Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Cây cầu tre xưa và nay

"Dí dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi,..."

Đó là câu ca dao mà những bà mẹ đã ầu ơ, dí dầu ngọt ngào và êm dịu với một làn điệu dân ca, trầm bỏng, đi vào lòng người nhằm để ru cho con ngủ một giấc ngủ say. Từ đó mà mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Tây Nam bộ không thể không in vào tâm thức của từng người câu ca dao ấy; cây cầu tre lắc léo của vùng sông nước mà khi xưa ngày ngày ta phải đi qua thì không thể không in vào lòng của mỗi con người nơi đây.

Bến Tre được chọn là một trong năm tỉnh đại diện sông nước miệt vườn của đồng bằng sông Cửu Long. Cây cầu tre thân thương đã gắn bó với người dân miền quê sông nước; năm xưa cây cầu được bắt bằng cây tre (gọi là cầu tre) đã được bắt qua mương, qua rạch, qua kênh, thậm chí người dân kết những cây tre lại làm bè để qua sông. 
: Cây cầu tre quê Dừa tại Nhà hàng Làng Bè của Công ty Du lịch Ba Cây Dừa huyện Châu Thành
Ngày nay, xã hội từng bước phát triển hiện đại hơn, chương trình xây dựng nông thôn mới ngày được chỉnh trang về cầu đường bê tông hóa, nhựa hóa hết. Chương trình xóa cầu khỉ ở nông thôn đã biến mất đi những cây cầu tre thân thương ngày nào mà những người đã trải qua thời kỳ ấy nay vẫn còn in sâu vào tiềm thức.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, là ngành công nghiệp không khói, đã góp phần cho kinh tế xã hội phát triển. Bến Tre với lợi thế là vùng sông nước và đặc trưng của Bến Tre ngày nay là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn của Xứ Dừa mà không nơi nào có được. Với lợi thế đó, Bến Tre khai thác tiềm năng vốn có của nét nguyên sơ, thiên nhiên đã ban tặng một tài nguyên nhân văn độc đáo đã và đang là cơ hội cho những nhà đầu tư kinh doanh du lịch tại Bến Tre. Để thu hút du khách và tạo sự hấp dẫn, những nơi dừng chân, tham quan của du khách tại một số điểm, khu du lịch đã tái hiện Cây Cầu Tre để phục vụ du khách nhằm giữ lại nét văn hóa mộc mạc của địa phương; gợi lại cho giới trẻ ngày nay hiểu được và gìn giữ những nét văn hóa của cha, ông đi trước.

Nhắc đến cây cầu tre làm từ cây tre, ta nhớ lại Bến Tre là quê hương của Dừa, ai ai cũng đều biết Xứ Dừa là Bến Tre, Ba đảo Dừa xanh là Bến Tre,... Cũng có nhiều người đặt câu hỏi tại sao không gọi là Bến Dừa mà gọi là Bến Tre. Theo truyền miệng từ thời xa xưa khi chưa có cây dừa trên vùng đất ba dải cù lao đầy phù sa nầy, thì nơi đây người dân trồng tre thật nhiều để lấy măng, lấy gỗ tre làm cột nhà, làm vách nhà bằng tre, làm những vật dụng khác trong cuộc sống như thúng tre đựng lúa; rỗ, nôm, lộp đều bằng tre để bắt cá; làm đũa tre, làm cầu tre, làm bè tre,... Họ đem đến một nơi thuận tiện đường thủy để bán, trao đổi hàng hóa lẫn nhau, từ đó gọi đó là bến tre, tức là bến tập kết tre (bến chợ Bến Tre ngày nay). 
Nét duyên dáng của cây cầu tre
Những năm chiến tranh khóc liệt, tre cũng góp phần trong chiến đấu, các chiến sĩ đã dùng tre vót chông nhọn để ngăn chặn kẻ thù, lấy ống tre làm vũ khí thô sơ chống giặc. Năm 1960, cuộc đồng khởi của nhân dân Bến Tre nổi dậy cũng dùng ống tre  làm mỏ tre để gõ, vừa tập hợp nhân dân, vừa thúc dục khí thế hào hùng, vừa áp đảo tinh thần giặc,…. Hiện nay Bến Tre vẫn còn một số vùng vẫn còn duy trì trồng tre tại một số xã của huyện Ba Tri, huyện Thạnh Phú,… và vẫn còn địa danh Giồng Tre tại xã An Ngãi Trung của huyện Ba Tri. Tre ngày nay cũng vẫn sử dụng để làm những hàng tiêu dùng hằng ngày của nông dân, làm những hàng trang mỹ nghệ từ tre đã hiện hữu tại một số làng nghề đan đát  trong tỉnh và những làng nghề ấy cũng là sản phẩm du lịch để du khách tham quan.

Cây Cầu Tre ngày nay đã làm cho không biết bao nhiêu du khách từ các nước bạn bè trên các Châu lục biết đến và tìm hiểu, thưởng ngoạn. Cầu tre ngày nay cũng là loại hình vui chơi như là trò chơi dân gian đã thu hút du khách du lịch đến Bến tre tăng dần, năm sau cao hơn năm trước; bình quân mỗi năm lượt khách đều tăng từ 13 - 14% so với cùng kỳ. Đó! Cây Cầu Tre cũng đã góp phần không nhỏ trong phát triển sản phẩm du lịch của Quê hương Xứ Dừa.

Quí khách muốn bắt gặp cây cầu tre hãy đến quê hương Bến Tre, đến khu du lịch Cồn Phụng là một trong tứ linh “Long Lân Qui Phụng”, đây là khu du lịch quốc gia và Cồn Phụng cũng là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long. Quí khách có thể bắt gặp cây cầu tre ở những điểm dừng chân khác tại Bến Tre như Nhà hàng Làng Bè của du lịch Ba Cây Dừa, hoặc đến vương quốc cây giống hoa kiểng Chợ Lách, quí khách cũng bắt gặp cây cầy tre.

Cây cầu tre ngày nay không thể thiếu đối với người dân Bến Tre dù nó đã bị xóa đi bởi chương trình xóa cầu khỉ nông thôn; cây cầu tre không thể mất đi vì là nét văn hóa truyền thống của người dân Bến Tre qua những năm xa xưa ấy; cây cầu tre không thể mất đi vì nó để lại cho du khách trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống của người dân miền sông nước Xứ Dừa; cây cầu tre đã để lại kỷ niệm đẹp đối với du khách trải nghiệm khi đến Bến Tre. 
Du khách ngoại quốc trải nghiệm đi cầu tre tại khu du lịch Cồn Phụng - Bến Tre
Bởi! du khách sẽ cảm giác được sự hấp dẫn, sự sung sướng khi đi qua được từ bờ nầy sang bờ kia trên mặt nước, sự hồi hộp khi qua cầu sợ té. Có những khi du khách không quen với cây cầu tre đã trượt chân té xuống nước, tưởng đâu là sự sợ hãi, nhưng khi thấy họ không muốn trèo lên ngay vì phải chờ những người đi trong đoàn chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm; ôi! Thật thú vị đối với du khách phương xa và cũng là một ký ức đáng nhớ, không thể nào quên của du khách khi rời khỏi mảnh đất ba dải cù lao thân thương nầy./.

1 nhận xét:

  1. cây cầu tre, một hình ảnh đã gắn liền với đời sống của cư dân miền Tây từ bao đời, rất đáng để giới thiệu với khách du lịch
    -----------------------------------------
    Đầu thu DVB T2 xem miễn phí các kênh HTV7, HTV9, VTV3 HD, VTV1 HD, Let's Viet, nhóm kênh VTC và hơn 68 kênh miễn phí thuê bao khác.

    Liên hệ: 0909 480 368 – 08 7303 1368 để biết thêm chi tiết.

    Kingtek - Đơn vị uy tín chuyên phân phối: Đầu thu DVB T2 chính hãng.
    Xem thêm:
    Danh sách các kênh thu được từ đầu thu kỹ thuật số
    Anten chuyên dụng dùng cho đầu thu DVB T2

    Trả lờiXóa