Từ thành phố Bến Tre, xuôi theo quốc lộ 60 hướng đi Trà Vinh đến ngã ba chợ Thơm, rẻ vào khoảng chừng 500m, du khách sẽ đến với làng nghề sản xuất chỉ sơ dừa An Thạnh thuộc huyện Mỏ Cày Nam cách thành phố Bến Tre hơn 20km, người ta gọi làng nghề này với cái tên gọi thân thương là làng nghề “chỉ vàng”. Có thể nói, làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh là làng “làm giàu”. Có dịp đến với làng nghề này du khách mới cảm nhận được sự nhộn nhịp và sôi động, hầu như làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh hoạt động quanh năm không ngừng nghỉ; một sản phẩm du lịch làng nghề hấp dẫn.
Theo chân đoàn làm phim phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam (VTV3) qua hành trình khám phá du lịch “Bên dòng Hàm Luông” tôi mới có dịp về với làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh. Đến đây, ấn tượng đầu tiên là sự hiếu khách, nhiệt tình và cái chân chất của người dân nơi làng nghề. Chuyến hành trình khám phá làng nghề bắt đầu, công ty du lịch Nam Bộ đưa tàu chạy trên dòng sông Thơm thơ mộng mang nặng phù sa của tình đất và tình người nơi quê hương xứ dừa, như là một nhân chứng cho sự thăng trầm và phát triển của những con người cần mẫn bao năm gắn bó suốt đời nơi làng nghề này. Đập vào mắt chúng tôi, san sát hai bên vàm sông Thơm là các cơ sở lột dừa lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của những người thợ chuyên lột dừa. Từng ghe chở dừa chở đầy ắp dừa cặp bến; không khí bắt đầu hối hả, người chuyền, người đếm, chỉ không đầy 2 giờ một ghe đầy ắp dừa đã chuyển hết số dừa lên bờ, và những người thợ lột dừa luôn trong tư thế sẵn sàng cho công việc của mình. Ở đây, một điều đặc biệt là nghề lột dừa không những là đàn ông mà cả chị em phụ nữ .
Người nông dân cần mẫn với nghề lột dừa trên sông Thơm |
Người dân Bến Tre từ lâu đã biết sử dụng, sáng tạo các chế phẩm từ cây dừa như: thân dừa, gáo dừa, lá dừa,…. phục vụ vào các nghề thủ công truyền thống, đến xây dựng nhà ở, ẩm thực, các sản phẩm công nghiệp từ cây dừa; dừa được biến hóa ra nhiều sản phẩm rất phong phú và đa dạng. Nhưng đặc biệt, tại làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh là sản xuất ra những sản phẩm từ xơ dừa se lại thành chỉ để xuất khẩu sang các nước. Từ chỉ xơ dừa sản xuất ra nhiều loại khác nhau như chỉ nệm, chỉ xơ cứng, thảm dệt, chiếu thảm, thảm trải sàn,… còn phần mụn thì làm đất sạch để trồng cây. Hiện nay các sản phẩm này được xuất thường xuyên sang các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc,…
Làng nghề bên dòng sông Thơm đã giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những cơ sở lột dừa và thu mua dừa trái, phơi chỉ sơ dừa, nằm trải dài và nối liền suốt con sông Thơm, từng ghe chở đầy dừa ghé vào các cơ; chị Hồng Cúc một nhân công lột dừa ở An Thạnh- Mỏ Cày Nam cho biết: “Công việc của chị bắt đầu lúc 2 giờ sáng hôm trước đến trưa 12 giờ trưa hôm sau mới hoàn thành, trung bình mỗi ngày làm việc như vậy chị lột được khoảng 1.800 trái dừa, thu nhập khoảng 300-400 ngàn, công việc đòi hỏi phải vất vả và tốn rất nhiều sức nhưng chị cho biết, công việc này đã gắn bó với chị hơn mười mấy năm nay rồi, nên cái nghề cái nghiệp gắn với chị là vậy”.
Làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh lúc nào cũng nhộn nhịp và sôi động |
Đến với làng nghề chỉ sơ dừa, người dân phơi chỉ sơ dừa, trong cái nắng gay gắt 11 giờ trưa; hai bên bờ sông luôn tấp nập, nhộn nhịp những chiếc ghe chở trái dừa, vỏ dừa từ các tỉnh lận cận đến không khác gì một chợ nổi mua bán dừa trên sông. Những chiếc tàu chở dừa xuôi ngược khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh lân cận cùng nhau thu mua trái dừa, vỏ dừa chở về làng nghề cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất chỉ sơ dừa.
Phơi chỉ sơ dừa của người dân nơi làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh |
Tìm hiểu về về nghề phơi chỉ dừa, anh Đào Thanh Ngọc-Quản lý cơ sở lột dừa Hai Tiến chia sẻ: “Sau khi lột vỏ dừa xong, sẽ đem vỏ dừa vào máy đập vỏ dừa để cho ra chỉ; chỉ phơi nếu trời nắng tốt chỉ phơi trong ngày.
Ở làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh cũng có các vệ tinh lân cận làm theo các công đoạn, có hộ mua dừa trái về tách phần vỏ bán cho cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa, còn lại phân loại: dừa loại gáo lớn bán cho các tàu chở đi TPHCM, loại nhỏ hơn tách lấy cơm bán cho doanh nghiệp sản xuất cơm dừa nạo sấy, gáo dừa bán cho doanh nghiệp sản xuất than thiêu kết, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ dừa, nước dừa bán cho cơ sở sản xuất thạch dừa. Đến với xã An Thạnh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhà nhà, người người đều làm chỉ xơ dừa. Theo lời người dân xung quanh, nhờ làng nghề này mà cuộc sống của nhiều người dân ở đây khấm khá hơn, nhiều hộ gia đình trở nên giàu có và ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa mọc lên. Nghề làm chỉ xơ dừa có từ rất lâu, người dân ở đây thu nhập chủ yếu từ nghề chỉ sơ dừa, nghề chỉ sơ dừa đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đã góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đến nay, làng nghề xã An Thạnh có trên 90 cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa lớn, nhỏ nằm rải rác các ấp trong xã. Được biết, mỗi ngày, một cơ sở bình quân sản từ 3-4 tấn chỉ ướt. Những cơ sở lớn có trên 25 công nhân có thể sản xuất số lượng nhiếu hơn. Nghề chỉ sơ dừa không chỉ mang thu nhập cao cho chủ cơ sở mà còn cho cả người lao động do nhu cầu xuất khẩu về mặt hàng này ngày càng nhiều. Nhìn chung, làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh không chỉ tạo thu nhập và việc làm ổn định cho người lao động địa phương mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao sự phát triển kinh tế- xã hội xã nhà.
Với đặc tính là nghề nhàn rỗi nhưng thu nhập khá, nên nghề làm chỉ xơ dừa đang thu hút rất nhiều lao động nông thôn tham gia và nhiều gia đình đã vươn lên khá giả. Dọc hai bên sông Vàm Thơm bây giờ, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, những mái ngói đỏ ẩn hiện trong những rừng dừa xanh mướt và trĩu quả, cầu đường cũng được bê tông hóa đến tận xóm ấp. Giữa nhịp sống hiện đại, nhưng sự cần mẫn của những con người chân chất, nghĩa tình, vẫn đang gắn chặt với nghề chỉ sơ dừa như quê hương xứ sở; đó là sản phẩm du lịch làng nghề mà du khách thích tham quan trải nghiệm, nhất là khách quốc tế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét