Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Đưa kho báu văn hoá nhân văn của vùng đất Xứ Dừa vào hoạt động khai thác du lịch

Văn hóa là nguồn nguyên liệu để hình thành nên hoạt động du lịch, tức là nói đến vật hút, đối tượng hưởng thụ của du khách. Theo quan niệm của ngành du lịch, người ta xếp các thành tố văn hóa vào tài nguyên nhân văn gọi chung là di sản văn hoá, cụ thể là: các di tích lịch sử - văn hóa, ẩm thực, lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học - nghệ thuật, các công trình kiến trúc, ngành nghề truyền thống…

Cùng với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là một trong những điều kiện đặc trưng cho việc phát triển du lịch của một địa phương. Giá trị của những di sản văn hóa cùng với các thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội là đối tượng cho cho du lịch khai thác và sử dụng. Những tài nguyên này không chỉ tạo ra môi trường và điều kiện cho du lịch phát sinh và phát triển, mà còn quyết định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả của hoạt động du lịch. Đó chính là tài nguyên du lịch, là sản phẩm du lịch.

Bến Tre là vùng đất của những sắc màu văn hoá vô cùng độc đáo. Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Bến Tre hiện nay vẫn còn lưu giữ một bề dày giá trị nhân văn từ thuở các bậc tiền nhân thời kỳ đầu đi mở cõi. Cùng với những sắc thái riêng, đặc trưng của vùng sông nước hữu tình, con người phóng khoáng, đất đai trù phú của quê hương xứ dừa tạo nên một Bến Tre quá đổi thân thương. 

Hiện nay, Bến Tre có hơn 50 di tích cấp tỉnh, 16 di tích cấp quốc gia và 02 di tích quốc gia đặc biệt với các loại hình được công nhận về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử cách mạng. Cùng tồn tại với thời gian, có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân. Hoạt động du lịch góp phần giới thiệu giá trị nền văn hóa độc đáo thông qua chương trình thông tin xúc tiến bằng những ấn phẩm quảng cáo, pano, áp phích, thông tin trên các mạng truyền thông đại chúng, hội nghị, hội chợ triễn lãm… Các loại hình du lịch văn hoá Bến Tre được định hình và phát triển cả thành thị lẫn nông thôn như: du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lich nông nghiêp, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch MICE… Trong đó có những loại hình nằm trong hệ thống di sản phi vật thể có giá trị văn hoá tinh thần chẳng hạn như đờn ca tài tử, hát sắc bùa Phú Lễ, tìm hiểu làng nghề truyền thống địa phương.

Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc được công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”
(ảnh Nguyễn Sự)
Chỉ mấy con đom đóm lặp loè ẩn mình trên những hàng bần bên bờ sông về đêm, chiếc xuồng ba lá lạch cạch len lỏi khắp các rạch dừa nước hay một rừng dừa, một cái chợ lạ lùng không đâu có được chỉ đơn giản với tên gọi "chợ nổi Dừa" trên dòng sông Thom có một không hai trên đất nước Việt Nam đã hút hồn biết bao du khách. Không cần tiềm kiếm đâu xa, đây chính là khơi nguồn tạo nên nhiều sản phẩm du lịch văn hoá nhân văn gắn liền những phong tục tập quán, truyền thuyết, những giai thoại dân gian, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống… 

Chương trình tham quan tại Bến Tre rất phong phú phù hợp với nhiều đối tượng khách khác nhau. Chẳng hạng, khi du khách qua cầu Hàm Luông, nhìn từ trên cao có thể thấy xung quanh bao quát một bức tranh của rừng dừa hiện lên; Tham quan cơ sở làm chổi cọng dừa; Tham quan làng nghề kẹo dừa; Tham quan cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Lênh đênh trên sông Cái Cấm, ra sông hàm Luông vào sông Mỏ Cày bằng tàu. Du khách có thể tản bộ trong vườn dừa, tham quan nhà dân, xem người dân leo dừa, thưởng thức nước dừa xiêm, mứt dừa... Thưởng thức món ăn miệt vườn thứ thiệt như cá bóng kho tiêu, canh chua cá ngát… Tất cả tạo nên nét rất riêng hay nói khác hơn đó chính là cốt lõi tạo nên sự hấp dẫn thu hút du khách đến với Bến Tre mà không đâu có được với những tuyến về biển hay tuyến về vương quốc cây giống, hoa kiểng, cây ăn trái… Du khách sẽ tiếp cận những giá trị tài nguyên du lịch khác nhau.

Với kho tàng giá trị văn hóa như vậy, Bến Tre  rõ ràng có nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng và phong phú, đặc sắc để phát triển du lịch. Vấn đề ở đây là phải biết phân loại các giá trị văn hóa để đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ cho phát triển du lịch. Nếu việc phân loại những giá trị văn hóa được thực hiện tốt, thì các nhà kinh doanh du lịch sẽ dễ dàng lựa chọn từng loại hình để lồng ghép vào chương trình du lịch. Mặt khác, các nhà hoạch định chiến lược, quy hoạch du lịch sẽ xác định chuẩn mực các tuyến, điểm du lịch để xây dựng dự án cụ thể, kêu gọi và thu hút vốn đầu tư. Từ đó tạo cơ sở cho những người làm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tiến hành các hoạt động chuyên môn có hiệu quả, đẩy mạnh tốc độ phát triển của ngành du lịch.

Mặc dù văn hóa có một vai trò vô cùng quan trọng để phát triển du lịch nhưng du lịch không phải là sản phẩm thụ động của văn hóa. Du lịch có những tác động trở lại văn hóa. Hoạt động du lịch không chỉ đẩy mạnh quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá, mà sự phát triển nó còn tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc chấn hưng và bảo tồn các di sản, đồng thời tôn vinh giá trị của văn hóa. Doanh thu từ hoạt động du lịch bằng việc khai thác di sản văn hóa được sử dụng một phần cho việc tu bổ di tích, chỉnh lý các bảo tàng, đồng thời khôi phục và nâng chất nhiều làng nghề truyền thống như bánh tráng, bánh phồng, đan đát, nghề làm lu, nghề làm nón, làm muối, làm khô… biến chúng trở thành hàng hóa bán cho khách tham quan. Hơn nữa, đối với các giá trị văn hóa phi vật thể, hoạt động du lịch trong thời gian qua đã phục hồi và làm sống lại những lễ hội dân gian, văn nghệ dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng… phục vụ du khách. 

Chính vì vậy, giữa văn hoá và du lịch luôn tồn tại mối quan hệ tương hỗ hữu cơ trong hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá và trong đó chính sự phát triển của du lịch đóng vai trò là một ngành kinh tế. Văn hoá du lịch chính là sản phẩm của quá trình hội nhập toàn cầu hoá hiện nay nên việc phát triển du lịch cũng rất cần có sự phối hợp của nhiều ngành, trong đó ngành văn hoá có vị trí rất quan trọng. Ngành du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hoá, nhưng nếu du lịch chỉ khai thác mà không chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ các di sản, gìn giữ môi trường thì các giá trị văn hoá dễ dàng xuống cấp. Vì vậy, phát huy kho báu văn hoá nhân văn để ngành du lịch phát triển là hướng đi lâu dài và là nền tản bởi "văn hoá là du lịch và du lịch là văn hoá"./.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét