Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Điểm đến du lịch "Văn Hóa - Lịch Sử": Giồng Trôm - Đất Thép thành Đồng

Huyện Giồng Trôm nằm khoảng giữa cù lao Bảo, bắc giáp huyện Bình Đại, có ranh giới chung sông Ba Lai, đông giáp huyện Ba Tri, tây giáp thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành, nam giáp huyện Mỏ Cày Nam, có ranh giới chung sông Hàm Luông. Địa danh Giồng Trôm được cấu tạo theo cách: đặc điểm của đất cộng với tên thực vật – một con giồng có cây trôm mọc - giống như sự cấu tạo các địa danh Giồng Tre, Giồng Mít, Giồng Dứa. Như vậy, cái tên Giồng Trôm xuất hiện trên đất Bến Tre đã từ lâu.
Giồng Trôm là huyện có diện tích đất đai rộng đứng hàng thứ 5 so với các huyện khác của tỉnh Bến Tre. Đất đai nơi đây được cấu tạo từ phù sa của hai con sông lớn Ba Lai và Hàm Luông, lại được tưới tắm bởi một mạng lưới sông rạch chằng chịt, do vậy mà Giồng Trôm có thế mạnh của một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng. Diện tích vườn dừa những năm gần đây tuy có giảm nhưng vẫn đứng hàng thứ hai của tỉnh.
Huyện Giồng Trôm từng có thời kỳ mang tên là quận Tán Kế, để ghi nhớ tên người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở vùng Ba Châu. Cho nên cũng có thể coi huyện Tán Kế là tiền thân của huyện Giồng Trôm sau này.
Mảnh đất này có nhiều di tích lịch sử trong hai thời kỳ kháng chiến và là nơi sản sinh nhiều vị tướng lĩnh danh tiếng như: tướng Đồng Văn Cống, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Đại tướng Lê Văn Dũng, tướng Võ Viết Thanh, tướng Nguyễn Hữu Vị, tướng Trần Minh Tích, tướng Trần Văn Nhiên, tướng Võ Khắc Sương, tướng Nguyễn Văn Ngai, tướng Nguyễn Hoàng, tướng Hồ Quốc Việt. Nơi đây còn là một nơi lưu giữ những tài sản tinh thần liên quan đến nhà thơ Phan Văn Trị và là nơi đã nuôi, che chở cho đồng chí cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn trong thời gian hoạt động cách mạng (11/1955 – 3/1956).
Các điểm tham quan du lịch tại Giồng Trôm
* Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Định:
Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định tọa lạc tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm cách thành phố Bến Tre khoảng 8,5 km, nằm trên tỉnh lộ 885 về hướng Đông.
Năm 1936, Bà bắt đầu tham gia cách mạng (lúc này chỉ mới 16 tuổi). Năm 1946 bà Nguyễn Thị Định là thành viên trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc gặp Đảng, gặp Bác Hồ để báo cáo tình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí. Bà tuy ít tuổi nhưng mưu trí nên được phân công làm thuyền trưởng trong chuyến tàu đầu tiên chở đầy vũ khí về đến nơi an toàn. Từ đó tên tuổi của bà gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau hiệp định Giơnevơ bà Nguyễn Thị Định được phân công ở lại miền Nam và được chỉ định vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy bí mật (tỉnh Bến Tre) cùng nhiều đồng chí khác.
Bà cùng Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch tại ba xã: Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (Mỏ Cày) thành công vào ngày 17/01/1960 mở đầu cho cao trào đồng loạt nổi dậy  trong toàn tỉnh và cả miền Nam lúc bấy giờ.
Tháng 5/1961 bà  Nguyễn Thị Định là Khu ủy viên Khu 8, với nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy thắng lợi phong trào đoàn kết ở Bến Tre, Bà tiếp tục xây dựng và phát huy có hiệu quả sức mạnh của đội quân tóc dài làm cho quân thù khiếp sợ. Đầu năm 1965 bà là Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền  Nam Việt Nam, ủy viên quân ủy Miền Nam Việt Nam phụ trách phong trào du kích chiến tranh  trong đó có nhiệm vụ tiếp tục củng cố và phát triển đội quân tóc dài làm nồng cốt trong lực lượng đấu tranh chính trị, trực diện bổ trợ cho quân chủ lực, quân địa phương tiêu diệt sinh lực địch.
Tháng 4/1974 Nguyễn Thị Định với quân hàm thiếu tướng là Trưởng đoàn đại biểu Mặt trận Quân đội, Hội Phụ nữ giải phóng Miền Nam ra thăm Miền Bắc, sau đó cùng đoàn dự Đại hội Phụ nữ Toàn quốc lần thứ 4 và đi thăm các nước trên thế giới.
Cô ba Định có 56 năm hoạt động cách mạng kiên cường, liên tục đã gắn bó với những chặng đường đấu tranh vô cùng oanh liệt của dân tộc. Với sự hy sinh cao cả đó bà được nhận nhiều huân, huy chương cao quý trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Thế giới, giải thưởng hòa bình quốc tế Lê Nin, Huân chương Giron của nhà nước Cuba và Nhà nước nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào 30/8/1995.
Để tri ân công lao đóng góp của bà đối với quê hương, đất nước ngày 26/12/2000 nhân dân Bến Tre đã khởi công xây dựng đền thờ Bà tại quê nhà và đưa vào phục vụ từ ngày 20/12/2003. Khu vực đền thờ rộng gần 15.000m2, cổng được xây dựng theo dạng cổng tam quan của đình làng nông thôn Việt Nam, trụ rào theo kiểu thức thống nhất của cổng, rào bằng thép thông thoáng có hoa văn trang trí ở phía trước. Đền thờ cao ráo, thoáng mát xây theo kiểu tứ trụ, cột tròn mái hai tầng chồng diềm uốn cong ở 4 góc, diềm mái đầu cột, đầu hồi có trang trí họa tiết. Đền có 3 cửa ra vào chung quanh có hành lang rộng. Trong đền thờ, tượng đồng chân dung vị nữ tướng trong trang phục áo bà ba khăn rằn quấn cổ, hình ảnh được người dân nhớ nhất khi nghĩ đến cô Ba được đặt trang trọng trên bệ đá hoa cương. Trước đền là sân lễ, cây kiểng được trồng chung quanh các công trình kiến trúc, các trục đường đi bộ  nối với những mảng cỏ xanh đệm ở phía trước tạo cho khu vực thêm vẻ mỹ quan. Ngoài đền thờ còn có phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu để minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà. Đây là một trong những công trình văn hóa điểm thêm một dấu son trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử của tỉnh nhà. Hằng năm vào ngày 28/7 (âm lịch) lễ giổ của bà được tổ chức long  trọng tại đây để tưởng nhớ công lao một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của nhà nước, một vị tướng quân gái của dân tộc Việt Nam.
* Di tích lịch sử Đền thờ và mộ thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng:
Nguyễn Ngọc Thăng quê làng Mỹ Thạnh, huyện Tân An, nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Năm 1848 Ông giữ chức Lãnh binh trong quân đội dưới triều Thiệu Trị. Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông đem binh ứng cứu, nhưng chưa kịp đến nơi thì thành bị hạ. Ông được lệnh đóng giữ phòng tuyến Kỳ Hòa, ở đồn Cây Mai. Do lực lượng quá chênh lệnh, sau một thời gian cầm cự, ông rút quân về Gò Công, cùng phối hợp chiến đấu với nghĩa quân Trương Định. Ngày 27-6-1866, ông bị trúng đạn, tử thương trong một trận giao chiến kịch liệt với Pháp. Thi hài ông được đưa về quê bằng ghe, quàn tại một con giồng nhỏ cách chợ Mỹ Lồng gần 1.000m. Sau khi ông chết, vua Tự Đức có phong sắc, áo mũ và một thanh gươm, nhưng vì chiến tranh nên những di vật này đặt ở đền thờ ông ở ấp Giồng Keo bị hư hỏng, thất lạc.
Đền thờ Ông trước đây là đình làng, thờ Thành hoàng bổn cảnh.Vào năm 1984, nhân dân địa phương đem bài vị của ông vào đình thờ như một vị thần đã có nhiều công lớn đối với đất nước trong việc chống ngoại xâm. Từ đó đình trở thành Đền thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng tọa lạc tại ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh, nằm bên cạnh đường tỉnh 885, cách thành phố Bến Tre 6,5 km. Ngày giỗ ông hàng năm là ngày rằm tháng 5 âm lịch.
* Di tích cuộc thảm sát 286 người của quân Pháp ở ấp cầu Hòa:
Di tích tọa lạc tại ấp Cầu Hòa -  xã Phong Nẫm - Giồng Trôm, cách thành phố Bến Tre 9 km theo đường bộ. Nơi đây, vào lúc 5 giờ sáng ngày 10-01-1947 (ngày 19 tháng chạp năm Bính Tuất), hai trung đội lính lê dương do tên thiếu úy Tây lai Leon Leroy chỉ huy theo đường sông từ An Hóa theo kênh Chẹt Sậy đổ bộ lên ấp Cầu Hòa và ấp Nhì càn quét vì nghi ngờ có Việt Minh đang trú đóng. Không tìm ra một chứng tích nào về Việt Minh,chúng quay ra nổ súng bừa bãi vào những người dân vô tội, giết chết 286 người, gồm phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già. Chúng đốt cháy hơn 100 ngôi nhà. Nhiều xác chết bị cháy thiêu. Có gia đình bị giết đến 17 người, có gia đình bị giết sạch không còn người nào. Đây là cuộc tàn sát có quy mô nhất và dã man nhất ở Bến Tre trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954).
* Di tích nghệ thuật Đình Bình Hòa:
Đình Bình Hòa nằm cạnh đường 885, cách thành phố Bến Tre 16km, có thể đến bằng đường bộ hoặc đường thủy. Đình Bình Hòa được xếp trong danh mục 20 ngôi đình lớn và đẹp của tỉnh Bến Tre, là ngôi đình cổ nhất ở cù lao Bảo. Những tài liệu còn lưu giữ ngôi đình tồn tại đến nay gần 200 năm. Đình được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 6 (1852). Ngôi đình có quy mô kiến trúc tương đối lớn còn giữ được đến ngày nay, không phải là dạng nguyên sơ của nó, mà đã được xây cất lại vào năm 1903. Hiện tại còn hơn 100 hiện vật điêu khắc gỗ tinh vi, sắc sảo, gồm những bức hoành phi, liễn đối, bao lam, phù điêu, hương án, đồ lễ bộ… được lưu giữ. Hằng năm vào rằm tháng giêng (âl) diễn ra lễ cúng đình lần thứ nhất và vào rằm tháng chạp (âl) lần thứ hai.
Về mặt kiến trúc trang trí bên trong cũng như những công trình nghệ thuật khác ở bên ngoài của đình, vẫn là sự kết hợp yếu tố nghệ thuật cung đình với nghệ thuật tôn giáo và được dân gian hóa ở mức độ nhất định. Đó là những đề tài lân, long, quy, phụng, chim muông, sen-cua, trúc-tước, nho-sóc, bần-cò v.v…
Đình Bình Hòa còn là chứng tích ghi nhớ những tội ác của đội quân UMDC của Léon Leroy (thời KCCP) và đặc biệt bọn “công an Ngô Quyền” trong những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” đẫm máu dưới thời Ngô Đình Nhiệm.
* Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống:
Trung tướng Đồng Văn Cống được xem là người anh cả của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre. Ông còn là thủ lĩnh du kích xã Tân Hào thời chống Pháp, Chi đội trưởng Chi đội 19, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 với những chiến công vang dội trên các chiến trường Bến Tre, Gò Công, Trà Vinh, Vĩnh Long. Thời chống Mỹ, ông là Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh Khu 8, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Để ghi nhớ công lao của Ông, Ủy ban  nhân dân huyện Giồng Trôm phối hợp với Sở LĐTB-XH tỉnh Bến Tre cùng chính quyền địa phương xã Tân Hào xây dựng công trình Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống - vị tướng bưng biền - một người con ưu tú của quê hương Đồng Khởi tại quê nhà của ông (ấp 6 - xã Tân Hào - huyện Giồng Trôm).
* Ngôi nhà của Nguyễn Văn Trác, nơi ở, làm việc của đồng chí Lê Duẩn:
Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác (thường gọi là Mười Trác) ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, là nơi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn đã ở và làm việc từ tháng 11-1955 đến tháng 3-1956, để chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam và tổng hợp tình hình và dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Nhà gồm 3 gian, hai chái bằng gỗ, xung quanh là vườn dừa, có lối thoát thuận tiện khi gặp biến cố. Đồng chí Lê Duẩn hàng ngày làm việc, ăn ở ngay trong căn buồng, có kê chiếc giường đôi, cạnh đó là một tủ đứng, bên trong bố trí thông với một hầm bí mật đào dưới đất. Việc canh gác theo dõi người lạ, địch bên ngoài đều do vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Trác đảm nhiệm.
Sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), đồng chí Lê Duẩn có về thăm lại ngôi nhà xưa, cùng những đồng bào, đồng chí cơ sở đã nuôi dưỡng, cưu mang và bảo vệ mình trong những ngày cách mạng miền Nam bị địch đánh phá khốc liệt. Ngôi nhà ngày xưa đã bị chiến tranh tàn phá, chỉ còn lại chiếc tủ đứng bằng gỗ làm hầm bí mật, hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Bến Tre. Ngôi nhà gia đình ông Mười Trác được hỗ trợ xây dựng lại, để ghi dấu một di tích của thời đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ.
* Đền thờ Phan Văn Trị: Phan Văn Trị, sinh năm Canh Dần (1830) tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, Trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre). Khoa thi Kỷ Dậu 1849, năm Tự Đức thứ 3, Phan Văn Trị đỗ thứ 10 trên 17 Cử nhân, năm ấy ông vừa tròn 19 tuổi. Với tài học đó, Cử Trị có thể ra làm quan, nhưng vì chán cảnh quan trường, buồn phiền vì thời cuộc cứ rối ren... Ông không ra làm quan, mà về sống đạm bạc bằng việc dạy học ở làng Bình Cách (nay thuộc TX Tân An, tỉnh Long An), sau tị địa về Vĩnh Long rồi về Phong Điền, Cần Thơ, vừa dạy học, bốc thuốc, vừa làm thơ… Đức độ và tài năng của Phan Văn Trị đã làm cho nhiều người cảm phục. Trong số đó có cai tổng Định Bảo tên là Lê Quang Chiểu  xem ông như một bậc thầy. Ông mất ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất (22 tháng 6 năm 1910) tại Xã Nhơn Ái (nay thuộc huyện Phong Điền, Tp Cần Thơ), thọ 80 tuổi. Tại xã Thạnh Phú Đông, quê hương Phan Văn Trị, đầu năm 1998, chính quyền huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) cũng đã cho xây dựng Đền thờ Phan Văn Trị.
*  Du lịch sinh thái Cồn Ốc (Hưng Phong):
Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, là cồn nổi lớn nhất trên sông Hàm Luông, có diện tích tự nhiên 647ha. Đến nơi đây cả đường bộ lẫn đường thủy đều thuận lợi (cách thành phố Bến Tre khoảng 12km). Ban đầu, nơi đây chỉ là một cồn nhỏ và thấp, có nhiều ốc bám vào các loài cây ngập nước trên nền phù sa, vì vậy mới có tên là Cồn Ốc. Vùng này, có nhiều loài cây ăn trái đặc hữu như: Dừa núm, bưởi da xanh... với chất lượng ngon hơn hẳn các vùng khác. Dừa núm trồng trên vùng đất cát phù sa của Cồn Ốc có độ ngọt đượm và nhiều nước hơn. Bưởi da xanh ở đây có múi sắc hồng, không hột, không the, vị ngọt đượm với vị chua dịu miệng, trái chín vẫn giữ trọn sắc xanh. Đặc biệt, một giống cây quý của Cồn Ốc, được xem như một thứ giải khát hiếm có là dừa dứa. Đây là giống dừa có nước và cùi đượm vị ngọt, thoảng hương lá dứa. Cây dừa dứa rất kén đất, chỉ thích hợp với vùng nước lợ, nước ngọt sẽ cho trái có vị chua, nước mặn làm trái bị nhỏ. Cồn Ốc chính là vùng đất đầu tiên ở Việt Nam trồng được giống dừa quý hiếm này.  
 Ngoài các loại dừa, Cồn Ốc còn có đa dạng các loại cây trái khác như: Cam, quýt, chanh, nhãn, Sapôchê…
Đến Cồn Ốc du khách còn hứng thú tham gia vào quá trình sản xuất để khám phá và trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làm từ cây dừa và đan giỏ cọng dừa.
Đến Giồng Trôm, du khách sẽ bắt gặp một số làng nghề truyền thống thường nghe nhắc đến như "Bánh Tráng Mỹ Lồng - Bánh Phồng Sơn Đốc". Du khách có thể hòa mình hay tận tay tham gia vào quá trình sản xuất để khám phá, nghiên cứu và trải nghiệm làng nghề truyền thống làm “Bánh phồng” tại ngã Sơn Đốc – xã Hưng Nhượng hoặc làng nghề “Bánh tráng” xã Mỹ Thạnh.
Giồng Trôm còn có chợ Chanh ở xã Lương Quới, nằm cặp tỉnh lộ 885 (cách Tp Bến Tre 12 km). Đây là chợ đầu mối mua bán chanh độc nhất vô nhị ở vùng ĐBSCL.
Du khách đến Giồng Trôm vào khoảng trước và sau tết Đoan ngọ (mùng tháng 5/5al), sẽ thưởng thức sản vật thiên nhiên trong các vườn dừa, vườn cây trái rất độc đáo đó là: “Nấm mối” xào nước cốt dừa lá cách hay xào muối ớt; nấm mối quấn lá cách nướng, lẩu nấm mối hay canh mướp, canh rau vườn nấu với mấm mối, bánh xèo mấm mối và món ăn kỳ thú “đuông dừa”….
Du khách có thể tham quan chụp ảnh đẹp:
Du khách mua quà lưu niệm hay đặc sản xứ dừa Bến Tre tại các đại lý ven tỉnh lộ 885 trên đường về thành phố Bến Tre. Du khách lưu trú qua đêm tại Khách sạn hay nhà nghỉ tại thành phố Bến Tre, để khám phá nét đẹp về đêm của vùng sông nước xứ dừa; thưởng thức các món chè nước cốt dừa đặc sắc, các món ăn dân dã, đồng quê tại các điểm ẩm thực ngoại ô thành phố Bến Tre.
Du khách có thể thuê những chiếc xe đạp để khám phá ngắm cảnh đồng quê về chiều tại vùng ven thành phố Bến Tre./.

1 nhận xét: