Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Du lịch khởi sắc sau các dự án đầu tư tại huyện Thạnh Phú


Bến Tre có ba huyện ven biển, với chiều dài bờ biển chung là 65km, trong đó người dân nơi đây đã khai thác về nuôi trồng thủy sản từ ngoài bãi biển lấn sâu vào đất liền; sản phẩm thu hoạch đã cung ứng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di tích lịch sử, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch biển,…là vấn đề đang đặt ra và triển khai thực hiện tạo cho ngành công nghiệp không khói nầy góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Huyện Thạnh Phú là một trong ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, vừa qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bến Tre phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ vào lúc 09 giờ ngày 08/01/2013 tại  xã Đại Điền, xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre;  một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ rất độc đáo, hiện nội thất còn bảo tồn gần như nguyên vẹn; ngôi nhà  xây dựng cách nay hơn 100 năm, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 14/04/2011. 
Đại biểu tham dự lễ khởi công.
Vào lúc 09 giờ ngày 17/01/2013, tại xã Thạnh Hải thuộc huyện Thạnh Phú đã diễn ra một buổi lễ khởi công hoành tráng và long trọng của Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre giai đoạn I (2012-2016) là một phần trong tổng thể qui hoạch bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, chấp thuận chủ trương và Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt qui hoạch thực hiện đến năm 2030.

Tham gia dự lễ khởi công có đ/c Nguyễn Minh Triết- nguyên Chủ tịch nước, Đ/c Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước, đ/c Trương Vĩnh Trọng – nguyên Phó Thủ tướng chính phủ, đ/c Lê Văn Dũng- Đại tướng nguyên Bí thư Trung ương Đảng- Chủ nhiệm Tổng cục chính trị cùng các đ/c đại diện các bộ ngành Trung ương; phía tỉnh có đ/c Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đ/c Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cùng các đ/c nguyên Bí thư qua các thời kỳ, các đ/c lão thành cách mạng và đại diện các Sở Ngành, đại diện lãnh đạo địa phương cùng hơn một ngàn bà con địa phương đến dự.

Mục tiêu của dự án là:
  • Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì dân, vì nước trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển Đông huyền thoại. Phục hồi tôn tạo lại các di tích lịch sử, văn hóa, các đầu cầu xuất phát, cầu tiếp nhận vũ khí.
  • Giáo dục tuyền thống yêu nước, yêu dân tộc, đoàn kết vượt mọi khó khăn xây dựng và bảo vệ tổ quốc; 
  • Phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững trở về chiến trường xưa, du lịch tham quan rừng ngập mặn, du lịch sinh thái .
  • Thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng ở các xã ven biển Thạnh Phú.
  • Giữ gìn và bảo vệ an ninh quốc phòng tại vùng biên giới biển và hải đảo.

Quy hoạch chung dự án đến năm 2030, diện tích 630 ha thuộc địa bàn hai xã Thạnh Phong, Thạnh Hải thuộc huyện Thạnh Phú, tổng mức đầu tư để thực hiện khoảng 1.500 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn, trong đó có nhiều hạng mục phục vụ khách du lịch được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, kêu gọi đầu tư.

Tổng mức đầu tư của giai đoạn I là  82,2 tỷ đồng, toàn bộ từ ngân sách nhà nước (gồm các nguồn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách địa phương và các nguồn vốn).

Công trình gồm:
  • Đài tưởng niệm: Khối đài hình vuông cao 13,6m, phía trên được bao bọc 4 mặt với hình tượng ngọn lửa đang rực cháy bằng phù điêu chạm rỗng kết hợp với hình tượng vô lăng chạm lõm. Trên đỉnh tạo hình tượng cách điệu của chiếc nón người chiến sĩ hải quân. Bên trong lòng đài phía trên lắp một quả chuông đồng; 04 trụ đài khắc chìm hình ảnh tàu lá dừa. Bên trong lòng đài ở mặt nền đặt một văn bia ghi lại tóm tắt về lịch sử con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
  • Sân lễ đài: Xây dựng 02 hàng trụ đăng bằng đá hai bên sân lễ cao 5,5m, hình tượng như 02 hàng quân danh dự đứng gác.
  • Bãi biển trước sân lễ đài: Dựng 02 hàng cột bê tông, từ sân lễ chạy dài ra đến mép nước, tượng trưng cho hai hàng cọc tiêu, trụ neo tàu.
  • Các hạng mục phụ: san lấp mặt bằng, đường giao thông, nhà vệ sinh, cổng tường rào, cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, chống sét.

Công trình do Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Trường An thi công. Địa chỉ: số 33, Phạm Ngũ Lão, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Với qui mô công trình trên, khi các hạng mục được xây dựng xong sẽ hình thành một cụm tổng thể các công trình hoàn chỉnh để phục vụ cho người dân địa phương, khách tham quan, du lịch; cụm công trình này cũng sẽ kết hợp với các công trình hịên hữu ở khu vực lân cận như Miếu bà Chúa xứ, Lăng cá Ông để cùng phát huy tốt hơn những giá trị tâm linh và truyền thống văn hóa của địa phương.

Việc đầu tư hai dự án văn hóa – lịch sử trên, sẽ góp phần kết hợp khai thác tiềm năng du lịch rừng ngập mặn, du lịch sinh thái biển và các dịch vụ du lịch, tạo tiền đề phát triển du lịch huyện Thạnh Phú.    

1 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa