Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Trải nghiệm văn hóa - lịch sử vùng đất Ba Tri

Nằm trong hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn, ngoài lợi thế tiềm năng dựa vào thiên nhiên để phát triển những điểm đến du lịch sinh thái – sông nước – miệt vườn hấp dẫn, Bến Tre còn được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa – lịch sử, với hệ thống các di tích lịch sử, cách mạng và những công trình kiến trúc văn hóa khá tiêu biểu, có những giá trị độc đáo được cả nước trân trọng, cũng như rất thu hút du khách.

Đến xứ dừa Bến Tre, men theo tỉnh lộ 885 bằng đường bộ qua huyện Giồng Trôm, rồi đến huyện Ba Tri để khám phá, trải nghiệm bề dày văn hóa – lịch sử của vùng đất này. Ba Tri không có nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng là địa phương có nhiều di tích của các danh nhân nổi riếng, di tích lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng, môi trường sinh thái rừng và hàng chục kilômét bờ biển, trong đó có gần 20 km bãi biển.

Từ thành phố Bến Tre đến trung tâm huyện Ba Tri chỉ 36 km, du khách đến Ba Tri gắn với các ngày lễ, hội, nghỉ hè, về nguồn, ngày tết là tuyệt nhất. Trên đường đến Ba Tri và ngược lại du khách có thể dừng chân tham quan làng nghề truyền thống nổi tiếng của đất cù lao xứ dừa đó là: “Bánh tráng Mỹ Lồng” tại xã Mỹ Thạnh và “Bánh phồng Sơn Đốc” ở xã Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm).
Ảnh tư liệu của Bảo Tàng tỉnh Bến Tre
Đến Ba Tri viếng thăm "Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu" tại xã An Đức, cách trung tâm thị trấn Ba Tri 02 km, đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 27/4/1990. Di tích được xây dựng với tổng diện tích 13.000 m2 và hàng năm vào ngày 01/7 dương lịch cũng là ngày lễ Kỷ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là ngày được chọn làm “Ngày hội truyền thống văn hóa của tỉnh Bến Tre 01/7” hàng năm, nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của một nhà giáo, một người thầy thuốc suốt đời vì nhân dân, đã đem tài năng và trí tuệ của mình phục vụ cho dân, cho nước. Đến Ba Tri vào ngày hội du khách sẽ hòa mình và tận hưởng với các hoạt động đặc sắc như: Liên hoan đờn ca tài tử; liên hoan hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga; nói thơ Lục Vân Tiên; biểu diễn trống hội; biểu diễn võ thuật truyền thống; liên hoan ẩm thực, mâm cơm ngày giỗ; các trò chơi dân gian: đẩy gậy, kéo co truyền thống, nhảy bao bố, đập niêu, kéo tay,... được tổ chức hàng năm từ ngày 30/6 - 02/7 tại Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Riêng năm 2012, là năm kỷ niệm 190 năm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (01/7/1822 - 01/7/2012), cũng là “Ngày hội truyền thống văn hóa của tỉnh 01/7” lần thứ 20. Ngoài những hoạt động truyền thống văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí hàng năm, năm nay còn có trưng bày mô hình sa bàn Nguyễn Đình Chiểu dạy học và một số điển tích khác; hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn và nhiều hoạt động hội quần chúng khác.
Ảnh tư liệu của Bảo Tàng tỉnh Bến Tre
Ngoài khám phá trải nghiệm những sự kiện nhân dịp lễ, hội ở Ba Tri, du khách còn tham quan tìm hiểu "Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lễ" tại xã Phú Lễ, cách thị trấn Ba Tri khoảng 04 km. Căn cứ vào bia còn lưu lại tại đình thì niên đại xây đình vào năm 1826 - Minh Mạng thứ đời thứ 7, trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lá, được sắc phong vào năm 1851 (Tự Đức thứ 5). Thềm và móng được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Đình gồm tất cả 10 gian: 6 gian chính dính liền với mái và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá. Cơ bản về kiến trúc vẫn còn nguyên, đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng còn lưu giữ được đến hôm nay, đã nói lên đình Phú Lễ là đình có quy mô lớn và đẹp nhất của các làng quê ven biển Bến Tre. Nét đẹp của đình một phần còn do cảnh quan thiên nhiên bên ngoài. Khuôn viên của đình khá rộng, trải ra trên khu đất giồng khô ráo, với hàng trăm cây cổ thụ toả bóng. Hàng năm, hội cúng đình (còn gọi là Lễ kỳ yên), Lễ tế thu, Lễ cầu bông tổ chức vào rằm tháng 3 âl. Đến Phú Lễ du khách còn khám phá làng nghề TTCN Phú Lễ (gồm đan đát, nấu rượu), trong đó có nghề nấu rượu đế đã tồn tại rất lâu đời. Rượu đế Phú Lễ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến bởi sản phẩm rất thơm ngon, tinh khiết, chất lượng ổn định, không gây độc hại và hợp khẩu vị của người tiêu dùng. Ở Đồng bằng sông Cửu Long giới “ẩm giả” sành điệu xưa nay vẫn xếp rượu Phú Lễ (Bến Tre) vào hàng “danh tửu” cùng với rượu Gò Đen (Long An), Xuân Thạnh (Trà Vinh).
Ảnh tư liệu của Bảo Tàng tỉnh Bến Tre
Từ thị trấn Ba Tri đi tiếp bằng đường bộ khoảng 18 km, du khách đến xã Bảo Thạnh tham quan "Di tích Mộ Võ Trường Toản". Người đời xưng tụng Võ Trường Toản là "Vạn thế sư biểu” và cũng chưa ai xác định rõ ông sinh trưởng ở đâu, có người nói ông là người huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Võ Trường Toản là người học rộng tài cao, thông đạt kim cổ, ông không đi thi để làm quan, từ chối tham chính và mọi điều ban phát. Thời chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh, ông ở ẩn nơi quê nhà, mở trường dạy học. Ông đã đào tạo nhiều học trò nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định (lúc bấy giờ được gọi là Gia Định tam gia thi), Ngô Tùng Châu, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm…. Ông mất ngày 27/7/1792, sau khi ông mất chúa Nguyễn Ánh cảm thương ban tặng cho ông hiệu "Gia Định xử sĩ sùng đức Võ tiên sinh" (tức bậc xử sĩ họ Võ người Gia Định sùng về đức độ). Khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp, một số trí thức ở Gia Định không muốn người thầy dạy học kính yêu của mình gởi xương cốt ở nơi bị giặc chiếm, nên đã tổ chức di dời hài cốt của ông về làng Bảo Thạnh, thuộc tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Khu mộ của ông, bà và con gái được xây dựng theo dạng vôi phục, nằm trong khuôn viên thoáng rộng, có cây che bóng mát, có nhà thờ mái cong hai tầng để thờ ông và làm nơi tưởng niệm cho khách thập phương. Di tích này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích ngày 24/01/1998.

Bảo Thạnh còn là quê hương của cụ Phan Thanh Giản vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam kỳ. Nói về cụ Phan Thanh Giản mọi người ai cũng biết ông vốn thông minh, hiếu học, năm 1825 lúc đó ông 30 tuổi đã thi đậu cử nhân trong cuộc thi Hương tại trường thi Gia Định. Năm 1826, ông đỗ đệ tam giáp (đồng tiến sĩ) cuộc thi Hội ở kinh đô Huế và bắt đầu cuộc đời làm quan, là một đại thần của triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông mất ngày 04/8/1867, mộ và đền thờ của cụ Phan Thanh Giản được xây dựng trên đất quê nhà Bảo Thạnh.
Ảnh tư liệu của Bảo Tàng tỉnh Bến Tre
Tiếp tục khám phá vùng đất Ba Tri, du khách đến tham quan “Di tích địa điểm Nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba Cây Da Đôi” tại xã Tân Xuân, cách thị trấn Ba Tri khoảng 16 km. Nơi đây vào cuối tháng 4/1930, chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương đầu tiên của tỉnh Bến Tre được thành lập tại nhà ông Nguyễn Văn Cung, gồm 10 đảng viên, nguyên là hội viên của Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội trước đó. Chi bộ xã Tân Xuân, sau khi thành lập, đã tổ chức cuộc mít tinh quần chúng nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5 tại Cây Da Đôi, sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành, thu hút trên 200 người tham dự. Tại đây, sau ngày giải phóng (30/4/1975), Sở Văn hóa - Thông tin đã tổ chức dựng bia lưu niệm về sự kiện lịch sử này. Di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin nhận Di tích cấp Quốc gia vào 07/5/1997.
Ảnh Nguyễn Dừa
Điều mà du khách đến Ba Tri cũng sẽ rất thú vị, ấn tượng, khi được khám phá sinh thái tự nhiên “Tràm chim Vàm Hồ” ở xã Tân Mỹ, cách thị trấn Ba Tri 18 km. Nếu từ thành phố Bến Tre theo đường bộ khoảng 54 km và đi bằng đường sông hướng ra biển mất khoảng 03 giờ. Ở Vàm Hồ, ngoài vũ điệu ngoạn mục của hàng ngàn cánh cò, cánh vạc và âm điệu đặc trưng của các loài chim hoang dã khác, kết hợp với cây lá xào xạc như tiếng con chim cuốc gọi đàn giữa đêm hè tĩnh mịch, tiếng bìm bịp kêu như một điệp khúc gọi con nước lớn, tiếng chim vịt kêu chiều chiều và nhiều loài chim nhỏ sống trong các lùm cây gần vực nước như: cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chằng nghịch, bìm bịp, chằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt … và những hệ sinh thái thực vật tự nhiên rất lạ mắt. Hiện tại nơi đây chỉ mới được đầu tư cho du lịch, nên môi trường hoàn toàn còn hoang sơ. Nếu đến Tràm chim Vàm Hồ bằng đường sông, sẽ thú vị hơn và có thể ngắm được chim về đậu trắng cả bìa rừng phía sông.
                             
Ngoài những điểm đến khá tiêu biểu, nhiều người biết đến Ba Tri còn có những điểm hẹn khác để du khách lựa chọn khám phá trải nghiệm như: Khu lưu niệm đốc binh Phan Ngọc Tòng xã An Hiệp; miếu thờ và mộ cụ Tán Kế (Lê Quang Quan) ở xã Mỹ Thạnh. Hay làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề muối Bảo Thạnh, làng nghề cá khô An Thủy, biển phù sa Cồn Hố .... Về ẩm thực du khách sẽ thỏa sức thưởng thức các món hải sản biển và nhất là du khách sẽ khó quên khi thưởng thức món cá lóc đồng nướng mở hành ăn với bánh tráng cuốn rau sống, chấm nước nắm chua ngọt. Hay các món ăn dân dã, đồng quê đậm chất Nam Bộ mà khi nhâm nhi với danh tửu Phú Lễ thì hết sẩy vô cùng.
Miếu thờ và mộ cụ Tán Kế (Lê Quang Quan)
Làng nghề đan đát ở xã Phú Lễ - huyện Ba Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét