Có một loại cây công nghiệp với tên gọi đơn giản là "Dừa" được trồng phổ biến ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng có một điều bất kỳ ai đã từng đặt chân đến đây cũng phải công nhận không đâu trồng dừa nhiều bằng Bến Tre. Ở đây, cây dừa chiếm lĩnh vị trí hàng đầu, liên tục phát triển mạnh mẽ theo thời gian. Theo thống kê ở thế kỷ XX, Bến Tre có 4.000 ha trồng dừa thì hôm nay lên đến 63.000 ha; có được sự tăng trưởng về số lượng như vậy là do cây dừa vẫn là sự lựa chọn số một bởi nhiều yếu tố, trong đó phải nói đến tính kinh tế và khả năng thích ứng lớn trong biến đổi khí hậu như hiện nay. Nếu nói đến nguồn gốc cây dừa đến Bến Tre bén rễ từ lúc nào thì có lẻ không một ai có thể trả lời, chỉ biết rằng cây dừa là niềm tin, là khát vọng sống và niềm tự hào bao đời nay của người dân ba đảo dừa xanh, từ trong bom đạn đến thời kỳ phát triển công nghiệp trong đó có du lịch - ngành công nghiệp không khói đang được dần khẳng định.
Rừng dừa Bến Tre nhìn từ trên cao |
Dừa vươn lên từ trong bom đạn
Năm tháng có qua đi, dù chiến tranh tàn phá hay vì bất cứ khó khăn nào, dừa vẫn một mực thủy chung đi theo và phục vụ cho con người từ nơi ăn chốn ở, từ khi lọt lòng mẹ đến răng long đầu bạc, cây dừa vẫn tươi xanh, hiên ngang trong gió bão, sừng sững trước những trận càn quét của ngoại xâm,... Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cây dừa đã đóng góp không nhỏ trong kháng chiến chống kẻ thù, người dân và chiến sĩ dùng thân cây dừa để xây hầm tránh bom đạn; quân và dân ta sáng tạo, ứng dụng trong điều kiện khó khăn, biết sử dụng nhiều thân cây dừa dài, nặng kết thành “bè thần”, chờ nước rút mạnh thả trôi sông đánh sập cầu nhằm cắt huyết mạch giao thông của địch rất hiệu quả, ngăn chận quân thù từ thị xã Bến Tre đến các huyện Giồng Trôm và Ba Tri. Hay bộ đội địa phương thường leo lên ngọn dừa lão cao để quan sát, nắm bắt tình hình của giặc hoặc làm điểm “chém dè” lúc giặc ruồng bố... Nói chung, vườn dừa Bến Tre là địa bàn, là mặt trận mà quân và dân ta đã vận dụng sáng tạo đã từng là cơn ác mộng, là nơi quân thù khiếp sợ khi ruồng bố tại đây, bởi vì dừa đã làm tốt nhiệm vụ: “Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”.
Dừa hướng đến phát triển mai sau …
Dừa là loại cây có tuổi thọ sinh tồn tương đối dài, có cây sống đến 50 - 60 năm tuổi, cao gần 30 mét, tán lá rộng, cho ra trái quanh năm nên có nhiều công dụng: thân dừa thon, cao to sử dụng rất nhiều trong việc làm nhà ở, thích hợp làm cột nhà hay xẻ gỗ làm vách, lá dừa dùng làm mái che nhà, ngày xưa đây là những vật liệu rất được ưa chuộng một điển hình nhà ở nông thôn Tây Nam bộ. Trong cuộc sống thực tế dừa còn được ứng dụng làm ra một số vật dụng để sử dụng trong gia đình điển hình như đóng bàn, tủ, giường rất bền mà lại chắt, gáo của dừa dùng để mút nước hay tạo ra hiệu ứng âm thanh tựa như tiếng vó ngựa trong âm nhạc. Đây có thể coi là tiền đề cho sự phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sau này, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu khách du lịch đến Bến Tre mà còn xuất sang một số nước khác trên thế giới. Than hoạt tính làm từ gáo dừa là một ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, lấy nguyên liệu tự nhiên làm gốc, không gây ô nhiểm môi trường và sức khỏe nên đây vẫn là loại sản phẩm đầy tiềm năng, thu hút đầu tư. Ngoài ra mụn của trái dừa cũng làm được đất sạch xuất khẩu để trồng cây, một số ngành nghề thủ công như đan giỏ cọng dừa, sản xuất chỉ xơ dừa, bó chổi đã trở thành làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận bởi chính khả năng nhân rộng và tầm quan trọng trong việc nâng cao hiện quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân Bến Tre. Hàng loạt chuỗi dịch vụ đưa vào phục vụ du lịch như nghỉ đêm, cùng sinh hoạt chung tại nhà dân, chạy một vòng bằng xe đạp bên những hàng dừa hay du khách thử thách trèo lên cây dừa bẻ những trái dừa xiêm ngọt lành, rồi tự mình thưởng thức thành quả đó chính là yếu tố làm tăng thêm sự hấp hẫn, là chất kết dính giữa thiên nhiên với con người hay nói một cách khác chính là sự hoàn nguyện của cuộc sống.
Khách được thưởng thức nước dừa tại vườn |
Như vậy, khát vọng từ dừa không bao giờ là kết thúc bởi cây dừa Bến Tre gần như mang cả giá trị tinh thần vào cuộc sống con người, nuôi dưỡng khơi nguồn bao ý tưởng, nâng cao tính bền vững để phát triển. Rễ bám vào sâu vào lòng đất, thân thẳng đứng vươn cao, tán lá dang rộng chính là những gì mà người Bến Tre đang thể hiện và khẳng định như một lời chào mời đến với chúng tôi, vùng đất của dừa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét