Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Say sưa thưởng thức thanh âm cung bậc từ bộ nhạc cụ bằng chất liệu dừa

Vinh dự được về quê hương thưởng thức trọn vẹn chương trình nghệ thuật sân khấu tại Lễ khai mạc “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” với chủ đề “Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển” tổ chức tại sân khấu nổi Hồ Trúc Giang vào đêm 05/4/2012. Trong hệ thống các tiết mục nghệ thuật được kết nối diễn ra trong chương trình, tôi thật bất ngờ và vô cùng xúc động, thú vị khi được thưởng thức trọn vẹn tiết mục hòa tấu được phối âm, phối khí và phát triển dựa trên âm hưởng các bài bản đờn ca tài tử của vùng đất Nam bộ  mang tên "Bình minh trên đảo dừa". Tiết mục biểu diễn được dàn dựng có nhạc trưởng chỉ huy và 20 nghệ nhân thứ thiệt của xứ dừa Bến Tre tham gia hòa tấu.

Hiếu kỳ muốn biết rõ vì sao có bộ nhạc cụ dân tộc làm bằng dừa này ra đời? Ngay tối đó tôi gặp người trong Ban Tổ chức và được biết: “Họa sĩ, nhạc sĩ Lê Dân” là người Bến Tre đã đưa ra ý tưởng làm bộ nhạc cụ bằng dừa. Thì ra là họa sĩ Lê Dân, không phải ai xa lạ, là người cùng quê Giồng Trôm với tôi. Tôi biết sở trường của Lê Dân là họa sĩ nhiều hơn là nhạc sĩ.

Tuy không phải là người trực tiếp làm nghệ thuật, nhưng tôi rất mê nghệ thuật, ít nhiều cũng am hiểu về một số loại nhạc cụ dân tộc. Trên 25 loại nhạc cụ dân tộc mà tôi tận mắt chứng kiến do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang quản lý, tôi ngạc nhiên quá, các loại nhạc cụ đều được làm hoàn toàn gỗ dừa, gáo dừa của xứ Bến Tre. Ngắm nhìn, chiêm ngưỡng nó thật kỹ, đường nét rất sắc, càng nhìn càng bị thu hút, ấn tượng vô cùng, mê nhất là cấu tạo tự nhiên của chất sừng với những vân gỗ dừa có màu tựa như màu cánh gián rất đẹp. Những sản phẩm làm bằng gáo dừa già thì cũng có vài vân trắng ngà xen lẫn trong toàn khối màu hơi mun, bóng mịn, làm nên những chiếc đàn gáo rất tuyệt, nhất là chiếc đàn gáo hồ lô. Tôi đếm thử thì thấy bộ nhạc khí kéo cung vĩ gồm: Đàn cò có 03 cây, đàn gáo có 04 cây. Hay bộ nhạc khí gãy dây gồm có 04 loại như: Đàn kìm (nguyệt cầm) có 02 cây, đàn bầu (độc huyền) 03 cây, đàn sến 02 cây, đàn tranh 02 cây. Bộ nhạc khí gõ gồm: Trống 03 cái (02 trống chiến, 01 trống tiều), mõ có 02 cái. Ngoài ra, còn có thêm kèn, đàn guitar điện phím lõm (còn gọi là khuyết nguyệt cầm), đàn bass và bộ gõ bằng gáo dừa màu mun. Thuận tay tôi thử âm thanh thật của một vài loại nhạc cụ để nghe nó đã như thế nào. Vì trên sân khấu biểu diễn nó được sự hỗ trợ của âm thanh chuyên nghiệp, nghe thì rất đã, còn âm thanh thật thì phải thử mới biết nó ra sao. Quả là thanh âm không lạc, kêu rất vang với tôi như vậy là đạt yêu cầu rồi.

Hôm sau, tôi tìm gặp họa sĩ Lê Dân, anh lớn hơn tôi 02 tuổi, hơn 05 năm tôi chưa gặp lại anh, gặp lại lần này râu – tóc anh gần như đã bạc trắng hết. Nhưng trong anh vẫn luôn còn giữ nét tếu tếu, hài hài như ngày nào. Anh say sưa kể tôi mới biết bộ nhạc cụ dân tộc được anh có ý tưởng làm đã lâu, cuối năm 2009 anh mới tiết lộ với các đồng nghiệp của anh và được anh em đồng nghiệp ủng hộ, khuyến khích nên thực hiện để kịp phục vụ trong Lễ hội Dừa năm 2010. Nhưng mãi đến tháng 8/2011 được sự hỗ trợ của Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là đ/c Trần Ngọc Tam – Giám đốc Sở đã tạo mọi điều kiện để tôi thực hiện được ý tưởng của mình và sẽ được trình làng vào dịp diễn ra "Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012". Họa sĩ Lê Dân còn tâm sự: "Có lẽ hương vị dừa quê hương đã thắm vào máu thịt của tôi, nên bức tranh vẽ nào của tôi cũng đều có dừa, hay trong sáng tác âm nhạc ít, nhiều gì tôi cũng nhớ đến dừa". Vì vậy mà ý tưởng làm bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa cứ ấp ủ và luôn đeo mãi thôi thúc trong tôi. Anh nói, để làm ra bộ nhạc cụ này kỳ công lắm, tất cả đều được làm cây dừa của xứ mình và đã có trên trăm năm tuổi đấy.

Nghe Lê Dân tâm sự, tôi chợt nhớ ra anh hay chọn thơ có đề cập về dừa để phổ nhạc như bài hát “Gửi Mẹ Lương Hòa” lời thơ Chim Trắng trong thơ có câu “…, bông dừa rơi lưa thưa, ong ruồi xây tổ mật…” hay bài hát “Mùa xuân thơm ngát hoa anh hùng” anh sáng tác cùng với Hoài Hồ cũng có câu  “Ơi! Đêm nay trên đường hành quân nghe rừng dừa xanh vang lên khúc hát… hay Ơi! Đêm nay ta cùng dừa xanh ra trận ….”.  Hoặc bài hát “Tiếng hát trên dòng Hàm Luông” do anh sáng tác lời nhạc cũng có câu “…Đây hàng dừa xanh soi bóng quê hương dạt dào bao tình mến thương…” và bài hát “Người Mẹ bên bến Hàm Luông” cũng có câu hát “…Bến sông còn in dáng Mẹ như cây dừa đứng hiên ngang”.

Được biết người cùng họa sĩ Lê Dân thực hiện bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa còn có ông Võ Văn Bá (còn gọi Ba Sơn). Ông Bá cũng là người con xứ dừa Bến Tre, là người có khiếu, là nhạc công chuyên sử dụng nhạc cụ truyền thống và có vài chục năm kinh nghiệm để chế tác ra các loại nhạc cụ dân tộc. Tôi thì chưa gặp ông Bá lần nào, nhưng tìm hiểu thì được biết sản phẩm này ra đời có sự đóng góp rất lớn của ông Bá. Có thể gọi cho vui, hai cụ ông với hai mái tóc đã bạc trắng gần hết cùng hứng thú, say mê như nhau, rồi bắt tay thiết kế ra bộ nhạc cụ dân tộc bằng chất liệu dừa, để ra mắt trong "Festival Dừa Bến Tre lần III" thì quả là táo bạo. Bởi vì, đây là lần đầu tiên hai ông bạn già chế tác các loại nhạc cụ dân tộc bằng chất liệu dừa, mà cũng chưa hình dung được thanh âm của nó ra sao. Trong quá trình thực hiện có một số nhạc cụ chưa đạt tiêu chuẩn thanh âm, cung, bậc, hai ông phải nhờ vào bộ khuếch âm điện tử hỗ trợ. Hoặc có một số nhạc cụ cũng chưa đạt độ tinh xảo, tính thẩm mỹ còn thấp, hai bạn ông già phải làm đi làm lại nhiều lần mới đạt được. Mỗi loại nhạc cụ hai ông chế tác ra có kích cỡ khác nhau, để tạo nên những cung bậc thanh âm khác nhau, mà khi các nhạc cụ đó được gãy lên nó sẽ hòa quyện thanh âm,  nghe rất sướng tai. Với tôi, hai ông bạn già của xứ dừa Bến Tre cừ thật, tài thật, đáng khâm phục.

Tôi được thưởng thức trọn vẹn những tiếng đàn dừa ngân vang hòa âm điệu trong đêm khai mạc "Festival Dừa lần III" tại quê hương mình thật là vinh hạnh, sướng thật, nó sẽ đọng mãi trong tôi. Và tôi nghĩ ít, nhiều nó cũng đã góp phần làm nên thông điệp nâng cao chuỗi giá trị thực của cây dừa Bến Tre.

Như vây, bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống bằng chất liệu dừa đã chính thức ra mắt công chúng Bến Tre và cả nước, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bộ nhạc cụ dân tộc chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam” vào ngày 10/4/2012.

Bạn ơi! Hãy đến quê hương tôi thư thả ngắm nhìn những hàng dừa với dáng đứng nghiêng nghiêng, nhiều rặng dừa ven sông đong đưa theo nhịp sóng, những con đường làng rợp bóng dừa xanh…. Hay tìm hiểu thêm những chiến công hiển hách của xứ dừa năm xưa, cũng có sự góp mặt của cây dừa. Trong xây dựng phát triển quê hương dừa đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào ngân sách của tỉnh nhà…. Cây dừa, nó có nhiều lợi ích, nhiều công dụng lắm các bạn ơi! Dừa quê tôi là thế đó, nó đã làm nên “Dáng đứng Bến Tre” bất hủ. Hãy cùng sẻ chia sự thăng trầm chịu đắng cay của nó trên đất Bến Tre. Với tôi, dừa quê hương tôi nó vẫn luôn ươm mầm cho cuộc sống, đem lại sự ngọt mát ân tình cho mọi người, sự dâng trái sai, trái ngọt, góp phần cho đời thêm vui.

Đức Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét