Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Đạt kết quả vượt trội gấp hai lần so dự kiến

Khu ẩm thực Dừa Nam bộ và xúc tiến du lịch được tổ chức hoành tráng tại Công viên tượng đài Chiến thắng trên sông từ ngày 07/4 đến 13/4 đã đạt kết quả vượt kế hoạch so với dự kiến ban đầu.
Lễ khai mạc liên hoan ẩm thực và du lịch năm 2015
Theo Kế hoạch khu ẩm thực chỉ 40 gian hàng với 20 đơn vị tham gia và 4 gian hàng 7 x 7 cho chương trình xúc tiến du lịch và được gắn liền các sự kiện khác như: Con đường Dừa hay Hội chợ Thương mại. Tuy nhiên, với sự bố trí hài hòa từng khu vực trên địa bàn thành phố Bến Tre, khu vực tổ chức được bố trí riêng; với sự linh hoạt của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL) đã mở rộng qui mô lên 75 gian hàng ẩm thực và 25 gian hàng xúc tiến du lịch.

Đây là hai chương trình “Liên quan ẩm thực và tham quan du lịch” của Tuần lễ Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Dừa Bến Tre lần IV năm 2015. Ngoài những chương trình hội thi thời trang dừa, chương trình nghệ thuật giai điệu xứ dừa, chương trình nghệ thuật những rặng dừa quê hương, tổ chức đua xuồng,… thì chương trình “Liên quan ẩm thực và tham quan du lịch” đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức, tạo được không khí sôi động, góp phần cho sự thành công của Lễ hội Dừa Bến Tre lần IV năm 2015.

Trung tâm TTXTDL mời các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng của các tỉnh, thành bạn đến tham gia cùng các doanh nghiệp Bến Tre nhằm quảng bá thương hiệu của mình, góp phần đa đạng các món ăn của các địa phương trong khu vực; vừa giao lưu kinh nghiệm trong việc chế biến món ăn, đặc biệt là vận động những nghệ nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật chế biến thức ăn từ những chuyên gia nước ngoài; bên cạnh đó tăng cường các hoạt động phỗ trợ như trò chơi giải trí, sân khấu hát nhau nghe, chiếu phim màng ảnh rộng,… tạo điểm nhấn đặc trưng cho Lễ hội.

Ngoài chương trình Liên hoan ẩm thực và tham quan du lịch theo Kế hoạch; Trung tâm đã mời các Trung tâm Xúc tiến Du lịch các tỉnh thành về tham gia xúc tiến du lịch tại Bến Tre trong dịp nầy, nhằm liên kết giao lưu kinh nghiệm và giới thiệu sản phẩm du lịch của các địa phương để nối tour, tạo tuyến du lịch từ Bến Tre với các tỉnh.
Đờn ca tài tử trên thuyền “Lung linh sông nước” trên sông Bến Tre
Với sự quan tâm nhiệt tình của các Trung tâm XTDL các tỉnh, thành bạn vừa trực tiếp tham gia, vừa vận động doanh nghiệp tham gia trong hai dự kiện nầy như: Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng, Huyện Phong Điền - Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang đã cùng Trung tâm TTXTDL Bến Tre hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như tạo ra khí thế qui mô cho Lễ hội đã đem lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến quê hương Bến Tre trong kỳ Lễ hội nầy.

Số lượng đăng ký tham gia liên hoan ẩm thực lên đến 42 đơn vị, 10 doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh và 10 Trung tâm XTDL các tỉnh đã thu hút du khách đến khu vực nầy mỗi ngày đều tăng, những ngày đầu gần 10.000 lượt/ngày, đến những ngày cuối tuần, du khách tăng lên khoảng 15.000 lượt/ngày. Đây là sự thành công vượt gấp hai lần so với dự kiến kế hoạch.
Quang cảnh nhộn nhịp của du khách tham gia ẩm thực tại Liên hoan ẩm thực trong chuỗi hoạt động Lễ hội Dừa 2015
Những tour tham quan du lịch tại Bến Tre cũng được các lữ hành du lịch như: Nam Bộ, Cái Cấm, Bảo Duyên, Công ty CP Du lịch Bến Tre,… đã tích cực phục vụ du khách từ tour xe ngựa, tour lung linh sông nước, đặc biệt là các tour du lịch trong tỉnh nhân ngày Lễ hội nhằm giới thiệu hình ảnh Đất và Người Bến Tre, cũng như giới thiệu những sản phẫm du lịch đặc trưng của quê hương xứ Dừa.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre chân thành ghi nhận sự tham gia của các doanh nghiệp; Trung tâm TTXTDL các tỉnh, thành; các doanh nghiệp du lịch và các nhà hàng, cơ sở nấu ăn trong và ngoài tỉnh đã tham gia tích cực, góp phần cho sự thành công của Lễ hội. Hy vọng Du lịch Bến Tre qua Lễ hội lần nầy sẽ được các Trung tâm TTXTDL các tỉnh, thành trên cả nước, du khách trong và ngoài nước quan tâm hơn nữa đối với vùng sông nước miệt vườn Bến Tre, tạo sự gắn kết càng ngày bền chặt và hẹn gặp lại du khách trong và ngoài nước trong những lần tổ chức sự kiện tiếp theo tại Bến Tre./.

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Thạnh Phong góp phần du lịch huyện Thạnh Phú phát triển trong tương lai

Tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre mô hình du lịch cộng đồng do Hợp tác xã (HTX) Du lịch Sinh thái Cộng đồng xã Thạnh Phong được thành lập trên cơ sở thực hiện đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại khu vực Bảo tồn thiên nhiên và Bảo vệ mội trường vùng ven biển, thuộc xã Thạnh Phong”; mà người trực tiếp khởi xướng và thực hiện là chị Trần Thị Thu Nga (Nguyên PGĐ Sở Thủy sản Bến Tre).

Hoạt động du lịch sinh thái ở các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ và đặc dụng tại xã Thạnh Phong - huyện Thạnh Phú tuân thủ theo qui định của pháp luật về du lịch, về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. HTX Du lịch cộng đồng Thạnh Phong đi vào hoạt động cũng nằm trong dự án phát triển khu du lịch biển Thạnh Phong - Thạnh Hải đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận khu du lịch địa phương “Khu di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” theo Quyết định số: 1924/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2014 gồm: Khu di tích trung tâm Hồ Cỏ thuộc ấp Thạnh Hải - xã Thạnh Hải; Khu di tích Cồn Bửng thuộc ấp 8 - xã Thạnh Hải; Khu di tích Cồn Lợi thuộc ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải; Khu di tích Vàm Khâu Băng thuộc ấp Thạnh Hòa là Thạnh Lộc - xã Thạnh Phong; Khu di tích Cồn Lớn thuộc ấp Thạnh Lộc - xã Thạnh Phong, với tổng diện tích 738ha.
Hướng dẫn viên HTX đang giới thiệu sản phẩm trưng bày tại nhà cộng đồng
Hiện tại Khu du lịch Thạnh Phong - Thạnh Hải đang trong giai đoạn hoàn chỉnh đề án chi tiết phát triển du lịch để trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm kêu gọi các nhà đầu tư đến để tìm hiểu đầu tư phát triển du lịch biển cho địa bàn Thạnh Phú. Tuy nhiên, bước đầu khi khu di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển được đặt viên đá đầu tiên từ năm 2010 và khởi công giai đoạn I dự án vào ngày 17/01/2013 thì du khách tham quan tăng đột biến nhằm tìm hiểu di tích và thưởng thức đặc sản của địa phương; nhất là hải sản tươi sống; Trong những ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, lượng khách lên đến gần 1.000 lượt/ngày; những ngày lễ, tết có khoảng trên 3.000 lượt/ngày.

Đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại khu vực Bảo tồn thiên nhiên và Bảo vệ mội trường vùng ven biển, thuộc xã Thạnh Phong” triển khai và đang trong giai đoạn kết thúc chuyển giao thì HTX du lịch cộng đồng Thạnh Phong được hình thành; đây là bước đầu cho sự phát triển du lịch vùng biển Thạnh Phú. 

Quá trình triển khai đề án, đã có các chương trình đào tạo kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân bản địa, giúp từng người có một khái niệm về du lịch cộng đồng, cùng thực hiện, cùng quản lý, cùng khai thác và cùng hưởng lợi; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một môi trường du lịch văn minh, lành mạnh; tiếp cận và giao tiếp với du khách phương xa ân cần, lịch sự; giúp đầu ra cho những sản phẩm nông, hải sản của người dân; tạo thêm dịch vụ, việc làm cho nhân dân lao động xã nhà,…
Du khách trải nghiệm trong rừng dương ven biển
HTX Du lịch cộng đồng Thạnh Phong đi vào hoạt động với một tổ chức rập ràng của Ban điều hành, chia các tổ chuyên môn như: tổ thủ công mỹ nghệ, tổ ẩm thực, tổ chế biến công nghệ truyền thống,…; nhà cộng đồng sử dụng vào mục đích đa chức năng như phòng giáo dục cộng đồng, phòng trưng bày nhiều sản phẩm địa phương, phòng quảng bá tour tuyến du lịch đã giới thiệu đến du khách về những nghề truyền thống như: nghề khô, nghề cá, nghề trồng rau màu, nghề thủ công mỹ nghệ,…; đồng thời HTX tiếp nhận khách tham quan với những tour du lịch trải nghiệm ở vùng ven biển như: tham quan những ruộng dưa, củ sắn; chèo xuồng tham quan rừng ngập mặn; tham gia thả lưới bắt cá, bắt cua, bắt sò huyết; tham quan hệ sinh thái bãi bồi ven biển; tham quan rừng dương, tham gia cấm trại trong rừng, nghe đàn ca tài tử, dịch vụ homestay,…

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cùng các lữ hành du lịch tại Bến Tre đã có buổi khảo sát mô hình du lịch cộng đồng Thạnh Phong, qua đó nhận thấy rằng hệ thống hạ tầng du lịch Thạnh Hải, Thạnh Phong thuộc huyện Thạnh Phú đã dần đi vào hoàn thiện. Để đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan vùng biển nguyên sơ với hệ sinh thái rừng ngập mặn; tham quan Di tích đường HCM trên biển tại Bến Tre; tham quan lăng Ông Nam Hải; thưởng thức sản phẩm nông, ngư nghiệp,…; các lữ hành có thể tổ chức tour du lịch hai ngày, một đêm để du khách nơi xa tiếp cận được cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân vùng đất biển, đồng thời trải nghiệm để cảm nhận sự hấp dẫn khi đi tàu ven biển, đi trong rừng dương; tạo sự thích thú và đam mê khi tham gia bắt nghêu, bắt sò, bẩy cua, giăng lưới bắt cá,… và chế biến thưởng thức tại chỗ. 
Du khách tham gia chài lưới bắt cá thiên nhiên quanh rừng đước
Từ thành phố Bến Tre, du khách chỉ mất 1,5 giờ đồng hồ ngồi xe ô tô đi theo Quốc lộ 60- 57 là đến Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Hành trình trên tuyến nầy, du khách có thời gian tham quan Di tích Đồng Khởi (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam); tham quan di tích nhà cổ Huỳnh Phủ với một kiến trúc độc đáo theo kiến trúc văn hóa cổ xưa (Xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú); tham quan một số làng nghề như làng nghề làm lu, bó chổi, làm nón, bánh dừa Giồng Luông,…. Hy vọng các lữ hành du lịch sẽ thiết kế một chuyến đi đầy hấp dẫn và tạo nhiều ấn tượng cho du khách khi đến với vùng đất đầy hoang sơ và thơ mộng./.

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Lễ hội Dừa là cơ hội góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Lễ hội Dừa lần IV năm 2015 cũng là Festival Dừa lần IV mang tầm Quốc gia. Đây là cơ hội phát triển du lịch tỉnh nhà khi du khách thập phương từ các tỉnh, thành trong cả nước quan tâm và đến tham dự ngày hội; trong đó có cả khách quốc tế, đặc biệt là khách từ các nước có dừa.

Đây là cơ hội để Bến tre giới thiệu, quảng bá cây dừa Việt Nam là cây công nghiệp, quảng bá quê hương mệnh danh xứ dừa, một quê hương miền sông nước mang đậm phù sa của dòng sông Chín Rồng bồi đắp, đã ban tặng cho Bến Tre phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tiêu biểu cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Như ta đã biết, du lịch Bến Tre chỉ có từ những năm của thập niên đầu trong thế kỷ XXI. Với dòng đời ấy thì du lịch Bến Tre không thể phát triển nhanh hơn các tỉnh bạn được trong khi Bến Tre còn phải ngăn sông lụy phà. Mãi đến 2009 Cầu Rạch Miễu đi vào hoạt động thì du lịch dần phát triển. Để theo kịp những tỉnh có du lịch mạnh nhằm góp phần cho du lịch Việt Nam phát triển thì cần phải nhìn lại những năm đã qua của du lịch Bến Tre.

Trong những năm 2010 - 2015; Du lịch Bến Tre phát triển toàn diện, cơ sở hạ tầng du lịch từng bước hoàn thiện và đồng bộ, thu hút đầu tư và thúc đẩy cộng đồng dân cư tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Một số dự án đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch có qui mô khá và hiện đại đã hoàn thành đưa vào khai thác có hiệu quả, tạo cho Bến Tre một diện mạo mới về du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến Bến Tre càng ngày càng đông. 

Các hoạt động liên kết phát triển du lịch với Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, Tp. Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực bước đầu đạt hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 23%, khách du lịch tăng bình quân hàng năm 13,61%. Năm 2014 lượng khách đến Bến Tre 904.000 lượt. Đây là giai đoạn phát triển tốt nhất của du lịch Bến Tre từ trước đến nay.

Kết quả đó là do tài nguyên và tiềm năng du lịch Bến Tre rất phong phú; tuy nhiên vẫn chưa khai thác được nhiều, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế tỉnh nhà chưa cao. Nhìn lại, thời gian qua, việc phát triển du lịch còn bộc lộ nhiều hạn chế, còn bất cập nhiều phương diện. Tuy do xuất phát điểm từ du lịch thấp; hai là du lịch Bến tre còn non trẻ so với nhiều địa phương trong cả nước; ba là kinh phí cho hoạt động du lịch còn hạn chế; bốn là cơ sở và con người đầu tư cho công tác quản lý, quảng bá du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Quang cảnh đang xây dựng tái hiện không gian dừa xưa và nay tại Con đường Dừa
Nhân dịp Lễ hội Dừa lần nầy, ngoài sự kiện tái hiện Con đường Dừa (Không gian Dừa) để giới thiệu cây dừa Việt Nam xưa và nay đã gắn bó với người dân Bến Tre. Bên cạnh đó có những sự kiện Văn hóa nhằm tôn vinh cây dừa và liên quan đến lĩnh vực du lịch như: Hội thi thời trang bằng chất liệu dừa; chương trình nghệ thuật “Giai điệu xứ dừa”; chương trình giao lưu văn nghệ “Những rặng dừa quê hương”, chương trình “Liên hoan ẩm thực Dừa Nam bộ; chương trình “Lung linh sông nước”;… Tất cả sẽ là cơ hội để tôn vinh cây dừa Bến Tre với du khách phương xa, đồng thời khoát lên ngành du lịch một diện mạo mới mà Lễ hội đã đem đến những nét đẹp và ấn tượng trong lòng du khách khi đến quê hương xứ dừa.
Trò chơi dân gian (Đu bầu) tại Không gian Dừa
Bên cạnh những cơ hội tốt đẹp đó, những nhà làm du lịch cũng như những lãnh đạo của tỉnh muốn “biến du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng” thì cần phải: Tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư du lịch; Xây dựng cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư và phát triển kinh doanh du lịch; Triển khai thi công nhanh các dự án đầu tư phát triển du lịch; Phát triển du lịch gắn với khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc; Phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới đặc thù; Xây dựng đội ngũ lao động tham gia kinh doanh du lịch theo hướng chuyên nghiệp; Tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch;… 

Hy vọng sau Lễ hội dừa lần nầy, các ngành, các cấp hữu quan phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ để đưa cây dừa Việt Nam lên tầm cao mới , đồng thời đưa hình ảnh du lịch Bến tre ra xa hơn. Hy vọng mỗi lần Lễ hội là mỗi lần hình ảnh Đất và Người Bến Tre được sự chú ý nhiều hơn của toàn đất nước và bạn bè quốc tế năm Châu biết đến. Cứ mỗi lần Lễ hội là mỗi lần giúp cho từng con người Bến Tre nhận thức hơn về sự phát triển du lịch bền vững, góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.

Công tác chuẩn bị cho Chương trình Du lịch và Liên hoan Ẩm thực Dừa Nam bộ của Lễ hội Dừa lần IV năm 2015 tại Bến Tre

Đến nay, 25/3/2015 công tác chuẩn bị cho chương trình “Tham quan du lịch” và chương trình “Liên hoan ẩm thực Dừa Nam bộ” trong chuỗi hoạt động Lễ hội Dừa lần IV năm 2015 đã hoàn tất việc tiếp nhận các đơn vị tham gia và tiến hành dàn dựng gian hàng bằng nhà dừa, nhà tiêu chuẩn hội chợ để phục vụ du khách đến với Lễ hội. 

Khu Ẩm thực và Xúc tiến Du lịch là hai chương trình trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Dừa lần IV trong năm 2015, được tổ chức tại công viện “Tượng đài Chiến thắng trên sông” đường Hùng Vương, phường 5, thành phố Bến Tre; từ cầu Cái Cá đến Cầu Kiến Vàng (khu vực Nhà hàng Nổi Bến Tre và Nhà hàng - Khách sạn Hàm Luông). Đây là địa điểm liên hoàn thành một vòng tròn giữa khu vực nầy với khu Hội chợ Thương mại và Con Đường Dừa (Không gian Dừa). 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã chốt danh sách và bố trí gian hàng cho cả hai chương trình Xúc tiến Du lịch và Liên hoan ẩm thực Dừa Nam bộ.

Chương trình Ẩm thực Dừa Nam bộ có 70 gian hàng của 40 đơn vị Nhà hàng, khách sạn, cơ sở ăn uống từ các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang, TP.Hồ Chí Minh, Bến Tre cùng Hội Phụ Nữ các huyện, thành phố của Bến Tre với nhiều loại thức ăn, thức uống đa dạng, phong phú của các vùng miền sẽ đem lại cho du khách thưởng thức suốt trong thời gian diễn ra Lễ hội Dừa từ 8 giờ đến 22 giờ, trong những ngày 07/3 - 13/3/2015.
Gian hàng ẩm thực bằng nhà dừa đang triển khai dàn dựng khẩn trương cho kịp phục vụ trong Lễ hội Dừa lần IV năm  2015 tại Bến Tre
Cảnh sinh hoạt dưới vườn dừa Bến Tre
Chương trình Du lịch cũng tại đây, khu xúc tiến du lịch được bố trí 30 gian hàng cho các tỉnh thành ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam bộ như: Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần thơ, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu Cà Mau, huyện Phong Điền - Cần Thơ, Bến Tre và các doanh nghiệp du lịch của Bến Tre; nhằm giới thiệu thương hiệu, hình ảnh du lịch của từng địa phương, từng doanh nghiệp đến du khách thập phương về tham gia Lễ hội;  Giao lưu trong việc xúc tiến, quảng bá; chào bán các tour du lịch tại Bến Tre cũng như các tour du lịch liên vùng, liên miền. 

Hoạt động “Lung linh sông nước” trên sông Bến Tre về đêm, nghe đờn ca tài tử, tham gia karaoke, thưởng thức nước dừa; tour đi xe ngựa tham quan đường làng, vườn dừa, đồ cổ, uống nước dừa do các lữ hành du lịch phối hợp tổ chức phục vụ du khách cũng đã sẵn sàng 12 tàu và 10 xe ngựa. Các tour du lịch môt ngày trong tỉnh như: Tour Giồng Trôm - Ba Tri tham quan các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc đặc sắc, các làng nghề truyền thống như bánh trán Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; tour du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Châu Thành và Nam thành phố Bến tre; tour tham quan vườn cây ăn trái, hoa, kiểng Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách; tour Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú,… các lữ hành của tỉnh cũng chuẩn bị đón du khách tại khu vực Xúc tiến Du lịch - Liên hoan ẩm thực./.