Đánh bắt ốc gạo - Ảnh: Nguyễn Bảy |
Có lẽ cồn Phú Đa, một trong hàng trăm cồn ở tỉnh Bến Tre chả ai biết đến, và cũng không thèm đến, nếu như không có con ốc gạo ngon vì độ giòn và béo. Nó ngon đến nỗi có người đã nói rằng: Đến Chợ Lách vào dịp mồng 5 tháng 5 âm lịch mà không được ăn hoặc mua con ốc gạo thì coi như chưa đến huyện vốn đã nổi tiếng vùng cây ăn trái này.
Ốc có “tâm hồn”
Theo các bậc cao niên, con ốc gạo đã có mặt từ khi cồn Phú Đa vừa ló dạng và theo năm tháng, chứng kiến con người bên này sông sang khai thác cồn, gặp nước ròng, phải lội sau những buổi chiều về. Con ốc “được làm bạn” với con người từ thuở hàn vi và thưa thớt ấy. Ốc không chỉ là bạn mỗi khi con người lỡ bước sang sông. Ốc còn góp mặt với đời bằng nhiều món ăn ngay cả nơi phồn hoa như Sài Gòn vào những năm 50 thế kỷ XX cũng phải biết tiếng. Khách không có thời gian, muốn ăn nhanh thì có ốc luộc chấm với nước mắm sả băm, ốc luộc mỡ hành. Chế biến thêm một tí thì có món ốc xào với thịt bò, ốc trộn dừa rám nạo ra thành từng con, cuốn bánh tráng, chấm với tương xay. Lúc rảnh rỗi, khách muốn cầu kỳ để hợp khẩu vị, nhưng đồng thời thử tài khéo tay của đầu bếp thì có món ốc hấp sữa, bánh xèo nhân ốc với tàu hủ dừa. Khi ăn, không thể thiếu rau vườn như lá cách, cải trời, cải bẹ xanh, lá lụa, lá xoài non, kèo nèo, … Tất cả rau được hái đem về rửa sạch, cuốn với bánh mà chấm với nước mắm pha chế có đủ vị cay của ớt, vị chua của chanh, vị ngọt của đường, độ nồng của tỏi, cùng với các loại rau sẽ hòa quyện cả khí trời và đất vào một miếng ăn ngon. Con ốc gạo Phú Đa có “thương hiệu” từ dạo ấy. Ốc không làm hại người. Ốc sinh ra và mong cho chóng lớn chỉ để phục vụ con người. Thế nhưng…
Trước giải phóng (1975), ốc nhiều vô kể. Đến những năm 1977–1978 mà sản lượng vẫn còn hàng trăm tấn. Nhưng rồi mạnh ai nấy bắt, bắt bằng tay không đủ, người ta sử dụng đến cào, cào lưới chưa hả dạ, con người dùng đến cào điện, xuyệt điện. Con ốc đã đẻ không kịp để cho con người ăn, cho nên ốc không còn có thể phục vụ con người, nên đã ngậm ngùi ra đi!
Bao giờ ốc sẽ bay xa?
Nói vậy thôi chứ một thời gian sau, ốc lại trở về, vì ốc cũng có “quê hương”. Thật vậy, năm 2003 ốc đã trở về khiến con người nơi đây mừng ra mặt. Rồi Hợp tác xã Vĩnh Tiến ra đời để khai thác ốc hiệu quả hơn, căn cơ hơn, cho con ốc không bị tận diệt như trước nữa. Điều đáng mừng hơn, con ốc dưới đáy sông đã không ngừng sinh nở, từ 2,5 tấn vụ đầu tiên, lên 12 tấn năm sau, rồi 20 tấn và theo anh Ba Ngói, Phó Chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiến, người ngày đêm “sống chung” với ốc gạo, “dự kiến năm nay sẽ đạt con số trên 30 tấn thu hoạch”. Cùng với cách ăn chia, con ốc đã góp mặt, lấy lại lòng tin không chỉ 30 xã viên lúc ban đầu, mà sâu xa hơn, là “thương hiệu” của mình đã bị đánh mất từ lâu, nay được khôi phục lại. Ốc gạo Phú Đa không chết.
Hiện tại, HTX ốc gạo Vĩnh Tiến có 142 xã viên, quản lý trên 150 ha mặt nước sông. Năm ngoái (2006), sau thu hoạch, trừ đi các khoản chi phí, mỗi xã viên bỏ vào 1 triệu đồng, cuối vụ nhận về 1,99 triệu đồng. Hiệu quả là có thật, nhưng không phải là nguồn thu chính của những người dân nơi đây, vì làm sao lấn át nổi những cây đặc sản đầy ắp trong vườn như chôm chôm Thái, chôm chôm đường ngọt lịm, những cây sầu riêng đến mùa ra hoa cho quả chín thơm lừng đặc trưng của chính nó; rồi măng cụt thịt trong trắng ngần, ngọt lựng.
Theo anh Nguyễn Văn Hưng, chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiến, “sắp tới, dưới mương vườn của bà con ở đây sẽ nuôi con tôm càng xanh và con cá để màu sắc miệt vườn vốn êm ả, làm tăng thêm lung linh ánh nước”. Đó là gì? Ai cũng biết rõ. Vì đây đó đã có “dấu vết” của khách du lịch về.
Để đến được khu ốc gạo cồn Phú Đa không chỉ có một con đường duy nhất. Nếu là đường bộ, từ thị trấn Chợ Lách lên cũng được, đến UBND xã Vĩnh Bình rẽ trái, đi tiếp khoảng hơn một cây số là đến. Hoặc từ tỉnh Vĩnh Long sang bằng phà Đình Khao cũng dễ. Nếu là đường sông, nhìn lên bản đồ, từ Tiền Giang qua thì theo sông Tiền, lên khúc uốn sông Hàm Luông, quẹo vào vàm Kênh Lách, đến trung tâm huyện rẽ về Vĩnh Long, chạy một đoạn gặp kênh Bổn Sồ là tới nơi. Từ Vĩnh Long sang có dễ hơn, theo sông Cổ Chiên, qua phà Đình Khao chạy thẳng khoảng 10 cây số sẽ đến cồn Phú Đa. Nói vòng vèo như vậy để thấy rằng, nơi đây hiện vẫn còn nguyên vẹn nét “hoang sơ” của miệt vườn sông nước. Nơi đây không chỉ có cây ăn trái, với không khí trong lành, mà còn có cả tình người nữa, một thứ tình cảm đơn sơ, mộc mạc nhưng rất đỗi thủy chung, mà ở thị thành ngày nay đang rất hiếm. Phải chăng khách du lịch đang cần những thứ ấy?
Ốc gạo Phú Đa vừa ngon vừa béo,
Người Phú Đa vừa khéo lại vừa khôn.
Người Phú Đa vừa khéo lại vừa khôn.
Con người nơi đây đã biết giữ được con ốc gạo để lấy lại “thương hiệu” của mình. Thì mai đây, sẽ biết giữ chân du khách bằng cả tấm lòng. Khách đến rồi khách sẽ đi, nhưng cái chính là họ vẫn còn giữ mãi những kỷ niệm đẹp về nơi họ từng đến. Và mai mốt sẽ quay trợ lại lần nữa. Người du lịch đến không chỉ cần có cái ăn, cái ở, hưởng thụ không khí trong lành, mà xa hơn là cách sống, cách bố trí nhà cửa, cây cối trong vườn và lối sống, ứng xử có tình người. Hy vọng rằng, với xu thế đổi mới cách làm du lịch, trong tương lai con ốc gạo sẽ hoà cùng các đặc sản khác của vùng sông nước Bến Tre làm nên nét đặc thù cho du lịch tỉnh nhà.
Tác giả: Lê Quang Nhung
(Theo bentre.gov.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét