Du lịch Bến Tre với nhiều tuyến đến các huyện trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó du lịch sinh thái là đặc thù vùng sông nước xứ dừa Bến Tre, bên cạnh đó kết hợp các làng nghề truyền thống cùng hệ thống di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh đã làm phong phú thêm tính đặc sắc cho du khách đến Bến Tre; Đình Bình Hòa là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vừa được trùng tu và tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng ngày 22/11/2013, đã góp thêm sản phẩm du lịch cho loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu và tâm linh.
Tuyến du lịch TP. Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri là tuyến có nhiều làng nghề như Bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề rượu Phú Lễ tại xã Phú Lễ, làng nghề đan đát tại Phước Tuy; bên cạnh đó có nhiều danh lam thắng cảnh và những di tích cấp quốc gia cùng các công trình nghệ thuật như: Di tích Lãnh binh (Nguyễn Ngọc Thăng), di tích nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, di tích Võ Trường Toản, Nhà lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống, ngoài ra còn nhiều khu mộ của các bật danh nhân như cụ Phan Thanh Giản, cụ Phan Văn Trị và nhiều di tích cấp quốc gia khác; đặc biệt Bình Bình Hòa là di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc cũng nằm trên tuyến tham quan nầy.
Nghệ thuật chạm trỗ Đình Bình Hòa |
Ngày 30/7/2012 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm tổ chức lễ khởi công công trình trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa; sau 01 năm thi công, đến nay đã hoàn tất, đảm bảo chất lượng, tiến độ và cơ bản giữ được đường nét kiến trúc xưa, bảo tồn tối đa yếu tố gốc của di tích. Đây là di tích lịch sử, văn hóa, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 07/01/1993. Di tích đình nằm cạnh đường tỉnh 885, địa phận thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Từ Tp. Bến Tre, du khách đi đến địa phận Giồng Trôm 05 km (Cầu Chẹt Sậy) là đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, đi tiếp theo 02 km là đến đền thờ tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, rời khu tưởng niệm cách 07 km theo hướng đi Ba Tri là đến đình Bình Hòa; đình có qui mô toàn khu là 9.000m2 (trong đó diện tích xây dựng là 1.760m2), bao gồm các hạng mục: nhà võ ca, nhà hương, nhà chính, nhà tiền sảnh, hành lang, hậu đường, miếu Quan Thánh, tường rào và sân đường nội bộ tổng mức đầu tư là 20,1 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng tôn tạo các hạng mục là: 14,09 tỷ đồng.
Quang cảnh chung của Đình Bình Hòa |
Đình Bình Hòa có tuổi thọ đến nay đã trên 100 năm, nguyên thủy được xây dựng vào năm 1831 bằng nguyên vật liệu xây dựng đơn sơ như: cây, lá. Đến năm 1903 ngôi đình được các cụ trong ban khánh tiết đứng ra tổ chức, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng lại theo kiểu cách qui mô, đồ sộ hơn, lúc này Đình được dời sang vị trí hiện nay. Các bô lão trong làng kể lại rằng ngôi đình từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn thành phải mất trên 10 năm (1903 - 1913). Đó là kết quả lao động rất công phu, cần cù, sáng tạo của các nghệ nhân bậc thầy từ miền ngoài vào, có tay nghề và trình độ mỹ thuật cao đã làm ròng rã suốt một thập niên.
Đến nay công trình trùng tu, tôn tạo di tích Kiến trúc Nghệ thuật đình Bình Hòa đã hoàn thành, qua đó đã lưu giữ những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, của các thế hệ ông cha để lại, những kiến trúc nghệ thuật ấy thể hiện trên những tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo, tinh xảo, hoa mỹ, đậm đà sắc thái truyền thống dân tộc của những người thợ thủ công tài hoa. Nổi bật là ở nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian cổ truyền rất công phu, có nhiều điểm hết sức lý thú, hấp dẫn. Càng nhìn về giá trị nghệ thuật chạm trổ, chúng ta càng quý trọng sự lao động cần cù, sáng tạo của các nghệ nhân trước đây. Toàn bộ tác phẩm điêu khắc, chạm trổ mỹ thuật ở đình Bình Hòa là một di sản văn hóa quí báu, góp phần to lớn trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, nâng cao kiến thức phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và văn hóa, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch cho du khách thập phương đến chiêm ngưỡng.
Đây là một di sản văn hóa và cũng là sản phẩm du lịch góp phần cho du lịch huyện Giồng Trôm nói riêng và cho du lịch tỉnh Bến Tre nói chung sẽ phát triển được loại hình du lịch sinh thái, kết hợp du lịch làng nghề, du lịch về nguồn và du lịch tâm linh,… hy vọng trong thời gian tới, huyện Giồng Trôm sẽ tập trung từ huyện đến xã, từ chính quyền đến tận người dân với quyết tâm cao, tạo nhiều sản phẩm du lịch, nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch nhằm đưa ngành du lịch huyện nhà phát triển ngang tầm xu thế phát triển chung của tỉnh để góp phần trong việc phát triển kinh tế địa phương mà ngành du lịch là ngành công nghiệp không khói sẽ trở thành mũi nhọn đến năm 2020./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét