Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Kết nối phát triển du lịch Bến Tre - Vũng Tàu

Chương trình kết nối du lịch Bến Tre - Vũng Tàu được diễn ra tại khách sạn New Wave (thành phố Vũng Tàu) vào ngày 24/5/2018, đây là sự kiện do Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) tổ chức. Tham dự chương trình, về phía lãnh đạo Bến Tre có các ông: Nguyễn Văn Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bến Tre; Ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre, các phòng, ban liên quan của thành phố và lãnh đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh tham gia đoàn xúc tiến; đặc biệt đoàn có sự tham gia của trên 10 DN du lịch của thành phố Bến Tre. 

Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có đại diện Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện lãnh đạo thành phố Vũng Tàu; Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và gần 20 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các công ty lữ hành du lịch thành phố Vũng Tàu tiếp đón và làm việc.
Ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh và ông Nguyễn Văn Thương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre ký hợp tác du lịch giữa hai thành phố Bến Tre và Vũng Tàu
Hai địa phương đã giới thiệu tổng quan về thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp du lịch 2 địa phương đưa khách về du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng với cam kết chất lượng dịch vụ và giá cả tốt nhất. Hai bên thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các nội dung: Hai bên cùng nghiên cứu và đề xuất các phương thức liên kết, hợp tác nhằm quảng bá du lịch của 2 địa phương trong các ấn phẩm du lịch, trên các trang thông tin điện tử; xây dựng, kết nối các tuyến du lịch giữa doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre, khai thác, phát triển các tuyến du lịch bằng đường thủy, tạo điều kiện kết nối giữa miền Tây và miền Đông Nam bộ nhằm giúp doanh nghiệp du lịch, các cơ sở lưu trú, các cơ sở dịch vụ,... sử dụng sản phẩm chung một cách tốt nhất./. 
Ảnh lưu niệm của đoàn Bến Tre khảo sát kết nối du lịch tại Vũng Tàu


Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Phát triển loại hình du lịch tâm linh tại Bình Đại - Bến Tre

Vừa qua, ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại, phòng Văn hóa và Thông tin và phòng Nội Chính huyện có buổi làm việc cùng Ban Trị sự chùa Vạn Phước với sự tiếp đón của Đại Đức Thích Phước Chí, Thầy Phước Đạt và Thầy Phước Khai,... để thống nhất các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách đến hành hương cũng như khách tham quan nơi Tu thập tại Chùa Vạn Phước - Thị trấn Bình Đại. Qua buổi trao đổi được sự đồng thuận của Ban Trị sự Chùa cùng chính quyền địa phương và ngành Văn hóa - Du lịch trong phát triển du lịch địa phương tại Bình Đại với loại hình du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái biển làm điểm nhấn cho sự phát triển du lịch địa phương trong việc triển khai thực hiện đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
Buổi trao đổi cùng Ban Trị sự chùa Vạn Phước. Ông Trần Duy Phương- PGĐ Sở VHTTDL (thứ 2 từ trái sang); Đại Đức Thích Phước Chí - Trụ trì chùa Vạn Phước (thứ 3 từ trái sang)
Bến Tre là tỉnh nằm cuối cùng của dòng hạ lưu sông MêKông, qua bốn cửa sông (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên), từ đó hình thành tỉnh Bến Tre từ ba dải cù lao giáp biển, với chiều dài bờ biền là 65km. Huyện Bình Đại là một trong ba huyện ven biển thuộc tỉnh Bến Tre, có địa hình gần như xung quanh là sông nước; Đông giáp Biển, Bắc giáp cửa sông Tiền, Nam giáp cửa sông Ba Lai, Tây giáp huyện Châu Thành. Bình Đại là vùng đất thiêng, có nhiều tài nguyên du lịch mà được thiên nhiên ban tặng, có nhiều sản phẩm du lịch mang tính tâm linh như Lễ hội Nghinh Ông là một lễ hội lớn nhất trong ba huyện biển được tổ chức hàng năm vào tháng 6 âm lịch; đây là lễ hội thu hút nhiều du khách tham dự, đặc biệt là đối với Ngư dân bản địa các các nơi. Chùa Vạn Phước cũng là một trong những ngôi chùa lớn và đẹp, có kiến trúc và quang cảnh thu hút nhiều du khách đến hành hương và tham quan.
Một góc kiến trúc của Chùa Vạn Phước
Bình Đại là một vùng đất xứ biển, xung quanh là cây ngập mặn và những vuông tôm công nghiệp, lại có ngôi chùa khang trang được xây dựng nơi đầm lầy đầy cây dại; Chùa Vạn Phước do Đại đức Thích Phước Chí xây dựng và trụ trì, chùa được xây dựng từ năm 2000 tại ấp Bình Chiến, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, ngôi chùa tràn ngập ánh đạo vàng làm lộng lẫy một góc trời Đông duyên hải với khuôn viên rộng 80.000m2, cách Thị Trấn Bình Đại 2km trên đường ra biển, đã góp phần trong việc thu hút khách du lịch đến với vùng đất biển nầy. Thời gian từ năm 2010, phật tử đến tu thập thật đông, cũng như du khách khách thập phương đến hành hương và chiêm ngưỡng ngày càng nhiều, nhất là khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, có đoàn đến vài trăm khách. Hiện nay lượng khách đến Chùa Vạn Phước trong những ngày thứ 7, chủ nhật hay những ngày rầm cũng khá đông, đặc biệt là những ngày rầm lớn như tháng giêng, tháng bảy và tháng mười hay những ngày tết Nguyên Đán cổ truyền lượng khách hàng ngàn lượt mỗi ngày.

Kiến trúc tổng quan chùa gồm cổng Tam quan với cặp rồng vàng chầu, khu chánh điện, khu vực tượng Bồ tát Quán Thế Âm, khu vực tượng Đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề, nhà làm việc, phòng khách, phòng thuốc Nam từ thiện, nhà ăn chay dành cho du khách đoàn, bảng công đức và bàn thờ Tổ quốc với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, … Đặc biệt có tượng phật Di Lặc cao 12,45m, nặng khoảng 99 tấn do điêu khắc gia Thụy Lam tạo tác hoàn thành ngày 29/1/2010. Những tảng đá lớn được phật tử đưa về cúng đã tạo thành núi đá, cảnh quan xung quanh đều bố trí đá mồ côi phối cảnh chung hoa kiểng, cây xanh đã tạo nên một cảm giác gần như quên đi một vùng xứ biển hoang vu, đầm lầy; với những vườn hoa lan, những vườn cây trái sum suê như xoài, bưởi da xanh, vườn rau sạch, không gian hoa, kiểng... đã làm cho du khách không còn nghĩ mình đang ở xứ mặn,.... Tất cả những kiến trúc trên được phối hợp hài hòa với các khuôn viên trong sân chùa làm bắt mắt cho du khách khi đến tham quan. Một điều ngạc nhiên hơn nữa là nơi tu hành không sát sinh nên không dùng bất cứ loại thuốc diệt trừ sâu, bọ, côn trùng hay phân hữu cơ khác nhưng cây vẫn tươi tốt.
ĐĐ. Thích Phước Chí và điêu khắc gia Thụy Lam (Sưu tầm)
Hiện tại Chùa đang tiến hành thi công Chánh điện lớn để thay thế Chánh điện ban đầu với qui mô khá lớn. Trong tương lai gần, Chùa sẽ là nơi Tu thập hội tụ phật tử bốn phương quy ngưỡng và thu hút nhiều du khách hành hương, chiêm bái Phật, đồng thời thu hút du khách đến tham quan. Vạn Phước sẽ là sản phẩm du lịch với loại hình du lịch tâm linh góp phần cho sự phát triển du lịch sinh thái "Sông nước Xứ Dừa" nói chung và huyện Bình Đại nói riêng./.

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Du lịch Ngủ nhà dân (homestay) Bến Tre: Định hướng và phát triển

Hiện nay, có nhiều loại hình du lịch được hình thành là do nhu cầu ngày càng cao của du khách. Homestay (dịch vụ ăn, ngủ tại nhà dân) đang trở thành trào lưu của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Khách du lịch đến ở homestay muốn được trải nghiệm cùng cuộc sống người dân địa phương và tận hưởng môi trường thiên nhiên. Đây là mong muốn chung của hầu hết khách du lịch đến homestay. 
Những điểm sáng của homestay Bến Tre
Trong thời gian qua, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, loại hình du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay) đang được nhiều du khách quan tâm và sử dụng. Loại hình du lịch này cũng đang phát triển mạnh tại Bến Tre, tập trung ở Thành phố Bến Tre, huyện Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và Giồng Trôm. Tuy nhiên, dịch vụ lưu trú theo mô hình du lịch homestay ở Xứ Dừa này còn mang tính tự phát của các tổ chức và cá nhân kinh doanh nên chưa tạo được nét riêng và thiếu sự bền vững.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hiện có hơn 20 điểm homestay với sức chứa khoảng trên 200 khách. Nhiều homestay được đầu tư tương đối đầy đủ tiện nghi như: Homestay Năm Hiền, Jardin du Mekong Homestay, Đại Lộc, Homestay Mai, Duyên Quê, Du Thuyền Xoài …, đặc biệt các điểm du lịch homestay tại các xã phía Nam thành phố Bến Tre (xã Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh và Phú Nhuận) được kỳ vọng trở thành điểm nhấn cho loại hình du lịch homestay đầy tiềm năng tại tỉnh nhà. Đó là những ngôi nhà hiện có của người dân được điều chỉnh, chuyển đổi một phần công năng, gắn với cảnh làng quê miệt vườn, bình yên, thoáng mát. 

Có thể nói, những điểm du lịch này đang là điểm nhấn thu hút những vị khách du lịch yêu thích trải nghiệm và khám phá. Kinh doanh loại hình du lịch này đã từng bước góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân và bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp du lịch phát triển bền vững.
Homestay Tân Thành Bình - Mỏ Cày Bắc
Hướng quản lý, xây dựng và khai thác dịch vụ homestay
Hiện nay, tại Bến Tre hoạt động du lịch lưu trú, trải nghiệm có nhiều tiềm năng nhưng hiệu quả khai thác còn thấp. Du lịch homestay ở tỉnh nhà đang phát triển nhưng mang tính tự phát. Nhiều nhà dân được xây dựng và đưa vào khai thác nhưng không theo một quy chuẩn nào. Người điều hành homestay do không được đào tạo về loại hình này, không thông thạo ngoại ngữ nên có nhiều hạn chế trong quá trình giao lưu với du khách khiến Du lịch sông nước Xứ Dừa thiếu nét đặc sắc. Có lẽ, do chúng ta chưa có một chiến lược phát triển rõ ràng và cụ thể. Vì vậy, việc định hướng, quản lý cũng như hướng dẫn, tư vấn cho loại hình du lịch đòi hỏi cấp thiết. 
Homestay Hoa Dừa - Nhơn Thạnh - Tp. Bến Tre
Bên cạnh đó, việc phát triển dịch vụ homestay không có kiểm soát và quản lý tốt nên có nguy cơ cao về mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến môi trường thiên nhiên. Do vậy, để du lịch homestay phát triển đúng hướng, ngay từ bây giờ, các cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt công tác quản lý nhằm ngăn chặn những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 4573/KH-UBND ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc thực hiện Chương trình hành động 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch lập dự án phát triển loại hình du lịch này theo hướng bền vững.

Thực hiện thí điểm thời gian 01 năm, Dự án khoa học cấp cơ sở về “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với loại hình homestay kiểu mới tại Bến Tre” với bộ quy chuẩn mới - tiêu chuẩn Asian của Tổng cục Du lịch - để phát triển du lịch đồng bộ và hiệu quả. Dự án đã được Hội đồng Khoa học thông qua cả về nội dung và phương án, dự kiến Dự án bắt đầu thực hiện vào tháng 7/2018 sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Cụ thể là: Thiết kế nhà ở từ nguyên vật liệu tự nhiên (từ cây dừa và các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường khác). Ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá sản phẩm du lịch. Tập huấn về kiến thức du lịch cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với du khách, với cộng đồng và môi trường trong xã hội. Kết nối và khai thác dịch vụ bổ trợ về tuyến điểm xe đạp, điểm đến, làng nghề truyền thống và tiềm năng hiện có của du lịch tại địa phương để thu hút du khách đến và giữ chân khách lâu dài. Tạo điều kiện tăng lượng khách tại mô hình điểm tăng 15% năm 2019 (hiện nay 3.000 lượt khách/năm).

Du lịch là một ngành kinh tế mang tính chất tổng hợp, có tác dụng tích cực góp phần thực hiện chính sách mở cửa, thúc đẩy sự phát triển đổi mới các ngành kinh tế, tạo công ăn việc làm, mở rộng giao lưu văn hóa, xã hội, giữa các vùng trong nước. Tính đa ngành của hoạt động du lịch đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Nhà nước để huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch. Thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với loại hình du lịch Homestay kiểu mới tại Bến Tre” sẽ là sản phẩm tiêu biểu có khả năng nhân rộng cao, góp  phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, hội nhập vào thị trường du lịch chung của vùng và cả nước./.

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Bến Tre tổ chức Lễ hội Cây - trái ngon, an toàn lần thứ XVII

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, thương hiệu sản xuất trái cây, cây giống và xúc tiến du lịch, thương mại cho địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre nhất trí về chủ trương tổ chức Lễ hội Cây - trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ XVII sẽ diễn ra từ ngày 15-19/6/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thể thao, Sân vận động huyện, khu đất trống Trung tâm Hành chính, Khu làng nghề Cái Mơn (02 xã Vĩnh Thành và Cái Mơn huyện Chợ Lách).
Lễ hội năm nay bao gồm các hoạt động như sau: Hội thi (Thi trái ngon, an toàn; thi kiểng Bonsai; thi đấu xảo, thi tạo dáng Bonsai dạng trung); Hội thảo Chuyên đề “Khai thác, phát triển nhãn hiệu cho cây, trái, hoa kiểng”, “Nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản Bến Tre”; các hoạt động Tuần lễ Du lịch (Không gian du lịch Bến Tre, Đường hoa du lịch làng nghề, Tọa đàm Khai thác tiềm năng du lịch miệt vườn, du lịch mùa lễ hội 2018); trưng bày, giới thiệu sản phẩm (trưng bày sinh vật lạ, hoa kiểng, giới thiệu cây giống mới; hoạt động thương mại), (Phiên chợ trái cây đặc sản Bến Tre, Phiên chợ cây giống, hoa kiểng, phiên chợ làng quê, phiên chợ ẩm thực.), tổ chức các trò chơi dân gian có thưởng, biểu diễn ca nhạc nghệ thuật hàng đêm...
Khách tham quan hội chợ thương mại
Đây là hoạt động thường niên nhằm tiếp tục quảng bá các sản phẩm nông nghiệp thông qua triển lãm, giới thiệu, các loại trái cây, cây giống, hoa kiểng đặc trưng của quê hương Đồng Khởi và tiềm năng du lịch ở địa phương tạo ấn tượng tốt đẹp với khách tham quan, góp phần tăng hiệu quả kinh tế - xã hội, quảng bá thương hiệu trái cây, cây giống, hoa kiểng và tiềm năng du lịch Chợ Lách…. Nhân sự kiện này từng bước xây dựng được các mối liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học nhằm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo tiền đề phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái sông nước xứ dừa./.

Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm xe 4 bánh điện phục vụ khách du lịch

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh xe điện, xe chạy bằng năng lượng hoặc động cơ xăng phục vụ khách du lịch trong khu vực hạn chế tại 4 tỉnh như: Bến Tre, Bạc Liêu, Lâm Đồng và Phú Yên. 

Sau khi lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan: Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính Phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Việc thí điểm chỉ thực hiện đối với phương tiện mới và đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật trước khi lưu hành. Thời gian thí điểm 03 năm.
Trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan quy định về thời gian hoạt động trong ngày, lộ trình tuyến đường được phép hoạt động trên địa bàn; lưu ý việc vận hành phương tiện nêu trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông; định kỳ 06 tháng tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thí điểm để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện tiếp theo./.

Gặt hái thành công của bánh dân gian Bến Tre tại Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ lần thứ 7 năm 2018 tại Cần Thơ

Vào dịp mùng 10 tháng 3 (âm lịch) - Giỗ tổ Hùng Vương - hằng năm tại Cần Thơ thường xuyên tổ chức Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị, tinh hoa văn hóa ẩm thực Nam Bộ; là cơ hội để các nghệ nhân, doanh nghiệp tăng cường xây dựng quảng bá các đặc sản dân gian Nam bộ; tạo điều kiện cho người dân địa phương và khách du lịch đến tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí.

Năm nay, được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và UBND thành phố Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ phối hợp sở, ngành liên quan tổ chức thành công Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần VII năm 2018 từ ngày 25/4 - 29/4/2018, với chủ đề “Cội nguồn chiếc bánh quê hương” tại số 108A Lê Lợi, P. Cái Khế, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, lễ hội lần nầy với quy mô và người tham quan nhiều hơn những kỳ trước, gồm các hoạt động như triển lãm bánh dân gian, đặc sản vùng miền, sản phẩm phụ trợ cho bánh dân gian, quy mô 200 gian hàng, trong đó 100 gian hàng trưng bày các loại bánh dân gian Nam Bộ, 100 gian hàng sẽ trưng bày đặc sản của các vùng miền; Tái hiện Con đường bánh dân gian Nam bộ; Hội thi làm bánh dân gian; Hội thảo “Công nghệ bảo quản và bao bì đóng góp bánh dân gian”; Trình diễn cách làm bánh dân gian mang tính đặc trưng của vùng, miền; Thi hát về ẩm thực và bánh ngon, cùng với các hoạt động vui chơi, giải trí khác.
Bến Tre tham gia gian hàng giới thiệu bánh dân gian (ảnh tư liệu)
Tỉnh Bến Tre đã tham gia các hoạt động gồm: Gian hàng trưng bày, giới thiệu bánh dân gian truyền thống (với các loại bánh được giới thiệu gồm: Bánh ú, bánh tét, bánh dừa, bánh ít (chay và mặn), nem chay lá bần và nhiều mặt hàng truyền thống khác); Hội thi làm bánh dân gian và trình diễn cách làm bánh dân gian của tỉnh nhà. Đoàn nghệ nhân tỉnh Bến Tre đã tham gia dự thi 3 loại bánh đặc trưng là bánh dừa, bánh tét và bánh ú, kết quả đạt được 03 giải gồm 01 huy chương Vàng cho sản phẩm Bánh Tét, 02 huy chương Bạc cho sản phẩm bánh ú và bánh dừa.
Giải thưởng
Thông qua Lễ hội Bánh Dân gian Nam bộ, Bến Tre đã giới thiệu đến với du khách gần xa các đặc sản dân gian, văn hóa ẩm thực và hình ảnh con người, văn hóa Bến Tre, giới thiệu được sự tài hoa, sáng tạo của các nghệ nhân làm bánh dân gian, tạo điều kiện hỗ trợ nghệ nhân liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước./.
Lễ Bế mạc Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ lần thứ VII năm 2018 (ảnh tư liệu)

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu

Đó là chủ đề của Hội thảo Quốc tế diễn ra ngày 20/4/2018 tại TP.Cần Thơ. Hội thảo nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 1 năm 2017 của Chính Phủ về phát triển du lịch bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ ký kết bốn bên về Dự án "Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu mà TP.Cần Thơ là Trung tâm".

Ủy ban nhân dân TP.Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn tư vấn Quốc tế Boston Consulting Group (BCG) tổ chức Hội thảo nêu trên, với sự tham gia của nhiều chuyên gia của Tập đoàn BCG (ông Christopher Malone - Giám đốc toàn cầu về kinh tế phát triển bền vững, ông John Linquist - Cố vấn cấp cao của Tập đoàn, ông Jonatan Gomez - Chuyên gia của tổ chức du lịch thế giới - Liên Hợp Quốc (UNWTO)); Các chuyên gia Việt Nam về phát triển bền vững môi trường và hệ sinh thái khu vực ĐBSCL; chuyên gia lĩnh vực lữ hành và điều hành tour du lịch sông nước trong nước và thế giới; cùng sự tham dự của lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch 13 tỉnh thành ĐBSCL và nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch.
Ông John Linquist, Cố vấn cấp cao trong lĩnh vực du lịch của BCG
Hội thảo đã đánh giá và định hướng tầm nhìn mới cho du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Tọa đàm trao đổi và tổng hợp ý kiến các bên với sự góp ý của các chuyên gia về một số hướng giải pháp để thay đổi căn bản du lịch ĐBSCL. Qua đó làm cơ sở quan trọng giúp đơn vị tư vấn tiếp tục xây dựng và đề xuất hệ thống giải pháp tân tiến, hiện đại để phát triển du lịch mang tính kết nối vùng. 

Thực tại thì du lịch ĐBSCL còn vướng nhiều hạn chế nhất định trong kết nối giao thông; từng cụm du lịch ĐBSCL cần nâng cấp đáng kể. Trước mắt các chuyên gia đánh giá rằng cần phải phát triển đường bay, hoàn thành đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh với TP.Cần Thơ; xây dựng đề xuất giá trị và sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn và hiện đại; cải thiện, nâng cấp hệ thống lưu trú, đầu tư cơ sở lưu trú 3 đến 5 sao là điều cần thiết để thu hút khách du lịch đến với vùng và tăng thời gian lưu trú; khôi phục khả năng kết nối là nền tảng chính giúp tăng trưởng ngành du lịch; Giữ vững tài nguyên du lịch chủ chốt của vùng sông nước, vườn cây, tài nguyên hiện có làm chủ chốt sẽ là trụ cột để phát triển du lịch. Đặc biệt là cần xây dựng thương hiệu từng nơi trong vùng đưa lên bản đồ thế giới; Để thực hiện tầm nhìn và khai thác tiềm năng tối đa của khu vực cần phải đảm bảo tài chính và xây dựng cơ cấu chính sách thích hợp.

Du lịch Nông nghiệp là thị trường ngách đang nổi đối với du khách, liên kết chặt chẽ đối với du khách cũng là cần thiết và phù hợp với xu hướng hiện nay đối với vùng ĐBSCL mà các tỉnh cụm phía Đông cần khai thác. Ý nghĩa quan trọng đặt ra với chiến lược du lịch ĐBSCL là đề xuất giá trị rõ nét cho các phân khúc mục tiêu như xuất hiện hình ảnh trong tâm thức du khách khi đến với ĐBSCL với tư cách là điểm đến chủ đạo; tận dụng ưu thế tự nhiên để khai thác xu hướng chính như trải nghiệm văn hóa chân thực, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe,...; phát triển sản phẩm mang tính biểu tượng như thu hút du khách thông qua đầu tư vào tài sản và trải nghiệm chủ đạo, xây dựng các kế hoạch, lịch trình tổ chức các sự kiện và xây dựng nền tảng kỹ thuật số;....
Tọa đàm của các chuyên gia Du lịch tại Hội thảo
Các tài sản du lịch của ĐBSCL đang bị đe dọa bởi diễn biến của biến đổi khí hậu, bởi thế sinh thái trong phát triển du lịch cần được bảo tồn và phát huy tiềm năng như rừng dừa, rừng tràm, rừng ngậm mặn,... tất cả phát triển trong lĩnh vực du lịch cần dựa vào giá trị cảnh quan, dựa vào văn hóa bản địa, dựa vào lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng,... tất cả đều dựa trên nền tảng sông nước sinh thái. Những vấn đề đặt ra cần lưu ý là sông ngòi sinh thái không còn sử dụng được, không còn bơi lội được do lượng rác thảy lớn từ nông nghiệp, công nghiệp, từ sinh hoạt thường ngày cảu người dân, hay từ các công trình làm ngăn cản dòng chảy,...; rừng ngập mặn, bờ đê, bãi cát ...bị sạt lở nhiều do thiếu phù sa, do khai thác cát quá nhiều;... tất cả đã làm văn hóa sông nước bị bào mòn, những hoạt động sông nước giảm dần, trẻ em nông thôn không biết bơi, ghe xuồng ít dần ở vùng sông nước, thậm chí những chợ nổi bị chìm dần theo thời gian. Hiện tại còn được Chợ nổi Cái Răng, Chợ nổi Cái Bè và Chợ nổi Dừa Bến Tre đang nổi lên, cần gìn giữ và bảo tồn để phát triển du lịch tạo đặc thù cho ĐBSCL.

ĐBSCL phát triển du lịch trong biến đổi khí hậu lợi ích sẽ mang lại bền vững như giúp ĐBSCL trở thành một đồng bằng đẹp, trù phú, thịnh vượng, thoát nghèo; giúp thu hút đầu tư theo hướng công nghệ không khói thay gì đầu tư cho sản xuất; giúp tăng việc làm, tăng thu nhập sẽ giúp giảm thâm canh nông nghiệp, ít mẫn cảm hơn với biến đổi khí hậu; giúp nuôi dưỡng được những giá trị quan trọng về thiên nhiên, văn hóa. Vậy điều cần thiết là đa dạng hóa tăng dịch vụ du lịch, tăng chất lượng nông nghiệp, tích hợp du lịch vào các quy hoạch phát triển, các đề án án liên kết vùng như: Duyên hải phía Đông, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau hay Tứ giác Long xuyên./.