Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Vài nét về hệ thống di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Long An

Long An có đồng ruộng phì nhiêu, bao la bát ngát là tài nguyên vô giá để sản sinh những hạt lúa vàng, góp phần tạo nên ấm no cho xã hội. Cư trú trên mảnh đất này một cộng đồng người cần cù, sáng tạo, kiên cường, dũng cảm nhưng cũng rất nhân hậu, thủy chung. Ngót ba thế kỷ qua, các thế hệ người Long An đã sáng tạo và truyền lại những giá trị văn hóa vô cùng quý giá. Trong kho tàng di sản văn hóa ấy, các di tích lịch sử - văn hóa là nơi ghi dấu những cột mốc quan trọng trong quá trình chinh phục thiên nhiên, bảo vệ quê hương đất nước, xây dựng và phát triển đời sống vật chất, tinh thần, mang sắc thái riêng của cộng đồng cư dân Long An. 

Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung và di tích lịch sử - văn hóa nói riêng, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Long An đã nỗ lực rất lớn để ngăn chặn sự xuống cấp của di tích, đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn và nguyên gốc của di tích trước tác động của tự nhiên và con người. Đồng thời, tỉnh cũng đã phát huy cao độ những giá trị vốn có của các di tích lịch sử - văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã sớm nhận thức về vai trò và tiềm năng to lớn của di tích lịch sử - văn hóa đối với sự phát triển nên đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. 
Về pháp lý, tỉnh đã đề nghị Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng 20 di tích quốc gia, đồng thời ra quyết định xếp hạng 84 di tích cấp tỉnh theo thẩm quyền. Nhờ đó, những di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh đã được bảo vệ an toàn trước nguy cơ bị xâm hại trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí,  nhưng tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỉ đồng kết hợp với nguồn kinh phí của Trung ương để thực hiện việc trùng tu, phục hồi, tôn tạo các di tích trọng điểm. Cho đến nay, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, phát huy tác dụng trong việc tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa - lịch sử của cha ông, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phát triển du lịch, cụ thể như:
Di tích Vàm Nhựt Tảo( Tân Trụ, Long An)- Đền tưởng  niệm
  • Lăng mộ và Đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (phường Khánh Hậu, thành phố Tân An), được xây dựng năm 1817, là di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, còn lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm có niên đại thế kỷ XVIII, XIX.
  • Chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), được xây dựng năm Gia Long thứ 7 (1808) là một danh lam của đất Gia Định xưa. Trong thời gian 1859 – 1861, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác thơ văn yêu nước tại chùa này, trong đó có bài Văn tế nghĩa sĩ  Cần Giuộc nổi tiếng. Lịch sử  đã lưu danh chùa Tôn Thạnh qua những câu văn bất hủ: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm. Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”.
  • Nhà Trăm cột (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho kiểu kiến trúc nhà ở của tầng lớp địa chủ Nam Bộ lúc bấy giờ.

  • Ngã tư Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), là nơi ghi dấu cuộc biểu tình chống thực dân Pháp của khoảng 5.000 đồng bào quận Đức Hòa vào ngày 4/6/1930. Đồng chí Châu Văn Liêm (Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định) đã hy sinh anh dũng trong cuộc biểu tình này.
  • Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), là căn cứ bưng biền kháng chiến của Khu 7 và Tỉnh ủy Chợ Lớn trong chống Pháp, Tỉnh ủy Long An trong kháng chiến chống Mỹ.
  • Công viên - Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An), là công trình văn hóa – lịch sử phản ánh truyền thống anh hùng của đảng bộ, quân và dân Long An trong kháng chiến chống Mỹ bằng hình tượng nghệ thuật.
  • Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), là 1 trong 3 căn cứ cách mạng lớn nhất Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. 

Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang (người đứng thứ 3 từ trái sang) trong ngày lễ khởi công xây dựng công trình di tích Ngã tư Đức Hòa ngày 29/6/2012
Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc”
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng hệ thống chính sách, pháp luật, các di tích lịch sử - văn hóa ở Long An đang được bảo tồn và trở thành động lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những nhận thức và hành động chưa đúng, chưa đủ về bảo tồn di tích. Việc đầu tư cho di tích về cơ chế, về tài chính vẫn chưa thỏa đáng. Một số di tích sau khi được xếp hạng vẫn chưa được bảo tồn, tôn tạo. Vì vậy, làm thế nào để xử lý hài hòa giữa bảo tồn di tích và phát triển kinh tế vẫn là một thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành và nhân dân Long An chung tay giải quyết. Trong hiện tại và tương lai, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, chấn chỉnh bộ máy quản lý, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, tiếp tục đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các dự án phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, khơi dậy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để chăm lo cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Có như thế, tiềm năng to lớn của di sản văn hóa mới được phát huy cao độ, phục vụ tích cực sự nghiệp phát triển các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Văn Thiện
Sưu tầm http://dulichlongan.vn

Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, Hướng đến phát triển du lịch bền vững ở Bến Tre

Hiện nay, Bến Tre có 43 di tích được xếp hạng trong đó có 16 di tích cấp quốc gia (có 02 di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa xem xét cho lập hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt: Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu và di tích Đồng Khởi Bến Tre) còn lại là các di tích cấp tỉnh và Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định
Nhìn chung, di tích ở Bến Tre đa dạng về loại hình và được phân bố đều khắp các huyện, thành phố trong tỉnh duy chỉ có huyện Chợ Lách là chưa có di tích nào được xếp hạng. Tuy nhiên, qua kiểm kê di tích năm 2015, Ban Quản lý Di tích cùng với phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Lách bước đầu phát hiện và thống nhất về ba công trình, địa điểm có đủ tiêu chí có thể đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh trong thời gian tới, đó là: Nhà bia Trương Vĩnh Ký (xã Vĩnh Thành), Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Chợ Lách (xã Phú Phụng) và đình Phú Phụng (xã Phú Phụng). Các cấp chính quyền cùng với nhân dân nơi di tích tọa lạc đều ra sức chăm nom, bảo vệ. Các trường học cũng nhận chăm sóc một di tích gần trường và lồng ghép nội dung giới thiệu về di tích vào chương trình giáo dục nhất là các chương trình ngoại khóa đặc biệt là giới thiệu về các danh nhân mà ngôi trường mình vinh dự được mang tên. Việc này vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay cũng vừa phát huy tính cộng đồng trong công tác giữ gìn di sản của cha ông. Mặc dù vậy, công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Bến Tre nếu không có nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa thì ngân sách tỉnh rất khó khăn, không thể trang trải được. Thế nên hệ thống đình, chùa, miếu nhiều nơi trong tỉnh được trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng mới, phần lớn là từ tiền đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Một số di tích quốc gia của Bến Tre đã được nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo như Mộ Võ Trường Toản, đình Bình Hòa, Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ, … Đây là tín hiệu đáng mừng trong thời gian qua nhưng qua đó cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là công tác vận động xã hội hóa còn chưa thật sự được quan tâm phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội mà nguồn vốn ngân sách thì rất khó khăn chủ yếu tập trung cho phát triển kinh tế. Hơn nữa, nhận thức của các tầng lớp nhân dân và các ngành, các cấp chưa đồng đều và có phần còn chưa thật sự coi trọng di sản văn hóa của cha ông, các bậc tiền nhân đã dày công giữ gìn và truyền lại. Hơn nữa, nhiều di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một mà nếu không có biện pháp để kịp thời bảo tồn thì khả năng biến mất sẽ rất lớn nhất là các di sản văn hóa phi vật thể.
Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu
Hiện nay việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch ở Bến Tre chưa xứng tầm di tích vốn có chỉ có một số di tích thu hút được khách tham quan trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu như: Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, Đồng Khởi Bến Tre, …. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan khiến việc phát huy giá trị di tích gắn với du lịch chưa thật sự khởi sắc. Về khách quan: do kinh tế khó khăn nên mọi người thắt chặt chi tiếu không đi tham quan, du lịch, nhiều di tích đường giao thông đến còn khó khăn, …. Về chủ quan: nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và các cấp, các ngành chưa đồng đều, đầu tư cho di tích nói riêng và văn hóa nói chung chưa nhiều, quảng bá, giới thiệu di tích cũng chưa được các cơ quan chức năng đầu tư đúng mức, ….

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre tốt hơn gắn với du lịch bền vững trong tương lai, thiết nghĩ chung tá cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về di tíhc trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là các đài truyền thanh xã, phường nơi có di tích tọa lạc. Việc này mang lợi ích kép vừa góp phần làm cho chương trình truyền thanh thêm phong phú, đa dạng vừa giới thiệu về di tích, về lợi ích của công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích của cộng đồng. Bên cạnh đó cần dùng đến các hình thức quảng bá trực quan sinh động như: pano, băng rôn, áp phích, … giới thiệu về di tích ở nơi dễ nhận thấy nhất và đặc biệt phải gần di tích. Có thể kết hợp với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để tổ chức các tour đến di tích theo nhóm như: đình chùa, lịch sử cách mạng,… thì lợi ích sẽ càng được nâng cao hơn. Phải làm sao để mỗi người dân đều biết đến di tích của huyện mình hay chí ít cũng phải biết di tích ở xã mình. Nên chăng chúng ta lồng ghép giới thiệu về các di tích trong các cuộc họp của tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản hay ấp, khu phố để mọi người đều biết về di tích, di sản văn hóa của cha ông để lại.

Ngành văn hóa nên có thể phối hợp với ngành giáo dục đưa ra công tác phối hợp đồng bộ như chăm sóc di tích, tuyên truyền về di tích trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, cắm trại, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di tích, danh nhân, … đặc biệt hiện nay toàn tỉnh đang ra sức thi đua để hoàn thành các tiêu chí để nâng chất xã văn hóa, xã nông thôn mới. Vì thế nên đưa việc giữ gìn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn mình quản lý như là một tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới. Có như thế các cấp chính quyền và nhân dân nơi có di tích mới năng nổ hơn trong việc giữ gìn di sản của cha ông ta để lại. Trên hết là nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực quản lý của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và cộng đồng dân cư nơi có di tích đặc biệt cần chú trọng công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Vì thế, việc ra đời luật Di sản văn hóa năm 2001 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là một điều tất yếu. Thế nên, Điều 9 Luật di sản văn hóa đã khẳng định: Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, các nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Di tích Đồng Khởi Bến Tre
Trong thời gian tới, cùng với sự đi lên của kinh tế đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích sẽ được quan tâm đầu tư nhiều hơn từ nhà nước cho đến các tầng lớp nhân dân mà đặc biệt là công tác xã hội hóa trong tu bổ, phát huy giá trị di tích. Số lượng di tích được xếp hạng sẽ tăng lên theo thời gian nhất là sau khi cuộc kiểm kê di tích trong toàn tỉnh kết thúc trong năm 2015. Chúng ta sẽ có danh mục các di tích đủ tiêu chí xếp dạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, các di tích được đưa vào danh mục cần phải bảo tồn theo luật Di sản văn hóa. Bên cạnh đó việc kiểm kê di sản văn hóa phí vật thể cũng đang được tiến hành khẩn trương trên qui mô toàn tỉnh. Có thể thấy rằng hiện nay di sản văn hóa đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn cả về diện lẫn về lượng. Vì vậy, hy vọng rằng với sự chung tay góp sức của cộng đồng thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với du lịch bến vững sẽ được nâng lên một tầm cao mới hứa hẹn mỗi di tích sẽ là một sản phẩm đặc biệt của du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng lãm góp phần nâng cao giá trị của du lịch địa phương và làm phong phú thêm các loại hình du lịch trong tỉnh. Mục tiêu là sẽ xây dựng một môi trường văn hóa - du lịch đa dạng, phong phú với nhiều loại hình nhằm đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển hơn trong thời gian tới. Cần quan tâm đầu tư cho quảng bá di tích trong các hội thảo, hội nghị, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh, giới thiệu di tích đến với nhiều đối tượng hơn, quan tâm đầu tư cho nhiều di tích hơn bằng nhiều nguồn vốn, nhiều giải pháp khác nhau đặc biệt là đẩy mạnh công tác xã hội hóa./.
Trần Hoàng Huấn - Đặc san Văn hóa Bến Tre
Số 21, tháng 01/2016

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Trà Vinh - Vùng đất giao thoa giữa đồng bằng và biển

Trà Vinh là miền đất trù phú, không chỉ thuận lợi về phát triển nông nghiệp, kinh tế biển…, mà còn có tiềm năng phong phú để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh.
Toàn cảnh chùa Hang ở Trà Vinh - kiến trúc đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer
Là tỉnh Duyên hải thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, tỉnh Trà Vinh có vị trí khá thuận lợi cho lưu thông, khi chỉ cách TP.HCM 130 km theo Quốc lộ 60 và cách TP. Cần Thơ 100 km theo Quốc lộ 54. Diện tích tự nhiên của Trà Vinh là 2.341 km2, dân số trên 1,1 triệu người, với 3 dân tộc chính cùng sinh sống là: Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 30% dân số.

Tỉnh có 65 km bờ biển, thuận lợi cho kinh tế biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch biển, kết hợp khám phá bản sắc văn hóa của địa phương.

Tiềm năng du lịch còn nhiều

Trà Vinh là tỉnh mưa thuận gió hòa, là vùng đất mang nét đặc trưng cho sự giao thoa chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển, gồm vùng đất trẻ bên cạnh vùng đất châu thổ lâu đời, mà điểm nhấn là bãi biển Ba Động còn lưu lại vẻ đẹp hoang sơ với những khu rừng ngập mặn, hệ sinh thái đa dạng. Thành phố Trà Vinh được mệnh danh là “đô thị xanh – thành phố trong rừng – rừng trong phố”.

Đến với Trà Vinh, du khách sẽ tận hưởng được khoảng không gian xanh tại trung tâm thành phố Trà Vinh, cũng như các vùng lân cận và các điểm du lịch với hệ thống cây cổ thụ dày đặc, cảnh quan môi trường trong lành, con người thân thiện, mến khách.

Với vị trí nằm trên Quốc lộ 60, sau khi cầu Đại Ngãi nối liền hai bờ sông Hậu (Sóc Trăng – Trà Vinh) xây dựng và đưa vào sử dụng, Trà Vinh sẽ là địa bàn kết nối các tỉnh ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, với tiềm năng du lịch được đánh giá đa dạng, phong phú, rất phù hợp cho các doanh nghiệp đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Hiện trên địa bàn Trà Vinh đã có Khu du lịch biển Ba Động, Khu du lịch sinh thái Cù lao Long Trị. Đặc biệt là danh thắng Ao Bà Om nổi tiếng, rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Du lịch tâm linh là một khái niệm mới, xuất hiện trong thời gian gần đây của giới nghiên cứu văn hóa và những người làm công tác quản lý du lịch. Tuy nhiên, du lịch tâm linh có sức thu hút mạnh mẽ, do đáp ứng nhu cầu khám phá đời sống tâm linh và thực hành các nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Du lịch tâm linh gắn với khám phá bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Trà Vinh nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Khu du lịch biển Ba Động (Trà Vinh) thu hút ngày càng đông du khách
Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Trà Vinh có đời sống tinh thần, đời sống tâm linh rất phong phú. Trên địa bàn tỉnh có nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh.

Sản phẩm du lịch tâm linh tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh là 142 ngôi chùa Khmer có kiến trúc cổ kính, không gian xanh, thoáng đãng. Trong đó, có 5 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đặc biệt chùa Âng nằm trong quần thể di tích danh thắng Ao Bà Om, là ngôi chùa Khmer cổ nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, nơi diễn ra nhiều nghi lễ cầu an, cầu tài, xin lộc làm ăn mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ. Bên cạnh đó, các ngôi chùa, đình, miếu của người Kinh, người Hoa với những nghi lễ tín ngưỡng dân gian đặc trưng, có giá trị văn hóa cao, cũng có thể khai thác du lịch.

Đến biển Ba Động, ngoài dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du khách có thể tham quan Thiền viện Trúc lâm Trà Vinh và thực hành nghi thức tọa thiền để cải thiện sức khỏe, hoặc có thể cầu an, cầu tài và thực hiện các nghi lễ tại Vạn niên phong cung của người Hoa ở huyện Cầu Kè.

Bên cạnh du lịch tâm linh thì du lịch văn hóa cũng là sản phẩm du lịch có nhiều tiềm năng và lợi thế của tỉnh Trà Vinh. Trên địa bàn tỉnh có 30 di tích văn hóa, lịch sử đã được xếp hạng, gồm 12 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều di tích quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Khu di tích phế tích kiến trúc Lưu Cừ II, Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út…

Các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm ở vùng đất này, miêu tả sinh động đời sống vật chất, tinh thần của cư dân vùng đất Trà Vinh như: Lễ hội Nghinh Ông của người Kinh, Lễ hội Vu lan của người Hoa, Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer. Mỗi lễ hội thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh tham dự. Ngoài ra, du lịch khám phá bản sắc văn hóa, nghệ thuật, đời sống và các tập tục độc đáo của người Khmer Trà Vinh tại các phum, sóc cũng là một trong những sản phẩm du lịch có giá trị, mang đặc thù riêng của tỉnh.

Trải thảm đón nhà đầu tư

Với tiềm năng du lịch đa dạng và có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, Trà Vinh luôn chú trọng công tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch.

Hiện trên địa bàn Trà Vinh có nhiều dự án đầu tư lớn, một số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng như: cầu Cổ Chiên, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Luồng tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (kênh đào Trà Vinh) và đang triển khai các dự án Khu kinh tế Định An, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 53, 54, 60… tạo điều kiện cho Trà Vinh khắc phục hạn chế về mặt địa lý, trở thành cửa ngỏ giao thương quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.

Những năm gần đây, nhất là sau khi thông xe cầu Cổ Chiên, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã từng bước phát huy hiệu quả, thu hút lượng du khách đến tham quan ngày càng đông. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, do ngân sách của địa phương còn hạn chế, chưa thể đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, nên du lịch Trà Vinh chủ yếu tập trung khai thác tài nguyên sẵn có. Do đó tỉnh Trà Vinh đặc biệt coi trọng công tác xúc tiến và mời gọi đầu tư để cùng khai thác có hiệu quả du lịch.

Bên cạnh các chính sách ưu đãi đầu tư chung, tỉnh Trà Vinh ban hành nhiều chính sách ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư du lịch, góp phần biến Trà Vinh thành điểm du lịch hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long./.

Nguồn Báo đầu tư - Tác giả: Tự Huy
Sưu tầm www.dulichtravinh.com.vn

Đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Trương Tấn Bửu

Sáng ngày 17/4/2016, tại xã Hưng Nhượng, UBND huyện Giồng Trôm long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Trương Tấn Bửu. 

Đền thờ Trương Tấn Bửu tọa lạc tại ấp Hưng Hòa Đông, xã Hưng Nhượng. Đây là một di tích thuộc loại hình lưu niệm danh nhân. Trương Tấn Bửu, là người con sinh ra ở làng Hưng Lễ, tổng Bảo Phước, tỉnh Vĩnh Long nay thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Là con thứ tư của ông Trương Tấn Khương và bà Trần Thị Nghĩa. Ông là một danh tướng dưới triều nhà Nguyễn, vốn rất giỏi võ nghệ, tánh tình trầm tĩnh, hào hiệp, theo phò Chúa Nguyễn lập nhiều công lớn. Đặc biệt là dẹp loạn bọn cướp biển “giặc Ô Tàu”, ông đã giao tranh với bọn giặc Ô Tàu, Thổ phỉ ba mươi sáu trận, bình yên Hải phỉ và Thổ phỉ cho nhân dân được an cư lạc nghiệp, được nhà Nguyễn tin dùng, phong chức Trung quân phó tướng Long Vân Hầu. Không chỉ giỏi về việc binh, ông còn có đầu óc mở mang bờ cõi như cùng với Thoại Ngọc Hầu đào vét kinh Vĩnh Tế và đắp thành Châu Đốc nhằm trấn giữ bờ cõi. Ông được người dân trong vùng kính phục, luôn tưởng nhớ đến công đức của ông. Để tỏ lòng thương tiếc, quý mến và ghi công ơn của ông, Tổng trấn Lê Văn Duyệt và nhân dân Gia Định thành lập lăng thờ Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu tại xã Phú Nhuận, tỉnh Gia Định, nay là số 41, đường Nguyễn Thị Huỳnh, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay,
Lãnh đạo tỉnh, huyện thực hiện nghi thức thắp nhang tại Đền thờ Trương Tấn Bửu
Lăng Trương Tấn Bửu được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia của TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bến Tre đã trao Bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Đền thờ Trương Tấn Bửu./.
Minh Mừng - Giồng Trôm (sưu tầm)

Để tiềm năng du lịch trở thành hiện thực

Tiềm năng và lợi thế du lịch của Cụm liên kết 5 tỉnh phía đông Đồng bằng sông Cửu Long Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang và Long An đã được nhiều chuyên gia du lịch khẳng định. 
Tài nguyên du lịch tự nhiên của cụm liên kết du lịch nằm trọn trong châu thổ đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt được điểm xuyến nhiều cù lao xanh tươi, vườn cây trái sum suê, đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Vùng đất rất đa dạng về sinh học, có lịch sử hào hùng hòa quyện vào văn hóa khẩn hoang Phương Nam, khí hậu ấm áp cùng cảnh quan thơ mộng và người dân thật thà, mến khách.
Sông nước Xứ Dừa xanh tươi, thơ mộng
Nhưng, tài nguyên sông nước miệt vườn này vẫn chưa thực sự được đánh thức. Thường thì, các tỉnh chỉ chăm chút vào các tuyến du lịch nội tỉnh riêng lẻ, cục bộ và các doanh nghiệp cũng thiếu liên kết cùng phát triển. Sản phẩm du lịch từng tỉnh đơn điệu nên kém thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Công tác xúc tiến, quảng bá của các địa phương còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu. Cho nên, để cụm liên kết du lịch 5 tỉnh phía đông ĐBSCL phát triển, các tỉnh cần phải gấp rút hành động và liên kết toàn diện để thu hút du khách một cách hiệu quả.

Thứ nhất, cần bám sát và phát huy thế mạnh của từng tỉnh trong cụm, tạo sản phẩm đặc thù, điểm đến đặc trưng, kết nối sản phẩm liên tuyến, tạo điểm đến có sức hấp dẫn và khác biệt. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, khôi phục, củng cố và phát triển làng nghề, kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án có quy mô và chất lượng cao. Các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh trong cụm hợp tác toàn diện về quảng bá xúc tiến, in ấn ấn phẩm cụm và kêu gọi đầu tư du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, giá dịch vụ với qui chuẩn phục vụ du khách theo tiêu chuẩn du lịch được thống nhất trong các tỉnh nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc thù của từng tỉnh mang tính hấp dẫn riêng và chất lượng phục vụ tốt nhất.

Thứ hai, bắt tay vào xây dựng liên tuyến điểm đặc thù và khác biệt. Chú ý các điểm đến nằm trên các trục du lịch của từng tỉnh để tạo tuyến liên kết hấp dẫn. Lấy du lịch sông nước miệt vườn, tham quan làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng ngập nước và di tích lịch sử làm chủ đạo. Bố trí sản phẩm du lịch hợp lý về không gian, thời gian, điều kiện tiếp cận. Lộ trình liên tuyến 6 tỉnh tham quan Khu du lịch Happy Land, nhà cổ Phước Lộc Thọ tại Long An, Chùa Vĩnh Tràng, trại rắn Đồng Tâm, chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang, sông nước sinh thái xứ dừa Bến Tre, hoa kiểng cây giống Cái Mơn - Chợ Lách và các làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa, nghiên cứu văn hóa dân tộc Khmer tại Trà Vinh và các di tích lịch sử cách mạng, làng nghề, homestay Vĩnh Long. Ngoài ra, cần nghiên cứu thiết kế các tours 2 ngày/1 đêm hay 3 ngày/2 đêm để nối 2 hoặc 3 tỉnh với nhau nhằm tạo ra nhiều lựa chọn cho các hãng lữ hành và du khách.

Các điểm đến của các tỉnh trong cụm hiện nay thiếu hấp dẫn do phần lớn là khai thác trực tiếp từ thiên nhiên, dựa vào vườn cây, sông nước … có sẵn và chỉ bổ sung đầu tư một phần để hình thành điểm du lịch nhỏ, thiếu tính hấp dẫn. Cho nên, chúng ta cần quy hoạch và kêu gọi đầu tư du lịch cụm phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế của vùng ĐBSCL, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, đường nối tỉnh lộ và quốc lộ với các sản phẩm du lịch đặc thù, điểm du lịch và khu vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn, chất lượng cao tại các địa bàn có tiềm năng. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, làng du lịch có sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo và có khả năng cạnh tranh cao.

Thứ ba là quảng bá tiềm năng và lợi thế điểm đến du lịch trên cả 3 cấp độ (Quốc gia, tỉnh, doanh nghiệp). 
Liên kết quảng bá du lịch cụm 5 tỉnh duyên hải phía Đông ĐBSCL
- Đối với cấp độ quốc gia, các tỉnh cần liên kết để tạo sức mạnh về nhân lực, tài lực, phối hợp với chương trình xúc tiến của Tổng cục Du lịch tham gia các sự kiện tầm cỡ quốc gia tại các vùng trọng điểm, trung tâm du lịch và thị trường các nước tiềm năng trong các kỳ hội chợ, triển lãm du lịch, các hội thảo và các Famtrip, roadshow… nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch cụm liên kết để nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút ngày càng nhiều các hảng lữ hành và du khách.

- Từng tỉnh cần xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá phù hợp với cụm liên kết và các địa phương ngoài vùng, đặc biệt là với TP.HCM và Cần Thơ là hai thị trường chính ở Phía Nam. Thống nhất phát triển sản phẩm đặc thù của riêng từng địa phương, hạn chế xây dựng các dịch vụ giống nhau, tránh cạnh tranh giảm giá. Đề ra quy chuẩn chung về chất lượng dịch vụ trong vùng, tạo uy tín và niềm tin cho du khách.

- Các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đồng hành cùng các doanh nghiệp, từng bước hướng dẫn họ hiểu hơn về tầm quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tạo điều kiện để họ tham gia các sự kiện du lịch trong và ngoài nước. Chú ý công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn và chất lượng phục vụ trong kinh doanh.

Bốn là, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về du lịch. Tuyên truyền, giáo dục và thanh, kiểm tra các hoạt động đúng kế hoạch phát triển chung. Chú trọng công tác an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Phát triển sản phẩm du lịch mới đi đôi với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ, khu vui chơi, giải trí để thu hút du khách ngày một đông hơn. Ban điều phối cần phối hợp với các hiệp hội du lịch các tỉnh thành lập tổ điều hành chung để định hướng và đánh giá các hoạt động du lịch của cụm. Từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể trong quảng bá, tiếp thị; thanh kiểm tra; chính sách giá và tiêu chuẩn phục vụ; chương trình đào tạo nguồn nhân lực đủ chuẩn để phục vụ du lịch, đảm bảo phát triển bền vững và cạnh tranh cao.
Họp trao đổi kinh nghiệm hoạt động du lịch Cụm 5 tỉnh phía đông ĐBSCL
Năm là quan tâm đến vấn đề chia sẻ lợi ích trong cụm liên kết. Trên cơ sở phát triển du lịch bền vững, các hiệp hội du lịch cụm làm đầu mối và đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch điều tiết và phân chia lợi nhuận công bằng, rõ ràng và minh bạch.

Có thực hiện được các giải pháp trên thì chúng ta sẽ tạo ra thêm sản phẩm du lịch mới và có thể đưa du lịch cụm phía đông ĐBSCL trở thành ngành kinh tế quan trọng của mỗi địa phương; tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng và nâng cao vị thế ngành du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên của vùng cũng như góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho cả nước./.

Hoạt động xúc tiến du lịch năm 2016 của năm tỉnh liên kết

Ngày 22 tháng 4 năm 2016, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Tiền Giang (đơn vị Cụm trưởng năm 2016) đã có cuộc họp thống nhất công tác liên kết hoạt động xúc tiến du lịch cụm phía Đông duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm các Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch Tiền Giang, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Trung tâm Xúc tiến Du lịch Long An.
Quang cảnh buổi họp
Các Trung tâm đã thống nhất phối hợp tham gia các sự kiện xúc tiến trong năm 2016 như: Ngày hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh (3/2016 đã thực hiện), Hội Chợ Du lịch Quốc tế Đà Nẵng vào tháng 6/2016, Hội Chợ Du lịch quốc tế ITE thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2016, Riêng Hội chợ Điểm hẹn Sông Vàm tại Long An và Lễ hội Ok Om Bok tại Trà Vinh sẽ không tham gia theo kế hoạch do có sự thay đổi của địa phương. Ngoài ra sự kiện Diễn đàn kinh tế ĐBSCL - MDEC tại Hậu Giang, các Trung tâm Xúc tiến Du lịch của cụm sẽ tham gia chung gian hàng về thành tựu kinh tế của từng tỉnh.

Ngoài việc đã kết hợp thực hiện bản đồ du lịch chung của năm tỉnh, để tiếp tục in ấn phẩm chung, năm trung tâm đã bàn sâu chi tiết, nội dung của tập gấp thông tin du lịch với thương hiệu "Năm địa phương - Một điểm đến" để giới thiệu du khách về tour, tuyến, điểm du lịch tiêu biểu của cụm liên kết. Năm Trung tâm cũng đã thống nhất trong tháng 9/2016 sẽ hoàn chỉnh kế hoạch hoạt động liên kết xúc tiến của năm 2017 và sơ kết để chuẩn bị bàn giao cụm trưởng cho Trà Vinh triển khai vào đầu năm 2017./.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Lợi thế cho đầu tư phát triển du lịch sinh thái Xứ Dừa trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Với nét đặc thù hiện có của Bến Tre trong vùng ĐBSCL, năm 2015 Bến Tre đã đón nhận một triệu lượt khách trong và ngoài nước đến với quê hương Xứ Dừa, tăng bình quân hằng năm là 13%/năm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế chiếm 42%; ước đến năm 2020 Bến Tre đón 1,7 triệu lượt khách; đó là một con số đầy lý tưởng cho đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Bến tre trong thời gian tới.

Bến Tre có những điểm tương đồng của văn hóa vùng ĐBSCL, là vùng trũng, được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt; tuy nhiên với vườn dừa bạt ngàn gần 70.000ha và trên 33.000ha vườn cây ăn trái đã phủ kín một màu xanh trãi khắp ba dãy cù lao tạo nên một nét đặc trưng riêng của quê hương Xứ Dừa đem lại thương hiệu “du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Xứ Dừa” mà không thể trùng lắp nơi đâu. Đặc biệt hơn là du lịch sinh thái vùng ngập mặn (Du lịch biển) của hai huyện Thạnh Phú và Ba Tri tạo ra sản phẩm du lịch tiềm năng của cụm liên kết phía Đông duyên hải đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn Xứ Dừa của Ba Dải Cù Lao Bến Tre
Để về với Bến Tre, từ TP.Hồ Chí Minh mất 1,5 giờ đi bằng đường cao tốc hoặc 2 giờ đi bằng đường Quốc lộ I A; đi qua địa phận tỉnh bằng hai quốc lộ: QL57 và QL60; nằm giữa 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (cách 90km) và Cần Thơ (100km); trên trục đường du lịch qua các tỉnh duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với thương hiệu “Năm địa phương - Một điểm đến”. Nơi có điều kiện rất lớn từ nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng là cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái, du lịch sinh thái miệt vườn và sinh thái biển cũng như những giá trị văn hóa nhân văn và các làng nghề truyền thống của người nông dân phóng khoáng, hiền lành, hiếu khách. 

Tài nguyên du lịch Xứ Dừa là vùng quê bình yên thích hợp cho du lịch sinh thái miệt vườn mà người dân Bến Tre thời gian qua tập trung khai thác du lịch sông nước ở khu vực 8 xã ven sông Tiền, huyện Châu Thành; khu vực 3 xã phía Nam của thành phố Bến Tre; khu vực hoa kiểng và cây trái Cái Mơn - Chợ Lách. Ngoài ra, chương trình du lịch đường bộ cũng rất hấp dẫn, du khách có thể du ngoạn, thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên, xóm làng, vườn dừa, rẫy hoa màu trên những cung đường du lịch đến các điểm di tích nổi tiếng khu đền thờ và mộ Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, di tích Đồng Khởi hay di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến tre.

Hiện nay, cụm cù lao “Long, Lân, Qui, Phụng” trên sông Tiền thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre được Tổng cục Du lịch đề nghị là khu du lịch quốc gia, có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, trong đó điểm du lịch Cồn Phụng là điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL công nhận; các làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm và gia dụng từ cây dừa, các nhà hàng vườn cây, sông nước; các hoạt động của nông dân cùng du khách tát mương bắt cá, chèo xuồng trong rạch nhỏ; đạp xe trên đường làng hoặc trải nghiệm bằng xe ngựa trên những đoạn đường quê để ngắm nhìn sinh hoạt thường nhật của người dân, thưởng thức đờn ca tài tử trong vườn cây trái hay trên du thuyền để ngắm cảnh sông nước miệt vườn mà hai bên bờ là những hàng dừa nước thơ mộng, những hàng cây thủy liễu mềm mại làm say đắm lòng người… đã ru hồn du khách đến tham quan, trải nghiệm trong những giây phút ngao du. Trên tuyến nầy du khách còn ghé nhiều hộ dân làm kẹo dừa truyền thống và thưởng thức trái cây đặc sản theo mùa như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng. 

Ngoài ra, du khách cũng còn nhiều lựa chọn ở các tour sông nước 3 xã phía nam thành phố Bến Tre để được biết thêm về vườn dừa dứa, các cơ sở chế biến dừa, làng dệt chiếu Nhơn Thạnh hay lò gạch Phú Hưng. Một chương trình tham quan rất được ưa chuộng, một sản phẩm du lịch mới khác lạ mà chỉ có ở Bến Tre, đó là du thuyền tham quan chợ nổi mua bán các sản phẩm từ dừa ở 2 bên bờ sông Thơm (Mỏ Cày Nam); trải nghiệm tại các hộ tư nhân sản xuất chỉ xơ dừa và tiếp tục di chuyển bằng xe theo Quốc lộ 57 tham quan vương quốc cây trái, hoa kiểng nổi tiếng của Bến Tre nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung.

Song song với phát triển du lịch sông nước miệt vườn, Bến Tre - Xứ Dừa, còn phát triển mạnh du lịch về nguồn, du lịch tìm hiểu, học tập về di tích lịch sử văn hóa, cách mạng với 16 di tích cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh…, nghệ thuật hát sắc bùa, đờn ca tài tử Nam bộ cùng nhiều làng nghề truyền thống như bánh tráng Mỹ Lồng - Bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề làm hủ tiếu Mỹ Thạnh, làng nghề kẹo dừa, làng nghề đan đát, nghề làm nón, bó chổi, chỉ xơ dừa,... Có thể nói, đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú và quý báu, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn của tỉnh nhà để quảng bá đến du khách. 
Du khách nước ngoài trải nghiệm trong vườn dừa tại Bến Tre
Bến Tre được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiều dự án đặc thù như: Dự án khu du lịch địa phương tại Thạnh Phong - Thạnh Hải huyện Thạnh Phú. Đây là dự án du lịch sinh thái vùng ven biển gắn với di tích cấp quốc gia “Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre”, được Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch công nhận bởi nơi đây là điểm “Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam” và là điểm đầu tiên mà con “Tàu Không Số” do Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã chỉ huy đưa vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam năm 1946; dự án nầy nhằm khai thác du lịch sinh thái vùng ngập mặn của tỉnh. Thứ hai là dự án “Làng Du Kích” tại khu vực di tích Đồng Khởi năm 1960; sự tái hiện lại nhằm tạo sản phẩm du lịch nghiên cứu - tham quan và trải nghiệm lịch sử. Dự án thứ ba là “Khu Lạc Địa” huyện Ba Tri là khu vực đầy tiềm năng đầu tư cho du lịch sinh thái, gắn liền một quần thể di tích lịch sử và làng nghề truyền thống; đặc biệt là gắn khu sân chim Vàm Hồ, nơi bảo tồn hàng trăm loài chim và hàng ngàn động, thực vật khác. Đó là những dự án lớn mà tỉnh Bến Tre đang mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư khai thác du lịch trên quê hương Xứ Dừa./.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Thế mạnh lữ hành Bến Tre và Cụm Du lịch năm tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long

Năm tỉnh du lịch liên kết phía đông ĐBSCL: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh giữa 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và Trà Nóc (Thành phố Cần Thơ); nằm gọn trong 6 nhánh sông đổ ra biển Đông thông qua Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên thuộc sông Tiền và cửa Cung Hầu sông Hậu của dòng sông Mêkông và nơi có thể xem là vùng đất đa dạng sinh học (gồm sinh thái mặn, lợ và ngọt), có nhiều đồng lúa bát ngát, vườn cây trái sum sê, khí hậu ấm áp với hai mùa mưa, nắng cùng cảnh quang thơ mộng và người dân rất hiền hòa, mến khách. 

Tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa vùng miền

Tài nguyên du lịch tự nhiên quan trọng nhất của đồng bằng sông Cửu Long là sông nước, miệt vườn gắn với hệ thống kênh rạch chằng chịt, các cồn, cù lao, miệt vườn, đồng ruộng và vườn cây ăn trái. Đây có thể coi là tài nguyên du lịch đặc thù nhất của vùng. Tiêu biểu là: cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy (Bến Tre), cồn Thới Sơn (Tiền Giang) hay cù lao Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long)…; chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang; ruộng lúa nước của người Khmer - Trà Vinh; lúa trời còn gọi là lúa ma ở Đồng Tháp Mười… đã và đang được khai thác phục vụ du lịch tương đối hiệu quả. Không chỉ có sông nước, miệt vườn, ĐBSCL còn có hệ sinh thái tự nhiên tương đối đa dạng và đặc sắc như khu bảo tồn tự nhiên Láng Sen - Long An, Sân chim Vàm Hồ - Ba Tri, rừng ngập mặn Thạnh Phú - Bến Tre … Đây còn là một trong những vựa cá nước ngọt cũng như phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản lớn tại khu vực Nam Bộ.
Sông nước Bến Tre Quê Tôi (tư liệu)
Văn hóa truyền thống của người dân, nét sinh hoạt, sản xuất thích hợp với các điều kiện tự nhiên của vùng được xác định là giá trị tài nguyên du lịch nhân văn cốt lõi của vùng. Đồng bằng sông Cửu Long còn nổi tiếng là một vùng đất anh hùng trong suốt chiều dài lịch sử với nhiều địa danh, chiến địa nổi tiếng như: phong trào Đồng Khởi - Bến Tre, Di tích lịch sử đầu cầu tiếp nhận vũ khí của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển - Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh ven biển đến tận Cà Mau; Chiến thắng Ấp Bắc, chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút - Tiền Giang; Chiến thắng tại Vàm Nhật Tảo của Nguyễn Trung Trực (Long An) … Bên cạnh đó, nhiều khu lưu niệm, đền thờ được xây dựng để tôn vinh sự nghiệp và ghi nhớ công lao của các vị anh hùng như: Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định - Bến Tre, khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Hùng, khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Vĩnh Long … Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống chùa chiền và đền miếu tương đối phong phú, đặc sắc. Tiêu biểu là: Văn Thánh Miếu - Vĩnh Long, chùa Vĩnh Tràng - Tiền Giang, chùa Tôn Thạnh - Long An, chùa Âng - Ao Bà Ôm và trên 100 ngôi chùa Khmer khác đã thể hiện nét văn hóa của Dân tộc Khmer tại Trà Vinh hay chùa Hội Tôn Châu Thành - Bến Tre, làng cổ Đông Hòa Hiệp - Tiền Giang… Vùng đồng bằng sông Cửu Long này là nơi có nhiều hoạt động lễ hội trong năm. Tùy vào nội dung hoạt động có thể phân ra các loại hình lễ hội lịch sử, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian của khu vực. Các lễ hội đặc sắc như: Oóc-om-bóc (toàn bộ người dân Khmer), lễ hội nghinh Ông tại các tỉnh ven biển, Lễ hội trái cây ngon an toàn - Bến Tre… Đối với phát triển du lịch, ca múa nhạc dân tộc cũng là một loại hình sản phẩm du lịch đang được chú ý phát triển. Tiêu biểu là đờn ca tài tử Nam Bộ, vọng cổ, cải lương, hò đối đáp trên sông nước Cửu Long…

Ẩm thực khu vực cụm 5 tỉnh phía Đông đồng bằng sông Cửu Long khá phong phú, nét đặc sắc của “ẩm thực khẩn hoang” gắn với những nguyên liệu hết sức đơn giản, dân dã, tự nhiên. Ẩm thực khẩn hoang của miền Tây có thể được coi là đóng góp hết sức có giá trị của đồng bằng sông Cửu Long cho văn hóa ẩm thực và du lịch Việt Nam.
Du khách thưởng thức trái cây và bưởi da xanh Bến Tre
Làng nghề tiểu thủ công được coi là nghề phụ để cải thiện thu nhập. Các làng nghề của vùng là nguồn cung cấp các sản vật địa phương, quà lưu niệm đồng thời là những tài nguyên du lịch quan trọng, điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách như Bến Tre có kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm ra từ cây dừa, chỉ sơ dừa, hoa kiểng - cây giống hay bánh phồng - bánh tráng; Vĩnh Long có nghề làm gốm, tàu hủ ky …

Các tuyến du lịch tiềm năng 

Hiện nay, các tỉnh liên kết đang khảo sát các điểm đến và tiềm năng du lịch của từng địa phương, chọn sản phẩm du lịch hấp dẫn nằm trên các tuyến, trục du lịch của từng tỉnh để tạo tuyến liên kết du lịch 5 tỉnh phía đông ĐBSCL. Lấy du lịch sông nước miệt vườn, tham quan làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng ngập nước và di tích lịch sử làm chủ đạo. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của cụm hợp lý về không gian, thời gian, điều kiện tiếp cận. 
Du khách Úc trãi nghiệm tát mương, bắt cá
Cụ thể là thiết kế chương trình tour 5 ngày/4 đêm liên kết toàn tuyến 5 tỉnh gồm: Long An với Khu du lịch Happy Land, nhà cổ Phước Lộc Thọ; Tiền Giang thăm Chợ nổi Cái Bè, làng cổ Đông Hòa Hiệp, Chùa Vĩnh Tràng, trại rắn Đồng Tâm; Bến Tre trãi nghiệm sông nước sinh thái xứ dừa, hoa kiểng cây giống Cái Mơn, làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa; Trà vinh nghiên cứu Văn hóa dân tộc và hệ thống chùa Khmer; Vĩnh Long viếng các di tích lịch sử cách mạng, làng nghề, sông nước sinh thái, homestay.

Ngoài ra, các tours 3 ngày – 2 đêm nối 2 hoặc 3 tỉnh theo nhóm với nhau để tạo ra nhiều lựa chọn cho các hãng lữ hành của các thị trường trọng tâm và du khách như:
  • TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long; 
  • TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh;
  • Cần Thơ - Vĩnh Long - Bến Tre - Tiền Giang…

Bên cạnh đó, tiềm năng tổ chức hệ thống tuyến đường sông có thể khai thác phát triển thành các tuyến du lịch đường thủy hấp dẫn như các tuyến dọc sông Tiền, sông Hậu, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ với An Giang và Campuchia.

Tiềm năng du lịch cụm du lịch duyên hải 5 tỉnh phía đông ĐBSCL là rất lớn và khả năng còn phát triển đa dạng, phong phú hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước  và các đơn vị kinh doanh du lịch của 5 tỉnh cần tiếp tục quy hoạch, liên kết và phát triển để tạo nhiều sản phẩm khác biệt để thu hút khách; từng bước đầu tư và củng cố hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của Cụm du lịch duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long này./.