàn tỉnh

- Vui hội làng dừa (Ngày hội dân cư xứ dừa) trên các địa phương toàn tỉnh.

Lễ hội sẽ tôn vinh cây dừa là “Cây của sự sống” và góp phần trong bối cảnh biến đổi khí hậu vùng đồng bằng ven biển mà xã hội đang quan tâm; khuyến khích nông dân trồng dừa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre, văn hóa Bến Tre; nâng cao giá trị và tầm quan trọng của ngành dừa, hướng đến phát triển bền vững và từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia. Đặt biệt là sự phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn của quê hương xứ dừa trên mảnh đất ba dải cù lao đầy thơ mộng./.