Ngày nghỉ cuối tuần, cả nhóm chúng tôi rủ nhau du hành một chuyến về vùng đất xứ dừa khám phá sông nước, miệt vườn, xứ sở mà nghe người ta nói đi đâu cũng gặp những vườn dừa xanh thẩm bạt ngàn.
Từ thành phố Hồ Chí Minh xe khởi hành lúc 8 giờ sáng, 9 giờ 45 bọn tôi đã đến bến tàu du lịch Tiền Giang; 10 giờ xuống du thuyền và bắt đầu khám phá sông nước – miệt vườn của vùng đất xứ dừa. Từ bờ Tiền Giang sang Bến Tre, du thuyền đưa chúng tôi lênh đênh trên dòng sông Tiền, ngắm nhìn sông nước mênh mông, những tàu thuyền xuôi ngược, những gợn sóng nhấp nhô lắc lư du thuyền, cả bọn khoái chí vô cùng.
Chỉ một ngày ngắn ngủi trong chuyến hành trình khám phá vùng sông nước Bến Tre, do công ty Cổ phần du lịch Bến Tre tổ chức, thật sự là một ấn tượng đáng nhớ và khó quên của cả nhóm. Điểm dừng chân đầu tiên, chúng tôi được hướng dẫn tham quan các điểm du lịch trên Cồn Phụng (Châu Thành, Bến Tre). Đến đây, ngoài việc tận hưởng khí trời thoáng mát của vùng sông nước, chúng tôi được tham quan các kiến trúc còn hiện hữu như: Sân rồng, tòa tháp với lối kiến trúc độc đáo, có nhiều hoa văn rất đẹp, cũng như tham quan tìm hiểu về lịch sử công trình này, cả đoàn thích thú vô cùng.
Điểm tiếp theo được hướng dẫn thăm cơ sở sản xuất kẹo dừa và tráng bánh tráng truyền thống. Nhìn những viên kẹo dừa mới ra lò còn nóng hổi, có mùi thơm béo ngậy và nhìn đôi bàn tay khéo léo của người thợ gói kẹo, bọn tôi ngưỡng mộ vô cùng. Chúng tôi được thưởng thức những viên kẹo dừa đặc sản, do chủ cơ sở mời và uống ly trà nóng, bọn tôi cảm thấy nó ngọt ngào, ấm lòng, thâm tình sao sao ấy và khó diễn tả hết được sự mến khách của người dân xứ dừa, điều mà từ lâu bọn tôi đã nghe nhiều người nhắc đến.
Cũng tại Cồn Phụng, hành trình trên những con đường làng quanh co dưới những vườn cây trái rậm bóng mát, chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Cả bọn tôi ai cũng lóe mắt, ngạc nhiên với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hết sức độc đáo này. Phải công nhận rằng từ “cây dừa” sao mà làm ra nhiều thứ quá. Tò mò, tìm hiểu và tiếp xúc với người dân nơi đây, bọn tôi thán phục cái trí óc tưởng tượng phong phú, kết hợp với đôi bàn tay khéo léo của những “nghệ nhân miệt vườn” xứ dừa, cùng các kỹ thuật chế tác tinh xảo, đã sáng tạo ra rất nhiều loại sản phẩm từ dừa, nhất là một số sản phẩm tiêu biểu như: chén, đũa, nĩa, ấm trà, gạt tàn thuốc, hình các con vật,… để mọi người ngắm nghía, chiêm ngưỡng nó. Cả đoàn ai cũng trầm trồ, rồi lựa chọn cho mình những sản phẩm thông dụng yêu thích. Riêng bọn tôi, mỗi đứa chọn cho mình một vài sản phẩm, nhất là các con vật trong bộ giáp, để tặng cho người thân, bạn bè đúng ý nghĩa với tuổi của mỗi người và để làm kỉ niệm nhân chuyến đi tại vùng sông nước, miệt vườn Bến Tre.
Đến Cồn Phụng, ngoài tham quan khung cảnh thiên nhiên, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các đặc sản truyền thống, chúng tôi thấm mệt nên nằm nghỉ chốc lát trên những chiếc võng đong đưa dưới vườn cây, tán lá xanh mát. Sau khi đã nghỉ ngơi lấy lại sức, chúng tôi tham gia vào trò chơi câu cá sấu, đây cũng là một thú tiêu khiển, thư giãn rất thú vị.
Du thuyền lại xuôi dòng sông Tiền, người hướng dẫn đưa chúng tôi đến điểm Cồn Quy; lênh đênh thưởng ngoạn trên sông nước, vừa ngắm nhìn những sản phẩm ngộ nghĩnh từ dừa trên tay, được ngồi thư thái trên du thuyền, được hít, thở gió trời của vùng sông nước xen lẫn với mùi thơm thoang thoảng của hoa bần, thật là thoải mái, thú vị vô cùng. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn, Cồn Quy nhỏ nhất trong các cồn của Bến Tre được khai thác từ những năm 1960, hiện nay Cồn Quy vẫn còn giữ được những nét hoang sơ. Ven bờ Cồn Quy là những hàng bần với bông bần trắng tím là đà mặt nước, đong đưa trong gió và những rặng dừa nước xanh um chạy dọc triền sông nhìn đến hút mắt. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp những mái nhà lá đơn sơ thấp thoáng trong những vườn cây ăn trái trĩu quả.
Đến Cồn Quy, chúng tôi được ngắm một khung cảnh thiên nhiên hữu tình thơ mộng, khoái nhất là tham gia tát mương bắt cá, hái trái cây với chủ vườn và thưởng thức các đặc sản của vùng đất nơi đây. Dừng chân ở nhà hàng du lịch xanh Quê Dừa, ngồi trong các gian sàn rộng rãi, gọi là thủy tạ gió mát rười rượi, chúng tôi thư thái ngắm nhìn đám lục bình tràn đầy mặt hồ đã tới mùa nở hoa tím ngát rất đẹp. Theo nhận xét của nhóm chúng tôi, nhà ăn ở đây được cất bằng tre lá nhưng đầy đủ tiện nghi và theo lời giới thiệu của chủ cơ sở ở đây phục vụ khoảng 400 khách cùng một lúc, với những món ăn đặc sản dân dã như: Cá bông lau nấu canh chua bần với rau muống đồng, cá điêu hồng hấp với các loại nấm và bông bí, tép rang dừa, cháo cua đồng, cá rô kho tộ, cá tai tượng chiên xù,…
Thật hấp dẫn, cả đoàn chúng tôi còn được phục vụ đàn ca tài tử, được đưa đi tham quan quy trình nuôi ong mật, vừa thưởng thức trái cây mới hái, thú vị nhất là được hớp ly trà mật ong. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết người dân nơi đây sáng tạo nuôi ong lấy mật tại vườn nhà, sau đó pha với trà phục vụ cho du khách. Vị đắng hậu ngọt của trà hòa trong vị ngọt chua của mật ong thật là tuyệt.
Tham quan xong Cồn Quy, từ du thuyền lớn chuyển sang những chiếc xuồng chèo nhỏ đưa chúng tôi len lỏi vào trong các con rạch nhỏ. Càng vào sâu trong rạch, hai bên dừa nước chen mọc dày đặc, xanh um, cùng với những bông, quầy dừa nước lớn, nhỏ, đua nhau khoe sắc trông đáng yêu vô cùng. Hướng dẫn viên thuyết minh, đây là con rạch nhỏ có tên là rạch Xếp thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, Bến Tre. Nó có tên rạch Xếp, vì càng vào sâu con rạch càng xếp nhỏ lại. Đến đây, chúng tôi được đưa đi xem các lò sấy nhãn nằm dài theo những con đường làng rợp bóng dừa xanh. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh của những người dân mến khách luôn có nụ cười cởi mở và thân thiện làm cho chúng tôi cảm thấy sự gần gũi và gắn bó với nơi đây tự bao giờ.
Tham quan xong Cồn Quy, từ du thuyền lớn chuyển sang những chiếc xuồng chèo nhỏ đưa chúng tôi len lỏi vào trong các con rạch nhỏ. Càng vào sâu trong rạch, hai bên dừa nước chen mọc dày đặc, xanh um, cùng với những bông, quầy dừa nước lớn, nhỏ, đua nhau khoe sắc trông đáng yêu vô cùng. Hướng dẫn viên thuyết minh, đây là con rạch nhỏ có tên là rạch Xếp thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, Bến Tre. Nó có tên rạch Xếp, vì càng vào sâu con rạch càng xếp nhỏ lại. Đến đây, chúng tôi được đưa đi xem các lò sấy nhãn nằm dài theo những con đường làng rợp bóng dừa xanh. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh của những người dân mến khách luôn có nụ cười cởi mở và thân thiện làm cho chúng tôi cảm thấy sự gần gũi và gắn bó với nơi đây tự bao giờ.
Tiếp tục chuyến hành trình, chúng tôi đến với điểm du lịch Quới An tham quan ngôi nhà chữ “đinh” làm bằng gỗ dừa rất độc đáo, đây là kiểu nhà truyền thống Nam Bộ. Trong ngôi nhà trưng bày tranh, ảnh, các hiện vật có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân Nam Bộ, cũng như các sản phẩm quà lưu niệm làm từ dừa. Chia tay điểm du lịch Quới An, tiếp tục thả bộ trên con đường làng rợp bóng dừa xanh với những vườn cây trái xanh mát, chúng tôi càng thích thú hơn khi được ngồi trên thùng xe để “chú ngựa” kéo đi, cảm giác lần đầu đi xe ngựa ngắm đường làng và nhìn thấy sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây cả bọn chúng tôi khoái khoái sao sao ấy. Tiếng ngựa lóc cóc vang lên trên con đường quê rợp bóng dừa xanh, thoang thoảng đâu đây mùi hương của hoa dừa, hoa của những vườn cây ăn trái,… đã làm nên một kỷ niệm khó phai trong lòng mỗi chúng tôi khi tham gia vào một chuyến du hành khám phá vùng sông nước – miệt vườn Bến Tre.
Trong chuyến đi này, nhóm bạn chúng tôi mỗi đứa có một ý nghĩ, một cảm nhận riêng. Song chúng tôi có cùng một sở thích và thích thú vô cùng đó là “xuồng chèo” len lỏi trong những con rạch nhỏ, nhìn dòng nước ròng, nước lớn, có màu đục đục. Có lẽ đây là dòng nước có nhiều phù sa, nên đã bồi tụ cho vùng đất này có rừng dừa xanh thẩm bạt ngàn và phong phú nhiều vườn cây ăn trái tốt tươi. Yêu nhất vẫn là hai hàng dừa nước xanh um tùm, đan xen trong đó là những cây bần trổ hoa thơm ngát. Hương thơm của hoa bần, với những làn gió mát rượi của vùng sông nước xứ dừa, những món ăn dân dã, những món quà lưu niệm xinh xinh làm bằng dừa,… làm cả bọn chúng tôi quên đi mệt mỏi. Đây thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ của nhóm chúng tôi trong chuyến hành trình về với quê hương xứ dừa. Hy vọng một lần nữa hành trình đến vùng đất xứ dừa, với tuyến khám phá khác sẽ gặt hái nhiều kỷ niệm đẹp và thích thú nhiều hơn./.
Bài cảm nhận của tác giả: Lê Phương
Mail: lephuongdulich@yahoo.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét