Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; có sự phối hợp trách nhiệm giữa các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương. Phát triển du lịch cần có sự liên kết miền, liên kết vùng, khu vực; đặc biệt là liên kết giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch với nhau để tạo sức mạnh nhằm đủ sức cạnh tranh về việc thu hút khách du lịch về với từng địa phương của vùng trong một quốc gia. Đó là móc xích đặt ra đối với từng địa phương, đặc biệt là những nhà quản lý du lịch, những nhà làm du lịch và tất cả những người dân tham gia du lịch cộng đồng.
Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL theo hướng xây dựng sản phẩm du lịch ở cấp quốc gia nhằm tham quan trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa vùng ĐBSCL tại những địa bàn chính như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Long An nhằm khai thác phù hợp với thị trường khách quốc tế như: Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật, Hàn Quốc và thị trường khách nội địa từ TP.Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Đó là những nội dung chủ yếu của Đề án "Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long" (ĐBSCL) được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt theo Quyết định số: 194/QĐ-BVHTTDL, ngày 23 tháng 01 năm 2015.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết về liên kết phát triển du lịch cụm phía Tây ĐBSCL tại An Giang |
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam kết hợp với Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL thành lập hai cụm liên kết phát triển du lịch của vùng ĐBSCL; Bến Tre được nằm trong cụm phía Đông Duyên Hải ĐBSCL với 4 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh vào cuối năm 2013 và là Cụm trưởng năm 2014, Vĩnh Long Cụm trưởng năm 2015 và Tiền Giang Cụm trưởng năm 2016; sang năm 2017 sẽ đến Trà Vinh là Cụm trưởng. Dù không có nhạc trưởng điều hành hoạt động nhưng Cụm cũng đã có kế hoạch điều phối để phân công từng tỉnh thay làm Cụm trưởng đã đi vào hoạt động liên kết hợp tác xúc tiến ngày có chiều sâu. Đến năm 2015 Cụm phía Đông đã kết nạp thêm tỉnh Long An vào Cụm và lúc nầy cụm với thương hiệu "Năm địa phương Một điểm đến. Giữa năm 2016 Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL đã có quyết định kết nạp tỉnh Đồng Tháp vào Cụm; vậy tổng cộng phía Đông gồm 6 tỉnh.
Cụm phía Đông đã ra đời bản đồ du lịch chung vào năm 2015 và đầu năm 2016 Cụm đã có tập gấp thông tin tour, tuyến, điểm du lịch của năm địa phương (lúc bấy giờ chưa có Đồng Tháp) nhằm quảng bá một tour du lịch dài ngày với nhiều sản phẩm phong phú, không trùng lấp của vùng sông nước ĐBSCL mà Long An là Làng nổi Tân Lập, Vĩnh Long là sông nước miệt vườn, Bến Tre và sông nước Xứ Dừa, Tiền Giang là Cây trái Vĩnh Kim - Cái Bè và Trà Vinh là văn hóa Khmer; đó là những thương hiệu đặc trưng trong tour liên kết dài ngày khi du khách đến trải nghiệm và tham quan vùng sông nước ĐBSCL.
Cụm phía Tây được Hiệp hội du lịch ĐBSCL chọn là cụm du lịch trọng điểm, được quyết định liên kết từ năm 2008 gồm 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau, sau đó có thêm Bạc Liêu và đã trở thành thương hiệu "Bốn địa phương +". Năm 2015 Hậu Giang đã liên kết và đến 12/8/2016 thì địa phương cuối cùng của ĐBSCL đã được quyết định kết nạp theo tinh thần tự nguyện của tỉnh Sóc Trăng. Vậy 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã liên kết hợp tác phát triển du lịch thành hai Cụm đại diện vùng sông nước Đồng bằng của miền Tây Nam bộ.
Vấn đề liên kết thành Cụm cơ bản đã xong, mỗi Cụm xây dựng cho mình một sản phẩm đặc thù riêng có của từng Cụm, từng địa phương. Tuy nhiên sự liên kết hợp tác phát triển góp phần cho du lịch ĐBSCL phát triển, thu hút khách du lịch ở thị trường quốc tế, thị trường TP.Hồ Chí Minh, thị trường Thủ đô Hà Nội và thị trường miền Trung về với Vùng, với Cụm và với từng địa phương là vấn đề nan giải cần đặt ra để có giải pháp thu hút du khách và giữ chân du khách dài ngày tại ĐBSCL. Hiện nay việc liên kết vẫn còn bất cập vấn đề không đồng nhất giữa các Trung tâm Xúc tiến với nhau, có tỉnh là Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch; rồi Trung tâm Phát triển Du lịch, Trung tâm Quảng bá Du lịch, tất cả trực thuộc Sở VHTTDL. Bên cạnh đó Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch hay Trung tâm Thương mại- Đầu tư- Du lịch,... thì trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Thứ hai là bất cập về sự khác nhau của kinh phí xúc tiến của từng địa phương nên việc phối hợp chưa nhịp nhàng và đồng bộ trong từng Cụm.
Hai Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch có nhiều kết quả khả quan như về khách đến vùng ĐBSCL tăng, lượng khách lưu trú lại nhiều hơn so với lúc chưa liên kết và tổng thu từ khách du lịch theo báo cáo từng địa phương đều tăng. Hai Cụm đã tạo được sức mạnh, đồng lòng và quyết tâm trong phát triển du lịch. Các tỉnh cũng đã tổ chức các sự kiện tại địa phương theo chương trình hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2016 tốt; công tác xúc tiến, quảng bá được quan tâm hơn, phong phú và đa dạng hơn,...Ông Trần Việt Phường - GĐ sở VHTTDL thành phố Cần Thơ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phát biểu đánh giá công tác liên kết phát triển du lịch tại hội nghị tổng kết cụm phía Tây vào ngày 12/8/2016 tại An Giang.
Ông Đoàn Việt Phường - chủ tịch HHDL-ĐBSCL trao quyết đị kết nạp đơn vị cuối cùng của ĐBSCL vào Cụm phía Tây |
Vào ngày 9/8/2016 vừa qua, Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch do Chính phủ tổ chức tại Quảng Nam; Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phát triển du lịch cộng đồng, cần giáo dục người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng trong phát triển du lịch, cần tăng cường cởi mở nhiệt tình với khách du lịch, giữ môi trường xanh sạch đẹp để tạo ấn tượng trong lòng du khách và thu hút du khách nhiều hơn.
Ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính Phủ nhấn mạnh về phát triển du lịch Việt Nam cần quan tâm hai việc: một là sạch sẽ, hai là thái độ. Sạch sẽ về vệ sinh, về môi trường, về việc không ăn xin,... còn thái độ là việc nhìn và cư xử đối với du khách bằng sự thiện cảm từ trong các cơ quan quản lý nhà nước, từ các cơ quan Công an, từ cơ quan Hải quan, từ những người làm du lịch và từ cộng đồng dân cư. Ông cũng nhắc lại sáu điều làm khách du lịch sợ đến Việt Nam mà ai cũng nhìn nhận là: Giá cả chặt chém; Giao thông không an toàn; Ăn cắp, ăn xin; Không an toàn thực phẩm; Vệ sinh môi trường kém; Ứng xử chưa văn minh, lịch sự.
Chính vì thế mà việc liên kết phát triển du lịch cần xem lại từng cấp, từng bộ phận phải đặt ra cho mình một giải pháp hữu hiệu, chứ không phải chỉ nói chung chung rồi sơ kết, tổng kết mà hiệu quả chẳng bao nhiêu. Góc độ các phòng Quản lý du lịch cần phải tham mưu cho Sở VHTTDL từng địa phương kế hoạch điều phối và có kiểm tra, giám sát chặt chẽ những đầu việc cụ thể của năm, của nhiệm kỳ; bên cạnh đó cần phối hợp điều phối giữa Sở VHTTDL với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch (đối với tỉnh không có Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch trực thuộc Sở) thì việc thực hiện liên kết mới hiệu quả.
Việc liên kết của các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thực hiện cần phải cùng nhau khảo sát, xây dựng tour, tuyến, điểm tạo sản phẩm đặc thù cho cụm mà còn phải liên kết giữa Cụm với Cụm để làm sao du khách về vùng ĐBSCL không những lưu lại năm ba ngày của phía Đông mà phải thêm đôi ngày nữa ở phía Tây hay ngược lại. Vậy vai trò đồng hành của các Trung tâm cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các công ty lữ hành du lịch phải nhịp nhàng và năng động. Các doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành du lịch của các địa phương phải phối hợp liên kết với nhau như thế nào để mở rộng tour, tuyến từ Cụm Tây sang Đông và từ Đông sang Tây. Đó là điều quyết định việc liên kết phát triển du lịch của Vùng.
Riêng các đơn vị kinh doanh du lịch hay những người làm du lịch tại từng địa phương cần liên kết hợp tác với nhau như thế nào, điều kiện hợp tác ra sao, có liên kết chưa, đầu mối từ đâu,... đó là bài toán vỡ lòng để đi đến liên kết hợp tác xa hơn. Muốn giải bài toán nầy từng địa phương phải có Hiệp hội Du lịch và hoạt động tích cực, tập hợp đầu mối để cùng nhau trao đổi phương thức triển khai Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; học hỏi kinh nghiệm, giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Xoay quanh việc liên kết phát triển du lịch là tìm giải pháp để giải quyết được một số bất cập cơ bản trên thì việc khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương sẽ dễ dàng hơn, cũng như tham gia góp ý cho quy hoạch tổng thề về phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Tổng Cục Du lịch đã xây dựng và thực hiện./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét