Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Lễ Ok-Om-Bok được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Trà Vinh được công nhận.

Trước đó, lễ hội Cúng biển Mỹ Long, Nghệ thuật Chầm Riêng - Chà Pây của nghệ nhân Khmer xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú... đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Ok-Om-Bok còn gọi là lễ cúng trăng, một trong 3 lễ chính hàng năm của đồng bào Khmer Nam bộ (Sêne Đolta, Ok-Om-Bok và Chôl-Chnam-Thmây) được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, thời điểm vừa kết thúc vụ lúa mùa.

Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ cúng trăng thường được tổ chức tại phum sóc, ở sân chùa hay khuôn viên nhà. Đồng bào Khmer cúng tạ ơn thần mặt trăng trong năm đã cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu và cầu cho năm tới, thời tiết được thuận lợi, giúp người dân trúng mùa, no đủ…

Trong những ngày diễn ra lễ hội, tỉnh Trà Vinh còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí như đua ghe ngo, đánh bóng chuyền, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, hội chợ thương mại, …

Trà Vinh hiện có hơn 320.000 người dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 32% dân số của tỉnh. Hàng năm, vào dịp lễ hội Ok-Om-Bok, tại khu di tích văn hóa Ao Bà Om thu hút hàng ngàn người dân trong tỉnh và du khách các nơi về vui lễ cùng đồng bào Khmer Trà Vinh./.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Ngày hội của công ty lữ hành du lịch tại xứ Dừa

Ngày 14-9-2014, đại diện của hơn 150 công ty lữ hành trong, ngoài nước đã tham gia Chương trình Famtrip với chủ đề “Hành trình Mekong - khám phá xứ Dừa”,  do Công ty TNHH DL - DVTM Cồn Phụng (ấp 10, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) tổ chức.

Ông Phan Văn Thông - Giám đốc Công ty cho biết, đây là hoạt động nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 5 của Diễn đàn Doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam; là dịp giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái của Bến Tre, đặc biệt là khu vực Cồn Phụng và là dịp để lắng nghe các doanh nghiệp đóng góp ý kiến về việc thu hút khách du lịch đến tour Mekong Cồn Phụng - Bến Tre, tạo thêm các sản phẩm du lịch mới.

Tour tổ chức đi xe ngựa trên đường làng, ngắm cảnh sinh hoạt nông thôn của người dân Bến Tre, đi bộ tham quan vườn nhà dân, dừng chân tại điểm du lịch Quê Dừa. Các khách mời đi du thuyền dọc bờ sông Tiền và ngắm cảnh 4 cù lao Long, Lân, Qui, Phụng; tham quan trại nuôi ong, nghe người dân chia sẻ về nghề nuôi ong và thưởng thức trà mật ong, các sản phẩm kẹo mứt của địa phương; đến thăm nhà dân, tham quan vườn trái cây, cùng tìm hiểu nét sinh hoạt đặc trưng của văn hóa miệt vườn Nam Bộ; nghe và giao lưu đờn ca tài tử và khám phá kênh rạch đặc thù miền Tây bằng xuồng chèo len lỏi trong những hàng dừa nước; tham quan cồn Phụng, chiêm ngưỡng công trình kiến trúc đạo Dừa, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cơ sở sản xuất kẹo dừa, trại nuôi cá sấu, phòng trưng bày một số hình ảnh về danh nhân và các địa điểm di tích văn hóa, lịch sử của tỉnh Bến Tre.

Các đại biểu đã bày tỏ sự thích thú và hài lòng sau chuyến tham quan. Ông Trần Lê Bảo Châu - Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam bày tỏ niềm phấn khởi về sự đổi thay tích cực của du lịch Cồn Phụng và tin tưởng du lịch Cồn Phụng sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Dịp này, ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin về sự kiện Lễ hội Dừa sẽ được tổ chức vào tháng 4-2015 tại Bến Tre.
Mã Phương
Nguồn: baodongkhoi.com.vn

Tiếp tục thu hút đầu tư, tạo bước đột phá mới về phát triển du lịch

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015. Ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Trần Ngọc Tam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các huyện, thành phố; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn trong tỉnh.

Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm triển khai Đề án Phát triển du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2011-2014 đạt 23%/năm. Nổi bật là năm 2013, có hơn 800 ngàn lượt khách, doanh thu 459 tỷ đồng. Khách nghỉ lại các cơ sở lưu trú trong tỉnh chiếm 33% tổng lượt khách. Đã đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 62 tỷ đồng; đầu tư tôn tạo di tích văn hóa - lịch sử 71 tỷ đồng; đầu tư cơ sở kỹ thuật kinh doanh du lịch 26 dự án với tổng vốn đăng ký 4.110 tỷ đồng, thực hiện đến nay đạt 864 tỷ đồng. Ngoài ra, còn đầu tư 20 điểm du lịch nông thôn, đưa số điểm du lịch toàn tỉnh lên 65 điểm; đầu tư mới 17 cơ sở lưu trú du lịch, nâng lên 57 cơ sở với 1.302 phòng. Đặc biệt, Đề án đã tập trung xây dựng 2 điểm du lịch đặc thù của tỉnh là Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre, đã thi công giai đoạn I, vốn thực hiện 24 tỷ đồng; Dự án Resort Forever làm điểm nhấn phát triển du lịch các xã ven sông Tiền, đã hoàn thành giai đoạn I với tổng kinh phí 384 tỷ đồng, đang triển khai giai đoạn II. Công tác đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến du lịch cũng được chú trọng. Các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố cũng đã tăng cường hỗ trợ đầu tư, hình thành các tour, tuyến, điểm du lịch mới.
Du khách chọn mua các sản phẩm từ dừa của Bến Tre. Ảnh: Hữu Hiệp
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn gặp một số khó khăn, như: công tác quản lý du lịch còn chưa sâu sát; một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật chậm được triển khai; chưa có khu, điểm du lịch hấp dẫn giữ chân khách; chưa có doanh nghiệp lớn làm đầu tàu, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa có sự gắn kết du lịch với các làng nghề; nguồn nhân lực yếu; hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương quảng bá du lịch còn hạn chế; khách đến Bến Tre có bước tăng trưởng nhưng chỉ đạt mức trung bình trong khu vực.

Hội nghị cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ngành, các huyện, thành phố, doanh nghiệp để phát triển du lịch. Các giải pháp đặt ra là: phát triển sản phẩm; tổ chức liên kết, tăng nhanh tổng thu từ khách du lịch; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh doanh; phát triển du lịch gắn với làng nghề, khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc; triển khai thi công nhanh các dự án du lịch; tạo môi trường thu hút vốn đầu tư cơ sở kỹ thuật du lịch; chấn chỉnh sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Du lịch Bến Tre đã có nhiều khởi sắc, 3 năm qua, khách du lịch đến Bến Tre tăng; hạ tầng được quan tâm đầu tư nhiều hơn; nhiều nhà hàng, khách sạn tăng lên. Các sự kiện lễ hội dừa, trái cây đã bắt đầu thu hút du khách đông hơn. Tuy nhiên, du lịch vẫn phát triển chậm, doanh thu chưa cao, còn dưới 1 ngàn tỷ đồng. Qui mô ngành du lịch còn nhỏ, đầu tư chưa lớn, doanh nghiệp tầm cỡ chưa nhiều. Chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch chưa hấp dẫn, chưa chuyên nghiệp. Các dịch vụ vui chơi, giải trí chưa thu hút được nhiều du khách. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần suy nghĩ thêm về hình thức để giữ chân du khách. Ngành du lịch, doanh nghiệp cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn và đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ; lưu ý xây dựng các điểm dừng chân du khách, nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, quan tâm du lịch nghỉ dưỡng, tiếp tục kêu gọi đầu tư, tạo bước đột phá mới.

Kết thúc hội nghị, ông Trần Ngọc Tam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đối với Đề án Phát triển du lịch. Việc thu hút 26 dự án, vốn trên 4 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4,5 ngàn lao động, dự kiến năm 2014 thu hút 900 ngàn lượt khách, doanh thu 560 tỷ đồng… rất đáng ghi nhận. Tuy chưa đáp ứng nhu cầu, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, nhưng ngành du lịch có bước phát triển vượt bậc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các nhiệm vụ, giải pháp của Ban chỉ đạo Đề án; đồng thời, lưu ý ngành du lịch cần đầu tư mạnh hơn, mang tính đột phá; mong doanh nghiệp chú trọng, có hướng đầu tư và tăng cường quảng bá, hình thành tour, tuyến rõ nét hơn. Để phát triển du lịch, không chỉ có ngành du lịch mà rất cần sự phối hợp của nhiều cấp, ngành, địa phương.

Định hướng năm 2015, phấn đấu tổng thu đạt 700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 23%/năm trở lên; có 1 khu du lịch đạt chuẩn về cơ sở vật chất, 67 điểm du lịch, 58 cơ sở lưu trú với 1.354 phòng.
Nguồn: theo http://baodongkhoi.com.vn

Nhớ lắm mùa cá rô đồng ở miền sông nước Bến Tre

Những cơn mưa đầu mùa bất chợt dễ làm lòng người nao nao. Mùa này, lúa ở ngoài đồng đã trổ bông, những cây lúa đã điểm tô nhiều màu sắc cũng là lúc bắt đầu mùa cá rô đồng. Ở nơi chốn thị thành có lúc ta chợt nhớ, chợt thèm biết mấy cái dư vị món cá rô đồng với nhiều món ăn làm say đắm lòng người viễn xứ….

Sản vật trời phú

Về Bến Tre, từ khoảng tháng 5- 6 âm lịch, khi mùa mưa mới bắt đầu, những cơn mưa rào đầu mùa đổ nước xuống đồng ruộng, ấy là mùa cá rô đồng đã đến. Cá đi theo thành đàn nhiều lắm, đủ các loại cá đồng như: Cá lóc, cá trê, cá sặt trong đó cá rô đồng là nhiều nhất. Mưa xuống, cá gặp nước bơi như trẩy hội, đó là lúc cá rô ngon nhất, mập mạp, to tròn, thịt săn chắc và có vị béo rất đặc trưng.
Những con cá rô đồng tươi rói vào mùa
Cá rô đồng có thể dùng chế biến được nhiều món như kho tương, nấu canh cải, kho gừng…nhưng người ta bảo cá rô đồng kho tương là món ngon độc đáo từ cá rô đồng. Trước khi bỏ niêu chế tương kho, cá rô phải được mổ bỏ ruột, rửa sạch, để cho ráo nước, sau đó đem nướng vàng trên bếp than hồng. Mục đích của việc phải nướng cá cho vàng là để cá có mùi thơm, không bị tanh. Khi con cá đã chín vàng đủ độ, tỏa mùi thơm lừng, phủi hết những than đen bám quanh cá rồi mới kho. Lấy một chiếc niêu bằng đất sét, gừng tươi rửa sạch, dùng dao đập dập, sau đó cắt thành từng đoạn dài 3-4cm rồi lót vào đáy niêu.Tiếp đó, lần lượt xếp toàn bộ số cá rô đã nướng vào nồi đổ tương vào xâm xấp cá, nêm thêm chút gia vị, hạt nêm, đường, rắc vài lát ớt vào nồi cá sau đó bắc lên bếp kho vừa lửa liu riu, bởi lửa to nước tương nhanh cạn mà gia vị chưa kịp ngấm vào cá, mất ngon. 

Cá rô đồng kho là món ăn thật dân dã từ tất cả các vùng quê đến thành thị đều cảm nhận được vị thơm, béo ngậy, bùi bùi từ món ăn này. Cá rô kho bầu thì các mẹ miền Tây dùng nồi đất để kho là ngon nhất. Cho một tí mỡ heo hoặc dầu ăn và bỏ một chút hành lá xắt nhỏ cùng tiêu đâm dập vào nồi cá. Rải vài cọng hành gốc lên trên mặt, hành gốc sẽ giòn rất ngon. Kho độ mười lăm phút khi thấy thịt cá rô da nhăn díu lại thì cá đã chín, bớt lửa thật nhỏ để giữ nóng và múc ra đĩa ăn kèm với ít rau thơm và cơm nóng. Giẽ một miếng thịt cá rô thơm phức, chấm với nước tương ngon giầm ớt cay nồng, cắn một miếng bầu non mềm, bạn sẽ thấy thấm đẵm hương vị tuyệt vời nơi đầu lưỡi. Đây là món đặc sản dân dã dễ làm, mang đặc trưng của vùng sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Món cá rô đồng kho tộ luôn để lại nhiều dư vị khó quên trong lòng du khách mỗi khi về quê hương Bến Tre
Người dân quê tôi còn làm món cháo cá rô đồng. Chọn loại cá rô “cụ”, làm sạch, rồi luộc và gỡ thịt cá, ướp với nước mắm, gừng, như đã nói ở trên. Thịt cá xào với hành mỡ thơm phức, rồi đổ vào nồi cháo đã nhừ, cho thêm lá hành và rau mùi, rau răm thái nhỏ. Nồi cháo dậy mùi, bụng dạ ai cũng phải cồn cào, cháo phải hơi loãng mới ngon, thịt cá có thể để riêng. Múc cháo ra từng chén nhỏ, rồi mới để thịt cá trên mặt chén cháo, cho ít rau mùi,  hành và rau răm thái nhỏ, rắc ít hạt tiêu, vắt thêm lát chanh và bỏ vào chút bột ớt khô. Cháo cá rô đồng ngon và bổ sánh ngang với cháo cá lóc và không thua kém cháo lươn là mấy. 

Ở Bến Tre, ở Lạc Địa (Phú Lễ- Ba Tri) trước đây còn nhiều cá rô đồng lắm bởi vì ở đây có rất nhiều cái đìa lớn nhỏ khác nhau. Ở đó, cá đồng tựu hội về nhiều vô kể, nhiều nhất là cá rô đồng. Về đây, có lẽ các bạn sẽ được thưởng thức cá rô đồng thơm ngon được chế biến thành nhiều món ngon mang đậm hương vị quê hương. Hiện nay, vùng đất bưng Lạc Địa này đã được  cải tạo thành vùng đất mới không còn hoang hóa như xưa nữa, những người dân ở đây đã  vét ao đầu tư nuôi cá rô bằng thức ăn công nghiệp. Thịt cá rô công nghiệp tuy ăn không ngon bằng cá rô đồng,  không được săn chắc và mang cái hương vị vốn có của cá rô đồng, nhưng vẫn bán chạy ào ào tại các chợ, các má, các cô vẫn thích mua cá rô về để chế biến các món ăn dân dã đồng quê mang đậm hương vị miền sông nước miền Tây. 

Hồi nhỏ, tôi cùng với đám bạn rủ nhau đi ra đồng ruộng để câu cá rô đồng ở những con kênh, chủ yếu vừa vui vừa có cá đem về cho mẹ nấu các món ngon. Câu được nhiều thì đem về  rộng vào khạp để dành ăn từ từ, bữa thì mẹ chế biến món canh cá rô bông so đũa, bữa thì mẹ đãi món cá rô kho tộ, cá rô hấp bầu, có khi nhiều quá mẹ đem ra chợ bán. Các món ăn được chế biến từ cá rô đồng, mẹ  tôi nấu rất đơn giản không cầu kỳ lắm  nhưng  bao giờ cũng ngon đáo để. Mẹ tôi nấu nhiều món theo phong cách người miền Tây như: cá rô hấp bầu, cá rô nấu canh với khoai môn, cá rô chiên ăn với nước mắm chanh, tỏi, ớt và rau sống, cá rô kho tiêu để tóp mỡ ăn với rau luộc… 

Hương vị quê hương

Cá rô nấu canh có khoảng hơn chục món như: Canh cá rô nấu khế, cá rô nấu cải xanh, canh cá rô rau đắng,…nhưng với người dân miền Tây, món khoái khẩu nhất phải kể đến canh chua. Canh chua cá rô có thể nấu với nhiều thứ, nhưng chưa có món nào “qua mặt” canh chua bông so đũa. Bông so đũa tươi ngon phải hái từ sáng sớm, lật bỏ nhụy và đài xanh, cá nấu chín nêm nếm xong phải vận lửa lớn thả bông so đũa vào sôi bùng lên là nhấc xuống ngay, nếu không bông so đũa sẽ bị rục ăn không ngon. Vị nhẫn nhẫn của bông so đũa, ngọt lừ béo ngậy của cá, chua ngọt của canh, cay nồng của ớt khiến cứ xì xụp húp, không uổng công nấu. Bữa cơm gia đình ở miền Tây còn một món “ruột’ luôn đi cập với canh chua đó là cá rô khô tộ. Cá rô kho tộ quả là số một, thịt cá mềm không phải bở ăn rất hao cơm. Bí quyết kho cá ngon là cá phải để trong “tộ” đất hoặc sành, kho với lửa riu liu, cá được giữ nóng âm ỉ, đủ thời gian để thấm gia vị, lâu lâu nên thả ga một bữa dùng mở để kho thay cho dầu và nhớ là cơm phải nấu cho nhiều, kẻo thiếu. 
Độc đáo món cá rô nấu canh bông so đũa
Những con cá rô đồng tròn trịa, vẩy xanh bóng nhẫy, bụng trứng căng phồng, đem nướng trên lò than hồng cho tới khi toả mùi thơm hấp dẫn. Hồi nhỏ, tuổi thơ của tôi đã gắn liền với những dòng kênh, những cánh đồng bát ngát thơm mùi lúa chín, các món ăn được chế biến từ cá rô đồng được xem là món ruột của mình. Cá rô nướng kiểu của mẹ vẫn còn nguyên mùi thơm của cá, thịt mềm và thơm ngon. Mẹ bảo để con cá giữ được hương vị thì trước khi nướng phải tẩm ướp kỹ càng với gừng, rượu và một chút giấm. Cá rô đồng nướng thêm đĩa rau lang luộc là đủ cho một bữa ăn dân dã. Ngày trước, cá rô không bao giờ thiếu vắng trong các cánh đồng lúa nước và từ lâu đã là là loại thực phẩm tạo nên món ăn dân dã mà hấp dẫn đến lạ lùng. Ngoài những món truyền thống như cá rô chiên giòn, cá rô nướng,… còn có thể tìm thấy một hương vị ngọt ngào từ món canh cải bẹ xanh nấu cá rô. 

Những ngày mưa, mẹ lại cặm cụi nấu canh cá rô đồng với cải bẹ xanh, để làm món canh cải cá rô, bà chọn những con cá béo tròn còn tươi rói, làm sạch cá rồi cho vào luộc chín tới. Cá vớt ra để nguội, bóc thịt hai bên rút hết xương sao cho thịt không vỡ. Phần thịt cá ấy được ướp chút gia vị rồi thả vào chảo dầu đang sôi, khi vớt ra cá giòn và thơm thật quyến rũ. Phần xương cá, đầu cá bà đem giã nhỏ để lọc lấy nước dùng, cho thêm gừng tươi để bớt mùi tanh của cá. Canh cải bẹ xanh nấu cá rô ăn vừa mát lại vừa có vị ngọt rất riêng bởi thịt cá giòn, rau cải xanh thoáng chút hăng quyện với hương gừng thơm nức. Khi ăn phải dùng đũa gắp rau và cá lên thìa rồi thêm chút nước gừng mới cảm nhận được vị ngon của món ăn, nồi cơm của mẹ nhờ thế mà lúc nào cũng cạn cả cháy. Thịt cá thơm hòa quyện với mùi tương và mùi gừng quyện vào, thật chẳng cao lương mỹ vị nào sánh bằng.

Nhớ khi xưa khi những cánh đồng lúa chín lúc nào cũng có nhiều cá. Bây giờ, ít khi thấy ai vác cần ra đồng câu cá rô nữa, ruộng vẫn xanh tươi sắc lúa, đồng vẫn ăm ắp nước nhưng đã thiếu vắng một thứ âm thanh gì đó rất thân quen. Phải chăng, tiếng quẫy nước của cá rô đồng, nghe xôn xao, và da diết biết bao. Nhớ lắm mùa cá rô đồng./.

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Bến Tre tham gia Hội chợ du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh (ITE-HCMC) năm 2014

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre đã xuất hiện trong hội chợ Du lịch quốc tế tại TP.HCM từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 09 năm 2014; đây là lần đầu tiên tham gia hội chợ kỳ thứ 10 nầy với chủ đề trọng tâm là giới thiệu cùng cộng đồng quốc tế về “Du lịch năm quốc gia một điểm đến: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Đồng chí Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phát biểu khai mạc hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE HCMC) năm 2014
Tham gia gian hàng liên kết giữa 3 tỉnh phối hợp: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh với slogan “Mekong Orchards and Waterways Tourism” đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về du lịch sông nước miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch homestay, các chương trình tour du lịch, tuyến du lịch, các chương trình du lịch khuyến mãi, các ấn phẩm giới thiệu về các điểm du lịch, khu du lịch; đồng thời truyền thông các dự án mời gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Gắn kết các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước để mở rộng thị trường inbound và outbound. 

Hội chợ Du lịch quốc tế ITE TP.Hồ Chí Minh lần nầy được mở rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng, quy tụ trên 250 gian hàng đến từ 27 tỉnh, thành phố trong cả nước và 24 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng với khoảng 250 hãng lữ hành quốc tế tham gia; hội chợ còn thu hút người mua và người bán giữa các hãng lữ hành đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Myanmar, Nga, Anh, Pháp,… thu hút hơn 20.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những sự kiện du lịch quốc tế có tầm cở qui mô khu vực Đông Nam Á. 
Gian hàng chung ba tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh tham gia hội chợ ITE năm 2014
Chương trình Hội chợ diễn ra với nhiều sự kiện phong phú và hấp dẫn đối với các lữ hành du lịch của các nước, cũng như công chúng trong và ngoài nước hưởng ứng tích cực như: Lễ khai mạc kỉ niệm 10 năm Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE HCMC) 2014; ngày hội thuyền đăng; hội nghị Bộ trưởng Du lịch ACMECS lần thứ hai; hội thảo quốc tế giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam; các Hội thảo thị trường du lịch Nhật Bản, Úc, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nga,… Diễn đàn du lịch MeKong - Nhật Bản; Hội thảo chìa khóa vàng cho sự hội nhập thị trường du lịch ISLAMIC,... Đặc biệt là ban tổ chức tạo cầu nối để các nhà kinh doanh du lịch cũng như các công ty, lữ hành du lịch, báo chí các nước,… mua bán trao đổi, ký kết hợp đồng và truyền thông nhiều thông tin thiết thực của các đối tác với nhau trong chuỗi hoạt động của hội chợ diễn ra.
Quang cảnh buổi Hội thảo tìm hiểu thị trường
Tham gia hội chợ ITE HCMC 2014 là dịp để du lịch Bến Tre giới thiệu các sản phẩm du lịch đầy tiềm năng thế mạnh của địa phương đến các lữ hành du lịch trong và ngoài nước, mở rộng hợp tác từ các thị trường trọng điểm tại các nước, từng bước sẽ hòa mình cùng du lịch trên toàn thế giới, đặc biệt là giới thiệu cùng bạn bè năm châu về tuyến điểm du lịch liên kết giữa Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh đại diện cho du lịch sông nước miệt vườn của Đồng bằng Nam bộ nói chung, của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng./.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Về Ba Tri ăn bánh canh cua

Bánh canh ở đây là bánh canh bột xắt chứ không phải bột lọc hay bột tằm có sẵn ngoài chợ. Đặc biệt, trong tô bánh canh còn nóng hổi, thịt cua nổi lên từng giề mà người thôn quê gọi là “bồng con”...

Từ nhiều năm qua, quán bán bánh canh cua tại số 4A, đường Quang Trung, khu phố 5, thị trấn Ba Tri luôn đông khách. Quán mở cửa lúc khoảng 6 giờ sáng nhưng đến gần 9 giờ, quán bán không còn một tô nào. Diện tích quán không rộng, chỉ đặt 7 chiếc bàn thấp nhưng khách ra vào liên tục, bà chủ bán bánh canh và 3 người phụ việc xoay trở như con vụ. Hiện nay, mỗi tô 10 ngàn đồng, người ngồi ăn bánh canh cua tại quán thường ăn hai tô hoặc mua, đem về nhà bằng bịch, mỗi bịch là một tô. Bà chủ quán cho biết: Quán bán quanh năm suốt tháng, mùa nóng, mùa lạnh đều bán chạy như nhau.
Bánh canh cua. Ảnh: P.L.H.H
Điều gì khiến bánh canh cua Ba Tri hấp dẫn khách? Điểm chính yếu ở đây là bánh canh bột xắt. Bột làm từ gạo dẻo tại địa phương, xay, bồng khô rồi trét quanh cái chai bằng thủy tinh, xắt ra từng miếng cỡ ngón tay út. Tất cả bột lần lượt được xắt, bột rơi vào nồi nước đang sôi ùng ục. Cách làm thủ công có vẻ chân quê này, tuy hơi chậm nhưng bột tinh khiết, bảo đảm 100%. Và đặc biệt nhất là phần thịt cua trong tô bánh canh. Thịt cua ấy phải “bồng con” rất nhiều, nổi lên thành giề. Bà chủ không ngần ngại cho tôi biết về cách làm thịt cua “bồng con” của quán dù biết đây là bí quyết khó ai “bật mí” trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này.

Bà chủ nói phải làm bằng cua đồng tại Ba Tri mới ngon vì cua đồng nơi khác thường hôi mùi dầu. Cua đồng Ba Tri xay (đâm) nhuyễn, rây, bỏ xác, phần thịt cua còn lại để yên hơi lâu rồi mới nấu từ từ. Khi nấu, thịt cua sẽ nổi lên, quện vào nhau, hình ảnh này người thôn quê gọi là “bồng con”. Cách làm “bồng con” nói nghe đơn giản nhưng phải khéo, nếu không biết bí quyết, khi nấu, thịt cua sẽ bời rời, không kết dính thành giề khi múc thịt cua đồng vào tô bánh canh. Có những nơi người ta làm “bồng con” bằng cách pha thêm thịt heo bằm nhuyễn hoặc trứng gà, trứng vịt nhồi với thịt cua nhưng đây chỉ là dị bản, ăn vào không còn rặt mùi cua đồng. Mỗi tô bánh canh cua tại đây còn có thêm tép (tép đất, tép bạc) luộc, lột vỏ. Màu ửng đỏ của tép luộc nổi lên với một giề thịt cua “bồng con” trong một tô bánh canh bột xắt trông càng bắt mắt. Rồi thêm miếng chanh và ớt hiểm… Tôi ăn một hơi hai tô. Ăn xong, mồ hôi mồ kê tuôn ra khắp người như vừa xông hơi…
Thanh Quang
(Nguồn: http://baodongkhoi.com.vn)

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Thưởng thức các món ngon từ lá cách - Hương vị đậm đà miền sông nước Bến Tre

Ở quê tôi, lá cách mọc nhiều ở ven sông, kênh rạch hay xen lẫn trong vườn cây. Lá cách phát triển rất nhanh, cây càng to thì càng nhiều cành và càng nhiều lá non xanh mơn mởn, nó được dùng để ăn sống hoặc chế biến cùng với các sản vật đồng quê tạo nên những món ăn mang hương vị độc đáo. Mỗi chiều khi có các sản vật đồng quê thì tôi lại hái lá cách là cả nhà có được một bữa ăn “ra trò”. 
Lá cách
Nhớ hồi ở nhà quê, cứ mỗi lần đi xin lá cách thì mẹ tôi bảo: “Con cứ bẻ đại nhánh lớn về, hái lá non ăn, còn nhánh con đem cặm mé mương, mai mốt có mà ăn không phải đi xin lá cách nữa, cây cách dễ trồng như vậy”. Lá cách là một loại lá rất lạ, có mùi hăng hăng nhưng khi kết hợp với món ăn thì rất thơm ngon, không như lá lốt, mùi của lá cách có phần dễ chịu và thanh hơn. Lá cách không phải là một loại rau sang trọng chỉ là một loại lá dùng chế biến với nhiều nguyên liệu “miệt vườn” sẽ làm nên những món ăn mang đậm mùi vị quê hương, thưởng thức một lần thì sẽ nhớ mãi.

Dân miền Tây mấy ai không biết đến lá cách. Không chỉ là một loại rau, lá cách còn được biết đến như bài thuốc tốt cho gan, giúp giải nhiệt cơ thể. Lá cách kết hợp với nhiều nguyên liệu cho ra những món ăn mang hương vị độc đáo. Đây có thể được xem là loại rau sạch vì lá cách trồng không cần phân thuốc gì cũng rất tốt tươi như một loài cây rau dại. Bữa cơm thường ngày của người dân Nam Bộ không thể thiếu rau, những gia đình ở miền quê xứ này bữa cơm của họ đạm bạc nhưng hết sức nghĩa tình, tôm cá thì bắt ở sông rạch, rau thì ở vườn, hôm nào bữa ăn có thêm lá cách, bữa ăn như ngon hơn. Nhưng phải ăn sống mới tận hưởng hết hương vị đặc trưng của loại lá này. Người ta lựa những lá còn non, màu xanh nhạt và mùi ít nồng hơn lá già, đem chấm mắm kho hay cá linh kho lạt hoặc ăn kèm với cá chiên. Lạ miệng hơn là lá cách cuốn mắm trèn, rắc thêm ít dừa nạo thêm ớt thêm rau ăn đến mê.

Tuyệt nhất phải kể đến lá cách cuốn bánh xèo, bánh xèo người ta có thể ăn với nhiều loại rau khác nhau, thứ nào cũng tươi ngon nhưng với nhiều người, ăn bánh xèo mà thiếu lá cách thì thiếu đi vị thơm lạ, đăng đắng dễ ghiền. Thưởng thức bánh xèo cuốn lá cách ta sẽ cảm nhận được vị thơm giòn của bánh, vị ngọt của tôm hoặc hến, vị nồng cay của của nước mắm tỏi ớt, vị đăng đắng của lá cách, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc trưng và độc đáo. Hiện Bến Tre có món bánh xèo hến là món đặc sản của vùng quê sông nước.

Nếu dùng lá cách để nấu canh nguyên liệu ếch, gà là ngon nhất mà người dân còn gọi là xáo lá cách. Lá cách xắt nhỏ, sau khi nêm nếm canh vừa ăn thì cho lá cách vào, đun sôi trở lại là nhắc xuống ngay. Món này ăn phù hợp cho cả bốn mùa; vị thơm thanh tao kèm theo chút nhân nhẩn của lá cách phải nói là ngon tuyệt. 
Món ếch được chế biến từ lá cách luôn hấp dẫn du khách 
Kể cũng lạ, cái mùi hăng hắc của lá cách khi nấu chung với những sản vật đồng ruộng không những làm “bán” hết mùi tanh mà còn hòa quyện vào làm cho món ăn thêm đậm đà. “Tiếng tăm” nhất là món lươn um lá cách được xem là “độc chiêu” của dân Nam Bộ. Lươn ngon nhất là loại lươn đồng vàng ươm, đem ướp gia vị và xả ớt, để nửa giờ cho thấm; lót một lớp lá cách xuống đáy nòi, để lươn vào rồi lại phủ thêm một lớp lá bên trên, cho nước dừa dảo (loại nước cốt đã lấy xong thì đến nước dảo) vào nấu chừng mười phút là lươn chín, đổ thêm nước cốt dừa là xong và nhấc xuống, múc ra đĩa, rắc thêm đậu phộng rang dã giập, ăn cơm cũng được, làm món nhậu càng hay. Ếch, chuột đều có thể xào với lá cách, nhưng người sành ăn cho là thịt ếch là ngon nhất. Thịt ếch ướp gia vị, nhất thiết không thể thiếu ớt và xả, đem xào săn, mới cho lá cách cắt nhuyễn vào, làm món rai rai thì không thể chê vào đâu được. Theo dân gian, lá cách có tác dụng giải rượu bia, lại tốt cho gan nên dân nhậu hãy cẩn thận vì lai rai với đặc sản lá cách nhiều thì sẽ lâu say. 

Nếu vào dịp trúng mùa nấm mối và được đãi món nấm mối nướng lá cách quả…lộc trời ban. Nấm mối chế biến thức ăn nào cũng ngon vì hương vị thơm ngọt, đậm đà nhưng xào với lá cách là ngon hơn hết. Nấm mối hái và gọt sạch ngâm nước muối loãng. Gan heo, mỡ chài nhiều hay ít tuỳ theo số lượng thực khách, xắt thành từng miếng vừa đũa gắp; hái vài nắm lá cách non rửa sạch để cuốn những thứ nêu trên cho vào gắp tre nướng là có thêm món nắm mối nước lá cách. Nhớ món nầy là phải chấm muối ớt, mà muối hột rang đâm với ớt hiểm xanh mới đúng điệu.
Món nấm mối nướng lá cách- một món ăn độc chiêu của người dân Nam Bộ
Những món ngon từ lá cách mang đậm dấu ấn của một thời khẩn hoang. Nếu có dịp về miền Tây, đừng ngần ngại thưởng thức món ăn miệt vườn này, đảm bảo bạn sẽ mê mẫn…Mấy năm nay sống xa quê, mỗi lần về quê tôi lại thèm những món ăn được chế biến từ lá cách do chính tay mẹ tôi làm, cái dư vị mộc mạc nhưng ấm áp ấy như những kỉ niệm tuổi thơ tôi không bao giờ quên. Sống giữa thành phố hiện đại với biết bao điều lo toan trong cuộc sống thường nhật, trong tôi chợt ào về những kỉ niệm bên mẹ với những món ăn “lá cách” mang hương vị quê nhà làm lòng tôi như muốn trào lên niềm cảm xúc bất tận./. 

Thêm một sản phẩm từ dừa vào phục vụ du lịch

Từ xưa nước dừa tươi là một trong những loại nước giải khát được đánh giá rất cao bởi hương vị ngọt mát, trong lành chứ ít ai biết đến cây dừa cũng có thể cho ra đời thêm một sản phẩm tinh túy, ngọt ngào, giàu dinh dưỡng mang tên gọi mật hoa dừa (coconut sap). Đây là kết quả do Trung tâm dừa Đồng Gò – Bến Tre thực hiện nghiên cứu về phương pháp thu và chế biến các sản phẩm từ mật hoa dừa, mở ra hướng đi mới cho cây dừa Bến Tre phát triển qua đó đóng góp thêm vào ngành du lịch Bến Tre những sản phẩm mới đầy tiềm năng để phục vụ du khách. 
Mật hoa dừa - ảnh tư liệu
Mật hoa dừa chính là nhựa cây được lấy từ bắp hoa dừa non chưa nở (hay còn gọi là lưỡi mèo). Để kích thích mật chảy ra ngoài, mỗi ngày 2 lần người ta dùng dao cắt bỏ một đoạn phát hoa khoảng 3-5mm tạo vết thương, kéo phát hoa từ từ cúi xuống và cố định bằng dây cột, kết hợp với dùng chày gõ nhẹ chung quanh phát hoa một lực vừa đủ để làm tổn thương nhẹ các mạch dẫn nhựa bên trong cho đến khi mật chảy ra ngoài, dùng bình hứng trực tiếp vào đầu phát hoa để thu mật. Sau đó, mỗi ngày ít nhất 2 lần phải tiếp tực cắt bỏ một đoạn phát hoa để làm mới vết thương và tiếp tục cho đến hết phát hoa. Bình quân mỗi phát hoa có thể thu hoạch trong khoảng 30 ngày, mỗi cây dừa có thể thu mật liên tục trong vòng 6 tháng. Năng suất mật hoa dừa thay đổi tùy theo giống và điều kiện canh tác, đối với giống cao địa phương (dừa Dâu, dừa Ta) có thể thu hoạch bình quân mỗi ngày 1 – 1,3 lít. Trong mật hoa dừa Bến Tre có khoảng 15% đường, nhiều khoáng chất, vitamin và a-xit a-min. Mật hoa dừa có thể uống tươi như một loại nước giải khát; Có thể lên men để chế biến thành rượu vang hay chưng cất thành rượu cao độ; Hoặc có thể cô đặc thành si-rô, đường để sử dụng thay thế đường mía. Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Philippines đường dừa có chỉ số Glycemic thấp (GI = 35), rất có lợi cho sức khỏe con người đặc biệt có thể sử dụng như thực phẩm cho người bị tiểu đường.

Bằng những lợi thế theo cách riêng của mình cây dừa một lần nữa tạo nên sự đột phá trong việc nâng cao chuỗi giá trị vào cuộc sống. Từ việc trồng dừa với mục đích lấy gỗ xây nhà đến cho ra đời hàng trăm sản phẩm truyền thống hàng thủ công mỹ nghệ hay đa dạng trong chế biến món ăn … và mới đây nhất là mật hoa dừa thì tin chắc tương lai với nhiều ứng dụng như trên sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm mới, lạ góp phần mở ra một số ngành nghề mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập đặc biệt là phát triển kinh tế địa phương. Đối với du lịch đây là cơ hội tạo nên sự đa dạng trong sản phẩm để phục vụ du lịch từ đó du khách có thêm sự lựa chọn mới khi đến với xứ dừa Bến Tre./.

Dừa ơi! Dừa có tự bao giờ

Có rất nhiều giả thuyết đặt ra về nguồn gốc sâu xa của một loài cây có tên khoa học là cocos nucifera (ở Việt Nam thường gọi là cây dừa) nằm trong họ Cau (Arecaceae), nó cũng là thành viên duy nhất trong chi Cocos và là một loại cây lớn, thân đơn trục (nhiều khi gọi là nhóm thân cau dừa). Dựa vào các chứng cứ hóa thạch được tìm thấy ở New Zealand các nhà khoa học cho rằng các loài thực vật nhỏ tương tự như cây dừa đã mọc ở khu vực này từ khoảng 15 triệu năm trước. Thậm chí những hóa thạch có niên đại sớm hơn cũng đã được phát hiện tại Rajasthan và Maharashtra, Ấn Độ nhưng trái chiều về ý kiến đó còn có một số ý kiến khác cho rằng khu vực đông nam châu Á hay tại miền tây bắc Nam Mỹ là điểm xuất phát, là gốc rễ của cây dừa. Chính vì vậy, trên thế giới hiện nay dừa có từ bao giờ, quá trình "lưu thông" ra sao mà lại sinh sôi nảy nở ở nhiều nơi.

Trên thế giới, các nước có dừa như: Phi-gi, Kiribati, Marshal, Papua Tân Ghi-nê, quần đảo Samoa, Solomon, Indonesia Malaysia, Philippin, Thái Lan, SriLanka , Ấn Độ, … và trong đó có cả Việt Nam chúng ta, đến nay luôn là dấu chấm hỏi đặt ra về nguồn gốc thực sự của cây dừa.

Nếu nhìn chung tổng diện tích từ những nơi trồng dừa đáng kể nhất nêu trên thì chúng ta có thể thấy được một sự trùng hợp là đa phần đều là những đất nước nằm ven biển, duyên hải, chỉ riêng Thái Lan và Việt Nam dừa được trồng ở đồng bằng. Nếu tính quá trình du nhập từ đường biển cũng là một nhận định có cơ sở kết hợp với điều kiện tự nhiên sống của cây dừa rất thích hợp vùng nhiệt đới gió mùa, bên cạnh đó còn có yếu tố tác động của con người trợ giúp trên những chuyến đi biển phần nào cũng tạo nên sự giao thoa, phát tán rộng khắp nhờ các dòng hải lưu lướt nhẹ đưa những trái dừa vào bờ bén rẽ và phát triển cứ như thế lang rộng vào đất liền, trở thành rừng dừa rộng khắp. Theo thống kê của Hiệp Hội Dừa tỉnh Bến Tre trong bài viết tình hình cây dừa thế giới và Việt Nam, diện tích dừa thế giới có hơn 11 triệu ha, được trồng ở 93 quốc gia. trong đó: có 90% diện tích dừa được trồng ở Châu Á - Thái Bình Dương. Khoảng 61% nằm ở Đông Nam Á (trong đó: Indonesia, Philippines, Ấn độ chiếm ¾ tổng diện tích dừa thế giới). Gần 20% ở Nam Á, phần còn lại ở Châu Đại Dương, Châu Mỹ La tinh và Caribbean. Nếu xét về sản lượng thì ở khu vực Nam Á chiếm 19,7% diện tích và 20% sản lượng, ở khu vực Asean chiếm 60,8% diện tích nhưng chiếm 66% sản lượng. Trong đó: Indonesia, Philippines và Ấn độ chiếm 75% diện tích và 76,8% sản lượng dừa thế giới. 

Ở Việt Nam, cây dừa được xếp hàng trong cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, đứng hàng thứ tư sau cao su, cà phê và điều. Diện tích có trên 150.000 ha, phân bố chủ yếu ở Miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 78% diện tích dừa cả nước, với trên 110.000 ha và Bến Tre là tỉnh được cho là xứ dừa chiếm hơn chiếm 35% diện tích dừa cả nước và chiếm hơn 43,6% diện tích dừa Đồng bằng sông Cửu Long. Phân bố chủ yếu ở vùng nước lợ và một số ít ở vùng nước ngọt. Đến nay, giống như nhận định ban đầu về sự hình thành và phát triển cây dừa thì ở Việt Nam cũng đã được nghiên cứu rất nhiều từ các tích xưa đến tên của những địa danh gắn liền với chữ dừa nhưng vẫn chỉ là đề tài cần có thời gian nghiên cứu.

Hơn bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử đã có một thời cây dừa được xem như là biểu tượng tâm linh (linh vật) của bộ tộc Dừa. Theo bài viết nguồn gốc cây dừa Việt Nam được đăng trên website Hiệp hội dừa tỉnh Bến Tre thì theo tương truyền, xa xưa có một bộ tộc tên là Chăm Dừa hay còn gọi là Dừa đã tồn tại cách đây hơn 2.000 năm - trước công nguyên (thuộc vương quốc Champa cổ, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay). Theo truyền thuyết của bộ tộc này thì có một cậu bé khôi ngô tuấn tú được sinh ra từ một mo dừa trong vườn thượng uyển. Nhà vua thấy vậy đã đem làm con nuôi. Khi lớn lên, với tài năng và đức độ, chàng trai được vua cho cưới công chúa và sau đó thì được tôn lên làm vua. Từ đó cây dừa được dùng làm biểu tượng cho thị tộc của mình và bộ tộc Dừa có tên gọi từ ngày ấy (tên vị vua này, cho đến nay các nhà nghiên cứu Chăm học vẫn chưa tìm ra được). Vào giữa thế kỷ thứ II, Bộ tộc Dừa phát triển hùng mạnh lập nên nhà nước Lâm Ấp, vua Lâm Ấp qua các triều đại đã nhiều lần đưa quân ra cướp phá nước ta. Qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, vương quốc Champa ngày nay không còn nữa, người Chăm Dừa ngày nay cũng chỉ còn lại tục dùng dừa làm lễ vật trong những ngày lễ Tết, đặc biệt không thể thiếu chính là chiếc bánh ít lá gai dâng lên trời đất tổ tiên để tỏ lòng thành kính và cũng ít được nhắc lại qua chuyện kể lưu truyền về nguồn gốc của mình. 

Tại kinh thành Thăng Long, địa danh mang tên Dừa cũng đã tồn tại hơn ngàn năm nay và cho đến nay, một trong hai địa danh tồn tại đầy đủ với tên gọi hành chính của hoàng thành Thăng Long còn xót lại của thủ đô Hà Nội từ tên Nôm (tên có từ trước khi xây dựng hoàng thành Thăng Long), đó là phường Cầu Dền và phường Ô Chợ Dừa, địa danh này đến giờ vẫn tồn tại và đã được đưa vào bản đồ hành chính của thủ đô Hà Nội. Rất tiếc, Ô Chợ Dừa ngày nay không còn bóng dáng của cây dừa nào, để chúng ta có thể hình dung được vì sao lại có cái tên gắn với cây dừa và cội nguồn lịch sử địa danh này. Trong bài tham luận trong hội thảo Ngàn Năm Thăng Long được Viện Văn hóa Nghệ thuât Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học KH Xã hội Nhân văn tổ chức tại Tp. HCM ngày 23 tháng 9 năm 2010 cũng đưa ra chứng cứ như sau: cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 20 km về phía Tây, có một ngôi làng cổ, quê hương của vị võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man với tên gọi “làng Yên Sở” nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, nổi tiếng với đặc sản bánh gai và những cái giếng Chăm không bao giờ cạn nước. Nơi đây cũng đã một thời dân gian gọi là làng Dừa với những hàng dừa bên dòng kinh xanh ngát, bạt ngàn. Do dân số ngày càng tăng, tiến độ đô thị hóa ngày càng gần và dịch bệnh bọ cánh cứng từ năm 2005 đã làm cho cây dừa Yên Sở ngày nay không còn nhiều. Chính quyền địa phương cũng đã có chủ trương trồng lại dừa, cũng là cách ghi nhớ công ơn của vị tướng tài Phạm Tu - Lý Phục Man đã có công đưa cây dừa về trồng trên quê hương mình, để có một thời kinh tế từ dừa của Yên Sở rất bền vững. Từ đây, ta có thể có giả thuyết: Dừa được võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man đưa về Vạn Xuân sau khi đánh tan và bắt khoảng 5000 tù binh Lâm Ấp (thuộc bộ tộc Dừa) từ giữa thế kỷ thứ VI, kỷ nhà Tiền Lý, thời vua Lý Nam Đế. 

Bình Định một trong các trung tâm văn hóa Sa Huỳnh của nước ta cũng có một địa danh gắn liền với cây dừa nên gọi là làng Cây Dừa (thuộc huyện Vĩnh Thạnh), vùng đất nằm ở vùng thung lũng thượng lưu sông Côn. Trong bài viết Làng cây dừa - Nơi phát triển nhiều trống đồng loại Heger I đăng trên trang website Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định thì làng Cây dừa xuất hiện sớm nhất cũng có thể từ thế kỷ XV, sau khi sát nhập vào Đại Việt (1471). Đến Thế kỷ XVIII, vùng đất này đã xuất hiện một tổng thể những địa danh có liên quan đến cây dừa: làng Cây Dừa, bến Cây Dừa, chợ Cây Dừa, núi Cây Dừa. Khu chợ Cây Dừa ngày nay là trường THCS Vĩnh Thịnh và trụ sở của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thịnh; Bến Cây Dừa ngày nay còn lại di tích cây đa cổ thụ.

Xuôi về phương Nam màu mỡ, Bến Tre được mệnh danh xứ dừa và hiện nay đang đứng đầu Việt Nam về diện tích trồng dừa. Tính thời gian từ lúc tướng Nguyễn Hữu Cảnh, người được xem như có công xác lập chủ quyền cho Viêt Nam tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định (1698) thì đến nay đã được hơn 300 năm. Như vậy khi đến đây mở mang bờ cõi thì cây dừa đã có hay chưa, hay là do quá trình di dân từ phương bắc đã được người dân mang theo trồng sẽ cho chúng ta nhiều cách nghĩ. Tuy nhiên ở Bến Tre nhờ điều kiện khí hậu thích hợp cùng với tác động của con người đã tạo nên hơi thở cho vùng đất mới này có thêm sức sống, hình thành nên chuỗi giá trị cây dừa, mang lại mối lương duyên sâu sắc giữa đất và người.
Vườn dừa Bến Tre
Như đã nói ở trên cây dừa là loại cây có sức sống vô cùng mãnh liệt, thích nghi với mọi điều kiện để tồn tại, phát triển và đặc biệt là đem lại tiềm năng kinh tế vô cùng lớn. Song song đó dừa còn mang cả một giá trị tiềm ẩn, một khối tài sản vô giá nhưng mang tính vô hình không nhìn thấy cụ thể nhưng lại chứa đựng nhiều loại vật chất theo bề dày thời gian. Dừa hầu như có mặt trên tất cả các lĩnh vực từ đời sống văn hóa, tâm linh, ẩm thực đến khơi nguồn sáng tạo ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, tạo vật chất nuôi sống con người góp phần tạo nên bản sắc riêng của đất và người Bến Tre. Hiện nay, Bến Tre có rất nhiều làng nghề như làng nghề sản xuất chỉ sơ dừa; làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa; làng nghề kẹo dừa; làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; … rất có tiếng không những trong nước mà còn ngoài nước đều biết đến. Đối với du lịch đây là cơ hội mở ra hàng loạt các dịch vụ theo hướng vườn sinh thái gắn với văn hóa với đa chủng loại cây trồng, cho hiệu quả cao, có sức hấp dẫn du khách khi đến đây tham quan. 
Cây dừa sai trái
Trong bài thơ "Dừa ơi" của tác giả Lê Anh Xuân được mở đầu với bốn câu thơ sau:
        Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
        Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
        Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
        Tôi hỏi nội tôi: "Dừa có tự bao giờ?"
Đây vừa là lời kết đồng thời mở ra quá trình nghiên cứu lâu dài về nguồn gốc sâu xa của cây dừa, tuy nhiên dù là bao lâu đi chăng nữa thì cây dừa cũng đã khẳng định vị trí vô giá của mình "là cây của sự sống" mà con người chúng ta chính là những người thụ hưởng trực tiếp./.