Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Thật kỳ diệu với nước dừa tươi xứ ba dãy cù lao

 Dừa quê tôi -  xứ Bến Tre không biết có tự bao giờ và:
“Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt lấy quê hương”…
                                          (Lê Anh Xuân)

Mỗi lần dẫn bạn về quê chơi, bạn tôi bảo xứ gì dừa nhiều thế. Quả thật vậy! Dừa quê tôi nhiều vô số kể, nhiều đến nổi mà mọi người biết đến quê hương tôi như là “miệt dừa”, “xứ dừa”, “rừng dừa” và hễ đi đâu đó cứ “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”.

Tôi được xem bài viết thông tin “Mời bạn về Bến Tre khám phá Festival Dừa lần III năm 2012” từ ngày 04 – 09/4/2012 và “Ký ức tuổi thơ với vườn dừa quê tôi” đăng trên diễn dàn dulichvietnam.com, tôi thật sự xúc động, càng nhớ về quê nhà da diết. Là người con xứ dừa tha hương cầu thực xứ người, tôi vẫn thường về thăm quê, nhưng tâm lý người con xa quê hễ bắt gặp thông tin gì về quê hương là sâu vào đọc xem người ta nói gì về quê hương mình. Bài viết “Ký ức tuổi thơ với vườn dừa quê tôi” làm tôi trải lòng lắng lại với những vần thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân:

“Nghe vườn dừa rì rào tiếng nhạc
Lòng nao nao tôi nhớ nội xiết bao
Tuổi thơ xưa uống nước dừa dịu ngọt
Tôi biết đâu thuở chua xót ban đầu”…

Hay những câu thơ của nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà:
“Bến Tre gái đẹp, trai hiền
Dừa xanh nước bạc, cỏ miền quê hương
Ban trưa ghé quán bên đường
Uống no bóng mát mà thương xứ dừa”

Tôi vẫn nhớ rõ như in, gia đình tôi có đôi ba công đất, từ nhỏ đến khi trưởng thành, tôi thấy trồng toàn là dừa. Và nhớ nhất là cứ hễ khát nước là anh em tôi chạy ngay ra vườn, trèo tít lên ngọn dừa hay dùng câu liêm giựt cả quầy xuống, rồi dùng dao chặt tại chỗ, chẳng cần đổ ra ly hay dùng ống hút gì cả, mà cầm ngay trái dừa vừa chặt, cứ thế ngửa cổ lên uống một hơi rồi “khà ra” thật sảng khoái. Phải công nhận dừa mới bẻ xuống, chặt lấy nước nguyên chất, còn hơi ga uống nó ngọt lừ làm sao ấy. Hay có hôm đi chơi về bụng đói cồn cào, chặt ngay trái dừa xiêm chan vào tô cơm nguội, nạo cả phần cơm dừa, bỏ vào tí muối, say sưa ăn no đến cành hông luôn.
Trải qua biết bao thăng trầm,  nhiều giống dừa khác nhau vẫn còn hiện hữu, thích nghi phát triển ở vùng đất quê tôi từ vùng nước ngọt, nước lợ, đến cả vùng đất cát ven biển hay ngay cả ở những vùng đất có độ phì nhiêu kém, nhiễm phèn, đều cho sai trái. Đặc biệt, nó có sức sống mãnh liệt, minh chứng là những vết tích bom đạn trên thân cây dừa vẫn còn lưu lại với thời gian ở những cây có độ tuổi trên 40 – 50 năm nhưng vẫn còn cho trái sai oằn. Điều đó có thể khẳng định nó luôn chung thủy, sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng đất Bến Tre và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Và cây dừa trở thành đặc trưng của quê tôi - Bến Tre.

Hiện tại ở quê tôi,  gần nhà có một lão nông có trên 2 hécta đất trồng dừa. Thú vị nhất là mãnh đất đó đang có sự cư ngụ của khoảng 20 giống dừa. Mỗi lần về quê, tôi thường sang nhà uống trà đàm đạo, vì thế mà được biết người nông dân trồng dừa chia ra là 02 loại: “Dừa có dầu” và “dừa uống nước”. Qua tìm hiểu, tối được biết nhóm dừa có dầu có: Dừa ta (xanh, đỏ, vàng); dừa bung (xanh, vàng); dừa dâu (đỏ, vàng, xanh); dừa lai (BP121 – lai cao Tây Phi, Mã Lai). Nhóm dừa uống nước gồm: Dừa ẻo hay còn gọi là dừa xiêm lùn, dừa chùm, xiêm dây (xanh, đỏ); dừa xiêm (xanh, đỏ, vàng); dừa núm (xanh, đỏ); dừa tam quan; dừa Sri-lanca; dừa dứa (dứa xiêm, dứa thái); giống dừa sáp cũng có trồng trên đất Bến Tre, nhưng không nhiều.

Là người con của xứ ba dãy cù lao, xứ sở mà ra ngõ là gặp ngay hàng dừa, bờ dừa, vườn dừa xanh bát ngát mênh mông và hầu như nó đã có mặt trên mọi miền đất nước, vượt cả trùng dương đến bè bạn xa. Là người dân xứ dừa tôi rất tự hào về dừa quê tôi, vì nó đã góp phần chế biến đa dạng các sản phẩm trong thực phẩm, trong công nghiệp, trong thủ công mỹ nghệ, trong lịch sử - văn hóa, trong du lịch sinh thái, trong thơ ca - nhạc - hội họa, dừa trong các lễ hội…. Tính ra, dừa xứ tôi rất nhiều công dụng, ở đây tôi cùng với các bạn góp phần nói lên công dụng của nước dừa mà thôi, “ngon lắm – ngọt lắm” các bạn ạ!

Các cô, chú tham gia kháng chiến ngày xưa kể lại: Trong hai cuộc kháng chiến, do thuốc men thiếu thốn, các thầy thuốc của cách mạng đã sáng kiến dùng nước dừa nạo để thay nước biển truyền dịch cho những thương binh mất máu, mất nước kiệt sức. Nước dừa được dùng làm nước truyền dịch phải được chọn lọc rất kỹ như: Dừa trồng xa nhà, không sử dụng dừa trồng gần chuồng trại chăn nuôi. Đặc biệt, khi trèo lên ngọn bẻ dừa phải dùng răng cắn từng trái đem xuống hay thòng dây thả xuống từng quả một, không được làm rơi hoặc làm đọng sốc nước trong trái dừa, dừa bị sốc sẽ lên cặn, nghẹt kim không truyền dịch được. Nước dừa còn thay nước cất trộn vào thuốc kháng sinh để tiêm rất tốt; hay ong ruồi làm tổ trong vườn dừa, ta lấy mật đó dùng để sát trùng, rửa vết thương cũng rất tốt. Đó là công dụng của nước dừa được dùng trong những năm kháng chiến. Ngày nay y học đã có nhiều tiến bộ, thuốc men không còn khang hiếm, nên việc dùng nước dừa để thay thế nước truyền dịch hay nước cất không còn nghe nhắc đến.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu tư liệu của Đông y thì nước dừa có rất nhiều công dụng. Bởi nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu, nên rất tốt khi điều trị cảm nắng, thổ huyết, máu cam. Hay nước dừa kết hợp với một số cây thuốc nam khác để chữa các bệnh như: Khan tiếng, kiết lỵ cấp tính, nôn mửa, lợi tiểu giải độc, viêm thận phù nề, tẩy sán lá… Nước dừa còn chế biến thành “canh dừa” để khử độc hại của rượu hay bôi trơn các khớp. Nước dừa non trị chứng suy dinh dưỡng, bụng ỏng, đít teo cho trẻ. Nước dừa tươi kết hợp cùng với một vài vị thuốc khác để trị bệnh hoại tử ruột do bệnh thương hàn.

Nước dừa tươi từ xưa đã được xem là một loại nước bổ dưỡng, hợp vệ sinh, là loại giải khát được nhiều người ưa chuộng. Trong ẩm thực, nước dừa tươi là một trong những nguyên liệu góp phần chế biến làm phong phú các món ăn, tôi mê nhất là làm ra nước màu dừa dùng để kho thịt, kho cá; thích hơn là dùng nước dừa làm nồi thịt kho tàu thì thơm ngon, tuyệt vời, hấp dẫn vô cùng.

Hàng ngày ở đất sài thành có nhiều xe ba gác bán dừa uống nước trên đường phố, khó có thể nhận ra đâu là dừa của quê hương nữa rồi, hỏi thăm xe nào cũng bảo là dừa của xứ Bến Tre. Nhưng không sao, dừa trồng ở đâu, ở xứ nào thì người ta cũng vẫn nói là dừa Bến Tre, như vậy mình cũng thấy vinh hạnh lắm rồi. Cũng giống như mọi người mỗi khi thấy xe bán dừa uống nước trên đường phố sài thành, tôi nghĩ ngay đó là sản phẩm quê nhà. Điều đôi thích nhất là người sài thành đặt tên cho “nước dừa tươi” rất điệu nghệ “Cocktail thiên nhiên” và xếp nó vào loại thức uống sang trọng. Ngày xưa ở đất sài thành uống nước dừa người ta thường pha loãng ra rồi thêm đường, vắt miếng chanh tươi hay tắc, cho nước đá vào để uống. Uống loãng tẹt như thế mà vẫn thấy ngon vô cùng (1 trái dừa xiêm thứ thiệt có nghề pha ra cỡ 3 ly, nếu gặp phải trái dừa ta, dừa bung thì pha ra ôi thôi vô số ly).

Bây giờ, người sài thành thích uống nước dừa tươi có nhiều lựa chọn hơn xưa, sành điệu hơn, chọn dừa có thương hiệu (dừa xiêm xanh thứ thiệt, dừa xiêm dây, dừa chùm, dừa ẻo…) và uống nguyên chất. Bởi vì, được uống nước dừa tươi nguyên chất, thì  xem như thì ta uống được thứ nước giải khát vô trùng tuyệt đối, cung cấp cho ta vitamin B và các khoáng chất khác như kali, magiê…. Như vậy, uống một trái dừa tươi là ta tiếp thu được khoảng 250ml nước khoáng thực vật. Người dân sài thành còn bảo nhau muốn uống nước dừa tươi ngon, chất lượng, thì vào các siêu thị lớn mà mua không lầm. Vì dừa xiêm uống nước của Bến Tre đã nổi tiếng cả nước, cũng như làm nên thương hiệu trên đất sài thành đã lâu.

Tôi người xứ dừa, mưu sinh trên đất khách quê người, mỗi khi uống ly nước dừa thanh mát, trong tôi vẫn in đậm hình ảnh bên cạnh đồng lúa xanh mơn mởn hay chín vàng là những hàng dừa xanh thẳm cao, thấp thẳng đứng hiên ngang che bóng mát. Hay âm vang trong gió lúc vi vu, lúc rộn rã, xào xạc tiếng lá dừa khua. Nhớ nhất trong mỗi căn nhà, những buổi trưa mùa khô oi bức, những chiều mưa bong bóng ngập sân, trong tiếng võng ầu ơ, cùng với tiếng tàu dừa tấp nhẹ xuống bờ mương, bờ sông, lắng nghe văng vẳng những điệu lý, những lời hát…, ngân dài êm ả như gió trên đồng lúa mỗi buổi sớm mai, rồi được uống một trái dừa tươi thứ thiệt của quê nhà ngọt lự thiệt đã….

Những hình ảnh, âm thanh đáng yêu ấy mãi mãi là kỷ niệm không sao quên được. Tôi nghỉ không chỉ riêng tôi, mà những ai là con của quê hương cũng sẽ nhớ mãi hình ảnh và âm thanh ấy, nó sẽ luôn lắng đọng trong tâm hồn người Bến Tre từ thuở ấu thơ chập chững nơi góc sân nhà đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Cảm ơn tất cả các bạn đã có những bài viết, những cảm nhận về xứ dừa quê tôi và tôi cũng sẽ cùng với các bạn góp nhặt thêm chút kỷ niệm về nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Xin mượn một đoạn nhạc trong bài hát “Quê Hương” của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thơ của Đỗ Trung Quân để được kết thúc những cảm nhận nhớ quê của mình:
“Quê hương mỗi người chỉ một, mỗi người chỉ một mà thôi, quê hương những ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”…

toinguoixuduabentre@gmail.com
Xin gởi đến các bạn Trung tâm TTXTDL Bến Tre cùng chia sẻ!!!

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Chào mừng du khách về tham quan "Festival Dừa Bến Tre lần thứ III năm 2012"

Năm 2012 là một năm hứa hẹn nhiều điều thú vị cho du khách khi đến với Bến Tre, xứ sở dừa Việt Nam, nổi tiếng với những làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ độc đáo từ chất liệu dừa và những vườn cây ăn trái trĩu quả, làng nghề hoa kiểng Cái Mơn với những nét độc đáo riêng biệt của vùng sông nước, miệt vườn vùng miền Tây Nam Bộ.

Về với xứ dừa vào dịp tháng 4 dương lịch từ ngày 04 – 09/4/2012, du khách sẽ được hòa mình trải lòng vào sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Bến Tre đó là “Festival Dừa Bến Tre lần thứ III năm 2012”. Chương trình của Festival Dừa năm nay được tổ chức khá quy mô, mang tầm cỡ khu vực, để nhằm giới thiệu về thành tựu kinh tế - văn hóa – xã hội, cũng như đất và người Bến Tre đến với các tỉnh  thành trong khu vực và cả nước.

Xứ dừa Bến Tre xin chào đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan tuần lễ “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012”, du khách có thể gặp gỡ, giao lưu và cùng tôn vinh những người trồng dừa, các doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu, khám phá nhiều điều thú vị trên vùng đất xứ dừa Bến Tre. Đặc sắc, hấp dẫn, thú vị du khách có thể cùng hòa mình tham gia, thưởng thức các hoạt động diễn ra trong Festival Dừa như: Triển lãm các sản phẩm từ dừa; Hội chợ thương mại hàng Việt Nam chất lượng cao với sự tham gia của  nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trưng bày  khoảng 500 gian hàng với các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, các sản phẩm từ dừa; chương trình lễ hội đường phố với các loại hình nghệ thuật dân gian như: Múa lân sư rồng, đội kèn trống, biểu diễn thời trang làm bằng chất liệu từ dừa; chương trình hội thảo với nhiều chủ đề đang được nhiều người quan tâm như: Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, thực trạng và định hướng phát triển cây dừa, chuỗi giá trị cây dừa ở một số quốc gia trồng dừa...; hội thi sáng tạo kiểu dáng mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa.

Festival Dừa năm nay còn có các hoạt động du lịch như: Đưa du khách tham quan vườn dừa tiêu biểu của Bến Tre bằng xe buýt. Du khách sẽ thú vị, ấn tượng trong Festival Dừa năm nay là được chiêm ngưỡng “Con đường dừa” rợp bóng dừa xanh, phía dưới có trồng xen ca cao, tạo nên một không gian đặc sắc thu nhỏ của mô hình kinh tế đang phổ biến ở Bến Tre là ca cao trồng xen trong vườn dừa hay vườn cây ăn trái.

Một hoạt động đáng chú ý nữa cũng nằm trong chuỗi sự kiện của Festival Dừa đó là hội thi “Người đẹp xứ Dừa lần thứ X”, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các nữ thanh niên để định hướng giáo dục chân - thiện - mỹ trong thời đại ngày nay. Qua đó tôn vinh nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ xứ Dừa nói riêng.

Ngoài ra, một hoạt động khác cũng không thể thiếu vắng trong Festival Dừa lần này là “Liên hoan ẩm thực xứ dừa” với sự tham gia của các Công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở du lịch của các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Nét đặc sắc của “Liên hoan ẩm thực xứ Dừa” là các món ăn, thức uống được chế biến với sự độc đáo, công phu và tinh xảo từ nguyên liệu dừa, hương vị dừa…. Khuôn viên “Liên hoan ẩm thực xứ dừa” được bố trí nằm cạnh “Con đường dừa”; các gian hàng ẩm thực được thực hiện trong các gian nhà làm bằng gỗ dừa, mái lợp lá và các gian nhà làm cây xanh, sản phẩm độc đáo của làng nghề hoa kiểng Cái Mơn – Chợ Lách.

Chương trình khai mạc và bế mạc của Festival Dừa sẽ được tổ chức, dàn dựng công phu, qui mô hoành tráng mang thức sân khấu hóa, được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình VTV, HTV, THBT và các tỉnh lân cận. Hy vọng đến với “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” du khách sẽ ấn tượng, thân thiện hơn với đất và người Bến Tre, đặc biệt du khách sẽ có một chuyến trải nghiệm đầy thú vị trên vùng đất ba dãy cù lao xứ dừa. Không thể bỏ qua một chuyến khám phá thú vị trong “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” tại mãnh đất Đồng Khởi Bến Tre, trong dịp cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 37 năm ngày thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2012).
Ngay từ bây giờ du khách hãy chuẩn bị cho mình một chuyến khám phá “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” từ ngày 04 – 09/4/2012 với nhiều hoạt động hấp dẫn và lý thú. Chúng tôi sẵn sàng chào đón du khách!