Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Bến Tre tham gia Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh năm 2016

Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 12 năm 2016 của ngành du lịch Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng được diễn ra từ 24-27/3/2016 tại công viên 23/9 Q1, TPHCM. 

Đặc biệt, trong ngày hội lần này có hơn 50 Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch từ Bắc đến Nam; 44 doanh nghiệp du lịch TP.HCM và gần 60 doanh nghiệp du lịch tên tuổi khắp nơi trong nước; các hảng hàng không; Các gian hàng ẩm thực Nam bộ giới thiệu, trưng bày sản phẩm du lịch và hàng chục ngàn du khách tìm hiểu, trao đổi thông tin du lịch tạo nên Ngày hội Du lịch thực sự hoành tráng và hữu ích.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre đã xác định Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh hàng năm là cơ hội quảng bá, xúc tiến du lịch, đưa hình ảnh du lịch xứ dừa, các thông tin và dịch vụ du lịch của tỉnh và của các doanh nghiệp kinh doanhh dịch vụ du lịch đến với các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước. 
Gian hàng liên kết năm tỉnh  với thương hiệu "Năm Địa Phương -Một điểm đến"
Khác với các lần tham gia trước, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre cùng 4 Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh liên kết theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch của 5 tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Vĩnh Long - Trà Vinh và Long An tạo thành gian hàng với thương hiệu "Năm địa phương - Một điểm đến" của cụm du lịch duyên hải phía đông đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là gian hàng thiết kế mô hình mới, theo chủ trương liên kết, hợp tác trong bối cảnh phát triển du lịch bền vững hiện nay, cùng hợp tác và tạo nên sức mạnh thu hút du khách đến với vùng sông nước miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long. 

Gian hàng liên kết du lịch 5 tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Vĩnh Long - Trà Vinh và Long An đã trưng bày, giới thiệu nhiều ấn phẩm, bản đồ, đĩa DVD,... và đặc sản, hàng hóa truyền thống như: trái cây, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, ... tạo nên gian hàng nổi bật trong hội chợ về một hình ảnh chung của năm tỉnh, hoành tráng về quy mô và mới lạ của mô hình gian liên kết 5 địa phương. Kết quả gian hàng liên kết đã vinh dự nhận được giải nhất từ ban tổ chức ngày hội./.

Cần cụ thể kế hoạch hoạt động du lịch năm 2016

Ngày 21 tháng 3 năm 2016, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre có buổi làm việc với sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về triển khai kế hoạch hoạt động du lịch 2016-2020; cuộc họp gồm Lãnh đạo sở VHTTDL, phòng Nghiệp vụ Du lịch và Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch.

Để chỉ đạo kịp thời trong việc phát triển du lịch tỉnh Bến Tre bền vững đến năm 2020 sẽ đưa kinh tế du lịch trở thành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bến tre. Ông Nguyễn Hữu Phước yêu cầu sở VHTTDL báo cáo rõ thêm kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2020.
Quang cảnh buổi làm việc của UBND tỉnh với sở VHTTDL; Ông Nguyễn Hữu Phước - PCT UBND tỉnh bìa phải
Phó Chủ tịch (PCT) lưu ý đến việc thực hiện ngay trong năm 2016 để làm tiền đề cho những năm sau khi thực hiện kế hoạch; cần cụ thể việc gì phải làm ngay trong năm, ai làm, đơn vị nào làm, địa phương nào làm,... thì ngành Văn hóa phải chủ động. Ông yêu cầu công tác tuyên truyền du lịch cần sâu rộng và thiết thực trong điều kiện diễn biến của tự nhiên, của thế giới để tạo sự nhận thức tái cơ cấu lại hoạt động du lịch nhằm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp du lịch nhìn nhận việc thay đổi tư duy làm du lịch. Cần tận dụng cái cũ đã có, tu sửa những sản phẩm đã có như thường xuyên tu bổ chỉnh trang các khu di tích, các điểm tham quan, điểm dừng chân của khách du lịch để thu hút du khách.

Tập trung khai thác lợi thế không gian dừa, sông Hàm Luông để làm sản phẩm đặt trưng của Bến Tre trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; khai thác lợi thế để tạo thành sản phẩm vùng như vùng vườn dừa xen ca cao, vùng hoa kiểng cây giống kết hợp với du lịch homstay để người dân cùng tham gia phát triển du lịch. Trong đó tập trung vùng huyện Châu Thành và Nam TP.Bến Tre để nhân rộng. 

Đặc biệt là chú ý ưu tiên hàng đầu trong việc xem lại đề án Làng Du kích để khởi động lại, kêu gọi nhà đầu tư để đầu tư vào những hình ảnh sống động, khoa học kỹ thuật hiện đại; xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp tạo sự hấp dẫn cho du khách. Dự án Khu du lịch Địa phương Thạnh Phong - Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú là dự án trong khu di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre; đây là dự án gắn với cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên cần phân công chuyên viên nghiên cứu sâu để đề xuất bởi Bến Tre là nơi tiếp nhận vũ khí đầu tiên được Bộ VHTTDL công nhận Di tích cấp Quốc gia.

Với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh trong tình hình du lịch phát triển chung hiện nay; Phó Chủ tịch nhấn mạnh: Cần nghiên cứu hoạt động của người dân trong cuộc sống đã gắn bó với cây dừa, cần hướng dẫn du khách và bên cạnh đó giáo dục sâu rộng trong nhân dân về kỹ năng giao tiếp. Tập trung kêu gọi đầu tư, ngành VHTTDL nên tổ chức hội thảo chuyên về hai dự án Làng Du kích và Đường Hồ Chí Minh trên Biển./.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Bức phá để phát triển du lịch sinh thái vùng ngập mặn huyện Thạnh Phú

Cụm phía Đông duyên hải đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long và Trà Vinh thì tỉnh Trà vinh và tỉnh Bến Tre phát triển du lịch biển mạnh. Tỉnh Bến Tre từ khi làm lễ đặt viên đá đầu tiên ở di tích “Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam tại Bến Tre” và tiếp theo đó lễ khởi công công trình “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường HCM trên biển” tại Cồn Bững xã Thạnh Hải thì du khách về đột biến, buộc các cấp quản lý nhà nước từ xã, huyện đến tỉnh phải tăng cường biện pháp ứng phó để duy trì và phát triển đến nay.
Du khách tham gia mua nông sản của người dân xã Thạnh Phong vừa mới thu hoạch
Bến Tre có những điểm tương đồng của văn hóa vùng ĐBSCL, là vùng trũng, được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt; tuy nhiên với vườn dừa bạt ngàn gần 70.000ha và trên 33.000ha vườn cây ăn trái đã phủ kín một màu xanh trãi khắp ba dải cù lao tạo nên một nét đặc trưng riêng của quê hương Xứ Dừa đem lại thương hiệu “du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Xứ Dừa” mà không thể trùng lắp nơi đâu. Đặc biệt hơn là du lịch sinh thái vùng ngập mặn (Du lịch biển) của Thạnh Phú tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc của cụm liên kết phía Đông duyên hải ĐBSCL.

Như ta đã biết vào những năm 2008, tỉnh Trà Vinh phát triển du lịch biển tại Ba Động trước Bến Tre và cũng đã có tiếng vang, thu hút khách rất đông ở những năm đầu, tuy nhiên sự duy trì và phát triển bền vững là điều mà các nhà quản lý và nhà làm du lịch suy nghĩ về những bài học kinh nghiệm, nhất là cùng loại hình du lịch biển, cùng cụm liên kết, không có sự khác biệt để cạnh tranh, cho nên thu hút khách và phát triển bền vững là điều nan giải, mà những người làm du lịch cần quan tâm hàng đầu.

Nhìn lại trong những năm qua du lịch Bến Tre luôn phát triển với tốc độ nhanh, lượng khách du lịch tăng trên 13%; đến năm 2015 Bến Tre đã đón nhận trên 1 triệu lượt du khách, trong đó có trên 42 % là khách quốc tế. Riêng huyện Thạnh Phú thu hút khách nội địa trong tỉnh và các tỉnh lân cận là chính; đã góp phần trong chỉ tiêu chung của tỉnh về phát triển du lịch. Với mức xuất phát điểm du lịch Bến Tre thấp, nhưng đà phát triển hiện nay Bến Tre đã và đang được các nhà đầu tư đến xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú với qui mô khá và hiện đại. Riêng huyện Thạnh Phú có Khu du lịch địa phương: Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre theo Quyết định phê duyệt số 1924/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh; vấn đề đặt ra giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo cho những nhà quản lý, nhà làm du lịch, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư bắt tay nhau thật nhịp nhàng để du lịch Thạnh Phú phát triển bền vững.
Hình ảnh du khách tham gia chày cá và đặt bẫy cua cùng ngư dân xã Thạnh Phong
Tỉnh cũng có kế hoạch đầu tư hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh trong năm 2016, trong đó có 02 cây cầu trong khu du lịch địa phương Thạnh Phong và Thạnh Hải và một số hạ tầng khác như hạ tầng giao thông, điện, nước,... , đặc biệt là trong hướng tới, dự án điện gió thực hiện tại khu vực bãi biển nầy thì đó là điều kiện tốt về mặt phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà cũng như của quốc gia. Tuy nhiên trước mắt, đó cũng sẽ là sản phẩm du lịch để khách tham quan góp phần cho khu du lịch địa phương phát triển. 

Nói đến đây phải nói đến việc xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển Thạnh Phú thông qua mô hình sinh kế bền vững Đồng Quản Lý tại Thạnh Phong. Đây là dự án làm tiền đề cho Xã Thạnh Phong phát triển du lịch, được xây dựng từ kinh phí MFF tài trợ do Trung tâm Chuyển giao Công nghệ - Dịch vụ và Phát triển cộng đồng Nông Ngư Nghiệp - Việt Nam làm chủ đầu tư thực hiện sau gần 2 năm và đã kết chuyển vào ngày 28/5/2015 tại xã Thạnh Phong.

Mô hình xây dựng du lịch cộng đồng đã đem đến Thạnh Phong một cơ hội phát triển du lịch trên địa bàn xã, và cũng là điều kiện phát triển du lịch sinh thái trong quần thể qui hoạch du lịch mà được UBND tỉnh quyết định thành lập Khu Du lịch địa phương Thạnh Phong - Thạnh Hải. 

Để du lịch Thạnh Phú phát triển bền vững, góp phần cho kinh tế du lịch Thạnh Phú nói riêng, Bến Tre nói chung sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh từ nay đến năm 2020 và hướng đến năm 2025 thì huyện Thạnh Phú cần có những giải pháp bức phá:

- Ưu tiên và có cơ chế mở cho các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến đầu tư và khai thác du lịch sinh thái biển, khai thác tiềm năng du lịch vùng ngập mặn; đặc biệt là tạo điều kiện thông thoáng trong lĩnh vực du khách hoặc nhà đầu tư có yếu tố nước ngoài đến khu du lịch.

- Khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư có qui mô lớn để lôi kéo, thúc đẩy các nhà đầu tư du lịch nhỏ của địa phương phát triển và cùng chia sẻ lợi ích chung. 

- Xây dựng văn hóa giao tiếp trong nhân dân và xây dựng con người làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách. Trong cộng đồng dân cư, mỗi người dân phải là một hướng dẫn viên, cởi mở, thân thiện với du khách.

- Vận động những nhà làm du lịch địa phương gắn kết với lữ hành tạo sản phẩm du lịch, các dịch vụ vui chơi, khám phá, trải nghiệm vùng ngập mặn mà Hợp tác xã Du lịch Thạnh Phong một trong những sản phẩm của dự án làm đầu mối; xây dựng điểm dừng chân, mô hình du lịch homstay vùng biển để du khách tham gia sinh hoạt cùng nông, ngư dân nơi đây nhằm giữ chân khách lâu hơn. Đồng thời Hợp tác xã du lịch Thạnh Phong cần nghiên cứu tour tham quan gắn liền trong quần thể khu du lịch Thạnh Phong - Thạnh Hải để khách tham quan nhiều sản phẩm phong phú của khu du lịch địa phương. Chính quyền địa phương cùng BQL du lịch cộng đồng tại địa phương nên xúc tiến liên hệ với các công ty du lịch địa phương, các đối tượng mà không chỉ cung cấp khách du lịch mà còn cung cấp nguồn đầu tư, các kỹ năng ngoại ngữ và kiến thức du lịch. Họ có thể thiết lập mối liên kết giữa cộng đồng với thị trường nội địa và thị trường du lịch quốc tế. 
Những sản phẩm phục vụ du khách được người dân của HTX du lịch cộng đồng Thạnh Phong sản xuất
- Có chính sách (vay vốn) hổ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, làng nghề truyền thống như nghề làm nón, làm lu, bánh dừa Giồng Luông,... đầu tư nâng cấp tạo nhiều sản phẩm hỗ trợ, kết hợp nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) thành quần thể chung toàn địa bàn huyện nhằm có một tour du lịch phong phú liên tuyến từ TP.Bến Tre - Mỏ Cày Nam về Thạnh Phú để lọt vào mắt của những lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút du khách về Thạnh Phú ngày đông hơn.

- Giám sát và đánh giá là một bước không thể thiếu khi chương trình Du lịch cộng đồng đã đi vào hoạt động. Nó giúp xác định những vấn đề tồn tại, các tác động và lợi ích cũng như đảm bảo tính bền vững của hoạt động. Từ đó, ta lên kế hoạch và nỗ lực tìm giải pháp để giải quyết những điểm yếu, điều chỉnh hệ thống và cải thiện chương trình. Giám sát và đánh giá về tác động môi trường, kinh tế, văn hóa và tác động xã hội là một quá trình phối hợp hành động của các thành phần liên quan, nó đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập các dữ liệu giám sát, hỗ trợ phân tích để đưa ra kết quả của đánh giá cuối cùng để sản phẩm du lịch đảm bảo tính hấp dẫn, tính chuyên nghiệp và luôn thu hút du khách ngày càng đến địa phương của chúng ta nhiều hơn./.

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Du lịch cộng đồng là hướng đi đúng

Bến Tre là quê hương của Dừa, người dân Bến Tre đã gắn bó cuộc sống với cây Dừa đã qua nhiều thời kỳ, kể cả trong chiến tranh và trong thời kỳ xây dựng quê hương đất nước hiện nay. Do vậy, phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn Xứ Dừa phải từ cộng đồng dân cư là một xác định đúng hướng trong phát triển du lịch để đưa kinh tế du lịch trở thành thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bến Tre từ nay đến năm 2020.

Từ quan điểm đó, ngày 8/3/2016 Tại Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp để nắm tình hình hoạt động du lịch thời gian qua và định hướng cho sự phát triển du lịch tỉnh Bến Tre trong thời gian sắp tới. Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh Ủy chủ trì cuộc họp với sự tham dự của ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Phòng nghiệp Vụ Du lịch; đặc biệc có các chuyên gia du lịch là khách mời từ các cty như: ông Lê Nhật Tân - Công ty S&T; ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty Lửa Việt và ông Dương Minh Bình - Chủ tịch Công ty phát triển Du lịch Cộng đồng TP.HCM cùng dự .
Ông Huỳnh Văn Hùng - GĐ sở VHTTDL Bến Tre báo cáo với Tỉnh ủy  tình hình hoạt động du lịch những năm 2011-2015 (ảnh S.L.)
Sở VHTTDL báo cáo tình hình hoạt động du lịch những năm qua có những thuận lợi, khó khăn và những thành quả đạt được trong giai đoạn 2011-2015; cũng như định hướng khai thác phù hợp với tiềm năng du lịch hiện có của tỉnh trong những năm tiếp theo để lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành liên quan và các chuyên gia nhìn nhận được tổng thể về hoạt động du lịch tỉnh Bến Tre thời gian qua và góp ý xây dựng sản phẩm du lịch cho thời gian tới nhằm đề ra chiến lược, hoạch định phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.

Tính từ năm 2010 đến nay, nếu năm 2010 lượng khách đạt 540.000 lượt; thì 2015 đạt 1triệu lượt, tăng bình quân 13% năm; tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2010 đạt 246 tỉ đồng, thì năm 2015 đạt 700 tỉ đồng tăng bình quân là 23% năm. Phương hướng đến năm 2020 về khai thác tài nghuyên du lịch có hiệu quả lợi thế về tự nhiên, sinh thái, văn hóa - lịch sử và hoàn chỉnh các loại hình du lịch chính: du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; du lịch tham quan nghiên cứu văn hóa vật thể, phi vật thể Bến Tre; du lịch vui chơi giải trí, thương mại, công vụ, nghỉ dưỡng,… phấn đấu thu từ khách du lịch tăng hằng năm từ 22%trở lên. Ước đến năm 2020, doanh thu từ khách du lịch đạt 1.930 tỉ đồng và lượt khách du lịch đạt 1.700.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân là 11%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 775.000 lượt và khách nội địa đạt 925.000 lượt.

Đến năm 2020 phấn đấu phát triển các sản phẩm du lịch như: sinh thái sông nước miệt vườn, nghỉ dưỡng, văn hóa lịch sử, tâm linh, lễ hội, vui chơi giải trí, dưỡng bệnh, giáo dục và du lịch MICE (hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm). Phát triển cơ sở lưu trú có 74 cơ sở với 1.570 phòng; cơ sở ăn uống có 92 cơ sở với 22.300 chỗ ngồi; Phát triển nguồn nhân lực có 5.540 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó lao động được đào tạo đạt 60%.

Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, điều nan giải trước mắt mà hiện tại chưa khắc phục được là cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về du lịch ở huyện, thành phố còn thiếu và yếu, phần lớn là kiêm nhiệm, rất ít được đào tạo chuyên ngành du lịch; nguồn vốn được phân bổ hàng năm chưa cân xứng với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư tôn tạo di tích văn hóa- lịch sử, đầu tư hoạt động thông tin - quảng bá - xúc tiến du lịch; sản phẩm du lịch cải tiến còn chậm so với tiềm năng, chưa tạo được sản phẩm đặc thù trong khi Dừa là xứ sở không địa phương nào trên cả nước sánh được; … từ đó đã dẫn đến nhiều khó khăn và hạn chế trong phát triển du lịch tỉnh nhà.

Với những thành quả đạt được trong những năm qua, song bên cạnh vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển du lịch để xứng tầm các tỉnh thành bạn; những nhà làm du lịch từ nhà quản lý đến nhà doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn cần thay đổi tư duy, cần tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND phát biểu: Suy nghỉ đầu tư khai thác triệt để không gian Dừa, bởi Dừa là sản phẩm đặc trưng của tỉnh; Khai thác sông Hàm Luông, sông Bến Tre dù cho sông nước miệt vườn hay du lịch biển thì cũng giống như các tỉnh ĐBSCL, nhưng sông nước miệt vườn của Xứ Dừa là không nơi nào có được; cần khai thác loại hình du lịch homestay của miệt vườn bởi khách nước ngoài rất thích và nên chọn loại hình phục vụ vui chơi, giải trí lạ, hấp dẫn như tắm sông theo thủy triều,... Cần tìm hướng đi phát triển du lịch trong việc đối phó với biến đổi khí hậu; tập cho người dân làm du lịch, cùng đầu tư cùng thụ hưởng.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phan Van Mãi phát biểu kết luận và cám ơn các chuyên gia có sự quan tâm đến du lịch Bến Tre. (ảnh S.L.)

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Tổng kết 5 năm công tác thông tin - xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre

Ngày 26/02/2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre (VHTTDL) tổ chức buổi họp mặt doanh nghiệp du lịch đầu năm 2016. Đồng thời tổ chức kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre (TTXTDL). Đại diện lãnh đạo tỉnh có Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bến Tre (Lãnh đạo sở Khoa học và Công Nghệ; sở Kế hoạch và Đầu tư; VP Ủy ban nhân dân tỉnh;..), lãnh đạo Trung tâm TTXTDL tỉnh Long An, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh và Trung tâm XT ĐTTMDL tỉnh Tiền Giang cùng 80 đại biểu đại diện các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh về dự họp mặt.
Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Nhân dịp đầu năm Bính Thân, ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở VHTTDL đã thay mặt Sở có lời chúc mừng năm mới đến quí lãnh đạo, quí đại biểu và toàn thể anh chị em đồng nghiệp trong lĩnh vực hoạt động du lịch nhiều sức khỏe và sẽ gặt hái nhiều thành công trong năm 2016. Qua đó, Ông báo cáo tóm tắt tình hình du lịch của tỉnh trong năm 2015. Nhìn chung du lịch Bến Tre ngày càng được nâng lên, việc phát triển du lịch được xem là nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. 

Trung tâm TTXTDL Bến Tre báo cáo tổng kết hoạt động thông tin - xúc tiến của đơn vị và các doanh nghiệp trong năm năm qua, kể từ khi TTXTDL được thành lập cuối năm 2010 và đi vào hoạt động từ đầu năm 2011 đến nay, công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm hơn. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài, tạp chí chuyên ngành du lịch từ trung ương đến địa phương và các website: Tổng cục Du lịch, Báo Du lịch, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, UBND tỉnh, Sở VHTTDL, trên trang blog của Trung tâm và trên các diễn đàn du lịch cả nước để giới thiệu về Đất và Người Bến Tre, sản phẩm du lịch, các lễ hội truyền thống và các sự kiện quan trọng của tỉnh. 
Quang cảnh hội nghị được tổ chức tại Cồn Phụng
Những thành quả đạt được mà trong 5 năm qua làm được như đưa trên 300 tin tức/bài viết giới thiệu du lịch Bến Tre. Đăng tải gần 50 bài viết tiếng anh lên blog tiếng Anh của Trung tâm; đưa 07 video và 16 album ảnh về các hoạt động du lịch của tỉnh trên mạng Internet đã giới thiệu được hình ảnh quê hương Xứ Dừa của ba dải cù lao thân thương tại Bến tre cho du khách trong và ngoài nước biết đến.

Mỗi tháng có từ 6.000 lượt đến 8.000 lượt người truy cập 2 trang blog chuyên đề du lịch tiếng Việt và tiếng Anh của Trung tâm TTXTDL Bến Tre. Phối hợp xây dựng nhiều phim tài liệu tuyên truyền về đất, con người, điểm du lịch, di tích lịch sử, ẩm thực tại Bến Tre, điển hình như: S-Việt Nam và V-Việt Nam của VTV1; “Hành trình trên đất cù lao” của đài THBT; chương trình ẩm thực Bến Tre của Martin Yan để quảng bá ra thế giới; Nhịp sống đồng bằng của đài Truyền hình Vĩnh Long; “Hãy đến nơi cần đến” của Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ; “Non nước lãng du” của HTV7; Làng nghề truyền thống của VOV; Khám phá miền Tây của Đài truyền hình Cần Thơ; Làng nghề hoa kiểng của HTV9; chương trình Cà phê sáng của VTV3, và nhiều chương trình quảng bá du lịch Bến tre của Đài truyền hình Cần Thơ, Vĩnh Long và Tiền Giang đến quay để giới thiệu.

Bến Tre đã tham gia trên 50 kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước như: Hội chợ du lịch Berlin (Đức); Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội; Hội chợ Du lịch Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh; Ngày hội Du lịch Tp. Hồ Chí Minh; Diễn đàn hợp tác kinh tế MDEC và các sự kiện khác của các tỉnh thành trong nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo. Đồng thời tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch lần I tỉnh Bến Tre năm 2013, tham gia tổ chức hai chương trình Liên hoan ẩm thực và tham quan du lịch trong chuỗi hoạt động của Festival Dừa lần III, lần IV tại Bến tre nhằm thu hút du khách đến với Bến Tre;... Đặc biệt là tổ chức và triển khai thực hiện dự án khoa học “Nâng cao chất lượng điểm du lịch tỉnh Bến Tre” từ năm 2011 đến 2013, được UBND tỉnh xếp loại Khá.

Phối hợp doanh nghiệp xây dựng tour - tuyến du lịch mới như: Tuyến  làng nghề khai thác Dừa và du lịch homestay tại Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc;  Tuyến du lịch biển Ba Tri và Thạnh Phú; Tour du lịch Cồn Ốc - Giồng Trôm;  Tour du lịch sông nước miệt vườn tại 3 xã phía Nam thành phố Bến Tre; Tour du lịch liên tỉnh “Năm địa phương - Một điểm đến” của 5 tỉnh liên kết trong cụm phía Đông duyên hải ĐBSCL.

Doanh nghiệp lữ hành du lịch, điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn tỉnh ngoài việc phối hợp cùng với Trung tâm TTXTDL để xúc tiến du lịch, bên cạnh còn chủ động xúc tiến, liên kết các đối tác trong và ngoài nước để góp phần thu hút khách du lịch đến Bến Tre. Hàng năm, Cty TNHH DL-DV-TM Cồn Phụng tổ chức Đoàn famtrip của Diễn đàn du lịch Việt Nam tập hợp lữ hành trên cả nước có hàng trăm lữ hành về Cồn Phụng nhằm tạo điều kiện cho lữ hành tiếp cận du lịch 3 dải Cù lao với đặc trưng quê hương Xứ Dừa.

Các đơn vị lữ hành đã tổ chức tiếp nhận khách đến Bến Tre tốt và tổ chức tham quan du lịch tại các thị trường trong nước như:  thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Huế, Hạ Long, Quãng Bình, Quãng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Lạt, các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc và các tỉnh ĐBSCL…thị trường nước ngoài như: Châu Âu, Châu Úc, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Singapore, …

Các đơn vị cũng đã xây dựng loại hình du lịch homestay sinh hoạt cùng người dân, trải nghiệm sông nước, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, tour xe đạp miệt vườn, …Thật ra loại hình du lịch homestay tại Bến tre chỉ bắt đầu có từ năm 2004, đến năm 2010, khi Bến Tre không còn ngăn sông lụy phà thì cơ hội du lịch sinh thái sông nước miệt vườn bắt đầu phát triển và loại hình du lịch nầy cũng phát triển mạnh.

Các công ty lữ hành thường xuyên gắng kết với các đơn vị đối tác ngoài tỉnh. Liên kết những công ty lớn từ TP.HCM. Hà Nội, Đà Nẳng để đưa khách quốc tế về trực tiếp về Bến Tre góp phần trong việc xúc tiến du lịch. Hiện khách quốc tế chiếm 42% của tổng khách đến Bến Tre.

Các hoạt động thông tin, xúc tiến, quảng bá giới thiệu du lịch của tỉnh đã thu hút được lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng lên từng năm.  Nếu năm 2010 lượng khách đạt 540.000 lượt; thì 2015 đạt 1triệu lượt, tăng bình quân 13% năm; tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2010 đạt 246 tỉ đồng, thì năm 2015 đạt 700 tỉ đồng tăng bình quân là 23% năm. 

Với con số thống kê còn khiêm tốn của một tỉnh có du lịch còn quá là non trẻ nhưng được thiên nhiên ban tặng một môi trường sinh thái đầy tiềm năng du lịch. Từ đó Trung tâm TTXTDL tỉnh Bến Tre được ra đời. Đây được xem là chiếc cầu nối giữa nhà nước và du lịch để nắm những thông tin hai chiều kịp thời nhằm điều chỉnh  những hạn chế và phát huy được thế mạnh của tiềm năng vốn có của địa phương.

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Hữu Phước có lời khen Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch dù còn non trẻ, kinh phí hoạt động xúc tiến du lịch của tỉnh hết sức hạn hẹp nhưng Trung tâm đồng hành cùng các doanh nghiệp để thông tin, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu hình ảnh Đất và Người Bến Tre và giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, muốn phát triển phải có sự kết hợp của nhiều ngành, sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là sự chung tay xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương từ các doanh nghiệp du lịch, từ các lữ hành, các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch,…. Ông yêu cầu các nhà quản lý du lịch, các ngành có liên quan (nhất là các thành viên Ban Chỉ Đạo phát triển du lịch của tỉnh), các chủ doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chung tay nhau tạo lên môi trường văn minh, xây dựng văn hóa du lịch ấn tượng cho quê hương Xứ Dừa./.

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Công tác chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh

“Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả
giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú”

Thực hiện Công văn số 528/UBND-VHXH ngày 02/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc cho chủ trương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh. Ngày 24/02/2016, tại Trường Cao Đẳng tỉnh Bến Tre diễn ra cuộc họp thống nhất ý kiến để hoàn thiện kế hoạch tổ chức hội thảo với chủ đề “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú”. Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 27/5/2016 sắp tới tại khu Nhà Tránh Bão xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Quang cảnh buổi họp liên tịch các ngành liên quan trong việc tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh 2016 (ảnh: Cô Tuyến Huỳnh)
Ông Lê Thành Công - Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Bến Tre chủ trì cuộc họp với sự phối hợp tham gia của Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Dự án điều dự án AMD Bến Tre; Trung tâm Facod; Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre và đại diện Văn phòng UBND, phòng Văn hóa - Thông tin, phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện Thạnh Phú cùng dự.

Đây là Hội thảo cấp tỉnh nhằm phục vụ các hoạt động nghiên cứu, hợp tác thúc đẩy nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện, cải thiện sinh kế, phát triển cộng đồng ở địa phương chủ đề “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú”.

Để du lịch sinh thái biển Thạnh Phú phát triển, góp phần cho kinh tế du lịch trở thành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Thạnh Phú nói riêng, toàn tỉnh Bến Tre nói chung; Hội thảo là một diễn đàn sinh hoạt, tiếp cận các nhà nghiên cứu, các cấp lãnh đạo, các nhà giáo, các chuyên gia du lịch, các nhà lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh có luận cứ khoa học và thực tiễn, có những giải pháp cụ thể về du lịch biển sẽ chia sẻ tại Hội thảo nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả giáo dục, cải thiện sinh kế trong phát triển du lịch biển.
Ông Trần Duy Phương, PGĐ sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý xây dựng kế hoạch Hội thảo trong việc phát triển du lịch địa phương
Hội thảo sẽ tổ chức trên tinh thần khoa học, sáng tạo, hướng đến những vấn đề bức xúc ở cơ sở nhằm phát triển du lịch bền vững trên phương chăm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên hiện hữu và bảo vệ môi trường sinh thái trong khu du lịch địa phương Thạnh Phong - Thạnh Hải được Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt./.