Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Phía sau tọa đàm "Bến Tre mở rộng liên kết phát triển du lịch"

"Bến Tre mở rộng liên kết phát triển du lịch" là chủ đề buổi tọa đàm trong chuỗi sự kiện giải quần vợt ngành Du lịch Việt Nam lần thứ XXIII - Bến Tre 2018 - Cúp liên Thái Bình Dương lần thức VI, diễn ra ngày 20/7/2018 tại khu du lịch Cồn Phụng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch(VHTTDL) tổ chức. Đến tham dự và chủ trì buổi tọa đàm có ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDL), ông Lê Thanh Phong - Phó chủ tịch HHDL Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); ông Trương Quốc Phong - Tỉnh ủy viên - Giám đốc sở VHTTDL Bến Tre, ông Trần Duy Phương - Nguyên PGĐ Sở - Chủ tịch HHDL tỉnh Bến Tre.
Đoàn chủ trì buổi Tọa đàm (bên phải qua: Trương Quốc Phong, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Thanh Phong, Trần Duy Phương)
Hội nghị tiếp đón trên 90 đại biểu khách mời đến từ HHDL Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh; Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến của các tỉnh và thành phố: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre; đặc biệt có sự tham gia của các công ty Lữ hành du lịch lớn như: Vietravel, Saigontourist, Trippy, Du lịch Bến Thành, Dấu ấn Việt, Du lịch Thành Công; cùng các báo đài, Thông tấn xã trong và ngoài tỉnh đến dự góp ý kiến và đưa tin.

Các đại biểu đã tham gia phát biểu góp ý thiết thực và sâu sắc sau một buổi đi khảo sát tour sinh thái sông nước huyện Châu Thành - Bến Tre nhằm từng bước khắc phục và nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù cho quê hương sông nước Xứ Dừa. Đây là một tour du lịch sông nước có xuất phát điểm đầu tiên của Bến Tre khi bắt đầu làm du lịch vào khoảng năm 2000 và cũng là một trong nhiều tour tham quan, trải nghiệm tại Bến Tre được phát triển sau nầy đến ngày hôm nay.
Đại biểu tích cực tham gia phát biểu góp ý cho sự phát triển du lịch tỉnh Bến Tre tại buổi Tọa đàm
“Tôi khá ngạc nhiên sau vài năm quay lại Cồn Phụng thấy ngành du lịch Bến Tre năng động hơn so với khu vực khác của đồng bằng sông Cửu Long. Ấn tượng nhất là sản phẩm du lịch cộng đồng homestay.Tuy nhiên, trong buổi khảo sát tôi mong sẽ lạc bước vào rừng dừa bạt ngàn, bát ngát thì thực tế chưa được thấy trong tour nầy, chỉ mới là cảm giác được lênh đênh trên sông nước. Du lịch Bến Tre cần phải làm tinh tế hơn. (Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc Bán sản phẩm mua dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel, chia sẻ);

Anh Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Du lịch VietMark ước ao: Bến Tre cần làm sao để hình ảnh đầu tiên ấn tượng với du khách là áo bà ba, nón lá, màu sắc chủ đạo của màu xanh lá dừa. Hay khách vừa xuống bến tàu thì phải bước vào hàng dừa rợp mát, trái dừa xuất hiện mọi nơi, tôi chưa cảm nhận được xứ dừa. Anh trăn trở “Tôi ao ước khám phá bảo tàng dừa, nghe nói ở điểm du lịch Cồn Phụng có nhà bảo tàng dừa nên khi tàu vào đến nơi tôi liền vào xem ngay; nhưng thất vọng, bên trong lại toàn bán túi xách đồ da”.

Bà Phan Yến Ly, Trưởng phòng phát triển sản phẩm khối inbound Công ty lữ hành Saigontourist cho biết: vài chục năm nay, Saigontourist chưa nhận được bất cứ sự than phiền nào của du khách từ món ăn đến dịch vụ khi đến du lich Bến Tre. Nhưng sự quay lại vẫn còn ít, họ rất chấp nhận chi tiêu vì ở đây chi phí quá rẻ. Ở góc độ DN rất mừng vì có giá tốt để quảng cáo cho du khách nhưng tỉnh không thu được nhiều tiền. Rõ ràng Bến Tre có doanh thu là từ khách quốc tế đến nhiều. Thực tế trên Cồn Phụng, chưa có sản phẩm cao cấp, cái thiếu của Bến Tre chưa có sản phẩm cao cấp để thu được tiền của du khách. 

Ông Phan Văn Thông - Giám đốc Khu du lịch Cồn Phụng tha thiết đề nghị “Chúng ta đã xây dựng nên sản phẩm thì cố gắng quan tâm để cho nó sống. Ngành du lịch kêu gọi bà con xây dựng con đường dừa thiệt đẹp mà một năm đưa vài đoàn xuống thì làm sao bà con sống được. Chúng tôi hứa sẽ có những sản phẩm độc đáo lạ để bán cho du khách”. Tuy nhiên, ông Thông chia sẻ nếu du khách muốn khám phá trải nghiệm sản phẩm độc đáo cần vài ngày đi vào sâu các huyện. Hiện nay Bến Tre có lễ hội dừa rất lớn, có những con đường dừa, những vườn dừa rất đẹp. Thậm chí là chợ nổi dừa tấp nập tàu, thuyền buôn bán sản phẩm từ dừa chứ không phải Bến Tre chỉ có Cồn Phụng. Người dân Bến Tre đã quan tâm làm du lịch, nếu du khách muốn khám phá vườn cây trái nổi tiếng thì đến xã Tân Phú - Châu Thành hay vùng Chợ Lách là những vườn cây trái trĩu quả, những làng cây giống, hoa kiểng nổi tiếng...

Những đóng góp sâu sắc của các doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng như trong tỉnh đã đưa ra những giải pháp thiết thực để góp phần cho du lịch Bến Tre phát triển. Bến Tre thừa nhận tỉnh chưa có các sản phẩm du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách. Phần lớn các DN cơ sở kinh doanh du lịch có quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh với hình thức hộ gia đình; chưa có DN lớn làm hạt nhân để giữ vai trò dẫn dắt. Trong thời gian tới, để khai thác thế mạnh của Bến Tre thì việc liên kết với các tỉnh là quan trọng và cần thiết, trong đó có TP.HCM (Ông Trương Quốc Phong - GĐ Sở VHTTDL Bến Tre nhận định); Bên cạnh đó, ông Phong cho biết để tránh trùng lắp so với các tỉnh bạn, tỉnh có đặc điểm là nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. trong đó, sẽ tập trung phát triển thành tour tham quan sinh thái miệt vườn gắn với các di tích quốc gia đặc biệt như di tích Đồng Khởi, di tích mộ và khu tưởng niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu… kết hợp với du lịch sinh thái nhằm từng bước xây dựng thương hiệu "Du lịch sinh thái sông nước xứ dừa" cho Bến Tre. Năm 2017 Bến Tre đón 1,2 triệu lượt khách chiếm 40% là khách nước ngoài đứng đầu trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khách đi theo tour ngắn ngày thời gian lưu trú ít ỏi rơi vào thị trường khách Trung Quốc, Đài Loan. Nhưng du lịch homestay thì khách lưu trú dài ngày đa dạng, chủ yếu là thị trường khách Đức, Mỹ, Canada, Pháp,… tỉnh yên tâm ở nhóm khách này khi chiếm 35-40% tổng lượng khách quốc tế.

Du lịch Bến Tre cần xây dựng nét đặc thù:
Các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch sẽ, phải tăng cường quản lý, điều chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, có cơ chế đồng bộ từ tỉnh đến địa phương. Các doanh nghiệp du lịch và cơ sở dịch vụ cần quan tâm hàng đầu đến việc từ hình thức đến nội dung; nhất là trang phục đồng bộ, áo dài hay áo bà ba, nón lá đối với nữ; quần tây áo sơ mi hoặc bộ bà ba quấn khăn rằn đối với nam cho phù hợp với từng dịch vụ như: Đờn ca tài tử, người chèo xuồng, người điều khiển xe ngựa hay các hướng dẫn viên, phục vụ viên,.... Lấy màu xanh lá dừa làm chủ đạo, tạo ấn tương cho du khách khi đến Bến Tre; nhìn màu sắc trang phục là nhận diện của Bến Tre.

Bến Tre cần phải xây dựng Bảo tàng dừa rõ nét tại Trung tâm tỉnh hoặc những địa phương nào đó trong tỉnh có du lịch phù hợp nhất đối với cây dừa nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làm ra từ cây dừa, giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ cây dừa Bến Tre, giới thiệu qui trình trồng dừa, các loại giống dừa, qui trình khai thác dừa, gía trị của cây công nghiệp nầy ra sao,... Bên cạnh đó xây dựng các quầy trưng bày sản phẩm làm đẹp từ nguyên liệu dừa như tinh dầu dừa, thạch dừa, mặt nạ dừa, kem dưỡng da từ dừa, son dừa, xà phòng dừa, nước dừa tươi đóng chai, ....

Những nhà hàng, điểm dừng chân phục vụ ẩm thực cho du khách tăng cường giới thiệu các món ăn, thức uống từ dừa cho du khách đến với quê hương xứ dừa như: Cơm trong trái dừa ăn cùng tép ran dừa. gỏi củ hủ dừa là hai món ăn nằm trong top 100 món ngon Việt Nam được Trung tâm sách Kỷ Lục Việt Nam xác lập cũng như các kỷ lục do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận. Ngoài ra còn có trên 300 món ăn thức uống khác có dừa; nhưng phong phú nhất vẫn là tại quê hương Xứ của Dừa. Đặc biệt là cần lưu ý sử dụng những sản phẩm bằng dừa như muỗng, nĩa, đũa, tấm lót chén, vật dụng đựng thức ăn,... bằng nguyên liệu dừa. Các homestay sẽ trang trí nơi nghỉ, nơi sinh hoạt cho du khách sử dụng bằng những nguyên liệu từ địa phương để tăng thêm sự hấp dẫn tạo nét đặc thù cho sản phẩm.
Trải nghiệm xuồng chèo trong rạch nhỏ rợp bón lá dừa nước
Những cây cầu, căn nhà, sàn nước, những vật dụng trong gia đình bằng dừa và trưng bày những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay mỹ phẩm từ dừa tại những điểm dừng chân cho du khách tham quan nhằm giới thiệu nét văn hóa của người dân quê hương sông nước xứ dừa xưa và nay. Những địa phương xây dựng xã nông thôn mới, có những con đường hai bên là những hàng dừa đẹp được du khách nước ngoài ưa thích đi bộ hay chạy xe đạp trên đường làng rợp bóng mát của những tào lá dừa đầy thơ mộng; bên cạnh đó đi đôi là cần chỉnh trang những vườn dừa đẹp để khách trực tiếp vào trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm hay tham gia leo dừa, bẻ dừa, sinh hoạt dưới bóng dừa tại một rừng dừa được mệnh danh lớn nhất thế giới. Đó cũng là sản phẩm du lịch đặc thù của Bến Tre vì đi đâu trong tỉnh cũng có bóng dáng cây dừa đã lôi cuốn du khách từ trải nghiệm nầy sang trải nghiệm khác. 

Phải nghĩ đến việc xây dựng tháp cao cách điệu hình dáng cây dừa để du khách tham gia leo lên ngắm nhìn quang cảnh xung quanh của rừng dừa bạt ngàn, với một màu xanh phủ kín trên ba dải cù lao (cù lao Minh, Bảo và An hóa) được bốn dòng hạ lưu (sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên) của sông MêKông bồi đắp nên tỉnh Bến Tre. Đó là sự trải nghiệm và chiêm ngưỡng tuyệt vời của chuyến hành trình về xứ dừa; du khách sẽ có những tấm hình lưu niệm độc đáo khi du khách thập phương đặt chân đến Bến Tre. 

Tỉnh cũng đã xây dựng con đường dừa và không gian dừa trong hai lần Lễ hội dừa 2012 - 2015 cũng đã thu hút sự chú ý của du khách đến Bến Tre; một sự nuối tiếc là Lễ hội qua đi thì không còn lưu lại làm sản phẩm du lịch đặc thù mà trở thành nơi mua bán kinh doanh. Việc xây dựng không gian dừa hay những con đường dừa dành riêng cho du lịch cũng là vấn đề cần đặt ra trong giai đoạn phát triển du lịch hiện nay theo Chương trình hành động số 22 của Tỉnh Ủy Bến Tre về thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính Trị về việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020.

Ngoài những việc xây dựng thương hiệu du lịch cho tỉnh nhà ra thì việc tổ chức cho các doanh nghiệp có những chuyến famtrip để khảo sát học tập hoặc những gameshow giới thiệu sản phẩm du lịch, tiềm năng du lịch của tỉnh tại miền Trung, miền Bắc nhằm kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với cả nước là điều hết sức thiết thực trong việc thu hút sự chú ý của các hãng Lữ hành lớn của Việt Nam và thế giới.

Để kết nối phát triển ngày càng tốt hơn giữa Bến Tre với các địa phương trong vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành đã có ký kết hợp tác phát triển ngành VHTTDL như TP.HCM, Hà Nội, một số tỉnh miền Trung,... trong phát triển du lịch thì ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như xây dựng sản phẩm du lịch cần có sự chung tay chung sức của toàn thể hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, bởi Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có sự xã hội hoá cao; đồng thời sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh thành bạn để cùng giới thiệu, chia sẻ sản phẩm là điều tiên quyết cần đặt ra./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét