Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Ba Tri tiềm năng du lịch

Ba Tri là huyện thuộc tỉnh Bến Tre, nằm ở phía Đông cù lao Bảo, phía Bắc Ba Tri giáp với huyện Bình Đại, có chung ranh giới con sông Ba Lai, phía Nam giáp huyện Thạnh Phú, có chung ranh giới con sông Hàm Luông,  phía Tây giáp huyện Giồng Trôm; phía Đông giáp biển (với chiều dài bờ biển khoảng 10 km). Huyện có diện tích 356 km2 và dân số 200 ngàn người. Mật độ dân số 528 người/km2; Thị trấn nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 36 km về hướng Đông Nam. Đây là huyện đầy tiềm năng du lịch biển với nhiều hứa hẹn trong nay mai.
Đoàn đang khảo sát bãi hàng dương
Sáng ngày 18 tháng 10 năm 2013, ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cùng các lãnh đạo huyện Ba Tri và đại diện các ban ngành huyện đã đi khảo sát du lịch biển tại cồn Hố thuộc xã An Thủy và cồn Nhàn thuộc xã Bảo Thuận của Ba Tri; cùng đi có một số doanh nghiệp từ Tp. Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu để đầu tư du lịch biển tại đây.

Từ thị trấn Ba Tri đi hướng ra biển khoảng 10km là đến biển, nơi đây xưa kia phần lớn là rừng hoang và đầm lầy, nơi ngự trị những loài thú như cọp, heo rừng, khỉ, trăn, rắn, cá sấu, rái cá. Những giai thoại khá phổ biến về cọp, sấu lưu truyền trong vùng nói lên thực trạng đó. Những dãy rừng ngập mặn là nơi cư trú của những loài thủy tộc tôm, cua, cá, sò, ốc và bên trên là các loài chim trời. Hiện nay, ở cồn Nhàn (còn gọi là cồn Chim), nơi một thời hội tụ hàng trăm loài chim, cò và dơi, kể cả các loài chim di cư tránh rét từ phương bắc đến hàng năm, chỉ còn lưu lại trong ký ức của người dân.

Hôm nay hai bên đường là những đồng ruộng, xen kẽ những con giồng trồng sắn, dưa hấu và nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm công nghiệp và nuôi quảng canh. Dọc bờ biển là những hàng dương xanh ngát để chống chọi những cơn gió bão nhằm bảo vệ vùng đất phì nhiêu đầy màu mở; dưới bãi biển là những bãi nghêu mà hợp tác xã nghêu địa phương sở hữu, hai đầu bãi nghêu là những bãi cát cạnh cửa sông Hàm Luông và sông Ba Lai, thật tuyệt vời làm sao khi những ngọn sóng từ biển khơi ập vào khiến cho ai đến đây cũng đều muốn tắm và ngâm mình trong sóng biển cho thỏa thích.
Đoàn đang khảo sát mặt cát biển
Đến trưa, các đ/c địa phương xã An Thủy cùng Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nghêu An Thủy đã mời đoàn khảo sát dùng cơm bên cạnh bờ biển, nơi của các anh bảo vệ rừng và biển; thật tuyệt vời làm sao khi những sản phẩm tươi sống vùng biển nơi đây không thể bỏ qua cơ hội với những con nghêu thật to, ruột trắng tinh căn phồng khi hở miệng trong tô với khói nghi ngúc bốc lên; không kềm chế được, phải làm một ngụm rượu Phú Lễ Ba Tri để ấm lòng và đưa cả con nghêu vào miệng, thật là ngọt làm sao, hấp dẫn làm sao khi nhâm nhi trong làng gió biển mát thế nầy. Với nhiều loại hải sản như cá chẻm, cá đuối, sò huyết, tôm, cua,… 

Không thể quên và ấn tượng với một món đặc trưng nơi đây khi ăn cơm với nghêu kho và rau sam, một loại rau mà người dân nơi đây thường hay gọi là sâm biển, có một vị ngọt ngọt, có mùi thơm gần giống rau cải trời nên người dân nơi đây còn gọi là cải trời biển, khi chấm nước nghêu kho có thêm vị mặn của kho, vị ngọt của nghêu làm cho bữa ăn quên đi cơn no hồi nào không hay biết; đây là loài rau dại, mọc xen lẫn trong những rừng dương, nhất là vào mùa mưa, loại rau nầy mọc rất nhiều, và chắc là loại rau nầy thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất nầy nên được gọi là cải của trời.
Rau sam
Hiện nay, Ba Tri cũng là nơi mà du khách qua các tour lữ hành từ các nơi trong cả nước thường hay đến Ba Tri để tham quan, nghiên cứu với nhiều sản phẩm du lịch như: Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, Trung tướng Đồng Văn Cống, Khu di tích nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, cụ Võ Trường Toản; các làng nghề truyền thống như “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” hay làng nghề đan đát tại Phước Tuy, làng nghề rượu Phú Lễ, tất cả các làng nghề đều có trên trăm năm của người dân nơi đây; đặt biệt là sân chim Vàm Hồ, đã qui tụ hàng trăm loài chim thú trú ngụ nơi đây.

Với một tiềm năng du lịch biển tại cồn Nhàn (Bảo Thuận), cồn Hố (An Thủy) và Khu Lạc Địa (Phú Lễ) được lãnh đạo các cấp quan tâm về cơ sở hạ tầng cho du lịch, được các nhà đầu tư du lịch quan tâm, thì du lịch Ba Tri sẽ trở thành một Khu du lịch sinh thái biển với sự phụ trợ của du lịch về nguồn, tham quan, nghiên cứu học tập và du lịch làng nghề,… chắc chắn rằng tour du lịch Ba Tri sẽ là sản phẩm của các nhà lữ hành trên cả nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét