Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Định hướng xây dựng và phát triển các doanh nghiệp du lịch tỉnh Bến Tre

Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng đầu tư phát triển du lịch là phù họp với xu thế chung, phù họp với chính sách của Đảng và nhà nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 20/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình du lịch xứ Dừa.

Ngành du lịch tỉnh Bến Tre những năm gần đây có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, mỗi năm lượt khách đến tham quan đều tăng bình quân 13% so với cùng kỳ. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch, các công ty du lịch được thành lập ngày một nhiều hơn. Chính vì thế để phát triển bền vững cho hoạt động du lịch nói chung và hoạt phát triển các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng thì mỗi doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược lâu dài để thu hút khách du lịch và đồng thời có sự đoàn kết, liên kết tạo sức mạnh trong giai đoạn cạnh tranh trên mọi lĩnh vực, đặc biệc là lĩnh vực du lịch.
Chợ nổi Dừa trên dòng sông Thơm
Để phát triển nhanh và bền vững, phát huy vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thì các doanh nghiệp du lịch cần xác định vị thế, thương hiệu, chỉ ra được những điểm mạnh, điểm yếu và những hạn chế của thời gian qua với tính tự phát của mình, từ đó định hướng tìm ra các giải pháp thích hợp cho sự phát triển trong thời gian tới…

Hoạt động kinh doanh lữ hành là hoạt động đặc trưng, nổi bật và rõ nét nhất, trong hoạt động kinh doanh du lịch nói chung, muốn phát triển du lịch thì việc nâng cao chất lượng, các hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành là một điều hết sức quan trọng. Kinh doanh du lịch lữ hành là thực hiện các chương trình du lịch trọn gói cho khách du lịch. Ngoài ra còn có thể tiến hành các hoạt động trung gian, bán sản phẩm của các nhà cung cấp du lịch hoạc thực hiện các hoạt động kinh doanh tổng hợp khác và đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 doanh nghiệp hoạt động lữ hành, trong đó; có 5 công ty lữ hành quốc tế và 27 công ty lữ hành nội địa. Việc các công ty lữ hành ra đời góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ du lịch ngày càng cao của du khách, đồng thời tăng cường quảng bá, phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, đa số các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa thật sự gắn kết với nhau. Điều đó được thể hiện từ khâu điều hành, kết nối tour tuyến đến liên kết giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận tải… ; đó là một hạn chế lớn dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá, giảm chất lượmg dịch vụ làm ảnh hưởng đến lượng khách trong thời gian tới.

Bến tre là tỉnh có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch khác nhau như; Du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái sông nước xứ dừa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng... Đây là tiền đề tốt để ngành du lịch Xứ Dừa phát triển, đem lại những cơ hội việc làm và nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác và phát triển các tour tuyến.

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cần có hình thức quảng cáo mở rộng đa dạng hơn, có các chương trình khuyến mại để áp dụng nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, công ty lữ hành du lịch tồn tại trong thời gian dài nhưng người dân chưa biết đến. Đặc biệt, điều mà hầu hết các nhà quản lý du lịch mong muốn là sự liên kết khi làm du lịch cần có một tiếng nói chung, hợp tác, kết nối các công ty lữ hành với nhau và giữa công ty lữ hành với các đơn vị cơ sở lưu trú, ăn uống, vận tải… Tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững, thì lúc đó, ngành du lịch tỉnh Bến Tre mới thật sự phát triển. Đó chính là điều mà các nhà tham gia làm du lịch cần nhìn nhận đúng đắn và có hướng đi phù hợp.
Các doanh nghiệp khảo sát tại huyện Thạnh Phú
Hiện nay, quá trình xây dựng tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Đó là việc liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh còn hạn chế, hầu hết tại những điểm này thì cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ chưa mang tính chuyên nghiệp cao... Trong bối cảnh môi trường kinh doanh như hiện nay, mỗi doanh nghiệp nên cần phải có những chiến lược phù hợp nhằm khai thác hết năng lực của doanh nghiệp.

Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển du lịch
Cần cung cấp những hiểu biết, những quan điểm về phát triển du lịch bền vững cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng như đối với cộng đồng dân cư, đặc biệt phải đưa ra các tiêu chí cụ thể cho phát triển du lịch bền vững nhằm định hướng cho các hoạt động du lịch. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho việc kinh doanh du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, da dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng cơ cấu của ngành du lịch.

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch, có chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với du khách, phát huy vai trò tổ chức nghề nghiệp liên quan đến du lịch. 

Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thực hiện các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Xác định những định hướng, chiến lược phát triển du lịch bền vững, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của từng doanh nghiệp. 

Thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát nghiên cứu về khách hàng để giúp các doanh nghiệp có thông tin đưa ra các quyết định hợp lý. 

Phải có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đến tận các ban, ngành và từng Chi bộ để lãnh đạo điều hành trong việc định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính Trị.

Thiết lập cầu nối tạo sự hợp tác cho các doanh nghiệp
Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch Bến Tre và câu lập bộ hướng dẫn viên du lịch tỉnh nhằm tạo môi trường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý và góp phần tạo sự thống nhất giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn. 

Tổ chức các hội thảo, triển lãm về du lịch, giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có thể thiết lập được cầu nối cho sự hợp tác trong tương lai. 

Cần đưa ra các chương trình, các biện pháp cụ thể để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đóng góp tích cực đối với ngành du lịch của tỉnh. Xây dựng quy chế bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch như là điều kiện bắt buộc trong các hoạt động du lịch đến người dân và khách du lịch.

Sự hình thành quỹ phát triển du lịch bền vững từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch là rất cần thiết để sử dụng cho công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên và môi trường.

Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành và các đơn vị làm du lịch, những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ, hướng khởi sắc sẽ đến gần để giúp ngành du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững./.

Hoạt động nổi bật hưởng ứng kỷ niệm ngày 27/7/2018

Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng nhắc nhở: "Ăn quả phải nhớ người trồng cây”. Chúng ta có được cuộc sống ấm no hạnh phúc hôm nay thì phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ.... Việc tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ, tri ân, phát huy truyền thống là hết sức cần thiết. Với đặc điểm sông nước gắn với lịch sử đấu tranh năm xưa và phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển du lịch hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2018, tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, trong đó, riêng hoạt động văn hóa thể thao, Mỏ Cày Bắc đã tổ chức hội thi đua xuồng trên sông đây là một trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ.
Các vận động viên tranh tài ở nội dung đơn Nữ
Tham dự hội thi có 4 xuồng đua với 24 vận động viên thi đấu với 3 nội dung đơn Nữ, đơn Nam, đôi Nam Nữ). Thuyền thi đấu được làm bằng chất liệu gỗ, thi đấu ở cự ly 100 m, đường đua vượt sông cầu Cái Cấm. Mỗi nội dung thi đấu, 8 đội chia làm hai bảng để chọn ra 2 đội nhất, nhì mỗi bảng vào vòng chung kết. Sau hơn 2 giờ so tài sôi nổi, Ban tổ chức đã trao giải nội dung đơn nữ cho các vận động viên Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhân viên Công ty du lịch Cái Cấm (giải nhất, đơn vị xã Tân Thành Bình); Hồ Thị Phượng (giải nhì, đơn vị xã Tân Phú Tây); Trần Thị Nhung (giải ba, đơn vị xã Nhuận Phú Tận); nội dung đơn nam vận động viên Nguyễn Văn Toàn (giải nhất, đơn vị xã Nhuận Phú Tân); Nguyễn Văn Rạt (giải nhì, đơn vị xã Nhuận Phú Tân); Bùi Văn Len (giải ba, đơn vị xã Tân Thành Bình); nội dung đôi Nam Nữ; Nguyễn Văn Toàn - Nguyễn Thị Màu (giải nhất, đơn vị xã Nhuận Phú Tân); Nguyễn Văn Rạt - Trần Thị Nhung (giải nhì, đơn vị xã Nhuận Phú Tân); Nguyễn Đức Nghiệp - Nguyễn Thị Ngọc Dung (giải ba, đơn vị xã Tân Phú Tây).
Các vận động viên tranh tài ở nội dung đôi Nam Nữ
Theo ông Sử Văn Thành - Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, môn đua xuồng đây là một trong những hoạt động mới nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày 27/7/2018 và sẽ là hoạt động thường niên của huyện với quy mô tổ chức ngày càng được mở rộng. Hoạt động này hết sức ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của các ngành các cấp với lực lượng đang phục vụ xuồng chèo cho ngành du lịch tỉnh nhà nói chung và của huyện Mỏ Cày Bắc nói riêng. Đây là hoạt động thiết thực mang đậm nét văn hóa truyền thống của các làng quê vùng sông nước, là dịp thi thố tài năng, sức mạnh giữa các tay chèo với mục đích phát triển môn đua xuồng trong nhân dân, qua đó nâng cao sức khoẻ, rèn luyện kỹ năng trên sông nước, góp phần phục vụ  du lịch tỉnh nhà ngày càng tốt hơn./.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Bến Tre kết nối quảng bá du lịch tại TP.Cần Thơ

Từ ngày 07- 09/7/2018, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre tham gia quảng bá tại Ngày hội Du lịch - Văn hóa Chợ nổi Cái Răng - TP. Cần Thơ; Ủy ban nhân dân Quận Cái Răng cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức, nhằm hưởng ứng ngày Du lịch Việt Nam (09/7/2018) góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Chợ nổi vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đưa di sản đến gần du khách từng bước định vị thương hiệu du lịch từng địa phương trong vùng. Đây là năm thứ tư tổ chức Ngày hội Chợ nổi với quy mô mở rộng.
Quang cảnh lễ khai mạc
Lễ khai mạc diễn ra vào sáng ngày 07/7/2018 tại Trạm dừng chân Chợ nổi Cái Răng với các chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, nhấn mạnh những nét đặc trưng của người dân miền sông nước. Trong chuỗi hoạt động với nhiều hoạt động như : đoàn diễu hành ghe, tàu trên sông, hoạt động triển lãm ảnh, các gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch, ẩm thực, hội thi tạo hình, trang trí các sản phẩm nông sản và những sản phẩm đặc trưng của vùng ĐBSCL, hội thi sáng tạo quà lưu niệm…; trong đó có 4 hoạt động mới và 10 hoạt động được nâng cấp để Ngày hội ngày càng độc đáo, hấp dẫn hơn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước… 
Gian hàng cụm liên kết phía Đông tham gia cùng thành viên cụm phía Tây
Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng là dịp để Bến Tre nói riêng và các tỉnh liên kết, hợp tác trong Vùng gặp gỡ trao đổi trong phát triển du lịch, tăng cường thu hút du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chào bán sản phẩm du lịch của các địa phương, hợp tác mở rộng thị trường, trao đổi tìm hiểu thông tin, cùng hợp tác quảng bá, giới thiệu điểm đến./. 

Kỷ niệm 58 năm thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960-09/7/2018)

Kỷ niệm 58 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960 - 09/7/2018), trong khí thế phấn khởi đang xen niềm tự hào, ngành du lịch Việt Nam luôn được Đảng, Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng. Đó là những thành tựu, kết quả đáng ghi nhận. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 về việc phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong năm 2018, ngành du lịch có thêm Luật Du lịch sửa đổi được chính thức sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành có cách nhìn mới mẻ trong quản lý, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, lâu dài, mang tầm nhìn chiến lược quốc gia. 

Chặng đường 58 năm đối với du lịch Bến Tre là cả quá trình phấn đấu, gần 20 năm làm du lịch (tính từ khoảng năm 2000 trở lại đây), Bến Tre là tỉnh đi sau về du lịch nên học tập không ngừng với tinh thần tăng tốc để từng bước theo những địa phương có du lịch từ lâu. Bến tre so với các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập phát triển, hiện nay ngành du lịch Bến Tre đã tạo dựng một vị trí nhất định, năng động trong cách làm, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển nhiều loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch đưa vào phục vụ khách tham quan. 
Du khách nước ngoài thích thú sử dụng dịch vụ xe đạp trên đường quê
Công tác quản lý 06 tháng đầu năm 2018, thực hiện Kế hoạch số 4573/KH-UBND ngày 09/10/2017 về việc thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngành du lịch tổ chức thành công Đại hội Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre lần thứ I nhiệm kỳ (2018-2023), ban hành Bộ thủ tục hành chính lĩnh vực Du lịch để hướng dẫn doanh nghiệp và triển khai thực hiện theo quy định; Câu lạc bộ hướng dẫn viên cũng ra đời nhằm nắm bắt thông tin thường xuyên và trao đổi kinh nghiệm trong vai trò đại diện địa phương giới thiệu hình ảnh, đất và người Bến Tre đến với du khách. kiện toàn Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.

Tổng khách du lịch đạt 837.416 lượt, tăng 30% so cùng kỳ, đạt 56,9% so với kế hoạch cả năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đạt 360.107 lượt tăng 30,6% so với cùng kỳ, đạt 56% so kế hoạch cả năm 2018; khách nội địa đạt 477.309 lượt tăng 29,6% so cùng kỳ, đạt 57,6% so kế hoạch cả năm 2018. Tổng thu từ hoạt động du lịch: ước đạt 676,707 tỉ đồng tăng 26,5% so cùng kỳ, đạt 52% so kế hoạch cả năm 2018. Trong đó: lữ hành đạt 137 tỉ đồng, tăng 23% so cùng kỳ; lưu trú đạt 156 tỉ đồng, tăng 22% so cùng kỳ; ăn uống đạt 178 tỉ đồng, tăng 24% so cùng kỳ; hàng hóa lưu niệm đạt 145 tỉ đồng, tăng 23% so cùng kỳ; thu khác đạt 61 tỉ đồng, tăng 24% so cùng kỳ. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã và đang tiếp tục triển khai thi công cơ bản sắp hoàn thành để sớm đưa vào hoạt động.

Kỷ niệm 58 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam năm 2018, du lịch Bến Tre đã và đang tiết tục phát huy tinh thần Đồng Khởi mới, sáng tạo đổi mới nhằm đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có./.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Thông báo cuộc thi sáng tác Mẫu quà tặng lưu niệm Du lịch Bến Tre

Tóm tắt thể lệ tham gia cuộc thi

1. Sản phẩm dự thi:
  • Sản phẩm sử dụng có hiệu quả từ các nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, sẵn có của địa phương, đặc biệt sử dụng nguyên liệu từ dừa.
  • Sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao, phản ánh được nét đặc trưng phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa độc đáo của Bến Tre.
  • Sản phẩm thể hiện sự khác biệt với các địa phương khác.
  • Sản phẩm được thiết kế, chế tác, sản xuất hoàn chỉnh để làm quà lưu niệm, quà tặng mang ý nghĩa và thể hiện rõ nội dung.
  • Sản phẩm có thể là một sản phẩm độc lập hoặc bộ sưu tập.
  • Sản phẩm phải kèm theo phần mô tả, thuyết minh về sản phẩm;
  • Khuyến khích các sản phẩm, quà tặng lưu niệm hoặc bao bì sản phẩm có các dòng chữ “Kỷ niệm Bến Tre”, “Kỷ niệm Xứ Dừa”, “Du lịch Bến Tre”, “Du lịch Xứ Dừa”, bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, bố cục hợp lý, hài hòa, đẹp mắt.
  • Kích thước sản phẩm tùy thuộc vào ý tượng của tác giả, đảm bảo ý nghĩa và tính chất quà tặng lưu niệm.
  • Sản phẩm không quá nặng, không cồng kềnh, dễ cầm, dễ đóng gói, vận chuyển và bảo quản. Ưu tiên những sản phẩm có tính ứng dụng cao, thuận lợi cho chế tác và sản xuất hàng loạt với giá thành phù hợp cho du khách.
  • Mẫu mã, chất liệu, màu sắc … của sản phẩm dự thi phải đảm bảo không bị thay đổi hay biến dạng theo sự thay đổi của khí hậu và thời tiết.
  • Sản phẩm phải là sản phẩm chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào. 
  • Sản phẩm phải là những sản phẩm không tranh chấp bản quyền.
  • Sản phẩm của nhóm tác giả phải có văn bản thỏa thuận của tập thể các tác giả ủy quyền cho một hoặc một nhóm tác giả đứng ra đại diện dự thi.
  • Tác giả của mẫu sản phẩm dự thi phải chịu trách nhiệm về bản quyền tác giả.
  • Phần tên sản phẩm, họ và tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại liên hệ phải ghi riêng vào phiếu gửi kèm mẫu sản phẩm dự thi.
  • Bản quyền thiết kế sản phẩm đạt giải thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, không mang tính chất thương mại.

2. Đối tượng tham gia dự thi
Tất cả các tổ chức (doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề…), cá nhân, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh có ý tưởng thiết kế, sáng tác, khả năng sáng tạo làm ra mẫu sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch Bến Tre (trừ các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo).

3. Thời gian tổ chức cuộc thi:
  • Từ ngày ra thông báo đến hết ngày 30/8/2018.
  • Công bố kết quả và trao giải vào tháng 9/2018.

4. Số lượng tác phẩm dự thi: Không hạn chế số lượng sản phẩm dự thi, mỗi tác giả có thể tham gia một hoặc nhiều sản phẩm dự thi.

5. Cơ cấu giải thưởng:
  • 01 giải Nhất: 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng) và Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi. 
  • 02 giải Nhì: Mỗi giải 10.000.000đ (Mười triệu đồng) và Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi.
  • 03 giải Ba: Mỗi giải 5.000.000đ (Năm triệu đồng) và Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi.


6. Hồ sơ dự thi
Hồ sơ dự thi được trình bày trên khổ giấy A4 gồm:
  • Phiếu đăng ký dự thi (mẫu số 01).
  • Sản phẩm hoàn chỉnh tham gia dự thi.
  • Bản mô tả, thuyết minh sản phẩm (mẫu số 02) kèm theo 03 ảnh màu kích thước 15x20 cm chụp ở 03 góc độ khác nhau (ghi rõ tên tác phẩm ở góc phải bên dưới khung ảnh).
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc bản sao CMND/hộ chiếu người tham dự thi với tư cách cá nhân.
  • Tập tin mềm bản thuyết minh ý tưởng và mô tả tác phẩm/sản phẩm dự thi.
  • Sản phẩm dự thi gửi về Ban Tổ chức cần ghi rõ: Sản phẩm tham dự Cuộc thi “Sáng tác Mẫu quà tặng lưu niệm Du lịch Bến Tre”. 

7. Địa điểm nhận tác phẩm dự thi
Sản phẩm thi gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp trong giờ hành chính tại địa chỉ: 
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre 
Địa chỉ: Lầu 2, Số 108/1, Đường 30/4, Phường 4, Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Tìm hiểu thêm xin liên hệ điện thoại: 0275.8511480.
Email: ttttxtdl.svhttdl@bentre.gov.vn hoặc ttxtdlbt@gmail.com


Thực hiện chương trình hợp tác, liên kết phát triển Du lịch - Kết quả 6 tháng đầu năm 2018

Đầu năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) 6 tỉnh cụm phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Long An và Đồng Tháp đã có Chương trình điều phối số 50/CTr-SVHTTDL ngày 12/01/2018 của đơn vị cụm trưởng Long An triển khai về hợp tác, liên kết phát triển du lịch cho cụm duyên hải phía đông nầy. Đây là năm thứ 5 thực hiện liên kết đã đem lại nhiều kết quả thiết thực trong việc mở rộng tour, tuyến, điểm phục vụ du khách khi đến với ĐBSCL.

Thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội. Hòa cùng sự đồng khởi khởi nghiệp chung của cả nước, các tỉnh cụm phía Đông ĐBSCL tiếp tục tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch về doanh thu, lượng khách, cũng như công tác liên kết phát triển du lịch được tăng cường, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Ký kết hợp tác liên kết phát triển Du lịch giữa Sở Du lịch TP.HCM và Sở VHTTDL các tỉnh Cụm phía Đông duyên hải ĐBSCL
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được Sở VHTTDL các tỉnh trong Cụm đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nhằm đồng bộ các tiêu chí, cơ chế chính sách, phương pháp thống kê,...; đặc biệt là cung cấp, trao đổi thông tin để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch, các Chương trình hành động, liên kết quy hoạch phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch và sản phẩm du lịch của các địa phương trong cụm; điển hình như: Bến Tre - Tiền Giang phối hợp triển khai quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia tại các cù lao tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng); Đồng Tháp - Long An - Tiền Giang ký kết cùng xây dựng, khai thác và phát triển du lịch đặc thù Đồng Tháp Mười; Vĩnh Long xây dựng Đề án Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL; Trà Vinh lập Dự án xây dựng làng văn hóa du lịch Khmer;...

Ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh (HCM) cũng hợp tác cùng các tỉnh ĐBSCL trao đổi thông tin nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Ngoài ra Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM tổ chức hội thảo "Định hướng phát triển du lịch tỉnh Bến Tre gắn với du lịch ĐBSCL tại Bến Tre"; dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Trà Vinh; phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang tổ chức Hội nghị "Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với Đồng Tháp Mười".
Gian hàng xúc tiến du lịch của Cụm liên kết phía Đông ĐBSCL tại Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Bến Tre lần II năm 2017
Trong công tác liên kết xúc tiến du lịch, các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã liên kết quảng bá du lịch cụm đến du khách trong và ngoài nước thông qua các kỳ hội chợ triển lãm như: Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội - VITM 2018 (Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh); Ngày hội Du lịch TP.HCM 2018 (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh); Lễ hội và hội thi bánh dân gian Nam Bộ tại Cần Thơ (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh và Đồng Tháp). Ngoài ra Bến Tre và Tiền Giang kết nối tour tuyến điểm du lịch đường thủy giữa Tây và Đông Nam bộ (Tàu cao tốc Bến Tre - Mỹ Tho - Vũng Tàu). Bên cạnh đó các đoàn famtrip của các Sở VHTTDL được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các hãng lữ hành và những hộ kinh doanh du lịch kết nối sản phẩm giữa các tỉnh trong Cụm. Ngoài ra có một số tỉnh trong Cụm tham gia khảo sát xúc tiến du lịch thị trường HồngKông, Thẩm Quyến, Quảng Châu (Trung Quốc). Đặc biệt là ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đã kết nối quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch ĐBSCL; triển khai đưa các công ty lữ hành lớn như: Saigontourist, Vietravel, Fiditour, Văn hóa Việt, Lủa Việt, Bến Tành tourist,... đến khảo sát và thường xuyên khai thác các tour du lịch trong cụm phía Đông ĐBSCL.

Trong công tác liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, các tỉnh đã phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp, thuyết minh viên, hướng dẫn viên, du lịch cộng đồng, nghiệp vụ cho người phục vụ trên tàu và tài công thủy nội địa, xuồng chèo, xe ngựa,... Sáu tháng đầu năm 2018, Cụm đã tổ chức được tổng cộng 6 lớp (Trà Vinh 2 lớp, Bến Tre 3 lớp và Long An 1 lớp).
Gian hàng bốn địa phương một điểm đến (Vĩnh Long - Long an - Bến Tre - Trà Vinh) trong Tuần lễ Văn hóa Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội
Kết quả hoạt động kinh doanh du lịch của Cụm trong 6 tháng đầu năm 2018 đều tăng trưởng khả quan, vượt kế hoạch so với cùng kỳ, cụ thể khách du lịch nội địa đạt 5.532.254 lượt, tăng 14% so cùng kỳ; khách quốc tế đạt 906.055 lượt, tăng 6% so cùng kỳ; doanh thu từ du lịch đạt 2.234,5 tỉ đồng, tăng 27% so cùng kỳ. Trong số đó, có địa phương lượng khách tăng trên 30%, doanh thu tăng trên 40%; đây là con số sẽ làm đòn bẫy cho những địa phương còn đạt tỉ lệ thấp trong Cụm để cùng phát triển. Cụ thể những con số thống kê trong 6 tháng đầu năm của các tỉnh: 
  • Bến Tre đón 837.416 lượt khách, tăng 30% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 676,7 tỷ, tăng 26,5% so cùng kỳ.
  • Đồng Tháp đón 1.900.000 lượt khách, tăng 10,23% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 400 tỷ, tăng 35,48% so cùng kỳ.
  • Long An đón 600.000 lượt khách, tăng 15% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 290 tỷ, tăng 18% so cùng kỳ.
  • Tiền Giang đón 1.174.915 lượt khách, tăng 120% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 559 tỷ, tăng 25% so cùng kỳ.
  • Trà Vinh đón 374.000 lượt khách, tăng 33,57% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 115,335 tỷ, tăng 45,23% so cùng kỳ.
  • Vĩnh Long đón 645.923 lượt khách, tăng 7% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 193,5 tỷ, tăng 7% so cùng kỳ.

Với sự hợp tác, liên kết giữa các sở VHTTDL và các Trung tâm TTXTDL có sự đồng thuận, phối hợp thực hiện các công việc trong chương trình điều phối, đã thiết lập được mối quan hệ giữa các tỉnh trong Cụm nói riêng, các tỉnh thành có ký kết hợp tác khác như TP. Cần Thơ, TP.Hà Nội và TP.HCM; bên cạnh đó còn tạo được sự gắn kết giữa các cơ quan xúc tiến du lịch Trung ương với địa phương, với các Trung tâm XTDL các tỉnh thành khác ngoài Cụm và với Báo chí trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên vẫn vòn một số mặc hạn chế mà 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo cần lưu ý như: Việc hợp tác liên kết phát triển du lịch trong Cụm chưa đi vào chiều sâu, chỉ mới thực hiện thông qua thông tin, quảng bá, xúc tiến,... cần phải liên kết đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hơn công tác hợp tác trong quản lý nhà nước về du lịch. Mỗi địa phương còn tổ chức sự kiện riêng lẻ, chưa có sự kiện chung để vừa tạo sức mạnh, vừa hoành tráng nhằm thu hút khách du lịch đến với Cụm. Chưa tạo nhiều sản phẩm du lịch mới liên vùng trong cụm, sản phẩm chưa phong phú dẫn đến thu nhập từ khách du lịch còn nhiều hạn chế.

Bài toán đặt ra để tìm đáp án đem lại kết quả như mong đợi thật là khó khăn bởi nguyên nhân hạn chế thời gian qua cũng như ở sáu tháng đầu năm 2018 vẫn còn tồn tại như: Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động xúc tiến du lịch cuả các tỉnh còn hạn chế, có tỉnh không có nguồn riêng cho sự nghiệp Du lịch mà phải sử dụng nguồn của sự nghiệp Văn hóa như (Bến Tre, Trà Vinh, Long An), trong khi công tác xã hội hóa còn gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đa phần là vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp, chưa quan tâm đến việc tham gia xúc tiến, quảng bá thương hiệu và liên kết hợp tác; các hộ làm du lịch cộng đồng chưa có kinh nghiệm và một số tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, cũng như phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương trong Cụm./.