Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Bến Tre tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch

Bến Tre là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.360 km2, dân số khoảng 1,3 triệu người, gồm 8 huyện và 1 thành phố, được hình thành trên ba dải cù lao: Bảo, Minh và An Hóa, bao bọc bởi bốn nhánh sông Cửu Long bồi tụ thành gồm: sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, với môi trường sinh thái : ngọt, mặn và lợ nên nguồn tài nguyên sinh vật vô cùng dồi dào, đất đai màu mỡ thuận lợi trồng các loại cây ăn trái ngon; bên cạnh đó Bến Tre có 65km bờ biển trên ba huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú còn giữ nét nguyên sơ, phù hợp cho việc phát triển du lịch biển, cùng hệ thống di tích, làng nghề phong phú và đa dạng,... 

Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi nhiều, có “lắm sông nhiều rạch”, đất đai phù sa màu mỡ nên nơi đây trồng cây ăn trái chuyên canh có hiệu quả cao như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,… Bến Tre với hệ thống nhiều cồn nổi như: Cồn Phụng, cồn Quy (Tân Thạch - Châu Thành), cồn phú Đa (Chợ Lách), cồn Ốc (Hưng Phong), cồn Nhàn, cồn Hố (Ba Tri),… Trong những năm gần đây, du lịch tham quan các cồn nổi tại Bến Tre cũng thu hút nhiều du khách tham quan đặc biệt là khách quốc tế. Hiện nay các cồn ven biển như cồn Nhàn, cồn Hố của huyện Ba Tri, cồn Bửng huyện Thạnh Phú khách du lịch cũng đến khá đông để thưởng thức thức ăn hải sản tươi sống và rẽ cùng tắm biển thiên nhiên hoan sơ; với sự thích thú của du khách thập phương, nếu các nhà đầu tư du lịch nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch biển, kết hợp với các loại hình du lịch hiện hữu trên đất Bến Tre thì chắc là du lịch Bến Tre ngày càng khởi sắc.
Loại hình kiểng hoa treo đang được các nhà vườn Chợ Lách đầu tư tạo nên sự đa dạng trong kinh doanh hoa kiểng
Bến Tre với 25 di tích văn hóa - lịch sử được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh, việc tôn tạo và bảo tồn những kiến trúc nghệ thuật, giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh được lưu giữ cho thế hệ mai sau thật sâu sắc; những ngôi đình làng, chùa cổ, nhà cổ,… với lối kiến trúc độc đáo mang nhiều giá trị mỹ thuật cao như: Đình Tân Thạch, chùa Hội Tôn Cổ Tự, đình Tiên Thủy, đình Phú Lễ, đình Bình Hòa, nhà cổ Hương Liêm,… Đây là những điểm đến hấp dẫn cho du khách khám phá loại hình du lịch văn hóa- lịch sử. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này, những làn điệu dân ca ngọt ngào mà ông cha đã sáng tạo ra trong những năm khai hoang mở cõi vẫn được bảo tồn và lưu giữ cho đến hôm nay như: hò, vè, đờn ca tài tử, hát sắc bùa, đọc thơ Lục Vân Tiên,…sẽ làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian của vùng đất Đồng Khởi anh hùng. Do đó để Bến Tre phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch về nguồn, du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng là tiềm năng rất lớn.

Một quê hương xứ dừa mang đậm tính Nam bộ, với vườn cây trái sum suê, những vườn dừa xanh mượt đa dạng chủng loại như: Dừa xiêm, dừa dứa, dừa ẻo, dừa tam quan, dừa dâu, dừa chùm… mang đặc trưng Bến Tre của miền sông nước đồng bằng. Nếu về cồn Ốc (Hưng Phong), du khách sẽ được gặp ông Đỗ Thành Thưởng được mệnh danh là “Vua dừa”, người có công sưu tầm trên 30 giống dừa khác nhau, du khách còn được tham quan làng nghề đan giỏ cọng dừa, nghề gọt quả dừa thành hình thú với những sản phẩm đẹp, lạ mắt, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa của người dân trên xứ cồn Ốc này góp phần cho du lịch sinh thái nơi đây phát triển tốt.

Trong những năm qua, ngành du lịch Bến Tre có sự phát triển vượt bậc, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch không ngừng được đầu tư nâng cấp. Khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng, đã phá đi thế độc lập của Bến Tre, tạo điều kiện thuận lợi để Bến Tre giao thương với các tỉnh thành trong khu vực và cả nước, thuận lợi cho việc đầu tư phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội, đặc biệt đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư du lịch quan tâm đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhất là du lịch sinh thái gắn liền với nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn và du lịch biển; loại hình du lịch homestay, ở nhà dân tìm hiểu về cuộc sống bình dị nơi nông thôn, đây là loại hình đang phát triển tốt, thu hút một lượng lớn khách nước ngoài đến từ các nước: Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ,... đến với Bến Tre. 
Đa dạng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa
Xác định được ngành du lịch cũng là một trong những ngành công nghiệp không khói quan trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà. Đầu năm 2012, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu phấn đấu doanh thu du lịch tăng bình quân 20%/năm, lượng du khách tăng bình quân 12%/năm, đến năm 2015 đạt 1 triệu lượt khách du lịch đến Bến Tre./.

1 nhận xét:

  1. nhiều thắng cảnh đẹp nhưng chưa đi hết diệp lễ sẽ đi du lịch bến tre và du lich campuchia le 30/4

    Trả lờiXóa