Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Xe ngựa vận chuyển khách du lịch tại Bến Tre

Xe ngựa vận chuyển du khách là loại xe Thổ Mộ hay còn gọi là Thảo Mã xưa kia; là loại phương tiện đi lại phổ biến ở vùng Sài Gòn - Gia Định vào những năm 50 của thế kỷ XIX. Đây là một loại xe ngựa chỉ một con ngựa kéo và được bắt nguồn từ xe cổ xưa song mã sang trọng của Pháp, Người Pháp gọi xe bằng tên: boite d' allumettes (xe hộp quẹt), sau đó được người dân chế tác, cải tiến lại cho phù hợp với điều kiện và địa hình của miền quê sông nước vùng Tây Nam Bộ thành xe độc mã (một con ngựa kéo). Hiện nay Bến Tre người dân tham gia làm du lịch sử dụng xe ngựa để vận chuyển du khách len lõi trong đường làng vùng quê Xứ Dừa đã tạo thêm cảm giác hấp dẫn cho du khách khi trải nghiệm lênh đênh bập bền trên sông nước rồi lại chuyển sang gồ ghề của xe ngựa trong một sinh thái miệt vườn tại Bến Tre. 
Xe ngựa ngày xưa còn gọi là xe Thổ mộ hay Thảo mã (ảnh ST)
Từ câu vè: "Khô như bánh tráng là chợ Phan Rang, Xe thổ mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một, Chẳng lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu…" nên người dân gọi Bình Dương là địa phương khởi nguồn của dòng xe này. Thật ra thì chưa ai khẳng định được xe thổ mộ có từ bao giờ và xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương. Những thập niên 40, 50 là giai đoạn phát triển mạnh loại xe nầy thì chợ Thủ Dầu Một có đến trên 50 chiếc nhộn nhịp chạy trên đường. Không chỉ vậy Thủ Dầu Một còn có nhiều trại đóng xe thổ mộ có tiếng với thùng xe đẹp, trang nhã, bánh xe bằng gỗ bền chắc, có đường kính rất lớn để chống dằn lên hắt xuống với đường xá gồ ghề; điều đặc biệt của bánh xe thổ mộ là không dùng bạc đạn, mà tra trực tiếp bánh xe vào trục xe để chạy. Xe sản xuất tại Thủ Dầu Một còn được gọi là xe "thùng Thủ" để phân biệt với các nơi sản xuất khác và cũng để khẳng định "đẳng cấp" của mình. Xe thổ mộ khi đó có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách vì các phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển.

Ngày nay, đường xá được kiến thiết tốt hơn; Du lịch ngày càng phát triển, sự đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cũng như sự phát triển nông thôn mới của địa phương cũng được đầu tư song song; xe ngựa được cải tiến bánh nhỏ lại, sử dụng bánh cao su phù hợp với môi trường, tiện lợi khi sử dụng cũng như tiện lợi khi thay đổi phụ tùng xe; nhưng nét đặc trưng vẫn giữ hình dáng của xe thổ mộ ngày xưa và vẫn với một con ngựa kéo (độc mã).

Du khách về Bến Tre là quê hương sông nước Xứ Dừa sẽ được trải nghiệm nhiều dịch vụ hấp dẫn không thể quên những ấn tượng sau chuyến hành trình tại Bến Tre. Sau khi những chiếc tàu du lịch đưa quí khách trải nghiệm trên sông lớn, được lênh đênh trên chiếc xuồng chèo trong rạch dừa nước rười rượi bóng mát và ngắm nhìn những cành thủy liễu đong đưa xòe bông trắng tinh dọc hai bên bờ. Đến điểm dừng chân, du khách được thưởng thức trà mật ong, ăn trái cây bốn mùa (mùa nào trái ấy), nghe đàn ca tài tử (một loại hình văn hóa phi vật thể của nhân loại); du khách được xem quá trình sản xuất mật ong, sản xuất kẹo dừa và thưởng thức những viên kẹo còn nóng hổi thơm lừng; được trải nghiện trong đường vườn rộp bóng dừa xanh và đi xe ngựa cọc cạch trên đường làng với mỗi chiếc xe chở đến 6 người.
Xe ngựa ngày nay dùng vận chuyển khách du lịch tại Bến Tre
Con ngựa chạy cọc cạch, lốp đốp theo làn điệu đều đặn nhờ mảnh sắt mà người chủ ngựa đóng cho chúng dưới những cái móng sừng của ngựa làm chạm mặt đường tạo tiếng kêu. Có người hỏi vui:
- Tại sao người ta lại đóng móng sắt ấy cho chúng? 
Mọi người ngồi trên xe suy nghĩ tìm câu trả lời; có người nói : 
- Họ đóng để trong khi chạy trên đường có tiếng kêu nghe cho vui tai.
Người thứ hai lại nói:
- Để khi chạm mặt đường không làm mòn móng sừng của ngựa.

Không ai trả lời đúng và mọi người vẫn tìm thêm câu trả lời nhưng đến khi hết đoạn đường ngồi xe vẫn chưa có câu trả lời đúng. Đến điểm dừng chân thứ hai, những người trên xe ấy cầu cứu những người ngồi xe khác đã đi cùng đoàn thì cuối cùng cả đoàn vẫn chịu thua. Người đố vui trả lời ngắn gọn:
- Tại con ngựa không đóng được nên họ phải đóng giúp chúng. Còn đóng móng sắt để làm gì thì các bạn đã trả lời.

Tất cả mọi người cười ngắc ngoải và là câu chuyện vui tạo thành ký ức sau chuyến hành trình khi trải nghiệm xe Độc Mã mà người dân nơi hay gọi thông dụng là Xe Ngựa.

Xe thảo mã với những tiếng kêu lách cách đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam. Ngày xưa xe dùng để chở người đi lại hoặc chuyển hàng hóa từ những vùng quê lên Sài Gòn. Những việc đi lại trong vùng như đi thăm viếng, cưới hỏi người ta đều chọn phương tiện nầy. Chiếc xe thổ mộ đã để lại nhiều kỷ niệm đối với người dân Nam Bộ; đến nay xe ngựa còn gìn giữ dù đã được cải biến nhưng cũng là giữ nét văn hoá - lịch sử của vùng đất Xứ Dừa Bến Tre./.

Ba Tri thực hiện chương trình phát triển du lịch

Năm qua, huyện Ba Tri đã ra quân cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã; được sự ủng hộ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng dân cư trên địa bàn, tập trung đẩy mạnh nhiều mặt trong lĩnh vực phát triển du lịch góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong việc xây dựng kinh tế, xã hội địa phương theo Kế hoạch 4194/KH-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của UBND huyện và thực hiện tốt tinh thần nghị quyết về phát triển du lịch của Huyện ủy giai đoạn 2016-2020; đặc biệt là thực hiện Kế hoạch số 4573/KH-UBND ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ba Tri tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch đến các đơn vị, phòng, ban của huyện; các xã, ấp, tổ nhân dân tự quản trên địa bàn đều quán triệt tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW, ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính Trị về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hội nghị triển khai Kế hoạch số 93-KH/HU ngày 06/9/2017 của Huyện ủy và Kế hoạch số 4194/KH-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân huyện được triển khai tuyên truyền sâu rộng đến những doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. 

Sự kiện truyền thuyết ông già Ba Tri được vang danh cả nước, bên cạnh đó Ba Tri vùng đất của quê hương Đồ Chiểu, là tài nguyên nhân văn cần xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở xứ biển đầy tiềm năng du lịch. Bởi huyện Ba Tri được thiên nhiên ban tặng một kho tàng sản phẩm khác biệt với các huyện vùng sinh thái nước lợ và ngọt trong tỉnh; do vậy việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng được quan tâm hàng đầu theo chương trình phát động mỗi xã một sản phẩm. Các điểm du lịch đều chỉnh trang nâng cấp; loại hình homestay gắn các làng nghề cũng được ra đời và đi vào hoạt động hiệu quả như homestay Năm Sơn, homestay Hải Vân kết hợp du lịch Nông trại; Điểm dừng chân Du lịch sinh thái Chín Sông;.... Cơ sở lưu trú trên địa bàn đều đáp ứng được nhu cầu lưu lại của du khách ngoài nhiều khách sạn và nhà nghỉ ra vẫn có khách sạn 1 sao trên địa bàn huyện. 

Một địa phương đấy tiềm năng du lịch đã sở hữu nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng như làng nghề đan đát Phước Tuy, làng nghề rượu Phú Lễ; làng nghề muối Bảo Thạnh; làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề cá khô An Thủy, ... Các di tích như: Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu; Di tích cấp quốc gia như di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lễ, di tích Mộ Võ Trường Toản, di tích địa điểm Nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba Cây Da Đôi; khu lưu niệm đốc binh Phan Ngọc Tòng; miếu thờ và mộ cụ Tán Kế; ..., tất cả những công trình thiết chế văn hóa ấy sẽ gắn kết với biển phù sa Cồn Ngoài, Cồn Hố, Cồn Tròn để phát triển du lịch đặc thù cho Ba Tri.

Một loại hình đặc thù nữa mà cả nước chỉ có ở làng Phú Lễ huyện Ba Tri đó là loại hình văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia "Hát Sắc bùa Phú Lễ”. Một loại hình được Nghệ nhân Lư Văn Hội sưu tầm, ghi chép và lưu truyền nhằm góp phần cho du lịch Ba Tri có loại hình văn hóa đặc trưng phục vụ du khách với mô hình văn hóa bản địa và nhân rộng ra toàn tỉnh.

Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng được phát huy mọi nguồn lực từ tỉnh đến địa phương, doanh nghiệp và sự hợp tác của người dân. Nhiều dự án hạ tầng giao thông du lịch được triển khai thực hiện, các tuyến đường nối liền các xã ven biển được đầu tư, nâng cấp mở rộng và đầu tư mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch đến tận bãi biển, nhằm thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư du lịch. 
Hạ tầng giao thông đã đến bải biển Cồn Ngoài
Hiện nay du khách gần xa đến với biển Ba Tri khá đông trong những ngày cuối tuần. Biển Cồn Ngoài vào dịp cuối tuần hay dịp lễ, tết Nguyên Đán khoảng 500 đến 600 khách/ngày, khách chủ yếu từ các huyện, tỉnh lân cận đến. Đây cũng là tiền đề báo hiệu sự hiệu quả của phát triển du lịch biển Ba Tri trong thời gian tới. Tuy nhiên việc đầu tư truyền thông, điện, nước là điều kiện để thu hút nhà đầu tư du lịch là tất yếu, nhưng nước sạch chưa có; đường đến một số nơi tham quan đi vào hoạt động còn hạn chế cho xe 45 chỗ đến nơi; chưa xây dựng được sản phẩm tạo sự khác biệt so với các huyện lân cận, dẫn đến không hấp dẫn, ... đó là những vấn đề cần khắc phục để lôi cuốn khách du lịch mà huyện Ba Tri đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

Chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư du lịch cũng được quan tâm thông qua các hoạt động Lễ hội trong năm, đặc biệt là Lễ hội truyền thống Văn hóa 1/7 hàng năm; lễ hội cúng Kỳ Yên của di tích Đình Phú Lễ;... Thông qua những bài hát sáng tác về quê hương Ba Tri, thông qua ấn phẩm, video clip giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện, Phòng VHTT kết hợp Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh tham gia các Hội Nghị, Hội chợ & Triển lãm trong và ngoài tỉnh để giới thiệu hình ảnh Đất và Người Ba Tri vang xa hơn. 

Ths. Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn phát biểu chia sẻ về xây dựng sản phẩm du lịch trong buổi nói chuyện chuyên đề về du lịch tại huyện Ba Tri "Ba Tri có các tài nguyên thuộc vùng đồng bằng, biển và các điểm di tích, làng nghề... vô cùng quý giá. Huyện nên tập trung khai thác 2 tuyến chính liên hoàn để làm du lịch nhằm phát huy những giá trị hiện có của huyện, cụ thể: Tuyến thị trấn Ba Tri - xã Phú Lễ - xã Phú Ngãi - xã Bảo Thạnh vừa có khu vực trung tâm, điểm đến các làng nghề, di tích. Tuyến thứ 2 gồm xã An Thủy - Bảo Thuận - Vĩnh An; tận dụng tuyến đường hiện có tại Vĩnh An hình thành tuyến xe đạp cho khách tham quan và kết hợp phát triển loại hình du lịch homestay là thích hợp. Về lâu dài, huyện nên kết hợp với 2 huyện biển còn lại của tỉnh để phát triển du lịch biển, điểm đến là cột mốc 9 nhánh cửa sông Cửu Long"./.