Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Hoạt động du lịch Bến Tre 9 tháng đầu năm 2018

Trong 9 tháng đầu năm 2018, ngành du lịch Bến Tre có nhiều kết quả nổi bật về lượng và doanh thu đều tăng so với cùng kỳ; công tác quản lý nhà nước được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm và chú trọng nhiều hơn nhằm thực hiện Kế hoạch số 4573/KH-UBND, ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sau khi triển khai kịp thời Luật Du lịch sửa đổi 2017 được áp dụng từ ngày 01/01/2018 đến những nhà quản lý, nhà làm du lịch và cộng đồng dân cư; từ đó sự nhận thức của các cấp các ngành, các doanh nghiệp và người dân đều quan tâm, chú trọng đến vai trò, vị trí và định hướng tốt hơn trong phát triển du lịch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường xuyên cho các đối tượng liên quan, nhất là đội ngũ quản lý du lịch của các điạ phương trong tỉnh, đặc biệt là chủ doanh nghiệp và người lao động trực tiếp.
Đại sứ trái tim Hoa khôi Trương Diệu Ngọc và 6 Hoa Khôi đến từ Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Srilanka, Nhật Bản tham gia trải nghiệm một số hoạt động du lịch tại Bến Tre
Một số huyện như: Châu Thành, Chợ Lách, Thạnh Phú cũng tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch của địa phương với nhiều hoạt động thiết thực nhằm thu hút du khách; các huyện còn lại đều tổ chức hội thảo chung quanh chủ đề tìm biện pháp phát triển du lịch. Những ngày lễ thường niên tại Bến Tre như ngày truyền thống Đồng Khởi 17/01; ngày truyền thống Văn hóa Bến Tre 01/7; ngày hội Nghinh Ông Bình Thắng - Bình Đại và hội Nghinh Ông Thạnh Hải -Thạnh Phú; ngày hội trái cây ngon - an toàn (Mùng 5/5 âm lịch) cùng với nhiều lễ hội cúng Đình, Chùa hay những ngày lễ kỷ niệm 30/4 miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày Quốc khánh 2/9.... Tất cả những ngày lễ, ngày hội trên đều được tỉnh và huyện tổ chức qui mô nhằm tạo không khí sinh động để thu hút du khách đến với miền sông nước Xứ Dừa.

Công tác tuyên truyền, quảng bá được chú trọng, công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch trong Cụm và Vùng cùng với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung đã đem lại nhiều hiệu quả trong việc kết nối tour, tuyến, điểm cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội nghị Nâng cao nhận thức và định hướng giải pháp phát triển du lịch tỉnh Bến Tre
Nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ; khai trương tàu cao tốc kết nối miền Tây và miền Đông Nam bộ với tuyến Bến Tre - Vũng Tàu và chuẩn bị ra đời tuyến Thạnh Phú - Côn Đảo. Đó là những sản phẩm đã góp phần thúc đẩy cho việc phát triển du lịch bền vững của Bến Tre. Bên cạnh đó các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không ngừng nâng cấp cơ sở, dịch vụ và mở rộng mô hình kinh doanh với nhiều loại hình phong phú nhằm thu hút khách du lịch ở lại dài ngày tại Xứ Dừa. 

Đầu năm 2018, Hiệp hội Du lịch Bến Tre được thành lập gần 100 thành viên; Câu lạc bộ Hướng dẫn viên cũng ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp có một sân chơi trong môi trường kinh doanh của ngành công nghiệp không khói nhằm tạo sức mạnh đoàn kết để phát triển du lịch tỉnh nhà. Song song đó, Trung tâm Thương mại, Triển lãm và Hội nghị Quốc tế - Việt Nam hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch,... tổ chức, trưng bày giới thiệu sản phẩm đa dạng để phục vụ du khách đến tham gia và mua sắm. ...

Một số thành quả cơ bản của Du lịch Bến Tre đã góp phần không nhỏ trong việc lôi kéo khách du lịch đến Bến Tre ngày càng đông hơn và níu chân khách ở lại dài ngày hơn để sử dụng dịch vụ tại quê hương Sông nước Xứ Dừa. Kết quả 9 tháng đầu năm 2018, Bến Tre đã thu hút được 1.238.896 lượt khách đến, tăng 24,4% so cùng kỳ, đạt 84,2% so với kế hoạch 2018. Trong đó khách Quốc tế chiếm 524.569 lượt, tăng 25,9%, đạt 81,6% so kế hoạch 2018; khách nội địa được 714.327 lượt, tăng 23,4% so cùng kỳ, đạt 86,2% so kế hoạch 2018. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.022 tỉ đồng, tăng 25,9% so cùng kỳ, đạt 77,96% so kế hoạch 2018.

Ngoài những thành quả đạt được thì vẫn tồn động không nhỏ hạn chế còn phải khắc phục từng bước mà nguyên nhân chính vẫn bắt nguồn từ việc chưa có cơ chế chính sách riêng cho du lịch nên cũng ảnh hưởng nhiều đến đầu tư phát triển du lịch tỉnh nhà. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Phước cũng đã đánh giá trong 9 tháng đầu năm hoạt động du lịch phát triển khá tốt, đạt những kết quả đáng mừng, tuy nhiên trong nguyên nhân còn hạn chế cần đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Bến Tre; Ông đề nghị các thành viên ban chỉ đạo cần xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm để tham mưu và phối hợp các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch trên tinh thần đảm bảo đúng phân cấp, tuân thủ đúng quy định và thực hiện nghiêm Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch trong thời gian tới. Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kết Đề án phát triển du lịch Bến Tre đến 2015 tầm nhìn đến năm 2020 để có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển cho giai đoạn tiếp theo; trong đó chú trọng đến việc đánh giá vị trí địa lý và môi trường xanh, sạch, đẹp của Bến Tre so với các tỉnh thành trong vùng Đồng bằng sông cửu Long. Đồng thời xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm du lịch chủ lực; thực hiện chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) phù hợp với tình hình thực tế./.

Triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình Homestay kiểu mới

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre vừa có Quyết định số 1595/QĐ-UBND ngày 02/8/2018 phê duyệt đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình Homestay kiểu mới tại Bến Tre”.

Ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ nhiệm đề tài trên nhằm hướng đến xây dựng quy chuẩn loại hình du lịch Homestay tại Bến Tre và sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương (từ cây dừa và các nguyên vật liệu khác phù hợp với môi trường nông thôn). Việc xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn áp dụng cho dịch vụ Homestay kiểu mới tại Bến Tre và tiếp tục khai thác tiềm năng hiện có của du lịch địa phương để thu hút du khách đến và giữ chân khách dài ngày trong điều kiện tìm hiểu văn hóa bản địa tại các mô hình điểm của 3 xã ven TP.Bến Tre nhằm tăng lượt khách 15% trong năm 2019 (hiện nay 3000 lượt khách /năm). 
Homestay Cái Cấm xã Tân Thành Bình huyện Mỏ Cày Bắc
Để thực hiện mục tiêu trên các thành viên trong dự án khảo sát đánh giá hiện trạng chọn điểm làm mô hình mẫu: chọn 10 điểm Homestay hiện hữu tại 03 xã phía Nam thành phố Bến Tre và các huyện lân cận để chọn mô hình điểm xây dựng mô hình Homestay kiểu mới góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho khách; cũng như thực hiện công việc chính mà đề án đã đặt ra. Qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên môi trường tại điểm đến. Đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm duy trì, phát triển và nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh sau khi kết thúc dự án.
Nội thất của Homestay Duyên Quê xã Nhơn Thạnh
Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với loại hình du lịch Homestay kiểu mới tại Bến Tre” sẽ giải quyết được các mục tiêu cụ thể và chi tiết nhất của vấn đề sản phẩm và dịch vụ hiện nay phù hợp với thị trường khách Quốc tế. Homestay kiểu mới được thực hiện theo tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê  theo tiêu chuẩn ASEAN (khách nghỉ đêm tại nhà dân hoặc trong khuôn viên có nhà nghỉ dành riêng cho khách nhưng không gian, cảnh quan trang trí giống như nhà dân và gắn liền nhà chủ homestay); người phục vụ có kỷ năng giao tiếp chuyên nghiệp, sinh hoạt cùng du khách như người thân trong gia đình. Ngoài ra kết nối và tạo mối liên hệ hợp tác những điểm dịch vụ với làng nghề truyền thống phục vụ tốt cho nhu cầu du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương. Qua đó, giới thiệu đến du khách của vùng làng quê sông nước xứ dừa tạo ấn tượng tốt để khách lưu lại dài ngày hơn; đặc biệt là xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái, sông nước Xứ Dừa trong thời gian tới./.

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Thông báo Gia hạn thời gian nhận tác phẩm tham dự Cuộc thi sáng tác Mẫu quà tặng lưu niệm Du lịch Bến Tre

Nhằm mục đích tiếp tục nâng cao số lượng cũng như chất lượng tác phẩm tham gia Cuộc thi, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre thông báo gia hạn thời gian dự thi, cụ thể như sau:
1. Thời gian nhận tác phẩm dự thi: từ ngày ra thông báo đến hết tháng 10/2018.
2. Thời gian thẩm định và chấm chọn tác phẩm: trong tháng 11/2018.
3. Thời gian tổng kết và trao giải: dự kiến trong tháng 12/2018.
4. Nơi nhận tác phẩm dự thi: 
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre 
- Địa chỉ: Lầu 2, Số 108/1 Đường 30/4, Phường 4, Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre
- Điện thoại: (0275) 8511480 - 3838813
- Email: ttttxtdl.svhttdl@bentre.gov.vn hoặc ttxtdlbt@gmail.com.

Thể lệ Cuộc thi được đăng tải trên cổng thành phần Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre: http://www.svhttdl.bentre.gov.vn

Hoặc tải tại đây: 

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Bến Tre tham dự sự kiện du lịch quốc tế lần thứ 14

Hội chợ ITE 2018 là sự kiện du lịch quốc tế lớn và uy tín nhất trong khu vực tiểu vùng sông Mêkông (khu vực này gồm: Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan và Việt Nam) và là cầu nối cho hơn 300 công ty và thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế. Đến với sự kiện này có hơn 270 người mua quốc tế được tuyển chọn nhằm thúc đẩy ngành du lịch trong nước và quốc tế kết nối cùng phát triển.

Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Hội chợ du lịch quốc tế ITE 2018 sẽ tập trung vào 4 thị trường chính: Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Hội chợ năm nay mở rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng các tập đoàn lớn và đại diện đơn vị du lịch ở các quốc gia như Úc, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, các tiểu vương quốc ả rập thống nhất…và sự tham gia của 36 Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh thành trong cả nước
Gian hàng cụm liên kết tham gia tại Hội chợ ITE HCM 2018
Đến với hội chợ lần này Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre tham gia gian hàng liên kết cùng với cụm phía đông Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề 5 địa phương 1 điểm đến nhằm giới thiệu các chương trình du lịch khuyến mãi; truyền thông quảng bá bằng các ấn phẩm giới thiệu về các điểm du lịch, khu du lịch, các dự án mời gọi đầu tư đĩa DVD cùng những hàng hóa đặc sản của tỉnh… liên kết và hợp tác các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường. Trong 3 ngày sự kiện diễn ra 6/9/2018 - 8/9/2018 Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre đã tập trung giới thiệu quảng bá những tiềm năng và thế mạnh của ngành du lịch tỉnh nhà đến với các đối tác và các hãng lữ hành trong nước và quốc tế thông qua các video lip cùng với 1.200 ấn phẩm. Đặc biệt tham gia sự kiện này còn có sự đồng hành xuyên suốt của 2 đơn vị là; Khu du lịch Forever Gren Resort; Công ty Cổ phần Du lịch Hoàng Lam…
Lễ Khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh – ITE HCMC
Bên cạnh sự kiện chính Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre tham dự một số sự kiện nằm trong khuôn khổ ITE 2018 như; chương trình tinh hoa ẩm thực việt, hội thảo giới thiệu các điểm đến của Việt Nam, hội thảo hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Quốc, Hội thảo Sáng tạo trong sản phẩm du lịch - từ ý tưởng đến từ thực tế kinh doanh, Hội thảo thị trường khách Nhật Bản, Hội thảo Phát triển du lịch Việt Nam - Nâng cao hiệu quả ra quyết định trên cơ sở sử dụng dữ liệu và công nghệ chuỗi khối Blockchain…

Bến Tre phối hợp tham gia các hoạt động tại ITE HCMC 2018 cùng với Trung tâm Thông tin Xúc tiến trong cụm liên kết phía đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là việc làm thiết thực nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch các doanh nghiệp lữ hành…. Nhân sự kiện này Ban tổ chức ITE 2018 đã trao giấy khen và ghi nhận sự đóng góp của ngành du lịch Bến Tre góp phần vào sự thành công cho sự kiện trên./.

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Quảng bá là quyết định cho sự phát triển du lịch. Truyền thông trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp, có tính xã hội hóa cao thì vị trí, vai trò của truyền thông lại càng trở lên quan trọng hơn trong việc quảng bá sản phẩm, định hướng phát triển và điều chỉnh hành vi của các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch. Trước tiên việc nhận thức về tuyên truyền sẽ đem lại hiệu quả, lợi ích cho dự phát triển đó là vấn đề cơ bản trong quảng bá, giới thiệu thương hiệu cũng như giới thiệu tiềm năng du lịch của một địa phương.

Thật vậy! từ thực tế hoạt động du lịch và những vấn đề diễn ra thời gian qua, ta nhận thấy ngành du lịch cần thiết phải triển khai các hoạt động truyền thông ở ba lĩnh vực, đó là: 1. Truyền thông trong việc quảng bá sức hấp dẫn của điểm đến và các sản phẩm, dịch vụ du lịch cụ thể; 2. Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của những người tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó bao gồm nhà quản lý du lịch, nhà làm du lịch và cộng đồng để tạo ấn tượng, thiện cảm, sự hài lòng cho du khách; 3. Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tạo dựng hình ảnh văn minh, lịch sự khi đi du lịch trong và ngoài nước. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng truyền thông để quảng bá du lịch không chỉ là câu chuyện của riêng ngành Du lịch. Du lịch không chỉ đơn thuần là một ngành dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động hay một chuyến du ngoạn đơn thuần của du khách mà du lịch thể hiện sự văn minh và lịch sự của cả hai phía; du lịch còn có một vai trò, ý nghĩa to lớn đối với người làm dịch vụ và người tham gia du lịch trong việc phát triển các ngành kinh tế khác, thúc đẩy giao lưu, quảng bá sản phẩm, tăng cường sự hiểu biết văn hóa giữa các dân tộc, các quốc gia.
Bến Tre cùng các tỉnh trong cụm liên kết phía Đông ĐBSCL tham gia gian hàng chung để giới thiệu sản phẩm du lịch đến công chúng
Bến Tre đã có Đề án phát triển Thương mại, Dịch vụ và Du lịch giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn đến năm 2025. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng khung truyền thông trong việc quảng bá du lịch cho thời gian tới của tỉnh nhà. Nếu mỗi người dân đều là một đại sứ du lịch, mỗi cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt là Báo, Đài tỉnh nhà quan tâm; tất cả đều có trách nhiệm xúc tiến du lịch; Xúc tiến Thương mại, xúc tiến đầu tư dịch vụ,... tất cả đều là một hướng dẫn viên du lịch thì chắc chắn công tác, tuyên truyền, quảng bá cho Du lịch tỉnh nhà sẽ thành công, ngành Du lịch Bến Tre sẽ cất cánh cùng cả nước theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính Trị về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mĩu nhọn đến năm 2020.

Thời gian qua từ khoảng thập niên 80 của thế kỷ XX, du lịch Bến Tre mới bắt đầu có Công Ty Du lịch Bến Tre, nhưng chỉ dừng lại ở chỗ là tiếp đón những đoàn khách công tác từ Trung ương hoặc các tỉnh đến làm việc (Nhà hàng, khách sạn Đồng Khởi lúc bấy giờ); mãi đến đầu thập niên thứ I của thế kỷ XXI (khoảng năm 2000) thì du lịch bắt đầu phát triển dần và cũng là sự tự phát của những người dân phối hợp theo nhu cầu một số hãng Lữ hành du lịch đường dài để xây dựng sản phẩm. Đến cuối năm 2010, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre ra đời, đã đồng hành cùng doanh nghiệp thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm cũng như hình ảnh Đất và Người Bến Tre trên các truyền thông tin đại chúng, trong các cuộc xúc tiến tại các Hội chợ, triển lãm, Hội nghị,... trong và ngoài tỉnh trên toàn quốc bằng những ấn phẩm, đĩa DVD hay những bài viết giới thiệu,.... đã phần nào giúp cho du khách trong và ngoài nước biết đến Bến Tre ngày nhiều hơn, từ đó, du lịch Bến Tre lượng khách đến tăng hàng năm bình quân 13% so với cùng kỳ. Năm 2010 lượng khách đạt khoảng 500.000 lượt thì năm 2017 vừa qua đạt 1.250.000 lượt. 
Du khách luôn với chiếc điện thoại trên tay vừa dò tìm thông tin vừa ghi hình ảnh đẹp trong chuyến hành trình tham gia trải nghiệm
TA PHẢI LÀM GÌ?
Cách mạng Công nghiệp 4.0" đang diễn ra tại nhiều nước phát triển. Nó mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt kinh tế - văn hóa - xã hội; Với sự phát triển của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp dự đoán sẽ chuyển hóa toàn bộ thế giới thực của chúng ta sang thế giới số, thay đổi cách tiếp cận của con người ở tất cả các lĩnh vực (lời nhận xét của PGS.TS Ngô Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông Tin và Truyền Thông).

Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng, chúng ta sẽ làm gì trong giai đoạn khoa học công nghệ bùng nổ; giai đoạn mà Ngành Du lịch phải cất cánh. Nếu nói về công nghiệp, nông nghiệp thì tỉnh ta là đất hẹp người đông và đến lúc nào đó không thể mở rộng sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu cho cuộc sống trong thời đại mới, thời đại phải so sánh, phải cạnh tranh để vươn lên theo các nước tiên tiến nói chung, các tỉnh - thành trên cả nước nói riêng; chúng ta chỉ có con đường phát triển ngành Công nghiệp không khói là bền vững. 
Các hoa hậu trải nghiệm sông nước Xứ Dừa
Để xây dựng được kế hoạch truyền thông dài hạn, cần thiết phải có một kế hoạch phát triển du lịch dài hạn. Chỉ khi nào chúng ta xác định chủ đề du lịch là gì, sức hấp dẫn điểm đến của sản phẩm du lịch ra sao và hướng tới đối tượng khách hàng, thị trường nào thì mới có thể xây dựng được kế hoạch truyền thông phù hợp theo từng giai đoạn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Bên cạnh việc quảng bá các sản phẩm du lịch trước mắt cần tính tới việc quảng bá cho những năm tiếp theo để có sự tiếp nối. 

Do vậy công tác tuyên truyền, quảng bá trên website, trên các diễn đàn, trên các thông tin đại chúng khác như Báo, Đài,... là cơ bản; việc in ấn phẩm quảng bá, hàng lưu niệm để quảng bá,... là tất yếu. Nhưng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì trong giới thiệu quảng bá không thể không sử dụng những hình thức trực tuyến, không thể không xây dựng bản đồ du lịch số, hay những công nghệ số khác; không thể không nâng cấp hệ thống internet phù hợp để tiếp cận nhanh nhất trong việc dò tìm sản phẩm du lịch, tìm hiểu thông tin về du lịch cho du khách từ những chiếc điện thoại cầm tay; không thể không xúc tiến các thị trường nước ngoài, đặt biệt là tiếp cận, xúc tiến, tuyên truyền, giới thiệu để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt là tỉnh cần tổ chức những gamshow tại Miền Trung, miền Bắc để tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tiếp cận với các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc. Muốn làm được điều đó trước mắt cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các nhà làm du lịch và cộng đồng dân cư ./.

Gắn kết Du lịch - Văn hóa, Văn hóa - Du lịch

Bến Tre là vùng sông nước, được bao phủ bởi 4 nhánh hạ lưu của dòng sông MêKông tạo thành 3 dải cù lao (cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa). Là tỉnh nằm chung trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuy nhiên Bến Tre vẫn có nét riêng của mình về văn hóa miệt vườn của quê hương Xứ Dừa mà nơi khác không có. Để phát triển ngành Du lịch nói chung, không một địa phương nào, hay quốc gia nào không coi trọng du lịch văn hóa, bởi đây là loại hình du lịch tiêu biểu và có nhiều thuận lợi, không phụ thuộc vào thời gian hay thời tiết,... Du lịch văn hóa và văn hóa trong du lịch không chỉ tạo nên sức hút cho mỗi điểm đến mà còn giúp cho văn hóa địa phương đến gần hơn với bạn bè các dân tộc trong cả nước và cả năm Châu.

Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa Bến Tre được thiên nhiên ban tặng một tài nguyên du lịch dồi dào và phong phú, đầy tiềm năng; bên cạnh du lịch vui chơi giải trí, du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm trong rừng dừa, trải nghiệm rừng ngập mặn, du lịch biển, du lịch cộng đồng homestay,.... thì du lịch nghiên cứu văn hóa ngày càng thu hút du khách; đặc biệt là khách nước ngoài. Đối với du khách có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán người dân bản địa của nơi đến, thì du lịch văn hóa chính là “chìa khóa” để họ mở ra cánh cửa đó. Du lịch văn hóa là một thế mạnh, dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam mà Chính phủ đã xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Quang cảnh Tòa thánh Châu Minh thuộc phái Tiên Thiên của Cao Đài Việt Nam - Điểm đến du lịch tâm linh hyện Châu Thành - Bến Tre
Về di sản văn hóa Bến Tre tuy ít lễ hội, những di tích "ít ỏi" nhưng mang đậm nét đặc trưng riêng và cũng có thể tạo được sự chú ý đối với những nhóm du khách tham quan, nghiên cứu, học tập,... hoặc đối với nhóm phân khúc khách du lịch khác vẫn có thể tìm hiểu thêm văn hóa bản địa trong chuyến hành trình của mình.

Bến Tre hiện có 44 di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng cấp tỉnh; 17 di tích cấp Quốc gia, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt là di tích Đồng Khởi - xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam và Di tích Mộ và khu tưởng niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - xã An Đức, huyện Ba Tri. Các Di tích, các công trình kiến trúc văn hóa đều gắn với những danh nhân trong lịch sử như Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký, Phan Văn Trị, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Lãnh Quan Quang (Tán Kế), Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng,... và nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật văn hóa như Đình, Chùa, Miếu, ... Những thắng cảnh ấy cũng được du khách quan tâm và các hãng lữ hành cũng đưa vào tour tham quan cho du khách tập phương ngày càng đông. 
Những mâm xôi, bánh, hoa, quả được bày cúng nhân ngày giỗ cụ Phan Văn Trị
Không thể bỏ đi những ngày Hội mang nét văn hóa nhân văn của quê hương đã thu hút được nhiều du khách đến tham dự. Đó là những ngày hội truyền thống của người dân Xứ Dừa như: Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng huyện Bình Đại (tháng 6 hàng năm) và xã Thạnh Hải huyện Thạnh Phú (tháng giêng hàng năm) giành cho những ngư dân vùng biển để cầu cho có mùa bội thu trong những chuyến đánh bắt ngoài khơi; Ngày hội truyền thống Văn hóa Bến Tre 01/7 đến 03/7 hàng năm, đây là ngày sinh và ngày mất của Cụ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước, một thầy thuốc của nhân dân, một nhà giáo của thế hệ ngày nay); Ngày hội truyền thống Đồng Khởi 17/01/1960, hàng năm lấy ngày 17/01 làm ngày hội nhằm ôn lại những truyền thống anh dũng của người dân Bến Tre trong công cuộc giải phóng dân tộc; Ngày hội trái cây ngon an toàn (mùng 5 đoan ngọ) hàng năm nhằm tôn vinh những nghệ nhân, những nông dân đã sản xuất nhiều loại cây giống và cho ra những sản phẩm dịu ngọt của vùng Vương quốc trái cây Cái Mơn - Chợ Lách; ngoài ra còn nhiều lễ hội mang nét văn hóa vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ như những kỳ cúng Đình Chùa,...

Các làng nghề truyền thống của địa phương có hàng trăm năm tuổi như làng nghề rượu Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri), làng Nghề đan đát (xã Phước Tuy, huyện Ba Tri), làng nghề hoa kiểng - cây giống (Cái Mơn - Chợ Lách), làng nghề kẹo dừa (TP. Bến Tre và Mỏ Cày), làng nghề bó chổi (xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú), làng nghề dệt chiếu (xã An Hiệp, huyện Châu Thành), làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm) hay nghề làm bánh dừa (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú).... Tất cả các làng nghề ấy đã thể hiện lên nét văn hóa đặc trưng của Bến Tre trong những thế kỷ qua mà ông cha đã truyền và gìn giữ đến ngày nay. Những sản phẩm ấy cũng là món quà hành trình giành cho khách tham quan, trải nghiệm khi đến Bến Tre. 

Những điểm đến phong phú đa dạng như thế của Du lịch - Văn hóa thì không chỉ dừng lại ở “cưỡi ngựa xem hoa” mà cần phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ là hết sức quan trọng để đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo đó, cần tập trung vào sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa, địa danh lịch sử, làng nghề truyền thống; tập trung những thế mạnh của các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa". Do vậy! việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay là xu thướng phát triển mạnh của Bến Tre trong thời gian tới nhằm đưa văn hóa trong cuộc sống người dân đến với du lịch, với du khách thập phương. Du khách sẽ được tiếp cận và tìm hiểu văn hóa bản địa của người dân địa phương; tham gia làm rẫy, làm vườn, bắt cá, trồng rau,... tham dự các ngày cúng miếu, cúng đình; vui chơi các trò chơi dân gian của miệt vườn được tái hiện tại những điểm tham quan,...

Hiện các sản phẩm du lịch văn hóa vẫn còn đơn điệu; tính chuyên nghiệp chưa cao; đội ngũ quản lý, thuyết minh viên tại các điểm đến còn thiếu và nhiều bất cập… thiếu các dịch vụ hỗ trợ để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; nhân viên phục vụ các dịch vụ chưa thể hiện những hình thức văn hóa địa phương như đồng phục những chiếc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ trong những lúc phục vụ chèo xuồng hay hát ca tài tử; chưa thể hiện nét người phụ nữ xứ dừa Đồng Khởi như hình ảnh người chiến sĩ của đội quân tóc dài đã vang danh khắp nơi, chưa thể hiện nét văn hóa đặc trưng của quê hương để in sâu vào lòng du khách.... Nói đến văn hóa - du lịch thì việc giữ gìn văn hóa bản địa, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn môi trường tốt trong du lịch thích hợp với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay cũng là vấn đề cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, của người làm du lịch và của du khách khi đến với quê hương Bến Tre. Những hạn chế sẽ dần khắc phục nhằm tạo sức hấp dẫn của du lịch Xứ Dừa trong mắt du khách; bởi đó là những sản phẩm của trong các thiết chế văn hóa tạo lợi thế so sánh cái đặc thù của quê hương mà không phải địa phương nào cũng có được. 
Những ngư dân và du khách theo tàu cá tham gia ngày Hội Nghinh Ông tại cửa biển xã Bình Thắng - huyện Bình Đại (ảnh MT)
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính Trị về việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cũng như mỗi người dân chung sức chung lòng, đồng thuận cùng bắt tay tham gia vào du lịch chứ không riêng những người làm du lịch. Bến Tre hiện đang phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng (homestay) nhằm đám ứng nhu cầu của du khách hiện nay trong việc tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa bản địa của nơi họ muốn đến mà Bến Tre là nơi đầy tiềm năng phát triển. Việc kết hợp hài hòa giữa du lịch văn hóa và văn hóa du lịch cần được quan tâm, nhìn nhận đúng mức, những người làm du lịch và cả cộng đồng xã hội nói chung; đặc biệt là những nhà quản lý về du lịch cùng các ngành khác liên quan cần có nhận thức được tầm quan trọng của du lịch văn hóa trong chiến lược phát triển du lịch bền vững thì chúng ta mới khai thác được hết tiềm năng của loại hình du lịch đặc biệt này.

Loại hình du lịch văn hóa và thể hiện nét văn hóa trong du lịch là sự kích thích niềm tự hào của quê hương trong mỗi người dân, mỗi du khách; làm tăng sự tôn trọng và hiểu biết về văn hóa xưa và nay, thúc đẩy việc học tập và tìm hiểu. Do vậy, việc gắn kết giữa văn hóa với du lịch, du lịch với văn hóa được xem là nền tảng thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Phát triển du lịch văn hóa cần trở thành nguồn lực và điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương./.

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Cuộc thi "Sáng tác ảnh nghệ thuật du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, lần II năm 2018"

Để giới thiệu các danh lam, thắng cảnh, các địa danh di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực, du lịch, cuộc sống con người trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến bàn bè gần xa, du khách trong nước và quốc tế. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cuộc thi "Sáng tác ảnh nghệ thuật du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, lần II năm 2018", thời gian từ ngày phát động đến đầu tháng 12 năm 2018. Cụ thể:
- Thời gian nhận ảnh: từ khi phát động cuộc thi đến ngày 10 tháng 11 năm 2018.
- Triển lãm, công bố trao giải và bế mạc: dự kiến đầu tháng 12/2018.

Thông tin chi tiết vui lòng xem trong Thể lệ Cuộc thi hoặc trên trang thông tin điện tử www.bariavungtautourism.com.vn.

Quảng bá du lịch Xứ Dừa qua kênh truyền hình đối ngoại VTV4

Tuần qua, từ  ngày 21/8/2018 đến 28/8/2018  được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã hướng dẫn Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4), Đài Truyền hình Việt Nam đến tỉnh Bến Tre thực hiện chương trình Talk Vietnam và Vietnam Discovery - Khám phá Bến Tre - phát sóng trên kênh VTV1 và VTV4 của Đài truyền hình Việt Nam và kênh Arirang của Hàn Quốc.

Ê kíp thực hiện các chương trình làm 01 tập Talk Vietnam 40 phút, nhân vật chính là Chị Mayu Ino - người Nhật - người sáng lập tổ chức Seed to Table giúp nông dân Bến Tre làm nông nghiệp bền vững và 02 tập Vietnam Discovery có sự tham gia trãi nghiệm của anh Jwyanza Hobson, người Mỹ, hiện đang viết báo về văn hóa ẩm thực cho tờ Saigoneer tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình Talk Vietnam đã ghi hình trường PTTH Ngô Văn Cấn xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc hướng dẫn học sinh cấp III làm phân hữu cơ háo khí và hộ nông dân xã Vang Quới Đông, Bình Đại thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ chăn nuôi qua ngân hàng bò của dự án; chương trình Vietnam Discovery làm nhiều đoạn phim phong phú về khám phá Bến Tre như: 
  • Ghi hình Hát sắc bùa (di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia) và chuyển giao lại thế hệ sau tại Phú Lễ, huyện Ba Tri;
  • Làng nghề nấu rượu Phú Lễ;
  • Làng nghề cá khô và đời sống ngư dân vùng Cảng cá tại Tiệm Tôm, An Thủy, Ba Tri;
  • Sân chim Vàm Hồ và du lịch sinh thái trang trại cùng văn hóa ẩm thực Xứ Dừa như: Tép rang dừa, bánh xèo nhân củ hủ dừa, gỏi củ hủ dừa tôm thịt…;
  • Ghi hình vườn dừa mẫu, cảnh leo dừa, nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam;
  • Làng nghề truyền thống chế biến dừa và chợ nổi dừa trên sông Thom tại An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam;
  • Thăm cơ sở chế tác các nhạc cụ đàn từ cây dừa của Nghệ nhân Võ Văn Bá xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre…

Dạy trẻ em hát Sắc Bùa Phú Lễ tại Ba Tri
Lắng nghe tiếng nhạc cụ dừa (đàn cò) hình Bản đồ nước Việt Nam 
Trải nghiệm trài và nướng tôm ở vườn dừa mẫu Hương Mỹ - Mỏ Cày Nam
Thời gian qua, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cũng đã thực hiện nhiều chương trình quảng bá có chất lượng như: Tiếp các đoàn khảo sát từ các tỉnh như Lâm Đồng, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… Hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch tỉnh tham gia các chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch (RoadShow) của các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Hà Giang tại An Giang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh…  Phối hợp Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo, Quỹ Hiểu về Trái tim đã hướng dẫn Đoàn du lịch từ thiện 6 Hoa hậu thế giới 2016 (Nhật, Malaysia, Myanmar, Ấn Độ, Philippin, Việt Nam) trãi nghiệm du lịch sông nước Xứ Dừa và trao tặng 100 phần quà (khoảng 35 triệu) cho học sinh nghèo các xã vùng sâu thuộc huyện Châu Thành, Bến Tre.

Hy vọng Du lịch Bến Tre - Xứ Dừa tiếp tục vững bước đi lên và phát triển bền vững, sánh vai cùng các trung tâm du lịch mạnh của nước nhà./.