Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Khách sạn Dừa - Cơ sở lưu trú mới phục vụ du lịch

Hotel - Restaurant & Resort, một dự án được đầu tư xây dựng với qui mô 80 phòng nghỉ, kết hợp nhà hàng độc lập sang trọng gắn với khu resort ven sông đi đưa vào hoạt động trong giai đoạn chờ thẩm định và cấp chứng nhận của Tổng cục Du lịch.

Vàm sông Bến Tre giáp với sông Hàm Luông (một trong chín cửa sông đổ ra biển Đông) là nơi trước đây bến phà Hàm Luông đã ngày đêm lưu thông đưa khách về cù lao Minh (một trong ba cù lao đã hình thành nên tỉnh Bến Tre) gồm các huyện trong tỉnh như Thạnh Phú, Mỏ Cày và Chợ Lách hoặc đi đến các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Trà Vinh. Cũng trên đoạn sông nầy, đội Đặc Công Thủy do anh hùng liệt sĩ Hoàng Lam năm xưa đã nhận chìm nhiều hạm Mỹ trong thời chiến tranh chống Đế Quốc xâm lược. Hôm nay, khách sạn Dừa đặt tại một góc của vàm sông nầy (cách Trung tâm Thành phố Bến Tre về hướng Tây 3km, được kết hợp hài hòa giữa khách sạn, nhà hàng và resort mang nét đặc trưng của xứ dừa nằm bên dòng Hàm Luông êm đềm đầy thơ mộng và huyền tích.
Mặt trước khách sạn Dừa Bến Tre (Coconut hotel)
Đến Coconut hotel, du khách sẽ cảm nhận sự ân cần, hiếu khách đúng theo nét miền Tây; nội thất được thiết kế từ chất liệu bằng dừa tạo cho không gian vừa ấm cúng, vừa sang trọng, mang nét độc đáo riêng của quê hương Xứ Dừa. Phòng hội nghị hiện đại, trang trọng để tổ chức những cuộc Hội nghị và lãng mạng khi tổ chức tiệc cưới; phòng ăn riêng được bố trí theo phong cách Á, Âu hòa quyện; phòng GYM sẽ giúp rèn luyện sức khỏe trong những chuyến trải nghiệm du lịch. Đặc biệt là hồ bơi nằm hướng ra sông Hàm Luông thoáng mát, khu SPA chăm sóc sức khỏe cho quý khách tạo sự thư giãn trong suốt thời gian nghỉ ngơi.
Mặt sau khách sạn Dừa, hướng về góc vàm sông Hàm Luông
Đến với miền Tây Nam bộ, đặc biệt là quê hương xứ dừa, là tỉnh đã đại diện cho miền sông nước; một vùng đất nguyên sơ phù hợp với du lịch sinh thái miệt vườn. Với chuyến hành trình tham quan, trải nghiệm những làng nghề truyền thống như làng nghề hoa kiểng - cây giống Cái Mơn, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, … tất cả đều đã xuất hiện hàng trăm năm qua mà nay vẫn còn lưu giữ. Du khách sẽ trải nghiệm những vùng ngập mặn hay tham quan những vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm, với mùa nào là trái ấy. Những di tích lịch sử đã di ấn trong lòng người đầy cảm xúc với của những danh nhân yêu nước như: Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Văn Trị, Trương Vĩnh Ký,…; đặc biệt là thưởng ngoạn trong rừng Dừa mà được mệnh danh là quê hương Xứ Dừa với một diện tích hơn 1/3 diện tích dừa cả nước, đã che phủ một màu xanh trên khắp các huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre.

Sau những ngày hành trình trên đất Bến, du khách sẽ được dừng chân nghỉ ngơi, đón gió Sông Hàm tại khách sạn Dừa (Coconut Hotel). Đây là một khách sạn đã đầu tư trên 150 tỉ đồng, với dự án 4 sao. Là dự án góp phần trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh trong giai đoạn phát triển hiện nay. Thời gian qua Bến Tre có sự chuyển biến rõ nét về đầu tư cơ sở hạ tầng; một số cơ sở vật chất phục vụ du lịch có qui mô khá và hiện đại được hoàn thành đưa vào khai thác có hiệu quả và nổi bật như: Khách sạn Việt Úc; Forever Green Resort; Trạm dừng chân Phú An Khang; Đồng Khởi Palace;… nay Coconut Hotel ra đời tạo thêm sản phẩm du lịch mới góp phần cho du lịch Bến Tre có nhiều cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tốt nhằm phục vụ cho đối tượng khách có nhu cầu theo hướng chất lượng cao. Hiện tại cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh là 68 cơ sở, có tổng cộng 1.360 phòng trong đó có 8 khách sạn từ 1 đến 4 sao, đủ đáp ứng trên 2.000 khách trú lại tại Bến Tre./.

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Du lịch Bến Tre và Cụm duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long

Trong xu thế du lịch hiện nay, việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng để tạo nhiều sản phẩm đặc trưng nhằm thu hút du khách và phát triển du lịch bền vững.

Cụm du lịch duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, một phần châu thổ sông Mêkong rộng lớn và trù phú, gồm 05 tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh với diện tích tự nhiên gần 14.000km2, dân số khoảng 6.5 triệu người. 

Đây là vùng kinh tế, văn hoá, chính trị quan trọng của khu vực phía Nam, nằm giữa thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; là 02 cửa ngõ quốc tế thuận tiện cho giao thương với các tỉnh và nước ngoài. Sông nước, đất đai của cụm 5 tỉnh này với tiềm năng du lịch, độc đáo, không giống với vùng miền nào của cả nước, mang đầy đủ các loại hình sinh thái mặn, ngọt, lợ, rừng tràm nước ngọt và rừng bần, đước nước mặn… nên bản thân nó đã mang tính đa dạng sinh học cao; thực sự là bức tranh tuyệt đẹp với khí hậu ôn hoà, con người thân thiện và nồng hậu.

Xét về vị trí địa lý, Bến Tre nằm ngay trung tâm điểm của cụm nên rất thuận lợi trong việc đón, phục vụ và lưu giữ du khách từ các trung tâm du lịch trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Các dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú đều được xem là rất hợp lý, cả về không gian và thời gian, khi thực hiện các chương trình du lịch đặc thù xuyên 5 tỉnh của cụm du lịch phía đông ĐBSCL.

Vùng đất làm say lòng du khách được ôm ấp bởi 4 dòng sông hiền hòa, mang nặng phù sa bồi đắp: Sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Hệ thống sông ngòi chằng chịt là thiên đường của du lịch sông nước miệt vườn; được mệnh danh là “xứ dừa” với trên 63.000 ha và “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn - Chợ Lách; là một trong những cái nôi cây ăn trái và cây giống của Nam bộ,…. Nhiều di tích lịch sử như nhà truyền thống Đồng khởi, Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, khu tưởng niệm và mộ phần các danh nhân Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản,… Những điệu hát, câu hò, hát sắc bùa, cải lương mang đậm sắc thái vùng sông nước miền Tây. Đến Bến Tre, du khách thỏa sức trãi nghiệm qua nhiều làng nghề hoa kiểng, cây giống; làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa Bến Tre… hay thực phẩm bánh, mức, mỹ phẩm… cho đến các loại hàng thủ công mỹ nghệ làm từ dừa do các kỹ sư và nghệ nhân xứ dừa chế biến. 

Sau khi tham quan du lịch, du khách không thể bỏ qua các món ăn xứ dừa - loại hình văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo, không thể đụng hàng với bất cứ xứ sở nào. Thực khách vẫn thích món khai vị cháo dừa (gạo nấu với nước cốt dừa và cá lóc). Các món ăn khoái khẩu gồm: Gỏi củ hũ dừa tôm thịt, ốc xào nước cốt dừa, chuột dừa nướng, bí hầm dừa, lươn um nước cốt dừa và đặc biệt là cơm dừa ( gạo nấu trong trái dừa) ăn nóng với tép rang dừa không thể quên. Nước dừa là thức uống giải khát thơm ngọt và rẻ tiền. Tráng miệng mứt dừa hay bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc vừa béo vừa xốp và thơm… là đặc sản, niềm tự hào của người dân xứ dừa. 
Du lịch sông nước miệt vườn của quê hương xứ Dừa Bến Tre
Từ Bến Tre, du khách thỏa lòng khám phá thêm bao điều của cụm du lịch quanh sông Tiền và sông Hậu; một hệ thống kênh rạch chằng chịt giao thoa cùng rừng, biển đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, chứa bao điều kỳ thú mời gọi du khách gần xa. Đó là: rừng tràm Long An; chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang; vườn cây trái Bình Hòa phước Vĩnh Long; những ngôi chùa Khmer Trà Vinh. Vùng quê hữu tình và quyến rũ, cây trái bốn mùa trĩu quả, môi trường trong lành, tài nguyên thiên nhiên phong phú kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer, Chăm chung sống bình yên trong những xóm thôn ấm áp bên các dòng sông dài như vô tận…; hoặc khám phá rừng ngập mặn và đời sống ngư dân xứ biển 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh, nơi người dân chăm chỉ nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, sống hòa quyện với biển khơi lộng gió; thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo, khác lạ với các vùng miền khác; nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của từng địa phương v.v... luôn cuốn hút và hấp dẫn du khách. 

Thời gian qua, Cụm du lịch ĐBSCL đã tổ chức thành công các sự kiện du lịch, lễ hội Văn hoá - Thể thao và Du lịch mang tầm khu vực và quốc gia như: Lễ hội Dừa Bến Tre, lễ hội Ok-Om-Bok Trà Vinh, các hội thảo, hội chợ, triễn lãm và các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Tiềm năng du lịch cụm du lịch duyên hải phía đông ĐBSCL là rất lớn và khả năng còn phát triển đa dạng, phong phú hơn nữa. Nhà nước và các nhà làm du lịch của 5 tỉnh đang tiếp tục quy hoạch, liên kết và phát triển để tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo hơn; từng bước đầu tư và củng cố hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết tour tuyến để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của Cụm du lịch duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long này./.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Hưởng ứng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2015)

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2015), Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đón tiếp đồng chí Trần Ngọc Tam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến tặng lẵng hoa và chúc mừng. Phó Chủ tịch đánh giá cao kết quả đạt được của ngành du lịch thời gian qua. Trước đây, cơ sở kinh doanh ngành du lịch rất nghèo nàng, chất lượng lạc hậu; chỉ trong thời gian ngắn, ngành đã thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật khá hoàn chỉnh, có đủ năng lực tiếp đón phục vụ khách du lịch chất lượng cao, tổ chức được các hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, cấp khu vực. Kết quả đạt được có sự nổ lực đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức ngành VHTTDL và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh. Phó Chủ tịch dặn dò cán bộ, công chức, viên chức ngành VHTTDL phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời qua, tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, để hoàn thành mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2020. Đây là niềm động viên khích lệ lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch Bến Tre.

Chiều ngày 9/7/2015, tại hội trường Trung tâm Văn hóa huyện Châu Thành - Bến Tre đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn huyện; phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp cùng Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức họp mặt các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động du lịch của năm qua nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho năm tiếp theo. Ông Trần Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội nghị cùng các ban ngành liên quan của huyện; 

Đến dự hội nghị, về phía tỉnh có ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc thường trực Sở VHTTDL cùng đại diện lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Du lịch, lãnh đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và đại diện doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Bến Tre ( Công ty lữ hành du lịch Sao Mai, Du lịch vườn sinh thái Phú An Khang) đến chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động du lịch cùng trên 20 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện Châu Thành. 

Nhân dịp họp mặt nầy, Sở VHTTDL cũng đã trao hai kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” cho Trần Thị Thu - Trưởng ban quản lý điểm du lịch Qưới An thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre và Bà Huỳnh Thị Sen - Quản lý doanh nghiệp tư nhân Thảo Nhi. Đây là hai cá nhân hoạt động du lịch tại địa bàn huyện Châu Thành và là hai trong 22 người hoạt động trong lĩnh vực du lịch được Bộ VHTTDL tặng kỷ niệm chương kỳ nầy.
Ông Trần Duy Phương và ông Trần Văn Hoàng trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” cho hai cá nhân thuộc huyện Châu Thành có thành tích hoạt động du lịch trên 15 năm
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện báo cáo tổng kết thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn huyện đã cho thấy bước phát triển du lịch của những năm qua đều vượt các chỉ tiêu so với cùng kỳ. Sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như của các cấp các ngành tỉnh cùng sự nổ lực của chính quyền địa phương đã từng bước đưa du lịch Châu Thành khởi sắc; đặc biệt là sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thời gian qua đã giúp cho các nhà đầu tư du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch và những điểm làm du lịch có điều kiện hoạt động nhằm phục vụ tốt cho du khách đến với Châu Thành - Bến Tre.
Ông Trần Văn Hoàng - Phó Chủ tịch huyện Châu Thành phát biểu chỉ đạo về hoạt động du lịch trong thời gian tới trên địa bàn huyện
Châu Thành là một huyện cửa ngõ, là huyện phát triển du lịch mạnh nhất trong các huyện của tỉnh và cũng là huyện có nhiều tiềm năng du lịch để mở rộng khai thác du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử và văn hóa bản địa; tuy nhiên các lữ hành, các nhà làm du lịch chưa khai thác hết tiềm năng hiện có, cần phát triển về du lịch tâm linh như kết hợp đưa khách du lịch viếng chùa Hội Tôn có gần 300, di tích Đình Tân Thạch,… , hướng tới cần khai thác mở rộng tuyến du lịch về làng nghề An Hiệp, du lịch sinh thái vườn cây trái Phú Túc, Phú Đức, Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy,… tất cả đều trù phú, hoa trái trĩu quả không thua gì Cái Mơn - Chợ Lách. Cơ sở hạ tầng giao thông dọc theo sông Tiền hướng về Phú túc, Phú Đức sẽ tiếp tục được đầu tư; đó là cơ hội cho những nhà đầu tư du lịch phát triển theo tuyến nầy.

Để có những giải pháp phát triển sau khi rút ra những bài học kinh nghiệm, ngành quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh, của huyện cần phải phối hợp các ngành chức năng có liên quan để định ra tiêu chuẩn về cơ sở du lịch, về vệ sinh môi trường, về giá sàn các dịch vụ, các điều kiện bắt buộc của ngành đối với người phục vụ như hướng dẫn, phục vụ các dịch vụ, các phương tiện đưa khách du lịch, hướng dẫn giao tiếp,... Và có kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ đối với các doang nghiệp, điểm du lịch và các cơ sở dịch vụ phục vụ để nhắc nhở nhằm tạo ra một môi trường hoạt động du lịch bền vững trên địa bàn. 

Đối với chính quyền địa phương tại các xã dọc sông Tiền có du lịch phát triển nên tuyên truyền, động viên nhân dân quan tâm về cảnh quan 2 bên đường, vệ sinh môi trường sinh hoạt hàng ngày, tạo nhiều sản phẩm nông sản, hàng lưu niệm đặc thù để góp phần phục vụ du khách…Đối với các điểm du lịch cần quan tâm đến cảnh quan sinh thái, tăng cường nhiều mô hình làng nghề cho phong phú, thái độ phục vụ tốt đối với du khách,…. Đặc biệt là các chủ cơ sở đoàn kết thống nhất tạo sức mạnh chung nhằm tăng cường hiệu quả trong hoạt động du lịch và chất lượng trong dịch vụ phục vụ du khách để góp phần thu hút khách du lịch về càng đông với quê hương sông nước xứ dừa.

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Khai mạc Triển lãm - Hội chợ du lịch - thương mại trong Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL

Sáng ngày 27 tháng 6 năm 2015, tại sự kiện Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015 do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức tại Thành phố Cần Thơ, đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm - Hội chợ Du lịch, Thương mại từ ngày 27 tháng 6 đến ngày 03 tháng 7 năm 2015. 

Hội chợ - triển lãm lần nầy với qui mô trên một ngàn gian hàng, trong đó có khu giới thiệu, quảng bá du lịch của các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Trung cũng tham gia xúc tiến du lịch tại thị trường ĐBSCL.

Bến Tre, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre đã phối hợp cùng các tỉnh liên kết: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh đã tham gia gian hàng chung với chủ đề “Hành trình Du lịch xanh - Năm địa phương một điểm đến” đã thu hút du khách quan tâm nhiều đến những sản phẩm du lịch chung của năm tỉnh.
Ngoài ra các doanh nghiệp du lịch Bến Tre cũng tham qua giới thiệu thương hiệu của mình đến du khách như: Khách sạn Dừa (Coconut hotel), Công ty TNHH Du lịch Hàm Luông, KS Việt Úc, Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre, Forever Green Resort Phú Túc ... ngoài ra có công ty TNHH Năng Động (Mai An Tiêm) tham gia chương trình ẩm thực cùng trên mười doanh nghiệp tham gia gian hàng thương mại và làng nghề cây giống, hoa kiểng, hàng trang trí thủ công mỹ nghệ./.