Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Hội thảo khoa học về định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL

Sáng ngày 17/11/2018, Hội thảo với chủ đề "Định hướng phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh được diễn ra qui mô tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh Trà Vinh (do tỉnh Trà Vinh đăng cai tổ chức). Hội thảo có sự hiện diện bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; ông Lữ Quang Ngời - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL; Lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh trong tiểu vùng và cụm phía Tây ĐBSCL, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh; đặc biệt có các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch cùng các hãng lữ hành du lịch đến từ TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL....
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Hội thảo đã nêu ra nhiều xu hướng liên kết du lịch tiểu vùng, cả nước và thế giới nhằm phát huy giá trị du lịch ĐBSCL nói chung và tiểu vùng duyên hải phía Đông nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay; nhằm khai thác và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương để trở thành sản phẩm du lịch của miền sông nước ĐBSCL trong đó có chuyên đề tại tiểu vùng duyên hải phía Đông với điểm nhấn "kết nối hành trình từ sông ra biển".
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch; lãnh đạo các tỉnh, thành; các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm cùng doanh nghiệp du lịch
Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thay mặt lãnh đạo 4 tỉnh trong tiểu vùng phía Đông sẽ tiếp tục triển khai chi tiết về công tác liên kết. Mong muốn rằng Tổng cục Du lịch Việt Nam và các nhà khoa học tiếp tục quan tâm, giúp đỡ đến khu vực tiểu vùng "Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh" cho việc phát triển du lịch trong thời gian tới. Các doanh nghiệp du lịch của 4 tỉnh sẽ tích cực xây dựng sản phẩm để trong thời gian ngắn có sản phẩm mới ra đời từ sự liên kết, nhằm giữ chân khách trải nghiệm trong chuyến hành trình dài ngày tại các tỉnh tiểu vùng cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL./.

Phát triển du lịch Bến Tre trong thích ứng với biến đổi khí hậu

Bến Tre là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là 1 trong 5 tỉnh đại diện sông nước của 13 tỉnh, thành thuộc vùng thấp. Bến Tre bao phủ bởi 4 nhánh hạ lưu của dòng sông Cửu Long đổ ra biển (cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên), hình thành nên tỉnh Bến Tre trên 3 dải cù lao (Minh, Bảo và An Hóa); do vậy sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn với biến đổi khí hậu từ nay và mãi những thập niên kế tiếp về sau. Việc phát triển du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu là điều tiên quyết đặt ra, cần có những giải pháp tiên tiến để thích ứng nhằm mang tính kết nối vùng ĐBSCL. 
Du thuyền len lỏi trong rạch dừa nước
Tỉnh Bến Tre, hiện tượng nước biển dâng làm ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch, ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, ảnh hưởng đến dịch vụ du lịch dẫn đến cung thấp hơn cầu trong phát triển du lịch cũng như trong sinh hoạt người dân. Những thập niên trước, Bến Tre có 3 vùng sinh thái (mặn, lợ và ngọt) rõ rệt trên bản đồ rẻ quạt của quê hương sông nước Xứ Dừa, nhưng hiện nay, mỗi năm có hai đến ba tháng nước biển dâng rất sâu vào đất liển, nước mặn lấn cả vùng nước lợ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên du lịch.

Bến Tre là tỉnh có tài nguyên du lịch phong phú, có hệ thống sông ngòi chằng chịt nhiều nhất vùng ĐBSCL, sở hữu trên 70 nghìn ha vườn dừa và 35 nghìn ha vườn cây ăn trái; đây là một tài nguyên đặc trưng hiện có và sẽ làm trụ cột để phát triển du lịch sinh thái sông nước; do vậy cần giữ nét nguyên sơ mà thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch, không để công nghiệp hóa phá đi môi trường hiện hữu làm mất tài nguyên du lịch nhằm phát triển  ngành công nghiệp không khói tại Bến Tre phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới mà các ngành, các ấp cần đồng thuận, chung tay xây dựng và bảo vệ tài nguyên một cách hiệu quả nhất. 

Theo phát biểu của Ông Trương Duy Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhận định tại cuộc họp với tập đoàn đầu tư Novaland: Bến Tre là một lá phổi xanh, là vùng đất sinh quyển trong lành, phát triển cây trái phủ một màu xanh khắp kín ba dải cù lao. Công nghiệp có khói chưa phát triển, chưa phá vỡ tài nguyên thiên nhiên vốn có của Bến Tre; từ đó mà ba vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt của Bến Tre có vườn cây ăn trái có rừng ngập mặn, có biển,... bên cạnh đó có nhiều nhân vật lịch sử, nhiều di tích lịch sử, nhiều sản vật phi vật thể,... nên du lịch trải nghiệm tại Bến Tre sẽ kéo dài 3 ngày; đó là tiềm năng mà chúng ta cần lưu ý phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Sản phẩm du lịch đặc thù "Chợ nổi Dừa" trên dòng sông Thom thuộc huyện Mỏ Cày,  gắn với làng nghề khai thác dừa là một sản phẩm tồn tại ở Bến Tre và đang phát triển tốt trong khai thác du lịch, cần phải gìn giữ và phát triển, đừng để chìm theo thời gian như các chợ nổi khác. Ngoài ra với hệ thống làng nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi như: Rượu Phú Lễ, Kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa... là những sản phẩm đặc trưng của tỉnh cần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh để phát triển du lịch.

Trong tỉnh thì hạ tầng giao thông vẫn còn khó khăn, dù có đầu tư từng bước nhưng vẫn còn một số nơi  xe chưa đến điểm du lịch thuận lợi; Sự kết nối giao thông với các tỉnh ven biển theo chiến lược phát triển kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng do cầu, đường còn hạn chế. Đường cao tốc TP.HCM đến Trung Lương đã tạo điều kiện tốt cho việc rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bến Tre; Nếu cao tốc Trung Lương đến TP.Cần Thơ hoàn thành thì Bến Tre tiếp cận hai sân bay ở hai đầu tuyến sẽ giúp du lịch Bến Tre và ĐBSCL sẽ khởi sắc hơn trong tương lai.

Hệ thống cơ sở lưu trú đã có khách sạn từ 1 sao đến  4 sao và nhiều khách sạn khác; cần đầu tư thêm 4, 5 sao để đáp ứng phân khúc thị trường khách cao cấp; tuy nhiên là vùng sông nước gắn với rừng sinh thái Dừa đặc trưng nên loại hình lưu trú gắn với nhà dân (homestay) là điều cần thiết trong phát triển du lịch cộng đồng, giữ chân du khách dài ngày tại địa phương; phát triển du lịch ẩm thực dừa, từng bước xây dựng thương hiệu "Du lịch sinh thái sông nước Xứ dừa" để đưa thương hiệu lên bản đồ thế giới. 
Vườn dừa đặc trưng Bến Tre
Với lợi thế của tỉnh Bến Tre là ruộng lúa, rừng dừa, vườn cây ăn trái, người dân hiền hòa, chất phác nên việc phát triển loại hình du lịch Nông nghiệp là điều cần thiết mà thị hiếu của khách du lịch hiện nay đang chú ý. Cần tận dụng ưu thế tự nhiên để khai thác bản sắc văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, ...

Những thách thức và giải pháp trong phát triển du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu:

Tài nguyên phong phú và đặc thù vốn có của tỉnh, bên cạnh những đe dọa bởi diễn biến khí hậu; nếu sinh thái không được bảo tồn và phát huy tiềm năng của sông nước, rừng dừa, vườn cây ăn trái thì dần dần sẽ mất đi nền tảng cảnh quan, cũng như văn hóa bản địa của quê hương sông nước xứ dừa ngày mai một. 

Cần xây dựng kế hoạch ứng phó, xây dựng chương trình điều tra, giám sát để đưa ra biện pháp bảo vệ; nhất là phục hồi và bảo vệ các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, các vật liệu truyền thống để bảo tồn tính thẩm mỹ. Đồng thời áp dụng kỹ thuật hiện đại để kéo dài tuổi thọ các công trình văn hóa, công trình kiến trúc mà Bến Tre đang sở hữu. 

Cần giáo dục và nâng cao ý thức các bên liên quan về những ảnh hưởng về bảo vệ môi trường và phương thức ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Có ý thức giữ môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp; giữ gìn tài nguyên thiên nhiên là vấn đề cần thiết để phát triển du lịch bền vững, thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói thay cho đầu tư công nghiệp khác.

Cần có dự án chiến lược xung quanh thương hiệu sông MêKông về các chuyên đề đất phương Nam, là vùng trũng, là vùng lúa nước giáp biển,... để gìn giữ môi trường sinh thái tự nhiên trong phát triển du lịch và khai thác mang tính bền vững. Chuyên đề về nghỉ dưỡng sông MêKông, khám phá MêKông là một sức hút hấp dẫn đối với du khách khi được ngấm mình và trải ngiệm trong dòng sông chín rồng (một trong những dòng sông lớn nhất thế giới). Chuyên đề về vùng đất địa linh nhân kiệt, là điểm đến kinh doanh và vui chơi - hội tụ để thu hút nhà đầu tư đến đầu tư phát triển du lịch trong giai đoạn nông nghiệp, ngư nghiệp của Bến Tre đang giai đọan bảo hòa. Cần kêu gọi nhà đầu tư lớn xây dựng qui mô có chiến lược làm đầu tàu, giúp tăng việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giúp nuôi dưỡng được những giá trị nhân văn góp phần cho phát triển du lịch bền vững để trở thành điểm đến tầm cở quốc tế. 

Cần có dự án du lịch biển, rừng ngập mặn của Bến Tre trong ĐBSCL, có chương trình tham gia bảo vệ rừng, du lịch trồng rừng, du lịch mạo hiểm để khai thác hết tiềm năng của du lịch Bến Tre. Bên cạnh đó, các dự án ngăn mặn, đê bao ngăn thủy triều là điều tiên quyết trong ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển du lịch./.

Hội thảo "Xây dựng bộ quy chuẩn homestay kiểu mới tại Bến Tre"

Nhằm xây dựng bộ quy chuẩn về loại hình lưu trú nghỉ đêm tại nhà dân (homestay) tại Bến Tre hoạt động đồng bộ, có sự quản lý chặt chẽ dựa trên các qui định cụ thể, rõ ràng. Từ đó làm cơ sở hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch địa phương, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa  bản địa, từng bước xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa”. Khai thác tài nguyên để xây dựng sản phẩm đặc thù, tạo sự khác biệt của du lịch Bến Tre trong khu vực. Giúp các cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay từng bước đi vào chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động phục vụ du khách.
Toàn cảnh diễn ra hội thảo
Sáng  ngày 15 tháng 11 năm 2018, tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bến Tre tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Bộ quy chuẩn homestay kiểu mới tại Bến Tre. Đây là một trong các nội dung nằm trong dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với loại hình homestay kiểu mới tại Bến Tre”. Tham dự hội thảo có sự hiện diện của Ông Trương Quốc Phong - Tỉnh Ủy viên - Giám đốc SVHTTDL, Ông Trần Duy Phương - Chủ tịch HHDL tỉnh Bến Tre cùng đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, phòng Văn hóa Thông tin các huyện/thành phố, các công ty hoạt động lữ hành, cơ sở kinh doanh loại hình homestay.

Bộ quy chuẩn homestay được hình thành dựa trên nền tảng của tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê theo tiêu chuẩn ASEAN và TCVN 7800:2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Song song đó là điều kiện về nền tảng văn hóa lịch sử, về con người kết hợp với khai thác du lịch mang đậm chất Nam bộ... Tất cả tạo nên loại hình homestay riêng cho Bến Tre. Bộ quy chuẩn gồm 05 phần: Vị trí, địa lý; Trang thiết bị, tiện nghi; Dịch vụ và mức độ phục vụ; Tiêu chuẩn về người phục vụ và bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, phòng chống cháy nổ. Qua đó, trong bộ qui chuẩn còn hướng dẫn khung chương trình đào tạo dành riêng cho loại hình homestay với các kỹ năng: tổng quan về homestay, sơ cấp cứu tại chỗ, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiến thức và kỹ năng phục vụ homestay, anh văn cơ bản.
Đại biểu tham gia xây dựng bộ quy chuẩn
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến, góp ý nhiệt tình, tâm huyết từ quí đại biểu. Nhấn mạnh vai trò cộng đồng trong hoạt động du lịch, yếu tố môi trường: phân loại chất thải rác, giảm thiểu tiếng ồn,… khuyến khích sử dụng vật liệu mang đặc trưng địa phương vào thiết kế nội thất, giảm thiểu bê tông hóa trong xây dựng. Mở rộng khuyến khích bán phòng trực tuyến qua mạng tại các kênh bán lẻ. Dựa trên các nội dung của bộ qui chuẩn sẽ đưa ra điểm đánh giá cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện.

Kết thúc hội thảo Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở VHTTDL đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến đóng góp xây dựng bộ qui chuẩn của đại biểu đến tham dự và sẽ hoàn thiện bộ quy chuẩn trước khi chính thức ban hành và ứng dụng thực tế. Thông qua đó góp phần tạo việc làm cho nguồn lao động địa phương, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa xứ dừa đến với du khách trong và ngoài nước biết đến, sớm đưa ngành du lịch tỉnh Bến Tre phát triển hoàn thiện, bền vững trong thời gian sắp tới./.

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Khơi dậy tiềm năng du lịch Mỏ Cày Bắc

Huyện Mỏ Cày Bắc nằm trên Cù lao Minh giữa hai nhánh sông Hàm Luông và Cổ Chiên cùng hai quốc lộ 57 và 60; vùng đất giao thoa giữa rừng dừa và xứ sở hoa kiểng, cây giống và trái cây của tỉnh Bến Tre.

Du lịch Mỏ Cày Bắc, bước đầu thu hút được một số du khách du khách nước ngoài tại xã Tân Thành Bình qua dịch vụ ngủ đêm nhà dân (homestay) và trãi nghiệm các tuyến sông nước bắt đầu từ Thành phố Bến Tre, tham quan, du thuyền xuyên qua huyện và kết thúc tại chợ nổi dừa - sông Thơm, Mỏ Cày Nam. Hay những làng nghề truyền thống và các khu thờ tự, tâm linh khác được kết nối qua các đường làng rợp bóng cây trái, hoa kiểng để đến Chợ Lách đã thu hút nhiều du khách và các nhà làm lữ hành quan tâm.

Vừa qua, thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ủy ban nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc xây dựng Kế hoạch 363/KH-UBND ngày 07/3/2018 về phát triển tuyến du lịch Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi và Phú Mỹ đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Ban chỉ đạo phát triển du lịch sinh thái huyện kết hợp với Ủy ban nhân dân 03 xã Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi và Phú Mỹ, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và các đơn vị lữ hành trong tỉnh tổ chức hội nghị trong ba ngày 6, 7 và 8/11/2018 triển khai và cụ thể hóa kế hoạch phát triển du lịch của từng địa phương trong thời gian tới thành tuyến du lịch liên tuyến và mở rộng ra 02 xã Thanh Tân và Tân Phú Tây. 

Tài nguyên du lịch huyện Mỏ Cày Bắc, cụ thể là 3 xã Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi và Phú Mỹ cũng khá phong phú, đáp ứng yêu cầu kết nối tuyến du lịch tứ Thành phố Bến Tre đến huyện Chợ Lách rồi qua Vĩnh Long; cũng như kết nối về Mỏ Cày Nam đến Thạnh Phú và qua tỉnh Trà Vinh. Đây cũng là liên tuyến du lịch chính của huyện mà Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện kết hợp với Ủy ban nhân dân 03 xã Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi và Phú Mỹ, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và các đơn vị lữ hành trong tỉnh thống nhất triển khai và cụ thể hóa từ các làng nghề, hộ kinh doanh ăn uống, điểm tham quan tử các vườn cây trái, sông nước và đường quê thơ mộng và yên bình.

Một số điểm tham quan và tài nguyên du lịch:
- Xã Tân Thành Bình: Các cơ sở thu mua, chế biến dừa Vàm Nước trong, cơ sở làm chổi dừa Chợ Xép, làm tương hột Tân Thành Bình, các điểm dừng chân Quốc lộ 60, các điểm ngủ nhà dân homestay.
Chèo xuồng trong rạch (ảnh minh họa)
- Xã Thạnh Ngãi: Chùa Gia Hưng, Bến đò Thanh Tân - Thạnh Ngãi (ấp Gia Thạnh); Đình Tân Ngãi (ấp Tân Ngãi), Làng nghề hoa kiểng, Chùa Long Minh, Chợ Trường Thịnh (ấp Chợ Mới); Cơ sở làm đũa Hồ Văn Hoa (ấp Xóm Cối); Dịch vụ ẩm thực Thúy Lài, Cơ sở sản xuất kẹo dừa Mỹ Lan, HTX nông nghiệp ấp Chợ Cũ; Quán bánh xèo Sáu Gái, Đờn ca tài tử hộ ông Phạm Văn Màng, Vườn bưởi Tám Phấn.

- Xã Phú Mỹ: Chùa Dừa ấp Mỹ Sơn Đông, Chùa Phú Long; Khu lưu niệm giáo sư Ca Văn Thỉnh, Đình Thanh Long; Các làng nghề hoa kiểng - cây giống, vườn cây trái ấp Phú Thuận, Phú Thạnh; cơ sở làm bánh rau mơ lá mít, …
Làng nhề hoa kiểng - cây giống (ảnh minh họa)
Để phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện Mỏ Cày Bắc tập trung tuyên truyền cho nhân dân về ý nghĩa, vị trí, vai trò của du lịch và phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh các dịch vụ du lịch tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Phối hợp với Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh quảng bá tiềm năng du lịch, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch.

Du lịch Mỏ Cày Bắc, cụ thể là tuyến liên xã kết nối 3 xã đến Mỏ Cày Nam và Chợ Lách là tiềm năng phát triển đa dạng, phong phú. Các địa phương, các hộ dân và các đơn vị lữ hành cần tiếp tục liên kết và phát triển, tạo nhiều sản phẩm khác biệt để thu hút khách; từng bước đầu tư và củng cố hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng này./.

Mêkông - Vùng đất của sự kỳ diệu

Đó là chủ đề của của dự án "Chiến lược phát triển thu hút Du lịch thích ứng biến đổi khí hậu" chính thức khởi động từ tháng 4/2018. Dự án được Thủ tướng Chính phủ quan tâm sâu sắc vì mục tiêu tìm giải pháp đột phá phát triển Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do tập đoàn BCG (The Boston Consulting Group tư vấn với sự tài trợ bởi tập đoàn Novaland và ngân hàng TMCP Quân đội - MB Bank đang trong giai đoạn hoàn chỉnh để trình Chính phủ.

Ngày 10/11/2018 tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, đại diện Tập đoàn BCG và Novaland có buổi làm việc với lãnh đại tỉnh Bến tre để tìm ra phương án tối ưu nhằm tạo ra nhiều điểm đến đạt chuẩn Quốc tế cho tỉnh nhà. Buổi làm việc có Ông Phan Văn Mãi - UV BCH TW Đảng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre; ông Trương Duy Hải - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng đại diện Sở VHTTDL, Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, UBND huyện Châu Thành và VP.UBND tỉnh cùng dự.
Quang cảnh cuộc họp, từ trái sang: ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở VHTTDL, ông Nguyễn Minh Cảnh - Giám đốc Sở KH&ĐT, ông Trương Duy Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre
Dự án được tập đoàn BCG và Novaland báo cáo về điểm đến du lịch của vùng đất diệu kỳ sông Mêkông trở thành điểm đến tầm Quốc tế với dòng sông hàng đầu khu vực Châu Á sẽ khuyến khích 13 tỉnh, thành ĐBSCL đạt tương đương 4 tỉ USD chi tiêu trực tiếp từ du lịch đến năm 2030; thu hút 19 triệu lượt khách du lịch lưu trú qua đêm (chiếm 30% khách Quốc tế); tạo ra khoảng trên 30.000 việc làm mới và hạ tầng kết nối thuận lợi cho vùng ĐBSCL. Dự án đã đặt ra 5 chủ đề chiến lược chính xung quanh thương hiệu sông MeKông là: chuyện đất phương Nam, Nghỉ dưỡng sông MêKông, khám phá MêKông, vùng đất điểm đến kinh doanh và vui chơi - hội tụ cùng với những thử thách và kiến nghị đối với ngành du lịch Vương quốc Dừa.
Các chuyên gia đại diện Tập đoàn BCG (The Boston Consulting Group) và tập đoàn Novaland trao đổi thảo luận với lãnh đạo tỉnh Bến Tre
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng đã nhấn mạnh một số đặc điểm đặc trưng mà dự án cần lưu ý bổ sung cho cả vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng là: Từ Tp.HCM đến vùng ĐBSCL thì Bến Tre là điểm đầu hoặc điểm cuối của tuyến; nếu đi tuyến Quốc lộ 1 vòng về tuyến ven biển thì Bến Tre là điểm cuối kết thúc tour, hoặc ngược lại. Bến Tre là lá phổi xanh, là vùng sinh quyển trong lành, công nghiệp có khói chưa phát triển; là tỉnh có 3 vùng sinh thái (mặn, lợ và ngọt) giữ chân khách ít nhất 3 ngày; Bến Tre đi Côn Đảo rất gần và thuận lợi bởi có Khu du lịch địa phương "Thạnh Phong - Thạnh Hải" gắn với di tích Đường HCM trên biển"; có nhiều nhân vật lịch sử như Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Nhà bác học Trương Vĩnh Ký, nhà giáo Võ Trường Toản,...; là tỉnh ngoài đặc trưng dừa còn là vương quốc cây ăn trái và sản xuất giống cây trồng lớn nhất nước; đặc biệt hơn là Chợ nổi Dừa gắn với làng nghề khai thác dừa; Du lịch biển kết hợp trải nghiệm rừng ngậm mặn của 3 huyện ven biển;....

Qua buổi làm việc, lãnh đạo Bến Tre mong muốn các chuyên gia của Dự án quan tâm những nét đặc thù từng địa phương trong vùng dự án, trong đó Bến Tre với vùng đất sinh quyển trong lành, có nhiều nét riêng của quê hương sông nước Xứ Dừa,... nhằm kêu gọi và chào đón các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng để đầu tư du lịch với vai trò đầu tàu cho ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Chợ Lách tập trung phát triển du lịch theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy

Qua một năm thực hiện Chương trình hành động số 22/CTr-TU, ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-BCT ngày 16/01/2017 cảu Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020. Huyện Chợ Lách đã xây dựng Kế hoạch số 759/KH-UBND theo tinh thần Kế hoạch số 4573/KH-UBND ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Du lịch Chợ Lách đã có bước phát triển tốt so với cùng kỳ năm trước và cũng là tiền đề cho việc phát triển du lịch đặc thù ở vương quốc trái cây và cây giống, hoa kiểng nhằm góp phần trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của huyện Chợ Lách nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung.
Đoàn kiểm tra thực hiện phát triển du lịch năm 2018 tại Chợ Lách do UBND tỉnh tổ chức cùng các ban, ngành tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn (đứng thứ 3 từ phải sang)
Sản phẩm du lịch
Ngoài những tài nguyên du lịch được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nước ngọt quanh năm nầy đã tạo một môi trường cây trái sum suê, sản sinh 31 làng nghề hoa kiểng, cây giống với 5.700 hộ tham gia, tạo được nét đặc thù riêng cho Chợ Lách trong phát triển du lịch Cộng đồng, phát triển du lịch Nông nghiệp thì những sản phẩm du lịch cũng từng bước ra đời ở nhiều loại hình để phục vụ du khách đến với Chợ Lách. Những điểm dừng chân, điểm tham quan, homestay, cơ sở lưu trú hiện đang hoạt động như: Năm Vũ (xã Phú Phụng), Ba Ngói (xã Vĩnh Bình), Đại Lộc (xã Sơn Định), Năm hiền (Thị trấn Chợ Lách), Jardin Du MêKông (xã Hòa Nghĩa), Lâm Nga, Việt Hải, Bảy Thảo (xã Vĩnh Thành), vườn kiểng Hoàng Duy, Năm Công,...(xã Hưng Khánh Trung B),... Năm 2018 cũng đã hình thành 01 trạm dừng chân Tư Thành (xã Sơn Định); điểm tham quan du lịch sinh thái Nguyễn Gia (xã Tân Thiềng) và homestay Hạnh Phúc (xã Hòa nghĩa).

Với môi trường sinh thái sông nước miệt vườn nên việc quan tâm đến các làng nghề là điều tiên quyết của Chợ Lách. Khách du lịch đến Chợ lách ngoài tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm trong vườn cây, tham quan những sản phẩm hoa kiểng, cây giống còn tham gia quá trình làm ra một sản phẩm cây giống, được nghệ nhân hướng dẫn chiết cây, bó ghép cành, uốn sửa tạo dáng kiểng, tự tay làm ra sản phẩm mang về làm quà cho người thân,.... Hiện tại UBND huyện kết hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang hoàn thiện đề án Làng Văn hóa Du lịch gồm 4 xã: Long Thới, Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa với loại hình bảo tồn và phát triển văn hóa làng nghề Hoa kiểng, Cây giống qui mô để trở thành sản phẩm du lịch mang tầm cấp Quốc gia.
Loại hình du lịch tâm linh cũng được quan tâm khai thác nhằm phục vụ du khách có nhu cầu trong lĩnh vực nầy; Nhà thờ Cái Mơn là một trong những nhà thờ cổ kính và lớn nhất vùng của cụm phía Đông ĐBSCL, thu hút nhiều du khách đến hành hương. Chùa Kim Long là một trong những ngôi chùa được bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh đến viếng và hành hương, hàng ngày có khoảng trên 500 lượt khách viến chùa, những ngày mùng 8,18,28 hàng tháng du khách thập phương các nơi về chùa rất đông thành lệ hội. Với những sản phẩm du lịch phong phú của Chợ Lách, năm 2018 đã thu hút được 65.000 lượt, trong đó khách quốc tế chiếm 6 ngàn lượt, chiếm gần 10% trong tổng khách. Doanh thu từ khách du lịch đạt trên 35 tỉ đồng.
Đoàn kiểm tra thực hiện phát triển du lịch năm 2018 tại Chợ Lách do UBND tỉnh tổ chức cùng các ban, ngành tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn (đứng thứ 3 từ phải sang)
Hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Tổng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến phục vụ du lịch đạt trên 65 tỉ đồng; trong đó nhờ sự phát huy mọi nguồn lực trong huyện và kết hợp với tỉnh, với các doanh nghiệp, tranh thủ sự hỗ trợ của trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất  phục vụ du lịch, thúc đẩy giao lưu hàng hóa. Điểm hoamestay Hạnh Phúc đầu tư mới 3 tàu du lịch, điểm du lịch sinh thái Nguyễn Gia đầu tư mới 1 tàu du lịch đã góp phần cho việc tham quan sông nước miệt vườn Xứ Dừa ngày càng thuận lợi trong phát triển du lịch. Việc chỉnh trang cơ sở tham quan, điểm dừng chân được thường xuyên nhắc nhỡ, đặc biệt là hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn được quan tâm xây dựng, sửa chữa để đãm bảo nhu cầu phục vụ du khách. 

Năm qua huyện cũng đã tổ chức 2 buổi Hội nghị, 1 buổi Hội thảo và 1 buổi Tọa đàm liên quan đến phát triển du lịch nhằm gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối doanh nghiệp, nhà vườn để tìm ra định hướng, giải pháp khai thác hiệu quả các loại hình du lịch trên địa bàn. Lễ hội trái cây an toàn hàng năm cũng được tổ chức qui mô, hoành tráng nhằm thu hút khách du lịch vào dịp Đoan ngọ mùng 5/5 âm lịch về với Chợ Lách để thưởng thức và trải nghiệm cây trái miệt vườn vùng vương quốc trái cây và hoa kiểng, cây giống./.

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Hà Tĩnh tổ chức Cuộc thi "Ảnh đẹp du lịch Hà Tĩnh" và video clip "Hà Tĩnh trong tôi năm 2018

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tổ chức Cuộc thi "Ảnh đẹp du lịch Hà Tĩnh" và video clip "Hà Tĩnh trong tôi" năm 2018 để tuyển chọn những bức ảnh đẹp, video clip ấn tượng nhằm làm phong phú kho tư liệu, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Hà Tĩnh; đồng thời khuyến khích, tôn vinh các tác giả sáng tác các tác phẩm mới, độc đáo, thể hiện được những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa con người Hà Tĩnh.

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Khảo sát kết quả thực hiện kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Bến Tre

Ngày 01 tháng 11 năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre (UBND) tổ chức đoàn khảo sát kết quả thực hiện Kế hoạch số 4573/KH-UBND, ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn cùng các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành như: Sở Khoa học & Công nghệ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Giao thông Vận tải; Sở Tài nguyên & Môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn; Công an tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh... đã tiến hành khảo sát tại hai huyện có du lịch phát triển mạnh trên địa bàn toàn tỉnh là Châu Thành và Chợ Lách.
Đoàn khảo sát trao đổi tìm hiểu hoạt động tại điểm du lịch cùng chủ cơ sở du lịch sinh thái nhà vườn
Qua khảo sát tại một số điểm đang hoạt động du lịch trên địa bàn hai huyện, đoàn nắm bắt được những thuận lợi và khó khăn của các địa phương sau một năm triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2020 và thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030. Các sở, ngành tham gia đoàn khảo sát được nghe báo cáo của UBND hai huyện và đã góp ý kiến tháo gỡ kịp thời những khó khăn và kiến nghị của các địa phương trong giai đoạn thực hiện phát triển du lịch năm qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của từng địa phương, 9 tháng đầu năm đã có nhiều khởi sắc trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch trên địa bàn, xây dựng sản phẩm đặc thù của địa phương, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cũng như có nhiều phương cách quảng bá xúc tiến thương hiệu du lịch,... Kết quả của từng địa phương đạt yêu cầu đặt ra của Chương trình hành động số 22-CTr/TU là lượng khách tăng từ 12% đến 15% so cùng kỳ và doanh thu tăng từ 22% đến 25% so cùng kỳ.
(Từ trái qua) Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở VHTTDL phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Châu Thành, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (thứ 2), ông Lâm Văn Tân - GĐ Sở KH&CN (thứ 3)
Ông Nguyễn Hữu Phước đánh giá các địa phương đều cụ thể hóa để triển khai thực hiện kế hoạch chung của tỉnh; các địa phương đều gặp nhiều thuận lợi và cũng không ít việc khó khăn nhưng từng bước sẽ cố gắng khắc phục dần. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương nên tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho từng địa phương theo tài nguyên hiện có; tạo môi trường xanh, sạch, đẹp để phát triển du lịch; tập trung tập huấn kiến thức cho người làm du lịch trên địa bàn kể cả cộng đồng dân cư để có ý thức chung trong cộng đồng về việc tập trung phát triển du lịch của địa phương; tuyệt đối bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách nhất là khách nước ngoài bởi lượng khách nước ngoài đến Bến Tre với tỉ lệ cao, chiếm trên 40% trong tổng lượt khách đến. Đồng thời xác định lại vai trò của từng đối tượng rõ nét trong phát triển du lịch để có định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch; xác định và định hướng cho từng vùng trong huyện có quy hoạch phát triển thành cụm, không manh mún./.

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

Hội thi ảnh Nghệ thuật huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) năm 2019

Để lập thành tích chào mừng Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh Bến Tre lần thứ 27 năm 2019. Nhân dịp kỷ niệm 197 năm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (01/7/1822-01/7/2019) và hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ba Tri. Nhằm tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương thông qua các tác phẩm nghệ thuật phản ánh thành tựu kinh tế, xã hội, các địa danh di tích cấp quốc gia, du lịch biển, đặc biệt là Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre tại khu di tích lịch sử nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức Hội thi ảnh Nghệ thuật Ba Tri năm 2019 với các nội dung sau:

1. Đối tượng tham dự hội thi:
Là công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, độ tuổi trong tỉnh Bến Tre.

2. Chủ đề hội thi: "Đất và người Ba Tri"

3. Địa điểm và thời gian tổ chức:
- Thời gian và địa điểm nhận ảnh dự thi: ảnh dự thi gửi về Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ba Tri đến hết ngày 31/5/2019.
- Thời gian và địa điểm tổ chức chấm ảnh: vào lúc 08 giờ ngày 07/6/2019, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ba Tri. Tổng kết phát thưởng và triển lãm ảnh vào dịp Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre (1/7) năm 2019 tại Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu.

4. Cơ cấu giải thưởng:
01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 04 giải khuyến khích và 50 ảnh treo.

(Thể lệ cuộc thi Ban Tổ chức sẽ có thông tin cụ thể)

Triển khai kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học "Định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long"

Thực hiện theo hợp tác liên kết của Tỉnh ủy bốn tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang về phát triển du lịch tiểu vùng Duyên hải của cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Trà Vinh đăng cai phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL" gắn với lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh năm 2018 theo Quyết định số 02/QĐ-BCB ngày 30/7/2018 của Ban chỉ đạo Tuần Văn hóa Du lịch - Liên hoan Ẩm thực Nam bộ năm 2018.
Quang cảnh cuộc họp, ông Nguyễn Trung Hoàng - PCT UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu chỉ đạo (ảnh TTXTDL Trà Vinh)
Ngày 26/10/2018, Sở VHTTDL Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch tổ chức cuộc họp lấy ý kiến thống nhất Kế hoạch Hội thảo khoa học diễn ra tại Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh với sự tham dự của ông Nguyễn Trung Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; ông Trang Thiếu Hùng - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh; ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở VHTTDL Trà Vinh; các tỉnh Tiểu vùng có đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL Vĩnh Long, Trung tâm TTXTDL Bến Tre và cùng các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch.

Hội thảo nhằm xác định kỳ vọng của việc thiết lập chiến lược liên kết phát triển du lịch; nhận diện rõ nét thế mạnh và hạn chế trong phát triển du lịch; phân tích các khả năng tiếp cận và loại trừ vào chuỗi giá trị du lịch; từ đó định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng phía Đông ĐBSCL mang tính khả thi, hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững. Bên cạnh đó liên kết hợp tác với cụm phía Tây ĐBSCL và các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo Kế hoạch, đoàn khảo sát ngày 16/11/2018 để chuẩn bị cho Hội thảo dự kiến là 100 đại biểu trong và ngoài tỉnh gồm Đại diện các trường Đại học, Cao đẳng TP.HCM và ĐBSCL; các doanh nghiệp Lữ hành Du lịch Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh liên kết cùng các chuyên gia: Văn hóa Tộc người; Văn hóa Du lịch; Kinh tế Du lịch; Lịch sử; Du lịch và xây dựng sản phẩm Du lịch; Marketing du lịch; Quy hoạch quản lý tài nguyên du lịch; ... Hội thảo chính thức sẽ diễn ra 1 ngày vào ngày hôm sau (17/11/2018 tại Hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Trà Vinh với qui mô 200 đại biểu chính thức)./.